Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016
Tội ác của Mao: Nhìn lại chính sách Đại Nhảy Vọt của Trung Quốc
Frank Dikötter
Phạm Nguyên Trường dịch
Máu trên đường ray: Bức ảnh Mao trên đoàn tàu
chạy qua tỉnh Sơn Tây, ngày 5 tháng 5 năm 1958
Ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tài liệu lưu trữ không phải là của nhân dân mà là của Đảng Cộng sản. Tài liệu lưu trừ thường nằm trong một tòa nhà đặc biệt trong khu văn phòng đảng ủy địa phương, tọa lạc giữa vườn cây xanh mướt và được cắt tỉa cẩn thận, có lính gác. Trước đây khoảng chục năm, không ai có thể tưởng tượng là có thể tiếp cận được với những tài liệu loại này; nhưng trong vài năm gần đây, đã diễn ra một cuộc cách mạng thầm lặng, các nhà sử học chuyên nghiệp có giấy giới thiệu ngày càng được tiếp xúc với nhiều hơn với những tài liệu được soạn thảo cách đây hơn 30 năm. Quy mô và chất lượng của tài liệu mỗi nơi mỗi khác, nhưng cũng đủ để làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thời kỳ cai trị của Mao.
Ví dụ, Đại Nhảy Vọt giai đoạn 1958-1962, khi Mao nghĩ rằng ông có thể đẩy đất nước của mình qua mặt các đối thủ bằng cách xua nông dân trên khắp cả nước vào những công xã nhân dân có quy mô cực kì hoành tráng. Trong quá trình theo đuổi thiên đường không tưởng đó, tất cả mọi thứ đều được tập thể hóa. Công ăn việc làm, nhà cửa, đất đai, đồ đạc và sinh kế của người dân đều do công xã cung cấp. Trong các bếp ăn tập thể, thực phẩm - được phân phối bằng thìa, tùy theo đức hạnh của từng người – đã trở thành vũ khí được sử dụng để buộc người dân phải tuân theo mọi chỉ thị của đảng. Vì động cơ lao động đã không còn, thay vào đó, ép buộc và bạo lực được sử dụng để buộc người nông dân đói khát phải làm việc trên những công trình thủy lợi được quy hoạch chẳng ra làm sao, trong khi đồng ruộng bị bỏ hoang.
Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông
Thảm họa khủng khiếp đã xảy ra. Từ các số liệu thống kê dân số được công bố, các nhà sử học đã ngoại suy ra rằng, hàng chục triệu người đã bị chết đói. Nhưng đến nay, nhờ những báo cáo tỉ mỉ của Đảng trong giai đoạn diễn ra nạn đói, người ta mới biết quy mô thật sự của thảm hoạ. Công trình nghiên cứu của tôi nhan đề Mao’s Great Famine: The History of China’s Most Devastating Catastrophe (2010) (tạm dịch, Nạn đói lớn của Mao: Lịch sử của thảm họa có tính tàn phá lớn nhất Trung Quốc - 2010), dựa trên hàng trăm tài liệu lưu trữ của Đảng mà cho đến lúc đó vẫn chưa ai nhìn thấy, trong đó có: những báo cáo bí mật từ Bộ Công an; biên bản chi tiết các cuộc họp của các cán bộ cao cấp của Đảng; phiên bản chưa bị xóa của các bài phát biểu của lãnh đạo; những cuộc khảo sát điều kiện làm việc ở nông thôn; điều tra những vụ giết người hàng loạt; những lời thú tội của những người lãnh đạo chịu trách nhiệm cái chết của hàng triệu người; những câu hỏi do đội đặc biệt biên soạn để tìm hiểu mức độ của thảm họa trong những giai đoạn cuối cùng của Đại Nhảy Vọt; những báo cáo về sự phản kháng của nông dân trong chiến dịch tập thể hóa; các cuộc điều tra bí mật về dư luận do cảnh sát tiến hành; đơn thư khiếu nại do những người bình thường viết; và nhiều tài liệu khác.
Hồ sơ đồ sộ và chi tiết này kể cho ta nghe câu chuyện kinh dị, trong đó Mao xuất hiện như một trong những kẻ giết người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nhân loại, ông ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 45 triệu người, đấy là mới nói trong giai đoạn từ năm 1958 đến 1962. Đây không chỉ đơn thuần là mức độ của thảm họa mà các tính toán trước đó đã không tính hết, mà còn là cách thức mà nhiều người bị giết: có từ hai tới ba triệu nạn nhân bị tra tấn đến chết hoặc đơn giản là bị giết, thường chỉ do những vi phạm nhỏ nhặt. Trong một ngôi làng ở Hồ Nam, một cậu bé chỉ lấy trộm một ít gạo, nhưng người lãnh đạo ở địa phương, Xiong Dechang, đã bắt cha chú bé chôn sống nó. Vài ngày sau, người cha đã chết vì đau khổ. Wang Ziyou là trường hợp được báo cáo với lãnh đạo trung ương: Hai tai bị cắt nhỏ, hai chân bị trói bằng dây sắt, rồi người ta thả hòn đá mười cân lưng anh ta, rồi sau đó lấy dụng cụ nóng đỏ khắc vào trán – chỉ vì anh ta đã đào trộm một củ khoai tây.
Cuồng sát
Giết hại có chọn lọc “những kẻ lười biếng”, “yếu ớt” hoặc những người làm việc không hiệu quả khác làm gia tăng số lương thực cung cấp cho những người dùng sức lao động của mình để đóng góp cho chế độ. Hết báo cáo này đến báo cáo khác cho thấy lương thực thực phẩm cũng đã được sử dụng như một loại vũ khí. Những người quá yếu, không làm việc được thường xuyên bị cắt khẩu phần. Người bệnh, người yếu và người già bị cấm lai vãng tới nhà ăn tập thể, vì cán bộ được câu châm ngôn của Lenin: “Ai không làm thì không ăn” khích lệ.
Như biên bản các cuộc họp lãnh đạo cho thấy, Mao biết quy mô của nạn đói. Tại một cuộc họp bí mật ở Thượng Hải, ngày 25 Tháng Ba 1959, Mao ra lệnh đặc biệt cho Đảng là mua đến một phần ba thóc gạo. Ông ta tuyên bố: “Khi không có đủ thức ăn thì người ta chết đói. Tốt hơn hết là để cho một nửa người chết đi để nửa kia có thể ăn no”.
Nhờ những tài liệu lưu trữ của đảng mà những sự kiện quan trọng khác thời Mao cũng đang được xem xét – đa số, do các nhà sử học Trung Quốc làm. Yang Kuisong, một nhà sử học ở Thượng Hải, đã rọi ánh sáng mới lên vụ khủng bố sau “giải phóng” vào năm 1949. Ông chỉ ra rằng cướp chính quyền bằng bạo lực thì cũng phải dùng bạo lực mới giữ được chính quyền. Gần một triệu người, bị coi là kẻ thù của nhân dân, đã trở thành nạn nhân của những vụ cuồng sát, trong đó, người dân bình thường cũng được khuyến khích tham gia. Trong những bản làng hẻo lánh, người đứng xem đôi khi được cắt thịt người chết và đem về nhà. Đảng tự đưa ra hạn ngạch về số người bị giết, nhưng số người bị giết thường lớn hơn, đấy là khi các vụ giết người hàng loạt có động cơ cá nhân và thù hằn truyền kiếp.
Những bằng chứng mới về cải cách ruộng đất, từng làm biến dạng khu vực nông thôn trong những năm 1950, cũng được xới lên. Nhiều làng không “địa chủ” đối đầu với “bần cố nông”, mà đúng hơn, đấy là các cộng đồng cố kết với nhau nhằm bảo vệ đất đai khỏi con mắt của người bên ngoài – nhất là nhà nước. Bằng cách lôi tất cả mọi người “vào những cuộc đấu tố” - trong đó, những người lãnh đạo làng xã bị lăng mạ, bị tra tấn và bị giết, trong khi ruộng đất và tài sản khác của họ được đem chia cho những người ủng hộ đảng - những tên lưu manh và khốn khổ ở địa phương - cộng sản đã lộn cơ cấu quyền lực từ chân lên đầu. Lưu Thiếu Kỳ, người đứng thứ hai trong đảng, phải vất vả lắm mới kiềm chế được bạo lực, như bức thư trong tài liệu lưu trữ ở Hà Bắc cho thấy: “Nói đến những biện pháp giết người, một số bị chôn sống, một số bị bắn, một số bị băm nhỏ, còn trong số những người bị bóp cổ hoặc bị tùng xẻo cho đến chết, thì cơ thể bị treo lên cây hoặc cửa ra vào”.
Chu Ân Lai - Hồ Chí Minh - Mao Trạch ĐôngCòn lâu mới minh bạch
Nhờ những bằng chứng lưu trữ vừa được công khai hóa mà hầu như không có một chủ đề nào không được khảo sát, mặc dù Cách mạng Văn hóa, nói chung, vẫn nằm ngoài giới hạn tiếp xúc. Ngay cả khi một khối lượng lớn các tài liệu gốc của Đảng đang dần được giải mật, nhiều bằng chứng quan trọng, trong đó có hầu hết tài liệu lưu trữ của Trung ương Đảng ở Bắc Kinh, vẫn bị giữ chặt. Số lượng đồ sộ các tài liệu mà một ngày nào đó có thể được đưa ra công khai được trình bày trong cuốn tiểu sử của Chu Ân Lai - thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - do Gao Wenqian chấp bút. Gao [Wenqian], một nhà sử học của Đảng, từng làm việc với một nhóm người trong kho lưu trữ trung tâm ở Bắc Kinh để viết tiểu sử chính thức của Chu [Ân Lai] trong nhiều năm, đã đưa lén những ghi chép của mình ra khỏi kho lưu trữ trước khi trốn sang Hoa Kỳ sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Vị thủ tướng được miêu tả trong cuốn tiểu sử mang tính đột phá của Gao [Wenqian], được xuất bản sau đó, không phải là người dịu dàng, một nhà ngoại giao lịch sự, như chúng ta thường nghĩ, mà là một nhân vật rất thủ đoạn, lúc nào cũng sẵn sàng quay sang chống lại bạn bè để leo lên. Gao [Wenqian] mô tả ông này là “con chó trung thành” của Mao. Và Chu không chỉ là người độc đáo trong việc sẵn sàng chấp nhận cho chủ làm nhục, như một cách để sống sót về mặt chính trị sau nhiều cuộc thanh trừng do Mao phát động: ông ta chấp nhận, như Gao viết, cầm “con dao giết người của Mao”.
Tại sao những tài liệu lưu trữ nhạy cảm này được giải mật? Câu trả lời ngắn gọn là cảm giác chung về thiện chí và minh bạch xuất hiện trước kì tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Từ đó đến nay đã bị thắt chặt đáng kể. Chúng ta cùng nhau hy vọng rằng thiện chí và minh bạch sẽ quay trở lại.
Frank Dikötter là tác giả cuốn The Cultural Revolution: A People’s History, 1962-1976 (Cách mạng văn hóa: Lịch sử của nhân dân), Bloomsbury, 2016.
Nguồn http://www.historytoday.com/frank-dik%C3%B6tter/looking-back-great-leap-forward
Đã đăng trên Dân Luận
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét