ĐÀO HIẾU
HIỆN NAY DƯ LUẬN TRÊN MẠNG XÔN XAO VỤ BỘ GIÁO DỤC VN SẼ CHO DẠY TIẾNG TÀU VÀ TIẾNG NGA TRONG NHÀ TRƯỜNG. CÓ VỊ CHỨC SẮC CAO CẤP LÝ LUẬN RẰNG HIỆN NAY TRÊN THẾ GIỚI CÓ MẤY TỶ NGƯỜI NÓI TIẾNG TRUNG, VÌ THẾ HỌC TIẾNG TRUNG LÀ HỢP LÝ.
ĐỂ XEM LẬP LUẬN ĐÓ ĐÚNG HAY SAI, MỜI CÁC BẠN ĐỌC BÀI SAU ĐÂY CỦA ĐÀO HIẾU. BÀI NÀY TÔI VIẾT CÁCH ĐÂY MẤY THÁNG NHƯNG TÍNH THỜI SỰ VẪN CÒN DÀI DÀI. XIN CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ QUAN TÂM.
*
NHỮNG BÀI HỌC TỪ ESPERANTO
Cách đây hơn 130 năm, một học giả, một nhà ngôn ngữ học Ba Lan tên là Ludwik Lejzer Zamenhof đã chắt lọc những tinh hoa của các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiến Pháp, tiếng Đức… để sáng chế ra một thứ ngôn ngữ vừa dễ học, dễ nói, dễ viết, lại rất khoa học, rất trong sáng… gọi tên là Quốc tế ngữ Esperanto. Trong khoảng thời gian 13 năm (từ 1872 đến 1885), ngôn ngữ Esperanto không ngừng được các học giả châu Âu, nhất là các tu sĩ công giáo La Mã hoàn thiện, trở thành một ngôn ngữ toàn bích, được nhiều người kỳ vọng là một ngôn ngữ chung của toàn nhân loại. Chẳng bao lâu loài người sẽ nói chung một thứ tiếng, viết chung một chữ viết, mọi rào cản ngôn ngữ trước đây sẽ không còn nữa, loài người hiểu nhau hơn, gần gũi và thân ái hơn.
Đó là giấc mơ đẹp của một thế giới đại đồng.
Thế nhưng giờ đây, sau hơn 130 năm, nhắc đến từ “Esperanto” có lẽ không mấy người biết nó là cái gì.
Theo kết quả điều tra của Liên Hiệp Quốc vào năm 1996 thì số người sử dụng Quốc tế ngữ Esperanto chỉ là khoảng từ 200 cho tới 2.000 người. Có khoảng 2 triệu người khác trải khắp 115 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ này như ngôn ngữ thứ hai của mình. Hai triệu người này đa số là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và các tu sĩ dùng Esperanto để… dịch Kinh Thánh.
Tại sao một công trình ngôn ngữ học đồ sộ như thế, chuyên nghiệp như thế, đầy tâm huyết và có mục đích cao đẹp như thế lại bị nhân loại lãng quên, bị ruồng bỏ một cách phũ phàng?
*
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta thử suy nghĩ về sự bành trướng như vũ bão của tiếng Anh, một ngôn ngữ được cả nhân loại chào đón, học tập, rèn luyện, nói, viết, đọc và nghiên cứu trên khắp mọi lãnh vực: khoa học, kỹ thuật, lịch sử, văn học, chính trị, tôn giáo, xã hội…
Từ già đến trẻ, từ trí thức tới bình dân, từ châu Âu, châu Mỹ cho tới châu Á, châu Phi, từ các đô thị văn minh hiện đại cho tới những làng quê hẻo lánh, từ đồng bằng cho tới những vùng cao nguyên núi đồi heo hút hay hải đảo xa xôi… đâu đâu người ta cũng học tập, rèn luyện tiếng Anh.
Tại sao vậy?
Câu trả lời cũng chẳng có gì khó. Dường như một đứa con nít cũng trả lời được: ngoài sự giản dị và trong sáng của nó, tiếng Anh còn gắn liền với một siêu cường quốc không chỉ về quân sự mà còn về khoa học, kỹ thuật, văn học, kinh tế, tài chính… đó là Hoa Kỳ.
Tất cả mọi quốc gia, tất cả những ai nếu muốn được văn minh hiện đại, nếu muốn được giàu mạnh, nếu muốn được phát triển… đều phải học tập Anh, Mỹ. Mà muốn học tập Anh, Mỹ thì phải thông thạo mọi kỹ năng của tiếng Anh như: Nghe, Nói, Đọc, Viết.
Quốc tế ngữ Esperanto bị ruồng bỏ vì sao? Đơn giản là vì nó đứng chơi vơi, nó không gắn với một siêu cường nào cả. Học Esperanto để làm cái gì? Có tài liệu, sách vở về khoa học kỹ thuật nào viết bằng tiếng Esperanto? Có công trình nghiên cứu y khoa, sinh học, hoá học, vật lý… tiên tiến nào viết bằng Esperanto? Có tài liệu về kinh tế, tài chính… nào viết bằng cái thứ quốc tế ngữ ấy không? Thậm chí đi du lịch mà nói tiếng Esperanto thì có ai mà nghe?
Cho nên một ngôn ngữ muốn phát triển thành Quốc Tế Ngữ, tất yếu phải gắn liền với một đất nước giàu mạnh và phát triển mọi mặt.
Esperanto chết yểu vì nó không dựa vào một sức mạnh nào cả. Nó không phải là chìa khoá để mở cánh cửa tri thức.
*
Bây giờ chúng tôi xin đề cập đến một lĩnh vực quan trọng hơn Espreanto rất nhiều: Đó là học thuyết chính trị.
Lấy học thuyết của Karl Marx làm ví dụ.
Nếu cuốn Tư Bản Luận của Marx không được lọt vào mắt xanh của Lênin thì nó cũng chỉ là một cuốn sách bị bỏ quên trong ngăn tủ đầy bụi bặm và chắc chắn là đã bị mối mọt đục khoét nát bét cả rồi.
May cho cái học thuyết ấy. Lênin đã đọc và đã tìm thấy một “cơ hội kinh doanh chính trị” giống như một doanh nhân tình cờ chộp được một ý tưởng làm giàu đâu đó trên trang rao vặt của một tờ báo lá cải. Lênin đã hiểu cuốn Tư Bản Luận theo cách riêng của mình. Nói trắng ra, ông ta đã lợi dụng cái học thuyết ấy để dụ dỗ đám dân nghèo cùng khổ, tập hợp họ, kích động họ, biến họ thành một sức mạnh, một lực lượng đáng nể, tiến hành thành công cuộc cách mạng Tháng Mười.
Khác với Esperanto, học thuyết chính trị của Marx đã dựa vào quần chúng lao động Nga, dựa vào cơ bắp của những người cùng khổ, dựa vào súng và lòng thù hận những thối nát của chế độ Sa hoàng. Và nó đã làm nên chuyện.
Nhưng học thuyết chính trị của Marx cũng bắt đầu lung lay vào những năm cuối của thập niên 1980 khi Gorbachov nhìn thấy sự tan rã “không gì ngăn cản nổi” của chính quyền Xô-viết. Vào thời điểm này thì số phận của chủ thuyết chính trị Mác-Lê bắt đầu giống như số phận của Esperanto: Nó đang mất chỗ dựa vào quần chúng.
Thế rồi ngày 26 tháng 12 năm 1991 nhà nước Liên-xô sụp đổ.
Sự sụp đổ ấy một lần nữa chứng minh rằng dù là “học thuyết ngôn ngữ” hay “học thuyết chính trị” thì muốn tồn tại và phát triển cũng đều phải dựa vào một sức mạnh vững chắc nào đó.
Ngày nay thì học thuyết chính trị Mác-Lênin đã hoàn toàn biến mất trên toàn thế giới, kể cả Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc và Việt Nam, vì thực tế, tại 4 quốc gia này, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ còn là cái tên gọi.
*
Sự tàn lụi của Esperanto và chủ nghĩa Mác-Lênin là một bài học lớn của nhân loại.
Thế mà hiện nay tại Việt Nam và hải ngoại, có một số trí thức tạm gọi là “lý thuyết gia” đang có tham vọng phổ biến những học thuyết của họ, hòng làm nền tảng tư tưởng chính trị cho dân tộc Việt Nam “hậu cộng sản”.
Tính tôi thích minh bạch, không ưa úp úp mở mở. Tôi nói thẳng là tôi rất chán chủ nghĩa cộng sản (điều này đã được thể hiện bằng rất nhiều bài báo ký tên tôi), nhưng tôi lại rất buồn cười khi biết có những trí thức đã bỏ bao nhiêu tim óc ra để lập những học thuyết “dẫn đường cho dân tộc Việt Nam hậu cộng sản”.
Vì sao?
Vì bài học Esperanto. Vì bài học Mác-Lênin. Hai thứ học thuyết ấy đã bị nhân loại ruồng bỏ vì nó không văn minh, không hiện đại và đầy ảo tưởng.
Không có cái gì có thể phát triển được trên sự man rợ, nghèo đói là lạc hậu.
Nếu như ngày xưa bi kịch của Trung Quốc là học thuyết Khổng Tử thì ngày nay bi kịch ấy lại chính là học thuyết Mác-Lê và cái gọi là Tư tưởng Mao Trạch Đông.
Tư tưởng Mác-Lê và Mao đã tồn tại được một thời gian vì họ có súng, còn tư tưởng của Khổng Tử thì vô cùng thảm hại. Khổng Tử cùng các học trò của mình lang thang hết nước này đến nước kia mà không ai dùng, có lần suýt chết đói, thầy trò họ rách rưới như những người ăn mày. Bữa kia, Nhan Hồi gặp một ông lão, ông này mô tả Khổng Tử “như một con chó mất chủ”.
Hỡi các ông trí thức rắp tâm xây dựng những học thuyết chính trị mới cho Việt Nam! Các ông hãy học bài học của Esperanto và nhất là bài học của Khổng Tử. Học thuyết của các ông sẽ dựa vào sức mạnh nào để tồn tại và phát triển?
Dựa vào dân ư? Tôi xin các ông. Dân tộc Việt Nam đã sợ chết khiếp các học thuyết chính trị rồi. Dân tộc Việt Nam không cần học thuyết nào cả. Đó là những món hàng xa xỉ. Đó là son phấn, là kem dưỡng da, là kem trị mụn, trị nám… Dân tộc Việt Nam cần khoa học kỹ thuật tiên tiến, cần những giải pháp kinh tế tài chính tiên tiến và thực dụng. Dân tộc Việt Nam cần cơm gạo, thịt cá, vải vóc, trường học và bệnh viện. Dân tộc Việt Nam cần tự do, dân chủ, nhân quyền.
Những thứ đó tìm ở đâu?
Xin thưa, khỏi cần tìm. Thế giới văn minh Âu Mỹ đã có sẵn. Chỉ cần một con gà luộc, bái họ làm sư phụ, họ dạy cho mà làm.
Cần gì phải mày mò sáng tạo. Những trò “chế tạo tàu ngầm của anh Hai Lúa” những trò “chế tạo xe tăng, máy bay trực thăng của anh thợ rèn, thợ điện” nào đó… xin làm ơn dẹp giùm tôi. Đó là những trò nhảm nhí. Đó không phải là khoa học kỹ thuật tiên tiến, đó là những đồ chơi xạo ke, chẳng được cái tích sự gì, chẳng có gì phải tự hào vì những thứ vớ vẩn ấy.
Sau thế chiến thứ 2, Hàn Quốc đã dẹp bỏ thù hận và lòng tự ái dân tộc để dịch nguyên chương trình sách giáo khoa của Nhật mà dạy cho lớp trẻ của dân tộc mình, nhờ thế mới có Samsung, LG, Hyundai, KIA Motors… ngày nay, nhờ thế mới có một Hàn Quốc vĩ đại ngày nay.
Nền sản xuất công nghiệp của thế giới hiện đại là một sự giao thoa, một sự trao đổi kỹ thuật và công nghệ giữa các nước. Tôi có đứa con gái là kỹ sư trong một hãng chế tạo máy bay phản lực ở Mỹ. Tôi có đến tham quan nhà máy ấy, mới biết rằng máy bay của họ xài động cơ nhập từ Anh quốc, hệ thống điện tử nhập tử Australia… cho nên tôi nghĩ rằng đối với các nước đang phát triển, thì trước mắt ta cứ chấp nhận dây chuyền lắp ráp của các nước tiên tiến, nhưng ta phải dần dần nắm bắt công nghệ sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế, tiến tới chế tạo sản phẩm công nghệ cao một cách hoàn chỉnh, làm tiền đề cho một nền công nghiệp tiên tiến.
Chúng ta cần học những công nghệ tiên tiến có sẵn. Không cần mày mò nghiên cứu (vì với trình độ dốt nát của ta thì chuyện đó tốn cả ngàn năm, chưa chắc đã ra cái con khỉ gì). Cương quyết dẹp bỏ những kiểu sáng tạo tào lao như “Hai Lúa chế tàu ngầm”.
Còn chuyện “chính trị” thì cũng thế thôi. Cần gì phải mày mò “chế tạo” ra các thứ học thuyết cao siêu, rắc rối. Cứ bê nguyên xi những khái niệm về tự do, dân chủ, nhân quyền, về tam quyền phân lập… của Âu Mỹ về mà xài. Nhanh gọn, tiện lợi. Chất lượng tuyệt hảo, chuẩn không cần chỉnh.
Chúng ta phải thực tế, phải thực dụng… may ra… may ra… Lạy Chúa tôi. Xin các anh “Hai Lúa học thuyết chính trị” đừng đem những cái “tàu ngầm triết học” về Việt Nam nữa. Con lạy các cha!
Kính bái! Kính bái!
ĐÀO HIẾU
(Bài viết này có thể làm mích lòng một vài người bạn của tôi, xin tha lỗi.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét