Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Mua Formosa Hà Tĩnh được không?



Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 21/7/2016, có hai bài viết về thảm họa Formosa tại Việt Nam cứ xoay vòng mãi trong suy nghĩ của tôi.


Vụ Formosa: Hà Tĩnh chỉ có một cá nhân nhận…
Xung quanh chuyện hoàn thuế của Formosa
Formosa, Alumin Nhân Cơ và bài học đắt giá về…




Cũng như đề nghị phi chính thống của Felix Kramer và Gil Friend đã nhắc đến ở trên, đã đến lúc chúng ta cần đề nghị một kế hoạch mua lại Formosa Hà Tĩnh.

Bài thứ nhất là Thị trường thép và Formosa của TS Vũ Quang Việt, nguyên là một chuyên gia thống kê thâm niên của Liên hiệp quốc.

Suốt hơn 20 năm qua ông đã có nhiều bài viết phân tích những bất trắc trong kinh tế và xã hội của Việt Nam. Lần này cũng vậy, ông chắt chiu những con số và ẩn số với những nhận xét rất súc tích.

Một phần kết luận phơi trần của ông: Formosa sẽ làm mọi cách để sống còn bằng cách đẩy ô nhiễm cho người Việt Nam và môi trường Việt Nam chịu. Kết luận này đã được minh chứng với hai lần Formosa cúi đầu nhận tội (không phải lỗi).

Bài thứ hai là Formosa Hà Tĩnh đã xâm hại các giá trị cốt lõi của Việt Nam như thế nào? của TS Lê Học Lãnh Vân. Ông xoáy thẳng vào bốn giá trị cốt lõi nhưng rỗng toét của Formosa về trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh.

Ông phê phán: Bảo vệ môi trường – trung thực và liêm chính – tôn trọng pháp luật – lòng nhân ái đã bị xâm phạm, xé rào… một cách ngang nhiên và ngang ngược.

Cũng như vậy, với hai lần cúi đầu nhận tội, Formosa xác nhận ngay từ ban đầu họ đã chuẩn bị và sẵn sàng vứt bỏ những chuẩn mực của những giá trị cốt lõi đó.

Bài viết của hai tác giả khiến tôi nhớ đến một bài viết khác cách đây hơn hai năm, ngày 11/3/2014, trên nhật báo The Guardian tại Anh. Đó là Thương vụ của Thế kỷ: Mua đứt ngành than của Mỹ với giá 50 tỷ Mỹ kim (Deal of the century: buy-out the US coal industry for $50bn) của Felix Kramer và Gil Friend.

Hai ông là chuyên gia người Mỹ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Phân tích ngành khai thác than tại Mỹ và những ngoại tác tiêu cực, hai ông đưa ra một đề nghị mang tính phi chính thống và cách tiếp cận lạ thường: Một nhóm người hùn vốn đầu tư 50 tỷ đô la Mỹ để mua tất các công ty đang khai thác than tại Mỹ, và rồi trong vòng 10 năm, đóng và dọn sạch tất các mỏ than.

Hai ông nhận định với 50 tỷ Mỹ kim đầu tư một lần này thì mỗi năm sau đó, theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ và trường Y của Đại học Harvard Mỹ, sẽ tạo ra những khoản tiết kiệm và ích lợi, cho xã hội và nền kinh tế có giá trị từ 100-500 tỷ Mỹ kim.

Đến thời điểm này, qua nhiều bài viết khoa học và thời sự trên các phương tiện truyền thông về thảm họa Formosa đã đọc, đã xem và tham khảo trong suốt mùa hè 2016 chúng ta đã cùng nhìn thấy một bức tranh ảm đạm với những cảm nhận đau buốt.

Phải nói ngay, dù những hiểu biết của tôi còn nhiều hạn hẹp về lĩnh vực ô nhiễm môi trường và kinh tế môi trường nhưng với mớ kiến thức căn bản và trải nghiệm nghề nghiệp, tôi vẫn mạnh dạn cho rằng Formosa Hà Tĩnh đang và sẽ là những khoản nợ xấu lớn đè nặng lên nền kinh tế và xã hội, nó không bao giờ là những món lời và ích lợi góp phần phát triển lâu dài và bền vững cho đất nước.

Những hệ quả thấy ngay trước mắt và ngắn hạn từ thảm họa Formosa đã phần nào làm cho sức tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, gây ra những xáo trộn xã hội đã và đang diễn tiến hàng ngày.

Những ảnh hưởng tiêu cực cùng những tiềm ẩn trung và dài hạn trong nền kinh tế, xã hội, đặc biệt tại bốn tỉnh miền Trung sẽ rất lớn, thậm chí sẽ lớn gấp nhiều lần so với những gì mà Formosa hứa hẹn đem lại trong suốt thời gian 70 năm hoạt động của nó.

Vì vậy, cũng như đề nghị phi chính thống của Felix Kramer và Gil Friend đã nhắc đến ở trên, đã đến lúc chúng ta cần đề nghị một kế hoạch mua lại Formosa Hà Tĩnh. Việc mua lại này có ba lý do chính trong nhiều lý do khác.

Thứ nhất, để chúng ta được sống tự nhiên với thiên nhiên “thở-ăn-uống”. Điều này trước tiên là dành cho cộng đồng người dân đang sinh sống chung quanh khu vực Vũng Áng và bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Kế tiếp là trả lại cho nền kinh tế này những yếu tố tăng trưởng được đóng góp từ những hoạt động kinh tế biển và ven biển đang bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.

Thứ hai, để không còn có một Formosa tại Việt Nam len lỏi lèo lái được hệ thống cấp phép với những đặc quyền vượt cấp, vượt ngưỡng hầu cho Formosa hưởng những khoản lợi nhuận thả trôi. Một khi có được lợi nhuận thả trôi thì Formosa đã và sẽ làm mọi cách để đẩy ô nhiễm cho người Việt Nam và môi trường Việt Nam gánh chịu. Nền kinh tế chúng ta còn quá yếu nghèo không cần phải gồng gánh thêm một thảm họa chưa từng có như thế.

Thứ ba, để là tiếng chuông thật lớn và vang thật xa hầu thức tỉnh những ai đã và đang có vai trò và trách nhiệm quản lý, bảo vệ những giá trị cốt lõi của hàng triệu đời sống của người lao động đang bị xâm phạm. Đó chính là để không còn một Formosa với cơ hội cúi đầu lần thứ ba.

Formosa bán không? Mua được không? Mua như thế nào? Mua giá nào? Vốn từ đâu? Cũng như hầu hết các thương vụ M&A lớn nhỏ trên thế giới, với Formosa chúng ta sẽ cân nhắc tính toán chi phí/lợi nhuận và chi phí/ích lợi của đề nghị này. Và dĩ nhiên chúng ta sẽ ưu tiên chú trọng chi phí/ích lợi trước chi phí/lợi nhuận.

Vâng, cho dù nền kinh tế vẫn còn nghèo và yếu, cho dù cơ cấu xã hội vẫn còn quá nhiều bất trắc và rời rạc, nhưng không vì vậy mà chúng ta phải chấp nhận và chấp thuận một Formosa với những hành động trực tiếp và gián tiếp tàn phá và hủy hoại môi trường sống tự nhiên trong một không gian rộng lớn.

Xét cho tường tận, thì việc mua lại Formosa rồi đóng nó lại là một giải pháp khôn ngoan nhất!

Lê Trọng Nhi
Giám đốc khối ngân hàng và thị trường vốn – Công ty Luật VCI Legal
Theo TBKTSG

1 nhận xét: