Liên tiếp trong hai tháng 8 và 9 năm 2016, những người bên đảng tung ra hàng loạt nước cờ vừa lộ vừa chìm, nhưng bước đi nào cũng có thể là cú đệm cho một chuỗi nước cờ quyết liệt sau đó nhằm hạ đo ván đối thủ.
Từ Quyết định 244 đến Thông báo 13
Cùng thời gian với chiến dịch “đánh từ dưới lên” mà “ví dụ đầu tiên là Trịnh Xuân Thanh” trên hai mặt trận tỉnh Hậu Giang và Bộ Công thương, ngày 17/8, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã ký ban hành Thông báo số 13-TB/TW thông báo Kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên, trong đó nội dung đáng chú ý nhất là “Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên”.
Một chi tiết đáng chú ý khác là ông Phạm Minh Chính dù là Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, nhưng khi ký thông báo trên chỉ được mô tả “thay mặt Ban Bí thư”.
Thông báo số 13 trên hầu như không làm cho tuyệt đại đa số nhân dân đầu tắt mặt tối lo kế sinh nhai phải quan tâm, nhưng lại được một số chuyên gia về các vấn đề nội bộ đảng rất chú ý.
Có một nét gì đấy mang tính liên tưởng và còn có thể còn thâm sâu “thuyết âm mưu” giữa Thông báo số 13 nói trên với một văn bản mà vào thời gian khoảng nửa năm trước khi Đại hội XII diễn ra đã khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “không nhúc nhích vào đâu được” và do đó đã bị đo ván quá đau đớn: Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Theo đó, đảng viên Nguyễn Tấn Dũng không được phép tự ứng cử hoặc nhận đề cử chức vụ tổng bí thư đảng nếu không được Bộ Chính trị đồng ý.
Còn bây giờ, dường như bắt đầu hừng hực không khí cho một cuộc chạy đua mới vào chức vụ tổng bí thư đảng, nếu ông Nguyễn Phú Trọng giữ đúng lời hứa trước Đại hội XII là sẽ chỉ “ở thêm” nửa nhiệm kỳ tổng bí thư.
Sau hai lần liên tiếp bầu bán và tuyên thệ trung thành đối với các chức danh chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội vào các tháng Ba và Bảy năm 2016, những ứng cử viên cho chức tổng bí thư đảng - theo xầm xì của dư luận ngoài lề - bắt đầu dần lộ diện: Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban bí thư, Trần Đại Quang - Chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng, và có thể cả Đinh La Thăng - Bí thư thành ủy TP HCM.
Và tất nhiên, không loại trừ Nguyễn Phú Trọng, nếu quả ông Trọng đang nuôi dưỡng “nguyện vọng cống hiến” không chỉ suốt nhiệm kỳ 12 mà còn “ngồi thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư” nếu còn Đại hội XIII.
Một số dư luận đang nêu câu hỏi là nếu Thông báo số 13 vào tháng 8/2016 về “tuổi đảng viên” là một nước cờ chính trị cao tay ấn tương tự Quyết định 244 vào tháng 6/2014 về “tự ứng cử”, bản thông báo này sẽ nhằm “chặn” ai?
‘Nhất thể hóa’ vì cạn tiền?
Đi đôi với Thông báo 13 là một chủ trương đang thành hình và có lẽ toát lộ nhiều thâm ý của những người bên đảng: “nhất thể hóa”.
Tháng 9/2016, ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đã có bài trả lời phỏng vấn khá dài cho trang VietTimes với nhan đề “Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu”.
Nội dung quan trọng nhất trong bài trả lời trên có lẽ là:
“Giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy dù của Đảng hay của Nhà nước làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, giảm mạnh số các đầu mối bộ máy và tổ chức, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông- nhất nguyên chế. Nói cách khác, từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu. Chẳng hạn, một vài cơ quan có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau, nên chăng tính toán nhất nguyên hóa tối thiểu ở 3 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị, theo phương châm: đa năng hóa bộ máy hay bộ máy đa năng.
Các thành viên của hệ thống chính trị thuộc Mặt trận Tổ quốc làm công tác dân vận (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...) có thể thuộc khối đa năng này. Chẳng hạn, văn phòng cấp ủy trùng lắp rất nhiều loại công việc với văn phòng chính quyền, hội đồng nhân dân, trước mắt có thể sáp nhập các văn phòng làm một, theo phương châm: một văn phòng phục vụ hai (ba) bộ máy”.
Như vậy, ý tưởng “nhất thể hóa”, hay cụ thể hơn là sáp nhập một số ban đảng với cơ quan chính quyền được phác ý tưởng từ hơn hai mươi năm trước, bắt đầu được thực hiện.
Nhị Lê lại là một trong những nhân vật phát ngôn chính yếu của Tổng Bí thư Trọng. Vào thời gian gần Đại hội XII, ông Nhị Lê cũng đã từng trả lời phỏng vấn về vấn đề “nhất thể hóa”. Xét về “dây”, ông Nhị Lê hiển nhiên là người của Nguyễn Phú Trọng từ khi ông Trọng còn là tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Nhưng tại sao chỉ đến giờ này đảng mới muốn “nhất thể hóa”?
Lý do bề mặt là “tinh gọn bộ máy”. Một nguyên do sâu xa là hội chứng cạn tiền.
Những minh họa hùng hồn về hội chứng trên, phát ra vào năm 2015, là Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau thâm hụt ngân sách trầm trọng, nợ khoảng 300 tỷ đồng và nhiều khoản nợ không biết lấy tiền ở đâu ra mà chi trả. Nhưng nghiêm trọng nhất là cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức. Trong khi đó và là “láng giềng” của Cà Mau, không chỉ thâm lạm về tài chính, Thành ủy Bạc Liêu còn bị bệnh viện đòi tiền và phát sinh đủ thứ hổ lốn.
Hội chứng “chúa chổm” của các cơ quan đảng đang lộ rõ, bắt đầu từ cấp địa phương và giờ đây lan tới khối trung ương. Với khối địa phương, “nạn nhân” đầu tiên là một số tỉnh thành nhỏ và dễ bị cắt ngân sách chi cho khối đảng lẫn chính quyền.
Sau “biến cố” ngân sách trung ương xuất hiện dấu hiệu cạn kiệt tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, không còn nghi ngờ gì nữa, 2016 là năm mà hầu bao khối đảng lẫn chính quyền bị thắt chặt nặng nề. Những địa phương có thói quen vung tay quá trán cùng nạn nhũng nhiễu tràn lan như Cà Mau sẽ trở thành nơi “vỡ hụi” đầu tiên. Tiếp sau đó có thể là một số tỉnh thành lớn hơn, kể cả TP HCM. Và cuối cùng, đơn vị được bao cấp ngân sách hoàn toàn và có ưu thế nhất về chính sách ưu ái là các cơ quan đảng ở trung ương cũng sẽ không thoát khỏi số phận bị cắt giảm chi tiêu.
Hàng năm, các cơ quan đảng chi tiêu đến vài ngàn tỷ đồng từ tiền đóng thuế của dân. Nhưng với xu hướng “nhất thể hóa” không thể tránh khỏi để tiết kiệm tiền, sẽ có bao nhiêu trong số hàng triệu công chức, viên chức “một lòng theo đảng” phải “ra đường”?
Tuy nhiên, cạn tiền có phải là nguyên do mấu chốt để đảng mưu tính phương cách “nhất thể hóa”?
Tổng Bí thư Trọng muốn trở thành… tổng thống?
Trước xu hướng về “nhất thể hóa” dường như đang được lập trình một cách “chậm mà chắc”, có quan điểm cho rằng thực trạng “khó khăn ngân sách” sẽ tác động không nhỏ đến chính trị và “đoàn kết nội bộ”. Xu hướng phân rã của khối đảng cũng vì thế sẽ được đẩy nhanh hơn, mà ngay trước mắt là việc thực hiện phương án “nhất thể hóa cơ quan đảng và cơ quan chính quyền” như một cách co hẹp quyền lực bên đảng.
Ở một chiều kích khá trái ngược, một quan điểm khác lại cho rằng đảng cầm quyền ở Việt Nam đang muốn tập quyền theo “mô hình Tập Cận Bình”. Những chỉ dấu về xu hướng này đã dần lộ ra, mà chủ yếu là dư luận nội bộ chê trách ông Nguyễn Phú Trọng đã “quên” lời hứa trước Đại hội XII là sẽ chỉ “ngồi” từ 1 đến 2 năm, sau đó nhường ghế cho người khác, và một số biểu hiện gần đây cho thấy Tổng Bí thư Trọng đang muốn vun vén quyền lực vào tay mình càng nhiều càng tốt, chẳng hạn ông đã là Bí thư Quân ủy trung ương nhưng vẫn “tự cơ cấu” vào Đảng ủy Công an trung ương như một cách “thống lĩnh các lực lượng vũ trang”.
Trong khi đó vào tháng 7/2016, với một động tác chưa có tiền lệ, ông Trương Minh Tuấn, người vừa được bổ nhiệm chức vụ bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, được Bộ Chính trị điều động kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Như vậy, ông Tuấn cùng một lúc vừa làm việc bên chính quyền, lại vừa là “người của đảng”.
Sang tháng 8/2016, ông Cao Đức Phát, người vừa thôi chức bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng vẫn được bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa 12, được bổ nhiệm là Phó trưởng ban Kinh tế trung ương.
Mô hình “nhất thể hóa” đang bắt đầu ứng nghiệm theo cách mà trưởng ban Tổ chức trung ương hiện thời là Phạm Minh Chính đã từng thí điểm khi ông là Bí thư Quảng Ninh.
Nếu giả thiết về mô hình “nhất thể hóa” là nhằm tăng cường xu hướng tập quyền cho đảng là không sai, người ta sẽ chứng kiến quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp mà còn mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng sẽ có một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ “lãnh đạo đường lối” thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền”.
Nếu đà “nhất thể hóa” là thuận lợi, bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết. Mô hình “đảng quản lý” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không cần đến chủ tịch nước.
Còn nếu “nhất thể hóa” thuận lợi hơn nữa, chức danh tổng bí thư có thể được “cho” kiêm chủ tịch nước như cách Tập Cận Bình ở Trung Quốc đang làm. Khi đó và về thực chất, nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư ở Việt Nam có thể chỉ một bước là nhảy sang mô hình cộng hòa phương Tây, nghĩa là trở thành tổng thống.
Đó cũng có thể là cách để ông Nguyễn Phú Trọng trở thành một “hành pháp Obama” như ở Hoa Kỳ, sẽ điều hành một nước Việt hỗn loạn ở độ tuổi gần tám chục mà chẳng cần đến vai trò của bất cứ thủ tướng nào.
Phạm Chí Dũng
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét