Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014
THƯ CỦA HÀ MINH THÀNH GỬI NHÀ VĂN PHẠM VIẾT ĐÀO
Anh Đào kính mến
Trước hết em xin lỗi anh Đào vì chuyện có dính líu đến em đã phiền đến anh.Thông tin về tên thật của em mà một bạn đọc của anh cho biết không sai. Em tên thật là…( P.V.Đ cắt bỏ đoạn này… ).Xin lỗi anh vì lâu nay em đã không dùng tên thật để trao đổi với anh mong anh thông cảm bởi vì cái nghề của em không muốn thông tin cá nhân bị tiết lộ ở những chỗ công cộng. Đúng ra em nghĩ rằng bữa hôm trước đã trả lời vụ lùm xùm về em rồi thì chắc xong chuyện, em cũng chán mấy chuyện dính líu đến vấn đề riêng tư cá nhân định im luôn cho xong, ai nghĩ sao mặc kệ với lại phóng viên Kỳ Duyên của báo Tuan VN trên Vietnamnet đã kể toàn bộ sự tình việc các nhân viên an ninh VN đến bắt nộp E-mail, ra lệnh gỡ bài có dính đến tên Hà Minh Thành cũng như cố giải thích cho cô ta rằng Hà Minh Thành chỉ là một nhân vật ảo không có thật. Sau đó chị ta đã can em rằng “Tôi hiểu anh và mong anh đừng nên quyết liệt” khi em định đính chính cho anh, vì lý do đó nên em đã im lặng, thôi không muốn nhắc đến. Nhưng mà vụ này Chu Xuan Giao cũng như nhân viên an ninh của VN đã quậy lung tung quan hệ đến danh dự của anh nên em phải trả lời. Hôm ngày 8 tháng 4 em có gửi cho anh một comment nhưng blog của anh không đăng được sau khi mấy đứa em làm bên Ban phòng chống tội phạm tin học lấy lại password giùm. Nội dung của comment đó nằm trong 3 vấn đề từ 1 đến 3. Bây giờ thêm đến vụ báo Đất Việt nữa thật là chán, không hiểu họ hằn học đến như vậy để làm gì. Thôi thì để em trả lời một lần thanh toán cho xong. Nội dung trả lời của em dưới đây của em nếu anh muốn đăng thì anh biên tập lại vì có những từ ngử mà trong nước em e lại trở thành “nhạy cảm” sẽ làm phiền đến anh. Thông tin về nhà báo Kỳ Duyên mong anh vui lòng đừng đăng vì em cũng không muốn làm phiền đến một người bạn tốt. ( Chủ nhật tuần vừa qua nhà báo này đã tìm gặp P.V.Đ và 2 bên đã ra Hồ Tây gần 2 tiếng đồng hồ trao đổi về chuyện Hà Minh Thành…và cả hệ lụy mà chị phải gánh chịu… )Cám ơn anh đã giúp em trong đợt vừa qua và cũng xin lỗi anh vì đã hồi âm cho anh trễ… Chúc anh và gia quyến vạn sự an khang. Hà Minh Thành
( Hà Minh Thành ký tên thật nhưng xin để nick name… )
Vấn đề thứ nhất:
Về vấn đề các tấm ảnh ở Núi Đất thì số ảnh này em đã gửi cho 3 người sau khi đi Núi Đất (Lão Sơn về). 3 người đó là Chu Xuân Giao, Hồng Lê Thọ và anh Đào. Chắc anh còn nhớ một lần em gửi comment cho anh đề cập đến chuyện này nhưng anh không quan tâm, mãi gần hơn nửa năm sau khi đến gần ngày giỗ của anh Tạo anh mới hỏi em để xin mấy tấm ảnh đặng viết một bài nhân ngày giỗ anh Tạo. Trước đó khi đọc comment của em trên blog của anh thì Chu Xuân Giao đã chủ động hỏi xin với lý do là để làm tài liệu nghiên cứu và em đã gửi cho Giao tổng cộng lần đó em gửi là 46 tấm và một clip phim video về chiến thắng Lão Sơn do quân đội Trung Quốc cung cấp mà đạo diễn Bành Trung Nghĩa nhờ em kiểm tra một đoạn thoại khoảng 15 giây cảnh một tù binh Việt Nam trả lời bằng tiếng Việt xem có đúng như phần mà người ta đã dịch ra tiếng Tàu trong phim hay không? Tấm hình khói lửa với chữ Tàu trên blog Hatena mà Giao công bố là cảnh mở màn của của clip phim này. Dĩ nhiên sau em thì Chu Xuân Giao là người có các tấm ảnh này trước. Sau đó một người quen của Giao giới thiệu gửi mail đến em tự xưng tên là Hồng Lê Thọ, một cựu sinh viên du học ở Nhật trước năm 1975 xác nhận em đã có thật đến Lão Sơn hay không và nếu có thì có thể cho xin các tấm hình em đã chụp mà Giao khoe hay không để anh ta làm tài liệu. Em lúc đó đã nghỉ rằng Hồng Lê Thọ là một đàn anh sinh viên thời trước nằm trong nhóm sinh viên tranh đấu ngày xưa ở Tokyo với Huỳnh Mùi, Trần Văn Thọ v.v..một đàn anh ít nhiều em cũng đã từng quen biết nên đã gửi cho anh ta, em gửi cho anh này 40 tấm. Trong số 46 tấm gửi cho Giao có 6 tấm bị nhầm không có dính líu gì đến Lão Sơn, mà là hình của một cô gái có tên là Tamura Emi, nhân viên hành chính của Sở cảnh sát Souka, cô ta đi chơi bên Mỹ và gửi về cho tụi em. Tấm hình cô gái ngồi bên chiếc xe trong hình của Giao chính là cô gái này , hình cô ta chụp ở một nơi gọi là Ghost Town trên đường lái xe đi từ California đến LasVegas chứ chẳng dính líu gì đến Trung Quốc cả. Có bạn đọc nào của anh Đào ở Cali nếu biết có địa danh này thì lên tiếng giùm. Sau Giao , Hồng Lê Thọ thì anh Đào là người thứ 3 em gửi các tấm ảnh này số hình gửi anh là 17 tấm vì có nhiều hình em nghĩ không cần thiết.
Còn bây giờ thì những tấm hình đó tại sao chạy lên Hatena blog của Nhật thì em cũng chịu, chỉ có thể suy đoán là một âm mưu hơi đê tiện mà em ít nhiều cũng nghĩ ra. Blog Hatena là một dạng blog mở của Nhật giống như blog Yahoo, ai cũng có thể đăng ký, việc đăng tải những bức hình lên với nội dung chú thích tiếng Nhật là việc không có gì khó, việc chỉnh sửa ngày tháng trong nội dung của link nếu đã có chủ tâm thì ai cũng có thể làm được. Không thể có chuyện ngẫu nhiên cùng lúc khi mà nhân viên an ninh VN bắt báo trong nước rút những bài có tên Hà Minh Thành, bắt buộc các phóng viên phải nộp E-mail, đồng thời với việc E-mail và blog riêng của em bị hack, những thông tin lưu trữ cũng bị xóa, cũng như những hình ảnh của núi Đất (Lão Sơn) được sắp xếp lên Hatena Blog và Chu Xuân Giao từ một người bạn hay tâm sự lung tung chuyện với em trở thành một người tráo trở. Trong 3 người nhận hình của em gửi thì chỉ có Chu Xuân Giao mới có 6 tấm hình em gửi nhầm của cô gái Tamura Emi và do đó nỗi hiềm nghi về người có tên Hồng Lê Thọ có thể bị loại trừ. Có thể Giao muốn so sánh thứ tự những tấm ảnh với chú thích trên blog của anh nên đã để lại mâu thuẫn đó là một cô gái Nhật cho dù là nhà thám hiểm cũng không thể nào huy động được 2 trực thăng của quân đội Trung Quốc để đến thám hiểm một căn cứ quân sự quan trọng của họ. Ngay cả tại Nhật nơi tự do tương đối thoải mái đi nữa thì chắn chắn không bao giờ có thể có chuyện một nhiêp ảnh gia nào đó có thể dùng trực thăng bay trên không phận gần sát các căn cứ quân sự của Tự vệ Đội Nhật Bản hay Mỹ để chụp ảnh chứ đừng nói đến những nước như Trung Quốc hay Việt Nam nơi vấn đề bảo mật quân sự được xem rất quan trọng. Câu chuyện chính phủ Trung Quốc bắt giam các nhân viên một nhà thầu xây dựng của Nhật vì lý do “đi lạc” vào một căn cứ quân sự của Trung Quốc sau vụ tàu cá Trung Quốc bị lực lượng Bảo an biển Nhật bắt giữ là một ví dụ.
Vấn đề thứ hai:
Về cá nhân mối quan hệ của em và Chu Xuân Giao thì em chính là người đã trực tiếp kiểm tra nhân thân của Giao khi chú ta được cảnh sát thuê làm thông dịch ăn lương theo giờ trong một vụ án ở Tokyo và Saitama. Bản thân Chu Xuân Giao khi tiếp xúc với em trong những giờ làm việc đầu tiên cũng không biết em là người Việt Nam. Có lẽ em cũng đã quên Chu Xuân Giao cũng như nhiều sinh viên được cảnh sát thuê làm thông dịch viên khác mà em từng kiểm tra để phòng ngừa thông dịch viên thông cung với nghi phạm hoặc tiết lộ thông tin điều tra. Nếu không có sự tình cờ khi em viết bài viết “Tu nghiệp sinh ơi, buồn thay thân phận của kiếp người Việt Nam” trong vụ phi công Đặng Xuân Hợp của VNA bị bắt thì Giao chủ động làm quen trên Blog và tự giới thiệu là cựu sinh viên của Đại học Tokyo, hiện đã về VN, đã từng làm thông dịch cho cảnh sát Nhật. Lời giới thiệu của Giao và hình của cậu ta đã khiến em lục lại lý lịch của Giao, thực ra thì Giao không phải là sinh viên của Đại học lừng danh số một của Nhật là Đại học Tokyo mà chỉ là sinh viên cao học của Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Hai trường này khác nhau. Mặc dù vậy em cũng không cần quan tâm, bởi vì với em trình độ xuất thân Đại học nào cũng được, trên thế giới ảo này Giao có nổ một chút cũng chẳng chết ai, miễn là em có người “bạn” biết sơ sơ về văn hóa của Nhật để buồn buồn tán dóc cho vui . Đây là cái sai và là một bài học trong đời của em mà anh Đào đã mắng rất hay “Chơi với chó bị chó liếm mặt”. Em chỉ muốn nhắn với Chu Xuân Giao rằng “Ông trời có mắt, người ta sẽ nhìn vào tấm gương tình bạn của Hà Minh Thành và Giao để đánh giá tư cách của Giao. Trên đỉnh Núi Đất (Lão Sơn) vẫn còn đó những thân xác vong hồn liệt sĩ VN chưa trở về với tổ quốc. Giao còn trẻ là người có học thức đừng nên vì chút lợi danh hão mà khiến họ những liệt sĩ đã đổ máu xương bảo vệ tổ quốc mất đi cơ hội được lên tiếng cũng như cơ hội trở về với thân nhân”.
Vần đề thứ 3 :
Nhân tiện tôi muốn nói với các đồng nghiệp an ninh ở VN rằng :"Đừng nên bỏ công truy tìm Hà Minh Thành cũng như cố chứng minh Hà Minh Thành là ảo vô ích. Lãnh tiền thuế của dân thì nên làm chuyện gì có ý nghĩa hơn. Còn muốn tìm rõ thân phận của tôi thì nên đến hỏi ông Uông Chu Lưu vì tôi là người được chỉ thị trực tiếp giải thích và bàn giao cho ông Uông Chu Lưu tất cả các tài liệu điều tra của vụ PCI khi ông qua gặp Bộ trưởng Tư pháp Nhật bởi vì tôi chính là người chỉ huy điều tra vụ PCI phần liên quan đến Việt Nam, là một cảnh sát tôi hiểu thế nào là vấn đề bảo mật, các anh không cần thiết phải lo sợ những điều bí ẩn đằng sau vụ án PCI phần liên quan đến Việt nam sẽ bị công khai.Còn nếu các anh muốn vì dân vì nước muốn công khai hết thì cứ làm tới đi,tôi sẽ hợp tác khi các anh thông qua ICPO yêu cầu cảnh sát Nhật hợp tác và tôi được cấp trên cho phép. Không chỉ vụ PCI, vụ Công ty cổ phần thủy điện Sông Bạc đang bị tình nghi dính líu đến Bộ Tài Chính VN như thế nào, vụ công sứ Nguyễn Minh Hà và quỹ đen ngoại giao đoàn liên quan tới 2 cái nhà máy điện hạt nhân sẽ xây ở VN ra sao, tôi sẽ công khai hết các băng ghi âm và tài liệu điều tra luôn cho, lúc đó tôi cũng như 80 triệu người dân Vn sẽ còn cảm ơn các anh nữa.".
Sẵn tiện cũng xin nhắn với các chú em nào đó ở Đại học Nagoya đã cố ý hack password và xóa hết các bài trong blog của tôi cũng như treo bùa chú Sinh tử lệnh quái gì đó thì nên cố gắng học hành, đừng để cảnh sát Aichi vô tới trường Đại học dắt đi giống như vụ cảnh sát Miyagi năm ngoái bắt mấy chú em VN học ở Đại học Đông Bắc thì khốn. Các bạn hữu trong Ban điều tra tội phạm tin học của Tổng nha cảnh sát đã dò ra đến IP của máy các chú xài trong trường với lần access cuối cùng vào 4h ngày 4/7 với password là "QinShiHuangA25Nhuvannhucuong" rồi đó. Kể ra các chú cũng giỏi nhưng mà nên nhớ là đang giỡn mặt với cảnh sát, ở đây là ở Nhật chứ không phải VN. Nếu tôi gửi thông báo hỗ trợ điều tra xuống cảnh sát tỉnh Aichi thì các chú vô hộp ngồi đó.Vấn đề thứ 4 :
Về bài báo của báo Đất Việt tôi sẽ trả lời như sau với từng đoạn mà phóng viên Khải Đơn nào đó nói đến. Phần Khải đơn nói trên báo Đất Việt là dòng chữ in nghiêng : Khải Đơn nhận xét: “Như tôi được biết qua thực tế sử dụng, sóng điện thoại luôn luôn song song với đường truyền internet. Nếu anh Thành không thể dùng điện thoại vì bị mất sóng, việc anh ấy liên lạc, reply thư liên tiếp cho các báo ở Việt Nam, thậm chí còn trả lời liên tiếp trên các blog và báo mạng... là điều phải xem xét lại”.
Tôi không biết nhà báo Khải Đơn là ai? Tuy nhiên việc cô ta cho rằng khi không gọi điện thoại cầm tay được với tôi thì đồng nghĩa với việc nơi tôi công tác không thể có mạng Internet là một sai lầm về kiến thức mà tôi không muốn gọi là dốt. Cô ta phải hiểu rằng ở Nhật các xe tuần cảnh của cảnh sát không phải đơn thuần là một chiếc xe mà bên trong nó còn là cả một phòng thí nghiệm và trung tâm kết nối xử lý dữ liệu thu nhỏ. Xe cho phép tất cả chúng tôi kết nối với Internet qua hệ thống vệ tinh riêng của cảnh sát để xử lý thông tin điều tra trong những lúc khẩn cấp như kết nối thông tin vào mạng của tổng nha cảnh sát hay tổng nha cảnh sát Tokyo để so sánh vân tay, thông tin về số xe cũng như thông tin về nhân thân nghi can, thậm chí một số xe đời mới có thể kiểm tra kết quả nước tiểu và hơi thở để xác minh nghi can có dùng ma túy hay rượu v.v.. hay không trong vài phút, ngược lại hệ thống internet qua mạng điện thoại cầm tay dùng các đài anten phủ sóng trong phạm vi từng 2km quanh đài và các hệ thống D-CUBIC. Trong vùng Minami-Souma nơi tôi công tác chỉ những nơi có các xe phát sóng di động của các hãng điện thoại đến gần thì mới có thể liên lạc điện thoại hay kết nối Internet vì hầu như tất cả các trạm anten của các hang điện thoại đều bị sóng thần đánh tan hoang, không sử dụng được.
Bên cạnh đó, trong bài viết của Hà Minh Thành có đoạn: “Thành phố Sendai kể như tan nát, ngoại trừ ĐH Tohoku do nằm trên núi nên không hư hại gì”. Trực tiếp đến thành phố Sendai, Khải Đơn khẳng định thành phố này không hề “tan nát”, chỉ có những hư hại rất hay xảy ra khi động đất như vỡ kính, nứt một số khu nhà, tuyến đường nội ô.
Về việc cô ta cho rằng Sendai không bị thiệt hại thì tôi cũng chịu thua, tôi không hiểu cô này có thực sự là nhà báo hay chỉ là kẻ giàu trí tưởng tưởng. Sau động đất toàn khu vực duyên hải của của Sendai, trong đó có cả phi trường Sendai là nơi thuộc vào diện bị thiệt hại nặng nhất sau cơn sóng thần mà Khải Đơn cho rằng không có thì chắc cô phóng viên này ngồi ở Việt nam viết báo. Cũng xin nói thêm ở Nhật nhà cửa được thiết kế chịu đựng được được động đất, bên trong trung tâm thành phố Sendai những nơi sóng thần không đánh tới thì mức độ thiệt hại rất ít, nhưng phía biển thì phải nói là tan hoang. Khải đơn có đặt chân đến những khu vực đó hay không mà dám khẳng định rằng thành phố Sendai không hề tan nát. Ngay sau cơn động đất và sóng thần tại quận Wakabayashi ở thành phố Sendai đã có 200 người chết, nhà cửa hầu như tan nát, phi trường Sendai sóng thần gây ngập nước toàn bộ tầng 2, hơn 1200 người bị kẹt tại phi trường , 58 người bị thiệt mạng xung quanh khu vực đó trong ngày 11/3. Ngay nhà ga chính của thành phố Sendai cũng bị thiệt hại tương đối nặng trong ngày 11.
Trong một chi tiết khác, Hà Minh Thành viết: “Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn, tôi lại hỏi thăm…”
Theo Khải Đơn, tại tất cả các trại cứu trợ ở các nơi mà blogger này tiếp cận được, không có ai thiếu quần áo và chăn màn và thức ăn do các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế ở khu vực ít thiệt hại và lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã nhanh chóng cung ứng mọi nhu yêu phẩm cần thiết. Chỉ có tình trạng người tập trung quá đông nên mọi người phải xếp hàng.
Không thể có tình trạng một em nhỏ 9 tuổi, chỉ có áo thun và quần đùi đứng trong đám đông mà không ai quan tâm cả. Với thời tiết dưới âm độ và tuyết rơi liên tục, cậu bé có thể gục chết vì viêm phổi cấp hoặc quá lạnh trong một thời gian rất ngắn.
Ngoài ra, tại tất cả các thành phố bị phá hủy mà Khải Đơn đến, cảnh sát không tham gia cứu trợ hay cứu nạn mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hoàn toàn đảm trách việc này.
Đọc đến đoạn này tôi chỉ muốn nói với phóng viên Khải Đơn một câu. “Khải Đơn hãy tự vấn lương tâm khi cầm viết”. Hiện tại cho đến giờ phút này tại các trại tỵ nạn người tỵ nạn vẫn còn phải chịu đựng rất nhiều thiếu thốn. Nếu Khải Đơn chưa có kinh nghiệm sống lâu ở Nhật thì đừng nên viết những lời dối trá như vậy. Cho đến ngày thứ 3 sau thảm họa, hệ thống đường cao tốc Đông Bắc bị sụt lỡ vẫn chưa được phục hồi, các tuyến quốc lộ khác dọc từ Saitama, Chiba trở lên Fukushima đều bị hư hại, cấm không cho dân chạy vào, các xe hàng cứu trợ đều phải dùng đến quốc lộ số 4 chạy một vòng rất xa ngang qua tỉnh Yamagata để vào vùng Đông Bắc, ngay cả xe tuần tra của cảnh sát hay Tự vệ đội nhiều xe cũng hết xăng để chạy. Hàng cứu trợ một phần đến được cũng không có xăng cho các xe tải nhỏ để trung chuyển đến các trại tỵ nạn cần cứu trợ. Không thể nói là được nhanh chóng cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết. Khi tôi gặp em bé Souma Haruo là gặp vào ngày thứ 3 sau thảm họa, khi đó đừng nói là người dân tỵ nạn ngay cả cảnh sát chúng tôi cũng còn phải chịu đói khát thê thảm trong lúc làm việc.
Trẻ em của Nhật ngay từ lúc đi học ở nhà trẻ đã được trui luyện về thể chất, chuyện trẻ con Nhật trong các nhà trẻ vẫn phải mặc áo thun cụt tay hay quần đùi, đi chân không mang vớ trong mùa đông mà phòng của các bé không có máy sưởi là chuyện rất bình thường tại Nhật. Người nào có con nhỏ gửi các nhà trẻ của Nhật thì biết. Một đứa bé 9 tuổi đứng dưới trời lạnh để xếp hang nhận thức ăn trong một thời gian ngắn vài mươi phút không bao giờ có thể gục chết ngoại trừ đứa bé đó chính là phóng viên Khải Đơn.
Còn thông tin Khải Đơn cho rằng cảnh sát không tham gia cứu trợ hay cứu nạn thì quá dối trá bởi vì chắc chắn Khải Đơn đã không có mặt ở đó. Để tôi trình bày cách cứu trợ cho nghe để mà biết không cần Khải Đơn phải tưởng tượng như vậy. Ngay trong vòng 72 giờ đầu tiên sau thảm họa, lực lượng cứu trợ chính là Tự vệ Đội, Cảnh sát, các đội cứu hộ của Sở cứu hỏa và các thành viên trong các lực lượng phòng cháy địa phương do dân tự lập mà âm Hán Việt gọi là Tiêu phòng Đoàn cũng như các thành viên của các đội thiện nguyện và thân nhân của những người mất tích. Do lực lượng Tự vệ đội đông hơn nên họ dàn hàng ngang đi trước để tìm người còn sống sót. Khi nào họ phát hiện thấy người chết thì lính của Tự vệ đội họ cắm cọc và treo cờ trắng ở bên cạnh thi thể còn nếu còn sống thì họ sơ cứu và cắm cờ đỏ. Đây là một cách rất hay để tiết kiệm thời gian cứu hộ trên một vùng rộng tan hoang gần như thoáng đãng đầy bùn và nước biển còn vương lại sau cơn sóng thần. Cảnh sát và các thành viên của Tiêu phòng đoàn đi theo sau nếu gặp cờ đỏ thì nhào vô hỗ trợ, phụ với Tự vệ đội đưa đi cấp cứu, nếu gặp cờ trắng với người chết thì nhiệm vụ của cảnh sát là phải làm các biện pháp nghiệp vụ để xác định nhân thân, lấy dấu tay, kiểm tra tài sản trên người, chụp hình vị trí nằm chết v.v..để thân nhân của họ sau này có thể truy tìm tung tích người thân. Có thể nói lúc đó thì ai còn sức có thể tham gia cứu hộ, cứu nạn đều có thể tham gia. Sau 72 giờ đầu tiên thì tình hình nhà máy điện nguyên tử Fukushima1 nguy hiểm, công tác của cảnh sát từ nhiệm vụ cứu nạn chuyển sang hỗ trợ dân di tản và duy trì an ninh vì sau 3 ngày bắt đầu xuất hiện tình trạng một nhóm nhỏ người Trung Quốc giả danh người thiện nguyện đi hôi của trên xác những người chết.Vấn đề duy trì an ninh buộc phải nâng lên mức độ cao. Cảnh sát chúng tôi không chỉ phải duy trì an ninh mà còn phải đảm nhiệm luôn phần mang lương thực đi phân phát cũng như lo việc hỗ trợ đưa đi cấp cứu cho các cụ già không chịu rời bỏ nhà đi di tản trong vùng bán kính nguy hiểm xung quanh nhà máy điện nguyên tử.Có thể nói là công việc rất nặng nề.Vần đề thứ 5
Tại sao an ninh VN phải vào cuộc truy tìm và cố chứng minh tôi là nhân vật ảo cũng như cố ý bôi nhọ nhà văn Phạm Viết Đào, tôi nghĩ có 2 lý do.
Thứ nhất tôi là người đã nêu lên chuyện Đại sứ quán VN tại Tokyo đã cho một số nhân viên và người thân bỏ chạy về VN trên chuyến máy bay đầu tiên của VNA sau khi phi trường Narita hoạt động trở lại. Tôi có được thông tin này thông qua các du học sinh cũng như một số người Việt đã gửi mail cho tôi hỏi ý kiến có nên bỏ chạy về VN hay không? Việc Đại sứ quán cho thân nhân và nhân viên bỏ chạy đã khiến cho nhiều người Việt ở Nhật hoảng loạn bỏ chạy theo về VN mà không ít trong đó không kịp xin luôn cả giấy cho phép trái nhập quốc để quay lại Nhật. Sau khi kiểm tra thông tin những người Việt xuất quốc khỏi Nhật ở phi trường Narita ngày hôm đó qua hệ thống mạng nội bộ của cảnh sát tôi xác định thông tin đó không sai vì có rất nhiều người VN dùng hộ chiếu ngoại giao. Là một người ở Nhật đã lâu , tôi hiểu sự kỳ thị của xã hội Nhật sẽ dành cho những kẻ bỏ chạy như thế nào, nên đã gửi một E-mail cho báo Vietnamnet nhờ đăng với lời kêu gọi người Việt ở Nhật hãy bình tĩnh, cũng như báo chí VN nên đăng tải những thông tin về thảm họa ở Nhật một cách chính xác và không nên cường điệu quá mức để khỏi gây bất an cho thân nhân của họ ở VN. Việc tôi đăng thông tin này đã khiến Đại sứ quán VN ở Tokyo tự ái. Đây là nguyên nhân chính họ phải cố “đập” cho tôi thành nhân vật ảo và câu chuyện em bé Souma Haruo tôi kể cho nhà văn Phạm Viết Đào là câu chuyện bịa của nhà văn. Nhân tiện ở đây tôi cũng xin lỗi các nhân viên của Đại sứ quán còn ở lại đã đưa xe lên Sendai giúp đưa các du học sinh bị kẹt ở đó trở về Tokyo vì tôi đã trách nhầm các anh. Việc tôi trách các anh không lo cứu giúp người Việt trong vùng thảm họa là do tôi đã cố gắng liên lạc với các anh nhưng không được, cũng như bản bộ cứu nạn tại vùng Fukushima cho biết không có nhân viên Đại sứ quán VN nào đến tìm người bị nạn VN ở đó. Tôi nghĩ các anh nên rút kinh nghiệm qua vụ này trong công tác bảo hộ công dân, trong những trường hợp khẩn cấp như vậy nếu nhân viên Đại sứ quán không có mặt tại hiện trường để yêu cầu giúp đỡ thì cảnh sát địa phương họ không có lo tìm giúp đâu. Việc nhân viên Đại sứ quán Singapore và Nam Dương có mặt ngay ngày sau tại vùng thảm họa với danh sách thông tin công dân của họ nhờ chúng tôi phải hỗ trợ tìm kiếm và giúp họ di tản công dân của họ là một kinh nghiệm hay mà các anh nên học.
Nguyên nhân thứ hai :
họ muốn bôi nhọ tôi vì theo tôi do vô tình trong lần công tác này tôi đã để lộ thông tin mình là cảnh sát. Bôi nhọ bằng cách vu cáo tôi là đặc vụ của Nhật, truy tìm các thông tin cá nhân của tôi bằng cách hack E-mail, xóa trang blog cá nhân của tôi v.v..Bởi vì vô tình họ khám phá ra tôi chính là người đã chỉ huy điều tra vụ án PCI phần liên quan đến VN. Mà vụ án này đến giờ ở VN những bí mật cũng như kết quả chính xác trong quá trình điều tra dính líu đến các nhân vật ở VN của vụ án cũng chưa hé lộ.Họ lo ngại tôi có cơ hội tiếp cận báo giới trong nước và những thông tin quan trọng cần giấu diếm sẽ bị lọt ra ngoài mà không hiểu rằng với phía Nhật vụ án đã xếp xó và tôi là một cảnh sát thì theo luật bảo mật của Công vụ viên tôi không bao giờ có thể để lộ hết thông tin điều tra ra ngoài. 4 năm nữa tôi về hưu không còn dính líu tới cảnh sát thì tôi viết hồi ký về mấy vụ này chơi không chừng. Về việc cho tôi là Đặc vụ và làm sao thỉnh thoảng đi theo các nguyên thủ VN khi sang Nhật thì cũng là chuyện bình thường thôi. Ở Nhật chỉ có 3 người Việt duy nhất tham gia lực lượng cảnh sát. Hai người ở Tổng Nha cảnh sát Tokyo và tôi ở Bản bộ cảnh sát tỉnh Saitama. Thỉnh thoảng mỗi khi có nguyên thủ hay quan chức cao cấp của VN sang Nhật thì lực lượng SP của Tổng Nha cảnh sát Tokyo sẽ trưng dụng 3 đứa tôi đi theo để bảo vệ cũng như trong trường hợp Bộ Ngoại Giao không tìm kịp ra thông dịch viên giỏi thì chúng tôi cũng kiêm luôn công tác thông dịch hoặc phiên dịch sau sự cố ông Đỗ Mười sang Nhật bị dân Việt nam ở đây chặn đường ném trứng do bị lộ hết lộ trình bởi người thông dịch viên khi đó là một thành viên của Mặt trận quốc gia giải phóng Hoàng Cơ Minh tức là Đảng Việt Tân đã báo ra ngoài cho các thành viên của Hiệp hội người Việt. Dĩ nhiên đẳng cấp của đặc vụ SP và cảnh sát quèn công vụ viên địa phương như tôi khác nhau xa lắm. Cũng cho tôi nói them trên trang mạng Anhbasam có thông tin có người cho rằng đã gặp và nói chuyện với tôi trong một phái đòan nào đó ở Cần Thơ chỉ là chuyện bịa đặt . Vấn đề thứ sáu
Về chuyện thằng bé Souma Haruo thì như tôi đã nói câu chuyện thằng bé là một câu chuyện rất xúc cảm với tôi khi đó và tôi đã tâm sự cho nhà văn Phạm Viết Đào nghe chơi. Chính tôi cũng không ngờ là câu chuyện thằng bé đã gây đến cho tôi nhiều rắc rối từ cả 2 phía Việt Nam và Nhật. Tôi đã bị giám đốc Sở cảnh sát cảnh cáo về tội đã tự ý hành động cũng như lạm dụng mạng kết nối nội bộ của cảnh sát và bắt buộc viết báo cáo giải trình cho Vụ Việt Nam, Ban Châu Á, Bộ Ngoại giao sau khi bà Hashizume Ayami của Bộ ngoại giao gọi đến cho giám đốc Sở của tôi kể về câu chuyện và yêu cầu tôi phải giải trình báo cáo về thông tin của cháu bé Souma Haruo bởi vì vô tình qua bài viết của tôi đã được ai đó dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp đã khiến cho nhiều người ngoại quốc ở Mỹ , Pháp, Philippin và cả Việt Nam quyên tiền gửi tặng đã khiến cho các nhân viên Đại sứ quán tại các nước sở tại bối rối vì họ không biết thông tin gì về đứa nhỏ. Cũng may nhờ vào sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở cảnh sát tỉnh Kanagawa, tôi cũng đã tìm ra lại cháu. Hiện tại Souma Haruo đang sống với một người cô ở quận Asahi, thành phố Yokohama.
Trên đây là những điều tôi trả lời các nghi vấn cho nhà văn Phạm Viết Đào cũng như đối chất với báo Đất Việt. Tôi cũng quá chán những chuyện lùm xùm không đáng có và hy vọng đây là lần trả lời sau cùng.
Hà Minh Thành.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét