Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Nhật ký thăm viếng lần thứ tư


Kha Lương Ngãi

Thực tình tôi không muốn viết “nhật ký thăm viếng” lần thứ tư. Nhưng rồi tôi lại viết vì trân quý đôi chút điểm sáng đang lóe lên!

Cuộc thăm viếng lần thứ tư diễn ra lúc 9 giờ và kết thúc ngắn gọn chỉ sau gần 60 phút của buổi sáng ngày 25/11/2014. Thành phần khách vẫn là Đảng, Đoàn thể, Hội cựu chiến binh cấp phường (có 02 vị là cán bộ hưu trí trung cao cấp, không có công an khu vực và không có Thường vụ Quận ủy, Trưởng ban Tuyên văn giáo Quận ủy dự như cuộc thăm viếng lần trước).

Khách chủ động mở đầu cuộc viếng thăm: Xin lỗi, hôm nay chúng tôi đến thăm anh lần nữa vì muốn nghe thêm ý kiến của anh về những vấn đề mình cùng quan tâm trao đổi cách nay không lâu (8/11/2014).

Tôi (chủ nhà) đáp: Những gì tôi, quý anh và các cấp lãnh đạo quan tâm, âu lo, mình đã nói với nhau hết ý từ ba cuộc gặp đã qua rồi mà?

Khách: Nhưng vẫn cần gặp vì vẫn còn lo!

Chủ nhà: Tôi được quan tâm đến vậy sao? Hay là có điều gì hệ trọng đến nỗi chúng ta phải gặp nhau liên tục như thế này?

Khách im lặng khá lâu, chủ nhà đành phải tiếp:



Thưa quý anh chị!

Tôi đã từng bộc bạch trong ba lần thăm viếng trước đây với quý anh chị, nay xin phép nhắc lại: Chính vì lo sợ “mất nước, sụp đổ chế độ”, nên 61 Đảng viên cộng sản yêu nước cấp tiến mới gởi “Thư ngỏ” góp ý, thúc giục Đảng chuyển hóa hòa bình từ “Đảng CSVN độc tài, toàn trị” trở thành “Đảng CSVN dân chủ”. Vì chúng tôi hiểu rằng: Chỉ có “Đảng cộng sản dân chủ” mới có thể đoàn kết được toàn dân, mới tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính phủ các nước dân chủ, văn minh, tiến bộ trên toàn thế giới. Và chỉ có như thế thì mới ngăn chận được tham vọng bành trướng của Bắc Kinh xâm lược, mới cứu được nước, cứu được Đảng. Chúng tôi hoàn toàn thành tâm, thiện chí như thế, nhưng không hiểu vì sao quý anh chị cứ phải “làm nhiệm vụ” gặp tôi liên tục như thế này?

Im lặng khá lâu, rồi một vị khách - Bí thư Đảng khu phố, nguyên là trung tá QĐND VN nói:

Mặc dù nhóm “Thư ngỏ 61” của quý anh đều là những đảng viên lão thành, ưu tú, trung kiên, có thiện chí xây dựng Đảng, nhưng cũng tại vì quý anh có “cái dở” là góp ý xây dựng Đảng mà lại đòi “đa nguyên, đa đảng” - Tức là đòi phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng. Thử hỏi, Đảng bị phủ định thì lấy ai lãnh đạo đổi mới, chống tham nhũng và chống giặc ngoại xâm? Và đâu phải “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới có tự do, dân chủ?

Tôi phải đáp:

Vấn đề này mấy lần gặp trước tôi đã phát biểu, nay xin phép nhắc lại: Thực tiễn ở các nước XHCN như Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, CuBa... đã chứng minh quá rõ hậu quả tệ hại của căn bệnh “độc tài, toàn trị” là căn bệnh nan y đã dẫn đến Đảng CS phải bị tan rã, nhà nước bị sụp đổ; nếu chưa bị tan rã sụp đổ thì nhân dân phải sống cảnh bị áp bức, nô lệ, tủi nhục, đói khổ, lầm than. Riêng ở Việt Nam thì hậu quả của căn bệnh “độc tài, toàn trị“ càng rõ ràng hơn: Vì muốn duy trì “đảng độc tài, toàn trị” mà chính quyền Việt Nam đã phải chịu quy lụy, nhẫn nhịn kẻ thù Phương Bắc xâm lược để mong được đứng dưới cái ô bảo hộ của họ. Vì để duy trì chế độ “độc tài, toàn trị” đương nhiên dân chủ trong Đảng bị thủ tiêu. Và “độc tài, toàn trị” tất yếu dẫn đến tham nhũng, áp bức, bóc lột nhân dân.

Vì thấy quá rõ hậu quả nặng nề mà đất nước, nhân dân phải gánh chịu bởi cái họa “độc tài, đảng trị” như vậy, nên nhóm “Thư ngỏ 61” đã bất chấp hiểm nguy, chân thành góp ý, thúc giục chuyển hóa hòa bình “Đảng CSVN độc tài toàn trị” trở thành “Đảng CSVN dân chủ”, vì chỉ khi nào Đảng trở nên dân chủ thì Đảng mới có thể tự hoàn thiện và trở nên ưu tú hơn trong “hệ thống chính trị đa nguyên”. Và dĩ nhiên khi ấy, Đảng sẽ tiếp tục cầm quyền và lãnh đạo thắng lợi công cuộc đấu tranh chống “thù trong giặc ngoài”.

Thật tình mà nói: Nhóm “Thư ngỏ 61” rất lo sợ Đảng và chế độ sụp đổ, nên không hề có cái chuyện nhóm “Thư ngỏ 61” muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhóm “Thư ngỏ 61” đều là những người gắn bó gần hết cuộc đời với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nên chỉ muốn Đảng tốt hơn, mạnh hơn, hoàn thiện hơn để tiếp tục cầm quyền, lãnh đạo – Mà muốn được mạnh hơn, tốt hơn, hoàn thiện hơn thì chỉ khi nào Đảng trở thành Đảng cộng sản dân chủ thực sự.

Điều đáng mừng là quá trình chuyển hóa hòa bình theo xu thế Đảng sẽ dân chủ hơn đang tiệm tiến từng ngày ngay trong nội bộ Đảng. Chứng minh cho diễn biến đáng mừng này là Thông điệp 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vang lên tín hiệu dân chủ (đáng lẽ ra Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội phải cùng đồng tâm, hiệp lực biến thông điệp đó thành đường lối của Đảng, ý chí của toàn dân, nhưng lại không, và tệ hơn nữa, nó còn bị trì kéo, trở thành “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” do tình trạng phe phái). Tuy nhiên, gần đây cũng đã có những tín hiệu khả quan. Một trong số đó là xu thế dân chủ bước đầu thể hiện qua các hội nghị TW của Đảng và các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là kỳ họp Quốc hội mới đây kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bổ nhiệm, phê chuẩn. Như vậy rõ ràng là: Dù bị phe nhóm “độc tài, bảo thủ, 4 kiên định” đang cầm quyền cố trì kéo, sát phạt, hạ bệ... nhưng xu thế “ dân chủ, yêu nước, cấp tiến” trong Đảng vẫn nhích lên từng bước, từng bước .

Nhân đây, xin thưa với quý anh chị: Sự thành – bại của công cuộc đấu tranh tiến đến Dân chủ của Đảng tại Đại hội 12 quyết định sự tồn vong của đất nước, dân tộc. Vì vậy, tôi mong rằng, ai là công dân yêu nước, ai là đảng viên Cộng sản yêu nước hãy cùng chung tay, góp phần tạo sự chiến thắng cho lực lượng cộng sản yêu nước, cấp tiến, dân chủ tại Đại hội 12 của Đảng CSVN.

Cuộc thăm viếng lần thứ tư kết thúc trong không khí thật sự cởi mở, thân tình và gần như đồng thuận về nỗi lo, niềm tin và sự khinh ghét phe nhóm “độc tài, bảo thủ, 4 kiên định” đang gây ra hiểm họa cho đất nước, dân tộc.

K.L.N.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét