Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014
Nguy nhất là tổng thầu EPC từ Trung Quốc!
14
TS Phạm Sỹ Thành
Về mối nguy của sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc đã nguy nhưng nguy nhất là việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu EPC (chìa khóa trao tay) hầu hết các dự án trọng điểm...
Theo ông, đâu là những tác động dễ nhận thấy đối với Việt Nam trong chuyện phụ thuộc vào kinh tế - ngay cả khi quan hệ giữa hai nước không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chủ quyền lãnh thổ?
- TS. Phạm Sỹ Thành: An ninh năng lượng của Việt Nam! Trước mắt, nếu các nhà thầu Trung Quốc rút về không thi công, hàng chục dự án điện tiền tỉ đô la Mỹ sẽ nằm “đắp chiếu”. Điều này có thể làm gia tăng chi phí công trình. Việt Nam cũng khó có thể mời các nhà thầu khác tham gia hoàn thiện bởi lẽ toàn bộ máy móc, thiết bị và công nghệ dùng để xây dựng vận hành các nhà máy điện này đều là công nghệ Trung Quốc.
Về lâu dài, nếu các dự án này không được hoàn thiện, Việt Nam sẽ thiếu điện trên diện rộng. Doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, thậm chí chấp nhận bị đội giá trong thời điểm bất thường, nhưng rõ ràng doanh nghiệp không thể hoạt động nếu thiếu điện.
Ngoài ra, các hành lang kinh tế quan trọng của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Tại miền Bắc, ngoài hành lang chính Hà Nội - Hải Phòng, còn có hai hành lang phụ quan trọng là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn. Nhiều tuyến đường cao tốc trong các hành lang kinh tế này hiện đang do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Không chỉ chậm tiến độ, chất lượng công trình cũng là điều cần được quan tâm sát sao.
Như chúng ta đã biết, tỷ lệ tham gia làm nhà thầu phụ của doanh nghiệp Việt Nam thấp, tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng không. Tỷ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện hiện chỉ đạt 7%. Nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%. Trong ngành xi măng, khi Trung Quốc làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa không vượt quá 3%, nhiều dự án 0%. Điều này khiến thâm hụt thương mại của ta với Trung Quốc ngày càng lớn. Các nhà thầu của nước này nhập khẩu toàn bộ máy móc, thiết bị từ trong nước mang sang Việt Nam.
Lao động “chui” từ Trung Quốc và tác động đến kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng của nó là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2013 có khoảng 77.359 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, số lao động đã được cấp phép là 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 người và chưa được cấp phép là 31.330 người. Trong đó, phần lớn là lao động Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nơi được tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài), hiện tại ở khu kinh tế này có 3.730 người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, nhưng chỉ có 1.560 người được cấp giấy phép lao động.
Việc mời thầu vào các dự án trọng điểm về năng lượng, khai khoáng có thể tính đến việc ban hành danh mục cấm đấu thầu đối với một số nhà thầu nước ngoài như... Trung Quốc.
Việt Nam cần phải làm gì để giảm thiểu thiệt hại trước tình thế EPC “đã rồi” như hiện nay?
- Việc giảm thiểu thiệt hại hiện nay đối với Việt Nam đang là một bài toán khó. Trước hết, chúng ta thiếu một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ liên quan đến việc đấu thầu và xử lý sai phạm. Có thể thấy nhiều trường hợp nhà thầu nước ngoài (không chỉ nhà thầu Trung Quốc) chậm tiến độ, hoặc đội giá công trình với các lý do không thuyết phục, nhưng các bộ ngành chủ quản của Việt Nam vẫn không thể xử lý mạnh tay được.
Thứ hai, các công trình Trung Quốc trúng thầu đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, Trung Quốc lại sử dụng gần như 100% thầu phụ là các công ty của mình, nên việc ngừng các dự án này lại để mời thầu các nhà thầu khác sẽ gặp khó khăn không chỉ về mặt pháp lý mà còn cả về mặt thiết kế, kỹ thuật, công nghệ.
Thứ ba, nhiều dự án tổng thầu của Việt Nam với Trung Quốc được thực hiện bởi vốn ODA của Trung Quốc nên Việt Nam bị các ràng buộc về việc lựa chọn nhà thầu.
Thứ tư, với vai trò người bỏ vốn, cơ quan chủ quản của Việt Nam thường chỉ có khả năng đánh giá chất lượng công trình sau khi đã hoàn thành.
Để giảm bớt những tác động tiêu cực trong tương lai, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu. Có quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình thi công công trình. Mạnh tay xét xử các vụ án tham nhũng, hối lộ trong các công trình liên quan đến vốn ODA và tổng thầu. Một tiêu chí đang được cân nhắc thay đổi khi mời thầu đó là vấn đề chi phí. Hiện các chương trình mời thầu của Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến vòng đời kỹ thuật hơn là chi phí rẻ. Có nghĩa là ban đầu có thể sử dụng công nghệ đắt tiền hơn so với công nghệ Trung Quốc nhưng về tổng thời gian sử dụng của công trình và công nghệ lại dài hơn.
Bên cạnh đó, việc mời thầu vào các dự án trọng điểm về năng lượng, khai khoáng có thể tính đến việc ban hành danh mục cấm đấu thầu đối với một số nhà thầu nước ngoài. Các quốc gia khác trên thế giới đều làm như vậy khi thực hiện các công trình liên quan đến an ninh (bao gồm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống) và quốc phòng. Úc, Mỹ, Canada đều đã từng không chỉ cấm một số tập đoàn viễn thông và dầu mỏ của Trung Quốc đấu thầu các dự án trọng điểm của mình mà còn bác bỏ các vụ mua bán - sáp nhập của các tập đoàn này với các công ty trong nước vì lý do an ninh.
Thế còn đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam, có đáng lo ngại và giải pháp nên như thế nào?
- Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính từ ngày 1-1-2013 đến hết 15-12-2013, số dự án đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam được cấp mới là 89 dự án, vốn đăng ký cấp mới là 2,276 tỉ đô la Mỹ. Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến hết ngày 15-12-2012, Trung Quốc có 891 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt trên 4,68 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 14 trên 96 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước (chiếm trên 70% tổng dự án và xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư).
Tổng vốn FDI của Trung Quốc chỉ chiếm 2,5-3% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được hàng năm. Tuy nhiên, cùng với việc Việt Nam đẩy mạnh đàm phán gia nhập TPP, Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh vốn FDI sang Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, da giày với việc quốc gia này có thế mạnh trong các khâu sản xuất sợi, nhuộm, in của chuỗi cung ứng ngành dệt.
Tác động của việc doanh nghiệp nước ngoài (trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc) đón đầu TPP có thể khiến Việt Nam tiếp tục rơi vào bẫy tự do hóa thương mại kiểu mới - tiếp tục đóng vai trò gia công chế biến để nhận mức lợi nhuận mỏng do không có công nghệ và không làm chủ được nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, các vấn đề về môi trường cũng trở thành vấn đề nhức nhối hơn đối với chính quyền địa phương các cấp - nơi có đặt các nhà máy dệt, nhuộm, in, thuộc da...
Mỹ Lệ (TBKTSG) thực hiện
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét