Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014
Cu Ba - Mỹ khôi phục quan hệ
Tuyên bố của Tổng thống Obama
TỔNG THỐNG: Xin chào. Hôm nay, Hoa Kỳ đang thay đổi mối quan hệ của mình với nhân dân Cuba.
Là một phần trong những thay đổi chính sách quan trọng của chúng ta trong hơn 50 năm qua, chúng ta sẽ chấm dứt một cách tiếp cận lỗi thời mà trong nhiều thập kỷ qua đã thất bại trong việc thúc đẩy quyền lợi của chúng ta, và thay vào đó chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Thông qua những thay đổi này, chúng tôi chủ trương tạo ra nhiều cơ hội cho người dân Mỹ và Cuba, và mở ra một chương mới giữa các quốc gia châu Mỹ.
Giữa Hoa Kỳ và Cuba có một lịch sử phức tạp. Tôi ra đời năm 1961 - chỉ hơn hai năm sau khi Fidel Castro lên nắm quyền ở Cuba, và chỉ vài tháng sau khi diễn ra cuộc xâm nhập Vịnh Con Lợn, nhằm lật đổ chế độ của ông. Trong vài thập kỷ tiếp theo, mối quan hệ giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Lạnh, và Hoa Kỳ kiên quyết chống lại cộng sản. Chúng ta chỉ cách nhau hơn 90 dặm [145km]. Nhưng năm này qua năm khác, đã có một rào cản ý thức hệ và kinh tế ngày càng vững chắc hơn giữa hai nước chúng ta.
Trong khi đó, cộng đồng Cuba lưu vong ở Mỹ đã đóng góp to lớn cho đất nước chúng ta - trong các lĩnh vực chính trị lẫn kinh doanh, cũng như văn hóa và thể thao. Cũng giống những người nhập cư trước đây, người dân Cuba đã giúp tái tạo Hoa Kỳ, ngay cả khi họ có cảm giác khao khát đau đớn về đất nước và gia đình mà họ đã rời bỏ. Tất cả những điều này đã gắn bó Hoa Kỳ với Cuba trong một mối quan hệ rất đặc biệt, vừa là người nhà vừa là kẻ thù.
Thật tự hào, Hoa Kỳ đã ủng hộ dân chủ và nhân quyền tại Cuba trong suốt 5 thập kỷ. Chúng ta đã làm như vậy chủ yếu thông qua các chính sách nhằm cô lập đảo quốc này, ngăn chặn việc đi lại và thương mại cơ bản nhất mà người Mỹ có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào khác. Và mặc dù chính sách này bắt nguồn từ những chủ trương tốt, song không một quốc gia nào khác tham gia cùng chúng ta trong việc áp đặt lệnh trừng phạt này, và nó đã chỉ tạo ra tác động rất nhỏ bên cạnh việc tạo cớ cho chính phủ Cuba thực hiện những hạn chế đối với người dân của họ. Hôm nay, Cuba vẫn đang nằm dưới sự lãnh đạo của anh em nhà Castro và Đảng Cộng sản đã lên nắm quyền cách đây nửa thế kỷ.
Cả người Mỹ lẫn người Cuba đều không được phục vụ tốt bởi chính sách cứng nhắc vốn bắt nguồn từ các sự kiện đã diễn ra trước khi hầu hết chúng ta được sinh ra. Hãy cân nhắc điều này: trong suốt 35 năm qua, chúng ta có quan hệ với Trung Quốc – một đất nước lớn hơn rất nhiều và cũng do Đảng Cộng sản cầm quyền. Cách đây gần 2 thập niên, chúng ta tái lập quan hệ với Việt Nam, nơi chúng ta đã tham gia một cuộc chiến lấy đi sinh mạng người Mỹ nhiều hơn bất kỳ sự đối đầu nào của Chiến tranh Lạnh.
Đó là lý do tại sao, khi tôi nhậm chức, tôi đã hứa sẽ tái nghiên cứu chính sách Cuba. Để khởi đầu, chúng tôi đã dỡ bỏ hạn chế đối với người Mỹ gốc Cuba trong việc đi lại và gửi kiều hối cho gia đình ở Cuba. Những sự thay đổi này, đã có lúc gây tranh cãi, bây giờ xem ra lại là điều hiển nhiên. Người Mỹ gốc Cuba đã được đoàn tụ với gia đình của họ, đồng thời là các đại sứ tốt nhất có thể được đại diện cho các giá trị của chúng ta. Thông qua các thay đổi này, một thế hệ người Mỹ gốc Cuba trẻ tuổi càng chất vấn nhiều hơn về cách tiếp cận chủ yếu có tác dụng ngăn cách Cuba với một thế giới đầy sự liên kết.
Vào lúc tôi đã sẵn sàng thực hiện một số biện pháp bổ sung, một trở ngại lớn đã chặn đường chúng tôi lại – đó là việc bỏ tù sai trái một công dân Mỹ và một nhà thầu phụ của USAID là Alan Gross tại Cuba trong 5 năm. Trong nhiều tháng, chính quyền của tôi đã tiến hành trao đổi với chính phủ Cuba về trường hợp của Alan, cũng như các mặt khác về mối quan hệ của chúng tôi. Đức giáo hoàng Francis đã gửi một đề nghị cá nhân đến với tôi và Chủ tịch Cuba Raul Castro, thúc giục chúng tôi giải quyết trường hợp của Alan, và xử lý lợi ích của Cuba liên quan đến việc thả 3 đặc vụ Cuba đã bị bỏ tù ở Mỹ hơn 15 năm qua.
Hôm nay Alan đã trở về nhà – cuối cùng đã được đoàn tụ với gia đình của anh. Alan được chính phủ Cuba phóng thích vì lý do nhân đạo. Trong một diễn biến riêng rẽ, để đổi lấy 3 đặc vụ Cuba, Cuba hôm nay đã phóng thích một trong số các nhân viên tình báo quan trọng mà Hoa Kỳ đã từng có ở Cuba, người đã bị bỏ tù trong gần hai thập niên qua. Người đàn ông này, mà sự hy sinh của ông chỉ được ít người biết đến, đã mang lại cho nước Mỹ thông tin giúp chúng ta bắt giữ mạng lưới đặc vụ Cuba, trong đó có 3 người được chuyển tới Cuba hôm nay, cũng như là các điệp viện khác ở Hoa Kỳ. Người đàn ông này giờ đây đã đặt chân lên đất Mỹ an toàn.
Giành lại được 2 người đàn ông này, những người đã hy sinh cho đất nước chúng ta, giờ đây tôi đang thực hiện các bước nhằm đặt lợi ích của nhân dân hai nước làm trọng tâm trong chính sách của chúng ta.
Trước tiên, tôi chỉ thị Bộ trưởng Kerry ngay lập tức bắt đầu các cuộc trao đổi với Cuba nhằm tái thiết các mối quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt kể từ tháng 1/1961. Tiến lên phía trước, Hoa Kỳ sẽ mở lại Toà đại sứ tại Havana, và các quan chức cấp cao sẽ thăm Cuba.
Ở bất cứ lĩnh vực nào chúng ta có thể thúc đẩy lợi ích chung, chúng ta sẽ làm – các vấn đề như y tế, di cư, chống khủng bố, buôn bán ma tuý và khắc phục thảm hoạ. Thực sự, chúng ta đã chứng kiến các lợi ích của sự hợp tác giữa hai nước trước đây. Đó là một người Cuba, Carlos Finlay, là người đã phát hiện ra muỗi mang căn bệnh sốt vàng da; công việc của ông đã giúp Walter Reed chống lại căn bệnh đó. Cuba đã cử hàng trăm nhân viên y tế tới Châu Phi để chống lại dịch Ebola, và tôi tin tưởng rằng các nhân viên y tế Mỹ và Cuba nên làm việc sát cánh bên nhau nhằm chặn sự lây lan của căn bệnh chết người này.
Giờ đây, khi chúng ta bất đồng, chúng ta sẽ nêu lên những khác biệt đó một cách trực tiếp – bởi vì chúng ta sẽ tiếp tục làm việc về các vấn đề liên quan đến dân chủ và nhân quyền ở Cuba. Nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ người dân Cuba và thúc đẩy giá trị của của chúng ta thông qua việc gắn kết. Kiểm điểm lại, 50 năm qua đã cho thấy việc cô lập không mang lại kết quả. Đã đến lúc phải có một cách tiếp cận mới.
Thứ hai, tôi vừa chỉ thị Ngoại trưởng Kerry xem xét lại việc xếp hạng Cuba như một Nhà nước Bảo trợ Khủng bố. Việc xem xét này sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và luật pháp. Chủ nghĩa khủng bố đã thay đổi trong một vài thập kỷ qua. Vào thời điểm chúng ta tập trung vào những mối đe doạ từ mạng lưới al-Qaeda tớiISIL, một quốc gia đáp ứng được các điều kiện của chúng ta và từ bỏ việc sử dụng khủng bố thì không đáng phải đối mặt với việc xếp hạng này.
Thứ ba, chúng ta đang tiến hành các bước đi để gia tăng du lịch, thương mại và dòng chảy thông tin ra vào Cuba. Điều này cơ bản là liên quan đến tự do và sự cởi mở, cũng như nhấn mạnh niềm tin của tôi vào sức mạnh của sự gắn kết con người với con người. Với những thay đổi mà tôi đang tuyên bố ngày hôm nay, người Mỹ sẽ đi du lịch sang Cuba dễ dàng hơn, và người Mỹ sẽ có thể sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Mỹ trên đảo quốc này. Không có ai đại diện cho các giá trị Mỹ tốt hơn chính người Mỹ, và tôi tin rằng sự tiếp xúc này cuối cùng sẽ làm được nhiều điều hơn để truyền sức mạnh cho người dân Cuba.
Tôi cũng tin rằng nên có thêm nhiều nguồn lực được tiếp cận với người dân Cuba. Vì vậy, chúng ta đang tăng đáng kể lượng tiền có thể được gửi sang Cuba, và bãi bỏ những giới hạn về kiều hối hỗ trợ cho các dự án nhân đạo, cho người dân Cuba, và cho khu vực tư nhân đang nổi lên ở Cuba.
Tôi tin rằng việc kinh doanh của người Mỹ không nên bị đặt vào thế bất lợi, và rằng thương mại được gia tăng sẽ tốt cho cả người Mỹ và người Cuba. Vì thế chúng ta sẽ tạo thuận lợi cho các giao dịch có giấy phép chính thức giữa Hoa Kỳ và Cuba. Các tổ chức tài chính của Hoa Kỳ sẽ được cho phép mở tài khoản tại các tổ chức tài chính của Cuba. Và điều này giúp các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ bán hàng hóa ở Cuba dễ dàng hơn.
Tôi tin vào tự do thông tin. Thật không may, các lệnh trừng phạt của chúng ta đối với Cuba đã ngăn cản người dân Cuba tiếp cận với công nghệ mà đã truyền sức mạnh cho các cá nhân trên toàn cầu. Vì thế, tôi đã cho phép gia tăng các kết nối viễn thông giữa Hoa Kỳ và Cuba. Các doanh nghiệp sẽ có thể bán các mặt hàng cho phép người dân Cuba giao tiếp với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Đây là những bước đi mà tôi có thể tiến hành trên cương vị Tổng thống để thay đổi chính sách này. Lệnh cấm vận được thi hành trong các thập kỷ qua đã được thể hiện cụ thể trong pháp luật. Khi những thay đổi này diễn ra, tôi mong sẽ có một cuộc tranh luận trung thực và nghiêm túc với Quốc hội về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Ngày hôm qua, tôi đã nói chuyện với ông Raul Castro để hoàn tất việc thả Alan Gross và trao đổi tù nhân, và để đi vào chi tiết về việc chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước như thế nào. Tôi đã nêu rõ rằng tôi tin chắc một điều là xã hội Cuba đang bị kìm hãm bởi những hạn chế đối với công dân của họ. Ngoài việc trao trả Alan Gross và việc thả nhân viên tình báo của chúng ta, chúng ta hoan nghênh quyết định của Cuba phóng thích một số lượng đáng kể các tù nhân mà các vụ việc của họ đã được đội ngũ của tôi trực tiếp nêu ra với Chính phủ Cuba. Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Cuba tạo điều kiện cho công dân của họ tiếp cận với Internet nhiều hơn, và tiếp tục gia tăng gắn kết với các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế để thúc đẩy các giá trị phổ quát.
Nhưng tôi không bị ảo tưởng về những rào cản còn tồn tại trên đường đến tự do mà người dân Cuba bình thường vẫn gặp phải. Hoa Kỳ tin rằng không người Cuba nào còn bị quấy rối hoặc bắt giữ hoặc bị đánh đập chỉ đơn giản bởi vì họ thực hiện quyền phổ quát là muốn tiếng nói của họ được lắng nghe, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ xã hội dân sự tại đó. Mặc dù Cuba đã đổi mới để từng bước mở cửa nền kinh tế, chúng tôi tiếp tục tin rằng công nhân Cuba nên được tự do thành lập hiệp hội, cũng giống như người dân được tự do tham gia vào tiến trình chính trị.
Hơn nữa, căn cứ vào lịch cử Cuba, tôi nghĩ rằng Cuba sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách đối ngoại có lúc xung đột sâu sắc với lợi ích của Hoa Kỳ. Tôi không trông đợi những thay đổi mà tôi công bố hôm nay sẽ giúp biến đổi xã hội Cuba một sớm một chiều. Nhưng tôi tin chắc rằng thông qua chính sách kết nối, chúng tôi có thể ủng hộ một cách hiệu quả hơn những giá trị của chúng ta và giúp người dân Cuba có thể tự mình khi tiến vào thế kỷ 21.
Đối với những người phản đối những bước đi mà tôi tuyên bố hôm nay, xin hãy nghe tôi nói rằng tôi tôn trọng cảm xúc của các bạn và chia sẻ cam kết của các bạn hướng đến tự do và dân chủ. Câu hỏi ở đây là làm cách nào để chúng ta duy trì cam kết đó. Tôi không tin là chúng ta làm cùng một điều giống nhau trong suốt hơn năm thập kỉ qua để trông đợi một kết quả khác. Hơn nữa, cố gắng đẩy Cuba đến sụp đổ không phục vụ các lợi ích của Hoa Kỳ hoặc người dân Cuba. Kể cả nếu điều đó đem lại kết quả - và thực tế thì không đạt kết quả trong suốt 50 năm qua – chúng ta biết từ những kinh nghiệm xương máu là các quốc gia chắc chắn sẽ được hưởng sự chuyển đổi bền vững nếu người dân của họ không bị đẩy vào các cuộc hỗn loạn. Chúng ta đang kêu gọi Cuba giải phóng tiềm năng của 11 triệu người Cuba bằng cách chấm dứt những giới hạn không cần thiết về hoạt động chính trị, xã hội, và kinh tế. Theo tinh thần đó, chúng ta không nên tiếp tục áp đặt cấm vận tạo thêm gánh nặng cho người dân Cuba mà chúng ta đang tìm cách giúp đỡ.
Để giúp người dân Cuba, Hoa Kỳ đã chìa bàn tay hữu nghị. Một số trong các bạn đã xem chúng tôi như một nguồn hy vọng và chúng tôi sẽ tiếp tục soi sáng ánh sáng tự do. Một số khác đã xem chúng tôi là những kẻ thực dân kiểu cũ có ý định kiểm soát tương lai của các bạn. José Martí từng nói, “Tự do là quyền của những người trung thực”. Hôm nay, tôi rất trung thực với các bạn. Chúng ta có thể không bao giờ xóa bỏ được lịch sử của chúng ta, nhưng chúng tôi tin các bạn cần được trao quyền để sống với nhân phẩn và quyền tự quyết. Người dân Cuba có một câu châm ngôn về cuộc sống thường ngày: “No es facil” – Mọi thứ không dễ dàng. Hôm nay, Hoa Kỳ muốn trở thành một đối tác nhằm giúp cuộc sống của người dân thường Cuba dễ dàng hơn một chút, tự do hơn và thịnh vượng hơn.
Đối với những người ủng hộ những biện pháp này, tôi cám ơn các bạn đã luôn là đối tác trong các nỗ lực của chúng tôi. Cụ thể, tôi muốn cám ơn Đức Giáo Hoàng Francis, gương đạo đức của Người cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc theo đuổi một thế giới như chúng ta mong muốn hơn là bằng lòng với một thế giới như hiện tại; chính phủ Canada đã đứng ra tổ chức các cuộc thảo luận với chính phủ Cuba; và nhóm Nghị sĩ lưỡng đảng đã làm việc không mệt mỏi để đòi tự do cho Alan Gross và biện pháp tiếp cận mới nhằm thúc đẩy lợi ích và giá trị của chúng ta ở Cuba.
Cuối cùng, sự chuyển đổi chính sách của chúng tôi đối với Cuba đến vào thời điểm diễn ra sự thay đổi lãnh đạo ở châu Mỹ. Tháng Tư tới, chúng tôi sẵn sàng đón chào Cuba gia nhập các quốc gia khác trong bán cầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ. Nhưng chúng ta cũng sẽ đòi hỏi là tổ chức dân sự tham gia cùng chúng ta để làm sao các công dân, không chỉ giới lãnh đạo tham gia định hình tương lai của chúng ta. Và tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo hãy đem lại ý nghĩa cho cam kết về dân chủ và nhân quyền ở vị trí trung tâm trong Hiến chương Liên Mỹ. Chúng ta cùng bỏ lại phía sau di sản của cả chế độ thực dân và chủ nghĩa cộng sản, sự chuyên chế của các băng đảng ma túy, những kẻ độc tài và những cuộc bầu cử giả tạo. Một tương lai hòa bình, an ninh và phát triển dân chủ là có thể thực hiện được nếu chúng ta hợp tác cùng nhau – không phải để duy trì quyền lực, không phải để bảo vệ quyền lợi bất di bất dịch, mà nhằm thúc đẩy những giấc mơ của người dân.
Hỡi các công dân Mỹ, thành phố Miami chỉ cách Havana 200 dặm. Hàng ngàn người Cuba đã đến Miami – bằng máy bay và trên những chiếc bè tạm; một số người đến chỉ với chiếc áo sơ mi trên người và những hy vọng trong tim. Ngày nay, Miami thường được xem là thủ đô của châu Mỹ Latinh. Nhưng đây cũng là một thành phố Hoa Kỳ điển hình – một nơi nhắc chúng ta rằng lý tưởng quan trọng hơn màu da hay sinh quán; một minh chứng về những gì người Cuba có thể đạt, và sự cởi mở của Hoa Kỳ đối với gia đình của chúng ta ở phương Nam. Todos somos Americanos (Chúng ta đều là người Mỹ).
Thay đổi luôn khó khăn – trong cuộc sống của chính chúng ta, và trong đời sống của các quốc gia. Và thay đổi thậm chí còn khó khăn hơn khi chúng ta phải gánh theo sức nặng của lịch sử trên vai. Nhưng hôm nay chúng ta đang tạo ra những thay đổi này bởi vì đây là điều đúng đắn chúng ta cần làm. Hôm nay, Hoa Kỳ chọn cách cắt bỏ xiềng xích của quá khứ để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn – cho người dân Cuba, cho người dân Mỹ, cho toàn bộ bán cầu của chúng ta, và cho cả thế giới.
Cám ơn các bạn. Cầu Chúa phù hộ các bạn và cầu Chúa phù hộ nước Mỹ.
Tuyên bố của Bộ trưởng Kerry
Tuyên bố về sự thay đổi chính sách đối với Cuba
Lần đầu tiên tôi nghe một Tổng thống Hoa Kỳ nói về Cuba như một "hòn đảo bị giam cầm" là khi tôi mới 17 tuổi ngồi xem TV đen trắng.
Trong 5 thập kỷ rưỡi kể từ đó, chính sách của chúng ta đối với Cuba đã hầu như không suy suyển, và không làm được gì nhiều để thúc đẩy một nước Cuba thịnh vượng, dân chủ và ổn định. Chính sách này không những không thể thúc đẩy các mục tiêu của Hoa Kỳ, mà nó thực ra còn cô lập Hoa Kỳ thay vì cô lập Cuba.
Từ năm 2009, Tổng thống Obama đã thực hiện những bước tiến để thay đổi mối quan hệ 2 nước và cải thiện đời sống của nhân dân Cuba bằng cách nới lỏng những hạn chế về kiều hối và đi lại thăm thân nhân. Với sự cởi mở mới này, Tổng thống đã quyết tâm cùng Hoa Kỳ bắt đầu vạch ra một con đường thậm chí còn tham vọng hơn tiến về phía trước.
Từ cách đây hơn 20 năm, tôi đã tận mắt chứng kiến 3 đời Tổng thống - một của Cộng hòa và hai của Dân chủ - đã có những nỗ lực giống nhau nhằm thay đổi quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam. Nỗ lực này chẳng hề dễ dàng chút nào và đến giờ vẫn chưa hoàn tất. Nhưng nó phải được bắt đầu ở một nơi nào đó, và đã mang lại kết quả.
Như những gì chúng ta đã làm với Việt Nam, thay đổi quan hệ với Cuba đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian, nghị lực, và nhiều nguồn lực. Bước đi ngày hôm nay phản ánh niềm tin vững chắc rằng sự rủi ro và cái giá của nỗ lực thay đổi thấp hơn nhiều so với sự rủi ro và cái giá của việc bị mắc kẹt trong tư tưởng đông cứng do chính chúng ta tạo ra.
Con đường mới này không phải là không có thách thức, nhưng nó không đặt trên nền tảng là một bước nhảy vọt về đức tin, mà trên niềm tin rằng đó là cách tốt nhất để giúp mang lại tự do và cơ hội cho nhân dân Cuba, cũng như thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ ở châu Mỹ, bao gồm sự ổn định khu vực trên bình diện rộng lớn hơn và cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Vào tháng 1, trong khuôn khổ chỉ thị của Tổng thống về việc thảo luận tiến tới tái lập quan hệ ngoại giao, Trợ lý Ngoại trưởng của tôi chuyên trách Tây bán cầu, Roberta Jacobson, sẽ công du đến Cuba dẫn đầu đoàn đại biểu Hoa Kỳ thực hiện vòng hội đàm Hoa Kỳ-Cuba tiếp theo về di dân. Tôi mong mình sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên tới thăm Cuba trong vòng 60 năm trở lại đây. Theo đề nghị của Tổng thống Obama, tôi cũng đã đề nghị bộ máy của tôi bắt đầu xem xét lại việc liệt Cuba vào hạng Nhà nước Bảo trợ cho Khủng bố.
Tiến về phía trước, trọng tâm chính yếu của việc chúng ta gia tăng can dự vẫn sẽ là nhằm cải thiện việc Chính phủ Cuba tôn trọng nhân quyền cũng như cổ vũ cho cải cách dân chủ ở Cuba. Thúc đẩy tự do ngôn luận, tinh thần kinh doanh và một xã hội dân sự tích cực sẽ chỉ làm vững mạnh thêm cho xã hội Cuba cũng như giúp Cuba tái hoà nhập vào cộng đồng quốc tế mà thôi.
(hết)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét