Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014
Trung Quốc bắt người: Bộ chính trị làm gì?
“Bia sống”
Ba ngày sau khi 6 ngư dân Quảng Ngãi bị những người bạn vàng phương Bắc xông vào tấn công và lôi về đất Trung Quốc, Bộ chính trị Hà Nội vẫn tuyệt đối im tiếng.
Độ trễ phản ứng của phía Việt Nam trước “các hành động ngang ngược của Trung Quốc” từ trước tới nay vẫn thường kéo dài khoảng từ 3-5 ngày. Trong khi đó, hệ thống tuyên giáo đối ngoại của Bắc Kinh dũng cảm hơn nhiều với tuyên bố chụp lỗi Việt Nam chỉ một ngày sau khi vụ bạo động Bình Dương và Vũng Áng xảy ra.
Vụ tàu Trung Quốc tấn công và bắt giữ ngư dân Việt xảy đến chỉ ít ngày sau “chuyến thăm và làm việc” của Dương Khiết Trì tại Hà Nội – một công cán mà giới quan sát quốc tế đánh giá là sự thất bại trong việc “tìm tiếng nói chung của hai nước anh em”. Kết quả giản dị nhất có thể hình dung ra là Bộ chính trị Trung Quốc đã không có bất cứ nhượng bộ nào đối với ý tưởng triệt thoái giàn khoan HD 981 cùng các giàn khoan khác khỏi Biển Đông, trong lúc Bộ chính trị Việt Nam dường như ngơ ngác và thẫn thờ.
“Chúng ta kiên quyết không để mất một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc” – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang một lần nữa trơn tru nhắc lại “lời chú” của ông trong những chuyến tiếp xúc cử tri. Một phong cách đáng phân tích là từ Hội nghị trung ương 6 vào nửa cuối năm 2012 cho đến nay, ông Sang khá thường hồi tưởng những sự tích lịch sử.
Cũng một lần nữa, báo chí nhà nước lặp lại câu nói bất hủ trên như một lời nguyền chưa có bãi đáp. Ba ngày lặng trôi, chưa có bất kỳ nhân vật nào trong Bộ chính trị Việt Nam lộ diện để nhìn thẳng về phương Bắc sau khi ngư dân của họ bị bắt làm con tin ngay trên vùng biển nhà.
Tất cả chỉ đổ dồn cho cấp dưới. Một trong một ít thành phần thường được đẩy ra dàn mặt với truyền thông quốc tế là Tổng Cục Kiểm ngư, đã chỉ lấp lửng một cách cực kỳ nhẫn nhục: “Bên Cục Kiểm ngư đang xác minh lại vụ việc và xem tàu bị bắt khai thác ở khu vực nào…”. Dấu chấm hỏi và cũng là dấu chấm hết đang treo trên đầu mạng sống của từng ngư dân đói khổ và vô tình bị biến thành một thứ “bia sống”.
“Bắt sống”
Nhưng sự sống của trung ương đảng Hà Nội cũng đang trở nên mong manh hơn lúc nào hết. Nếu tàu Trung Quốc đã dám lao vào bắt giữ công dân Việt Nam ngay tại vùng chủ quyền lãnh hải, không có gì bảo đảm là lục quân từ các quân khu Quảng Đông, Vân Nam sẽ không đủ can đảm nhảy vào cố đô Thăng Long để bắt sống toàn bộ Bộ chính trị Việt Nam vào một ngày xấu trời nào đó.
Hiệu ứng của phương châm “vừa đấu tranh vừa tranh thủ” mà giới chính khách Hà Nội đạo diễn rốt cuộc đã tạo nên một sân khấu tuyệt lặng cúi đầu trong nghị trường quốc hội – nơi mà duy nhất một tiếng nói về “nghị quyết Biển Đông” được khởi nghĩa, hoặc màn hài kịch “chuẩn bị kiện Trung Quốc” mà không lấy nổi một khóe cười từ dân chúng.
Bầu không khí chính trị và xã hội đương đại như đang quay về thời Lê mạt, với triều chính Thăng Long rệu rã khốn quẫn cùng vài chục vạn quân Thanh phục sẵn sát biên cương.
Triển vọng chiến tranh đang lấp ló tái hiện, tiếp sau hình ảnh phụ nữ mang thai người Việt bị Quân giải phóng Trung Quốc mổ bụng ở biên giới phía Bắc vào năm 1979. Chẳng đặng đừng sau khi Dương Khiết Trì hồi quốc, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã lần đầu tiên phải đổi giọng, ám chỉ một cuộc thay da đổi thịt ghê gớm giữa hai quốc gia môi răng có thể xảy ra trong không bao lâu nữa.
Bởi nếu không thể hộ quốc, vong bản và sau đó là vong quốc sẽ là chắc chắn.
Chỉ có điều, nếu chiến tranh hoặc ít nhất vài cuộc xung đột quân sự quy mô nhỏ bùng nổ, những nạn nhân đầu tiên chính là máu thịt thực sự của Việt Nam. Bộ đội và nhiều dân thường Việt Nam có thể rước lấy những hy sinh vô nghĩa mà không thể hiểu được Bộ chính trị của họ đã trở nên kém ý nghĩa đến thế nào trong việc hộ quốc.
Thường Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét