Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Thực Lực Quân Sự Của Trung Quốc Và Việt Nam


The New York Times phỏng vấn Lyle J. Goldstein

Đỗ Kim Thêm dịch


Khi bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam về biển Đông [nguyên văn: biển Hoa Nam] gia tăng, một vấn đề quan trọng là quân lực Việt Nam đã nổi danh từ nhiều thập niên trước đây về sự kiên cường và về binh pháp du kích, nay đã đạt đến chuẩn mực nào. Trong hai tháng vừa qua, các chiến hạm của hai Lực Lượng Hải Giám Hoa Việt đã tranh dành nhau về một giàn khoang dầu tiền tỷ của Trung Quốc mà Việt Nam cho là Trung Quốc đơn phương áp đặt trên lãnh hải của mình. (Trung Quốc nói đây thuộc về lãnh hải của Trung Quốc). Các chiến hạm của hai nước gầm gừ nhau trong khoảng cách, và đôi khi Trung Quốc gởi các chiến đấu cơ thuộc không lực đến gần giàn khoang để phô trương bảo vệ cơ sở.

Giáo Sư Lyle J. Goldstein, China Maritime Studies Institute thuộc Naval War College tại Rhode Island là người có thẩm quyền chuyên môn để khảo sát khả năng quân sự của Trung Quốc và Việt Nam. Hai quân đội đã hợp tác nhau tại Việt Nam để đánh đổ Pháp trong thập niên 1950 và đánh bại Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1979, Trung Quốc xâm lăng Việt Nam mà Đặng Tiểu Bình nói là để dạy cho Việt Nam một bài học về việc xâm chiếm Kampuchia, và Trung Quốc triệt thoái trong không hơn một tháng với tổn thất nặng nề. Kinh nghiệm nhục nhã này thúc đẩy Trung Quốc bắt đầu hiện đại hoá các lực lượng vũ trang của mình.

Giáo sư Goldstein thông thạo Hoa ngữ và Nga ngữ. Ông tốt nghiệp trường John Hopkins School of International Studies về ngành Nghiên Cưú Chiến Lược với học vị M. A. Trong thời gian làm luận án tiến sĩ tại Princeton, ông chuyên khảo cứu về Trung Quốc và có theo học tại Beijing City College. Ông gia nhập Naval War College vào năm 2001 và giúp thành lập China Maritime Studies Institute vào năm 2006 mà ông là Giám Đốc đầu tiên cho đến năm 2011. Học viện này thành lập để chuyên khảo cứu cho Hải Quân Hoa Kỳ về sự lớn mạnh của Hải Quân Trung Quốc. Năm 2012 Giáo sư Goldstein, một nhà nghiên cứu say mê các các tạp chí quân sự của Trung Quốc, làm việc cho đề án “Research on Chinese Military Assessments of Selected East Asian Regional Powers”. Ông nhận ra rằng Trung Quốc coi thường Hải Quân Việt Nam nhưng lại nể trọng đặc biệt đối với Không Lực Việt Nam. (Janes Perley) * * *

Hỏi: Việt Nam dường như muốn tìm một đường lối để duy trì mức độ độc lập với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc này xảy ra như thế nào trong lĩnh vực quân sự?

Đáp: Việt Nam là một đất nước có truyền thông mạnh về quân sự. Hiển nhiên, chính sách ngoại giao đương đại và chiến lược quân sự bị ảnh hưởng nặng nề bởi lịch sử hiện đại của Việt Nam như là “kẻ sát nhân khổng lồ”. Việt Nam thành công trong việc loại thực dân Pháp trong những năm 1950, rồi đánh bại Mỹ (1965-73) và cuối cùng quyết liệt với Trung Quốc trong chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẩm máu (1979). Lịch sử dường như đã làm thấm nhuần Việt Nam với niềm tin phát triển một đường lối độc lập hơn là chính sách ngoại giao. Việc này dường như thúc đẩy Việt Nam đầu tư nặng nề về quốc phòng – chuyển hướng chủ yếu về người đối tác truyền thống là Liên Xô trong nỗ lực này. Không giống như một vài nước khác của Đông Nan Á (thí dụ như Phi Luật Tân) Việt Nam không có khuynh hướng lơ đễnh quốc phòng. Một mặt, chiến lược hứa hẹn nhất của Việt Nam đối chọi vơí Trung Quốc là hy vọng rằng Việt Nam có đủ sức ngăn chận, trong khi đồng thời theo đuổi chính sách ngoại giao để giải quyết các tranh chấp.

Hỏi: Ông đã làm nhiều nghiên cưú về việc người Trung Quốc nhìn như thế nào về Việt Nam và về các lực lượng vũ trang của Việt Nam. Người Trung Quốc có nể trọng quân đội Việt Nam không? Họ có còn giữ lại những kỷ niệm tệ hại trong trận chiến chống Việt Nam vào năm 1979 không? Hiện nay Trung Quốc mạnh hơn nhiều, họ nghĩ gì về khả năng quốc phòng của Việt Nam?

Đáp: Trung Quốc theo dõi rất chặt chẽ về khả năng quốc phòng của Viêt Nam đang tăng lên. Điều thú vị là trong một mức độ nào đó cả Bắc Kinh và Hà Nội đã dựa vào vũ khí của Liên Xô – tàu ngầm, khu trục hạm và hộ tống hạm, cũng như không lực – nhằm gia tăng nỗ lực hiện đại hoá quốc phòng. Dường như kinh nghiệm chung này là nguồn tin giúp cho Trung Quốc nhiều hơn để nhận định tổng quát về khả năng quân sự của Việt Nam. Điều mỉa mai trong sự kiện này là cả hai có cùng những loại vũ khí và chiến lược mà Trung Quốc có thể, về phương diện giả thuyết, điều động để chống Nhật hoặc Hoa Kỳ trong bất kỳ xung đột vũ trang nào, thì cũng có thể được Việt Nam dùng để chống Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc cũng hiểu rằng vũ khí nhập từ Liên xô không nhất thiết là một tình trạng lý tưởng, bởi vì nó có thể dẫn đến một điều không thể tránh được là có những lầm lạc trầm trọng và người ta thường thấy ngay cả trong việc huấn luyện và bảo trì. Tại nạn nghiêm trọng gần đây tại Ấn Độ, liên hệ đến tàu ngầm chạy bằng dầu Diesel loại Kilo nhập từ Liên Xô, đã minh chứng những nguy hiểm liên quan. Về điểm này, so với Trung Quốc, Việt Nam có độc lập nhiều hơn về vũ khí và khả năng chuyên môn quốc phòng của Liên Xô. Trung Quốc có thể dựa nhiều hơn về khả năng quân sự từ bản địa.

Trong khi cuộc chiến 1979 không là một đề tài chủ yếu của các cuộc thảo luận công khai và nghiên cưú tại Trung Quốc, thì dường như Trung Quốc kiêng nể đặc biệt Việt Nam về sự thành thạo chiến đấu toàn diện. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc chỉ ra những yếu kém khác nhau trong chiến lược phát tirển quân sự của Việt Nam. Họ ghi nhận đặc biệt nhất là tàu ngầm có thể là một lực ép chính về nỗ lực của Việt Nam, nhưng các nhà phân tích Trung Quốc nhận định là Việt Nam thiếu trầm trọng về kinh nghiệm chủ yếu trong việc điều hành những hệ thống vũ khí phức tạp không thể tưởng nổi. Một sự yếu kém khả dĩ khác trong khả năng phòng vệ của Việt Nam mà các nhà phân tích Trung Quốc xác định được là các vấn đề thuộc về kiểm tra, xác định mục tiêu và phương cách chiến đấu. Dường như có một cảm tưởng chung cho là Trung Quốc có thể chiếm ưu thế trong bất cứ một trận đụng độ có vũ trang nào, dựa theo điểm mà giới quân sự Trung Quốc tham chiếu gọi là “mô hình 3.14″. Mô hình này được đề cập tới trong trận đụng độ vào ngày 14.3.1988 tại quần đảo Trường Sa mà một chiến hạm nhỏ của Hải Quân Trung Quốc nhận chìm vài tàu chiến của Việt Nam trong một cuộc giao tranh nhỏ nhưng quyết liệt.

Hỏi: Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm loại Kilo của Liên Xô. Tại sao họ chọn loại tàu này? Liệu Việt Nam sẽ có đoàn thủy thủ đuợc huấn luyện đầy đủ để điều khiển không? Các tàu này có hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của Việt Nam không?

Đáp: Một vài nhà phân tích hải quân đồng ý là tàu ngầm là một loại tàu chủ yếu cho bất cứ hải quân hiện đại nào. Trong khi những loại tàu nổi trên mặt càng dễ bị tổn thương hơn do việc phát hiện từ xa và do trận đánh chính xác, tàu ngầm hoàn toàn có khả năng sinh tồn bởi vì việc săn tìm tàu ngầm có những khó khăn cố hữu. Tàu ngầm có khả năng tác chiến hoàn toàn độc lập, nhưng mang tới những cú đánh chết nguời với phóng ngư lôi hoặc là với tên lửa của tuần dương hạm chống chiến hạm (antiship cruise missile, ASCM).

Loại tàu ngầm Kilo của Liên Xô chạy bằng dầu Diesel là một mặt hàng xuất khẩu phổ biến khắp thế giới, kể cả cho hải quân Trung Quốc và Ấn Độ. Theo giới Hải Quân Hoa Kỳ thì tàu ngầm được coi trọng, vì là một loại vũ khí chống trả kinh khiếp, không phải bởi vì nó chỉ được ước tính bằng tín hiệu truyền âm, làm cho việc phát hiện cực kỳ khó khăn, mà còn bởi vì hiệu năng của các hệ thống vũ khí được trang bị kết hợp, thí dụ như loại Klub S-ASCM, nó có tầm bắn đầy ấn tượng, tốc độ nhanh hơn tiếng động và huy động thiết bị trung ương. Hiển nhiên, những vũ khí này tăng thêm khả năng quốc phòng của Việt Nam một cách đáng kể. Sau cùng, từ lâu Việt Nam thể hiện là có khả năng sử dụng hữu hiệu lực lượng bộ binh, nhưng khả năng về không quân, đặc biệt vể hải quân còn bị hạn chế, ít nhất là đến thời điểm này.

Hơn nữa, từ lâu các nhà phân tích hải quân nghiên cứu là Trung Quốc cực kỳ yếu kém trong binh pháp chống tàu ngầm. Vì thế mà có thể nói rằng Hà Nội tìm thấy điểm yếu của Trung Quốc mà họ đang tìm cách tận dụng. Tuy nhiên, phải nói là hiện nay Hải Quân Trung Quốc ý thức được điểm yếu kém này còn trong nhiều năm và tận tình nỗ lực trong một trận tuyến quy mô hơn để cải thiện khả năng binh pháp chống tàu ngầm, thí dụ như bằng cách họ huy động một số lượng lớn các loại hộ tống hạm nhỏ, mới và có khả năng trong hai năm qua.

Như đã ghi nhận bên trên, có nhiều quan ngại chủ yếu trong khía cạnh huấn luyện và bảo trì liên hệ đến việc mua tàu ngầm. Điều này có lẽ đúng khi những hệ thống kiểm soát tác chiến hiện đại cho phép những đoàn thủy thủ tương đối thiếu kinh nghiệm thành đạt những kết quả chiến đấu nhất định. Nhưng cũng không thể nghi ngờ rằng điều động những lực lượng tàu ngầm là phức tạp nhất trong bất cứ quân lực nào, do đó để xây dựng những lực lượng thực sự có khả năng và tin cậy dường như không phải tính bằng một vài năm, mà là nhiều thập niên.

Hỏi: Nếu như hiện nay có xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam, ai sẽ thắng?

Đáp: Trong hầu hết mọi kịch bản có thể nhận thức được thì Trung Quốc dường như sẽ thắng. Việt Nam đã có nhiều đầu tư sáng suốt như đã mô tả ở trên và có thể gây tổn thất cho Hải Quân và Không Quân Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang tham gia vào tiến trình hiện đại hoá cấp tốc cho quân đội trong hai thập niên và đang gặt hái thành quả. Trong khi đang chuẩn bị cho những kịch bản xung đột có thể dính líu với Hoa Kỳ và hoặc với Nhật Bản, Trung Quốc đã xây dựng những lực lượng được trang bị hoàn chỉnh và huấn luyện chu đáo. Trong những lĩnh vực còn khó khăn của tàu ngầm, binh sĩ trên mặt biển và những lực lựơng tấn công chớp nhoáng, Trung Quốc có thể dựa vào một số ưu thế đáng kể và có thể cho phép Trung Quốc thắng thế dù phải chịu tổn thất.

Chắc một điều là có một vài mức độ thi đua quân sự mà Hà Nội có thể đạt ưu tiên. Thí dụ như Trung Quốc không hoàn toàn mạnh trong phạm vi tiếp tế nguyên nhiên vật liệu trên không, để mà Việt Nam có thể đua tài về ưu thế không quân, đặc biệt nhất là trong những khu vực biển Đông [nguyên văn: biển Hoa Nam] cách quá xa không phận Trung Quốc. Hơn nữa, ở trong một tình trạng nghiêm trọng, Hà Nội có thể nghiên cứu leo thang đụng độ trên biển lan rộng trở thành xung đột trên mặt đất rộng lớn hơn trong vùng biên giới, bởi vì các lực lượng bộ binh Việt Nam có thể đối đầu ngang tầm với các lực luợng bộ binh Trung Quốc. Tuy nhiên, đó sẽ là bước đi ban đầu nguy hiểm, bởi vì Hà Nội tương đối gần biên giới Trung Quốc. Hơn thế, Trung Quốc cũng có khả năng nhất định để dùng cho việc leo thang. Thí dụ, Trung Quốc có thể làm suy yếu các cuộc không tập, tấn công bằng tên lửa chống lại các căn cứ hảì quân và không quân Việt Nam.

Nhìn chung, phải nói rằng tiên đoán kết quả quân sự có tiếng là khó và thế giới đã không chứng kiến một cuộc hải chiến hiện đại đích thực kể từ xung đột tại Falkland năm 1982. Vì thế, phân tích trên đây cần được nghiệm xét với tất cả sự cẩn trọng

Hỏi: Ted Osius, vị đại sứ kế nhiệm tại Việt Nam đang chờ Thượng viện chuẩn nhận. Ông trình bày tại buổi điều trần là hiện nay có thể là thời điểm cho phép Hoa Kỳ giải toả các cấm vận vũ khí. Liệu nói “cho phép có thể” là lịch sự quá không, và thực ra Lầu Năm Góc có sẳn sàng bán cho Việt Nam chưa? Ông nghĩ gì nếu Hoa Kỳ phải bán cho Việt Nam không, nếu cấm vận được giải toả?

Đáp: Theo thiển ý, Hoa Kỳ phải cẩn trọng việc bán vũ khí cho Việt Nam. Trong khi thương vụ này có thể có vài giá trị nhỏ và biểu tượng cho việc ngăn chận, nhưng mối lợi này có thể dễ dàng tạo giá trị nhiều hơn do tiềm năng thúc đẩy leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam. Cùng một cách này, Hoa Kỳ sẽ phản ứng cực kỳ bất lợi đối với việc bán vũ khí cho châu Mỹ La tinh, thí dụ như cho Cuba hay Venezuela, Bắc Kinh hiểu những thương vụ này là một phần trong nỗ lực của Washington trong việc đẩy mạnh ngăn chận Trung Quốc. Làm như thế dường như Washington không những sẽ khích động xung đôt giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà còn gây tác hại cho mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ đã căng thẳng.

Trong khi đối với đồng minh khác, thí dụ như Nhật Bản hay với Phi Luật Tân, Hoa Kỳ đã có những thoả ước lâu đời về quốc phòng liên hệ đến việc mua vũ khí và thao diễn huấn luyện hỗn hợp từ nhiều thập niên, mối quan hệ như thế đối với Việt Nam đang còn trong giai đoạn khởi đầu. Một vài hình thức chung thí dụ như hải giám có thể đem lại nhiều hữu ích cho quân lực Việt Nam, đây là chuyện khả thi. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ đối đầu thách thức khó khăn khi cố kết hợp hệ thống của Hoa Kỳ cho phù hợp với công xưởng vũ khí quan trọng mà Việt Nam đã mua của Liên Xô. Việc này đặt ra thách thức chính về kỹ thuật.

Hỏi: Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry thông báo có 18 triệu cho Việt Nam trong vấn đề an ninh hàng hải trong tháng Chạp vừa qua. Viện trợ này sẽ dùng vào mục tiêu gi?

Đáp: Còn nhiều vấn đề chưa rõ, nhưng theo thông tin khả dụng cho biết là những qũy này có thể sử dụng để mua tàu tuần tiểu trang bị nhỏ theo loại đã từng chống Trung Quốc trong trận đụng độ tại quần đảo Hoàng Sa từ tháng năm. Cũng nên ghi nhận thêm là Việt Nam kết ước trong một chương trình đào tạo tấn công để cố ngang tầm với lực lượng hải giám mở rộng của Trung Quốc, những qũy này có thể giúp những nỗ lực này. Nhật Bản dường như đang đóng vai trò trong nỗ lực này nhằm nâng cấp những lực lượng hải giám của Việt Nam.

Nhưng qũy này có thể dùng để nâng cấp những điểm yếu trong trang bị của Việt Nam, thí dụ như đối với trang bị lá chắn phòng ngự và thiết bị truyền tin. Tuy nhiên, số tiền nhỏ này có thể đựơc xem đúng hơn là có tính tượng trưng. Thí dụ như môt loại mẩu tàu khổ trung bình, thuộc lực lượng hải giám của Hoa Kỳ hiện nay (loại Sentinel) khoảng 141 feet, giá trên 80 triệu cho cho từng chiếc, vì thế mà số lượng viện trợ sẽ khó mà quyết định trong cuộc tranh đua về hàng hải giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Hỏi: Ông nghĩ trong những năm sắp đến Việt Nam sẽ đối phó với Trung Quốc ra sao, kẻ cựu thù và đôi khi là bạn?

Đáp: Việt Nam và Trung Quốc có những mối quan hệ thông qua một loạt các loại chủ đề, mà người ta có thể chờ đợi nơi các lân quốc khổng lồ. Nhưng ưu điểm thuộc về kinh tế và văn hóa xã hội trong sự kết hợp sâu xa giữa hai nước là hiển nhiên. Thực vậy, cường độ của các mối tương tác này, cho dù chỉ ở trình độ văn hoá hay giữa các giới chức cao cấp giữa hai đảng, có lẽ ít được tường thuật ở phương Tây. Tuy nhiên, trong một số vấn đề nhạy cảm nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn có một khuynh hướng theo một chính sách tạo nên một tình trạng nguy hiểm, đó là chuyện cũng đã thể hiện rõ nhưng thật đáng tiếc.

Một sách lược ngoại giao gây lo âu này có tiềm năng dẫn đến một tình trạng lọt ra ngoài vòng kiểm soát, nó đã thể hiện rõ cho cả hai phiá trong các vụ động loạn hồi tháng năm tại Việt Nam. Những vụ động loạn làm tổn thương hai phía, hy vọng là nó giúp cho lãnh đạo hai nước nhớ lại điểm tiên quyết phải đạt đến là thoả hiệp cho những vấn đề nhạy cảm trong vùng biển Hoa Nam. Trong chiều hướng này, Washington cần phải giữ quyền lợi to lớn hơn của mình. Quyền lợi này gắn bó mật thiết và bất biến đối với mối quan hệ ổn cố và toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong việc thương thảo với Hà Nội, Washington phải tránh lọt vào bẩy xập của một “loại hội chứng thành bạn xấu”, thúc đẩy Hà Nội thiếu cân nhắc khẩn trương lao vào con đường đối đầu với Bắc Kinh mà Hà Nội không thể hy vọng thắng. Thực vậy, Hà Nội sẽ xem xét nghiêm túc vận mệnh gần đây của Ukraine để so sánh những tình huống tương tự một cách nào đó.

Thay vì chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang, Việt Nam cần sử dụng một sách lược ngoại giao sinh động để tìm ra một thoả ước tạm thời với siêu cường phương bắc đang trổi dậy. Chắc một điều, đây là một tiến trình khó khăn và nguy hiểm, nhưng nó sẽ đảm bảo tốt nhất về thịnh vượng và an ninh lâu dài cho Việt Nam trong tình lân quốc có khó khăn.

Nguyên tác: Q. and A.: Lyle Goldstein on China and the Vietnamese Military by Jane Perlez, July 5, 2014, The New York Times. http://sinosphere.blogs.nytimes.com/2014/07/05/q-and-a-lyle-goldstein-on-china-and-the-vietnamese military/?emc=edit_tnt_20140705&nlid=15975&tntemail0=y

Tựa đề bản dịch là của người dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét