Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014
NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRUNG QUỐC RÚT GIÀN KHOAN
Nguyễn Văn Hoàng
16-07-2014
Về đánh giá của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh rằng “Trung Quốc rút giàn khoan vì biết Hội nghị trung ương sắp triệu tập để bàn riêng về tình hình Biển Đông và quyết định có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không” thì tôi không nghĩ như vậy. Thứ nhất, Trung Quốc không hề ngại Hội nghị trung ương của ta qua hành động đưa giàn khoan vào trước khai mạc Hội nghị trung ương 9 có 6 ngày. Thứ hai, Trung Quốc không sợ kiện, Philippine kiện họ ra tòa từ lâu đâu có giải quyết được chuyện gì!?
Có 3 nhóm nguyên nhân khiến Trung Quốc rút giàn khoan.
Nhóm thứ nhất là do sự đấu tranh từ trong nước. Tôi không tin Trung Quốc rút giàn khoan bởi nhóm này vì nếu thế, Trung Quốc đã không đưa giàn khoan vào ngay từ đầu, ngoại trừ đường lối chính phủ Việt Nam có sự thay đổi.
Tôi không tin Trung Quốc rút giàn khoan là sự “thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao” khi lãnh đạo nhà nước ta từng đề nghị gặp gỡ hàng chục lần, Trung Quốc không thèm đoái hoài, chỉ tiếp có 1 lần.
Tôi không tin Trung Quốc rút giàn khoan là do sợ khi Việt Nam không dám kiện.
Tôi không tin Trung Quốc rút giàn khoan là thắng lợi của Việt Nam trên thực địa khi trong suốt thời gian họ chiếm đóng trên biển Đông cho tới lúc ra về, họ không ngừng đâm đuổi lực lượng chấp pháp và ngư dân chúng ta chạy té khói.
Nhóm thứ hai là sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đây là nhóm nguyên nhân chiếm được lòng tin.
Tôi tin động thái ngoại giao con thoi giữa Việt Nam và Philippine từ sau hôm xuất hiện giàn khoan có giá trị.
Tôi tin việc đoàn Nghị sĩ Thượng viện, Hạ viện Hoa Kỳ liên tục đến Việt Nam trong thời gian gần cùng với sự xuất hiện khẩn trương, huyền bí của đại diện – trợ lý đặc biệt của tổng thống Mỹ có giá trị.
Tôi tin việc sửa hiến pháp cho phép Nhật Bản phòng vệ tập thể, hỗ trợ khi nước bạn bè khi bị tấn công có giá trị.
Tôi tin việc bỗng nhiên Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố Úc sẽ đương đầu với Bắc Kinh bởi nhiều lý do mà một trong số đó được hãng truyền thông Fairfax Media dẫn lại rất sắc nét “Trung Quốc không tôn trọng kẻ yếu” có giá trị.
Tôi tin việc Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết về biển Đông với 100% số phiếu – điều cực hiếm có giá trị.
Tôi tin việc nhiều quốc gia văn minh trên thế giới lên tiếng phản đối, bênh vực Việt Nam trong suốt thời gian Trung Quốc xâm lấn có giá trị.
Việc Việt Nam bỗng tuột khỏi quỹ đạo điều khiển và Trung Quốc khiến thế giới đối đầu chiếm nhiều khả năng là lý do rút giàn khoan. Có thể Trung Quốc hi vọng động thái này buộc Việt Nam nghĩ lại, tính toán đưa mọi việc trở về cũ – trước thời điểm 2/5.
Nhưng những thông điệp vừa qua từ phía nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy mọi việc có vẻ đã trở nên quá muộn.
Nhóm thứ ba là thiên nhiên. Trung Quốc rút giàn khoan để tránh bão. Hãy nhớ trước khi rút Trung Quốc đã tuyên bố “sẽ đánh giá các dữ liệu thu thập được” và sẽ căn cứ vào đó để thực hiện “quyết định các bước tiếp theo”.
Một điều cần nhớ nữa là Trung Quốc không chỉ sử dụng giàn khoan vào mục đích tìm dầu mà tối quan trọng, giàn khoan là “lãnh thổ quốc gia di động”. Cho nên “dữ liệu thu thập được” chưa hẳn là vấn đề có giá trị trong ý đồ bành trướng này.
Không thể phủ nhận công lao của bão trong việc Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn dự kiến. Điều này có thể coi như ông trời đã giúp Việt Nam có thêm thời gian để quyết định các giải pháp, đối sách tối ưu để độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bền vững.
Rất mong lãnh đạo Việt Nam nhìn ra để tận dụng!
Nguồn: FB Hoang Nguyen Van
Thói quen khó bỏ
GS Nguyễn Văn Tuấn
17-07-2014
Ngay từ lúc cái giàn khoan HD-981 còn ở vùng biển VN, đã có người tưởng tượng rằng một ngày nào đó Tàu quyết định rút giàn khoan đi nơi khác, và tác giả một cách hài hước cho rằng lúc đó sẽ có một số quan chức VN xuất hiện trên báo chí nói đó là một thắng lợi của VN. Tưởng chỉ là chuyện giả tưởng, ai dè nó lại là sự thật. Khi giàn khoan mới rút đi được một ngày, đã có quan chức kiểm ngư tuyên bố rằng “Tôi cho rằng Trung Quốc di chuyển giàn khoan vì sức ép đấu tranh của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển; trên nhiều mặt trận khác họ đều rơi vào thế bị động, cô lập”.
Phải nói đó là một tuyên bố rất … khó nghe. Trong suốt thời gian giàn khoan HD-981 ở vùng biển của VN, các nhóm “chấp pháp” VN có gây được tác động nào đâu. Mỗi lần tàu kiểm ngư hay tàu cảnh sát biển ra ngoài đó là bị tàu của Tàu xua đuổi, đâm húc gây hư hại nghiêm trọng. Nếu không bị đâm va, thì tàu của VN cũng phải trốn chạy loanh quanh trên vùng biển của mình. Tàu của VN chẳng những rất nhỏ so với tàu của Tàu, nhưng còn rất cũ kĩ. Lực lượng kiểm ngư qua lời của chính ông cục trưởng còn không bảo vệ được ngư dân thì nói gì đến chuyện gây sức ép cho Tàu cộng. Tàu kiểm ngư không có cách gì đến gần giàn khoan do các tàu của Tàu cộng dàn ngang bảo vệ, thì làm gì tàu kiểm ngư VN có khả năng gây áp lực cho giàn khoan. Ấy thế mà vị quan chức đó nói lấy có lấy được rằng giàn khoan HD-981 phải rút đi vì sức ép của các lực lượng chấp pháp VN!
Người khác thì suy luận rằng giàn khoan rút đi là một thắng lợi về ngoại giao của VN. Thật ra, ngoại giao VN có làm nhiều trong trường hợp này, nhưng tác động thì không rõ mấy. Những bài báo tranh luận trên báo chí phổ thông chắc chắn chẳng có tác động gì đến giàn khoan. Những nỗ lực ngoại giao cấp cao đều chẳng dẫn đến đâu. Dương Khiết Trì sang VN cũng chẳng có một thoả thuận nào. VN nói về nộp hồ sơ phản đối Tàu thì Tàu đã làm trước! VN nói sẽ kiện Tàu cộng ra toà án quốc tế, nhưng cho đến nay thì việc làm đó chắc sẽ không thành hiện thực. Nói tóm lại, hoạt động ngoại giao thì có đấy, nhưng tác động thì không rõ ràng, nếu không muốn nói là không hiện hữu. Ngay cả 13 ngư dân VN bị Tàu bắt, ngoại giao VN đã làm gì ngoài việc nhờ Tàu … xác định toạ độ!
Tàu cộng rút giàn khoan vì họ đã đạt được mục tiêu, chứ không phải vì sức ép của các lực lượng chấp pháp VN, và càng không do áp lực ngoại giao của VN. Dĩ nhiên, VN phải tuyên bố là Tàu không được đưa giàn khoan vào biển VN. Nhưng nếu ngay ngày hôm nay, Tàu cộng tuyên bố kéo giàn khoan khác vào vùng biển VN thì phía VN cũng chẳng làm gì được để ngăn chận họ. VN không có nhiều lựa chọn để đối đầu với Tàu, và đó là một thực tế.
Có thể tiên đoán rằng sau giàn khoan sẽ đến ngư dân là nạn nhân của Tàu cộng. Chúng sẽ cho tàu tuần tra trong vùng biển mà chúng cho là của Tàu. Chúng sẽ tăng cường ngăn chận ngư dân ta đánh cà và bắt bớ ngư dân, như là một phát biểu về chủ quyền của họ đối với vùng biển bao bọc bởi bản đồ 9 đoạn. Theo tôi nghĩ, bản đồ này chính là nguồn cội của tất cả nguồn cội về xung đột giữa Tàu và các nước trong vùng. Ngày nào bản đồ này chưa được vô hiệu hoá, ngày đó ngư dân VN vẫn còn khổ và sẽ có nhiều giàn khoan được hạ đặt vào vùng biển của VN.
Nguồn: FB Nguyen Tuan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét