Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Vì sao Trung Quốc muối mặt rút HD 981?


(VNTB) Hai sự kiện mang biểu cảm “thoát Trung” vừa đồng thời phóng tác có thể khiến dư luận cùng lúc rút ra một nhận định sơ bộ về lối tư duy mới nhất của Trung Quốc.


  
Bão Rammasun là nguyên nhân khiến Trung quốc rút dàn khoan HD 981 ?



Bão Rammasun?

Ngày 14/7/2014, cùng thời điểm diễn ra chuyến làm việc của đại diện của ông Evan Medeiros, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama tại Hà Nội, đã bắt đầu xuất hiện “tin đồn” về khả năng Bắc Kinh có thể quyết định rút giàn khoan HD 981 ra khỏi khu vực Biển Đông trước thời hạn 15/8/2014.

Bước sang ngày 15/7/2014, phía Trung Quốc “bỗng dưng” trả tự do cho 13 ngư dân Việt Nam. Những ngư dân này gồm 7 người ở Quảng Bình và 6 người ở Quảng Ngãi, trước đó trong lúc đang đánh cá ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam đã bị lực lượng quân sự và hỗ trợ quân sự của Trung Quốc bắt giữ một cách cực kỳ vô pháp.
Vì sao lại có hiện tượng “xuống thang” có vẻ khá bất ngờ của Trung Quốc như thế, trong khi sức ép của Bộ Ngoại giao Việt Nam là hoàn toàn không đáng kể, nếu không muốn nói là vẫn chỉ nằm trong một cung bậc cảm xúc mà thường bị xem là “quỵ lụy thiên triều”?

Lý do mà phía Trung Quốc đưa ra để rút giàn khoan HD 981 là nhằm tránh cơn bão lớn có tên Rammasun đang hướng vào Biển Đông và không loại trừ sẽ quét qua giàn khoan này. Xét về mối quan hệ tuyên truyền giữa “hai nước anh em”, lý do này là khá đồng điệu nếu đối chiếu với những gì mà các cơ quan tuyên giáo và ngoại giao Việt Nam vẫn “định hướng” trước Liên hiệp quốc, liên quan đến chủ đề dân chủ và nhân quyền.

Nhưng thật ra mọi chuyện không quá khó để lý giải đối với người Trung Hoa. Ngay từ khi thiết kế và ngay trong ngày khánh thành với sự có mặt của một lãnh đạo cao cấp Việt Nam, giàn khoan HD 981 đã được tuyên dương có sức chịu đựng chống siêu bão. Do vậy, có thể thấy lý do “rút giàn khoan để tránh bão” mà Trung Quốc đưa ra là nghèo nàn và thiếu thuyết phục đến thế nào.

Trong khi đó, một cuộc hội thảo quốc tế vừa được tổ chức ở Hoa Kỳ đã cho thấy ý kiến của các học giả và giới chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông: đặc biệt lưu ý đến những động thái bộc lộ rõ rệt ý đồ xâm hấn và bành trước của Trung Quốc mà có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề an toàn hàng hải của Hoa Kỳ và bầu không khí an lành của các quốc gia trong khu vực như Philippines, Nhật Bản, Hàn quốc, Malaysia và cả Úc.

Trung Quốc không phải là cả thế giới

Một sự kiện rất đáng lưu tâm cũng vừa diễn ra: lần đầu tiên từ khi Công ước về luật biển được các quốc gia ký kết vào năm 1982 đến nay, Thượng viện Hoa Kỳ đã biểu quyết để phát đi bản nghị quyết số 412, yêu cầu Trung Quốc “trở về nguyên trạng trước thời điểm tháng 5/2014”. Tỷ lệ đồng thuận dành cho nghị quyết 412 là tuyệt đối: 100%!

Tháng 5/2014 lại là thời điểm mà Trung Quốc lần đầu tiên đưa giàn khoan khổng lồ có giá trị đến 1 tỷ USD vào vùng lãnh hải Việt Nam, từ đó khiến phát sinh hàng loạt cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong khối người dân Việt và lôi kéo mối quan tâm ngày càng sâu sắc của cộng đồng quốc tế. Bản thăm dò độc lập do một hãng khảo sát quốc tế công bố gần đây đã cho thấy kết quả: Trung Quốc là một trong những quốc gia bị căm ghét nhất trên thế giới.

Không quá khó hiểu để nhận ra Trung Quốc đã bị cô lập đến mức nào khi họ đi một nước cờ khá sai lầm ở Biển Đông. Bất chấp nhiều thủ đoạn của Trung Quốc muốn làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt quốc tế, thái độ quá đà của Trung Nam Hải đã làm cho chính giới quốc tế chán ngán và quay lưng với chế độ độc trị tại quốc gia này.

Có thể tự cho mình toàn quyền hành xử với những khu tự trị thuộc Hán như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông, nhưng không phải Bắc Kinh muốn làm gì thì làm ngoài biên giới Trung Hoa. Có lẽ Tập Cận Bình và Bộ chính trị của ông ta đang phải “nghiêm túc tự phê” về câu chuyện Trung Quốc không phải là cả thế giới.

Trường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét