Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Ông Hồng Lỗi “cà lăm” với báo chí TQ về việc rút giàn khoan







Ông Hồng Lỗi “cà lăm” với báo chí TQ về việc rút giàn khoan


Trang CRI của Trung Quốc cho biết trong buổi họp báo vào chiều 16.7, đã có phóng viên hỏi thẳng: "Tại sao ban đầu công bố là thăm dò khai thác giữa tháng 8 nhưng đến giờ đã tuyên bố "hoàn thành" vào 15.7. Liệu có phải do hiệu quả công việc cao đến mức hoàn thành trước thời hạn một tháng hay do một lý do ngoài chuyên môn?".

Đáp lại, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói: "Tôi đã nói điều này vào sáng hôm qua. Giàn khoan 981 đã hoàn thành xong công việc ở gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và giờ tiếp tục với dự án tiếp theo gần Lăng Thủy".

Nhưng nhiều người Trung Quốc không tin vào cách giải thích này. Trang Sohu của Trung Quốc cho biết áp lực từ quốc tế và đặc biệt là từ Mỹ đã khiến Trung Quốc phải di chuyển. Trang này cho biết trong tuần thứ 2 của tháng 7, Mỹ liên tục đưa ra 3 động thái khiến Trung Quốc phải thận trọng.

Động thái đầu tiên là vào 7.7 khi 3 tàu chiến Aegis của Mỹ tiến vào biển Đông. Đây là các tàu chiến hiện đại của hạm đội 7 và họ thông báo rằng đang đi tuần tra để đảm bảo an ninh hàng hải. Giới quân sự Trung Quốc không có phản ứng nào.

Động thái thứ hai là vào 10.7 khi Thượng viện Mỹ ra nghị quyết số 412, yêu cầu "Trung Quốc phải rút giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực đang hoạt động ở Biển Đông và khôi phục lại nguyên trạng biển Đông".

Động thái thứ ba vào 11.7 khi Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Michael Fuchs chuyên phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông tự nguyện ngưng ngay hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Trang Sohu nói rằng rất hiếm khi Mỹ lại có 3 động thái dồn dập như vậy với một vấn đề cho Trung Quốc nên việc rút giàn khoan chính là để tránh "lỗ rò nhỏ làm đắm con tàu lớn". 


Chính hành động bất minh của các công ty thăm dò khai thác dầu Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan ra rồi đưa giàn khoan về khiến người dân Trung Quốc hoài nghi về tính chính danh trong các hoạt động trên biển thời gian qua. "Nếu các công ty Trung Quốc tuyên bố thăm dò thành công thì sao không dám công bố chính xác ngày tiến hành khai thác?", trang Sohu đặt câu hỏi. 


Có lẽ Sohu cũng nên tự biết toàn bộ quá trình thăm dò vừa qua là phi pháp nên bị cả thế giới lên án. Nếu tuyên bố ngày khai thác thì chẳng khác nào thách thức cả thế giới ở cấp độ nghiêm trọng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét