Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014
TẬP CẬN BÌNH SẼ ĐƯA CHINA VỀ ĐÂU?
Hoàng Mai
Khác với các nước phi cộng sản, có nền dân chủ đa đảng, cuộc bầu chọn lãnh đạo đất nước thường minh bạch, là sự cạnh tranh không chỉ trong nội bộ mỗi đảng, mà còn là sự cạnh tranh giữa các chính đảng cũng như các cá nhân độc lập tham gia ứng cử, và được nhân dân bầu cử một cách minh bạch... Thì các đảng cộng sản, khi cần người đứng đầu của đảng, thường là do vài cá nhân có vai vế chỉ định, và người được chỉ định thuộc loại “con ông cháu cha”, và Tập Cận Bình ở China cũng thuộc số này. Dân China gọi là tầng lớp “thái tử đảng”.
Ngày 15 tháng 11 năm 2012, tại Đại hội lần thứ 18 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản China, đã bầu Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản China, Chủ tịch Quân ủy Trung ương China.
Ngày 14 tháng 3 năm 2013, Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân China, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực ở China.
Theo dõi quá trình lãnh đạo của Tập Cận Bình trong gần hai năm qua, ta thấy:
- Đây là con người có tham vọng chính trị rất lớn, khẩu hiệu của ông ta ngay sau khi được bầu là TBT là “phục hưng Trung Hoa”, hay “giấc mơ Trung Hoa”. Có thể đoán, Tập muốn để lại dấu ấn cá nhân trong lịch sử China chỉ sau Mao Trạch Đông, hoặc chí ít cũng ngang với Đặng Tiểu Bình – người khởi xướng đổi mới từ năm 1978 và đưa China thành công về kinh tế như ngày nay.
- Tập đang thực hiện chiến dịch chống tham nhũng với khẩu hiệu “đập ruồi đả hổ” (dư luận China cũng cho rằng đây là sự đấu đá nội bộ trong Đảng cộng sản China, vốn có truyền thống và rất khốc liệt, thậm chí đẫm máu như dưới thời Mao), mà ngay cả các Ủy viên Bộ Chính trị cũng là đối tượng bị tống giam, chưa kể đến hàng loạt tướng tá trong quân đội, cũng như các ủy viên trung ương khác. Chỉ riêng việc này thôi, cũng cho thấy, Tập là người “dám nghĩ, dám làm”, và không phải ai cũng dám làm như ông ta. Rõ ràng đây là con người có tố chất mạnh mẽ, tự tin…
- Tự tin vào sức mạnh kinh tế của mình, China dưới sự lãnh đạo của Tập, còn muốn Mỹ “chia đôi Thái Bình Dương”, muốn rằng Mỹ nhượng lại China phần phía Tây Thái Bình Dương, tính từ Quần đảo Hawaii thuộc Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6/2013, tại cuộc tiếp kiến với Tổng thống Barak Obama, Tập nói: “Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc”. Như vậy, “đường lưỡi bò” ở Biển Đông Việt Nam, mới chỉ là “cái ao nhà” trong tham vọng của China mà thôi.
Tập Cận Bình sẽ đưa China theo hướng nào, về đâu?
Từ một vài nhận định nổi bật trên đây về Tập Cận Bình, và nhìn tổng thể hiện trạng đất nước China hôm nay, có thể dự đoán:
1. Biết được sự diệt vong tất yếu của hệ thống quyền lực cộng sản, cho nên đã từ lâu, giới cầm quyền Bắc Kinh đang đi tìm một mô hình nhà nước kiểu mới.
Rõ ràng, mô hình nhà nước dân chủ theo châu Âu và Mỹ là điều Bắc Kinh không bao giờ mong muốn, thậm chí là sợ hãi, vì theo thể chế này, rất có thể đến một lúc nào đó sẽ có trưng cầu dân ý theo nguyện vọng đòi độc lập của các lãnh thổ bị chiếm đóng như Tân Cương, Tây Tạng, và cả là Đài Loan…
China hiện đang rất lưỡng nan về vấn đề này. Duy trì sự độc tài sẽ kìm hãm phát triển, và không sớm thì muộn cũng đi đến sụp đổ. Ngược lại, theo hướng dân chủ đa đảng thì China có thể phân rã thành nhiều nước như đã nói trên.
Như vậy, có thể nói, mâu thuẫn cơ bản hiện nay của China đó là tìm một mô hình phát triển, vừa để duy trì tăng trưởng, ổn định đất nước, đồng thời tránh được sự phân rã nhà nước China thành nhiều nước nhỏ trong tương lai.
2. Rất có thể cuộc chống tham nhũng với khẩu hiệu “đập ruồi đả hổ” của Tập sẽ đi theo một hướng khác ngoài sự kiểm soát của Tập và các tay chân của ông ta. Trong thể chế độc quyền cộng sản, tham ô là do “Lỗi hệ thống” tạo nên, cá nhân có quyền lực và tham nhũng thực ra là những tên mafia có hạng. Không dễ gì bọn này khoanh tay để rồi lần lượt bị Tập cho vào tù. Chỉ cần một nhóm tướng lĩnh trong quân đội ra tay chống đối Tập, thì chính trường China sẽ đi theo một hướng khác. Hơn ai hết, người Tàu và người Á Đông rất hiểu thành ngữ “người tính không bằng trời tính”.
3. Do muốn khẳng định vai trò cá nhân trong lịch sử hiện đại China, cũng như tránh cho Đảng cộng sản trên đà sụp đổ, sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông Việt Nam trong những năm qua, đang đưa China bị cô lập trên chính trường Quốc tế. Nếu như lãnh đạo Việt Nam run sợ trước Bắc Kinh, thì ngược lại, Mỹ, Nhật đủ sức mạnh để khuất phục China. Mặt khác, chính trường Việt Nam cũng rất khó lường. Chỉ cần một biến cố ở Việt Nam và Việt Nam không còn đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh, khi đó Liên minh quân sự Việt – Nhật – Mỹ được hình thành, thì đây sẽ là tai họa đối với China. Hiểu được điều này, cho nên, hiện tại Bắc Kinh không tiếc tiền đổ vào Việt Nam (thông qua đầu tư, viện trợ…) nhằm duy trì chế độ tuân phục hiện nay ở Việt Nam.
4. China hiện đang rất sợ chiến tranh, đặc biệt là với Mỹ, Nhật. Chính vì vậy, hôm 9-7, mở đầu cuộc Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế (S&ED) thường niên giữa China và Mỹ, Tập Cận Bình nói: “Nếu Trung Quốc và Mỹ đối đầu, đó sẽ là một thảm họa. Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, đối xử với nhau bình đẳng và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lựa chọn của các bên trên con đường phát triển”.
Sự thất bại của phe Trục trong Chiến tranh thế giới thứ 2, buộc Nhật Bản phải trao trả các lãnh thổ và đảo ngoài khơi cho các nước mà Nhật đã xâm chiếm; đây là bài học mà Bắc Kinh nằm lòng để không phải trả Hoàng Sa cho Việt Nam nếu như gây chiến tranh và bị đánh bại trong chiến tranh đó. Nếu người Việt vẫn nặng lòng với Hoàng Sa, thì đây cũng sẽ là một cơ hội để lấy lại Hoàng Sa, một khi China thất bại trong các cuộc chiến về sau này.
Không loại trừ khả năng sẽ có xung đột nhỏ ở Biển Đông Việt Nam, và vượt quá tầm kiểm soát để rồi đi đến một cuộc chiến cấp khu vực và buộc Nhật, Mỹ phải tham gia, và kết quả sẽ dành cho China như dự báo trên đây.
5. Sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông Việt Nam, thực ra phần nào đang che dấu sự bế tắc của Tập ở cả phương diện đối nội và đối ngoại.
Thật vậy, những mâu thuẫn xã hội trong lòng China (kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, đói nghèo…), cũng như sự phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Tạng… đang là một nguy cơ lớn để China bất ổn.
Sự cứng rắn của Thượng viện Mỹ, với việc thông qua nghị quyết 412 hôm 10.7.2014, với số phiếu tuyệt đối “Yêu cầu China rút giàn khoan HD 981, giữ nguyên hiện trạng và không được cản trở lưu thông hàng hải”, như là một lời cảnh báo đối với tham vọng của Tập Cận Bình, không chỉ ở Biển Đông Việt Nam, mà làm cho Tập mất uy tín ngay cả trong nước và Quốc tế.
Tập Cận Bình sẽ là người đưa China cộng sản đến tan rã và đó là kết cục có hậu đối với thế giới.
16.7.2014
H.M.
Tác giả gửi BVN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét