Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

NƯỚC VIỆT ĐẾN 2016



BS Hồ Hải


Bài đọc liên quan:
+ Tập và tản quyền với đơn và đa nguyên
+ Sai lầm chính trị hay kinh tế?
+ Chuyện Đông, chuyện Tây và chuyện nước Việt
+ 50 năm và 67 năm
+ 5 năm tới Miến Điện sẽ ở đâu?


Chuyến đi Hoa Kỳ của ông bí thư thành ủy Hà Nội thay thế cho ông bộ trưởng ngoại giao Việt Nam vào ngày 21/7/2014, được giấu kín mãi đến ngày 23/7/2014 cơ quan ngôn luận chính thức lớn nhất của Việt Nam mới đưa tin, và sau đó, ngay cả VOA - Voice of America - cũng chỉ đưa tin theo báo chí Việt Nam, mà VOA hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào tại một đất nước tự do thông tin như Hoa Kỳ về chuyến đi này là điều cần mổ xẻ.

Cung vua phủ chúa và bộ nhất hay bộ tứ?


Nhiệm kỳ 12 của đại hội đảng cộng sản ở Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2016. Từ trước đến nay, cơ cấu nhân sự bộ tứ luôn được chuẩn bị từ ít nhất 20 năm, nhưng khác với Trung cộng, Việt Nam việc nhân sự chủ chốt xuất hiện vào phút 89 là điều trở thành tất nhiên suốt mấy chục năm qua.

Trong gần 10 năm qua, vai trò người đứng đầu của đảng cộng sản ở Việt Nam không còn như trước đây là một dấu hiệu thay đổi đáng ghi nhận. Ngược lại, nổi bật vai trò người điều hành hành pháp và quản lý đất nước trong cương vị thủ tướng rõ nét hơn bao giờ hết.

Cơ chế bộ tứ của đảng cầm quyền ở Việt Nam là một cơ chế tản quyền, nhưng tản quyền ấy được thể chế hóa trong một đảng tập quyền, mà không có đảng đối lập thứ hai làm tản quyền đảng cầm quyền, thêm vào đó, văn hóa duy tình, lúa nước của Việt Nam đã là nguyên nhân tai hại làm nên một nền kinh tế, chính trị Việt Nam sa vào con đường khủng hoảng hiện nay.

Hai năm trước tôi viết bài: Chuyện Đông, chuyện Tây và chuyện nước Việt để tiên đoán tình hình chính trị Việt trong tương lai. Hôm nay đã bắt đầu lộ rõ cuộc chạy đua của cung vua phủ chúa vào nhiệm kỳ tới 2016. Vấn đề quan trọng là, từ tản quyền bộ tứ để kéo chân nhau, ăn chia làm trì trệ đất nước trong một nền chính trị tập quyền, không đối thủ, hay là tập quyền nhỏ trong một cái tập quyền lớn trong tương lai mới là quan trọng.

Nếu tập quyền về một người nắm trọn quyền hành như Trung cộng, thì ai trong vị trí thủ tướng đương nhiệm và người sẽ thay thế chức tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới sẽ nắm trọn? Mà ông bí thư thành ủy Hà Nội được xem là cơ cấu vào vị trí tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.

Nhưng tại sao ông bí thư thành ủy Hà Nội lại thay thế ông bộ trưởng ngoại giao trong chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời đồng cấp của ông John Kerry. Ở Việt Nam, về mặt cấp bậc chính trị, thì ông bí thư Hà Nội cao hơn ông bộ trưởng ngoại giao. Nhưng ở Hoa Kỳ thì về mặt chính trị ông bộ trưởng ngoại giao đứng thứ 2 nước Mỹ. Nên không lạ, khi ông bí thư Hà Nội chỉ được các ông phó của ông John Kerry tiếp đón.

Nhưng qua chuyến đi này, lần đầu tiên một nhân vật ở cương vị của đảng cộng sản ở Việt Nam được Hoa Kỳ chấp thuận cuộc viếng thăm, với những thảo luận mang tầm vóc nguyên thủ quốc gia, cũng là một điều đáng để bàn luận. Liệu cung vua hay phủ chúa sẽ thắng trong nhiệm kỳ tới? Liệu bộ tứ có còn tồn tại?

Khi nào Việt Nam sẽ như Miến Điện?

Có nhiều bình luận trong mấy ngày qua, Việt Nam sẽ đi theo Miến Điện, nhưng "chậm hơn 3 năm". Nhưng nếu nhìn lại, thì không phải thế. Việt Nam và Miến Điện có cùng xuất phát điểm về thời gian là năm 1990 cùng cải cách. Nhưng Miến Điện cải cách chính trị đa nguyên, đa đảng, và vẫn giữ độc quyền quân đội cầm quyền trong suốt 21 năm - 1990 đến 2011. Trong khi đó, Việt Nam chỉ cải cách kinh tế dưới màu sắc chính trị của Trung Cộng.

Vì thế, mà Miến Điện sẵn sàng từ chối nhiều dự án lớn của Trung cộng - như dự án đường ống dẫn dầu từ cảng Rangoon sang Vân Nam, và dự án đường sắt Vân Nam sang Miến Điện, v.v... Ngược lại, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc nền kinh tế Trung cộng. Nên mới có câu chuyện Trung cộng ngày càng lấn sâu hơn về chuyện lãnh thổ, và biển đảo.


Miến Điện từ chối thẳng thừng dự án đường sắt và đường ống dẫn khí gas từ thành phố Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam sang thành phố biển Rangoon. Trong khí đó cộng sản ở Việt Nam thì lệ thuộc Trung cộng chỉ vì những dự án bạc cắt để ăn chia, làm phá hoại tài nguyên đất nước của tổ tiên để lại.

Ngoài ra, trong khi Miến Điện đã và đang trở thành một nền chính trị tự do dân chủ, đi đôi với nền kinh tế thị trường tự do, thì Việt Nam ngày càng rơi vào một nền kinh tế chính trị độc quyền của đảng cầm quyền thông qua hiến pháp năm 2013 vừa qua.

Hôm nay kinh tế Miến Điện đang thua xa Việt Nam, nhưng để Miến Điện bắt kịp Việt Nam về kinh tế thì chẳng mấy chốc. Vì con đường của Miến Điện đi là con đường của Nam Hàn đã đi từ thập niên 1970. Chỉ sau 4 thập niên Nam Hàn trở thành cường quốc về mọi mặt trong top 20 của thế giới.

Kinh tế là chính trị, nên mới gọi kinh tế là một ngành khoa học của nghệ thuật - Science of art. Và thế giới mới có bộ môn kinh tế chính trị học. Kinh tế quyết định chính trị, nhưng chính trị lại thúc đẩy hay kiềm hãm kinh tế. Chính trị đúng thì kinh tế khởi sắc. Chính trị sai thì kinh tế khủng hoảng, khi kinh tế khủng hoảng thì buộc chính trị phải thay đổi.

Miến Điện đã nhìn thấy rõ mấu chốt cái cần thay đổi là chính trị, chứ không phải kinh tế. Nên 24 năm trước Than Shwe đã làm cuộc cách mạng chính trị, để năm 2011 Thein Sein làm cuộc thay đổi kinh tế chính trị triệt để.

Việt Nam cũng nhìn thấy cần thay đổi, nhưng lại đi vào cuộc thay đổi kinh tế để giữ mạng sống của đảng cộng sản cầm quyền. Nên hôm nay khủng hoảng cả chính trị lẫn kinh tế, và hậu quả là, lệ thuộc Trung cộng. Nên phải ít nhất 20 năm tới thì Việt Nam mới đuổi kịp Miến Điện về cả cuộc thay đổi triệt để kinh tế lẫn chính trị, mới mong tự lực tực cường như Hàn Quốc ngày nay.

Kịch bản nào cho Việt Nam?

Người có tầm nhìn ở nước Việt hiện nay, ai cũng thấy đời sống của thể chế chính trị của Việt Nam chỉ còn tính bằng tháng. Nhưng vấn đề quan trọng bậc nhất là, khi thể chế chính trị hiện nay chết đi, thì làm sao để đất nước yên bình, mà không bạo loạn, và tệ hại hơn hiện nay?

Thống kê từ thời Lý Công Uẩn lên ngôi, và đặt Thăng Long là đất của hoàng thành, thì mảnh đất này chưa bao giờ chứa được họ nhà nào kéo dài quá 8 đời vua. Và đời vua của đảng cộng sản nắm quyền ở Việt Nam đến đời tổng bí thư của nhiệm kỳ thứ 11 này đã là đời thứ Tám!

Cuộc chạy đua của cung vua và phủ chúa đến giờ này đã bộc lộ hết tất cả những con cờ trên bàn cờ chính trị. Nhưng vì kinh tế là nền tảng quyết định cho chính trị, nên con cờ nào nắm kinh tế, thì con cờ ấy sẽ đi nước cuối cùng trên bàn cờ đến cung điện Ba Đình.

Chuyến đi của ông bí thư Hà Nội chỉ là lửa của ngọn đèn leo lét bùng lên trước khi tắt của cung vua. Nhưng cũng không loại trừ kịch bản Trịnh Nguyễn phân tranh trở lại, khi có sự hà hơi tiếp sức của ngoại bang. Chính trị là nghệ thuật của sự có thể, nhưng cũng là trò chơi không khoan nhượng, kẻ nào chơi nửa vời xét lại đều bị loại khỏi cuộc chơi.

Mọi việc đã quá rõ, và chúng ta hãy chờ xem.

Asia Clinic, 10h18' ngày thứ Bảy, 26/7/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét