Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Hủy dự án Trung Quốc: Việt Nam hãy nhìn gương Miến Điện




Đường sắt dự kiến xây dựng sẽ dọc theo đường ống dẫn khí đốt từ cảng miền tây Miến Điện sang vùng Vân Nam Trung Quốc DR
Thẳng tay hủy dự án


(VNTB)-Sau 3 năm mở cửa chính trị và tiến hành dân chủ hóa, lần đầu tiên Xã hội dân sự ở Miến Điện đã có kết quả khá thuyết phục bằng một phong trào quy mô gây áp lực đòi chính phủ nước này hủy dự án đường sắt với Trung Quốc.

Dự án đường sắt trên do Trung Quốc xây dựng từ Côn Minh, miền Nam Trung Quốc, đến thành phố Kyaukpyu, ở bang Rakhine miền Tây Miến Điện, dài hơn 1.200 km. Thỏa thuận về dự án đường sắt này đã được Miến Điện và Trung Quốc ký kết vào tháng 04/2011. Vốn đầu tư cho công trình lên tới 20 tỷ đô la, phần lớn là vốn của Trung Quốc.

Dự án này mang ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc do tuyến xe lửa Kyaukpyu-Côn Minh có thể thay thế eo biển Malacca như một con đường đi đến vùng Trung Đông. Theo thỏa thuận ký kết năm 2011 với chính phủ Miến Điện, Trung Quốc sẽ có quyền quản lý và khai thác tuyến đường sắt này đến 50 năm.

Mặc dù một quan chức cao cấp của chính quyền Miến Điện thông báo nguyên nhân khiến chính phủ Miến Điện phải hủy dự án này là đã 3 năm kể từ khi ký biên bản thỏa thuận, dự án vẫn chưa có tiến triển gì, nhưng về bản chất, chính những phản đối ngày càng mạnh của dư luận Miến Điện về tác hại môi trường và xã hội của dự án đường xe lửa đã buộc chính quyền nước này phải đình chỉ dự án.

Hãy nhìn mà học hỏi!

Cách đây 10 năm, cả đất nước Miến Điện vẫn còn chìm ngập trong cuộc “đàn áp áo cà sa” (hàm ý về cuộc đàn áp đối với giới Phật giáo) và khiến hàng ngàn người dân chết oan. Nhưng giờ đây những người dân nước này đã ý thức được những quyền con người tối thiểu của họ. Chỉ riêng tại bang Rakhine, các tổ chức dân sự ở 17 thị trấn đã tập hợp thành một phong trào để phản đối dự án. Ngoài lý do tác hại môi trường và xã hội, dư luận Miến Điện còn không chấp nhận việc tài nguyên của quốc gia bị đưa ra ngoài.

Nhưng điều đáng mừng không kém là chính quyền của Tổng thống Thein Sein cũng đã ý thức được rằng không thể kế thừa chế độ quân phiệt như trước đây mà không dẫn đến một hậu quả tàn khốc mà có thể dân tộc vào tình trạng nội chiến.

Đây là lần thứ hai Miến Điện buộc phải đình chỉ một dự án với Trung Quốc do áp lực của dư luận trong nước. Vào năm 2011, chính phủ Miến Điện đã buộc phải hủy dự án liên doanh với Trung Quốc xây đập thủy điện Myitsone trị giá đến 3,6 tỷ đôla.

Trung Quốc là quốc gia đã từng có vai trò khá lớn đối với Miến Điện trong những năm trước. Ý đồ biến Miến Điện thành sân sau của Trung Quốc là rất rõ ràng. Nhưng thông qua việc chính quyền Thein Sein không quá ngại ngần khi hủy hai dự án lớn của Trung Quốc – một về thủy điện và một về đường sắt – chính là một chỉ dấu tốt lành cho lộ trình dân chủ hóa và hướng vè phương Tây của đất nước này.

Còn ở Việt Nam, với vấn nạn 90% các vụ thắng thầu trong các ngành giao thông, xây dựng, nhiệt điện thuộc về Trung Quốc, và cho đến nay dự án gây quá nhiều tai tiếng về khai thác bauxite ở Tây Nguyên vẫn ung dung tự tại, bất chấp quá nhiều phản ứng của người dân và báo chí, không hiểu Nhà nước Việt Nam có rút ra được bài học xương máu gì đối với cơ chế phụ thuộc Trung Quốc, hay để mặc cho Việt Nam biến thành một thứ ao làng của Bắc Kinh?


Dưới áp lực của dư luận, Miến Điện hủy dự án đường sắt với Trung Quốc
Thanh Phương

Một lần nữa, chính quyền Miến Điện chứng tỏ họ không ngại làm mích lòng láng giềng khổng lồ Trung Quốc, qua việc đình chỉ một dự án đường sắt hàng chục tỷ đô la, mở đường cho Trung Quốc ra đến Ấn Độ Dương.

Hôm qua, 22/07/2014, một quan chức cao cấp của Miến Điện thông báo rằng, do dư luận trong nước phản đối quá mạnh và do bị nhiều trễ nải, chính phủ nước này đã quyết định đình chỉ dự án đường sắt do Trung Quốc xây dựng từ Côn Minh, miền Nam Trung Quốc, đến thành phố Kyaukpyu, ở bang Rakhine miền Tây Miến Điện, dài hơn 1.200 km.

Thỏa thuận về dự án đường sắt này đã được Miến Điện và Trung Quốc ký kết vào tháng 04/2011. Vốn đầu tư cho công trình lên tới 20 tỷ đô la, phần lớn là vốn của Trung Quốc. Đường sắt này theo dự kiến sẽ được xây dọc theo đường ống dẫn khí đốt nối các mỏ khí ở vùng biển Andaman đến nhà máy lọc dầu nằm gần Côn Minh.

Dự án này mang ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc bởi vì tuyến xe lửa Kyaukpyu-Côn Minh có thể thay thế eo biển Malacca như là con đường đi đến vùng Trung Đông. Theo thỏa thuận ký kết năm 2011 với chính phủ Miến Điện, Trung Quốc sẽ có quyền quản lý và khai thác tuyến đường sắt này trong thời hạn 50 năm.

Theo quan chức cao cấp nói trên, nguyên nhân khiến chính phủ Miến Điện phải hủy dự án này đó là đã 3 năm kể từ khi ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận, thế mà dự án vẫn chưa có tiến triển gì. Nhưng thật ra chính những phản đối ngày càng mạnh của dư luận Miến Điện về tác hại môi trường và xã hội của dự án đường xe lửa, đã buộc chính quyền nước này phải đình chỉ dự án.

Chỉ riêng tại bang Rakhine, các tổ chức dân sự ở 17 thị trấn đã tập hợp thành một « mặt trận » để phản đối dự án. Ngoài lý do tác hại môi trường và xã hội, dư luận Miến Điện còn không chấp nhận việc tài nguyên của quốc gia bị đưa ra ngoài như thế.

Hiện giờ, phía Trung Quốc chưa có phản ứng gì về quyết định của Miến Điện hủy dự án đường sắt. Nhưng một nguồn tin từ Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc khẳng định với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng Bắc Kinh sẽ tôn trọng ý kiến của người dân Miến Điện về dự án này.

Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Miến Điện Thein Sein vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã định nghĩa quan hệ giữa hai nước là « có qua có lại và hai bên đều thắng ». Nhưng việc chính quyền Miến Điện hủy dự án đường sắt của Trung Quốc cho thấy bang giao giữa hai nước láng giềng này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.

Đây là lần thứ hai Miến Điện buộc phải đình chỉ một dự án với Trung Quốc do áp lực của dư luận trong nước. Vào năm 2011, chính phủ Miến Điện đã buộc phải hủy dự án liên doanh với Trung Quốc xây đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ đôla.

Bắc Kinh nghĩ rằng, bằng cách đổ vốn ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng vào các nước Đông Nam Á, họ sẽ « mua » được thêm bạn và có thêm nguồn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ít ra là đối với Miến Điện, chính sách này như vậy là đã thất bại.

Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét