Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Thần sấm và Cơn bão Lưỡng Đảng



(VNTB) Những ngày qua, câu chuyện về cơn bão mang tên Thần Sấm & giàn khoan HD-981 vẫn là câu chuyện dài hơi đối với không ít người. Nó không chỉ là một sự kiện mang tính thường niên, mà ngược lại, nó cho thấy một góc nhìn khác về hướng đi mang tính chắc chắn trong vấn đề giải quyết chủ quyền biển đảo giữa hai quốc gia láng giềng.




Bội thực thông tin

Trong thời gian vừa qua, chưa bao giờ mà thông tin về dàn khoan HD-981 lại trở nên dồn dập đến thế đối với người dân trong nước. Từ đài phát thanh lúc 6h00 sáng/tối hằng ngày cho đến đài truyền hình 19h00 tối. Chưa kể nội dung lặp đi lặp lại trên báo giấy lẫn báo mạng thuộc sự quản lý của chính quyền. Nội dung luôn xoay quanh:



- Dư luận trong nước phản ứng ra sao trước HD-981?
- Ngư dân đã quyết tâm bám biển như thế nào?
- Hải quân đã bị chặn trên biển ra sao, tiếng còi hú, tiếng báo hiệu hai bên như thế nào?

Những điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại, đến nỗi, nhiều người dễ dàng nghĩ ngay đến nội dung khi nó bắt đầu. Nó không khác gì những ngôn từ của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam khi phản đối các hành động của Trung Quốc hay lời chỉ đạo của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với sáo ngữ – “quyết liệt”.

Sự dồn dập về mặt thông tin đó dễ khiến ta liên tưởng đến sự bối rối, thiếu chủ động của chính quyền trong việc cung cấp lượng tin về chủ quyền biển đào trước đây. Điều đó làm cho lượng thông tin về biển đảo dồn ứ lại, để đến khi cây kim trong bọc đâm thủng ra ngoài thì chính quyền mới “xả lũ” thông tin trên mọi phương tiện, từ truyền thanh – truyền hình đến tờ đơn khu phố, facebook…

Điều này dẫn đến một hệ quả là lượng thông tin lớn, nhưng nội dung lại không hề có gì mới mẻ. Tất cả xoay quanh các hội đoàn trong nước phản đối như thế nào; ta và Trung Quốc rượt đuổi nhau ra sao…, trong khi sự thật là tàu Việt Nam chưa bao giờ vào gần được hơn 7 hải lý. Sự quen thuộc về mặt nội dung nhanh chóng tạo nên sự kém hấp dẫn trong bản tin về biển Đông, dẫn đến tình trạng từ thu hút, sôi sục trước đó chuyển sang trạng thái thờ ơ, chán chường của không ít người dân. Nỗi lo biển đảo – chủ quyền không còn quá lớn so với nỗi lo cơm áo – gạo tiền – xăng lên giá.

Trong khi đó, điệp khúc về mặt thông tin lại khiến người dân nghi ngờ về sự bế tắc của chính quyền trong giải quyết vấn đề với Trung Quốc, về mặt pháp lý lẫn ngoại giao, nhất là việc thiếu sự trực diện về mặt tình huống: Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo để Trung Quốc rút giàn khoan và ngăn chặn một giàn khoan mới quay trở lại?

Một vấn đề không hề đơn giản. Dù cho tháng 8 – thời điểm Trung Quốc quyết định rút dàn khoan ngày một cận kề.


“Việt Nam đã thắng về ngoại giao”



Thời điểm tháng 8/2014 chưa đến, câu chuyện về việc phản đối dàn khoan vẫn chưa đến hồi kết thì Thần Sấm xuất hiện tại biển Đông.
Một cơn bão mang tên dữ dằn, như mọi năm đã trở thành một vị cứu tinh cho sự bế tắc về phương cách đấu tranh đối với “giàn khoan”.
Đầu tiên, nó đem lại sự hân hoan khi người ta nghiêng hẳn về nỗ lực ngoại giao và đề cao tính đấu tranh thay vì cơn bão.
Bắt đầu từ ông thiếu tướng Lê Mã Lương trả lời phỏng vấn báo PetroTimes vào ngày 15/07/2014. Ông cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trước dự kiến cho thấy sự sai lầm về chiến lược của họ. Và ông bác bỏ nguyên nhân vì bão, tiến tới một kết luận vội vàng là “sự trong thời gian qua chưa đủ để “thuyết phục” Trung Quốc rời bỏ quyền lợi của mình – khi bản thân nước này chấp nhận vứt bỏ sự “trỗi dậy hòa bình”, chưa đủ lực để khiến Trung Quốc từ bỏ chiến thuật hướng dư luận ra bên ngoài nhằm che đậy các bất ổn bên trong, đặc biệt là các vụ thảm sát bằng dao, bằng bom vốn liên quan đến yếu tố sắc tộc gần đây.

Đó có phải là sự tranh công với một cơn bão hay không? Hay đó chính là biểu hiện của sự “ru ngủ” như GS Nguyễn Minh Thuyết từng cảnh báo?


Cơn bão Lưỡng Đảng


Vấn đề không dừng ở việc tranh công đẩy lùi giàn khoan với cơn bão, mà nó còn mở ra một dữ kiện đáng chú ý trong phát biểu của bà tiến sĩ. Đó là việc “giữ thể diện cho tất cả các bên” và “mở đường cho thỏa thuận ổn định hơn cho Biển Đông”.
Và điều này hoàn toàn nằm trong một dự định mang tầm chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Chỉ có điều thay vì tháng Tám, thì Thần Sấm đẩy nhanh nó về tháng Bảy mà thôi. Thỏa thuận ổn định biển Đông bao gồm các điều kiện về mặt gác lại tranh chấp và khai thác tài nguyên chung, đảm bảo giữ lấy tình hữu nghị của hai quốc gia. Và Việt Nam lẫn Trung Quốc đều trông đợi vào điều này, khi mà tình hình biển Đông, dư luận thế giới và những chuyển biến về mặt quan hệ các nước đã trở nên quá phức tạp, không thể nhận diện được đâu là bè, đâu là bạn, đâu là đồng minh, còn đâu là kẻ thù. Chưa kể những tác động to lớn về mặt kinh tế, xã hội diễn ra ở hai nước khi căng thẳng kéo dài dẫn đến sự va chạm trong tương lai gần. Một sự kiện Vịnh Bắc Bộ (1964) hay sự kiện Biên giới (1979) là điều mà cả hai đều không mong muốn.

Do đó, cơn bão nghiễm nhiên trở thành một điểm tựa để từ đó có thể diễn giải nhanh chóng ý đồ về mặt chiến lược. Không ngẫu nhiên mà ông Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng xem xét mời Trung Quốc thăm dò dầu khí trên Biển Đông”.

Và Thần Sấm lúc này cũng trở thành một cơ hội tốt để chính quyền hai bên biện bạch với dư luận xã hội, để làm an lòng dân và trên cả là một yếu tố để dễ dàng “trình bày” kế hoạch vạch ra trước đấy. Đó là sự xem xét có mục đích trong việc mời thầu nhằm khai thác dầu khí trên Biển Đông, giảm tính căng thẳng trên Biển Đông, tạo sự hữu nghị trở lại.

Một sự hữu nghị theo đúng nghĩa giữ vững sự lãnh đạo, niềm tin của nhân dân hai nước đối với sự giải quyết vấn đề chủ quyền – lãnh hải – tài nguyên của Đảng Cộng sản.

Cái khó mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc trong lần tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ (Hà Nội) vào đầu 7/2014 vừa qua, trong đó ông nhấn mạnh “lần này, ta lại phải tìm cách chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện nhưng phải giữ được chủ quyền quốc gia” là ở chỗ đó, nay đã giải quyết được thông qua sự “hợp tác thăm dò và khai thác chung”. Có lẽ, ông cũng thở phào vì “cái khó” đó cơ bản sẽ được giải quyết?
Không ai có thể tưởng tượng được, một cơn bão ngẫu nhiên đã đem lại một giải pháp tất nhiên (thỏa thuận lợi đôi đường) cho cả hai bên (Đảng).

Lê Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét