Thanh Niên online 8.7.2014
Vũ Đức Sao Biển
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã thanh tra hàng loạt các phòng khám Trung Quốc trên toàn địa bàn thành phố. Thanh tra đến đâu, những sai phạm của các phòng khám này bị phát hiện tới đó.
Chiếc thùng nhựa lừa nhiều bệnh nhân Việt - Ảnh: Thanh Tùng
Sai phạm của họ gồm: bác sĩ mà không có văn bằng bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề y dược, phòng không có giấy phép hoạt động, áp dụng những phương pháp chữa bệnh chưa được phép... Và sai phạm lớn nhất là họ đã lừa đảo người bệnh, lấy tiền thù lao và tiền thuốc với giá cắt cổ mà hiệu quả khám chữa bệnh thì không ra gì.
Đặc biệt vừa qua, Thanh tra Sở khi kiểm tra các phòng khám có nhiều “bác sĩ” Trung Quốc hoạt động chui còn phát hiện một cái máy nhái máy CT scanner rất quái đản. Đó là một cái thùng bằng nhựa vừa cho một người nằm, gắn đèn xanh đỏ xung quanh, phía trên có khoảng vòm cong cong ngắn ngủn. Các “danh y lừa đảo” đẩy người bệnh vào đó gọi là chụp CT scan (chụp cắt lớp). Báo Thanh Niên đã công bố bức ảnh danh tiếng về cái thùng nhái máy CT Scanner này để cảnh giác bà con nhẹ dạ cả tin hiểu cho rằng đó chỉ là... cái thùng nhựa!
Những nước có nền y học hiện đại tiên tiến nhất thế giới ít đến mở phòng khám chữa bệnh mà sao một nước như Trung Quốc lại lắm phòng khám chữa bệnh đến vậy? Nền y học của họ vượt xa trình độ y học của thế giới rồi chăng? Thưa rằng không phải. Đó chỉ là những “danh y” lừa đảo, những lang băm bịp đời tìm đủ mọi cách móc túi người bệnh Việt Nam. Ngay trên đất nước họ, họ cũng lập ra những phòng khám như vậy để lừa đảo khách du lịch. Tôi đã được đưa đến một phòng khám tại Quảng Châu, được các “giáo sư bác sĩ” mời gọi vào khám. Tôi đã tự cảnh giác, cương quyết không khám. Những người cùng đi trẻ hơn tôi nhiều không hiểu sao lại nghe lời, bị các “giáo sư bác sĩ” khám ra tùm lum thứ bệnh và họ đã phải mua thuốc với giá cắt cổ.
Lịch sử y học Trung Quốc đã từng ca ngợi hai vị danh y Hoa Đà và Biển Thước - hai con người có y thuật cao cường và y đức rực rỡ. Lịch sử thời Tam Quốc từng ghi nhận Quan Vân Trường - người anh em kết nghĩa của Lưu Bị, bị bắn một mũi tên ngoài mặt trận. Danh y Hoa Đà đã thực hiện ca phẫu thuật lấy mũi tên độc ra và nạo chỗ xương bị nhiễm độc cho bệnh nhân rồi băng bó lại. Ông được tôn xưng là danh y, nổi tiếng thiên hạ. Tiếc thay, các vị “danh y” ngày nay của các phòng khám Trung Quốc lại “nổi tiếng” theo một hướng khác, chẳng giống Hoa Đà, Biển Thước chút nào cả. Bởi họ toàn là những “danh y” lừa đảo thiên hạ. Một lần nữa, rất mong bà con cảnh giác.
Phòng khám Trung Quốc bị đình chỉ vẫn hoạt động, gây tai biến cho bệnh nhân
(TNO) Mặc dù đã bị Sở Y tế TP.HCM đình chỉ hoạt động, nhưng phòng khám (PK) Huê Hạ (8B Lý Thường Kiệt, P.12, Q.5, TP.HCM) vẫn bất chấp, ngang nhiên mở cửa hành nghề, để rồi gây tai biến cho người bệnh.
Phạt cứ phạt, khám cứ khám
Báo Thanh Niên sáng nay đưa tin về trường hợp nữ bệnh nhân trở thành nạn nhân của PK Huê Hạ sau khi cắt trĩ tại đây. Đó là trường hợp của chị N.T.L (28 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước). Sau khi cắt trĩ tại PK Huê Hạ, chị L. rơi vào tình trạng nguy kịch, được đưa đi cấp cứu tại BV Chợ Rẫy vào đêm 1.7.
Ngay sau khi báo đăng, cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản sai phạm, đồng thời một lần nữa buộc PK này phải chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động của Sở Y tế; niêm phong nhiều thiết bị máy móc tại đây.
PK Huê Hạ đã nhiều lần sai phạm trong hành nghề và bị cơ quan quản lý phát hiện, xử phạt. Và, mới đây, qua kiểm tra, Phòng y tế Q.5 phát hiện PK này có những hành vi sai phạm như: phẫu thuật cắt trĩ (trong lúc không được phép làm); truyền dịch; sử dụng thuốc không có phép lưu hành.
Trước những sai phạm trên, Phòng y tế Q.5 đã chuyển hồ sơ sai phạm của PK Huê Hạ cho Thanh tra Sở Y tế để xử lý. Và Thanh tra Sở đã ra quyết định phạt tiền, buộc đình chỉ hoạt động đối với PK Huê Hạ.
Thế nhưng, bất chấp tất cả, coi thường cơ quan quản lý, PK này vẫn ngang nhiên mở cửa nhận bệnh và tiếp tục thực hiện hành nghề quá chuyên môn.
Cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho PK Huê Hạ với một người Trung Quốc làm chuyên môn bắt mạch, bốc thuốc thang. Thế nhưng những người của PK này cố tình lừa phỉnh người bệnh để thực hiện cắt trĩ.
Những người bệnh vào PK này điều trị trĩ chí ít cũng tốn hơn 10 triệu đến vài chục triệu đồng. Cụ thể chị N.T.L nói trên đã đóng 12 triệu đồng cho việc cắt trĩ.
Và sáng nay 2.7, khi Thanh tra Sở đến lập biên bản, phát hiện có một nữ bệnh nhân ở ĐBSCL vừa mổ trĩ tại đây và quay lại tái khám. Thanh tra buộc PK trả lại 35 triệu đồng mà nữ bệnh nhân này đã chi cho PK để điều trị.
PK Huê Hạ bị Thanh tra Sở Y tế buộc chấp hành quyết định đóng cửa trưa 2.7
Suýt mất mạng vì "bác sĩ" Trung Quốc
Ngay sau khi lập biên bản tại PK Huê Hạ, đoàn Thanh tra Sở Y tế TP khẩn trương đến Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy để ghi nhận tình hình sức khỏe, và lấy lời khai của nữ bệnh nhân N.T.L về diễn biến vào điều trị rồi bị tai biến suýt chết tại PK Huê Hạ.
Chị N.T.L nói với đoàn Thanh tra: “Vì thấy PK Huê Hạ quảng cáo trên Đài truyền hình tỉnh Bình Phước cắt trĩ nhanh, điều trị trong ngày… nên ngày 1.7 tôi đến đây điều trị. Tiếp tôi tại PK gồm hai nữ nhân viên (trong đó có người phiên dịch tiếng Trung Quốc), cùng một người đàn ông mập, trắng, ngoài 40 tuổi nói tiếng Trung Quốc".
"Họ bảo tôi có hai khối u, nó bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ung thư, cần phải điều trị ngay, để lâu sẽ nặng thêm. Nghe đến khối u tôi sợ quá nên hỏi việc điều trị ra sao? Họ bảo có hai cách điều trị cắt trĩ, với giá 12 triệu đồng và 20 triệu đồng. Thấy đắt quá, tôi hỏi “Nếu không điều trị thì có được trả lại 1 triệu đồng mà PK đã lấy trước khi tư vấn không?”, thì họ bảo “Nếu điều trị thì tính 1 triệu đồng đó vào chi phí, còn không điều trị thì số tiền đó được tính vào phần tư vấn, khám (?!)”, chị L. thuật lại.
“Ban đầu vì thấy giá đắt quá, tôi không đồng ý điều trị. Nhưng rồi thấy tiếc 1 triệu đồng đã trả cho PK, nên sau đó tôi quay trở lại PK đồng ý cắt trĩ với giá 12 triệu đồng”, chị N.T.L cho biết.
Vì không đem theo đủ tiền, nên vợ chồng chị L. phải chạy đi bán chiếc dây chuyền đang đeo để đưa thêm cho PK Huê Hạ 11 triệu đồng nữa.
Chị L. nói tiếp: "Sau khi nhận đủ tiền, người của PK Huê Hạ đưa tôi lên lầu 1, tại đây một người đàn ông Trung Quốc khác lớn tuổi, đầu hói đã cắt trĩ cho tôi. Vừa cắt xong, tôi thấy tối mặt mày, người khó thở. Lúc đó, họ tiêm cho tôi một loại thuốc gì không rõ loại".
Chị L. được đưa đến cấp cứu ở BV Chợ Rẫy trong tình trạng tụt huyết áp, vết cắt trĩ chảy máu nhiều... Rất may, các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã cầm máu, cứu chữa kịp thời.
Theo các bác sĩ BV Chợ Rẫy, với tình trạng bệnh của chị L. chỉ cần điều nội khoa, không cần phẫu thuật.
Theo TS-BS Lâm Việt Trung - Phó khoa Ngoại tiêu hóa BV Chợ Rẫy, nếu phẫu thuật cắt trĩ mà không có chuyên môn, phương tiện không đảm bảo thì rất nguy hiểm - dễ gây ra tai biến chảy máu, thủng, đứt trực tràng.
Các PK có "bác sĩ" người Trung Quốc liên tục bị phát hiện nhiều sai phạm như bán thuốc không phép lưu hành, không rõ nguồn gốc; thuốc hết hạn dùng; điều trị quá khả năng chuyên môn; người Trung Quốc chữa bệnh không có đăng ký; “tháo chạy” khi đoàn thanh tra đến; bị đình chỉ vẫn cố tình hoạt động; gây chết người (tại PK Maria, Hà Nội)… cho thấy, những PK này rất xem thường cơ quan quản lý y tế.
Nhiều người cho rằng, ngành y tế cần phối hợp với công an, và các cơ quan khác xử lý thật nghiêm đối với các PK sai phạm; thông báo rộng rãi các PK sai phạm để người bệnh biết.
Hà Nội, Hải Phòng kiểm tra các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc
Sở Y tế Hải Phòng vừa có kết quả thanh kiểm tra tại 4 PK có bác sĩ Trung Quốc đóng trên địa bàn. Kết quả thanh kiểm tra, 3 PK (111 Nguyễn Đức Cảnh; 188 Quang Trung; 345 Trần Nguyên Hãn) có nội dung quảng cáo quá so với nội dung xin phép. Về giá khám bệnh và giá thuốc chưa thống nhất giữa giá niêm yết và giá bán.
2 PK số 111 Nguyễn Đức Cảnh và số 345 Trần Nguyên Hãn không xuất trình đầy đủ các loại hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thuốc. PK 345 Trần Nguyên Hãn sử dụng một số loại thuốc hoàn tán không rõ nguồn gốc. Đoàn kiểm tra quyết định đình chỉ hoạt động PK số 345 Trần Nguyên Hãn và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ngày 2.7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết qua kiểm tra đột xuất PK đa khoa Đông y Việt Trung (455 Giải Phóng, Q.Thanh Xuân) và PK Đông y quốc tế Trung Quốc (981 Giải Phóng, Q.Hoàng Mai) đã phát hiện hai cơ sở này đều có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề khi chưa được cấp chứng chỉ. Đoàn kiểm tra đã xử phạt và đình chỉ hành nghề đối với những bác sĩ chưa được cấp phép hành nghề. Vi phạm này còn bị phát hiện tại PK đa khoa 59 Khương Trung (Q.Thanh Xuân). Tại PK trên, ngoài việc phát hiện bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, còn vi phạm về quy chế kê đơn thuốc và có thuốc không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, Thanh tra Sở Y tế cũng đã xử phạt 40,5 triệu đồng đối với PK Đông y 604 Trường Chinh (Q.Đống Đa) vì hành nghề quá phạm vi cho phép; thu hồi chứng chỉ hành nghề của bác sĩ liên quan.
P.H.S - Nam Sơn
Đột kích một phòng khám Trung Quốc trái phép
Bị kiểm tra bất ngờ, rất đông người Trung Quốc có mặt tại một phòng khám không kịp bỏ chạy như những lần trước.
Rất đông người Trung Quốc tại phòng khám Hiệp Hòa khi đoàn kiểm tra đến - Ảnh: Thanh Tùng
Hôm 8.5, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM), Công an P.4, Q.Tân Bình kiểm tra đột xuất phòng khám Hiệp Hòa (tại tòa nhà số 31A - 31 - 31B Trường Sơn, Q.Tân Bình, TP.HCM) và phát hiện nhiều người Trung Quốc khám chữa bệnh trái phép tại đây.
Không trốn được
Trước đó, một bác sĩ người Việt được thuê đứng tên phòng khám Hiệp Hòa đã làm đơn phản ánh lên Sở Y tế rằng: mặc dù ông là người đứng tên chuyên môn, nhưng không hề được biết hoạt động của phòng khám. Theo ông, mọi hoạt động do một đoàn người Trung Quốc điều hành tất cả và hoạt động hành nghề có rất nhiều biểu hiện sai trái, gây biến chứng cho bệnh nhân, lấy giá “cắt cổ” đến vài chục triệu đồng mỗi người, quảng cáo quá chức năng như cắt dây thần kinh bộ phận sinh dục nam để điều trị vô sinh...! Vị bác sĩ người Việt đứng tên nghi ngờ những người Trung Quốc này đến từ phòng khám Trung Quốc trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận (phòng khám có nhiều sai phạm đã bị đóng cửa năm ngoái).
“Ngày 2.5, Thanh tra Sở Y tế TP đã đến kiểm tra phòng khám Hiệp Hòa. Lúc đó, có 4 người Trung Quốc, nhưng họ đã cởi áo blouse và nhanh chóng trốn mất. Thanh tra phát hiện nơi đây hành nghề quá chức năng đã cho đình chỉ hoạt động hôm 2.5, nhưng giờ quay lại họ vẫn ngang nhiên hành nghề!”, một cán bộ thanh tra cho biết.
Sau lần đó, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM) lên kế hoạch tái kiểm tra phòng khám này chi tiết, cẩn thận hơn. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã cho khảo sát tòa nhà cao tầng có phòng khám trên, ghi chép lại tất cả các lối ra vào của tòa nhà… Sáng sớm 8.5 trước khi tiến hành "đột kích", cơ quan chức năng còn điều động người giám sát vòng ngoài. Bị kiểm tra bất ngờ và bị chặn hết các lối ra, nên lần này những người Trung Quốc khám chữa bệnh trái phép hết đường tháo chạy!
Tái yêu cầu ngưng hoạt động
Thanh tra phát hiện nơi đây hành nghề quá chức năng đã cho đình chỉ hoạt động hôm 2.5, nhưng giờ quay lại họ vẫn ngang nhiên hành nghề!
Một cán bộ thanh tra
Khi đoàn thanh tra ập vào phòng khám, có mấy chục người nói tiếng Hoa tại đây, trong đó có một số người mặc áo blouse. Qua sàng lọc, đoàn kiểm tra xác nhận 8 người Trung Quốc có mặt tại phòng khám là để khám chữa bệnh. Trong số 8 người này, có đến 7 người Trung Quốc không xuất trình được bằng cấp chuyên môn và chứng chỉ hành nghề tại VN, gồm: Xiao Yuan Zhong, Wang Ya Fang, Zuo Quang Sheng, Yang Jun, Zhang Gai Xiang, Lu Guo Xian, Nie Pin. Chỉ duy nhất ông Li Hang Hai xuất trình chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp ngày 5.3.2013.
Theo Thanh tra Sở Y tế, phòng khám Hiệp Hòa chỉ đăng ký khám bệnh đa khoa thông thường, nhưng lại hoạt động quá chuyên môn. Đoàn kiểm tra đã ghi nhận có nhiều bệnh nhân đến đây cắt trĩ, cắt bao quy đầu. Có bệnh nhân cho biết điều trị trĩ tại đây mới hai ngày mà trả gần 30 triệu đồng. Thanh tra đã chụp hình và lấy lời khai từ các nhân viên về công dụng của tất cả các máy móc tại đây. Trong đó có nhiều máy móc y chang những chiếc máy “hàng mã” ở các phòng khám Trung Quốc sai phạm bị đóng cửa hàng loạt năm 2012. Các nữ điều dưỡng người Việt cho biết họ không được đụng đến các máy móc, chỉ có người Trung Quốc mới được sử dụng điều trị.
Đoàn kiểm tra lập biên bản, tạm giữ các hồ sơ bệnh án, sổ khám bệnh; cho ngưng hoạt động phòng khám lần thứ hai; yêu cầu đại diện phòng khám xuất trình hồ sơ pháp lý các "bác sĩ" người nước ngoài, và các trang thiết bị. Sở Y tế sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo.
Sự kiện lần này phản ánh tình trạng các phòng khám Trung Quốc vẫn lén lút tồn tại, hành nghề quá chức năng, lừa gạt người bệnh trong nước; nhiều người không có chuyên môn nhưng vẫn ngang nhiên đứng ra khám chữa bệnh, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì cứ theo bài cũ: cởi áo, tháo chạy!
Máy móc toàn chữ Trung Quốc tại phòng khám Hiệp Hòa
Một chiếc máy gõ vào kêu lộp cộp như “hàng mã”, nhưng nhìn rất dễ lầm với máy CT
Đội lốt phòng khám Việt
Theo Thanh tra Sở Y
tế TP, các phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc, sau một thời gian hành
nghề tại VN bộc lộ quá nhiều sai phạm, bị phát hiện, bị đóng cửa, nay
họ chuyển sang dạng phòng khám đa khoa, thuê người Việt đứng tên, nhằm
đánh lạc hướng người bệnh và cơ quan quản lý. Thanh tra đề nghị người
dân, cơ quan truyền thông hỗ trợ, nếu phát hiện phòng khám đa khoa nào
có dấu hiệu người Trung Quốc hành nghề trái phép thì báo cho Sở Y tế,
Thanh tra y tế biết, để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Thanh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét