Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Ngôn ngữ ngoại giao “mới” của Trung Cộng



Nguyễn Văn Tuấn, Asia Sentinel ngày 4/5/2014

Một trong những đặc điểm đáng chú ý của giới quan chức Trung Cộng (TC) trong các hội nghị quốc tế là ngôn ngữ họ sử dụng. Đó là loại ngôn ngữ đần và láo xược. Loại ngôn ngữ đó chẳng giúp gì cho TC trong nỗ lực muốn được công nhận như là một thành viên văn minh trong cộng đồng ngoại giao thế giới.

Trong giới quan chức và ngoại giao TC, lịch sự và tôn trọng có vẻ như trống vắng trong các bài nghị luận của họ ở các hội nghị quốc tế. Chẳng hạn như sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), một Uỷ viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại, tuyên bố với báo chí TC rằng mục tiêu của ông đến VN là lên lớp chứ không phải đàm phán.

Một bộ phận trong hệ thống truyền thông TC thậm chí còn gọi Việt Nam là “đứa con trai hoang đàng”! Những bình luận như thế được thốt ra ngay trong lúc một sự đối đầu nguy hiểm giữa TC và VN đang diễn ra ở Hoàng Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp. Ngôn ngữ của các quan chức TC rất ư là trịch thượng và hỗn xược. Thật vậy, đối với người Việt Nam, câu nói “đứa con trai hoang đàng” không chỉ mang tính xúc phạm mà còn phảng phất một loại chủ nghĩa thuộc địa bệnh hoạn.

Điều thú vị là đối với một quốc gia muốn trở thành siêu cường, khi chiếc giày ở trong chân người khác, con rồng TC có thể rất mong manh và rất dễ bị tổn thương. Vài năm trước đây, Fang Kecheng, một blogger và sinh viên cao học về báo chí thuộc Đại học Bắc Kinh, đếm số lần mà viên phát ngôn của Bộ Ngoại giao TC nói rằng người TC bị xúc phạm hay tổn thương (“feelings had been hurt.”) Theo thống kê của Fang, TC bị tổn thương ít nhất là 140 lần bởi ít nhất 42 nước, kể cả những nước ít biến đến như Iceland và Guatemala, và cả một nhúm tổ chức kể từ năm 1949 khi cộng sản đuổi Trung Hoa Quốc Dân Đảng ra khỏi Trung Hoa lục địa.

Có thể tóm lược phát biểu mang tính tổn thương của TC theo công thức như sau “Sự việc / phát biểu thể hiện sự can thiệp trắng trợn vào nội bộ, gây tổn thương nghiêm trọng đến cảm xúc của người Tàu, và gây thiệt hại đến cơ sở chính trị trong mối quan hệ song phương giữa TC và [nước xúc phạm].” Có thể nói rằng hầu hết phản ứng của TC chỉ nằm trong câu nói tiêu biểu này.

Giáo sư Victor Mair là một nhà ngôn ngữ học của Đại học Pennsylvania, người chủ trương trang ngôn ngữ “The Language Log” làm một thống kê thú vị. Ông dùng Google để đếm số lần câu “hurts the feelings of the Chinese people” (tổn thương cảm xúc của người Trung Hoa), và ông phát hiện chỉ trong năm 2011, có 17000 lần. Nước thứ hai bị tổn thương là Nhật với tần số 178 lần. Mĩ đứng hàng thứ 3 với 5 lần bị xúc phạm. Vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie, làm tổn thương đến người Tàu ở vài thời điểm khác nhau: Pitt đóng trong phim về Tây Tạng, còn Jolie thì vô tình nói rằng đạo diễn Ang Lee là người TC (nhưng trong thực tế ông là người Đài Loan).

Ngược lại, TC từng dùng loại ngôn ngữ khắc nghiệt cho hàng loạt quốc gia, kể cả Việt Nam, và chẳng có nước nào than phiền là bị “tổn thương”.

Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao TC là Vương Nghị (Wang Yi) thốt ra những lời phê phán một cách nặng nề Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop trong một buổi gặp mặt trên truyền hình ở TC. Một quan chức ngoại giao kì cựu của Úc mô tả phát biểu của họ Vương như là một bài diễn văn láo xược nhất mà ông thấy trong sự nghiệp 30 năm làm nhà ngoại giao.

Tháng 7/2011, các quan chức Phi Luật Tân quyết định tẩy chay một quan chức ngoại giao TC vì thái độ vô lễ của ông này. Trong một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân, có đoạn viết rằng hành xử của viên quan chức ngoại giao TC cho thấy ông không đủ tư cách của một nhà ngoại giao.

Trong hồi kí mới đây của bà Hillary Clinton, có một chi tiết được tiết lộ liên quan đến cách hành xử của Dương Khiết Trì, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao TC. Năm 2010 Hội nghị vùng ASEAN được tổ chức ở Hà Nội, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN phàn nàn rằng sự hung hãn của TC làm cho cho các nước ASEAN quan ngại đến an ninh ở Biển Đông. Dương Khiết Trì đánh mất sự bình tĩnh và độc thoại suốt 30 phút mà chẳng ai hiểu ông ấy nói gì. Có lúc Dương tuyên bố rằng “Trung Cộng là một nước lớn, và các nước khác là tiểu quốc, và đó là một sự thật” – một sự thật chẳng dính dáng gì đến điểm đang thảo luận.

Loại hành vi khiếm nhã như thế càng ngày càng phổ biến ở giới quan chức TC, nhất là trong các diễn đàn chính trị và ngoại giao quốc tế. Đầu tháng qua, trong Đối thoại Shangri-La ở Singapore, thế giới chứng kiến những phát biểu cộc cằn và thô lỗ của một ông tướng TC trong bài “phản hồi” bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Shinto Abe.

Hagel liệt kê một danh sách các va chạm nghiêm trọng trên Biển Đông, và cảnh báo TC rằng những hành động đó đi ngược lại việc duy trì ổn định ở Biển Đông. Thủ tướng Abe nói về sự hung hăn của TC ở Biển Đông và Biển Hoa Nam, và thúc giục các nước nên tôn trọng luật quốc tế. Trong bài trả lời, Trung tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong), Phó Tham mưu trưởng quân đội TC, cho rằng những phát biểu của Hagel và Abe là không tưởng tượng nỗi. Rõ ràng là ông tướng này không cảm thấy thoải mái với sự thật.

Thật ra, loại ngôn ngữ xấc xược này không hề mới trong nền ngoại giao Trung Hoa trước đây và Trung Cộng sau này. Những tài liệu tìm thấy từ thế kỉ 15 cho thấy các hoàng đế Trung Hoa thường hay dùng loại ngôn ngữ xấc láo như thế như là một phương tiện để đe doạ các nước láng giềng, những nước mà họ xem là “man di”. Văn phong của họ thường ngắn, đi thẳng vào vấn đề, và ngôn từ thì hoàn toàn bất tôn kính.

Một trong những cụm từ các hoàng đế Trung Hoa hay sử dụng là “Trung Hoa là một nước lớn”, một cấu trúc ngôn ngữ vẫn còn sống sót cho đến ngày hôm nay. Ngôn ngữ và văn hoá mang tính di truyền. Do đó, có lẽ không nên ngạc nhiên khi thấy câu “Trung Cộng là một nước lớn” thốt ra từ cửa miệng của các quan chức Trung Cộng như Dương Khiết Trì trong các diễn đàn quốc tế.

Trong một thế giới lí tưởng, ai cũng kì vọng rằng các nhà ngoại giao dùng những câu chữ lịch sự và tôn kính, thay vì những câu nói trịch thượng. Tuy nhiên, lí tưởng đó có vẻ là một xa xỉ đối với nhiều quan chức Trung Cộng. Trong thời gian gần đây, giới báo chí quốc tế đã chú ý đến thái độ và hành vi thiếu văn minh của giới du khách Trung Cộng ở nước ngoài. Thái Lan đã quá ngao ngán với du khách Trung Cộng. Những hành vi của du khách TC làm cho hình ảnh của đất nước họ xấu đi. Tương tự, những câu chữ thô lỗ và cộc cằn – bất kể nó xuất phát từ tình huống nào – thốt ra từ cửa miệng của các quan chức Trung Cộng trong các diễn đàn quốc tế chỉ có thể gây tác hại đến uy tín của Trung Cộng và sẽ chẳng thuyết phục được ai.

N. V. T.



Tác giả dịch từ nguyên bản tiếng Anh và gửi cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét