Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Tư liệu về vu bà Cát Thành Long


Vào lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Năm Âm lịch năm 1953, Khi vừa tuổi 47, bà Nguyễn Thị Năm (Cát Thanh Long), người đã từng cống hiến hàng ngàn lượng vàng cho kháng chiến, nuôi dưỡng, chở che các lãnh đạo cách mạng, 3 năm là chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, có 2 con trai tham gia chính quyền cộng sản, đã bị chính những người được bà giúp đỡ đem ra pháp trường trong cuộc cải cách ruộng đất.

KỲ I: DẤU CHẤM HẾT THÀNH DẤU CHẤM LỬNG...

Ông như một phần một mảng miếng của sử. Là thư ký riêng cho Cố vấn Lê Đức Thọ nhiều năm không chỉ 4 năm 8 tháng 21 ngày thời gian diễn ra cuộc hòa đàm Ba Lê. Mà mãi những năm sau này, khi ông Lê Đức Thọ đảm nhận nhiều việc trọng khác.

May mắn nhà ngoại giao tuổi cao sức yếu ấy còn rất mẫn tiệp. May bởi qua 2 lần tai biến, ông đều thoát hiểm mọi di chứng.

Lần gặp này, ông đẩy về phía tôi một tờ A4 photocopy. Chữ viết tay. To, rõ và nom quen quen? Chữ của ông Cố vấn Lê Đức Thọ.

Thân mến tặng Công và Hanh để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn kéo dài lâu năm của gia đình và cũng là của chung. Hà Nội ngày 28/1/1987.

... Chuyện của nhà ngoại giao kiêm thư ký của ông Lê Đức Thọ đã đưa tôi về những năm xa. Những Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt cùng nhiều yếu nhân của Đảng của Mặt trận Việt Minh từng qua lại được chở che ở ngôi biệt thự bề thế ở ven hồ Thiền Quang.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, lại cũng những đấng bậc ấy cùng nhiều yếu nhân của Đảng của Chính phủ cũng nhiều dịp tá túc qua lại sinh hoạt ở khu đồn điền Đồng Bẩm vùng Thái Nguyên. Chủ những cơ ngơi những biệt thự cùng khu đồn điền ở Đồng Bẩm ấy là bà Nguyễn Thị Năm thường gọi là Cát Hanh Long, tên một hiệu buôn nổi tiếng ở Hà Thành, Hải Phòng.

Nhà tư sản giàu tiền bộn bạc ấy lại sẵn tấm lòng son với đất nước. Từ trước năm 1945, những căn biệt thự của bà ở Hà Nội và Hải Phòng là nơi đi về liên lạc của Việt Minh. Hai người con trai của bà Năm đã được giác ngộ được bí mật lên chiến khu.

Gia đình bà, trước Cách mạng tháng Tám từng ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương 700 lạng vàng) rồi sau này là thóc gạo, vải vóc, nhà cửa. Bà là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của "Tuần Lễ Vàng" ở Hải Phòng với hơn 100 lạng vàng.

Một sự kiện vô tiền khoáng hậu khi ấy, nhất là thân phận một nữ nhi thường tình là bà đã ngồi trên chiếc xe ôtô của nhà. Xe ấy cắm cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng dông tuốt đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền! Sau thời điểm kháng chiến toàn quốc, bà trao chiếc búa cho đội tự vệ để làm cái việc san bằng địa khu biệt thự Đồng Bẩm thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Sau đó bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Và khu đồn điền Đồng Bẩm từng nuôi ăn cho một trung đoàn vệ quốc quân trong thời gian dài trở thành căn cứ trú quân của nhiều đơn vị Vệ quốc.

Tiếc thay, phát súng đầu tiên của cải cách ruộng đất lại nhằm vào một phụ nữ: Người đó là bà Nguyễn Thị Năm. Bà bị bắt. Bị đấu tố với tội danh tư sản địa chủ cường hào gian ác.

Rồi bị lôi ra pháp trường.

Sự kiện ấy diễn ra vào lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Năm Âm lịch năm 1953. Khi bà vừa tuổi 47.

Qua chuyện của ông Lợi tôi mới biết thời gian năm 1956, ông Lê Đức Thọ được Bác Hồ cử làm Trưởng ban Sửa sai Cải cách ruộng đất.

Câu chuyện của ông Lợi tiếp nối bằng lá thư của gia đình bà Cát Hanh Long trực tiếp gửi thư cho ông Lê Đức Thọ.

Lúc ấy, tôi đang là thư ký cho ông Thọ. Hôm nhận được thư, tôi đọc trước, sau đó báo cáo với anh Thọ. Bức thư có 6 trang giấy khổ bé, chữ nhỏ lắm.

Trước đó, ông Thọ đã kể tôi nghe, chuyện ở nhà bà Cát Hanh Long như thế nào. Việc ông đã trực tiếp giúp anh Công và anh Hanh, hai người con trai của bà Cát Hanh Long tham gia cách mạng và sau đó là tham gia bộ đội ra sao...

Tôi đọc ông Thọ nghe một lượt bức thư...

Ông Thọ ngồi lặng đi hồi lâu. Rồi cầm thư đọc lại mấy lần. Tự tay ông cho thư vào phong bì. Bằng chất giọng ân cần, ông bảo tôi cầm sang cho ông Năm (đồng chí Trường Chinh) ở gần đấy.

Đưa bức thư cho thư ký chủ chốt của anh Năm. Tôi nói thêm đại ý, anh Sáu nhận được thư này và bảo tôi mang sang cho anh Năm. Tôi đưa các anh để gửi lên cho thủ trưởng.

Đồng chí thư ký cầm thư mà cứ ngần ngừ... Rồi anh ấy nói với tôi, Lợi ạ, cái này tốt nhất là để anh Sáu làm việc thẳng với anh Năm. Để cho các cụ làm việc với nhau.

Tôi không biết nói sao. Đành cầm thư về.

Về cơ quan, tôi báo cáo lại cho ông Thọ. Ông Thọ có vẻ bực nhưng vẫn cười bảo có mỗi việc đó mà không làm được. Đưa đây cho tớ...

Một động thái hơi bất ngờ, hơi hiếm ở ông Thọ là sau khi nhận lại thư, ông đút vào túi áo đại cán... Ông Thọ ra sân vớ lấy cái xe đạp của một anh trong đội bảo vệ. Ông đi một mình. Không cho bảo vệ đi cùng. Động thái ấy chứng tỏ ông Thọ khá sốt ruột muốn làm ngay, làm nhanh!

Tôi áng áng độ khoảng nửa tiếng thì ông Thọ về. Ông Thọ cười với tôi: Xong rồi, anh Năm đồng ý là sửa sai cho bà Năm rồi.

Ông Lê Đức Thọ còn bảo ông Trường Chinh ghi mấy dòng bên lề tinh thần đồng ý sửa sai cho bà Năm.

Khi đưa tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Thủ tướng phê đồng ý luôn.

Vậy là tôi được mục sở thị chữ viết tay của ba yếu nhân khi ấy về một việc. Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ đồng ý việc sửa sai cho bà Cát Hanh Long!

Vẫn lời kể của ông Lợi...

Tôi nhớ trong thời gian giải quyết việc bà Năm, một bữa đồng chí Lê Đức Thọ có cầm một cuốn sách mỏng... Với thái độ hơi phiền muộn, chất giọng hơi nặng nề ông nói đại ý, lịch sử là lịch sử. Lịch sử không được thêm bớt. Lịch sử không được cắt gọt. Lịch sử không được vo tròn. Lịch sử không được mài rũa. Bà Cát Hanh Long đây, nếu theo tài liệu chứng thực kể cả của ông Giáp, ông Hoàng Tùng, ông Nhân - Bí thư Thành ủy Hải Phòng… đều xác nhận bà Cát Hanh Long làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Thái Nguyên 3 năm. Nhưng rồi trong cuốn “Lịch sử Phụ nữ Thái Nguyên”, cuốn sách duy nhất có in ảnh bà Cát Hanh Long, mà ông Thọ đang cầm trên tay, người ta ghi mỗi một dòng vắn tắt rằng bà Cát Hanh Long chỉ làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Thái Nguyên có 1 năm!

Ông Lợi cho biết, khi trực tiếp giải quyết việc bà Cát Hanh Long, ông Thọ tiến hành với cung cách thận trọng vốn có. Và khá quyết liệt.

Một ngày mùa đông năm 1986, ông Lê Đức Thọ cho gọi ông Lợi lên và dặn cứ như thế như thế...

Như thế là việc ông cử người thư ký của mình đến số nhà 117 Hàng Bạc. Con trai bà Cát Hanh Long ở đó.

Không phải một mình ông Nguyễn Hanh, con trai bà Năm. Cả gia đình 6 nhân khẩu chen chúc trong một diện tích chỉ hơn 20m2. Tận mắt chứng kiến bao thứ gian nan về nơi ở của thời bao cấp khốn khó, nhưng khi đến 117 Hàng Bạc ông Lợi vẫn không khỏi xót xa.

Ông có trách nhiệm báo cáo lại với vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương những gì mắt thấy tai nghe về gia cảnh hiện thời của nhà Cát Hanh Long.

Ông Thọ nghe ông báo cáo rồi ngồi lặng đi hồi lâu. Bằng chất giọng rời rạc, khẽ khàng, ông Thọ như đang chắp nối lại ký ức đã quá vãng. Ông Lợi biết động thái hơi hiếm hoi của thủ trưởng khi chia sẻ với người thư ký... Rằng chính Bác Hồ thời điểm đó đã thẳng thắn với các đồng chí cố vấn rằng người ta nói không nên đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa huống hồ phát súng đầu tiên của cuộc cải cách ruộng đất lại nhằm vào một phụ nữ mà người ấy lại rất có công với cách mạng.

Quyết định số 123 của UBND tỉnh Bắc Thái sửa lại thành phần cho bà Nguyễn Thị Năm.
Nghe chuyện ông Lợi, tôi chợt nhớ đến một văn bản. Đó là lời chứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 10/11/2001: "Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long là một địa chủ có tinh thần yêu nước, trong kháng chiến đã từng giúp đỡ bộ đội. Bản thân tôi và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lúc đã ở lại nhà bà. Trong những buổi họp sửa sai, chính Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Văn Lương đều cho rằng xử trí bà Nguyễn Thị Năm là một sai lầm".

Ông Lợi nhớ thời gian đó sắp Tết Đinh Mão. Hôm ông Thọ và ông đến nhà 117 Hàng Bạc. Ông Thọ thoáng qua một lượt cảnh quần cư chật chội so súi của gia đình, ánh mắt tỏ vẻ ái ngại...

Gia đình bà Cát Hanh Long đông đủ đón ông Thọ. Hai người con trai của bà Cát Hanh Long cùng con cháu dâu rể.

Ông Thọ thân mật hỏi han nhiều điều. Ông nói mình đã biết hoàn cảnh gia đình cùng nhiều chuyện khác nữa nhưng công việc bộn bề, bấn bíu... Trong câu chuyện khi nghe phàn nàn rằng, có một cháu trai là bộ đội đang ở Hải quân. Cháu phấn đấu tiến bộ lắm nhưng nhiều lần không được kết nạp Đảng vì thành phần gia đình. Bà nội là địa chủ cường hào gian ác!

Nghe chuyện ông Thọ nói ngay với gia đình: Tôi đã nói từ lâu rồi, việc người lớn làm, người lớn chịu trách nhiệm, con cháu không thể chịu trách nhiệm cho ông bà (Sau khi về, ông Thọ bảo tôi gọi cho đồng chí Cục trưởng Cục Cán bộ của quân đội, trực tiếp truyền đạt lại ý của ông Thọ rằng thành phần gia đình của bà Cát Hanh Long đã được sửa sai).

Sau đó, ông Thọ bảo tôi lấy một tập thơ vừa in ở Pháp về để biếu gia đình. Thơ in bằng tiếng Việt. Ngồi tại chỗ, ông Thọ lật trang bìa, ngẫm nghĩ một lúc rồi ghi vào một trang trống đầu tập thơ.

Thân mến tặng Công và Hanh để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn kéo dài lâu năm của gia đình và của chung. Hà Nội, 28 tháng Giêng 1987. Kí Thọ.

Lúc ra về, dừng lại một chút chỗ khoảng sân con bé tí, ông Thọ nhìn bao quát một lần nữa gia cảnh những người con của bà Năm. Khi ấy ông Lợi không biết rằng ông Thọ vừa có ngay một quyết định...

Quyết định đó là cử ông Lợi đến gặp ngay ông Trần Tấn, quan chức chủ chốt Hà Nội khi ấy, trực tiếp trao đổi với ông Trần Tấn việc cấp cho gia đình bà Cát Hanh Long một căn hộ tập thể. Và sau đó gia đình được cấp một căn hộ hơn 20m2 ở Khu tập thể Trung Tự.

Trong tay tôi là một văn bản của Ban Tổ chức Trung ương do Phó trưởng ban Lê Huy Bảo ký thay Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Văn bản số 213/TCTW.

Hà Nội ngày 4/4/1987

Kính gửi Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái. Trước đây bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long bị quy thành phần "Tư sản địa chủ cường hào gian ác" bị xử tử ở Thái Nguyên. Nay con bà Năm là 2 ông Nguyễn Hanh và Nguyễn Công ở số nhà 117 Hàng Bạc, Hà Nội gửi thư lên các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ đề nghị sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm.

Sau khi xem xét thư khiếu nại và các tài liệu xác nhận đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ thấy việc sửa lại quy định thành phần giai cấp cho bà Nguyễn Thị Năm là “tư sản, địa chủ kháng chiến" là đúng với thực tế đúng với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ban Tổ chức TW Đảng đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí có trách nhiệm thực hiện ý kiến trên của đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ.

Rất nhanh, UBND tỉnh Bắc Thái ngày 11/6/1987 có một Quyết định mang số 123/UBQĐ do ông Chủ tịch Đặng Quốc Tiến ký. Quyết định ghi rõ: Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long trước bị quy thành phần "Tư sản, địa chủ cường hào, gian ác" nay sửa lại thành phần giai cấp cho bà Nguyễn thị Năm là "Tư sản, địa chủ kháng chiến".

Việc sửa lại thành phần giai cấp có giá trị từ ngày có quyết định này.

Ông Lợi không nói ra hết nhưng tôi biết người thư ký tận tụy mẫn cán của ông Lê Đức Thọ đã nhiều năm tất tả bấn bíu cùng là cẩn trọng thực thi để sửa chữa những lầm lỗi một thuở một thời mà không phải do ông gây nên!

Để ý hình như ông vẫn có gì đó day dứt, tiếc nuối? như trường hợp của bà Cát Hanh Long? Của gia đình bà Trịnh Văn Bô, người đã hiến hơn 5.000 lạng vàng và nhiều ngôi nhà cho cách mạng. Trong đó có nhà 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập?

Như vậy từ năm 1987 việc bà Nguyễn Thị Năm theo chỉ đạo của ông Trường Chinh và ông Lê Đức Thọ cùng Ban Tổ chức Trung ương mới thực hiện được một... nửa! Một nửa còn lại là tiếp tục thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm, 27 năm đã qua vẫn còn để đó?

Dấu chấm hết của ông Lê Đức Thọ vô tình thành dấu chấm... lửng?

Làm nên dấu lửng ấy có việc ông Sáu Thọ đột ngột ra đi không trực tiếp đốc thúc phần việc còn dang dở? Và người thư ký Lưu Văn Lợi của ông chuyển công tác trước thời điểm ông Thọ mất?

... Tôi cảm động lẫn chút ái ngại khi ngó trên gương mặt người thư ký cao niên những nét tở mở khi ông trưng ra bài báo của nhà sử học Dương Trung Quốc mới đây trên báo Lao Động viết về việc, dẫu muộn còn hơn không nên tiến hành gấp việc thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước cho gia đình bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long.

(Còn tiếp)

Xuân Ba
http://antg.cand.com.vn/…/Chuyen-ve-nguoi-phu-nu-tung-bi-x…/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét