Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Hiểu về 'quyền lịch sử' tại Biển Đông

Không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông, theo phán quyết của Tòa trọng tài (PCA).
TIN LIÊN QUAN

Học giả Trung Quốc: 'Đường lưỡi bò' sẽ dẫn vào ngõ cụt

Học giả Trung Quốc kêu gọi tuân thủ phán quyết

Nửa ngày sau phán quyết Biển Đông: Mỹ kiềm chế, Trung Quốc dọa lập ADIZ
Vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) được nhiều người gọi là “vụ kiện thế kỷ”. Tính chất quan trọng của vụ kiện khiến cả thế giới quan tâm, cho dù có nhiều tranh chấp biển đã được giải quyết bằng phương thức trọng tài tương tự.
Yêu sách mập mờ
Một trong những vấn đề quan trọng trong vụ kiện là “cái gọi là yêu sách đường chín đoạn” (còn được gọi là “đường lưỡi bò”) của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng ta hẳn còn nhớ, Việt Nam và Philippines đã tố cáo các hành động mang tính chất gây hấn của Trung Quốc như đe dọa các tàu của Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong hồi tháng 3.2011, cũng như cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngày 26.5.2011, đe dọa cắt cáp tàu Viking 02 của Việt Nam ngày 9.6.2011, mặc dù các tàu Bình Minh 02 và Viking 02 này đều hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo các quy định của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (sau đây viết tắt là Công ước).
Rồi sự kiện tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc với Philippines dâng cao vào hồi tháng 4.2012. Hay sau khi VN thông qua luật Biển ngày 21.6.2012, Trung Quốc đã ngang nhiên cho gọi thầu 9 lô dầu khí vốn nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt là ngày 1.5.2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan khổng lồ ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Lý lẽ mà Trung Quốc đưa ra trong các trường hợp này là Việt Nam và Philippines đã “xâm phạm vùng biển truyền thống” của Trung Quốc. Vùng biển mà Trung Quốc cho là “vùng biển truyền thống” của họ, đồng thời cũng là “vùng biển đang tranh chấp” với các nước chính là vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn” đầy tai tiếng này.
“Đường chín đoạn” lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc năm 1948, và chính thức được Bắc Kinh “trình làng” trước thế giới trong bản đồ kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 của Trung Quốc gửi đến Tổng thư ký LHQ. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc luôn mập mờ trong việc giải thích tính chất pháp lý của đường này.
Các học giả Trung Quốc đã có một số lý giải khác nhau cho tính chất pháp lý của “đường chín đoạn”.
Một mặt, các học giả Trung Quốc cho rằng vì “đường chín đoạn” xuất hiện trước khi Công ước được ký kết và có hiệu lực, nên không thể sử dụng Công ước để giải thích cho “đường chín đoạn”. Thế nhưng, nhiều tuyên bố của các giới chức Trung Quốc cũng như sự diễn giải của các học giả Trung Quốc lại sử dụng các khái niệm “vùng biển liên quan”, “quyền chủ quyền và quyền tài phán” là những khái niệm được quy định trong Công ước.
Một trong những sự diễn giải phổ biến của các học giả hàng đầu Trung Quốc về “đường chín đoạn” như Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Hồng Nông (Nong Hong), Trâu Khắc Uyên (Zou Keyuan), Cao Chi Quốc (Gao Zhiguo), Giả Binh Binh (Jia Bingbing) là yêu sách về “đường chín đoạn” thể hiện yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc, mà cụ thể là quyền đánh cá trên khu vực biển nằm trong đường này. Các học giả Trung Quốc cũng dẫn một số học thuyết và án lệ hiếm hoi để dẫn chứng cho việc ủng hộ lập luận này của Trung Quốc.

Thế nào là “quyền lịch sử”?
Trong “vụ án thế kỷ”, Philippines đề cập đến vấn đề này trong đệ trình số 1 và 2. Trong phán quyết về thẩm quyền ngày 29.10.2015, Tòa trọng tài đã khẳng định: “Theo quan điểm của tòa, đệ trình số 1 và 2 của Philippines phản ánh tranh chấp liên quan đến nguồn của các quyền lợi biển trên Biển Đông và tác động của việc Trung Quốc tuyên bố về “quyền lịch sử” tương ứng với các điều khoản của Công ước”.
Về bản chất pháp lý của các tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông, luật sư biện hộ cho Philippines trình bày rằng:
“1. Đối với yêu sách “quyền lịch sử”, Trung Quốc yêu sách về quyền chủ quyền và quyền tài phán hơn là yêu sách về chủ quyền.
2. Có nghĩa là “quyền lịch sử” là các quyền cơ bản để được thụ hưởng đặc quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong khu vực biển đó, nơi mà các quyền nói trên đã được tồn tại.
3. Các khu vực biển này, bao gồm cả vùng nước và đáy biển mở rộng trong “đường chín đoạn” của Trung Quốc, vượt quá các ranh giới của bất cứ khu vực biển nào mà Trung Quốc được hưởng theo Công ước.
Theo Trung Quốc, các quyền này trên các khu vực biển và đáy biển không phải bắt nguồn từ Công ước, nhưng ngụ ý rằng nó tồn tại từ lịch sử trước đó và được bảo lưu bởi Công ước cho dù chúng không được quy định trong Công ước sau này”.
Trên cơ sở đó, Philippines đã yêu cầu tòa:
“1. Xác định rằng luật quốc tế không chấp nhận việc tuyên bố một yêu sách mở rộng tồn tại trong lịch sử như là “đường chín đoạn”. Thậm chí nếu Trung Quốc đã sở hữu một “quyền lịch sử” ở Biển Đông, tất cả các quyền này đã bị hủy bỏ bởi các quy định trong Công ước.
2. Dựa trên các tài liệu lịch sử của Trung Quốc về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc không hề thực hiện các hoạt động thỏa mãn tiêu chuẩn là đã thiết lập các “quyền lịch sử” trên Biển Đông”.

Sau khi xem xét và cân nhắc, tòa đã phán quyết:
“Tòa nhận thấy rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của Công ước và kết luận rằng, nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó đã bị thay thế bởi việc Công ước có hiệu lực ở chừng mực mà chúng không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước” và “không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác các tài nguyên trên Biển Đông”.
Như vậy, có ba lưu ý cơ bản trong phán quyết cho đệ trình số 1 và 2 của Philippines:
1. Cho dù nếu Trung Quốc có các quyền đối với khu vực biển bên trong “đường chín đoạn” tồn tại trước khi Công ước được ký kết và có hiệu lực thì các quyền này sẽ bị thay thế bởi các quy định về các vùng biển mang tính chất pháp điển hóa theo các quy định của Công ước, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và đặc biệt là quy định về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Và bởi vì Trung Quốc là một thành viên của Công ước cho nên phải có nghĩa vụ tuân thủ toàn bộ các quy định trong Công ước.
2. Tuy nhiên, xem xét các bằng chứng lịch sử thì tòa nhận thấy, không có đủ bằng chứng để chứng tỏ việc Trung Quốc đã thực hiện một đặc quyền riêng biệt trên vùng biển này bằng cách độc quyền kiểm soát cũng như ngăn chặn các ngư dân của các quốc gia khác thực hiện các hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển này. Không chỉ có các ngư dân Trung Quốc, mà ngư dân thuộc nhiều quốc gia khác cũng đã thiết lập quyền đánh cá truyền thống ở đây. Điều này phản ánh rằng đây là khu vực biển tự do cho nhiều quốc gia cùng đánh bắt trước đó.
3. Trên các cơ sở đó, việc Trung Quốc đưa ra giải thích về việc họ yêu sách “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” là không có cơ sở pháp lý, do đó không có giá trị.

Thạc sĩ Hoàng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét