Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

NHỮNG THỨ PHI LÝ TRONG 10 TỈ ĐÔ.


Bài phân tích đáng suy ngẫm của bạn Trần Kiên (một thanh niên trẻ)

NHỮNG THỨ PHI LÝ TRONG 10 TỈ ĐÔ.

Phi lý thứ nhất. Tại sao một tập đoàn chuyên về hóa dầu hóa chất, chưa bao giờ sản xuất thép như Formosa, lại đầu tư sản xuất thép ở Việt Nam?

Hai. Tại sao trong dự án thép đầu tiên của nó, Formosa lại không hề sợ rủi ro mà bỏ ra một số tiền khổng lồ tới 10 tỉ USD?

Ba. Tại sao Formosa chưa từng sản xuất, chưa từng bán thép thì lấy khách hàng đâu để tiêu thụ hết sản lượng khổng lồ 7.5 triệu tấn năm?

Bốn. Tại sao chưa bán được kí thép nào mà Formosa đã dự tính tăng gấp đôi rồi gấp ba công suất ban đầu là 7.5 triệu tấn năm?

Phi lý thứ năm. Vào năm 2008 khi Formosa bắt đầu trình dự án sản xuất thép ở Hà Tĩnh thì giá thép thế giới đã đạt đỉnh rồi bắt đầu lao dốc không phanh. Ngành thép thế giới rơi vào khủng hoảng giá thấp và dư thừa công suất cho tới giờ. Tại sao Formosa không dừng dự án này mà ngược lại, vẫn triển khai với tốc độ tối đa?

Những ai đã làm kinh doanh sẽ thấy ngay lập tức sự phi lý không thể tin nổi trong những câu hỏi bên trên cho một dự án làm ăn trị giá tới 10 tỉ USD, cũng là dự án kinh doanh lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ cố gắng giải đáp những điều phi lý trên.

AI ĐANG NGỒI TRONG MÂM NÀY?

Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có ba cổ đông là Formosa Plastics Group (FPG) của Đài Loan, China Steel Corporation (CSC) của Đài Loan (nhấn mạnh, của Đài Loan, không phải Trung Quốc), và JFE Corporation (JFE) của Nhật Bản, với cổ phần tương ứng là 70%, 25% và 05%.

Một là FPG. Đây là tập đoàn đa ngành có quy mô thuộc loại lớn nhất Đài Loan, hoạt động nhiều nơi trên thế giới. Lĩnh vực chính của FPG là hóa dầu và hóa chất. Xét về doanh thu nó là công ty hóa chất lớn thứ sáu thế giới, sau BASF hay Dow Chemical, và trên cả Bayer hay DuPont vốn là những công ty hóa chất hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh lần nữa là FPG trong lịch sử 50 năm tồn tại, nó chưa bao giờ sản xuất thép cho tới năm 2008, khi bắt đầu dựng nhà máy thép tại Hà Tĩnh.

Hai là CSC. Đây là công ty thép lớn nhất Đài Loan, với sản lượng chừng 15 triệu tấn thép năm, chiếm 2/3 toàn bộ sản lượng thép của Đài Loan (khoảng 22 triệu tấn). Nó cũng là công ty thép lớn thứ 23 thế giới. Điều đặc biệt quan trọng, xin nhấn mạnh, cổ đông lớn nhất của CSC là chính phủ Đài Loan!! Chính phủ nước này chiếm 21.3% cổ phần CSC, trong khi cổ đông lớn thứ hai chỉ có 4%.

Ba là JFE. Đây là công ty thép lớn thứ nhì Nhật Bản sau hãng Nippon Steel & Sumitomo Metal. Nó cũng là công ty thép lớn thứ chín thế giới.

Dựa trên những thông tin về ba cổ đông, kết hợp với những điều phi lý đã nói trên, ta có thể dự đoán, rằng công ty thép lớn nhất Đài Loan CSC mới thực sự là nhân vật chính, là ông chủ chính trong cái mâm thép đang bày ra tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Và khi đã biết CSC do chính phủ Đài Loan "chống lưng" thì những phi lý đã nêu có thể được trả lời khá dễ dàng.

Như vậy, công ty thép CSC và chính phủ Đài Loan có thể đã mượn danh Formosa để thực hiện dự án nhà máy thép tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.

VÌ SAO NÊN MƯỢN DANH FORMOSA?

Lý do thứ nhất. Formosa trước năm 2008 đã làm ăn tại Việt Nam. Từ năm 2001 cho tới nay, Formosa đã mở tại Đồng Nai một số nhà máy sản xuất sợi, hạt nhựa...với tổng đầu tư chừng 1 tỉ USD. Sẽ là hợp lý nếu Formosa tiếp tục "mở rộng kinh doanh" bằng cách...sản xuất thép! Hợp lý giống như điện lực EVN mở rộng kinh doanh vào ngành...viễn thông di động vậy!

Lý do thứ hai. Nếu CSC công khai muốn xây dựng nhà máy thép 7.5 triệu tấn tại Việt Nam thì nó sẽ gặp khó khăn lớn. Vì với quy mô lớn hơn tất cả các nhà máy thép khác ở Việt Nam cộng lại, nó có thể tiêu diệt bất cứ hãng thép Việt Nam nào trong nháy mắt.

Hoặc nó có thể tiêu diệt toàn bộ ngành thép nội địa của Việt Nam. Khi đó, mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa của Việt Nam chắc chắn thất bại, vì tất cả các nước Châu Á đã công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đều có ngành thép thống trị bởi các hãng nội địa. Như vậy, Việt Nam sẽ thất bại cả về mục tiêu chính trị lẫn kinh tế nếu tiếp tục "chứa" nhà máy thép Vũng Áng khổng lồ này.

Hãng thép Posco của Hàn Quốc (lớn hơn CSC nhiều) đã thất bại khi muốn vào Việt Nam dựng một nhà máy có quy mô tương tự Formosa Hà Tĩnh, có lẽ bởi lý do thứ hai này. Trong khi "CSC và cộng sự" lại thành công! Những người Đài Loan con cháu Tôn Tử có lẽ đã mưu toan "phản khách vi chủ" thành công.

Lý do thứ ba. Hãy trở lại với câu hỏi "tại sao Formosa Hà Tĩnh muốn nâng công suất lên 15 triệu rồi 22 triệu tấn thép năm?", nghĩa là gấp hai gấp ba lần công suất khổng lồ ban đầu trong khi chưa hề bán ra kí thép nào! Sau đây là một cách lý giải.

7.5 triệu tấn, công suất ban đầu, hơn tổng sản lượng của tất cả các nhà máy thép hiện hữu của Việt Nam. Trong ngành thép thì lợi thế do quy mô (economy of scale) là quan trọng nhất. Vậy ai sẽ thắng khi cạnh tranh? Một Formosa hay Tất Cả Các Hãng Thép Việt Nam? Câu trả lời là khá rõ.

15 triệu tấn, công suất nâng cấp thứ nhất, có ý nghĩa gì? Nó bằng toàn bộ sản lượng của CSC!! Phải chăng CSC muốn ngầm chuyển phần lớn khâu sản xuất từ quặng tới thép thô vốn tốn kém nhất và ô nhiễm nhất sang Việt Nam? Để cắt giảm chi phí, và để bảo vệ môi trường... Đài Loan?

22 triệu tấn, công suất nâng cấp thứ hai, có ý nghĩa gì? Nó bằng toàn bộ sản lượng thép của Đài Loan!! Phải chăng chính quyền Đài Loan muốn ngầm chuyển phần lớn khâu sản xuất từ quặng tới thép thô vốn tốn kém nhất và ô nhiễm nhất sang Việt Nam? Để cắt giảm chi phí, và để bảo vệ môi trường... Đài Loan?

Cho nên, từ ba lý do vừa nêu, có khả năng chính quyền Đài Loan và CSC đã mượn danh Formosa để vào Việt Nam. (còn tiếp).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét