Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016
Phỏng vấn TS Vũ Hồng Lâm: Đại hội Đảng: Hy vọng của dân chúng không phải là của đảng viên
“Bất kể ông nào lên làm Tổng bí thư thì đất nước Việt Nam không còn là đất nước Việt Nam trước đại hội 12 nữa. Đại hội 12 này tạo ra một bước ngoặt. Bước ngoặt đấy là bởi gì những gì người ta đấu tranh với nhau ở trong đảng, và người ta tung ra ngoài mạng xã hội lần đầu tiên trong mấy chục năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả những cái đo khiến hình ảnh của đảng ở bên trong được người bên ngoài nhìn thấy… Trước đây người ta chỉ nói thầm thì với nhau thôi, nay người ta nói công khai không giấu diếm gì nữa, thì đó là điều hoàn toàn mới“.
____
Việc chuyển giao quyền lực ở đại hội 12 của đảng cộng sản Việt Nam có nhiều diễn biến không giống như những kỳ đại hội trước. Cuối ngày 24 tháng giêng, báo chí Việt Nam cho hay là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại được nhiều người đề nghị tái ứng cử vào trung ương đảng. Tuy nhiên đến ngày 25/1 thì Đại hội lại chấp thuận cho TT Dũng rút lui.
Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm , làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii có nhận định về đại hội đảng lần này với đài RFA.
Tranh giành quyền lực đến phút chót
Đầu tiên ông cho biết những khác biệt của đại hội lần thứ 12 này so với các kỳ đại hội trước.
TS Vũ Hồng Lâm: Những diễn biến về quyền lực của nội bộ đảng cộng sản Việt Nam được đưa ra ngoài, và nó được cập nhật khá là nhanh chóng, còn chuyện tranh giành quyền lực giữa các phe phái, giữa các cá nhân mỗi lần bầu đại hội, đặc biệt là chức tổng bí thư thì chuyện này diễn ra từ lâu lắm rồi. Đại hội nào cũng vậy thôi, thậm chí có đại hội còn có kịch tính cao hơn như đại hội 9, khi ba ông cố vấn lật ông Tổng bí thư đương nhiệm là Lê Khả Phiêu, thì kịch tính nó còn cao hơn bây giờ.
Cái thứ hai là sự căng thẳng giữa các phe phái tranh giành quyền lực trở nên rất ghê gớm đến tận phút chót, gần như là trò chơi một mất một còn. Trước đây thì tuy là họ tranh giành quyền lực với nhau, nhưng mà đến khi mà người ta cảm thấy là cán cân lực lượng đã đi đến chỗ nào đó thì phe có cảm tưởng thua cũng chấp nhận và họ đi đến việc thỏa hiệp với nhau một cái gì đó. Lần này dường như là mức độ thỏa hiệp thấp hơn những kỳ trước.
Kính Hòa: Khi nói đến những nhân vật trung tâm của đại hội kỳ này chúng ta thấy có hai nhân vật trung tâm là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, Cho đến giờ phút này thì theo những thông tin chính thống là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành tổng bí thư cho nhiệm kỳ mới, còn ông Dũng sẽ về hưu. Thế nhưng dường như vẫn có một làn sóng ủng hộ ông Dũng, vậy theo ông là tại sao?
TS Vũ Hồng Lâm: Làn sóng ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng thì tôi cho rằng nó lớn ở bên ngoài hơn là ở bên trong.
Có thể nói là đa số trên mạng xã hội người ta ủng hộ ông Dũng chứ không phải ông Trọng. Lý do thì rất nhiều. Có những người trước đây chống đối chế độ, thì nay quay sang ủng hộ ông Dũng. Có rất nhiều người như vậy. Tôi nghĩ một lý do khá lớn trên mạng xã hội ủng hộ ông Dũng vì người ta đặt niềm tin vào ông Dũng như là một người mang lại sự thay đổi. Xã hội Việt Nam đã đi đến chổ ước vọng thay đổi rất là ghê gớm, ai cũng muốn thay đổi. Chỉ cần thay đổi thôi, còn thay đổi theo hướng nào thì họ không cần quan tâm lắm. Cái quan trọng nhất đối với họ là thay đổi. Rất nhiều người với những quan điểm lập trường khác nhau ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng, vì người ta nghĩ ông ấy mang một ngọn cờ thay đổi không lớn thì nhỏ.
Thế nhưng trong đảng thì người ta có những suy nghĩ khác, bên ngoài xã hội người ta ủng hộ ông Dũng vì người ta nghĩ đơn giản rằng ông ấy chống Trung Quốc, ông ấy thân phương Tây, ông ấy muốn đổi mới. Trong đảng thì cũng có những người chống Trung Quốc, thân phương Tây, muốn đổi mới, nhưng không có nghĩa là người ta ủng hộ ông Dũng. Bản thân những người chống Trung Quốc, thân phương Tây đó cũng chia rẽ. Một số ủng hộ ông Dũng, một số ủng hộ ông Trọng, một số khác chẳng ủng hộ ông nào. Lại có những người chống ông Dũng thì lại vô hình chung là ủng hộ ông Trọng, hay chống ông Trọng thì vô hình chung ủng hộ ông Dũng.
Nhưng cái quan trọng nhất đối với 1500 đại biểu đi dự đại hội đảng, là sự nghiệp cá nhân của họ. Họ cần giữ cái chức vụ của họ, cái đó nó khác rất xa với khát vọng của người dân bên ngoài.
Những người bên trong đảng họ cần sự ổn định để tiếp tục cầm quyền và hưởng lợi từ những cái đó.
Ở bên ngoài tôi không nghĩ là có ảnh hưởng lớn đến việc bầu bán bên trọng đại hội đâu.
Kính Hòa: Nhưng mà theo số liệu chính thống của Việt Nam đưa ra cũng có đến 38 đoàn đại biểu đề nghị ông Dũng ứng cử vào danh sách ứng cử bổ sung. Vậy thì cũng có một số đông người ủng hộ ông ấy trong đảng đó chứ?
TS Vũ Hồng Lâm: Theo như tin đồn thì dường như có khoảng 270 phiếu đề nghị ông Dũng, tức là 270 phiếu trong ba mươi mấy đoàn, 35 hay 38, không có nghĩa là toàn bộ những đoàn ấy người ta ủng hộ. Ông Dũng được 270 phiếu đề cử, ông Dũng muốn được đưa vào danh sách cuối cùng để bầu ban chấp hành trung ương mới thì ít nhất ông phải được quá bán. Đại hội là 1500 đại biểu, quá bán là 750. Hiện ông có 270 phiếu, vậy ông phải làm sao kiếm thêm được 500 phiếu nữa, theo tôi cũng khó.
Kính Hòa: Trở lại kịch bản bộ máy quyền lực của Việt Nam có ông Dũng hoặc không có ông Dũng thì ông thấy sau đại hội này nó có gì khác không?
TS Vũ Hồng Lâm: Bất kể ông nào lên làm Tổng bí thư thì đất nước Việt Nam không còn là đất nước Việt Nam trước đại hội 12 nữa.
Đại hội 12 này tạo ra một bước ngoặt. Bước ngoặt đấy là bởi gì những gì người ta đấu tranh với nhau ở trong đảng, và người ta tung ra ngoài mạng xã hội lần đầu tiên trong mấy chục năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả những cái đo khiến hình ảnh của đảng ở bên trong được người bên ngoài nhìn thấy.
Tất nhiên có những cái mình thấy ở bên ngoài là nhiễu, nhiều thông tin là sai, thế nhưng cái người ta nhìn thấy là sự đấu tranh rất khốc liệt ở trong đảng được tung ra bên ngoài để tất cả mọi người cùng nhau chiêm ngưỡng.
Trước đây người ta chỉ nói thầm thì với nhau thôi, nay người ta nói công khai không giấu diếm gì nữa, thì đó là điều hoàn toàn mới.
Tôi nghĩ là điều đó thứ nhất nói lên vai trò của mạng xã hội. Thứ hai là không gian bên ngoài sự kiểm soát của đảng cộng sản. Tuy là có sự lũng đoạn của đảng cộng sản nhưng cho thấy là phần dư luận bên ngoài hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh nội bộ của chính bản thân đảng.
Đây là một yếu tố mà tôi nghĩ là bất kỳ ai lên cầm quyền ở Việt Nam sau này đều phải tính tới. Tức là sức mạnh của một xã hội dân sự manh nha, của một không gian công cộng. Đảng cộng sản không còn có thể tiếp tục cầm quyền theo kiểu ngày xưa nữa. Tôi nghĩ đó là ảnh hưởng lớn nhất của đại hội 12 này lên nền chính trị Việt Nam.
Chưa thể thay đổi thể chế?
Kính Hòa: Còn đường hướng phát triển của Việt Nam sắp tới, về phương diện thể chế lẫn quan hệ ngoại giao trên trường quốc tế thì theo ông nó sẽ như thế nào sau đại hội này?
TS Vũ Hồng Lâm: Về ngoại giao thì tôi nghĩ không có thay đổi lớn, ông Dũng hay ông Trọng cũng không làm thay đổi lớn đến chính sách ngoại giao. Một mình các ông này không quyết định được, mà chính sách ngoại giao của Việt Nam là một sự đồng thuận.
Gần đây thì Việt Nam đã tạo được một sự đồng thuận nhất định. Trước đây thì họ có nhiều xu hướng, nhiều phe phái, bất đồng giữa họ cũng khá lớn. Nhưng gần đây họ có sự đồng thuận do việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển Việt Nam trong năm 2014. Cái đó nó tạo nên đồng thuận ngay cả ở những người có thể gọi là bảo thủ, ngã về Trung Quốc trước đây.
Chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng có tính chất biểu tượng ở chổ nhà Trắng đón tiếp ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam thì nó nói với những người ở Việt Nam còn nghi ngờ người Mỹ, rằng người Mỹ không có mưu đồ gì trong cái việc gọi là thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.
Đường hướng đối ngoại của Việt Nam sắp tới sẽ xích lại gần Mỹ hơn, xa Trung Quốc hơn, bất kể ai là người lãnh đạo.
Kính Hòa: Trong bài diễn văn của ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đọc ở đại hội đảng kỳ này có đề cập đến cả ba nhánh của quyền lực kiểm soát lẫn nhau. Ông nghĩ sự tự thân thay đổi thể chế của Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào?
TS Vũ Hồng Lâm: Đổi mới chính trị đến mức độ như Ông Bùi Quang Vinh đề nghị thì chưa thể có được trong một vài năm tới, nhưng sẽ có những bước đi theo hướng đó.
Bài phát biểu của ông Bùi Quang Vinh thì tôi muốn so sánh nó với bài tham luận cách đây hơn 20 năm rồi, đó là bài tham luận của ông Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại đại hội đảng lần thứ 7, năm 1991.
Trước khi về hưu, trước khi bị làm dê tế thần để Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc thì ông đưa ra một bài tham luận hết sức là tiến bộ, đưa ra những tư tưởng hết sức là cấp tiến lúc đó. Thế thì đó là bài tham luận trước khi về hưu, ông còn cái gì thì nói nốt để đỡ phải cắn rứt lương tâm với đời. Thì tôi nghĩ ông Bùi Quang Vinh cũng vậy thôi, trước khi về hưu thì ông còn cái gì bứt rứt thì ông nói nốt, điều đó không có nghĩa là người ta sẽ làm theo cái gì mà ông nói.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét