Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Bàn về chữ Đức của ông Nguyễn Phú Trọng

Bài 1: CHỮ ĐỨC NẰM ĐÂU GIỮA DÂN VÀ ĐẢNG?

Bài 2: TẠI SAO PHẢI GIỮ CHO ĐƯỢC ĐẢNG NÀY, CHẾ ĐỘ NÀY?




Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc HNTW 14. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi nói chuyện với cử tri quận Ba Đình Hà Nội, ngày 08/12/2015, đã nêu quan điểm của ông trong lựa chọn cán bộ lãnh đạo Đảng: “Nguyên tắc cần đeo bám khi chọn cán bộ là phải có đức, có tài, nhưng chữ đức phải là gốc. Phải trung thành tuyệt đối, với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.

“phải có đức, có tài, nhưng chữ đức phải là gốc” Câu phát biểu này của ông Nguyễn Phú Trọng tôi nghe rất quen, từ những ông Tổng Bí Thư trước ông. Nếu đây là chuyện riêng của đảng CSVN thì tôi không bàn tới. Nhưng đảng đang áp đặt chế độ độc quyền trên đất nước, và ông Trọng đang nói chuyện với cử tri, dù là cử tri do đảng chọn lựa, thì tôi muốn nhân đây thảo luận một vài điều về chữ Đức theo như ông Nguyễn Phú Trọng nói ra.

Bài 1: CHỮ ĐỨC NẰM ĐÂU GIỮA DÂN VÀ ĐẢNG?

Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Phải trung thành tuyệt đối, với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.

Theo lời ông, người có Đức phải trung thành với nhiều đối tượng cùng lúc. Lời bảo ban này của ông thực là vô nghĩa. Bởi vì, tự nhận là nhà lý luận của chủ nghĩa Mác, duy vật và biện chứng, ông há không nhớ rằng trong sự vận động của cuộc sống, các diễn biến luôn xảy ra. Bạn và thù, đối tác và đối thủ, thiện và ác, có ích và có hại … các mặt đối lập của cuộc sống luôn biến chuyển, ảnh hưởng và hoán đổi lẫn nhau. Đảng nào cũng vậy, có lúc có ích cho sự phát triển của đất nước và dân sinh, có lúc không có ích hay có hại.

Tôi đặt câu hỏi với ông rằng giữa Dân và Đảng, khi quyền lợi mâu thuẫn nhau, thì người có Đức phải trung thành với Dân hay với Đảng? Xin ông đừng lặp lại rằng Đảng không có mục tiêu nào khác với mục tiêu phục vụ Dân nên trung thành với Dân nghĩa là trung thành với Đảng. Đơn giản vì lập luận này quá phi lý, nếu ông thực sự cầu thị thì xin ông hãy thăm dò dân ý xem Dân có thấy Đảng hiện nay là có ích lợi cho Dân hay không. Dân có muốn Đảng các ông độc quyền thống trị hay không?

Ông nói: “Giữ cho được chế độ này, đảng này, giữ cho được hòa bình để phát triển đất nước”. Tôi lại xin đặt câu hỏi rằng nếu Đảng mang lại chiến tranh thì giữ hòa bình hay giữ Đảng? Việc này đã từng xảy ra trong quá khứ khi Đảng CSVN của ông dốc toàn bộ nguồn lực Miền Bắc gây chiến tranh với Miền Nam, đốt cháy cả dãy Trường Sơn của đất nước để nướng hàng triệu sinh mạng tuổi hai mươi của dân tộc, để di họa tới ngày nay, 40 năm sau cuộc chiến. Xin ông trả lời cho nỗi đau thương và mất mát quá khủng khiếp này cho dân tộc.

Xin được hỏi ông: Khi Đảng mang lại chiến tranh tàn hại dân tộc thì có nên giữ Đảng hay không? Tôi muốn hỏi khi Đảng đem giặc vào bên trong cửa tổ quốc, khi Đảng tước đi các thế mạnh đoàn kết và bảo vệ nền tự chủ của dân chúng trong nước, khuyến khích giặc đàn áp và giết hại dân chúng, nghĩa là Đảng tạo thuận lợi cho giặc gây chiến với Việt Nam. Lúc đó có nên giữ Đảng này hay không?

Lại xin hỏi: Khi Đảng là chướng ngại vật cản đường phát triển của đất nước, thì có nên giữ Đảng hay không? Giới kinh doanh trong nước đang oán than rền trời vì bị các Tổng công ty, các Tập Đoàn kinh tế quốc doanh chèn ép nghiệt ngã, bị hệ thống công quyền tham những trên từng bước đi thủ tục… Dân chúng bị cướp tài sản biến thành dân oan vì chính sách “sở hữu đất đai toàn dân”… Dân tộc bị bịt mắt bịt tai bởi chính thể độc nguyên ngu dân. Nền chính trị độc tài chỉ biết cướp và giữ chính quyền bằng súng ống là nguyên nhân khiến cái xấu, cái ác hoành hành ngăn cản sự phát triển đất nước. Có nên giữ Đảng như thế mãi không?

Đảng không thể tự đánh giá mình. Nếu muốn biết Dân đánh giá ra sao thì đề nghị Đảng đừng đàn áp, đừng cản trở các cơ quan, tổ chức độc lập làm một thăm dò xem Dân nghĩ rằng Đảng đang bảo vệ đất nước hay đang cầu cạnh kẻ xâm lăng, Đảng đang thúc đẩy sự phát triển của đất nước hay đang cản trở sự phát triển.

Ý KIẾN THỨ HAI

Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Nguyên tắc cần đeo bám khi chọn cán bộ là phải có đức, có tài, nhưng chữ đức phải là gốc”. Đọc những câu luận như thế này, tôi e rằng ông Tổng Bí Thư hiểu chữ Đức quá hời hợt, hoặc là ông cố tình đem cái hời hợt đó áp lên đầu dân chúng.

Tôi thấy ông quá đơn giản và máy móc khi tách bạch hai chữ Tài và Đức, đặt chúng trong hai vị trí hoàn toàn cô lập nhau, đối lập nhau. Thực ra, trong cuộc sống đầy sinh động, luôn thay đổi và diễn biến theo chiều ngày càng tiến bộ, hai chữ Tài-Đức hàm chứa nhiều nội dung tương đối và có liên quan chặt chẽ với nhau.

Với một mục tiêu đặt ra, người có Tài là người có khả năng đạt mục tiêu đó trong những điều kiện và thời gian mong muốn, với các nguồn lực xử dụng ít hao tốn nhất. Người kém Tài không có khả năng đó, hay đạt mục tiêu một cách khó khăn, hao tổn hơn.

Với một nhà giáo có đủ kiến thức chuyên ngành và kiến thức sư phạm, nếu đặt anh trong ngành giáo dục, anh sống lương thiện với nghề, không ăn cắp, không gian dối… thì có thể xem anh là người có Đức. Tuy nhiên, nếu có thế lực nào đó đưa anh vào vị trí rất quan trọng, quyết định vận mệnh dân tộc, trong khi anh không có Tài nên làm hỏng việc lớn, vậy mà anh vẫn sống chết cố bám ghế, thì đích thị anh là người thiếu Đức. Ở tầm lãnh đạo đất nước, người có Đức là người biết nghe theo đa số, không cố chấp, khăng khăng chỉ biết có ý mình. Người có Đức là người không tham quyền cố vị, biết lui bước nhường vị trí cho người có thực Tài làm điều ích quốc lợi dân.

Vậy, hai chữ Tài và Đức không thể tách rời nhau trong một nhà lãnh đạo. Mục tiêu của dân chúng là bầu chọn những nhà lãnh đạo vừa có Đức, vừa có Tài. Không chấp nhân một nhà lãnh đạo chỉ có Đức thiếu Tài hay chỉ có Tài thiếu Đức. Trong cái khối dân hơn 90 triệu con người kia, sao lại chẳng chọn được những người hào kiệt vừa có Đức vừa có Tài?

Chẳng qua sự độc tài, độc quyền của đảng CSVN đã ngăn chặn, đã triệt hạ các “hào kiệt” từ trong trứng nước. Cho nên sau 40 năm thống nhất dưới sự thống trị độc tài của Đảng thì trên đất nước mênh mông đầy hào kiệt này chỉ lác đác một hai khuôn mặt cũ mèm ngấp nghé vị trí lãnh đạo cao nhất! Dân chúng đồn rùm trời rằng đó không là kẻ giáo điều phe đảng và chấp nhận bán nước, bán dân cứu đảng, thì cũng là người tham nhũng ngang nhiên và điều hành đất nước be bét! Vậy thì, Đảng có Đức hay không?

Ý THỨ BA

Câu hỏi chốt muốn hỏi trực tiếp ông Nguyễn Phú Trọng là: qua mấy chục năm trời làm lãnh tụ rất cao cấp, từ bí thư thủ đô tới một trong tứ trụ, rồi tới lãnh đạo tối cao, quyền uy tột bực, cả mấy chục năm trôi qua mà đất nước càng ngập chìm trong các giá trị sống thấp cấp, mà thứ bậc phát triển của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực ngày càng hướng xuống đáy, mà lãnh thổ bị Trung Cộng xâm chiếm và uy hiếp nghiêm trọng, mà dân chúng bị Trung Cộng ngang nhiên giết hại trên đất nước của mình, nay ông tiếp tục tham gia đấu đá không mệt mỏi để giành ghế Tổng Bí Thư thêm nữa, ông tự xét ông có Đức hay không?

Ông có quyền tự thấy mình có Tài nắm chức Tổng bí thư. Ông có quyền thấy mình còn sức khỏe làm việc lâu dài dù đã 72 tuổi. Tôi không có ý kiến về cái quyền đó của ông. Nhưng ông tạo ra các qui định kỳ quặc, nhất là qui định Tổng bí thư phải là người miền Bắc, người có lý luận… trong khi trên thực tế cuộc tranh giành chỉ ông là miền Bắc, chỉ ông có bằng cấp lý luận (chú ý bằng cấp không phải là trình độ). Qui định đó do ông tạo ra vào phút chót trước khi ra ứng cử để đối thủ chính trị của ông bị khóa lại và chỉ mình ông được thuận lợi! Ông tự xét ông có Đức hay không?

Ngoài các trò đấu đá cung đình thâm hiểm, ngoài các cầu cạnh sự ủng hộ của Trung Cộng đang xâm lăng tổ quốc, ông có năng lực gì để lãnh đạo nước Việt Nam thoát khỏi hoàn cảnh nguy nan mà ông đã góp phần tạo nên? Ông đã có chương trình cho các việc lớn đó chưa? Từ thâm tâm, ông có nghĩ ông có đủ Đức và Tài để thắng cử trong một cuộc bầu cử mà người dân thực sự có quyền tự do ứng cử và bầu cử không? Chưa cần ra tới cái biển Nhân Dân rộng lớn, chỉ trong cái ao tù nước đọng của đảng CSVN, ông có nghĩ ông đủ Đức và Tài để được các đảng viên chọn lựa trong một cuộc tranh tài sòng phẳng và tự do nội bộ hay không?

Xin mời ông nhìn thẳng vào mắt Nhân Dân mà nói chuyện minh bạch. Ý tôi muốn nói là ông có đủ tự tin về các điều ông hô hào, kêu gọi để mở cuộc tranh luận tự do và trực tiếp trên truyền hình cho dân chúng minh tường, bình luận hay không? Trốn tránh nói chuyện và thảo luận công khai, minh bạch cũng là thiếu Đức của một nhà chính trị!


Trần Quí Cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét