Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Khúc quanh lịch sử của Đất nước và bản lĩnh người lãnh đạo



Phạm Anh Tuấn

13-1-2016

Thư ngỏ Gửi 1500 đảng viên đại biểu dự Đại hội XII ĐCSVN.

Kính thưa các Quí vị,

Là người nặng lòng với tình hình đất nước, dù còn nhiều hạn chế, người viết thư ngỏ này mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ gửi đến qúi vị và mong được trao đổi với bạn đọc gần xa.

Trước thềm năm mới 2016, Đất nước ta, Nhân dân ta đang đứng trước những vận hội mới. Cả Thời cơ và Nguy cơ.

Trong nước, tuy có một số chuyển biến tích cực có tính thời cuộc nhưng chủ đạo vẫn là: kinh tế, giáo dục, văn hóa,… đều tụt hậu; Đạo đức xã hội suy vi; Lòng tin vào thể chế giảm thiểu.

Quốc tế: đang có nhiều chuyển biến lớn nhỏ, phức tạp, khó lường, thuận và nghịch… trên cả Khu vực và Thế giới. Với VN bên cạnh một số nét mới TPP,… xu thế phụ thuộc ngày càng nhiều và toàn diện vào Trung Quốc, thể hiện rõ nhất là ở Biển Đông chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm, ngư dân ta bị tấn công, xâm hại vô cùng nghiêm trọng hàng ngày là điều đau đớn, phẫn uất của mọi người VN yêu nước.

Trong khi đó Đại hội XII của Đảng CSVN – lực lượng đang thực tế Lãnh đạo Đất nước – đang đến rất gần.

Câu hỏi: Ai? Những cá nhân nào của Đảng sẽ nắm những vị trí chủ chốt trong nhiệm kỳ tới? Hiện đang chiếm gần như trọn mối quan tâm của công luận trong và ngoài Đảng. Dư luận bàn tán nhiều nhất đến chuyện “nhân sự”. “Các phe phái đang đấu đá nhau hết sức dữ dội nhằm vào các vị trí chủ chốt sau ĐH” đang là dòng chủ đạo của báo chí thuộc mọi “lề” hiện nay. Trong khi đó theo thiển ý người viết bài này thì theo đúng lô gích của sự vật phải là: 1. Xác định mục tiêu /trên cơ sở đánh giá đúng, khách quan tình hình/; 2. Cương lĩnh, kế hoạch thực hiện MT đó/trong đó có phần rất quan trọng là dự báo xu thế vận hành và phát triển của sự vật/; 3. Ai là người phù hợp để lãnh đạo thực hiện MT đó, người đó phải tự hoàn thiện như thế nào để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao?

Đối với lãnh đạo ĐCSVN thì vấn đề số 1 và 2 coi như đã “xong” chỉ chờ ĐH 12 “thông qua”. Chỉ có câu hỏi thứ 3. Ai sẽ là những người lãnh đạo tối cao của Đảng? Là gay cấn nhất, khó khăn nhất, đến mức có ý kiến không biết chừng sẽ “có biến động lớn”.

Trong Thiên, Địa, Nhân thì chỉ còn có “nhân” là cái đang được dư luận “quan tâm nhất” mà thôi. Vì sao lại như thế? Chẳng nhẽ, cái mục tiêu “không biết đến cuối thế kỷ này đã có được chưa” lại “mơ hồ” đến mức mà điểm 1 và 2 không cần bàn nữa? Hay chỉ chung chung nhàm, nhạt như các dự thảo văn kiện ĐH 12 là đủ?

“Thế đã thế, thời thời phải thế”. Bàn về tìm người, chọn người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong số gần 300 UV TƯ Đảng là việc của 1500 vị đại biểu – đảng viên tham gia ĐH. Với những hiểu biết còn rất hạn chế, người viết bài này nêu một số ý kiến dựa vào các tiêu chí mà các bậc cao nhân thường nhắc tới, đó là cái Tâm, cái Tầm và cái Dũng của những người lãnh đạo hiện nay.

Xin được trước hết nói về cái Tầm của người lãnh đạo.

Đó là tầm nhìn sâu về lịch sử Dân tộc và lịch sử Thế giới, cái nhìn tỉnh táo có tính triết học – lịch sử, để từ đó xác định Xu thế thời đại hiện nay là gì. Nhân loại đang ở đâu và đang đi về đâu. Xuyên qua hàng loạt các chuyển động, diễn biến khó lường đó mà dự báo những cái “tất yếu” đã, đang và sẽ diễn ra. Để không “giáo điều”, ôm khư khư lấy một luận thuyết nào. Yếu tố thiên thời, những chuyển động khôn lường của thời cuộc buộc tất cả chúng ta – cá nhân hay dân tộc – đều phảichuyển biến. Lấy cái “bất biến” nhưng vô định để tự ràng buộc mình sẽ tự chuốc lấy thất bại. Đảng CSVN cần phải nhận ra điều có tính qui luật này và ngay bây giờ, trước Đại hội Đảng XII, phải tự triệt để đổi mới để có thể cùng với toàn thể Dân tộc sải bước cùng nhân loại văn minh. Các gía trị có tính phổ quát của nhân loại đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước VNDCCH cách đây 70 năm:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, cóquyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc“.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Mục tiêu xây dựng một đất nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ –công bằng – văn minh” cũng là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Như thế lợi ích Dân tộc, Dân chủ và Dân quyền tự do mới là “cái bất biến” là mục tiêu, còn các luận thuyết, các “chủ nghĩa” –ism là phương tiện, nó chỉ phản ánh các quá trình tư duy và thể hiện trình độ khác nhau của nhận thức thực tiễn xã hội mà thôi. Một cái là mục tiêu, cái kia là phương tiện. Phải chăng đây là luận điểm cốt lõi, xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh?

Xin có vài câu liên quan đến “Địa lợi” Việt Nam. Dải đất hình cong chữ S giàu đẹp của ta nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng của khu vực và TG, bất hạnh thay, lại là mục tiêu chinh phục của tên láng giềng to lớn, tham lam và nham hiểm phương Bắc. Lịch sử đã là như vậy hàng ngàn năm. Những phát biểu của họ Tập ngay trước và sau/tại Hoa kỳ và Singapore/ cuộc gặp gỡ lãnh đạo Đảng và Quốc hội VN mới đây càng khẳng định điều đó. Hiện tình những ngày qua ở Biển Đông tưởng đã cấp thiết lắm rồi nhưng lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN thì vẫn im re là sao? Tồn tại bên cạnh TQ, ngày nay VN phải: 1. Khôn khéo, giữ hòa hiếu nhưng sòng phẳng, đặc biệt không hèn nhát, phụ thuộc. 2. Nước phải cường thịnh, văn minh; 3. Có nhiều bạn chí cốt, giàu mạnh trên Thế giới.

Đảng CSVN vì vậy cần phải “tự giác” triệt để đổi mới. Hãy biết “tự chỉ trích”, hãy quay về với nguyên lý của biện chứng: vận động (của sự vật trong không gian và thời gian) là tuyệt đối. TỪ ĐÓ mà nhận thức thật sự khách quan, không ảo tưởng về Thời và Thế của VN trong thế giới đang không ngừng biến chuyển hiện nay. Nhận thức là một qúa trình. Đó chính là qúa trình vận động của tư duy. Mỗi người trong quí vị đại biểu tham gia ĐH 12 không những không chống mà rất cần tự giác “tự diễn biến”, tự nhận thức lại thực tiễn, trong đó có sự vận dụng chính những nguyên lý của Biện chứng pháp.

“Đổi mới hay là chết” từng là khẩu hiệu tại một khúc quanh hiểm nghèo. Giờ đây nó phải là: “đổi mới triệt để hay là chết”! Nhân danh “ổn định” để giữ lấy những cái lạc hậu, lỗi thời hoặc là kẻ cơ hội hoặc là kẻ giáo điều và cũng có thể /hay phần nhiều/ là kẻ “2 trong 1”. Cả ba dạng người này đều không xứng đáng làm lãnh đạo. Trong đó dạng thứ ba: vừa cơ hội /vụ lợi/ vừa giáo điều/xơ cứng tư duy/ là nguy hiểm nhất. Cơ hội, thực dụng là kẻ thiếu tầm, “mất gốc”. Giáo điều là kẻ định “tiến lên vũ trụ bằng cánh diều xưa” trong thế kỷ đầy giông bão, là kẻ nhân danh “biện chứng” nhưng đánh tráo/ hay nhầm lẫn/ giữa mục đích và phương tiện.

Người xứng đáng được giao trọng trách lúc này phải là người ham học hỏi thật sự và biết lắng nghe thực lòng. Người đó luôn cập nhật tri thức thời đại, không để cho tư duy bị khô cứng bở bất cứ một lý thyết nào. Đó là người luôn trăn trở với thực tiễn đất nước, cuộc sống người dân đồng thời có tầm nhìn toàn cầu, theo kịp bước tiến của nhân loại văn minh. Cơ sở, động lực và cả mục đích của qúa trình tư duy chính là Thực tiễn. Thực tiễn đồng thời cũng là tiêu chuẩn của chân lý. Đó là biện chứng của tư duy.

Là đảng viên ĐCSVN, tất cả các vị – 1500 đại biểu đự ĐH 12 – đều chắc đồng thời là những quan chức lớn nhỏ, tất cả chắc chắn đều có trình độ lý luận trung – cao Mác Lê trở lên, các vị hãy tự suy xét và có hành động cần thiết ngay trong ĐH 12 này. Hãy vượt qua “cái bẫy” tư duy chỉ mãi mãi là tầm thường không bao giờ đạt đến cái Tầm thực sự cần có của người lãnh đạo.

Thứ hai, xin có đôi lời về cái Tâm của người lãnh đạo.

Trước hết và trên hết, những người lãnh đạo Đảng CSVN cần trả lời câu hỏi có tính sống còn: Đảng là gì, vì ai và do ai mà tồn tại?

Hơn 85 năm trước, đất nước lầm than nô lệ, Đảng ra đời, dân đã dần đi theo Đảng. Hơn 70 năm trước dân đói khổ, cả nước hơn 2 triệu người chết đói, Đảng đã khôn khéo lãnh đạo toàn dân vùng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước VNDCCH. Tiếp theo là 9 năm kháng Pháp kết thúc bằng đại thắng Điện biên phủ. Năm 1975 cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân VN dưới sự lãnh đạo của Đảng CS kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất. Lịch sử ĐCSVN từ trước khi ra đời, giành chính quyền và trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt cho dù mắc khá nhiều sai lầm khuyết điểm (như CCRĐ, chống NVGP, Vụ án T4, Cải tạo Tư sản ở MN, Công hàm 1958, HN Thành đô,v.v … không thể nêu hết ở đây), nhưng về cơ bản do được đông đảo nhân dân ủng hộ mà thành công.

Tuy nhiên, trong hơn 40 năm qua, khẩu hiệu “luôn gắn bó máu thịt với dân” của Đảng CSVN đã dần trở nên xa vời. Trên thực tế hiện tại, Đảng CSVN với bộ máy Nhà nước “tam quyền nhập một”, trong rất nhiều trường hợp đã và đang đứng đối lập với người dân trong hàng loạt các vấn đề trọng đại: kinh tế chính trị, chủ quyền lãnh thổ, đạo đức xã hội suy vi, lòng người ly tán, khủng hoảng lòng tin trầm trọng… Tưởng có quá nhiều ví dụ cho nhận định này không cần nhắc lại ở đây. Đó là thực trạng đau buồn của cả dân tộc VN.

Phải khẳng định chân lý: Đảng từ nhân dân mà ra, là con em của nhân dân.

Tham nhũng tràn lan, cách hành xử thô bạo thậm chí dã man của các cơ quan công quyền các cấp, Công an, quân đội… tất cả dưới sự lãnh đạo của Đảng – đối với nông dân, công nhân, trí thức,… những người xuống đường thể hiện lòng yêu nước, yêu cây xanh Hà nội, những người dân oan mất đất,… và tất cả những ai yêu công lý như vừa qua nói lên điều gì? Cư xử tàn bạo với người từng cưu mang mình là VÔ ƠN! Con hại cha mẹ sinh ra mình là BẤT HIẾU! Những hành động đó đi ngược lại đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay trên dư luận có quá nhiều nhận định về sự băng hoại của Đảng sẽ dẫn đến tan rã. Nhân định thì nhiều. Tóm lại, có 2 “phe”, hai loại ý kiến lớn: Ý kiến thứ nhất cho rằng: Đó là vấn đề thuộc về “bản chất”, có tính “tất yếu”. Nôm na là “Không có thuốc chữa”! Những người thuộc nhóm thứ hai thì vì còn hy vọng nên ngày đêm suy nghĩ, đóng góp ý kiến để Đảng thay đổi. Đã có rất nhiều ý kiến phân tích sâu sắc, đóng góp tâm huyết của nhiều vị nhân sĩ trí thức, các tầng lớp nhân dân, các thư ngỏ, kiến nghị trong nhiều năm qua gửi lãnh đạo Đảng CSVN… nhằm mục đích tìm ra con đường chấn hưng Đất nước từ sự phân tích thấu đáo Thời cuộc. Nhưng đều không có hồi âm. Tất cả, hầu như thế, đều không được Đảng trả lời! Ngay cả việc hệ trọng đến vận nước trước Bành trướng Bắc Kinh, Đảng cũng không hề hỏi ý Dân, như cha ông ta đã từng làm.

Diễn biến của Đại hội lần này ra sao đang nằm trong nhiều đồn đoán. Một trong những kịch bản mong đợi nhất của tuyệt đại đa số người Việt yêu nước trong và ngoài Đảng là ĐẢNG CSVN SẼ LỘT XÁC, mong rằng những tiếng nói chính trực sẽ được cất lên từ các đại biểu dự ĐH.

Để làm điều đó cần có Dũng khí, dám vượt qua chính mình.

Đó là tinh thần dám nói dám làm của con người hành động. Các quí vị đại biểu dự ĐH Đảng hẳn đều biết một câu nổi tiếng được Mác phát biểu: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, vấn đề là phải cải tạo thế giới”. Có Tâm và Tầm, người cộng sản đích thực còn phải có lòng dũng cảm để dám hành động, dấn thân vì chân lý.

Để “cải tạo thưc tại”, sửa chữa những sai lầm, yếu kém của mình – như đã viết ở trên – ĐCSVN cần triệt để đổi mới. Đảng CSVN cần lắm một quátrình lột xác. Hy vọng điều này sẽ diễn ra sau ĐH12 và nội hàm của nó (phạm trù lột xác) đã dần hình thành qua nhiều ý kiến khác nhau sẽ ngày một sáng tỏ.

“Cải tạo thế giới” không thể làm một cách nửa vời. Đó hẳn nhiên là một sự nghiệp vĩ đại. Vận nước Việt ta hiện nay với các nguy cơ, như đã viết ở trên, đang đứng trước một khúc quanh có tính lịch sử. Đảng CSVN đang nắm ngọn cờ lãnh đạo nhưng đang mang nhiều trọng bệnh, mắc nhiều sai lầm khuyết điểm dẫn đất nước đến những hậu quả tệ hại như ta đang thấy.

Chẳng nhẽ, từ bỏ lợi quyền (bất chính) cá nhân, gia đình, bè nhóm và hành động vì Dân tộc, vì ĐẠO LÝ lại khó đến vậy? Người viết bài này mong rằng 1500 đại biểu dự ĐH 12 hãy CÔNG TÂM DŨNG CẢM TRONG CÁC PHÁT BIỂU, ĐÓNG GÓP VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA MÌNH ngay tại ĐH. Hãy căn cứ vào chính Điều lệ Đảng mà hành xử một cách dũng cảm, quyết liệt ngay trong đại hội lần này. Không thể để cho một nhóm hay một cá nhân, bất kể kẻ đó là ai, khuynh loát tiến trình Đại hội. Trong kho tàng các thành ngữ hài hước dân gian hiện đại có câu “đảng viên, nhưng mà tốt”. Tôi muốn nói về các vị đại biểu ĐH: các vị ngoài ra còn là người dân Việt yêu nước và là CON NGƯỜI – viết hoa và đứng thẳng.

Xu thế dân chủ không thể đảo ngược phải bắt đầu từ trong Đảng, ngay từ Đại hội này. Giữ “tập trung” mục tiêu vì dân, vì nước và “dân chủ”: mọi đảng viên tham gia ĐH phải được và dám “mở miệng” về tất cả các vấn đề của Đất nước và của Đảng. Đó mới đích thị là nguyên tắc tập trung dân chủ ngày nay.

Đơn giản, xin quí vị đảng viên đại biểu tham dự ĐH Đảng, lần này, hãy triệt để đổi mới – hãy lột xác – để về với Nước, với Dân.

Mong lắm thay.

Thường Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét