Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015
VỤ SẬP NHÀ 107 TRẦN HƯNG ĐẠO – HÀ NỘI, BẠN CÓ TIẾC KHÔNG?
Đôi lời: Ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo là nơi đã từng tổ chức đám tang học giả Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8-5-1936. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), là chủ bút tờ báo Đăng Cổ Tùng Báo, tờ tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ. Cụ Vĩnh còn là Chủ bút báo Trung Bắc Tân Văn – tờ Nhật báo đầu tiên trong lịch sử Báo chí Việt Nam.
Bài viết của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, kể về các sự kiện liên quan đến ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo, đã bị sập hôm 22-9 vừa qua. Mặc dù bài viết không nói rõ, nhưng đọc xong, người đọc có thể hiểu rằng sự kiện ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, bị sập không phải do thiên tai, mà là nhân tai. Người ta đã cố tình làm cho nó sập, bởi đằng sau sự kiện này còn có rất nhiều diễn biến mang tính hệ thống liên quan đến ngôi nhà này.
____
Tân Nam Tử
Nguyễn Lân Bình
27-9-2015
SƯ VIÊC THỨ NHẤT
Sinh thời, cố nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc (1926-2013) đã chia sẻ với tôi một chi tiết nhỏ khi nói về Hà Nội xưa như thế này:
“Cậu Bình ạ, thế hệ chúng tôi không ai không biết học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Nhiều lần, vì những lý do khác nhau khi chúng tôi gặp mặt nói về những người tài ngày xưa, chúng tôi đều nhắc đến cụ Vĩnh! Tôi và nhiều người nữa, đều muốn làm điều gì đó để tỏ lòng tri ân với cụ… Có lần, chúng tôi đã đề nghị Thành phố: Nên chăng, mình làm một tấm đá, khắc lên đó nội dung – Ngôi nhà đã sinh ra học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhà báo, nhà văn, nhà dịch thuật xuất sắc của văn hóa Việt Nam – Rồi mình đến gắn trên tường ngôi nhà số 46 phố Hàng Giấy, gần chợ Đồng Xuân ấy. Tôi đã đến đó nhiều lần. Tôi thấy, nếu làm được như vậy, cũng là một việc phải đạo với lịch sử Hà Nội vừa với vong linh cụ Vĩnh! Nhưng “họ” không đồng ý!”
Tôi ngơ ngẩn khi nghe ông Nguyễn Vĩnh Phúc tâm sự, không phải vì tôi không cảm nhận được tấm lòng quý hóa của ông với lịch sử, với Hà Nội…và với chính học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mà tôi ngơ ngẩn hiểu ra điều gì đó xa xa trong tâm thức của những người chịu trách nhiệm trong các cơ quan có chuyên trách. Tôi giữ trong lòng sự thất vọng này.
Ông Nguyễn Hồ, con trai út của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đang kể lại với các con cháu về đám tang của học giả Nguyễn Văn Vĩnh vào ngày 8.5.1936 tại ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo. Ảnh được lấy từ băng ghi hình năm 2006.
SỰ VIỆC THỨ HAI
Năm 2006, trong những cảnh quay dùng cho bộ phim tài liệu lịch sử “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, tôi lần mò theo các tài liệu lưu trữ, lần mò theo sự chỉ giáo của các bậc cha chú từ khi mình còn là kẻ ngu ngơ, chuyện Nguyễn Văn Vĩnh khởi nghiệp từ một cậu bé 8 tuổi, ngồi kéo quạt thuê trong một lớp học dành cho các cậu tú, cậu cử, học để trở thành thông ngôn (phiên dịch), được tổ chức tại một ngôi đình của làng Yên Phụ, gần hồ Trúc Bạch…
Tôi đã tìm đến ngôi đình ấy. Sẽ là khó hiểu với bất kỳ ai khi chứng kiến vị trí của ngôi đình, vì nó nằm lọt thỏm trong khuôn viên của trường phổ thông cơ sở Mạc Đĩnh Chi và không thể không ngạc nhiên, sinh ngờ vực vì ngôi đình ở trạng thái gần như bỏ hoang. Ngôi đình có bố cục kiến trúc khá đặc biệt bởi lẽ nó được xây dựng đúp. Nghĩa là hai ngôi đình cùng kích thước, cùng diện tích, cùng kiến trúc được dựng liền kề nhau. Hình như, người xưa đã cố tình với sự tính toán (theo tôi) để khe thoáng ở giữa hai hạng mục kiến trúc một khoảng cách đủ rộng để đón ánh sáng mặt trời. Giữa khe thoáng có tấm bia đá đặt ở vị trí đầu phía Đông. Sát ngôi đình, trước bậc lên xuống phía Nam có một cây đa lớn, chắc chắn phải được gọi là cổ thụ. Tôi hỏi thăm những người nhiều tuổi biết về ngôi đình này và được các vị cao niên đó khẳng định: nó có từ hồi có ngôi đình này!
Ngôi đình đã được xây tường bao quanh để sử dụng cho công việc của cơ quan địa phương từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ảnh lấy từ bộ phim tài liệu Mạn đàm về Người Man di Hiện đại.
Tôi đã đi sâu hơn trong việc hiểu cho rõ về quá khứ của cái lớp học đặc biệt do người Pháp dạy, nơi mà lúc Nguyễn Văn Vĩnh 8 tuổi đã may mắn đổi được công việc từ đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên (chân cầu Long Biên), sang công việc ngồi kéo quạt thuê cho nhà trường, lúc đó trong các ghi chép lịch sử, gọi là Tràng Hậu bổ (Ngôi trường khi các học sinh học xong sẽ được bổ nhiệm thẳng vào các vị trí cần thiết, không phải tìm xin việc). Sau này tôi biết thêm rằng, nơi đây đã đào tạo ra nhiều gương mặt nổi danh trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như Trần Trọng Kim (1883-1953), Phạm Quỳnh (1892-1945)… Tôi nhận thức chủ quan rằng: nếu “họ” coi trọng lịch sử một cách khách quan, cơ sở này đáng được gọi là di tích!
Năm tháng trôi qua kể từ năm 2006 hồi mà tôi đến để ghi hình phục vụ cho bộ phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, ngôi đình chưa xuống cấp đến mức phải lo lắng. Lần nào có dịp đi qua trường Mạc Đĩnh Chi, tôi cũng để mắt xem bên trong có biến động gì không…?! Xin được báo động với những ai quan tâm đến lĩnh vực lịch sử, đến những di sản cũ của đất Thăng Long – Hà Nội rằng cả hai ngôi đình đều đang trong trạng thái đang xụp dần. Tôi không chắc chắn khi viết những dòng này, ngôi đình cổ đó có còn không?! Hình như, “họ” muốn cho nó xụp và tôi biết họ mong cho nó xụp… Cầu Trời điều này sẽ không sảy ra!
Cây đa đứng đối diện với bậc lên xuống phía Nam của ngôi đình. Ảnh lấy từ bộ phim tài liệu.
SỰ VIỆC THỨ BA
Dẫn đường.
Năm 2014, thông qua những người bạn, tôi được gặp và tiếp xúc với bà Trần Thu Dung, một tri thức Việt kiều từ Pháp về thăm quê. Một người bạn đã đề nghị tôi có mặt tại cuộc gặp với bà Dung trong một buổi chiều mà tôi đã có hẹn với công việc khác. Người bạn của tôi nói to với tôi rằng chị ấy là tiến sỹ…. anh đến đi vì có cả giáo sư X…. Khốn nạn, tôi vốn không phải là mẫu người hay hoảng hồn với các chức danh, nhưng khi người bạn tôi nói thêm rằng: chị ấy chuyên nghiên cứu về Hội Tam Điểm (Franc Macionnier), thì tôi nhanh chóng quyết định phải đến.
Nói đến Hội Tam điểm, cả người xưa và người thời nay đều hiểu rất mơ hồ. Hầu hết đều lờ mờ cho rằng đây là hội kín, mà đã kín thì tức là…phức tạp, là mờ ám. Đáng lý ra, một người có lương tâm, khi thấy ngờ vực điều gì đó, người ta nên dành thời gian tìm hiểu, dành sự quan tâm tối thiểu, nhất là điều ngờ vực đó sảy ra với chính những người có trách nhiệm phát ngôn, vì sự phát ngôn ấy liên quan đến danh dự của nhiều người.
Xin thưa, Hội Tam điểm có nguồn gốc từ những người công nhân lao động ở nước Anh từ thế kỷ XVI. Cũng có người hiểu đây là hội huynh/sư. Danh sách hội viên hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX, nếu các quý vị tìm đến sẽ thấy hầu hết những danh nhân, triết gia, nhà khoa học, nghệ sỹ nổi tiếng trong lịch sử nhân loại đều góp mặt, vì đây là một tổ chức đấu tranh chống lại sự bất công xã hội ở khắp mọi nới trên thế giới, nhất là thời kỳ phồn thịnh của Chủ nghĩa Thực dân. Biểu tượng của Hội là chiếc thước thợ (3 góc – 3 điểm – Tam điểm).
Chúng tôi gặp nhau trân trọng với bầu không khí giản dị, cởi mở. Bà Trần Thu Dung không dấu giếm sự háo hức, vồn vã nói như kêu lên rằng, “Tôi đã hỏi nhiều người lắm rồi… tôi sốt ruột muốn biết tòa nhà trước đây là trụ sở Hội Tam điểm thời thuộc Pháp có còn nguyên vẹn không? Mình muốn vào tham quan có được không?”. Tôi đắc chí cười tự tin trước đề nghị của bà Dung vì đây là địa chỉ mà tôi rất biết nhưng hiểu thì ít thôi vì không phải người chuyên nghiên cứu lĩnh vực sử học, hay kiến trúc hay xã hội chính trị. Đơn thuần tôi biết địa chỉ này qua tư liệu gia đình thôi. Thậm chí để tuyệt đối, tôi đã từng đề nghị người chú ruột sinh năm 1923, đưa tôi đến tận nơi và kể lại vài ba kỷ niệm của ông với địa chỉ này.
Tôi nhận lời với bà Dung và hẹn sẽ đưa bà đến bất cứ địa danh nào mà bà quan tâm ở đất Hà Nội này. Tôi khoe rằng mình đã giúp không ít trường hợp từ các nơi xa về Hà Nội, đi tìm những địa chỉ cũ để hiểu về những thay đổi của nó qua những tác động của hoàn cảnh, chính sách quản lý và có những đặc điểm đặc trưng gì… Tôi cũng hơi tự hài lòng về khả năng này của mình. Việc bà Dung muốn đến ngôi nhà là trụ sở Hội Tam điểm thời Pháp thuộc có gì khó đâu… vì nó chính là ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo.
Toàn cảnh ngôi nhà 107 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh được lấy từ băng ghi hình năm 2006.
Phố Trần Hưng Đạo với tôi là đường phố của tuổi thơ, đường phố của những phi vụ bắt ve sầu, của trò đổ dế, bắt xén tóc, ném xấu, trèo me….và cả việc rình mò trèo tường váo các nhà biệt thự để ăn trộm ổi, doi, táo, hồng bì. Mùa Xuân còn tìm nhà nào có cây đu đủ, bẻ trộm ống đu đủ rồi trèo lấy quả cơm nguội ở phố Lý Thường Kiệt làm đạn thổi trêu bọn con gái…. Cũng như Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng…hầu hết các con phố nằm xung quanh rạp chiếu phim Tháng Tám mà ngày xưa, những thế hệ sinh trước năm 1954 vẫn gọi là cinema Majestic, chúng tôi đều nhẵn guốc (lúc bé chỉ có guốc để đi).
Sự kiện.
Suốt cả quãng đời dài, vì những lý do cay đắng … tôi đâu có biết ông nội mình lúc chết đã có đám tang rất lớn và vô cùng long trọng, kéo dài từ chiều ngày 6 tháng 5 đến trưa ngày 8.5.1936 tại ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo. Theo báo chí đương thời, đám tang ước có đến trên mười hai nghìn người đến tiễn đưa con người được mệnh danh là “Người Công dân vĩ đại” (điếu văn của Hội Nhân quyền Hà Nội). Xe tang chở thi hài người quá cố đến trước cổng bệnh viện Bạch Mai mà đoàn người đưa tiễn vẫn còn ở ga Hàng Cỏ. Vâng! Sự thật 100% là như vậy đấy.
Ảnh các tầng lớp nhân dân Hà Nội trong đoàn người tiễn đưa học giả Nguyễn Văn Vĩnh về nghĩa trang Hợp Thiện đang đi qua trước bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội ngày 8.5.1936.
Ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo là nơi đã mang trong lòng mình, theo cách nói tâm linh của cổ nhân là Thần Thổ công của mảnh đất 107 Trần Hưng Đạo đã chứng giám một sự kiện thiêng liêng hiếm có trong lịch sử Việt Nam, đó là đám tang của “Một người thường” (Lời tự nhận của Nguyễn Văn Vĩnh) nhưng lại diễn ra quy mô nhất, cảm động nhất và tự nguyện nhất, tính trong lịch sử văn hóa Bắc kỳ cho đến thời điểm đó.
Nhìn vào sự thật này, người đời đều sẽ đồng ý rằng: một người được dân chúng thực sự quý trọng thì dù không hàm cao chức trọng, không “lá ngọc cành vàng”, chẳng “trâm anh thế phiệt” vẫn sẽ nhận được sự thương yêu, kính trọng đến vô bờ của cộng đồng xã hội. Quy ngược lại, mọi người cũng sẽ đồng ý rằng lập luận như trên hẳn không thể là suy diễn.
Để cụ thể hơn về sự kiện đặc biệt hy hữu này, về đám tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8.5.1936 tại số nhà 107 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, và ngôi nhà này bị sập ngày 22.9.2015, chúng tôi xin được dẫn chứng ngắn đôi điều liên quan đến đám tang lịch sử này (vì không phải dịp kỷ niệm về Nguyễn Văn Vĩnh), để bạn đọc có thêm sự hiểu biết về quá khứ của địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Một số những tổ chức, cơ quan báo chí, những nhân vật được lịch sử ghi danh đã đến viếng tang, có 6 bài điếu tiễn biệt được đọc tại đám tang và có rất nhiều bài điếu được gửi đến đám tang (do ở xa) Nguyễn Văn Vĩnh gồm:
Phan Bội Châu (1867–1940), Danh sỹ, nhà cách mạng yêu nước Việt Nam.
Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947), Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, nhà cách mạng yêu nước Việt Nam.
Hồ Đắc Hàm (1879-1963) Thượng thư Triều đình Huế.
Hoàng Trọng Phu (1872-1946). Võ hiến điện Đại học sỹ.
Trần Trọng Kim (1883-1953). Đại diện các trường tiểu học ở Hà Nội.
Dương Bá Trạc (1884-1944). Nhà báo.
Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983).
Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Nhà báo, nhà văn, nhà yêu nước.
Phan Trần Chúc (1907-1946). Nhà văn, Đại diện Báo giới Bắc kỳ.
Bùi Kỷ (1888-1960). Đại diện Hội Phật giáo TW. Hà Nội.
Phạm Huy Lục (???). Đại diện Viện Dân biểu Bắc kỳ.
Thông sứ Auguste Eugène Ludovic Tholance (1878-1938).
Đốc lý Hà Nội Henri Virgitti (???).
Henri Tirand (???). Đại diện Báo giới Pháp ở Hà Nội.
Delmas (???). Đại diện Hội Nhân quyền Hà Nội.
————-
Cùng các nhà văn, nhà báo danh tiếng như: Đỗ Thận, Phan Khôi, Nhất Linh, Khái Hưng. Nguyễn Tuân, Phạm Huy Thông….
Để khẳng định thì không, nhưng theo lối nghĩ cổ xưa thì mảnh đất, các bức tường, mái ngói của ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo là những vật vô tri vô giác nhưng đã thấm đẫm cái hồn của kẻ quá cố được người đời trân trọng, yêu quý. Xin được gửi đến các quý độc giả một đoạn điếu văn trong các bài điếu đã vang lên tại đám tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8.5.1936 trong ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo mới đổ sập đầy xót xa này.
Các hội viên Hội Tam điểm thay nhau túc trực bên linh cữu học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong đám tang được cử hành tại ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo – Hà Nội ngày 8.5.1936. Ảnh lưu trữ gia đình.
Trích điếu văn của ông Nguyễn Mạnh Bổng (… – 1952), bút hiệu là Mân Châu. Nhà văn, chuyên gia Đông y. Ông là anh ruột nhà văn, nhà chính trị Nguyễn Tiến Lãng (1909-1976), ông có hai người em rể là học giả Phan Khôi (1887-1959) và thi sỹ, nhà văn Tản Đà (1889-1939).
“ …Than ôi ! Cuộc đời dâu bể, tạo hóa tiểu nhi ! Một cái thân thế trong sạch, một đời tận tụy với việc bồi đắp văn hóa cho Tổ quốc đồng bào, dù kẻ ghét người yêu, kẻ thù người bạn, đều cũng phải công nhận là một bậc vỹ nhân đã giúp nhiều việc có ích cho giang san Tổ quốc, là một bậc hào kiệt gắng sức phấn đấu với muôn nghìn nỗi khó khăn về thời thế, về hoàn cảnh, về nhân tâm đen tối, về xã hội suy đồi, chỉ có một lòng mong muốn cho người nước khôn, vận nước chuyển, thế nước có ngày mạnh, cảnh nước có ngày thuận, con Hồng cháu Lạc có ngày chen vai thích cánh với năm châu.
Thế mà trời xanh không để cho ông trường thọ lấy vài chục năm nữa để đem lịch duyệt lão thành ra dìu dắt đồng bào! Thật quốc dân Nam Việt ta từ gái chí trai, từ già chí trẻ, ai ai cũng phải lấy làm thương tiếc, buồn rầu. Nhưng thôi từ nay ông quy ẩn, ông để lại cho hậu tiến một cái di sản bằng tấm lòng yêu nước, chí khí phấn đấu cho đến trận thở cuối cùng. Hai cái đó cũng là hai cái hương hỏa đáng quý báu cho người nước ta ngày nay và ngày sau. Hễ còn có người biết lo việc nước, biết đoái nhìn giang san Tổ Việt, còn có người biết đem tài trí ra mà phấn đấu với muôn nỗi khó khăn, thì là linh hồn ông bất diệt. Vậy tôi xin cúi đầu kính chào ông trong lúc khu xác của ông tương biệt đồng bào mà tinh thần ông vẫn còn lưu lại ở trong văn chương sách vở và trong lòng trong óc quốc dân.
Xin kính chúc ông yên giấc ngàn năm.
Than ôi! Thương thay !”.
NGUYỄN MẠNH BỔNG.
PHẦN KẾT
Nhà văn người Anh Edward George Earle Lytton Bulwer-Lytton (1803-1873), tác giả của cuốn sách “Cây bút mạnh hơn thanh kiếm”, ông đã viết về sự thật thấm thía như thế này:
“Không phải tính tò mò, không phải sự kiêu căng, không phải việc cân nhắc lợi ích, không phải trách nhiệm hay vì làm theo lương tâm mà chính là cơn khát không chịu chấp nhận thỏa hiệp, đầy khốn khổ và không thể dập tắt, dẫn chúng ta đến sự thật”.
(Not curiosity, not vanity, not the consideration of expediency, not duty and conscientiousness, but an unquenchable, unhappy thirst that brooks no compromise leads us to truth).
Với câu nói này của tiền nhân, tôi viết bài viết nhân sự việc ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo sụp đổ, hoàn toàn do bị ám ảnh bởi sự nuối tiếc, bởi những bất cập của hệ thống quản lý xã hội tạo nên. Tôi hiểu sâu sắc hậu quả của một người thiếu trách nhiệm trong công việc nó nguy hại ra sao, nhưng hậu quả của một bộ máy thiếu tinh thần văn hóa nó tàn nhẫn thế nào?! (Xin mời xem chùm ảnh của ngôi nhà 9 năm trước)
Ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo dưới con mắt của một nhóm những người quản lý và phần không ít trong số họ là sản phẩm của lối sống lương tâm chỉ là một thứ xa sỉ. Họ không phải không biết những mối đe dọa đầy tính hiểm họa mà bất cứ một công trình xây dựng nào cũng có thể sảy ra. Liệu trong những góc khuất… khi một mét vuông đất ở 107 Trần Hưng Đạo sẽ là bao nhiêu nếu có cơ hội dựng lên mặt bằng đó một cao ốc 20 tầng, rồi từ đó những món lợi dành cho những người liên quan sẽ là chừng nào…?! Liệu có phải vì cách tính toán “nhìn xa trông rộng” đó mà họ mong sớm có một ngày như ngày 22.9 vừa qua? Hy vọng là không!
Chúng ta càng chứng kiến những sự việc đổ vỡ như việc sập ngôi nhà 107, càng thấy cái tệ hại của lối sống thực dụng đến mức bắt chấp cả những giá trị của lịch sử. Có phải, họ muốn lịch sử phải là cái gì do họ tạo ra chứ không phải lịch sử là cái nó vốn có.
Câu phương ngôn mà có thể hợp với bối cảnh và nội dung tinh thần của bài tâm sự này sẽ là “Chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Nhưng chúng ta không có quyền tự do né tránh hệ quả của những lựa chọn đó.”
Dù thế nào đi nữa, để lạc quan, chúng ta vẫn có thể tin và hy vọng vào những quyết định phù hợp nhất, trung thực nhất của bộ máy quản lý thành phố này trong việc bảo vệ, giữ gìn những quá khứ tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội. Bởi lẽ, ngày hôm nay sẽ trở thành lịch sử của ngày mai và lịch sử chẳng của riêng người nào. Cuộc đời thiếu niềm tin và hy vọng có được gọi là cuộc sống đâu, vậy nên chúng ta hy vọng vì:
Xét cho đến cùng, ở trên đời này chẳng có gì xấu quá như người ta tưởng…!(A.Dumas con 1824-1895).
Hà Nội, ngày 25.9.2015
NGUYỄN LÂN BÌNH
___
Dưới đây là các bức ảnh ghi lại những họa tiết kiến trúc của ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo được ghi hình năm 2006. Ảnh được lấy từ băng ghi hình năm 2006.
___
Mời xem thêm: VỂ NGÔI NHÀ 107 TRẦN HƯNG ĐẠO – MỘT CÔNG TRÌNH VĂN HÓA THỜI PHÁP THUỘC BỊ SẬP ĐỔ(HNVC).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét