Trước khi Bảo Đại qua đời (1997), nhà sử học trẻ Fédéric Mitterand – cháu của Tổng thống Mitterand đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp cựu hoàng tại nhà riêng (tầng trệt cao ốc 29 Presnel, quận 16 – Paris).
Trong cuộc phỏng vấn này, lần đầu tiên cựu hoàng nói về những kỷ niệm và thổ lộ ước vọng của ông về đất nước Việt Nam, trong đó có việc ông thành lập chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật và trong trường hợp nào ông đã thoái vị làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Cuộc phỏng vấn này đã được phát trên truyền hình Pháp nhiều lần, hoàng nữ Phương Thảo (con của bà Bùi Mộng Điệp và cựu hoàng Bảo Đại) đã thu được và cung cấp cho tôi, kỹ sư Bùi Hữu Lân (cựu sinh viên Đại học Bách khoa Pháp) và ông Nguyễn Đắc Xuân chuyển qua Việt ngữ. Xin trích một số đoạn để bạn đọc tham khảo về những sự kiện cách nay 70 năm.
*
Về nền độc lập của Việt Nam
- Frédéric Mitterand: Đây là một thời kỳ (1944-1946) lạ lùng: có một chủ quyền của nước Pháp Vichy, có đông đảo người Nhật, có vua Bảo Đại im lặng đứng nhìn tình thế, bên cạnh nhân dân Việt Nam. Nước Pháp được giải phóng, thay đổi chế độ chính trị, với tướng De Gaulle lên cầm quyền. Lúc ấy ở Việt Nam tình hình ra thế nào?
- Bảo Đại: Người Việt chúng tôi mù tịt. Chúng tôi hoàn toàn không biết việc gì đã xảy ra. Chúng tôi có biết nước Pháp được giải phóng, chấm hết.
- Và người Nhật? Lúc ấy một thời gian sau họ làm đảo chánh?
- Người Nhật làm đảo chánh vì người Pháp cho rằng, sau khi quân Nhật đã thua nhiều trận ở mặt trận Thái Bình Dương, nước Nhật đã đến thời tận số. Cho nên người Pháp mới bắt đầu tổ chức một loạt kháng chiến. Người Nhật, thấy đã hết thời, không muốn như vậy và đó cũng là một vấn đề thể diện. Họ đã làm đảo chánh và gạt bỏ chủ quyền của Pháp.
- Lúc ấy, ngài bất đắc dĩ cũng bị lôi cuốn phần nào trong cuộc ẩu đả đó?
- Đó là một câu chuyện khá đầy kịch tính. Hôm người Nhật làm đảo chánh tôi không có mặt trong cung. Tôi đi săn. Đến khi trở về cung các cửa cung đều mở. Có tiếng súng nổ. Một sĩ quan Nhật đến trình diện với tôi, xin tôi chịu khó chờ một chút: “Chúng tôi đang giải quyết vài vấn đề”, và sau đó ông sĩ quan này dẫn tôi vào cung. Một thời gian sau, tôi vào trong cung, cũng ông sĩ quan ấy nói với tôi: “Ngày mai, có một nhân vật quan trọng, một đại sứ, đến trình diện với ngài”. Ngày hôm sau tôi tiếp đại sứ Yokoyama. Đại sứ trình uỷ nhiệm thư và nói với tôi rằng: “Thiên Hoàng cho tôi đến bên cạnh Ngài”. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Nhật.
- Trước đó ngài đã có suy nghĩ về hoàng đế Nhật Bản?
- Chúng tôi biết hoàng đế Nhật, nhất là Minh Trị Thiên Hoàng, đã mở cửa nước Nhật cho thế giới hiện đại.
- Và ngài có quan tâm đến kinh nghiệm này?
- Có, tôi có theo dõi khá sát lịch sử nước Nhật.
- Người Nhật tỏ ra rất kính trọng ngài, và ngay sau đó, đề nghị ngài tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Một tình trạng gay cấn vì thực sự không còn chủ quyền của Pháp lúc đó nữa. Chính tướng De Gaulle cũng đã nó: “Tôi thấy Đông Dương đã rời xa như một con tàu lớn”. Khoonhg có vấn đề duy trì chính quyền Vichy, còn người Nhật thì yêu cầu ngài tuyên bố độc lập. Và ngài lưỡng lự?
- Trước hết, tôi nghi ngờ vì không biết nền độc lập này có giá trị đến mức nào.
- Đó là một cái bẫy?
- Không phải là cái bẫy nhưng hai chữ ấy vô cùng kỳ diệu, đó là hai chữ thiêng liêng, hai chữ Độc Lập. Đối với thần dân tôi, tôi không thể từ chối Độc Lập, nếu tôi từ chối, thần dân tôi sẽ trách tôi. Đó là cơ hội ngàn năm một thuở để chứng tỏ rằng chúng tôi độc lập, dù cái độc lập ấy có hình thức thế nào. Điều kỳ lạ là khi tôi ký tuyên ngôn độc lập, tôi hỏi Đại sứ Nhật: “Có vấn đề trao đổi gì không?”. Ông trả lời: “Không, chúng tôi không đòi hỏi ngài bất cứ một điều gì; chúng tôi giải phóng quý quốc; có thế thôi”.
- Nhưng dầu sao, ngài không ngại trở nên một con bài trong tay người Nhật, và ngài không ngại làm cho người Pháp nghĩ rằng ngài đã bỏ rơi họ?
- Không, hoàn toàn không. Tôi không muốn tôi là con bài trong tay người Nhật. Một hôm ông tướng chỉ huy quân đội viễn chinh Nhật ở Đông Dương xin tôi tham gia vào chiến cuộc để giúp nước Nhật, vì lúc đó Nhật đang ở trong một giai đoạn khó khăn, tôi trả lời: “Nay chúng tôi độc lập, không thể sai khiến chúng tôi điều gì nếu chúng tôi đã độc lập. Chúng tôi tự do làm điều gì chúng tôi muốn, các Ngài không có quyền can thiệp vào nội bộ chúng tôi”. Và người Nhật đã hiểu.
- Có cái ngại kia, ngại làm cho người Pháp nghĩ rằng ngài đã bỏ rơi họ?
- Không những tôi đã nghĩ đến việc này, mà nhiều người Pháp đã cho rằng tôi đã phản bội họ. Khi tôi trở qua Pháp năm 1948, có một chiến dịch báo chí chống tôi, nói rằng: “Đó là một con người phản bội, ông ấy đã bỏ rơi chúng ta, ông ấy đi với bọn Nhật”. Tôi phải đưa Hiệp ước Bảo hộ ra. Nó đây, theo điều 11 hay 13, nước Pháp có trách nhiệm giữ an ninh cho nhà vua, chống lại kẻ địch bên ngoài cũng như nội loạn bên trong. Ai đã phá bỏ hiệp ước này? Không phải tôi. Ngày 9-3-1945, chủ quyền Pháp đã không còn nữa.
- Người Nhật có ngược đãi người Pháp không?
- Không, quân đội của Thiên Hoàng không làm cái việc tàn ác. Thủ phạm là đội Kempetai, là một loại Lê Dương của Nhật. Đội Kempetai này đã làm các việc tàn ác đối với người Pháp.
- Bỗng nhiên ta lâm vào cái thế phức tạp. Vì ngài có nhiều quyến luyến với người Pháp. Ngài không thể bình thản mãi?
- Đó là tình cảm cá nhân, nhưng tôi phải nghĩ trước hết đến quốc gia dân tộc. Người Nhật đã đem độc lập đến cho chúng tôi, tôi phải cụ thể hoá nền độc lập đó. Cho nên tôi đã lập một chính phủ. Các quan đại thần lúc ấy đã xin rút lui để chúng tôi có một chính phủ tân tiến.
- Lúc đầu tiên ngài thực hiện quyền lực của một ông vua lập hiến, của một ông vua thời hiện đại. Vậy chính phủ ấy có những ai.
- Đó là những trí thức trẻ, nhiều người ở Pháp, những kỹ sư trường bách khoa, những tiến sĩ luật, những bác sĩ y khoa, họ thông hiểu cả Đông và Tây. Về chức Thủ tướng, tôi đã chọn một học giả thông hiểu cả Đông và Tây.
- Trước tình hình mới ấy, tâm trạng của dân chúng thế nào?
- Có thể nói rằng dân chúng cảm thấy nhẹ nhõm.
- Nước Nhật sụp đổ. Bom nguyên tử nổ. Đế quốc Nhật Bản không còn. Vào khoảng đó, những người Cộng sản gây nên một áp lực ngày càng lớn?
- Thật ra, lúc đầu không phải là những người Cộng sản, mà là những người quốc gia. Đồng bào tôi, nhất là giới trí thức, nghĩ rằng cần có một cuộc cách mạng. Đối với họ, nếu không có cách mạng thì không có tiến hoá. Tôi sợ họ làm một cuộc cách mạng. Nếu ông nhớ lại cái hiệp ước Yalta và Postdam, mặc dầu Nhật thua trận, nhưng Nhật có trách nhiệm phải giữ trật tự, tức là quân đội Nhật không bị giải giáp. Tôi sợ quân Nhật bắn vào dân. Tôi mới nói rằng: “Thần dân đã muốn một cuộc cách mạng, thì chính tôi đã làm một cuộc cách mạng đó rồi. Tôi sẽ ra đi như thế”.
- Và ngài thoái vị. Việc này đối với chúng tôi, quả là hơi khó hiểu?
- Không, có thể khó hiểu đối với ông, nhưng không khó hiểu đối với người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam đã hiểu. Chỉ có điều người dân Việt Nam không thấy một việc, đó chính là những người trong chính phủ mới là những người Cộng sản. Nhưng họ có biết một việc, là trong chính phủ ấy, nghĩa là người đứng ra lập chính phủ ấy, tức ông Hồ Chí Minh đã được người Mỹ vũ trang. Dân Việt Nam nghĩ rằng đã có người Mỹ đứng sau lưng họ, họ sẽ có nhiều thế lực hơn để giành độc lập từ tay người Pháp. Đến giờ, người Mỹ tự xem là những người chống Cộng.
-Tâm trạng của ngài lúc ấy thế nào?
- Tôi hoàn toàn không bị bối rối với những vấn đề ấy. Tôi cảm thấy sự trỗi dậy ấy, trước hết là các người quốc gia muốn có thể cụ thể hoá nền độc lập, họ không muốn tôi ở vị trí lãnh đạo vì tôi không có đủ phương tiện để tranh thủ độc lập từ người Pháp; nhưng vì có một chính phủ được người Mỹ ủng hộ, nên dân Việt Nam cho rằng chính phủ ấy có nhiều phương tiện hơn tôi để tranh thủ từ người Pháp một nền độc lập thực sự.
* *
*
Về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Và ngài đã thoái vị. Từ đây bắt đầu một giai đoạn thật ly kỳ trong cuộc đời ngài. Đó là giai đoạn quan hệ với Cụ Hồ Chí Minh và người cấp dưới của ông ấy. Ngài đã tiếp xúc với Cụ Hồ Chí Minh hay ai tiếp xúc?
- Trước tiên các bộ trưởng của Cụ Hồ tiếp xúc với tôi, để tiếp nhận sự chuyển giao quyền lực.
- Luôn luôn đi theo nguyên tắc một sự kế tục hợp pháp. Nền Cộng hoà là cô gái do nhà vua sinh ra?
- Có thể là như vậy.
- Và ngài đã chuyển giao quyền lực?
- Chính tôi đã khai sinh ra cái nền Cộng hoà đó. Lúc đó đại diện Cụ Hồ Chí Minh nói với tôi: “Mời ngài đi Hà Nội, Cụ Hồ có thể quen biết ngài”. Rồi tôi đi Hà Nội.
- Ngài trở thành Vĩnh Thuỵ?
- Vâng, tôi trở thành một công dân thường.
- Ngài không quá hối tiếc nền quân chủ đã chấm dứt, nền quân chủ ấy dầu sao cũng là một thể chế đã được tổ tiên ngài lập nên?
- Có chứ, dĩ nhiên tôi còn cảm thấy nhiều hơn. Và hối tiếc nữa, nhưng nó là một trang sử đã được lật qua. Đó là định luật của nước tôi.
- Và ngài đã muốn để mình lật trang sử đó?
- Tôi muốn để chính tôi lật, thay vì để cho một vũng máu lật trang sử.
- Và ngài đã đi Hà Nội để gặp cụ Hồ Chí Minh. Điều kỳ lạ là cụ Hồ Chí Minh đối xử với ngài với một sự cung kính đặc biệt?
- Vâng, xin đừng quên rằng cụ Hồ xuất thân từ một gia đình quan lại. Và cụ đã đối xử với tôi như tôi còn làm vua. Cụ cấm những người xung quanh cụ gọi tôi bằng đồng chí, bằng những tên gọi của giai cấp vô sản, và luôn luôn gọi tôi là Hoàng thượng.
- Cụ Hồ Chí Minh mời ngài làm cố vấn tối cao của Chính phủ?
- Vâng, lúc đó không một lý do gì để mà từ chối bởi vì mọi người Việt Nam đều theo Cụ. Điều chúng tôi muốn, là nước nhà phải được độc lập. Tôi muốn làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Mọi người Việt Nam đều muốn ủng hộ chính phủ ấy để tranh thủ một nền độc lập thật sự.
- Ngài đã ở gần cụ Hồ Chí Minh, cụ ấy đã cho ngài cảm tưởng thế nào của cụ ấy? Nay đã qua một thời gian dài, cảm tưởng ấy có thay đổi nhiều không?
- Không, không thay đổi. Ông hãy nhớ đại hội Tours, cụ Hồ ở Pháp lúc ấy. Rồi cụ đi Moscou để lập đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đối với ngài, cụ Hồ cũng là một nhà ái quốc?
- Đối với tôi, còn hơn thế nữa, đó là một người có tinh thần quốc gia. Cụ là một người yêu nước.
- Trong cuốn sách của ngài, không thấy có một lời buộc tội khắt khe nào đối với cụ Hồ. Ngài quý trọng cụ Hồ? Và cũng thế, quả là rất ngạc nhiên khi thấy cụ Hồ không bao giờ công kích ngài?
- Không, không có lý do gì để tôi công kích Cụ ấy. Ban đầu, tôi còn ủng hộ Cụ ấy nữa. Cố gắng đưa nước nhà thoát khỏi chiến tranh, vì chúng tôi đã khổ vì chiến tranh.
- Một sự kiện lạ lùng. Có lúc cụ Hồ đã nghỉ đến việc trao lại quyền hành cho ngài?
- Nhưng việc này chính tự tay cụ Hồ. Một hôm cụ Hồ đến gặp tôi. Trước đó, cụ đã gọi điện thoại, Cụ nói sẽ đến gặp tôi. Tôi tưởng Cụ ấy ốm. Cụ nói với tôi: “Không có, tôi muốn ngài nắm lại chính quyền”. Tôi hỏi : “Tại sao?”. Cụ nói : “Tôi bị để ý quá, tôi quá đỏ, tôi cảm thấy không được Đồng minh tín nhiệm”. Tôi tưởng Cụ đùa. Cụ nói : ‘Không có, ngài hãy trình diện một chính phủ vào cuối ngày hôm nay”. Trong ngày tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc, cho đến chiều thì cụ Hồ gọi lại cho tôi. Cụ nói : “sau khi đã suy nghỉ kỷ lại, xin ngài bỏ qua cho tôi chuyện vừa qua. Trước cái khó khăn của hoàn cảnh này, tôi không có quyền đào nhiệm”. Tôi nói : “Vậy thì xin Cụ hãy tiếp tục”.
- Quả là quá ngạc nhiên, rất xúc động khi thấy có sự đoàn kết cao như vậy. Tại sao cuộc thương thuyết với nước Pháp bị bế tắc? Phải chăng lỗi hoàn toàn về phía Pháp?
- Hãy bắt đầu với Hiệp ước ngày 6-3. Ký giữa Sainteny và cụ Hồ. Tôi biết rõ hiệp ước ấy vì tôi đã soạn thảo với cụ Hồ. Hiệp ước ký xong thì tôi đi Trung Quốc. Sau đó là Hội nghị Fontainebleau. Khi cụ Hồ sang Pháp. Hội nghị không đạt kết quả gì, vì mỗi bên đều giữ vững lập trường của mình. Không ai muốn thương lượng thật sự, phía Pháp cũng như phía Việt Nam.
- Tôi tưởng tượng có những trang “tít” trên các báo. Ngài đã trở nên một ông vua “đỏ”?
- Hoàn toàn không như vậy. Mọi người gọi tôi là công dân Vĩnh Thụy. Chỉ có thế.
- Lúc ấy ngài biết gì về chủ nghĩa cộng sản? Ngài đã nắm hết chủ nghĩa cộng sản?
- Không, tôi biết rất ít.
- Trong khoảng thời gian hai năm ấy, ngài đã ở bên cụ Hồ, và ngài đã giúp cho cụ Hồ nhiều việc quan trọng. Nếu phải lặp lại việc này hôm nay, ngài cũng sẽ lặp lại chăng? Ngày nay ngài đánh giá việc này thế nào?
- Còn tùy. Nếu là vì hạnh phúc của thần dân tôi, tôi cũng sẽ làm.
* *
*
Về quan hệ với người Pháp
- Chiến tranh thực sự bùng nổ giữa Pháp và Việt Minh, một cuộc chiến ác liệt, gian khổ. Ngài là một người lưu vong. Ngài không còn gì trong tay cả. Tuy vậy, lần hồi, ngài lại được công luận chú ý, nhất là các người Pháp đã biết ngài, và đông đảo người Việt Nam muốn độc lập?
- Để nói cho rõ hơn, sau khi đô đốc d’Argenlieu mãn nhiệm kỳ. Ông Bollaert sang Đông Dương với chỉ thị của Paris là gắng khôi phục hòa bình. Dưới hình thức nào? Kêu gọi tất cả những người đang chiến đấu chống Pháp, và những người quốc gia đang đứng ngoài cuộc chiến lúc ấy, có nhiều người Việt Nam đã nghỉ đến tôi. Ông Bollaert đã đứng ra kêu gọi qua bài diễn văn nổi tiếng đọc ở Hà Đông, trong bài diễn văn này ông đã nói đến hai chữ Độc lập, nhưng không nói bằng tiếng Pháp, mà bằng tiếng Việt. Lúc đó, tôi có tiếp một ông sứ giả của ông Bollaert, người này nói với tôi như sau : “Ngài phải đáp lại lời kêu gọi của ông Bollaert. Nếu ngài không trả lời, cụ Hồ Chí Minh sẽ trả lời và sẽ qua mặt ngài”. Tôi đáp :” Tôi rất muốn thế, tôi chờ cụ Hồ trả lời vì quý ông đã nhắm vào cụ Hồ mà kêu gọi”. Sau một thời gian, vì không ai đáp lại lời kêu gọi của ông Bollaert và vì đã có nhiều người quốc gia muốn tập hợp lại và khẩn khoản xin tôi tiếp xúc với đại diện nước Pháp, trong bối cảnh đó, tôi đã chấp thuận gặp ông Bollaert ở vịnh Hạ Long. Đó là lần tiếp xúc đầu tiên.
- Thời gian tiếp xúc có lâu không?
- Thời gian tiếp xúc là một ngày. Ông Bollaert muốn tuyên bố Thống nhất – Độc lập. Nhưng ngược lại, ông đưa ra nhiều tu chính án hoàn toàn không phù hợp với tôi.
- Và ngài đã bác bỏ?
- Do đó tôi đã từ giã ông ta. Tôi nói với ông ta rằng, tôi chỉ gặp ông với tư cách cá nhân. Nước tôi và nhân dân tôi không cho tôi một ủy nhiệm gì, để ký bất cứ điều gì cả. Ông Bollaert đáp : “Đây là lần tiếp xúc đầu tiên”.
- Điều gì đã khiến cho ngài trở về nước?
- Đối với tôi, đây là một cơ hội mà tôi có thể nói là lịch sử. Bởi vì có một điều mà ít người Việt Nam biết đến, đó là tôi phải chuộc lại lỗi lầm của tổ tiên tôi: để mất sáu tỉnh Nam Kỳ.
- Đất Nam Kỳ, đó là các vùng Alsace-Lorraine của nước Việt Nam?
- Đúng vậy.
- Sau cùng, ngài đã chấp thuận trở về nước. Kỳ này đã tranh thủ được Độc lập và Thống Nhất?
- Không, không phải ở vịnh Hạ Long mà tôi tranh thủ được Độc lập, mà chính là sau khi ông Bollaert ra đi, kể từ năm 1949, tôi đạt được các thỏa hiệp đầu tiên với Tổng thống Pháp Auriol. Không phải giống như các thỏa hiệp ngày nay, mà là trao đổi văn thư.
- Một tình trạng thật lạ lùng. Ngài đã là vua, ngài đã là ông Vĩnh Thụy, đại biểu quốc hội thời Hồ Chí Minh, và ngài đã trở về với tư cách đứng đầu một nhà nước. Nhà nước đó có hình thức thế nào? Ngài là Đức Bảo Đại – Tổng thống nước cộng hòa?
- Không, không phải tổng thống vì lúc ấy chưa xác định được thể chế. Tôi tự phong tôi là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam. Tôi nói với nhân dân Việt Nam rằng : Khi tôi đã làm xong nhiệm vụ của tôi, tức là cụ thể hóa nền độc lập, xây dựng lại đất nước, đến lúc đó, chính nhân dân sẽ chọn lấy chế độ mình muốn. Tôi không chủ trương một chế độ nào cả. Tôi chỉ tự phong một cách đơn giản là Quốc trưởng thôi.
- Nền độc lập đầu tiên, có người đã trách ngài rằng đó là nền độc lập của Nhật; còn lần này ngài sẽ không bị mang tiếng rằng đó là độc lập của Pháp?
- Hoàn toàn không. Người Pháp đã thương lượng thực sự với tôi. Độc lập. Thành lập quân đội Quốc gia. Tôi đã có đại diện ngoại giao ở nhiều nước khác. Rất nhiều nước đã thừa nhận chúng tôi.
- Ngài có nhiều bạn trong chính phủ Pháp. Ngài có những bạn trung thành với ngài không?
- Tổng thống Auriol là một người rất thông cảm với tôi và đã giúp tôi rất nhiều. Bộ trưởng ngoại giao, ông Bidault.
- Tổng thống Auriol, một đảng viên Đảng Xã hội, cựu Bộ trưởng trong mặt trận bình dân. Ngài có mâu thuẫn với những ai đã nắm được lịch sử?
- Ông ấy là đảng viên đảng Xã hội, việc này không có gì quan trọng với tôi cả, miễn là qua ông ấy, tôi đạt được các nguyện vọng của nhân dân tôi. Đó là điểm chính yếu.
- Ngài trở về Việt Nam, và trong vai trò của ngài, ngài đã được dân chúng đón tiếp nồng nhiệt. Ngài rất được lòng dân vào thời đó. Việc này diễn tiến ra sao?
- Tôi chưa bao giờ cần mưu sự đắc nhân tâm. Tôi trở về nước để làm một nhiệm vụ với đất nước và nhân dân Việt Nam.
* *
*
Về chế độ Ngô Đình Diệm
- Ông Diệm trước đó đã luôn luôn bày tỏ lòng trung thành đối với ngài? Nay đã có một bước ngoặt, điều gì đã xảy ra?
- Ông ta bị giật giây bởi toàn bộ gia đình ông ta, và cũng bởi các quan thầy Mỹ. Khi tôi yêu cầu ông Diệm cầm quyền, tôi có nói việc này cho Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Foster Dulles. Lúc ấy ông ta không muốn ông Diệm. Một thời gian sau, tôi mới hiểu vì sao. Bởi vì người Mỹ chưa sẵn sàng nắm nước Việt Nam, họ muốn giữ lại vai trò ông Diệm làm dự phòng, để tung ra khi thuận tiện.
- Mục đích của ông Diệm? Một chế độ gia đình trị?
- Ông không có mục đích chính xác. Dẫu sao ông ta cũng không có tham vọng dựng lên một triều đại. Ông ta muốn cai trị theo một loại độc tài con, nói đúng hơn, đó là một chế độ độc tài gia đình trị.
- Ở Triều Tiên thời đó có Lý Thừa Vãn?
- Và có Magsaysay ở Phi Luật Tân.
- Ngài có thấy người Mỹ chú ý đến Việt Nam? Ngài có thấy bóng dáng người Mỹ sau các sự kiện này?
- Tôi thấy rất rõ là người Mỹ muốn có mặt ở Thái Bình Dương. Chiến tranh Algerie đã bắt đầu. Người Mỹ đã làm một loại trao đổi : để cho nước Pháp giải quyết vấn đề Algerie, và nước Pháp rút chân ra khỏi Việt Nam, nhường chỗ cho nước Mỹ.
- Khi Hiệp ước Geneve được ký kết, và ông Diệm lần lần cũng có quyền lực ở Việt Nam, thì ngài ở Pháp. Ngài có nghỉ chuyện trở về Việt Nam?
- Không, hoàn toàn không. Đối với tôi, thế là hết. Tôi đã nói với các đồng minh của tôi và các nước ủng hộ tôi: Vai trò của tôi đã chấm dứt, hoặc tôi là chủ từ bắc chí nam, hoặc tôi là không gì hết. Vì quý vị đã cắt đất nước của tôi làm hai, tôi sẽ cử một người đứng ra, coi phần còn lại, do đó có ông Diệm.
- Ngài thấy thế nào khi ông Diệm tuyên bố nền cộng hòa sau một cuộc trưng cầu dân ý? Cảm tưởng của ngài thế nào?
- Tôi biết trước chuyện này sẽ xảy ra. Tôi hoàn toàn không bị bất ngờ, bởi vì mọi thứ đã được xếp đặt trước. Tôi không muốn nhảy xuống vũ đài để bảo vệ cái thế của tôi.
- Năm 1955, ngài có nghỉ rằng chắc chắn chiến tranh sẽ tái tục, hay có thể giữ nguyên trạng trong một thời gian dài?
- Tôi đã hy vọng giữ nguyên trạng như nước Đức : Tây Đức và Đông Đức. Tôi đã nghỉ rằng miền Nam giàu hơn miền Bắc, sẽ thu hút người miền Bắc. Xui thay, sự việc xảy ra đã không phải như thế. Tôi cũng biết người Mỹ có mặt trong vụ này.
* *
*
Về cuộc sống ở Pháp
- Người con bình thản trong cung điện Huế ngày xưa, bây giờ chịu đựng các phán xét tiêu cực hay sự im lặng, hay ngài đã đau khổ?
- Không, hoàn toàn không. Tôi đã trở lại thời thơ ấu, đây là một thái độ đúng. Chính nhờ cái giáo dục ấy mà tôi đã giữ được mọi sự thanh thản trong lòng.
- Bây giờ, ngài đã sống tại Pháp hơn 35 năm nay, một cuộc sống giản dị, rất đứng đắn nhưng không có nhiều phương tiện. Dẫu sao cũng có nhiều người biết ngài, và rõ ràng rất thích quan hệ với ngài. Ngài đã thích nghi với đời sống ở đây như thế nào?
- Tôi đã thích nghi rất tốt với đời sống ở Pháp. Tôi đã đến đất nước này khi còn rất trẻ. Tôi cũng có thể trở về nước tôi nhưng tôi thích ở Pháp hơn bởi vì tôi biết rõ tính tình người Pháp. Tôi cảm thấy ở đây, ở Pháp, hoàn toàn như ở quê tôi.
- Nhưng đồng thời hình ảnh nước Việt Nam luôn luôn hiện ra trong đời sống của ngài?
- Tôi luôn luôn nhớ đến thần dân khốn khổ của tôi.
- “Tôi xa quê cha đất tổ thế là 25 năm” – Ngài đã viết như thế cách đây 10 năm- “25 năm trên đất Pháp, trên mảnh đất đã đón nhận tôi, với bao nhiêu kỷ niệm thời niên thiếu- Từ khi hoàng hậu Nam Phương qua đời, tình thương đã bị cướp mất quá sớm, và từ khi các con tôi bay xa, tôi thường là một người đơn chiếc. Tôi đã nếm qua và tôi đã sống qua những gì mà nhân dân tôi đang nếm qua và đang sống trong lúc này – nơi thì lòng bao dung, tình bằng hữu, nơi thì hiểu lầm, ác ý; sự đầm ấm khi gặp lại bạn cũ, sự lạnh lẽo của cảnh cô đơn. Trong thời gian đó, tôi luôn luôn sống theo nhịp tim của những người sống trong lo âu, bối rối. Tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, lòng tôi luôn luôn ôm ấp cùng một nguồn hy vọng”. Rồi một ngày kia, khi vua Bảo Đại không còn nữa, ông Vĩnh Thụy không còn nữa, ở Việt Nam còn có những người tưởng nhớ đến công đức của ngài không?
- Không phải tôi là người nói đến việc này. Xin để cho nhân dân tôi phán xét, xin để cho lịch sử phán xét tôi.
Theo TẠP CHÍ XƯA & NAY
Xem thêm:
>> Chuyện giờ mới kể về cựu hoàng Bảo Đại và Monique Baudot - người vợ cuối cùng
>> Chùm ảnh: Cựu hoàng Bảo Đại 'chất lừ' trên tạp chí Life
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét