PUTIN: “CÁC NGƯỜI CÓ HIỂU CÁC NGƯỜI ĐÃ GÂY NÊN NHỮNG GÌ KHÔNG?!” (phần 1)
NAM VU HOANG·29 THÁNG 9 2015
Diễn văn phát biểu của Tổng thống Putin tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/9/2015. Còn thiếu đoạn Putin nói về vấn đề môi trường và kết luận. Sẽ cố gắng dịch nốt.
Mình sẽ không tranh luận với bất kỳ ai có ý kiến trái chiều với nội dung bài viết này.
Lưu ý: Vui lòng ghi tên người dịch khi trích dẫn
Kính thưa Ngài Chủ tịch,
Kính thưa Ngài Tổng thư ký,
Kính thưa nguyên thủ chính phủ các quốc gia,
Thưa các quý bà và các quý ông,
Lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp quốc là dịp tốt để chúng ta cùng ôn lại cội nguồn lịch sử và nói về tương lai chung. Năm 1945, những quốc gia từng chiến thắng chủ nghĩa quốc xã đã hợp sức để xây dựng nền tảng vững chắc cho cơ cấu thế giới thời hậu chiến.
Xin được nhắc lại rằng, những quyết định cốt lõi về nguyên tắc tương quan giữa các quốc gia, quyết định về việc thành lập LHQ đã được thông qua tại hội nghị các thủ lĩnh khối Đồng Minh ở Yalta, tức ở nước chúng tôi. Cái giá phải trả cho “hệ thống Yalta” là sự mất mát hàng chục triệu người, là hai cuộc thế chiến xảy ra khắp nơi trên trái đất trong thế kỷ trước. Nói một cách khách quan, hệ thống đó đã giúp nhân loại vượt qua những sự kiện bão táp, đôi khi bi thảm trong bảy chục năm qua, và đã cứu thế giới tránh khỏi những chấn động với quy mô lớn.
Liên hiệp quốc là một cơ cấu có một không hai về sự chính thống, quy mô đại diện và tính tổng hợp. Vâng, trong thời gian gần đây, LHQ phải nhận nhiều trách móc, như vẻ LHQ không còn hiệu quả và không thể đưa ra các quyết định quan trọng bởi những mâu thuẫn khó khắc phục, nhất là giữa các thành viên Hội đồng Bảo an.
Tuy vậy, tôi muốn lưu ý rằng, trong LHQ suốt 70 năm tồn tại vẫn luôn có mâu thuẫn. Các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Liên Xô, và sau đó là Nga cũng đều từng sử dụng quyền phủ quyết. Điều này hoàn toàn tự nhiên đối với một tổ chức đa mặt và đa đại diện. Khi thành lập LHQ, không ai nghĩ rằng sự đồng tư tưởng sẽ trị vì ở đây. Mục đích cơ bản của Tổ chức chính là tìm kiếm và đưa ra các thỏa hiệp, còn sức mạnh của Tổ chức là việc tham khảo các ý kiến và quan điểm khác nhau.
Những quyết định được thảo luận trên sàn LHQ được thống nhất ở dạng nghị quyết hoặc không được thống nhất, hay nói theo ngôn ngữ ngoại giao là được thông qua hoặc không được thông qua. Mọi hành động của bất kỳ quốc gia nào né tránh quy định này là bất hợp pháp và vi phạm Hiến chương LHQ, luật quốc tế hiện đại.
Tất cả chúng ta biết rằng, sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, trên thế giới đã xuất hiện một trung tâm thống trị. Những ai được đứng trên đỉnh hình tháp này bỗng dưng không tránh khỏi ảo tưởng rằng, nếu họ mạnh mẽ và đặc biệt như vậy thì họ biết tốt hơn ai hết là nên phải làm gì, suy ra… không cần tính đến LHQ, tổ chức mà thay vì phải ngay lập tức trừng phạt hay duyệt một quyết định cần thiết, lại chỉ phá quấy, như người ta thường nói là “vướng chân”. Từ đó có những tiếng đồn rằng, LHQ ở dạng mà nó được sáng lập đã hoàn thành sứ mệnh của mình và đang trở nên lỗi thời.
Dĩ nhiên, thế giới thay đổi, nên LHQ cũng phải thích ứng với sự biến chuyển tự nhiên này. Nước Nga sẵn sàng cho công việc đó, nhằm tiếp tục phát triển LHQ cùng các đối tác khác. Nhưng chúng tôi cho rằng, mọi mưu toan làm lung lay uy tín và tính chính thống của LHQ là vô cùng nguy hiểm. Điều này có thể dẫn tới việc sụp đổ cấu trúc các mối quan hệ quốc tế. Lúc đó, chúng ta chẳng còn luật gì, ngoài “luật của kẻ mạnh”.
Đó sẽ là một thế giới mà trong đó tính ích kỉ sẽ nổi trội hơn tính tập thể; một thế giới mà trong đó sẽ có thêm nhiều sự độc đoán và bớt sự bình đẳng, tính dân chủ và tự do thật sự; một thế giới mà trong đó thay vì những quốc gia độc lập thật sẽ có nhiều nước bị bảo hộ và bị điều khiển từ bên ngoài. Thế chủ quyền quốc gia mà các đồng nghiệp của tôi đã nhắc đến là gì? Trước tiên đó là vấn đề tự do, quyền tự do lựa chọn cuộc sống dành cho mỗi con người, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia.
Thưa các đồng nghiệp kính mến, vấn đề liên quan tới thứ được gọi là “tính chính thống của chính quyền quốc gia” cũng nằm ở đây. Đừng nên chơi chữ! Trong luật quốc tế, mỗi thuật ngữ phải thật dễ hiểu, minh bạch và có cách hiểu và tiêu chí đồng nhất.
Tất cả chúng ta đều khác nhau. Chúng ta phải tôn trọng điều đó. Không thể bắt buộc ai theo mô hình phát triển, được công nhận một lần bởi một ai khác và sau đó được coi là đúng mãi mãi.
Chúng ta không được quên bài học quá khứ. Ví dụ, chúng tôi luôn nhớ những bài học từ lịch sử Liên Xô. Việc “xuất khẩu” các kinh nghiệm xã hội, những mưu toan khuấy động biến đổi trong nước này hay nước nọ, xuất phát từ những lý tưởng của bản thân, thường dẫn đến những kết cục đáng tiếc, mang lại sự thoái hóa thay vì sự tiến bộ. Tuy vậy, có vẻ như không ai muốn học qua lỗi lầm của người khác, mà chỉ muốn lặp lại chúng. Việc “xuất khẩu” này (giờ là xuất khẩu cái thứ gọi là “cách mạng dân chủ”) đang được tiếp tục.
****
Chúng ta chỉ cần nhìn vào tình hình Cận Đông và Bắc Phi mà người phát biểu trước tôi đã nhắc tới. Tất nhiên, những vấn đề chính trị, xã hội trong những vùng này đã chín muồi từ lâu, nên dĩ nhiên người dân ở đó khao khát sự biến đổi. Nhưng kết quả thực tế là gì? Sự can thiệp mang tính công kích từ ngoài đã dẫn tới việc các chế độ quốc gia và cả lối sống không được cải cách mà bị phá hủy một cách bất trọng. Thay vì sự vinh quang của dân chủ và sự tiến bộ là nạn bạo lực, nghèo nàn, khủng hoảng xã hội, còn quyền con người, kể cả quyền được sống, chẳng được coi là gì.
Tôi rất muốn hỏi những ai đã tạo nên hoàn cảnh này: “Các người có biết các người đã gây nên những gì không?!” Nhưng tôi e rằng, câu hỏi sẽ bị lơ lửng trên không, bởi vì những người đó vẫn chưa thể từ bỏ chính sách dựa trên tính chủ quan, đi kèm với chính kiến về sự đặc biệt và vô phạt của chính họ.
*******************
Giờ đã rõ ràng rằng, lỗ hổng chính quyền ở các nước Cận Đông và Bắc Phi đã sinh ra những vùng vô chính phủ, ngay lập tức được lấp đầy bởi những kẻ cực đoan và khủng bố. Hiện đang có hàng chục nghìn lính sĩ đấu tranh dưới lá cờ tự xưng là “Quốc gia Hồi giáo”. Trong số đó có những quân lính người Iraq, sau cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003 từng bị quẳng ra ngoài đường. Nước cung cấp lính đánh thuê là Libya, nơi chủ quyền quốc gia đã bị mất do Nghị quyết năm 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ đã bị vi phạm nghiêm trọng. Còn hiện nay, phe đối lập được coi là “ôn hòa” của Syria và được hỗ trợ bởi phương Tây cũng đang gia nhập hàng ngũ quân cực đoan.
Đầu tiên, người ta trang bị vũ khí và đào tạo chúng, sau đó chúng chuyển sang phe “Quốc gia Hồi giáo”. Ngay cả “Quốc gia Hồi giáo” cũng không tự nhiên có: đầu tiên tổ chức này được huấn luyện như công cụ chống đối các chế độ thượng lưu không dùng được. Xây xong căn cứ quân sự ở Syria và Iraq, “Quốc gia Hồi giáo” đã tích cực lan sang các vùng khác, nhằm thống trị trong thế giới hồi giáo và hơn thế. Có điều, kế hoạch của chúng không dừng lại ở đó.
Tình hình đang hết sức nguy hiểm! Vậy mà trong hoàn cảnh này, có những người lớn tiếng tuyên bố về việc chống khủng bố quốc tế một cách giả mạo và vô trách nhiệm, trong khi đó vờ như không thấy những kênh cấp tài chính cho lũ khủng bố, kể cả nhờ buôn ma túy, vũ khí và dầu bất hợp pháp; hoặc có những người mưu toan sử dụng các nhóm cực đoan để đạt các mục tiêu chính trị của bản thân với hy vọng sẽ xử lý chúng, hay nói đơn giản là “khử” chúng sau này.
Đối với những ai đang làm và nghĩ vậy, tôi muốn nói: “Thưa các ngài, dĩ nhiên các ngài đang hợp tác với những kẻ hung bạo, nhưng hoàn toàn không hề giản đơn và ngu ngốc. Chúng không ngốc hơn các ngài, nên chưa biết ai đang sử dụng ai để đạt mục đích của mình đâu”. Những thông tin cuối cùng về việc chuyển vũ khí cho nhóm “phe đối lập ôn hòa” kia khẳng định điều này.
Chúng tôi cho rằng, mọi ý đồ “chơi” với khủng bố, và hơn thế nữa là trang bị vũ khí cho chúng không chỉ là hiển cận mà còn dễ gây bùng nổ. Kết quả là mối đe dọa khủng bố toàn cầu sẽ có thể phát triển một cách đáng sợ, lan thêm nhiều vùng trên trái đất. Đặc biệt vì “lò” “Quốc gia Hồi giáo” đang luyện lính sĩ từ nhiều nước, trong đó có cả các nước châu Âu.
Đáng tiếc, tôi phải nói thẳng điều này, nước Nga cũng không phải ngoại lệ. Không thể để cho những kẻ giết người sau khi đã nếm mùi máu sẽ được trở về nhà để tiếp tục việc đen tối của mình. Chúng ta hoàn toàn không muốn vậy. Chẳng ai muốn vậy, phải không?! Nước Nga luôn đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố trong mọi dạng một cách cứng rắn và triệt để.
Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho Iraq, Syria, lẫn những quốc gia khác trong vùng đang đấu tranh với các nhóm khủng bố. Chúng tôi cho rằng việc từ chối hợp tác với chính quyền Syria, quân đội của họ và những ai đang anh dũng đấu tranh với khủng bố là một sai lầm lớn! Hãy phải công nhận rằng, ngoài quân đội của Tổng thống Assad và dân quân người Kurd ở Syria thì hiện nay không ai đấu tranh với “Quốc gia Hồi giáo” và các tổ chức khủng bố khác một cách thực sự. Tuy chúng ta biết mọi vấn đề trong vùng, mọi mâu thuẫn, nhưng vẫn phải xuất phát từ tình trạng thực tế.
Các đồng nghiệp kính mến! Tôi phải lưu ý rằng, cách làm thật thà và thẳng thắn của chúng tôi hiện nay đang là cớ để bị vu tội về những tham vọng đang lớn dần. Như vẻ những người nói về điều này lại không hề có tham vọng gì. Nhưng vấn đề đâu phải là tham vọng của Nga, mà là ở chỗ chúng ta không thể chịu đựng tình hình thế giới như vậy thêm nữa!
*******************
Bởi vậy, chúng tôi đề nghị không làm theo các tham vọng, mà tuân theo những giá trị và lợi ích chung dựa trên nền tảng luật quốc tế, hợp sức để giải quyết những vấn đề mới đứng trước chúng ta và thành lập một liên minh chống khủng bố thật lớn. Tương tự khối Đồng Minh chống phát xít, liên minh mới này có thể đoàn kết nhiều thế lực khác nhau, sẵn sàng chiến đấu với những kẻ đang gieo tội ác và sự căm hờn như quân phát xít trước đây.
Dĩ nhiên, các thành viên cốt lõi trong khối này phải là các nước Hồi giáo. Bởi vì “Quốc gia Hồi giáo” không chỉ là mối đe dọa trực tiếp đối với họ. Bằng việc gây ra tội ác đẫm máu, chúng còn bôi nhọ một nền tôn giáo vĩ đại, đó là Hồi giáo; bóp méo và nhạo báng những giá trị nhân văn của đạo này.
Tôi muốn nói với những thủ lĩnh tinh thần Hồi giáo: lúc này đang rất cần uy tín, cũng như tiếng nói hướng đạo của các ngài. Phải giúp những người mà quân khủng bố đang cố tuyển mộ tránh khỏi những hành động thiếu suy nghĩ; cần hỗ trợ những ai từng bị lừa gạt và vì hoàn cảnh khác nhau đã thuộc hàng ngũ khủng bố trở về cuộc sống bình thường, gác vũ khí và ngưng cuộc chiến anh em giết nhau.
*******************
Chỉ trong vài ngày tới, Nga với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an sẽ triệu gọi cuộc họp cấp bộ trưởng về việc phân tích tổng quan mối đe dọa ở vùng Cận Đông. Đầu tiên, chúng tôi đề nghị thảo luận khả năng thông qua nghị quyết về việc phối hợp các thế lực chống “Quốc gia Hồi giáo” và những nhóm khủng bố khác. Xin nhắc lại, việc phối hợp này phải dựa trên những nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Mong rằng, hiệp hội thế giới sẽ vạch ra chiến lược toàn diện về việc bình ổn chính trị và khôi phục kinh tế-xã hội ở Cận Đông. Lúc đó, các bạn thân mến, sẽ không cần phải xây trại tị nạn.
Dòng người phải rời quê hương vừa qua đã tràn vào những nước láng giềng, sau đó đổ vào châu Âu. Số người tị nạn hiện là hàng trăm nghìn, nhưng có thể sẽ lên tới hàng triệu. Có thể nói, đây là cuộc đại thiên di dân tộc mới và là bài học nặng nề cho tất cả chúng ta, trong đó có châu Âu.
Tôi muốn nhấn mạnh: những người tị nạn dĩ nhiên cần được cảm thông và hỗ trợ. Tuy vậy, vấn đề chỉ có thể được giải quyết triệt để bằng cách khôi phục chủ quyền quốc gia ở những nơi đã bị xóa bỏ, củng cố quy chế chính quyền ở những nơi vẫn còn tồn tại hoặc mới được tái tạo, hỗ trợ toàn diện về quân sự, kinh tế, vật chất cho những nước đang trong tình trạng khó khăn và dĩ nhiên cho cả những người bất chấp mọi thử thách vẫn ở lại quê hương.
Dĩ nhiên, không thể ép buộc, mà chỉ có thể đề nghị sự giúp đỡ cho các quốc gia có chủ quyền, theo đúng Hiến chương LHQ. Tất cả những gì đang và sẽ được thực hiện trong lĩnh vực này mà tương xứng với các quy tắc luật quốc tế, phải được ủng hộ bởi Tổ chức của chúng ta; còn những gì trái với Hiến chương LHQ, phải bị gạt bỏ.
Tôi cho rằng, việc khôi phục cơ cấu quốc gia ở Libya, ủng hộ chính phủ mới ở Iraq, giúp đỡ toàn diện cho chính quyền hợp pháp của Syria là tối quan trọng, cần làm trước tiên.
*******************
Các đồng nghiệp kính mến, mục đích cốt lõi của hiệp hội quốc tế, đứng đầu là LHQ, là đảm bảo hòa bình, duy trì ổn định tại các miền vùng nói riêng và toàn cầu nói chung. Theo chúng tôi, cần phải nói đến việc hình thành các vùng lãnh thổ không thể bị chia rẽ và có sự an toàn như nhau: không phải cho vài nước đặc biệt, mà cho tất cả. Vâng, đây việc này rất khó, phức tạp, tốn thời gian, nhưng chẳng có lựa chọn khác.
Tiếc thay, trong một số đồng nghiệp vẫn còn nổi trội lối suy nghĩ kiểu “các nước cùng khối” từ thời “chiến tranh lạnh”, cũng như sự quyết tâm chinh phục những vùng đất mới. Trước tiên, họ vẫn duy trì chiến lược mở rộng NATO. Tôi rất muốn hỏi: để làm gì, nếu như khối Warsaw đã ngưng tồn tại, Liên Xô đã tan rã? Thế nhưng NATO không những vẫn duy trì, thậm chí còn mở rộng ra, cả về mặt cơ sở hạ tầng quân sự.
Tại sao các bạn lại đưa người dân các nước thuộc Liên Xô cũ tới trước sự lựa chọn giả dối: đi cùng với phương Tây hay phương Đông? Logic xung đột kiểu này dù sớm hay muộn sẽ dẫn tới khủng hoảng địa-chính trị. Điều này đã xảy ra ở Ukraine, do việc sử dụng sự bất mãn của phần lớn dân số về chính quyền hiện hành và khiêu khích cuộc đảo chính quân sự từ phía ngoài. Kết cục là nội chiến.
Chúng tôi khẳng định: chỉ có thể kết thúc sự đổ máu, gỡ rối bế tắc bằng cách thực hiện Hiệp ước Minsk kí ngày 12.02 năm nay một cách toàn diện, chân thực. Không thể đảm bảo sự vẹn toàn của Ukraine bằng sự đe dọa hay dùng sức mạnh vũ khí. Cần phải tính đến quyền lợi người dân Donbass, tôn trọng sự lựa chọn của họ, thỏa thuận với họ, như đã ghi trong Hiệp ước Minsk. Đó là điều kiện cần thiết để Ukraine có thể phát triển như một quốc gia văn minh, thành một cầu nối quan trọng trong việc xây dựng không gian an ninh và hợp tác kinh tế cả chung ở châu Âu lẫn Âu Á.
*******************
Thưa các quý bà và các quý ông, tôi không phải ngẫu nhiên nhắc tới không gian hợp tác kinh tế. Cách đây không lâu, chúng ta tưởng rằng, trong kinh tế, nhờ có các quy luật thị trường khách quan hiện hành, chúng ta có thể không dùng đến các vạch ngăn cách, hành động tuân theo những bộ luật minh bạch, đã cùng nhau thông qua, trong đó có các nguyên tắc của WTO, bao gồm sự tự do thương mại và đầu tư, cũng như sự cạnh tranh mở. Nhưng hôm nay, những trò trừng trị một chiều, trái Hiến chương LHQ, đã trở thành lệ thường. Điều này không chỉ nhằm mục đích chính trị, mà còn là phương tiện loại trừ đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Tôi xin lưu ý thêm một triệu chứng bệnh ích kỉ kinh tế đang ngày phát triển. Một loạt nước đang theo hướng thành lập các liên hiệp kinh tế độc quyền ngầm. Họ giấu cả công dân của nước họ, các tổ chức doanh nghiệp, dư luận và các nước khác, trong đó có những nước mà lợi ích bị thiệt hại. Có thể họ đang muốn cho chúng ta biết rằng, luật chơi đã bị thay đổi để mang lợi cho một số người đặc biệt, mà không có sự tham gia của WTO. Điều này có nguy cơ gây mất cân bằng toàn bộ hệ thống thương mại, chia nhỏ không gian kinh tế toàn cầu.
Những vấn đề ở trên động chạm đến quyền lợi của mọi quốc gia, ảnh hưởng tới tiềm năng kinh tế thế giới, nên chúng tôi đề nghị thảo luận chúng trong khuôn khổ LHQ, WTO và G20. Thay cho chính sách độc quyền, nước Nga đề nghị sự hòa hợp các dự án kinh tế vùng, được gọi là “tích hợp của những tích hợp”, dựa trên những nguyên tắc minh bạch thương mại quốc tế tổng hợp….
(còn nữa)
Người dịch: Vũ Hoàng Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét