Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Một công án mang tên “Thiều Chửu” cho trí thức trẻ Phật giáo



Triết học Đường phố

HaiLe

26-9-2015


Sau loạt bài về Ngô Tổng thống, với sự kiện Thích Trí Quang bị phê bình ác liệt bởi tôi, rất nhiều bạn đã bị ngộ nhận và không vượt qua nổi cảm xúc để nhìn cho rõ kẻ làm xấu Phật giáo chính là vc. Xấu hay tốt, vốn là khái niệm định tính và chủ quan, tuỳ theo góc độ và lập trường mà luân chuyển, phụ thuộc vào thời gian nữa. Có thể hôm nay phò cộng là tốt với một số người, nhưng ngày mai, chính những người đó lại coi đó là hành vi xấu. Sắc tức thị không, chẳng phải là lẽ huyền vi của nhà Phật hay sao? Hôm nay bạn phủi rẫy những lời của tôi vì nó chói tai, ngày mai bạn lại nhớ đến tôi vì bạn đã nghe lời thật. Đất trời luôn biến đổi, chỉ có sự thật là thường hằng, ai sống trong sự thật thì sẽ biết lời tôi nói thật. Bồ-đề không phải cái gốc cây, gương sáng không ở cái giá đỡ, bản lai diện mục của vạn vật đều là không, Phật giáo không – tăng ni không – cư sĩ không… Cái gì cũng được chân nhận là không thì làm sao vướng vít bụi trần, làm sao bị kích bác hay ngợi khen bởi miệng lưỡi người thế tục?

Trong nguồn cảm hứng về tánh không, tôi đăng tiếp bài về thầy Thiều Chửu, một người mà sự hiện hữu có có không không như lời giải công án “Bách Trượng dã hồ”. Trong mắt tôi, ông là một nhà sư đúng nghĩa dù ông chỉ tu tại gia và được người đời gọi là cư sĩ (cho nên bạn cũng chớ phàn nàn nếu tôi gọi thầy ấy là sư). Cuộc đời của ông hoạ lại gần như trọn vẹn sự thăng trầm của Phật giáo Việt Nam dưới trào cộng sản…

1) Tài học của sư Thiều Chửu và giá trị của cuốn tự điển của sư biên soạn

Sư tên thật Nguyễn Hữu Kha, sinh năm 1903 tại Hanoi, nhỏ hơn Ngô Tổng thống hai tuổi, nhỏ hơn Nguyễn Sinh Coong một con giáp. Thân phụ của sư là cụ Cầu, một chí sĩ yêu nước, giỏi y thuật, cùng với cụ Lương Văn Can lập Đông Kinh Nghĩa Thục đào tạo trí thức tiến bộ cho nước nhà. Ông cụ sau bị Pháp bắt nhốt tù.

Dù nhà nghèo, nhưng anh em của sư vẫn được học chữ nghĩa đầy đủ. Riêng sư, thiên phú thông minh nên thông thạo chữ Nho và chữ Quốc ngữ từ thuở thiếu niên. Từ khi bố bị bắt, nhà nghèo lại đông con, gia cảnh hết sức túng bấn, sư tuổi vừa mười sáu phải bôn ba đi bán hàng rong để gởi tiền về cho mẹ nuôi em. Sư hiền lại chất phác nên bị kẻ gian lừa hết tiền. Sau bố được thả thì về cùng bố mở tiệm thuốc bắc và học y thuật. Trong thời gian này, sư được người ta cho từ điển tiếng Anh, Pháp, Nhật… và mày mò tự học, chẳng mấy lâu mà đạt trình độ đọc thông viết thạo các ngoại ngữ này! Trí thông minh của sư quả thật siêu phàm, và có lẽ cũng nhờ những kinh nghiệm tự học này mà sư soạn cuốn Tự điển Hán Việt xuất sắc như vậy. Trong thời gian đó, khi tinh anh phát tiết, sư cũng nghiên cứu Phật học Thiền tông và thủ đắc được rất nhiều điều cốt tuỷ cho riêng mình, nên sư không đi tu trong chùa mà ở nhà tự tu, vẫn trai giới và không lập gia đình đến chết.

Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, được giới nghiên cứu coi là một thứ thủ bản không thể thiếu, là cuốn tự điển duy nhất trong nước cho tới thời điểm này có thể dùng để tự học chữ Hán. Về tầm vóc và giá trị của nó, cho tới hiện tại vẫn chưa có sách tự điển Hán Việt nào qua được. Một công trình thực hiện cách nay ba phần tư thế kỷ, khi không hề có phương tiện tra cứu tối tân, tất cả là tài liệu trên giấy, mà mỗi chữ đều được giảng giải kỹ càng, từ gốc tích đến ý nghĩa, thì phải nói là kỳ công đến dường nào?

2) Công nghiệp hoạt động trong phong trào chấn hưng Phật giáo – chùa Quán Sứ

a. Phong trào Chấn hưng Phật giáo

Sư lớn lên khi phong trào Chấn hưng Phật giáo lên đỉnh điểm. Từ năm 1925 – 1945, các bài báo, các buổi diễn thuyết, các cuộc bút chiến, các chương trình vận động… cho phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra vô cùng sôi nổi. Trí thức, sư vãi, Phật tử tới đâu cũng bàn tán rôm rả chuyện thành lập giáo hội, chuyện ai sẽ là thuyền gia pháp chủ, chuyện bút chiến của sư Thiện Chiếu và sư Liên Tôn, chuyện các sa di chùa Dư Hàng bị đuổi, chuyện cái bài lý luận của ông Đoàn Trung Còn, chuyện bỏ kinh sách chữ Hán, chuyện phiên dịch Pàli tạng sang Quốc ngữ, chuyện xuất bản tài liệu Phật học sang tiếng Tây, chuyện bài trừ mê tín dị đoan trong cửa Phật… Không khí chấn hưng Phật giáo khi đó tươi vui hớn hở có lẽ sánh với Phật giáo thời Trần, khi mà “người dân quá nửa làm sư”. Kẻ chưa tu hành cũng nâu sồng dưa muối làm cư sĩ, góp một tiếng nói với phong trào.

Hầu như báo chí tư nhân đăng ký mới liên tục với nhà cầm quyền Pháp, các sư vãi Phật giáo cũng ra báo và lập nhà xuất bản, liên kết mở các trại tế bần cứu khổ, mở trường nghề, trường học, trường Tăng/ni học. Cửa chùa mở rộng, sư vãi chăm lo học hành, bỏ đi lối cúng oản ê a, bỏ lối sơn môn kín kẽ, bỏ luôn mọi chuyện tróc ma đồng bóng. Trong bảy tám trăm năm kể từ thời Trần, có lẽ Phật giáo Việt Nam chỉ có hai mươi năm này là rực rỡ nhất. Thậm chí, chính phủ của thủ tướng Trần Trọng Kim cũng đa phần là những thành viên căn cốt trong phong trào Chấn hưng Phật giáo thời kỳ này. Bản thân ông Trần Trọng Kim cũng là người tham gia sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Tuy nhiên, khi ông Hồ Chí Minh lãnh đạo lực lượng VM cướp chính quyền, mọi hoạt động của phong trào coi như chấm dứt.

Bình: có khi nào bạn tự hỏi ‘mấy thằng Pháp làm gì mà để các hoạt động lập hội, xuất bản, báo chí, tôn giáo, xã hội, bất đồng chính kiến, diễn thuyết… được tự do thế nhỉ?’. Tôi cũng chả biết vì sao cả trăm năm trước ở một xứ thuộc địa mà người dân thoải mái thế!?

b. Với các sư Tuệ Tạng, Tố Liên, Trí Hải

Trong không khí nô nức đó của Phật giáo, một người giỏi như sư Thiều Chửu cũng hoạt động tích cực. Sư cộng tác với các sư và trí thức khác để cùng chấn hưng Phật giáo. Nổi bật trong số những vị này phải kể đến ba người: sư Tuệ Tạng, sư Tố Liên, sư Trí Hải. Cả ba sư này đều có một mối dây liên hệ mật thiết với sư Thiều Chửu.

– Sư Tuệ Tạng: là người đức độ phi phàm, đầu 1945 được mời làm chủ tịch của Hội Việt Nam Phật giáo (vốn tiền thân là Hội Phật giáo Bắc Kỳ mà Thiều Chửu là một hội viên sáng lập), sau tháng chín năm đó bị VM buộc từ chức phải lui vào bóng tối, để công việc và chùa Quán Sứ lại cho các đệ tử là Tố Liên – Trí Hải – Thiều Chửu coi sóc. Đến năm 1951-1952, được cả hai nhóm Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già Bắc Việt mời làm lãnh đạo tinh thần, và sư nhận lời của Giáo hội Tăng già Bắc Việt. Năm 1953, gởi “Lá Tâm Thư” cho sư vãi và Phật tử. Năm 1954, sau hiệp định Geneve, cs trở lại nắm quyền, Phật giáo rơi vào giai đoạn khó khăn và khủng hoảng trầm trọng. Các cơ sở phúc lợi, trường học, nhà xuất bản, trường nghề… gầy dựng được trong phong trào Chấn hưng Phật giáo đều lần lượt tịch thu hoặc đóng cửa. Hoạt động tôn giáo bị cấm, báo chí tư bị đình bản vĩnh viễn. Sư vãi và Phật tử chạy tán loạn, gần hai mươi vạn Phật tử di cư vào Nam. Trong hoàn cảnh đó, sư vẫn nhất tâm bảo vệ tài sản và cơ sở cho giáo hội Phật giáo trong khả năng của mình. Đến năm 1958, sư bị đưa về quản thúc tại Nam Định và qua đời tại đó.

– Sư Tố Liên và sư Trí Hải: là hai nhà sư hoạt động sát cánh bên cạnh sư phụ Tuệ Tạng và sư Thiều Chửu từ ngày lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ đến năm 1946. Hai ông tính tình cương trực, không khuất phục trước cường quyền, cực lực phản đối chuyện bắt sư vãi đi lính và cướp cơ sở Phật giáo. Đến năm 1958 cũng bị cách ly quần chúng và giam lỏng đến chết.

Sư Thiều Chửu thê thảm hơn, đã chết bốn năm trước rồi còn đâu?!

c. Chùa Quán Sứ

Phải nhắc tới cái chùa này vì tính đặc biệt của nó. Sở dĩ ngày nay nó vẫn được đặt làm trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì cs muốn giữ tính chính danh cho tổ chức quốc doanh này.

Năm xửa năm xưa, chỗ này là một sứ quán dùng chung cho sứ thần các nước chư hầu của Đại Việt, bên trong sứ quán có một gian nhỏ dùng để thực hành tín ngưỡng của các sứ giả. Lâu dần thế cuộc đổi thay, không còn sứ thần nào triều cống nên chỗ này cũng xập xệ và trở thành chùa lúc nào không hay. Quán Sứ chính là cách nói theo ngữ pháp Việt của “sứ quán”. Trước khi sư Thiều Chửu động vào, thực sự chùa này cũng như bao ngôi chùa nhỏ vô danh khác, không có gì đặc biệt.

Năm 1934, Thiều Chửu là một nhà từ thiện và là nhà nghiên cứu Phật học rất nổi tiếng, về kiến thức uyên bác và cả về đức hạnh. Cụ đã cùng với sư sãi và rất nhiều trí thức uy tín khác như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Vĩnh, sư Trí Hải… lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Thời đó, chùa Quán Sứ đã mục nát hoàn toàn, Hội của các ông “xin” được chùa này để xây dựng lại làm trụ sở. Chính sư Thiều Chửu là người đứng ra vận động tài chính để xây lại chùa Quán Sứ mới như ngày nay. Ngoài ra, sư còn vận động các nguồn trợ lực, biến Quán Sứ thành thư viện Phật giáo lớn nhất Bắc Kỳ. Quán Sứ là trung tâm đầu não của Phật giáo Bắc Kỳ lúc đó.

Năm 1945, sư Tuệ Tạng làm chủ tịch của Hội Việt Nam Phật giáo và trụ trì tại chùa này, các sư Trí Hải, Tố Liên, Thiều Chửu cùng phụ tá công việc. Khi phe VM cướp chính quyền xong, thủ tướng Trần Trọng Kim bị gán tội phản quốc, chùa Quán Sứ bị coi như cái ổ phản động. Rất may chùa không bị đập nát khi có chương trình “tiêu thổ kháng chiến”, nhiều cơ sở của Hội Việt Nam Phật giáo bị biến thành bình địa trước khi quân VM rút về Tây Bắc.

Tới năm 1954, ông HCM về Hanoi, sư Thiều Chửu chết ở Thái Nguyên, chùa Quán Sứ và các phần tử trong chùa trở thành đối tượng đặc biệt nhạy cảm với cs.

Năm 1958, Hội Việt Nam Phật giáo và Giáo hội Tăng già Bắc Việt bị VNDCCH giải tán, chùa Quán Sứ bị tịch thu, sư Tuệ Tạng – Tố Liên – Trí Hải bị quản thúc và cách ly quần chúng. VNDCCH dựng nên Hội Phật giáo Thống Nhất cho tiếp quản chùa Quán Sứ. Kể từ thời điểm này, Phật giáo miền Bắc (và cả miền Nam vài năm sau) bước sang một trang sử mới.

Bình: Trang sử này đen tối hay tươi sáng, là tuỳ góc nhìn của bạn. Nếu bạn cho là tôn giáo do nhà nước cs điều khiển là tốt, thì quả thật, chưa bao giờ PGVN tươi sáng như lúc này!

Bài vị của sư Thiều Chửu và những thứ liên quan tới ông cũng được dọn sạch khỏi nơi gắn liền với cuộc đời của ông. Than ôi!

d. Những đóng góp của sư Thiều Chửu cho PGVN

Phần này có thể tóm lược vào những nét chính thế này:

– Đồng sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật giáo

– Phiên dịch và biên soạn gần một trăm đầu kinh sách Phật giáo

– Đồng sáng lập và viết báo Đuốc Tuệ, cổ vũ chấn hưng Phật giáo

– Sáng lập, điều hành nhà xuất bản Đuốc Tuệ

– Vận động thành lập và vận động bảo trợ kinh phí hoạt động cho trường Tăng học Bắc Kỳ

– Vận động tài chính để xây dựng chùa Quán Sứ mới

– Vận động và xây dựng và giảng dạy tại trường Phổ Quang
– …

Với những con người dễ thương và huyền thoại như sư Thiều Chửu, có cố công viết lại công trạng của ông thì thực là càng viết càng thiếu sót. Cho nên, trên đây chỉ là những gì cơ bản dễ thấy dễ nhìn, còn rất nhiều công nghiệp lớn lao của ông đang chờ bạn tự mình khám phá!

3) Từ 1946 – 1954

a. Được mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội

Trở lại năm 1945, khi chính quyền Trần Trọng Kim bị VNDCCH “cướp” [nguyên văn], nhiều người có liên hệ với ông Kim đều bị vạ. Tuy nhiên, khi này sư Thiều Chửu lại được ông HCM mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội – một chức danh nghe là lạ.

Trong quãng thời gian trước đó, danh tiếng và uy tín của sư Thiều Chửu cực cao, ngoài trí thức và đức hạnh, sư còn giống như một ông “thần tài” của các chương trình lạc quyên. Sư nói mình “rất nghèo, nhưng tiền bao nhiêu cũng có”, bởi lối sống thanh bần và độc thân, nên Thiều Chửu được nhiều người tin tưởng.

Chính vì lẽ này mà sư được mời làm bộ trưởng. Chính phủ của VM cần uy tín của những nhân sĩ trí thức như Thiều Chửu, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm… hoặc ông cựu hoàng Bảo Đại, để có trọng lượng trước mặt quốc dân. Kỳ thực, trong giai đoạn này, các thuộc hạ thân tín của ông HCM như Giáp, Đồng, … đều chưa có uy tín chính trị gì cả, dân chúng nào biết các ông ấy là ai. Mà sư Thiều Chửu ngoài uy tín ra thì còn có một năng lực quý báu khác không ai có được, nên bụp phát được mời làm bộ trưởng.
Tuy nhiên, sư Thiều Chửu từ chối thẳng thừng lời mời kia. Những cái đầu lớn thường có tầm nhìn và cách nghĩ giống nhau. Nguyên nhân từ chối ư, động não một tí là hiểu thôi mà!

Bình: hết người để động chạm hay sao mà sư dám tạt nước lạnh vào mặt ‘tủ lạnh’?

b. Rút về Thái Nguyên ở ẩn

Năm 1945, vì đâu dân Bắc Kỳ chết đói triệu người? Vì đâu chương trình Chấn hưng Phật giáo đang mạnh mẽ bỗng tắt ngóm như than đỏ dập bùn? Vì sao các chương trình đào tạo tăng/ni bỗng chốc chấm dứt? Vì sao các cơ sở phúc lợi xã hội của Phật giáo bị niêm phong hoặc giải tán? Vì sao các tờ báo tư nhân đều bị đình bản? Vì sao nhiều người bị bắt bớ và thủ tiêu một cách bất minh? Ai mà biết, có lẽ là do nước ngoài giật dây các thế lực thù địch hoặc bọn phản động gây ra chăng?!

Ông Ngô Đình Diệm từ chối lời mời của ông HCM nhưng cũng khéo léo nhận một chân cố vấn cho Quốc trưởng Bảo Đại, rồi tìm cơ hội chạy xa để tránh bị thanh toán. Còn sư Thiều Chửu thì gan cóc tía, dám nhổ râu hùm rồi còn ngồi ở Hanoi mà giỡn ngươi. Song, sư cũng ngờ ngợ ra những hiểm nguy bất ưng, và nghĩ những khó khăn ở Quán Sứ với chính quyền mới là do mình, nên sư huỷ hết máy chữ và tài liệu rồi chạy về Thái Nguyên, nơi sư có mở một mái ấm cho cô nhi. Giang hồ nói sư theo kháng chiến, quan trọng gì, chùa Quán Sứ chứa đựng tâm huyết của sư và nhiều người được bảo toàn.

Sư ở Thái Nguyên giảng đạo, trị bệnh cứu người, nuôi cô nhi, hoằng dương Phật pháp. Đến năm 1954 thì có cuộc Cải Cách Ruộng Đất và đấu tố địa chủ nổ ra.

4) Cải Cách Ruộng Đất, trang sử buồn của dân bần cố nông Bắc Việt và cái kết của sư Thiều Chửu

a. Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc

Cuộc cải cách này xảy ra năm 1954, mới có sáu mươi năm, vẫn còn nhiều nhân chứng sống. Nhưng sự thảm khốc của nó đã bị giới trẻ ngày nay hoàn toàn quên lãng. Rất ít người có thể hình dung ra sự bỉ ổi và khủng bố khi đó. Ngay cả ở miền Nam cùng thời điểm đó, cũng không ai tin được thảm cảnh khổ đau mà những anh em người Bắc của mình phải hứng chịu. Người miền Nam còn cười cợt cho rằng việc tuyên truyền của Quốc gia thật là lố bịch.

Cuộc CCRĐ đẫm máu này là sao y lại từ China, có cố vấn China sang cầm tay chỉ việc từng nơi. Đối tượng bị đem ra đấu tố là địa chủ, trí thức, nhà giàu và nhà có danh giá. Câu cửa miệng của cán bộ đấu tố là “Trí – phú – địa – hào, đào tận gốc, trốc tận rễ!”.

Có thể coi phim Bạch Mao Nữ của China, đọc truyện về cảnh đấu tố Nguyễn Văn Nga của Trần Dần, Ba người khác của Tô Hoài… để hình dung phần nào về cảnh đấu tố và CCRĐ lúc đó.

b. Bần cố nông

Chưa bao giờ “địa vị” bần cố nông được lên hương như thế. Hay nói cho chính xác và đầy mỉa mai rằng, “bần cố nông” chính là thành phần quý tộc lúc này. Bần cố nông năm bảy đời sẽ là lý lịch tuyệt hảo cho ai đó muốn đi làm cán bộ của chính quyền VNDCCH. Vậy cụ thể họ là ai và có vai trò gì?

Bần cố nông, là những dân cùng đinh, thất học truyền kiếp, sống hoàn toàn bản năng, đói ăn khát uống mệt đi nằm, căm ghét kẻ có ăn hoặc khá giả, không có ý chí cầu tiến, không biết trắng đen, lười. Họ không phải là người nghèo thông thường, họ nghèo vật chất thì không nói làm gì, mà còn nghèo mạt hạng về tinh thần và tâm linh, dễ dàng bị kích động và bị lợi dụng. Khi kích động được lòng đố kỵ của đám người này, cán bộ oai như cóc, và đám dân này trở thành những kẻ cuồng loạn, mà ai chống lại sẽ tan xương nát thịt!

Những kẻ này, nhờ dịp CCRĐ được thoả mãn thú tính của mình, triệt hạ tất cả những người mà chúng từng giận ghét như một bọn điên. Thậm chí, con tố cha mẹ, vợ tố chồng, anh em tố nhau. Những tội được đem ra tố là: hãm hiếp, đánh đập, cướp của, bóc lột. Sau khi bị định tội thì chỉ có con đường chết, cỡ bà Cát Hanh Long có ơn tái tạo với VNDCCH mà cũng bị giết chết thê thảm và điếm nhục, thì thường dân xoàng xoàng như sư Thiều Chửu có mấy cái mạng đây? Được gián tiếp giết chóc có sướng không, hỡi bạn bần cố nông?

c. Cái chết bi thảm của nhà trí thức

Sư Thiều Chửu ngày thường trị bệnh miễn phí, nuôi trẻ mồ côi, dạy đạo, giảng kinh, cứu vớt rất nhiều sinh linh. Nhưng sư có một cái tội tày trời, đó là cái nhà sư ở trị bệnh và nuôi trẻ lại lợp ngói. Giàu thế thì đích thị là địa chủ rồi chứ đâu?

Sư bị trói gô như thằng gian phi, đem ra trước “toà”, bị gọi bằng “mày”, phải xưng “con” và gọi tất cả “nhân dân” có mặt ở đó là “ông/bà”, kể cả thằng cu mới biết đi biết nói. Sư khi đó năm mươi hai tuổi, hơn ba mươi năm quên mình phục vụ chúng sinh.
Những người đàn bà từng trị bệnh miễn phí ở chỗ sư tố trước, rồi đến đàn ông từng giúp sư việc vặt tố sư cướp tiền của họ, em ruột của sư tố sư “bóc lột”, một số cô nhi thiếu niên tố sư đánh đập họ. Cả trăm người thi nhau sỉ vả mạ lỵ và tố cáo sư đủ mọi tội ác. Toàn là tội chết! Hễ sư phủ nhận tội nào, thì đám đông hô “Đả đảo! Đả đảo thái độ ngoan cố!”, hễ sư sợ mà lắp bắp “Thưa nhân dân, con có ạ!” thì đám đông lại hô “Bổ thuổng! Bổ thuổng!” hoặc “Xử bắn! Xử bắn!”.

Tội nghiệp người trí thức hiền lành nhút nhát. Những kẻ từng chịu ơn của ông lại là những kẻ bạo hành tinh thần của ông nặng nề nhất. Lòng dạ ông hoàn toàn tan nát, người ta tố mãi, đến khi ông mụ mị cả người, chỉ còn lép nhép niệm kinh giữ hơi thở.

Tôi đã sưu khảo được ba nguồn thông tin về cái chết của sư Thiều Chửu, nhưng thực lòng, sư ấy chết bằng cách nào với tôi không quan trọng nữa. Tuy nhiên, cũng chép ra đây để truyền nghi:

– Tự tử chết nước sau khi bị đấu tố (đây là nguồn tin phổ thông nhất, nhưng khả năng này cực khó xảy ra)

– Được “ân huệ” từ trên cao ban cho thuốc độc (kiểu “tam ban triều điển” đó mà)

– Bị xử tử bằng thuổng sau khi đấu tố

Sau khi chết, thi thể của sư được bó chiếu rồi táng sơ sài bởi vài em nhỏ cô nhi còn thương sư. Tin sư Thiều Chửu chết lan ra, nhiều nơi lập bài vị thờ như một vị thánh. Các sư Tố Liên – Trí Hải cũng lập bài vị của Thiều Chửu thờ trang trọng trong chùa Quán Sứ.

Đến năm 1958, thì VNDCCH thành lập một giáo hội quốc doanh, chiếm chùa Quán Sứ đặt đại bản doanh. Bài vị của sư Thiều Chửu bị quăng đi khỏi đó và cấm thờ tại tất cả các chùa. Huhu than ôi thầy Chửu!

5) Có một công án “Thiều Chửu dữ hồ” dành cho trí thức trẻ Phật giáo

Sư Tố Liên hỏi Thiều Chửu:

– Sao chú không làm bộ trưởng cho Phật giáo được nhờ?

Thiều Chửu đáp:

– Chổi mềm không quét được chồn tinh!

Sư Tố Liên nghe xong, hốt nhiên đại ngộ, từ đó dũng cảm lạ thường, không cúi đầu trước quyền lực nào, nhất tâm bảo vệ Phật giáo tinh tuyền đến chết mới thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét