Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Chuyến trở về từ cõi chết của 15 biệt hải Hoàng Sa (1974)

LTS: Để phá hủy và gom góp các chứng cớ ngụy tạo, nhổ cờ Trung Quốc và dựng lại cờ xác nhận chủ quyền của Việt Nam, tổ chức phòng thủ trên một số đảo bị Trung Quốc chiếm, ngày 17/1/1974, Hải quân VNCH đã tung một nhóm biệt kích hải quân (biệt hải) đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc. Tuy nhiên, khi hải chiến diễn ra ác liệt, toán biệt hải này không được tàu chiến nào đón nên phải tự chèo xuồng về đất liền. Sau 10 ngày lênh đênh trên biển tưởng chừng sắp chết, cuối cùng 15 biệt hải này đã được một tàu đánh cá cứu.

PetroTimes xin trích thuật lại chuyến trở về từ cõi chết của những người lính bảo vệ Hoàng Sa này. Bài viết được khai thác từ những số báo trong tháng 1 và 2/1974 của tờ Trắng Đen phát hành tại Sài Gòn.



Không ảnh đảo Vĩnh Lạc, tên quốc tế là Money Island


Những chứng cứ ngụy tạo của Trung Quốc trên Hoàng Sa

12h30 ngày 30/1/1974, 15 biệt hải thuộc chiếm hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) của Hải quân VNCH được một ngư dân cứu vớt tại một eo biển ở Qui Nhơn, cách đảo Cù Lao Xanh 45 km, thuộc hải phận quốc tế, đã về đến căn cứ Hải quân Quy Nhơn trong trạng thái kiệt sức. Một lính biệt hải đã chết vì đói và khát. Trong số 14 biệt hải còn lại, thì Trung úy hải quân Lâm Trí Liêm, trưởng toán biệt hải đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc, là tỉnh táo nhất khi được đưa vào bờ. Trung úy Liêm được đưa vào Quân Y viện Qui Nhơn và đã kể lại toàn bộ quá trình đổ bộ và rút lui của nhóm biệt hải do anh chỉ huy.

“Lúc 8h sáng ngày 17/1/1974 chúng tôi nhận lệnh đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc (Money) từ chiến hạm HQ-16. Đảo Vĩnh Lạc chỉ là đảo nhỏ trong quần đảo Hoàng Sa, đảo có chiều dài khoảng 1km, chiều ngang 0,5km, trên đảo có rừng cây cao. Toán đổ bộ chúng tôi gồm 15 người, sự chọn lựa này có tính cách ngẫu nhiên.

Chúng tôi mang theo vũ khí, đạn dược, máy truyền tin, thực phẩm nước uống, chúng tôi dùng xuồng cao su để đổ bộ, đây là loại xuồng được chế tạo rất đặc biệt, vỏ rất dầy, được cấu trúc rất nhiều ngăn và có thể bơm không khí riêng rẽ vào các ngăn, dài khoảng 5m, ngang 2m, ở 2 đầu trước sau có trang bị sẵn các lỗ hổng bằng sắt để dùng gắn súng đại liên, phía trước mũi có đính sẵn một la bàn từ loại nhỏ, và 2 bên hông gắn những tay cầm để người sử dụng dễ dàng bám vào khi ở mực nước sâu, cũng như xách di chuyển trên cạn.

Chúng tôi đổ bộ lên đảo từ hướng Đông-Bắc, nơi đây trong vùng lòng chảo bờ biển sâu thuận tiện cho việc đổ bộ. Chúng tôi được chỉ thị nếu gặp địch quân hoặc ngư dân Trung Quốc, cố gắng hòa hoãn đến mức tối đa, chỉ nổ súng khi thật cần thiết để tự vệ, ngoài ra chúng tôi phải triệt hạ các chứng cớ ngụy tạo nếu tìm thấy.

Sau khi đặt chân lên đảo Vĩnh Lạc chúng tôi lập tức nhổ các lá cờ Trung Quốc rải rác khắp đảo và dựng lại cờ VNCH ngay tại vị trí các cờ Trung Quốc bị nhổ bỏ, sau đó toán đổ bộ chúng tôi thám sát toàn đảo, trên đảo không có người, giữa đảo trong rừng cây có một miếu thờ nhỏ rất xưa cũ có khắc chữ Việt tên họ cùng ngày tháng năm, tôi nghĩ là của các ngư phủ Việt Nam trước đây đã lên đảo lập miếu thờ. Về phía Nam đảo, chúng tôi phát hiện trong rừng cây 4 nấm mộ 2 có gắn bia đá, 2 bia gỗ, khắc chữ Tàu, tất cả trông có vẻ xưa cũ, nhưng vết tích thì mới, chúng tôi dùng xẻng đào các nấm mộ nhưng không tỉm thấy xương cốt gì cả.

Điều chúng tôi thắc mắc là tại sao lính Trung Quốc đã cố tình ngụy tạo các nấm mộ, bỏ công cắm nhiều cờ ở bãi biển, mà lại không phá hủy cái miếu nhỏ xưa cũ của Việt Nam ta, điều đó chứng tỏ là họ rất vội vã, vừa thực hiện xong lập tức đi ngay không có thì giờ thám sát đảo.

Tất cả sự việc này được báo cáo về chỉ huy chiến hạm HQ-16, sau đó chúng tôi được lệnh triệt hạ các chứng cớ ngụy tạo, đem các tang vật này gồm 2 bia đá, 2 bia gỗ và các lá cờ Trung Quốc giao cho xuồng máy đem về để làm bằng chứng sau này. Tiếp theo chúng tôi nhận thêm lương thực và nước ngọt, đồng thời tổ chức phòng thủ trên đảo, đào các hố cá nhân trong rừng cây, gài lựu đạn ở các hốc đá và dùng rong biển đắp lên, đặt nhiều mìn định hướng Claymore và dùng cát phủ lên ở bãi biển mà chúng tôi nghĩ là địch quân sẽ đổ bộ, tất cả các vị trí này đều được chúng tôi đánh dấu cẩn thận trên hải đồ.

Trận Hải chiến 1974 qua ống nhòm
Chiều ngày hôm đó (17/1/1974), 2 chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong vùng mang số 271 và 274, đây là loại tàu chiến Hộ tống hạm của Liên Xô chế tạo, được gọi là tàu Kronstadt. Hai tàu này dài khoảng 100m, hơi ngắn hơn HQ-16, nhưng vận tốc nhanh hơn. Hai chiến hạm ta HQ-16 và HQ-4 (chiến hạm Trần khánh Dư) dùng quang hiệu yêu cầu họ lập tức rời vùng lãnh hải VNCH, thì liền đó nhận lại quang hiệu mang ý nghĩa tương tự. Sau đó 2 chiến hạm Trung Quốc bỏ đi về hướng Đông-Bắc quần đảo.

Tảng sáng ngày 18/1/1974, chiến hạm HQ-5 (Trần bình Trọng), đã có mặt tại Hoàng Sa, và Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 cũng đã khởi hành hướng về Hoàng Sa, theo dự định sẽ đến nơi vào chiều tối ngày hôm ấy. Trên chiến hạm HQ-5 có Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc là người chỉ huy trận hải chiến. Khi vừa đến nơi Đại tá Ngạc truyền lệnh của Bộ tư lệnh Hải quân (BTLHQ) Vùng 1 duyên hải cho tất cả các đơn vị hiện diện tại Hoàng Sa, đó là phải tỏ thiện chí hòa hoãn tối đa, các toán đổ bộ không được tùy tiện nổ súng khi chưa có lệnh.



Bốn chiến hạm của quân lực VNCH đã tham dự trận hải chiến Hoàng Sa bảo vệ lãnh thổ vào năm 1974. Chiến hạm HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, chiến hạm HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, chiến hạm HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng Ngụy Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương.

Khoảng 10h sáng ngày 18/1/1974, 4 chiến hạm Trung Quốc lại xuất hiện, 2 trong số chúng tôi đã nhận dạng hôm trước, đó là các Hộ tống hạm Kronstadt 271 và 274, còn 2 chiếc khác mang số 389 và 396, 2 chiến hạm này hình dạng khác hơn 2 hộ tống hạm kia, chiều dài ngắn hơn khoảng 70m, trang bị vũ khí nhiều hơn, ở trên đảo dùng ống nhòm quan sát chúng tôi thấy như vậy. Cả 4 chiến hạm Trung Quốc đều di chuyển cản đường và khiêu khích, qua máy truyền tin chúng tôi ghi nhận các sự kiện sau:

-HQ-16 và Hộ tống hạm 271 đã va chạm 2 hông tàu với nhau.

-HQ-4 đã đụng mũi vào hông sau của tàu Pháo hạm 389 và làm gãy mấy trụ giây an toàn của tàu này.

-HQ-5 di chuyển phía Nam đảo Quang Hòa (Ducan) để quan sát và thăm dò phản ứng của địch thì bị Hộ tống hạm 274 vận chuyển ép ngang phía trước mũi. HQ-5 phải ngưng máy và quay trở lại thả trôi phía nam đảo Vĩnh Lạc nơi mà chúng tôi đang trấn thủ.

- Tất cả 4 chiến hạm Trung Quốc sau đó cũng di chuyển về hướng đảo Quang Hòa (Duncan) và thả trôi ở đó.

- Khoảng xế chiều ngày 18/1/1974, 2 tàu nhỏ ngụy trang tàu đánh cá mang số 402 và 407 xuất hiện tăng viện cho phía Trung Quốc, 2 tàu này có lẽ là 2 tàu chiến nhỏ ngụy trang tàu đánh cá mà chúng tôi đã phát hiện bỏ neo sát bờ đảo Duy Mộng cách 2 ngày trước đây 16/1/1974.

Khoảng chiều tối ngày 18/1/1974, Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đã ra đến nơi, lúc này ở trên đảo Vĩnh Lạc, chúng tôi nhận được thông tin là 4 chiến hạm ta được chia làm 2 nhóm, nhóm 1 gồm HQ-5 và HQ-4 sẽ hoạt động chung nhau về phía Nam quần đảo, nhóm 2 gồm HQ-16 và HQ-10 đang vận chuyển ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa, bên ngoài khu lòng chảo.

Đêm 18/1/1974 trôi qua một cách yên lặng.

Trời tờ mờ sáng, tình hình có vẻ nhộn nhịp căng thẳng lên. Lúc 8h sáng ngày 19/1/1974, qua máy vô tuyến, chúng tôi được biết HQ-5 đang yểm trợ HQ-4 đổ bộ nhóm người nhái gồm 25 người lên đảo Quang Hòa từ phía Nam bên ngoài khu lòng chảo, nơi đây HQ-4 đã không vào sát bờ được vì có nhiều đá ngầm. Toán người nhái đã dùng xuồng cao su để bơi vào đến bãi đá ngầm sau đó họ phải lội bộ lên đảo, mực nước biển ngang đầu gối, thiếu úy trưởng toán người nhái báo cáo họ bị lính Trung Quốc tấn công bằng súng phóng lựu từ trong rừng cây cũng như trong các chòi canh vọng gác trên đảo.

Sau vài phút, toán người nhái báo cáo là viên thiếu úy trưởng toán người nhái và 1 binh sĩ tử thương. Toán đổ bộ đã phản kích bằng phóng lựu M79 và đại liên M60, nhưng không hiệu quả vì quá xa tầm, tóm lại tình hình hoàn toàn bất lợi, toán người nhái đang lội bì bỏm dưới nước chưa đặt chân được lên bờ, họ trở thành mục tiêu tác xạ của lính Trung Quốc. Sau cùng toán người nhái được lệnh rút lui về HQ-4. Tất cả sự việc trên chỉ xảy ra trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Khoảng 10h sáng ngày 19/1/1974, ờ trên đảo Vĩnh Lạc, chúng tôi thấy HQ-16 và HQ-10 đang tiến vào khu lòng chảo, trong khu này đã hiện diện 3 tàu Trung Quốc mang số 274 (Hộ tống hạm), 396 (Pháo hạm) và 402 (tàu đánh cá ngụy trang), nơi chúng tôi trú đóng rất thuận tiện để theo dõi cả 2 mặt trận sắp xảy ra. Mặt trận phía Bắc trong khu lòng chảo của HQ-16 và HQ-10, nơi này rất gần nên chúng tôi có thể dùng ống nhòm để quan sát rõ ràng, còn ở mặt trận phía Nam ngoài khu lòng chảo xa về hướng Nam của đảo Quang Hòa, HQ-5 và HQ-4 cũng đang ở trong tình trạng căng thẳng. Dùng ống nhòm ta chỉ có thể phân biệt giữa tàu chiến ta và tàu Trung Quốc khác biệt về màu sắc.

Tàu Hải quân Việt Nam sơn màu xám nhạt, còn tàu Trung Quốc sơn màu xanh lá cây đậm, và ở đây có 3 tàu chiến Trung Quốc, vì ở quá xa chúng tôi không đọc được số tàu. Qua đối chiếu và suy đoán tổng số tàu địch hiện diện trong vùng, chúng tôi nghĩ 3 tàu Trung Quốc này là 271 (Hộ tống hạm), 389 (Pháo hạm) và 407 (tàu đánh cá ngụy trang).



Hình ảnh một số tàu chiến Trung Quốc tham gia vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974

Sự hiềm khích và tình trạng căng thẳng giữa các chiến hạm Việt Nam và Trung Quốc trong các ngày qua, nhưng không bên nào khai hỏa, để tạo thế thượng phong bất ngờ, Đại tá Hà Văn Ngạc (người chỉ huy trận đánh) ra lệnh đồng loạt khai hỏa lúc 10h25. Các chiến hạm Việt Nam đã dồng loạt khai hỏa, mặt trận phía Bắc trong vùng lòng chảo, ngay phút đầu tiên, tàu 274 và 396 đã bị trúng đạn và bốc cháy, sau một lúc quần thảo, ở trên đảo dùng ống nhòm quan sát, chúng tôi thấy HQ-10 đã trúng hỏa tiễn địch ở đài chỉ huy. Sau 30 phút giao tranh, sự thiệt hại đôi bên mặt trận phía Bắc trong vùng lòng chảo được chúng tôi ghi nhận sau:

- Phía Trung Quốc: Hộ tống hạm Kronstadt 274 sau một lúc nổ (chắc là bị trúng ở hầm đạn) đã chìm nghỉm, pháo hạm 396 đang bị cháy đã ủi vào bãi san hô giữa đảo Vĩnh Lạc nơi chúng tôi trấn giữ và đảo Quang Hòa. Tàu 396 này có lẽ cũng trúng ở hầm đạn ở phía sau lái, thỉnh thoảng dùng ống nhòm quan sát, chúng tôi thấy lóe sáng phía sau lái và có khói bốc cao. Còn tàu 402 chắc bị trúng đạn ở bánh lái, nên chuyển vận rất khó khăn, chạy một hình chữ chi về hướng Bắc đảo Duy Mộng.

- Phía Hải quân VNCH: HQ-10 trúng hỏa tiễn ở đài chỉ huy và nhiều loại đạn khác, chiến hạm bị cháy ở đài chỉ huy, hạm trưởng và nhiều nhân viên trên chiến hạm đã tử thương. Hạm phó bị thương nặng và đã xuống được bè đào thoát cùng với 23 nhân viên chiến hạm. HQ-16 bị trúng nhiều loạt đạn, hư hại nặng, tàu bị nghiêng về phía bên phải và vận chuyển một cách khó khăn chậm chạp ra khỏi vùng lòng chảo.

- Mặt trận phía Nam cũng đã chấm dứt, thiệt hại đôi bên chúng tôi không rõ, nhìn qua ống nhòm chỉ thấy khói súng dầy đặc, chúng tôi liên lạc với toán đổ bộ HQ-4 trên đảo Cam Tuyền thì được biết HQ-4 và HQ-5 đã rời vùng giao tranh, tất cả đều bị thiệt hại, và từ đó về sau họ đã mất liên lạc với HQ-4, phía Trung Quốc thì không được biết.

Bất chợt, người bạn trong nhóm chúng tôi anh Trần Phừng (phụ trách thông tin vô tuyến) nhận được chỉ thị từ hạm trưởng HQ-16, ông cho hay tình hình rất tệ hại, tàu chỉ còn 1 máy, bên hông phải bị trúng đạn, tàu không thể dừng lại rước chúng tôi được, do đó ông trao toàn quyền quyết định cho tôi (trung úy Liêm).

Sau 10 ngày lênh đênh trên biển tưởng chừng sắp chết, cuối cùng 15 biệt hải Hoàng Sa (1974) đã được một tàu đánh cá cứu.

Chuyến trở về từ cõi chết
Khoảng 16h chiều ngày 19/1/1974, có 6 phản lực cơ Trung Quốc xuất hiện. Chúng bay rất thấp lượn chung quanh các đảo ở Hoàng Sa rất nhiều lần, có lẽ là để quan sát tình hình chung trong vùng, sau đó biến mất về hướng Bắc. Đêm ngày 19/1/1974, tôi đã hội ý và bàn bạc với cả nhóm, lúc này cận Tết gió mùa Đông Bắc, nếu dùng xuồng cao su hiện có và tấm mền làm buồm, chặt cây trên đảo làm cột buồm, cơ hội về đến đất liền rất lớn, cả nhóm đồng lòng đào thoát về đất liền bằng cách này. Kiểm điểm lại lương thực chúng tôi còn đủ dùng trong 4 ngày, 1 can nước ngọt khoảng 18 lít, đêm hôm ấy bình thản trôi qua sau một cơn biến động dữ dội.

Sáng ngày hôm sau, 20/1/1974, 7 chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong vùng, 4 trong số này là loại Hộ tống hạm Kronstadt, còn 3 chiếc khác là loại chuyển vận hạm, chúng tôi đoán là họ đang chuẩn bị đổ bộ.

Khoảng 9h ngày 20/1/1974, các chiến hạm Trung Quốc đồng loạt bắn vào các bãi biển ở các đảo do ta trấn đóng để dọn bãi chuẩn bị lính cho của họ đổ bộ, trên đảo Vĩnh Lạc, chúng tôi ẩn núp ở các hố cá nhân đã đào trước đây dưới các gốc cây lớn trong rừng phía Nam đảo, lúc này chúng tôi liên lạc đều đặn với các đơn vị trú đóng, chúng tôi được biết sau:

- Đảo Hoàng Sa: nơi đặt đài khí tượng do nhóm dân quân địa phương trấn đóng, tàu Trung Quốc đã ngưng bắn dọn bãi và đang cho lính đổ bộ.

- Đảo Cam Tuyền: nơi nhóm nhân viên cơ hữu HQ-4 trấn đóng, tàu Trung Quốc vẫn còn đang bắn vào bãi biển.

- Đảo Vĩnh Lạc: nơi chúng tôi trấn đóng, tàu Trung Quốc đã ngưng bắn dọn bãi, họ đang cho lính đổ bộ từ mặt Đông Bắc của đảo, chính mấy ngày trước đây chúng tôi đã đổ bộ lên đảo ở chỗ này vì nơi đây bờ biển sâu, rất thuận tiện cho việc đổ bộ, cũng chính nơi đây chúng tôi đã gài nhiều mìn và lựu đạn để tổ chức phòng thủ.



Đồng bào đón tiếp các chiến sĩ vừa dự trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa trở về.
Ngay lúc này chúng tôi quyết định rời đảo từ hướng Nam, nơi đây bờ biển đầy san hô và đá ngầm, chúng tôi 15 người mang xuồng cao su và các vật dụng kể cả vũ khí cá nhân và máy truyền tin, ra xa đến 2,3km mà mực nước chỉ ngang đến bụng. Rồi chúng tôi lên xuồng, cố gắng bơi thật nhanh, rời xa đảo càng sớm càng tốt, khi thấy đảo chỉ còn 1 vệt nhỏ, lúc ấy chúng tôi mới dựng cột buồm hướng về phía Đông Nam. Chúng tôi lênh đênh trên biển 2 ngày. Lương thực và nước ngọt cạn dần, tôi đã nhìn thấy điều này nên quyết định giới hạn khẩu phần lương thực và nước ngọt.

Đến chiều ngày 22/1/1974, khi mặt trời chưa lặn, chúng tôi ghi nhận 1 điều rất đặc biệt. Từ phía sau lưng chúng tôi phía xa ở đường chân trời, bất chợt hỏa châu được bắn lên, chúng tôi cũng đáp ứng lại bằng hỏa châu, cả 2 bên đều làm tin cho nhau bằng hỏa châu vài lần rồi sau đó im bặt. Chúng tôi không biết nguồn hỏa châu này từ đâu, chỉ suy đoán là của phi cơ trinh sát, hoặc của tàu dò tìm các nhân viên chiến hạm bị trôi trên biển sau trận hải chiến. Sau này được chuyển từ Quân Y viện Qui Nhơn về Bệnh Viện Hải quân Sài Gòn, khi nói chuyện, chúng tôi mới biết đó là nhóm 23 người HQ-10 đào thoát trên bè cấp cứu của chiến hạm, họ may mắn hơn chúng tôi khoảng vài giờ sau, được một thương thuyền Hà Lan cứu vớt.

Chúng tôi tiếp trục trôi trên biển đến ngày thứ 6 thì lương thực và nước ngọt hoàn toàn hết sạch, từ đó trở đi, nếu trời mưa, chúng tôi dùng buồm hứng nước, trời nắng thì chúng tôi dùng ca sắt múc ít nước biển, sau đó lấy bao nylon bít lên, một thời gian sau, nước bay hơi đọng ở phía dưới bao nylon, cẩn thận mở bao nylon dùng lưỡi mà liếm, đó là cách chúng tôi giải khát từ ngày thứ sáu trở đi.

Sang đến ngày thứ 10, tất cả hầu như bị ngất đi vì quá kiệt lực. Mắt chúng tôi chẳng còn thấy gì nữa, ngay cả tiếng sóng biển cũng chẳng nghe. Thân xác đã chịu đựng quá giới hạn con người. Nắng, gió, sương lạnh, và những cơn sóng lớn cùng với việc thiếu thực phẩm đã khiến chúng tôi tuyệt vọng chờ chết. Trưa hôm ấy, anh Nguyễn Văn Duyên (quản kho) đã hấp hối, trong tình trạng mê sảng, anh lầm bầm trong miệng những câu nghe không được rõ, khoảng 2 giờ sau, anh Nguyễn Văn Cảnh (y tá) là người khỏe nhất trong nhóm, đã lay mọi người dậy cho hay là anh Nguyễn Văn Duyên đã mất.

Chiều ngày hôm ấy khoảng 15h, có một tàu đánh cá chạy về hướng chúng tôi, trên tàu đánh cá có 4 ngư phủ, đó là những vị cứu tinh của chúng tôi, từng người một, chúng tôi được họ ẵm lên tàu và thay phiên nhau đút từng muỗng cháo cho anh em chúng tôi. Kế đó họ báo là anh Nguyễn Văn Duyên đã chết, và chúng tôi cho họ hay là chúng tôi đã biết lúc mấy giờ trước, xuồng cao su được các ngư phủ cột vào sau lái tàu và sau đó kéo về quân cảng Qui Nhơn.

Tàu đánh cá cập bến quân cảng Qui Nhơn lúc trưa, và chúng tôi được chở vào Quân Y viện Qui Nhơn để được cấp cứu. Đây là ngày không bao giờ quên của nhóm chúng tôi, ngày 30/1/1974, ngày chúng tôi được cứu sống sau 10 ngày lênh đênh trên biển”.

Trên đây câu chuyện của 15 chiến sĩ biệt hải có nhiệm vụ đặc biệt trên đảo Vĩnh Lạc trong giai đoạn Hải quân Việt Nam đối đầu cam go với Hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa khi chúng đem một lực lượng hùng hậu chiếm cứ quần đảo này.


S.Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét