Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Đại hội Đảng ở Việt Nam và nhân tố Trung Quốc

VOA

9-9-2015


Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp hồi giữa năm ngoái, khi căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung dâng cao vì giàn khoan dầu 981. Ảnh: AP

Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang bị chia rẽ sâu sắc và chưa đạt được đồng thuận về một số vấn đề, trong đó có biển Đông, quan hệ với Trung Quốc cũng như việc lựa chọn ban lãnh đạo tương lai, một chuyên gia nghiên cứu Việt Nam nhận định.

Giáo sư Carl Thayer nói thêm từ Australia rằng việc bất đồng như vậy có thể dẫn tới việc hoãn Đại hội 12 và dời sang một ngày khác muộn hơn.

Việt Nam tổ chức Đại hội đảng 5 năm một lần, và đại hội lần thứ 12 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2016, nhưng ngày giờ cụ thể tới nay vẫn chưa được công bố.

Theo giáo sư kỳ cựu, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, việc chuẩn bị cho đại hội quan trọng lần này nhằm bầu chọn đội ngũ lãnh đạo mới cho Việt Nam đã diễn ra “rất thầm lặng so với 8 đại hội trước đó tính từ khi thống nhất đất nước”.

Về các động thái đó, giáo sư Carl Thayer nhận định: “Điều gì giải thích cho các diễn biến, như sự chuẩn bị lặng lẽ một cách bất thường cho Đại hội Đảng, chậm trễ trong việc tổ chức hội nghị tiếp theo của Ban chấp hành Trung ương và việc hoãn công bố Sách trắng Quốc phòng? Lời giải thích khả dĩ nhất là sự chồng chéo của hai vấn đề gây tranh cãi – yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng 10 hoặc tháng 11) và việc lựa chọn ban lãnh đạo mới của Việt Nam”.

Ông Carl Thayer cũng nhắc tới khả năng sẽ xảy ra một điều “chưa từng có tiền lệ trên chính trường Việt Nam”.

Ông cho rằng hiện có nhiều đồn đoán cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng Bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng và muốn được miễn áp dụng quy định phải nghỉ hưu ở tuổi 65.

Giáo sư nghiên cứu về Việt Nam nhận định tiếp: “Với hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, ông Dũng sẽ có các kinh nghiệm kinh tế và quốc tế vô song cho vị trí Tổng Bí thư. Ông Dũng cũng ít khả năng sẽ để cho ý thức hệ ràng buộc ông ấy trong khi đối phó với Trung Quốc. Ông đã mạnh lẽ tiếng tiếng bảo vệ chủ quyền và dọa sẽ có hành động pháp lý quốc tế đối với Trung Quốc trong khi xảy ra cuộc khủng hoảng liên quan tới giàn khoan dầu [của Trung Quốc] hồi năm ngoái”.

Ông Carl Thayer cho rằng ông Dũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các Ủy viên Trung ương Đảng trong bối cảnh Bộ Chính trị đang bị chia rẽ sâu sắc, không chỉ vì sự ganh đua về mặt cá nhân mà còn về cả cách tiếp cận trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Theo giáo sư này, Việt Nam dự định đón tiếp cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama vào cuối năm nay.

‘Cuộc chơi ba bên’

Trong khi đó, một tờ báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng đăng bài bình luận cho rằng 2015 sẽ là năm căng thẳng chính trị ở Việt Nam trong khi chuẩn bị cho Đại hội 12 với việc bầu ban lãnh đạo chóp bu mới, đồng thời nhận định rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định: “Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ”.

Tờ báo cũng cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu sử dụng chiến thuật cách mạng màu cổ lỗ tại Việt Nam nhằm biến Hà Nội “thành một con tốt giống như Philippines để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc”.

Hoàn cầu Thời báo cho rằng 2015 sẽ là “một năm sống còn” cho “cuộc chơi ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam”, và rằng trong năm nay, Trung Quốc “sẽ phải đối mặt với một tình thế còn căng thẳng hơn so với năm 2014” từ Việt Nam.

Ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam ở Quảng Châu, nói với VOA Việt Ngữ rằng tờ Hoàn cầu Thời báo phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc.

Còn luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định nhận định trên Facebook: “Nếu đúng báo Hoàn Cầu viết như trích dẫn, thì rõ ràng Bắc Kinh đang lo ngại sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Việt Nam sang phía Mỹ dưới quyền lãnh đạo đảng và nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vậy Thủ tướng đang trở thành mối đe doạ của Bắc Kinh chăng? Giọng điệu của báo Hoàn Cầu thể hiện điều đó”.

Muộn Đại hội Đảng ở VN vì còn bất đồng?


Một chuyên gia nước ngoài vừa cho rằng Đại hội Đảng toàn quốc tại Việt Nam có thể tổ chức muộn hơn vì Đảng Cộng sản chưa đạt được đồng thuận về một số vấn đề.

Trong bài viết mới trên Policy Forum, Giáo sư Carl Thayer, người Úc nghiên cứu lâu năm về chính trị Việt Nam, nêu quan điểm:

“Có những dấu hiệu cho thấy Đảng chưa đạt được đồng thuận về một số vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và việc lựa chọn lãnh đạo tương lai của Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc hoãn tổ chức Đại hội sang một thời điểm muộn hơn.”

Bài viết, được trang Nghiên cứu Quốc tế dịch sang tiếng Việt, cho rằng:

“Theo Điều lệ Đảng, Ban chấp hành Trung ương phải họp ít nhất hai lần một năm, nhưng đôi khi Ban chấp hành họp thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trong năm 2014, Ban chấp hành Trung ương chỉ họp một lần. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về chính sách Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc theo sau cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc Bắc Kinh triển khai một giàn khoan khổng lồ tại vùng biển tranh chấp từ tháng 5 tới tháng 7.”


Diễn ra lặng lẽ

Giáo sư Thayer nhận xét thêm về cách thức nhà nước và đảng cộng sản chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 12 dự kiến được nhóm vào đầu năm 2016 từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.

“Việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12 cũng diễn ra rất lặng lẽ so với 8 đại hội trước được tổ chức kể từ khi thống nhất đất nước. Các phương tiện truyền thông Việt Nam đã vô cùng yên lặng, và chỉ xuất hiện các báo cáo xác nhận rằng các khâu chuẩn bị cho Đại hội đang được tiến hành. Đảng cũng chưa công bố chính thức ngày tổ chức Đại hội.

“Thông thường các tài liệu dự thảo chính sách như Báo cáo Chính trị và Báo cáo Phát triển Kinh tế-xã hội sẽ được lặng lẽ chuyển cho các nhóm thảo luận tập trung để bàn thảo và cho ý kiến.

“Sau khi được chỉnh sửa, các văn bản dự thảo chính sách sau đó sẽ được công khai cho công chúng nhận xét. Ví dụ, dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế-xã hội mười năm cho Đại hội Đảng lần thứ 11 tổ chức vào tháng Giêng năm 2011 đã được công bố vào ngày 20 tháng 4 năm 2010, tức chín tháng trước khi diễn ra đại hội. Nếu Đại hội lần thứ 12 sẽ họp vào đầu năm tới thì Việt Nam chỉ còn bốn tháng để hoàn tất quá trình này.”

Cho rằng việc ‘chậm trễ’ và ‘lặng lẽ’ trong chuẩn bị đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam cùng việc đưa ra các chính sách có mối ‘quan hệ’ với nhân tố được gọi là ‘Trung Quốc’ của Việt Nam, bài báo viết tiếp:




Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc, ông Trương Cao Lệ, hôm 16/7/2015. Photo: Getty
“Điều gì giải thích cho những diễn tiến này – như sự chuẩn bị lặng lẽ một cách bất thường cho Đại hội Đảng, chậm trễ trong việc tổ chức hội nghị tiếp theo của Ban chấp hành Trung ương, và hoãn công bố Sách trắng Quốc phòng?

“Lời giải thích khả dĩ nhất là sự trùng hợp của hai vấn đề gây tranh cãi – yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch/ Tổng Bí thư Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng 10 hoặc tháng 11) và việc lựa chọn ban lãnh đạo mới của Việt Nam.”


Có một ngoại lệ

Bài viết của Giáo sư Thayer cũng đặt vấn đề với nhấn mạnh về người mà nhà quan sát này cho là một ứng cử viên vào chức vụ Tổng Bí thư trong Đại hội lần thứ 12 vào sang năm, ông Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ tướng Việt Nam, cũng như đưa ra nhận định về một số điều được cho là ‘lợi thế’ của ứng viên này.

“Quy tắc hiện tại của Đảng không cho phép một người nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Quy tắc của Đảng cũng yêu cầu các quan chức nghỉ hưu ở tuổi 65. Nếu tính tới cả hai quy định thì 9 trong số 16 thành viên Bộ Chính trị hiện nay sẽ nghỉ hưu ở đại hội năm tới.

“Điều này có nghĩa là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm trong số những người sẽ phải nghỉ hưu,” tác giả nhận định.

“Tuy nhiên, có một ngoại lệ về tuổi hưu bắt buộc trong những trường hợp đặc biệt.

“Hiện có nhiều tin đồn cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng Bí thư tiếp theo và xin được miễn trừ quy định tuổi tác. Điều này là chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Việt Nam.

“Ông Dũng sẽ mang lại các kinh nghiệm kinh tế và quốc tế chưa từng có cho vị trí Tổng Bí thư Đảng nhờ vào hai nhiệm kỳ thủ tướng của mình.

“Ông Dũng cũng ít khả năng sẽ để cho ý thức hệ ràng buộc tay chân của mình trong việc đối phó với Trung Quốc.

“Ông đã thẳng thắn bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm ngoái và nêu lên khả năng sẽ thực hiện các hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc.

“Ông Dũng nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của các Ủy viên Trung ương nhưng Bộ Chính trị hiện nay lại đang chia rẽ sâu sắc. Không chỉ có sự ganh đua cá nhân mà còn có sự khác biệt về việc làm thế nào để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.”


Chuyển đổi lãnh đạo




Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Nhà trắng tại Hoa Kỳ hôm 7/7/2015
Hồi tháng 8/2015, một nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế của Việt Nam, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, đang là nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nêu quan điểm ở một bài viết trên trang Nghiên cứu Quốc tế do ông chủ biên.

Bài viết với tựa đề “Tam giác Chiến lược Việt – Mỹ – Trung” của Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp phần liên quan tới chính trị nội bộ của Việt Nam, có đoạn:

“Về vấn đề chuyển đổi lãnh đạo, nếu Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng được bầu làm Tổng Bí thư mới của Đảng thì mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ có thể trải qua một bước tiến mới. Ông Dũng, người thường xuyên thể hiện mình như một nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa, đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có tuyên bố nổi tiếng rằng Việt Nam sẽ không đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước để lấy “hữu nghị viển vông” [với Trung Quốc].

“Chương trình nghị sự tương đối tự do trong nước dưới sự lãnh đạo của ông Dũng cũng gần gũi với Washington hơn là Bắc Kinh. Hơn nữa, mối quan hệ cá nhân của các thành viên trong gia đình ông với phương Tây nói chung và với Mỹ nói riêng cũng có thể có ảnh hưởng tích cực lên cách nhìn của ông về Mỹ cũng như về mối quan hệ giữa Hà Nội với Washington.

“Trong trường hợp một người khác lên lãnh đạo Đảng Cộng sản thì các yếu tố đã được phân tích ở trên cũng có thể khiến vị Tổng Bí thư mới có một thái độ ít nhiều nghiêng về phía Mỹ hơn.”

Còn về liên hệ giữa tam giác quan hệ kể trên, trong đó có nhân tố Trung Quốc bên cạnh Hoa Kỳ, TS. Lê Hồng Hiệp bình luận:

“Một diễn biến trong nước khác có thể có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ tương lai của Việt Nam với cả Trung Quốc và Mỹ là Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản và cuộc bầu cử thế hệ lãnh đạo mới của Đảng diễn ra vào năm sau.

“Trong các tài liệu chuẩn bị cho đại hội được lưu hành cho các đảng viên đọc và nhận xét, các tranh chấp trên Biển Đông được mô tả cụ thể là “phức tạp, gay gắt và rất khó lường,” bài viết của nhà phân tích này nhận định.

1 nhận xét:

  1. Họ nhận xét đúng quá: chưa bao giờ sắp ĐH Đảng mà lại yên ắng như lần này. Nguyên nhân có thể là: phân chia quyền lực chưa xong, và lúng túng trong hoạch định chiến lược. Trong hoàn cảnh đó, cứ chọn ô Ba X làm TBT và ông BQVinh làm THủ tướng là hay nhất..

    Trả lờiXóa