Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Diễn văn của TT Putin tại Liên hợp quốc

PUTIN: “CÁC NGƯỜI CÓ HIỂU CÁC NGƯỜI ĐÃ GÂY NÊN NHỮNG GÌ KHÔNG?!” (phần 1)

NAM VU HOANG·29 THÁNG 9 2015

Diễn văn phát biểu của Tổng thống Putin tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/9/2015. Còn thiếu đoạn Putin nói về vấn đề môi trường và kết luận. Sẽ cố gắng dịch nốt.
Mình sẽ không tranh luận với bất kỳ ai có ý kiến trái chiều với nội dung bài viết này.
Lưu ý: Vui lòng ghi tên người dịch khi trích dẫn





Kính thưa Ngài Chủ tịch,
Kính thưa Ngài Tổng thư ký,
Kính thưa nguyên thủ chính phủ các quốc gia,
Thưa các quý bà và các quý ông,
Lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp quốc là dịp tốt để chúng ta cùng ôn lại cội nguồn lịch sử và nói về tương lai chung. Năm 1945, những quốc gia từng chiến thắng chủ nghĩa quốc xã đã hợp sức để xây dựng nền tảng vững chắc cho cơ cấu thế giới thời hậu chiến.
Xin được nhắc lại rằng, những quyết định cốt lõi về nguyên tắc tương quan giữa các quốc gia, quyết định về việc thành lập LHQ đã được thông qua tại hội nghị các thủ lĩnh khối Đồng Minh ở Yalta, tức ở nước chúng tôi. Cái giá phải trả cho “hệ thống Yalta” là sự mất mát hàng chục triệu người, là hai cuộc thế chiến xảy ra khắp nơi trên trái đất trong thế kỷ trước. Nói một cách khách quan, hệ thống đó đã giúp nhân loại vượt qua những sự kiện bão táp, đôi khi bi thảm trong bảy chục năm qua, và đã cứu thế giới tránh khỏi những chấn động với quy mô lớn.
Liên hiệp quốc là một cơ cấu có một không hai về sự chính thống, quy mô đại diện và tính tổng hợp. Vâng, trong thời gian gần đây, LHQ phải nhận nhiều trách móc, như vẻ LHQ không còn hiệu quả và không thể đưa ra các quyết định quan trọng bởi những mâu thuẫn khó khắc phục, nhất là giữa các thành viên Hội đồng Bảo an.
Tuy vậy, tôi muốn lưu ý rằng, trong LHQ suốt 70 năm tồn tại vẫn luôn có mâu thuẫn. Các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Liên Xô, và sau đó là Nga cũng đều từng sử dụng quyền phủ quyết. Điều này hoàn toàn tự nhiên đối với một tổ chức đa mặt và đa đại diện. Khi thành lập LHQ, không ai nghĩ rằng sự đồng tư tưởng sẽ trị vì ở đây. Mục đích cơ bản của Tổ chức chính là tìm kiếm và đưa ra các thỏa hiệp, còn sức mạnh của Tổ chức là việc tham khảo các ý kiến và quan điểm khác nhau.
Những quyết định được thảo luận trên sàn LHQ được thống nhất ở dạng nghị quyết hoặc không được thống nhất, hay nói theo ngôn ngữ ngoại giao là được thông qua hoặc không được thông qua. Mọi hành động của bất kỳ quốc gia nào né tránh quy định này là bất hợp pháp và vi phạm Hiến chương LHQ, luật quốc tế hiện đại.
Tất cả chúng ta biết rằng, sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, trên thế giới đã xuất hiện một trung tâm thống trị. Những ai được đứng trên đỉnh hình tháp này bỗng dưng không tránh khỏi ảo tưởng rằng, nếu họ mạnh mẽ và đặc biệt như vậy thì họ biết tốt hơn ai hết là nên phải làm gì, suy ra… không cần tính đến LHQ, tổ chức mà thay vì phải ngay lập tức trừng phạt hay duyệt một quyết định cần thiết, lại chỉ phá quấy, như người ta thường nói là “vướng chân”. Từ đó có những tiếng đồn rằng, LHQ ở dạng mà nó được sáng lập đã hoàn thành sứ mệnh của mình và đang trở nên lỗi thời.
Dĩ nhiên, thế giới thay đổi, nên LHQ cũng phải thích ứng với sự biến chuyển tự nhiên này. Nước Nga sẵn sàng cho công việc đó, nhằm tiếp tục phát triển LHQ cùng các đối tác khác. Nhưng chúng tôi cho rằng, mọi mưu toan làm lung lay uy tín và tính chính thống của LHQ là vô cùng nguy hiểm. Điều này có thể dẫn tới việc sụp đổ cấu trúc các mối quan hệ quốc tế. Lúc đó, chúng ta chẳng còn luật gì, ngoài “luật của kẻ mạnh”.
Đó sẽ là một thế giới mà trong đó tính ích kỉ sẽ nổi trội hơn tính tập thể; một thế giới mà trong đó sẽ có thêm nhiều sự độc đoán và bớt sự bình đẳng, tính dân chủ và tự do thật sự; một thế giới mà trong đó thay vì những quốc gia độc lập thật sẽ có nhiều nước bị bảo hộ và bị điều khiển từ bên ngoài. Thế chủ quyền quốc gia mà các đồng nghiệp của tôi đã nhắc đến là gì? Trước tiên đó là vấn đề tự do, quyền tự do lựa chọn cuộc sống dành cho mỗi con người, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia.
Thưa các đồng nghiệp kính mến, vấn đề liên quan tới thứ được gọi là “tính chính thống của chính quyền quốc gia” cũng nằm ở đây. Đừng nên chơi chữ! Trong luật quốc tế, mỗi thuật ngữ phải thật dễ hiểu, minh bạch và có cách hiểu và tiêu chí đồng nhất.
Tất cả chúng ta đều khác nhau. Chúng ta phải tôn trọng điều đó. Không thể bắt buộc ai theo mô hình phát triển, được công nhận một lần bởi một ai khác và sau đó được coi là đúng mãi mãi.
Chúng ta không được quên bài học quá khứ. Ví dụ, chúng tôi luôn nhớ những bài học từ lịch sử Liên Xô. Việc “xuất khẩu” các kinh nghiệm xã hội, những mưu toan khuấy động biến đổi trong nước này hay nước nọ, xuất phát từ những lý tưởng của bản thân, thường dẫn đến những kết cục đáng tiếc, mang lại sự thoái hóa thay vì sự tiến bộ. Tuy vậy, có vẻ như không ai muốn học qua lỗi lầm của người khác, mà chỉ muốn lặp lại chúng. Việc “xuất khẩu” này (giờ là xuất khẩu cái thứ gọi là “cách mạng dân chủ”) đang được tiếp tục.
****
Chúng ta chỉ cần nhìn vào tình hình Cận Đông và Bắc Phi mà người phát biểu trước tôi đã nhắc tới. Tất nhiên, những vấn đề chính trị, xã hội trong những vùng này đã chín muồi từ lâu, nên dĩ nhiên người dân ở đó khao khát sự biến đổi. Nhưng kết quả thực tế là gì? Sự can thiệp mang tính công kích từ ngoài đã dẫn tới việc các chế độ quốc gia và cả lối sống không được cải cách mà bị phá hủy một cách bất trọng. Thay vì sự vinh quang của dân chủ và sự tiến bộ là nạn bạo lực, nghèo nàn, khủng hoảng xã hội, còn quyền con người, kể cả quyền được sống, chẳng được coi là gì.
Tôi rất muốn hỏi những ai đã tạo nên hoàn cảnh này: “Các người có biết các người đã gây nên những gì không?!” Nhưng tôi e rằng, câu hỏi sẽ bị lơ lửng trên không, bởi vì những người đó vẫn chưa thể từ bỏ chính sách dựa trên tính chủ quan, đi kèm với chính kiến về sự đặc biệt và vô phạt của chính họ.
*******************
Giờ đã rõ ràng rằng, lỗ hổng chính quyền ở các nước Cận Đông và Bắc Phi đã sinh ra những vùng vô chính phủ, ngay lập tức được lấp đầy bởi những kẻ cực đoan và khủng bố. Hiện đang có hàng chục nghìn lính sĩ đấu tranh dưới lá cờ tự xưng là “Quốc gia Hồi giáo”. Trong số đó có những quân lính người Iraq, sau cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003 từng bị quẳng ra ngoài đường. Nước cung cấp lính đánh thuê là Libya, nơi chủ quyền quốc gia đã bị mất do Nghị quyết năm 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ đã bị vi phạm nghiêm trọng. Còn hiện nay, phe đối lập được coi là “ôn hòa” của Syria và được hỗ trợ bởi phương Tây cũng đang gia nhập hàng ngũ quân cực đoan.
Đầu tiên, người ta trang bị vũ khí và đào tạo chúng, sau đó chúng chuyển sang phe “Quốc gia Hồi giáo”. Ngay cả “Quốc gia Hồi giáo” cũng không tự nhiên có: đầu tiên tổ chức này được huấn luyện như công cụ chống đối các chế độ thượng lưu không dùng được. Xây xong căn cứ quân sự ở Syria và Iraq, “Quốc gia Hồi giáo” đã tích cực lan sang các vùng khác, nhằm thống trị trong thế giới hồi giáo và hơn thế. Có điều, kế hoạch của chúng không dừng lại ở đó.
Tình hình đang hết sức nguy hiểm! Vậy mà trong hoàn cảnh này, có những người lớn tiếng tuyên bố về việc chống khủng bố quốc tế một cách giả mạo và vô trách nhiệm, trong khi đó vờ như không thấy những kênh cấp tài chính cho lũ khủng bố, kể cả nhờ buôn ma túy, vũ khí và dầu bất hợp pháp; hoặc có những người mưu toan sử dụng các nhóm cực đoan để đạt các mục tiêu chính trị của bản thân với hy vọng sẽ xử lý chúng, hay nói đơn giản là “khử” chúng sau này.
Đối với những ai đang làm và nghĩ vậy, tôi muốn nói: “Thưa các ngài, dĩ nhiên các ngài đang hợp tác với những kẻ hung bạo, nhưng hoàn toàn không hề giản đơn và ngu ngốc. Chúng không ngốc hơn các ngài, nên chưa biết ai đang sử dụng ai để đạt mục đích của mình đâu”. Những thông tin cuối cùng về việc chuyển vũ khí cho nhóm “phe đối lập ôn hòa” kia khẳng định điều này.
Chúng tôi cho rằng, mọi ý đồ “chơi” với khủng bố, và hơn thế nữa là trang bị vũ khí cho chúng không chỉ là hiển cận mà còn dễ gây bùng nổ. Kết quả là mối đe dọa khủng bố toàn cầu sẽ có thể phát triển một cách đáng sợ, lan thêm nhiều vùng trên trái đất. Đặc biệt vì “lò” “Quốc gia Hồi giáo” đang luyện lính sĩ từ nhiều nước, trong đó có cả các nước châu Âu.
Đáng tiếc, tôi phải nói thẳng điều này, nước Nga cũng không phải ngoại lệ. Không thể để cho những kẻ giết người sau khi đã nếm mùi máu sẽ được trở về nhà để tiếp tục việc đen tối của mình. Chúng ta hoàn toàn không muốn vậy. Chẳng ai muốn vậy, phải không?! Nước Nga luôn đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố trong mọi dạng một cách cứng rắn và triệt để.
Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho Iraq, Syria, lẫn những quốc gia khác trong vùng đang đấu tranh với các nhóm khủng bố. Chúng tôi cho rằng việc từ chối hợp tác với chính quyền Syria, quân đội của họ và những ai đang anh dũng đấu tranh với khủng bố là một sai lầm lớn! Hãy phải công nhận rằng, ngoài quân đội của Tổng thống Assad và dân quân người Kurd ở Syria thì hiện nay không ai đấu tranh với “Quốc gia Hồi giáo” và các tổ chức khủng bố khác một cách thực sự. Tuy chúng ta biết mọi vấn đề trong vùng, mọi mâu thuẫn, nhưng vẫn phải xuất phát từ tình trạng thực tế.
Các đồng nghiệp kính mến! Tôi phải lưu ý rằng, cách làm thật thà và thẳng thắn của chúng tôi hiện nay đang là cớ để bị vu tội về những tham vọng đang lớn dần. Như vẻ những người nói về điều này lại không hề có tham vọng gì. Nhưng vấn đề đâu phải là tham vọng của Nga, mà là ở chỗ chúng ta không thể chịu đựng tình hình thế giới như vậy thêm nữa!
*******************
Bởi vậy, chúng tôi đề nghị không làm theo các tham vọng, mà tuân theo những giá trị và lợi ích chung dựa trên nền tảng luật quốc tế, hợp sức để giải quyết những vấn đề mới đứng trước chúng ta và thành lập một liên minh chống khủng bố thật lớn. Tương tự khối Đồng Minh chống phát xít, liên minh mới này có thể đoàn kết nhiều thế lực khác nhau, sẵn sàng chiến đấu với những kẻ đang gieo tội ác và sự căm hờn như quân phát xít trước đây.
Dĩ nhiên, các thành viên cốt lõi trong khối này phải là các nước Hồi giáo. Bởi vì “Quốc gia Hồi giáo” không chỉ là mối đe dọa trực tiếp đối với họ. Bằng việc gây ra tội ác đẫm máu, chúng còn bôi nhọ một nền tôn giáo vĩ đại, đó là Hồi giáo; bóp méo và nhạo báng những giá trị nhân văn của đạo này.
Tôi muốn nói với những thủ lĩnh tinh thần Hồi giáo: lúc này đang rất cần uy tín, cũng như tiếng nói hướng đạo của các ngài. Phải giúp những người mà quân khủng bố đang cố tuyển mộ tránh khỏi những hành động thiếu suy nghĩ; cần hỗ trợ những ai từng bị lừa gạt và vì hoàn cảnh khác nhau đã thuộc hàng ngũ khủng bố trở về cuộc sống bình thường, gác vũ khí và ngưng cuộc chiến anh em giết nhau.
*******************
Chỉ trong vài ngày tới, Nga với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an sẽ triệu gọi cuộc họp cấp bộ trưởng về việc phân tích tổng quan mối đe dọa ở vùng Cận Đông. Đầu tiên, chúng tôi đề nghị thảo luận khả năng thông qua nghị quyết về việc phối hợp các thế lực chống “Quốc gia Hồi giáo” và những nhóm khủng bố khác. Xin nhắc lại, việc phối hợp này phải dựa trên những nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Mong rằng, hiệp hội thế giới sẽ vạch ra chiến lược toàn diện về việc bình ổn chính trị và khôi phục kinh tế-xã hội ở Cận Đông. Lúc đó, các bạn thân mến, sẽ không cần phải xây trại tị nạn.
Dòng người phải rời quê hương vừa qua đã tràn vào những nước láng giềng, sau đó đổ vào châu Âu. Số người tị nạn hiện là hàng trăm nghìn, nhưng có thể sẽ lên tới hàng triệu. Có thể nói, đây là cuộc đại thiên di dân tộc mới và là bài học nặng nề cho tất cả chúng ta, trong đó có châu Âu.
Tôi muốn nhấn mạnh: những người tị nạn dĩ nhiên cần được cảm thông và hỗ trợ. Tuy vậy, vấn đề chỉ có thể được giải quyết triệt để bằng cách khôi phục chủ quyền quốc gia ở những nơi đã bị xóa bỏ, củng cố quy chế chính quyền ở những nơi vẫn còn tồn tại hoặc mới được tái tạo, hỗ trợ toàn diện về quân sự, kinh tế, vật chất cho những nước đang trong tình trạng khó khăn và dĩ nhiên cho cả những người bất chấp mọi thử thách vẫn ở lại quê hương.
Dĩ nhiên, không thể ép buộc, mà chỉ có thể đề nghị sự giúp đỡ cho các quốc gia có chủ quyền, theo đúng Hiến chương LHQ. Tất cả những gì đang và sẽ được thực hiện trong lĩnh vực này mà tương xứng với các quy tắc luật quốc tế, phải được ủng hộ bởi Tổ chức của chúng ta; còn những gì trái với Hiến chương LHQ, phải bị gạt bỏ.
Tôi cho rằng, việc khôi phục cơ cấu quốc gia ở Libya, ủng hộ chính phủ mới ở Iraq, giúp đỡ toàn diện cho chính quyền hợp pháp của Syria là tối quan trọng, cần làm trước tiên.
*******************

Các đồng nghiệp kính mến, mục đích cốt lõi của hiệp hội quốc tế, đứng đầu là LHQ, là đảm bảo hòa bình, duy trì ổn định tại các miền vùng nói riêng và toàn cầu nói chung. Theo chúng tôi, cần phải nói đến việc hình thành các vùng lãnh thổ không thể bị chia rẽ và có sự an toàn như nhau: không phải cho vài nước đặc biệt, mà cho tất cả. Vâng, đây việc này rất khó, phức tạp, tốn thời gian, nhưng chẳng có lựa chọn khác.
Tiếc thay, trong một số đồng nghiệp vẫn còn nổi trội lối suy nghĩ kiểu “các nước cùng khối” từ thời “chiến tranh lạnh”, cũng như sự quyết tâm chinh phục những vùng đất mới. Trước tiên, họ vẫn duy trì chiến lược mở rộng NATO. Tôi rất muốn hỏi: để làm gì, nếu như khối Warsaw đã ngưng tồn tại, Liên Xô đã tan rã? Thế nhưng NATO không những vẫn duy trì, thậm chí còn mở rộng ra, cả về mặt cơ sở hạ tầng quân sự.
Tại sao các bạn lại đưa người dân các nước thuộc Liên Xô cũ tới trước sự lựa chọn giả dối: đi cùng với phương Tây hay phương Đông? Logic xung đột kiểu này dù sớm hay muộn sẽ dẫn tới khủng hoảng địa-chính trị. Điều này đã xảy ra ở Ukraine, do việc sử dụng sự bất mãn của phần lớn dân số về chính quyền hiện hành và khiêu khích cuộc đảo chính quân sự từ phía ngoài. Kết cục là nội chiến.
Chúng tôi khẳng định: chỉ có thể kết thúc sự đổ máu, gỡ rối bế tắc bằng cách thực hiện Hiệp ước Minsk kí ngày 12.02 năm nay một cách toàn diện, chân thực. Không thể đảm bảo sự vẹn toàn của Ukraine bằng sự đe dọa hay dùng sức mạnh vũ khí. Cần phải tính đến quyền lợi người dân Donbass, tôn trọng sự lựa chọn của họ, thỏa thuận với họ, như đã ghi trong Hiệp ước Minsk. Đó là điều kiện cần thiết để Ukraine có thể phát triển như một quốc gia văn minh, thành một cầu nối quan trọng trong việc xây dựng không gian an ninh và hợp tác kinh tế cả chung ở châu Âu lẫn Âu Á.
*******************
Thưa các quý bà và các quý ông, tôi không phải ngẫu nhiên nhắc tới không gian hợp tác kinh tế. Cách đây không lâu, chúng ta tưởng rằng, trong kinh tế, nhờ có các quy luật thị trường khách quan hiện hành, chúng ta có thể không dùng đến các vạch ngăn cách, hành động tuân theo những bộ luật minh bạch, đã cùng nhau thông qua, trong đó có các nguyên tắc của WTO, bao gồm sự tự do thương mại và đầu tư, cũng như sự cạnh tranh mở. Nhưng hôm nay, những trò trừng trị một chiều, trái Hiến chương LHQ, đã trở thành lệ thường. Điều này không chỉ nhằm mục đích chính trị, mà còn là phương tiện loại trừ đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Tôi xin lưu ý thêm một triệu chứng bệnh ích kỉ kinh tế đang ngày phát triển. Một loạt nước đang theo hướng thành lập các liên hiệp kinh tế độc quyền ngầm. Họ giấu cả công dân của nước họ, các tổ chức doanh nghiệp, dư luận và các nước khác, trong đó có những nước mà lợi ích bị thiệt hại. Có thể họ đang muốn cho chúng ta biết rằng, luật chơi đã bị thay đổi để mang lợi cho một số người đặc biệt, mà không có sự tham gia của WTO. Điều này có nguy cơ gây mất cân bằng toàn bộ hệ thống thương mại, chia nhỏ không gian kinh tế toàn cầu.
Những vấn đề ở trên động chạm đến quyền lợi của mọi quốc gia, ảnh hưởng tới tiềm năng kinh tế thế giới, nên chúng tôi đề nghị thảo luận chúng trong khuôn khổ LHQ, WTO và G20. Thay cho chính sách độc quyền, nước Nga đề nghị sự hòa hợp các dự án kinh tế vùng, được gọi là “tích hợp của những tích hợp”, dựa trên những nguyên tắc minh bạch thương mại quốc tế tổng hợp….
(còn nữa)
Người dịch: Vũ Hoàng Nam

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

THƯ GÓP Ý Kính gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, TP HCM



Hưởng ứng Thư của Ban Chấp hành Đảng Bộ TP HCM “chân thành mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm của nhân dân thành phố”, chúng tôi, một số cán bộ, đảng viên từng gửi thư đến BCHTƯvà toàn thể đảng viên ĐCSVN ngày 14.7.2014 và những người tán thành, hưởng ứng bức thư tâm huyết ấy gửi đến Đảng bộ Thành phố những ý kiến đóng góp vào “Dự thảo Báo cáo Chính trị” dưới đây.

Là những cán bộ đã về hưu, không có điều kiện theo dõi những hoạt động mọi mặt của thành phố, chúng tôi chỉ tập trung vào một số điều, mà theo nhận thức của chúng tôi, là những vấn đề cơ bản có ý nghĩa then chốt trong chủ trương, giải pháp đã đưa lại những thành tựu nổi bật nhất cũng như những yếu kém rõ rệt nhất của thành phố chúng ta.



Xin nêu 4 vấn đề như sau:

1. Cảm nhận chung về Dự thảo Báo cáo Chính trị của Thành uỷ

a. Đây là một bản Báo cáo Chính trị được viết công phu, bao quát được mọi hoạt động của thành phố với những con số khá ấn tượng nhìn nhận tình hình về mọi mặt.

b. Đáng tiếc là Báo cáo chưa làm nổi rõ nét đặc thù của một Thành phố lớn nhất nước, có vai trò đầu tàu về kinh tế và hội nhập mà trên thực tế, thành phố HCM đã giữ được vai trò ấy ngay từ bước đột phá của những năm 80 dẫn đến Đại hội VI 1986.

c. Báo cáo chìm trong câu chữ và con số mà thiếu vắng một định hướng ý tưởng làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhận định, phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra hướng đột phá cho bước đi tới của Thành phố HCM trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động lớn lao.

2. Một trong những điều cần đặc biệt xem xét là trong báo cáo này hoàn toàn vắng bóng tư tưởng hoà hợp dân tộc, một đòi hỏi nóng bỏng để hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn động lực cho giai đoạn mới khi mà tiến trình hội nhập đang đi vào chiều sâu với những bước đột phá mạnh mẽ.

Nói đến nét đặc thù của TP HCM không thể không nhớ đến đây là nơi mà “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi là Bí thư Thành ủỷ thành phố đã khởi động và mở đường cho việc “phá rào” góp phần dẫn tới sự nghiệp Đổi Mới trong cả nước, đã từng thiết tha chỉ rõ. Chính định hướng nhận thức ấy đã sự mở lối cho sự hoà hợp, phát huy truyền thống dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết cho các thế hệ công dân thành phố khi mà cuộc chiến đã lùi sâu gần nửa thế kỷ. Họ đã là, đang là một thành tố lịch sử của Thành phố.

a. Vậy thì, trong “thế trận lòng dân” mà Báo cáo Chính trị nói đến, đã lưu ý đến nét đặc thù ấy chưa? Khi nói “ổn định chính trị với nền tảng là an dân thực sự là cơ sở chính trị quan trọng… tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy sức dân để chăm lo cho Nhân dân” thì trong nhận thức của lãnh đạo cũng như trong những giải pháp chính sách đã thể hiện như thế nào?

Đọc kỹ nội dung báo cáo, chúng tôi có cảm nhận rằng, hướng chủ đạo trong nhận thức và tư tưởng chỉ đạo của Thành uỷ vẫn chỉ đặc biệt chú trọng “nâng cao cảnh giác”,“giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ… chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động, cơ hội chính trị, cực đoan chống đối trong và ngoài nước…” mà chưa có một cái nhìn xa hơn về sức mạnh và lợi thế tiềm ẩn trong tính đặc thù của thành phố không nơi nào có được.

Đương nhiên, cảnh giác là tuyệt đối cần thiết. Nhưng cảnh giác không phải là, không thể là chẳng có một câu, một chữ nào biểu tỏ tinh thần hoà hợp dân tộc. Ngần ấy trang Báo cáo không hề đả động gì đến “vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu” mà chỉ nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại tinh thần và giải pháp đối phó với “thế lực thù địch”… Chính cái đó cho người ta dễ có nhận xét là: phải chăng trong tư duy của lãnh đạo chỉ hiểu được nét đặc thù của thành phố ở khía cạnh phải nâng cao tinh thần “cảnh giác”! Cũng có nghĩa là thường trực trong tư duy của lãnh đạo là nặng về định hình những giải pháp đối phó, chứ không phải là chủ động và mạnh dạn phát huy sức mạnh và lợi thế tiềm ẩn của Sài Gòn, nay là TP HCM , nhằm tạo dựng tính đồng thuận mang ý nghĩa nhân văn. Ấy vậy mà “muốn để mọi người Việt cùng chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm hoà hợp”, đấy là chìa khoá mở cánh cửa hội nhập và phát triển mà Võ Văn Kiệt đã từng chỉ ra.

b. Vậy thì khi Báo cáo viết rằng “ổn định chính trị với nền tảng là an dân thực sự là cơ sở chính trị quan trọng” thì cái nền tảng của ổn định chính trị mà Báo cáo xác định là “an dân” thì quyết sách và biện pháp an dân là đối phó với “lực lượng thù địch” đang “mưu toan bạo loạn lật đổ” hay là phát huy sức mạnh của đồng thuận xã hội, khơi mở tình yêu nước, nghĩa đồng bào, nuôi dưỡng truyền thống đại đoàn kết dân tộc?

Làm sao định hình “thế trận lòng dân” khi nhìn đâu cũng thấy “các thế lực thù địch”, phải “chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá”? Tỉnh táo phân tích có thể chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của sự bất bình xã hội chính là vì lòng dân không yên. Mà không yên là do sự thoái hoá biến chất của một bộ phận không nhỏ trong Đảng cầm quyền, thay vì “làm người đầy tớ trung thành và tận tụy của dân” lại cưỡi lên đầu, lên cổ dân. Tệ tham nhũng được xem là “quốc nạn” càng chống càng tăng và đang như một bệnh dịch thì do ai gây ra? Chính cái cơ chế đã sản sinh và nuôi dưỡng “quốc nạn” ấy sẽ thách thức sự phẫn nộ của lòng dân không sớm thì muộn dẫn đến cái kết cục “tức nước vỡ bờ” mới thực sự nguyên nhân đẩy tới “tình huống bị động bất ngờ” phải “chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả” mà Báo cáo nói đến.

Chính cái đó đang phá hoại “thế trận lòng dân” một cách dữ dằn nhất. Cho nên, muốn có “thế trận lòng dân” thì một mặt phải biết chĩa mũi nhọn vào cái cơ chế đẻ ra “quốc nạn” nói trên, mặt khác phải biết hun đúc, phát huy tính đồng thuậntrong tự tình dân tộc vốn sâu đậm tình yêu nước, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi, tối lửa tắt đèn có nhau.

Vì vậy, nếu chỉ dồn sức cho sự đối phó thể hiện khá rõ trong việc nhắc đi nhắc lại những từ này trong Báo cáo cho thấy đó là âm hưởng nặng nề chi phối tư duy của lãnh đạo, thì hệ luỵ không tránh khỏi sẽ là sự phân biệt đối xử làm xói mòn sức dân. Liệu cách thể hiện đó có tính đến tâm trạng của những người dân bình thường vốn từng là công dân thành phố Sài Gòn trước 1975 (hãy chỉ tính những người từ 40 tuổi trở lên không phải từ R hay “tập kết” trở về và từ Miền Bắc vào sau 1975) và con cháu họ sinh ra và lớn lên trong thành phố từ sau 1975 cho đến nay và bà con, họ hàng của họ đang sống ở nước ngoài vẫn thường xuyên có mối liên hệ mật thiết.

Làm sao để những công dân thành phố đó hiểu được rằng, và tin được rằng, họ cũng nằm trong “thế trận lòng dân”, cũng là nền tảng của sự “ổn định chính trị”. Đây chính là điều mà người lãnh đạo thành phố phải thực tâm trong tư tưởng, tình cảm để thể hiện ra trong quyết sách và giải pháp. Nền tảng chính trị chỉ có thể xây đắp vững bền khi biết tôn trọng quyền làm chủ của mọi công dân, không phân biệt đối xử. Cần nhớ rằng thế hệ công dân của thành phố ra đời dưới chế độ mới đã có 40 năm trải nghiệm. Họ là một thành tố làm nên sự tồn tại và phát triển của thành phố chúng ta. Thực tâm mở rộng dân chủ trong mọi mặt hoạt động và sinh hoạt của thành phố sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường tính đồng thuận xã hội và truyền thống yêu nước của mỗi người dân. Chỉ làm như thế mới thực sự “an dân”.

3. Nét đặc thù nổi bật nhất của TP HCM cần phải được đặc biệt nhìn nhận, phân tích, để từ đó rút ra bài học cho hôm nay là gì, nếu không phải là bề dày vốn có của một thành phố từng được vận hành trong nền kinh tế thị trường đã để lại dấu ấn đậm nét trong sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, trong nếp sống đô thị, tập quán văn minh thương mại… Đừng quên rằng Sài Gòn trước đây đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”khi mà Bangkok chưa là gì cả.

a. Thành phố HCM đã từng “phá rào” để tự cứu mình và từ hành động dũng cảm phù hợp với quy luật vận động của cuộc sống đó đã dẫn đến những thay đổi trong tư duy của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, chấp nhận những giải pháp thực tiễn trái với những “nguyên tắc” giáo điều, xơ cứng, dẫn tới đường lối Đổi Mới. Vậy thì, trong 30 năm qua, những thành tựu nào cho thấy đó là sản phẩm của những quyết sách và giải pháp “phá rào” cần phải chỉ ra để vận dụng vào bước ngoặt hôm nay?

b. Vốn có bề dày của kinh tế thị trường trước 75, Sài Gòn từng vượt xa Bangkok, Singapore, cho nên “phá rào” cũng có nghĩa là phá những ràng buộc của cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp không chấp nhận quy luật thép của thị trường, để trở lại với kinh tế thị trường vốn là cội nguồn của Sài Gòn từng trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Cần phải tổng kết bài học này để tiếp tục thực hiện “vai trò, vị trí của thành phố, là nơi hội tụ và lan toả, vì cả nước, cùng cả nước… làm đầu tàu cho cả nước” như Dự tháo Báo cáo đã nêu lên. Nhất là khi chính những người lãnh đạo cao nhất đang thiết tha đề nghị các nước và một số tổ chức quốc tế “công nhận Việt Nam thực sự là một nền kinh tế thị trường đầy đủ” đúng như nó cần có, thì TP HCM phải nắm lấy thời cơ để chính thức hoá những cách làm, những mô hình đã tỏ rõ trong thực tiễn là có hiệu quả, nhưng chưa dám công khai chính thức hoá.

Đã đến lúc chúng ta phải có đủ sự sự sòng phẳng và sự liêm sỉ cần thiết để không tự mâu thuẫn với mình, nói với thế giới một đằng nhưng nói với nhân dân trong nước một nẻo. Người dân TP HCM cần sự minh bạch về những thành tựu cũng như những khuyết tật và hạn chế với nguyên nhân sâu xa chưa được trình bày một cách thẳng thắn, công khai. Đây phải là nội dung thiết thực nhất và quan trọng nhất của việc “chú trọng tổng kết thực tiễn, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả” đã nêu trong Dự thảo Báo cáo.

TP HCM lại đang kết nghĩa với một số thành phố “điển hình của kinh tế thị trường” ở Mỹ, Nhật, Anh… thì từ thực tiễn sống động của mình, cần mạnh dạn tổng kết, rút ra bài học và quyết tâm đẩy tới. Xin hãy nhớ lại những quyết sách mạnh dạn và sáng suốt với bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cuộc sống người dân, chấm dứt được thời kỳ Sài Gòn ăn bo bo và lãnh đạo chỉ dồn sức chạy gạo, bằng việc từng bước vận hành guồng máy kinh tế, xã hội theo quy luật thép của thị trường.

c. Không cần phải viết dài, chỉ cần nêu lên một số điển hình thành công nhất của việc tuân theo quy luật thị trường. Từ đó, rút ra bài học để đưa tới những quyết sách hoặc những định hướng mạnh dạn cho thời gian 5 năm tới với những mũi nhọn cần tập trung chỉ đạo. Nếu đúng là những quyết sách được cuộc sống chấp nhận, tự chúng sẽ có sức lan toả, xuất hiện những nhân tố mới, gọi dậy những sáng tạo của những con người mới, tập thể mới như đã từng xuất hiện trong giai đoạn “phá rào” trước đây. Linh hoạt vận dụng bài học ấy để mạnh dạn đưa ra những quyết sách và giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải, nhằm đưa đến những đột phá có ý nghĩa mở đường cho giai đoạn mới, phải là quyết tâm của lãnh đạo Thành phố.

4. Một trong những nhân tố quan trọng nhất làm nổi bật nét đặc thù của TP HCM là đội ngũ trí thức, doanh nhân có bề dày kinh nghiệm, vốn tri thức, kỹ năng nắm bắt và vận dụng công nghệ hiện đại vào nền kinh tế thị trường. Nét đặc thù này còn khá mờ nhạt trong “Báo cáo Chính trị” của Đảng bộ Thành phố.

a. Về câu chữ đã đề cập đến chuyện này nằm rải rác trong các đề mục của Báo cáo thì không thiếu, nhưng chúng chưa cho thấy được vấn đề cực kỳ quan trọng này, chưa là mối quan tâm đúng như nó cần phải có trong tư duy của lãnh đạo thành phố. Ấy vậy mà đây chính là vấn đề then chốt nhất của việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư, chủ động hội nhập, xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo phát triển hiệu lực, kết quả để tạo ra bước đột phá,giữ được vai trò đầu tàu của cả nước như Báo cáo đã nêu lên.

b. Trong số anh em chúng tôi ký vào thư này, có người đã trực tiếp nghe cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhắc nhở lãnh đạo thành phố sau 1975 phải nhận cho rõ cái vốn quý nhất hiện có của Sài Gòn lúc bấy giờ là đội ngũ trí thức và chuyên gia còn ở lại, cần phải biết cách khai thác và phát huy. Bốn mươi năm qua kể từ buổi ấy, vốn quý đó đã được phát triển hay là đã mai một đi và nguyên nhân tại đâu, ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Cũng trong bối cảnh đó, Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt đã tìm mọi cách thuyết phục những trí thức, chuyên gia của chế độ cũ để họ dằn lòng ở lại với Thành phố. Khi không thuyết phục nổi, ông đã tìm mọi cách tháo gỡ để giảm bớt khó khăn cho họ, thậm chí tìm cách bảo lãnh những người không may bị cầm giữ khi vượt biên, đưa họ trở lại với công việc. Hành động có phần đơn độc và mạo hiểm của người giữ trách nhiệm cao nhất của thành phố lúc bấy giờ tuy hạn chế về kết quả cụ thể, song lại có sức thuyết phục lớn đối với tâm tư, tình cảm của người trí thức yêu nước, yêu dân, giàu lòng tự trọng. Việc hình thành “Nhóm Thứ Sáu” gồm những trí thức, chuyên gia có kinh nghiệm vận hành kinh tế thị trường trước 75 để tư vấn về kinh tế, tài chính cho lãnh đạo Thành phố là sản phẩm của đầu óc cởi mở, thực sự cầu thị, trân trọng lắng nghe nhằm vận dụng vào xây dựng kinh tế, quản lý đô thị vốn rất bỡ ngỡ đối với người vừa bước ra khỏi cuộc chiến.

Liệu hôm nay, trong đội ngũ lãnh đạo thành phố những ai có được tầm vóc tư duy và cách ứng xử đậm chất nhân ái như Võ Văn Kiệt để trân trọng và phát huy vốn quý tiềm ẩn trong thành phố lớn nhất nước này?

c. Việc “xây dựng con người thành phố là nhân tố chủ yếu”, “chính sách thu hút chuyên gia khoa học-công nghệ”, “thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” chỉ mới là “thí điểm” như đã viết. Vậy thì kết quả “thí điểm” đó có cho thấy đây chính là “vấn đề của vấn đề” đối với một “đô thị đặc biệt”, “là nơi hội tụ và lan toả, vì cả nước, cùng cả nước” mà Báo cáo Chính trị dõng dạc nêu lên không? Muốn được như vậy thì trước mắt phải làm gì, lâu dài phải ra sao? Phải chăng là cần nghiên cứu lại cách làm và mô hình đã từng được vận dụng của thời kỳ “phá rào” với nhiều sáng kiến và giải pháp linh hoạt xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống người dân lúc ấy mà lãnh đạo TP HCM đã làm như vừa gợi lên.

Để làm gì? Để từ bài học thành công và thất bại của giai đoạn ấy mà biết cách vận dụng sáng tạo, tìm ra những quyết sách mới, giải pháp mới tương thích với bối cảnh mới. Cần có một thiết chế linh hoạt đủ sức quy tụ đội ngũ chuyên gia giỏi trong và ngoài nước nhằm hình thành nên một bộ phận tư vấn cho lãnh đạo trên từng chủ đề quan trọng và thiết thực nhất của quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường đích thực tại thành phố năng động vào loại bậc nhất của cả nước.

Cuộc sống mạnh hơn những giáo điều và những nguyên tắc khô cứng bóp chết sáng tạo, kìm hãm sự phát triển. Cuộc sống sẽ tự mở đường cho chính nó như đã từng chứng minh trong giai đoạn “phá rào”. Nếu người lãnh đạo lại biết nhận ra sai lầm, biết thuận theo quy luật để có định hướng đường lối và giải pháp đúng thì sẽ đẩy nhanh được tiến trình phát triển của thành phố đang tiềm ẩn trong nó những sức mạnh lớn lao. Đây là điều cần phải thật sự tường minh trong tư duy của lãnh đạo thành phố. Có vậy mới phát huy được sức mạnh tiềm ẩn đó… Sức mạnh ấy sẽ tạo ra sự “lan toả vì cả nước, cùng cả nước” như mong muốn của lãnh đạo và ý nguyện của nhân dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ thành phố.

Đây là nguồn lực hết sức quyết định, rất giàu sức sống, cháy bỏng khát vọng thay đổi để phát triển. Điều cần phải xác định rõ là: lực lượng nòng cốt và giữ vai trò xung kích trong thay đổi để làm cho TP HCM đóng được vai trò đầu tàu kinh tế chính là đội ngũ doanh nhân giàu tiềm năng và kinh nghiệm, giàu sức bật. Trong đó cần đặc biệt bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân trẻ. Điều này đang còn quá mờ nhạt trong Báo cáo Chính trị.

Nguồn lực quý báu của thành phố cần phải đặc biệt coi trọng là trí thức và chuyên gia người Việt đang sống ở nước ngoài vốn có mối liên hệ mật thiết với gia đình, người thân và bạn bè ở thành phố. Đã đến lúc cần phải có một cách nhìn mới để hình thành những chính sách thích hợp nhằm thu hút, quy tụ và phát huy nguồn lực quý báu đó để tạo chuyển biến đưa tới những đột phá trong giai đoạn mới đấy thử thách khi nước ta gia nhập TPP. Thay vì trong tư duy của lãnh đạo thành phố chỉ nhìn thấy “còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn” phải thấy cho ra “còn tiềm ẩn nhiều nhân tố đặc thù của nguồn lực quý báu” cần phải biết trân trọng. Phải đổi mới cách nhìn để thực tâm mời gọi và tạo ra những cơ chế đặc thù nhằm khai thác và phát huy nguồn lực tiềm ẩn đó.

Để TP HCM trở thành đầu tàu kinh tế và văn hoá đủ sức lan toả như đã từng có trong bước khởi đầu của sự nghiệp Đổi Mới thì phải thấy rằng: nguồn động lực được tạo ra bằng những giải pháp mạnh mẽ và sáng tạo có sức bung phá những trì trệ, xơ cứng để có bước phát triển ấy nay đã cạn. Muốn phát triển tiếp, cần phải có nguồn động lực mới. Đổi mới thể chế nhằm đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, hoàn thiện nhà nước pháp quyền gắn liền với quá trình dân chủ hoá trong mọi hoạt động xã hội, trong làm ăn sinh sống của người dân, dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Làm được như vậy sẽ tạo ra nguồn động lực mới. Nội lực chưa được khai mở của thành phố chúng ta còn rất lớn. Với những cơ chế chính sách cởi mở và thông thoáng phù hợp với quy luật vận động của cuộc sống, nội lực ấy sẽ bung ra.

Thưa Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố,

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi gửi đến Thành ủy. Như đã nói ở mở đầu bức thư, chúng tôi chỉ tập trung nêu lên 4 vấn đề lớn mà theo chúng tôi là những vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra bước đột phá để đưa thành phố của chúng ta đi tới. Nghĩ sao nói vậy, nếu có điều gì chưa đúng mong được mạnh dạn trao đổi để tìm ra sự đồng thuận.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thành ủy đã đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng nên chúng tôi thẳng thắn và công khai nói lên những ý kiến đóng góp của chúng tôi qua bức thư gửi đến Thành ủy thông qua báo Sài Gòn Giải phóng. Chúng tôi mong nhận được sự trả lời minh bạch và công khai. Được như vậy sẽ tạo nên một không khí cởi mở và dân chủ trong đông đảo nhân dân Thành phố chúng ta.

Xin gửi lời chào trân trọng.

TP Hồ Chí Minh ngày 21 tháng 9 năm 2015

Danh sách những người ký tên dưới bức thư:

1. Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VI, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, hiện là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM

2. Lê Công Giàu, nguyên Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM, nguyên Giám đốc FTDC, ITPC, TP HCM

3. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước TP HCM

4. Tương Lai, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam

5. Đào Công Tiến, PGS, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, TP HCM

6. Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động, TP HCM

7. Bùi Tiến An, nguyên cựu tù chính trị chuồng cọp Côn Đảo trước 1975, nguyên chuyên viên ban Dân vận Thành ủy TP HCM

8. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM

9. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Thư ký của đ/c Mai Chí Thọ, TP HCM

10. Hạ Đình Nguyên, hưu trí, địa chỉ 577/3 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP HCM

11. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM

12. Tô Lê Sơn, kỹ sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

13. Lưu Trọng Văn, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá, TP HCM

14. Hà Quang Vinh, cán bộ hưu trí Quận 5, TP HCM

15. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM

16. Nguyễn Lê Thu An, nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Phim, TP HCM

17. Trần Minh Quốc, nhà giáo hưu trí, hội viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

18. Hà Thúc Huy, PGS TS, giảng dạy Đại học, TP HCM

19. Hồ Hiếu, nhà giáo Sài Gòn, phong trào Tranh thủ Dân chủ Đà Lạt      1966, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM

20. Lê Thân, hưu trí, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM

Cơ hội cuối cho ông Dũng

Vi Anh

Sáu bảy năm chuẩn bị; sáu bảy năm gầy dựng anh chị em “phe ta”; cả một đời mới có một cơ hội bằng vàng, đây là cơ hội cuối cùng trong đời chánh trị, một thời cơ thuận lợi, nhân hoà cho Thủ tướng Dũng. Nếu không chụp lấy để làm nên lịch sử, thì Ba Dũng chưa chắc được yên thân để trở thành một ông già cáo lão qui điền về Rạch Giá sống trong nhà từ đường để nhổ từng sợi tóc bạc tiếc uổng đã bỏ qua cơ hội bằng vàng, mà còn có thể bị kẻ thù buộc tội tham nhũng, tịch biên gia sản trong ngoài nước, ly tán vợ con.Nếu cuộc đời thường lên bổng xuống trầm, họa vô đơn chí phước bất trùng lai, thì con người chánh trị là “thiên mà bách chiết”, sóng dập gió dồi gặp thời cơ tốt mà không chụp, thì không có lần thứ hai.

Về cá nhân, Ba Dũng năm 2016 bầu cử đã 67 tuổi, quá định mức về hưu trong “bộ tứ” quyền thế của chế độ CS (Tổng bí Thư, Thủ Tướng, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội). Nhưng còn một kẽ hở, một biệt lệ cho Ông nếu ứng cử Tổng Bí Thư là chức quan trong nhứt. Nếu làm Tổng Bí Thư, chức vụ cao nhứt thì được hương biệt lệ tuổi cao hơn định mức. Nếu không ra tranh chức Tổng Bí Thư là phải ra rìa, về nhà đuổi gà cho vợ, nhưng chắc chắn không yên thân cho gia đình và vợ con nếu phe phái đối thủ giành được chức tổng bí thư. Hai nhiệm kỳ thủ tướng chắc chắn TT Dũng có nhiều đối thủ đáng gờm và càng làm nhiều càng lắm khuyết điểm.

Về thế lực lên Tổng Bí Thư của Ba Dũng, không ai hơn Ba Dũng trong đại hội đảng 2016. Phạm quang Nghị, Bí Thư Hà nội, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng quang Thanh chẳng “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ” so với Ba Dũng. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cao của Quốc Hội vừa qua cho thấy Ba Dũng số 1, Tổng Trọng tới số 8 và Pham quang Nghị số 19. Còn Phùng quang Thanh thì coi như bị loại khỏi sân chơi rồi sau xì can đan đi Pháp trị bịnh và con của y là Đại tá Phùng quang Hải đang bị thanh tra “bề hội đồng” về tội tham nhũng sớm muộn gì cũng bị “nhổ cỏ thì nhổ tận gốc” theo dân Miền Tây như Thủ Tướng Dũng thường nói.

Đại Hội Đảng, người có quyền biểu quyết nhân sự, chức vụ, phần lớn là trung ương uỷ viên, phần nhỏ do đại biểu do Đảng Uỷ địa phương chọn.Trung ương uỷ viên Đảng CSVN thì luôn kiêm nhiệm một hay hai chức vụ lãnh đạo chỉ huy các bộ, các binh đoàn, các tỉnh uỷ và uỷ ban tỉnh- tức là bên hành chánh, quân sự. Những người này cả sáu bảy năm nay làm việc, ăn chia, thọ ơn, nhận quyền lợi do chánh phủ ban bố. Người cầm đầu chánh phủ là Thủ Tương Dũng là chuẩn chi ngân sách, điều động quyền lợi, chớ Tổng Bí Thư Đảng chỉ có tiếng chớ đâu có miếng mà chia chát, ban bố cho ai.

Chính qui tắc kiêm nhiệm bất thành văn nhưng đã thành truyền thống này của Đảng đã làm đảng yếu về vật chất, kinh tế, đã từng giúp cho Thủ Tướng Dũng thoát khỏi mưu toan triệt hạ của TBT đôi lần ba lượt, chớ không phải ít. Khi Tổng Trọng dùng đại hội Đảng triệt đối thủ Dũng nhưng không thành khiến Tổng Trọng phải “bá cáo” như khóc, đại hội Đảng không kỷ luật Bộ Chánh Trị trong đó có Đồng chí “X” mà toàn đảng toàn dân biết là ám chỉ TT Dũng.

Cũng nguyên tắc kiêm nhiệm này giúp cho TT Dũng được Quốc Hội “Đảng cử dân bầu” dồn phiếu tín nhiệm cao số 1, trong khi Tổng Trọng lẹt đẹt hạng 8 ở phía sau. Quốc Hội VNCS không cấm kiêm nhiệm chức vụ hành chánh trung ương hay địa phương như của VN Cộng Hoà và Mỹ. Nên “đại biểu nhân dân” của Quốc Hội, kiêm nhiệm mới đền ơn đáp nghĩa những ân sủng, phong bì của chánh phủ của TT Dũng bằng cách lần đầu tiên trong thời CS, Quốc Hội biểu quyết cho thủ tướng được quyền bổ khuyết bộ trưởng, thứ trưởng và chủ tịch uỷ ban tỉnh thị khi Quốc Hội nghỉ hè.

Nhưng chưa đủ, phe của TT Dũng ở Hà nội còn “đào tận gốc trốc tận rể” ứng viên Phùng quang Thanh vào chức tổng bí thư. Mới đây Vụ Thanh tra Khối Nội chính và Kinh tế tổng hợp đã cho 12 thanh tra, trong 50 ngày phải thanh tra cho xong để “xử lý” hai tập đoàn kinh tế quốc phòng lớn nhứt nước do Đại tá Phùng Quang Hải, con trai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên. Đó là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với doanh thu khoảng 196.650 tỷ đồng và Tổng Công ty 319, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, công trình giao thông thủy lợi, đang làm một dự án "nằm trên khu đất vàng tại con đường đẹp nhất Thành phố Nha Trang". Con trai của Tướng Thanh kinh tài đầu sỏ trong Quân đội coi như sẽ tiêu tùng với “bài bản” mà TT Dũng đã sử dụng để ăn miếng trả miếng với Trưởng Ban Nội Chính Nguyễn bá Thanh tay chân của Tổng Trọng trong vụ tham nhũng ở Đà nẵng. Còn Tướng Thanh sau khi ở Pháp về coi như tiêu tùng rồi, không dám về nhà, chỉ cố thủ ở Bộ, như một tướng không quân. Các tướng ở Biệt khu Thủ Đô đã bị thay gần hết, các tướng chánh ở Bộ Tổng Tham Mưu cũng thế, người thế là thân với TT Dũng.

Còn Bộ Công an là “phe ta” lâu rồi với TT Dũng, đó là con đường đi lên trung ương của Ba Dũng mà.

Và đối thủ lợi hại nhứt của TT Dũng là Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng công du Mỹ về có lẽ được những người mà CIA gọi là “our friends” ở các cơ quan Mỹ thuyết phục. Từ ngày về VN không thấy Ông có một lời nào, hành động gì chống TT Dũng nữa. Báo Wall St. Journal của Mỹ nhận định ông Nguyễn Phú Trọng trong mấy tháng gần đây, đã đóng một vai trò nổi bật hơn trong các nỗ lực của Việt Nam, nhằm nới rộng phạm vi cuộc tranh chấp Biển Đông. Bánh ít đi, bánh qui lại,” đồng minh “chí cốt” của Mỹ là Nhựt, nơi có rất nhiều “our friends” của CIA đặc trách Á châu sự vụ, thì TT Nhựt mời Tổng Trọng công du Nhựt. Giáo sư Jonathan London của Trường Đại Học Thành Thị HongKong và các nhà phân tích khác cho rằng chuyến đi thăm Nhật Bản được thực hiện sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, có nghĩa là giờ đây toàn bộ ban lãnh đạo chính trị của Việt Nam hậu thuẫn chiến lược nhằm kềm hãm Trung Quốc.

TT Dũng là một người Nam dám ăn, dám làm, “ăn đồng chia đủ” chắc chắn cũng có “tạo điều kiện tốt” cho Tổng Trọng đi. Còn Tổng Trọng “hồ hởi, phấn khởi”, sẽ không nghĩ đến chuyện đấu đá người Nam “kỳ cục” nhưng “cực kỳ” “biết điều, chịu chơi, chơi xả láng” như TT Dũng nữa đâu.

Còn mấy Ông TC, Tập cận Bình quá đa đoan, bận bịu. Nào kẹt chuyện nhà kinh tế tài chánh khủng hoảng, thị trường chứng khoán tuộc dốc không phanh. Chiến lược đả hổ diệt ruồi tham nhũng để hạ đối thủ, khiến đối thủ co cụm lại, âm thầm chống TC, Tập cận Bình chưa bao giờ cô đơn hơn bây giờ, nỗi sợ không nên sợ cả cái bóng của mình. TT Mỹ đòi trừng phạt vụ tin tặc TC; quân đội Mỹ sẽ cho tàu tuần tra bên trong 12 hải lý của các đảo TC mới bối lắp và quân sự hoá ở Biển Đông. Nên có tin cuối tháng 10 sang VN, nhưng quá kẹt chuyện nhà, kẹt chuyện Mỹ Ông không dại gì làm láng giềng CSVN phẫn nộ, càng đi sát Mỹ hơn nữa đâu.

Còn dân chúng VN thì khoái TT Dũng là người duy nhứt trong “bộ tứ” CS dám nói chống TC bạo nhứt. Và Mỹ cũng coi TT Dũng tượng trưng cho một “strong government”, một “our friend”. Con gái của TT Dũng lấy bằng ở Mỹ, chồng người Mỹ gốc Việt. Con trai học và lấy bằng ở Mỹ. Cá nhân Ba Dũng là người sanh ra, lớn lên, ăn học, sống trong nền kinh tế theo kiểu Mỹ thời VNCH ở Miển Nam, là một người tích cực đổi mới kinh tế, xích lại gần Mỹ, một ứng viên quá tốt trong sách lược của Mỹ lôi kéo VNCS ra khỏi qũy đạo TC đang tranh chấp với Mỹ về thế hải thượng, tự do hàng hải.

Một khi TT Dũng nắm được Tổng Bí Thứ mà đối thủ còn “cà chớn, cà chua”, việc chiếm luôn chức chủ tịch nước là chuyện dễ như ăn cháo. Còn Đảng CS nếu “đào đường, đấp mô lộ, gài mìn” con đường tiến thân của Ba Dũng, Ba Dũng nổi côc lên, thì ai chớ Ba Dũng dám giải tán Đảng CS như Gorbachev không chừng.

Vi Anh/(Việt Báo)/TTHN

LÃNH TỤ VIỆT NAM SẼ LÀ AI?


Đôi lời: Đại hội 12 gần kề, nhưng dường như phần nhân sự vẫn chưa quyết định. Có lẽ anh Ba, anh Tư và anh Phúc… hiện đang quyết liệt tranh giành cái ghế cao nhất, nên anh Bá Thanh, cho dù đã “ngủm củ tỏi” rồi nhưng vẫn còn lo lắng đến độ phải hiện hồn về để giúp anh Ba, đánh anh Tư và anh Phúc?! Tội nghiệp anh Bá Thanh, lo lắng quá độ mà quên cả chuyện thăm hỏi vợ con hiện còn đang ở trần thế, từ lúc hiện hồn về cho tới lúc hồn bay đi, đã phải liên tục minh oan cho anh Ba, tấn công anh Tư và anh Phúc…

Kính mời bà con đọc bài viết của người có nick Người Đà Nẵng, kể chuyện người này đã trò chuyện với “hồn thiêng” của ông Nguyễn Bá Thanh về nhân sự ĐH Đảng 12 như thế nào.

____

Phiếm: Nói chuyện với hồn thiêng Nguyễn Bá Thanh
Người Đà Nẵng

28-9-2015

Cả nước có thể đã nguôi cơn đau vì sự ra đi đường đột của Nguyễn Bá Thanh, với người Đà Nẵng thì anh vẫn còn luôn bên cạnh họ, họ coi anh là Thần hoàng Đà Nẵng.

Trong dịp tháng 7 âm lịch vừa rồi, cũng là 7 tháng anh vĩnh biệt cõi trần, chúng tôi đi gọi hồn Nguyễn Bá Thanh. Nhờ một người có khả năng đặc biệt mà trong cõi tâm linh gọi là “ghế” chịu khó mới mời được hồn thiêng của Nguyễn Bá Thanh.

Sau khúc thăm hỏi chuyện riêng tư, anh Thanh rất thiêng, anh biết tất cả chuyện trên đời, chuyện ở nhà, chuyện ở quê hương và đất nước. Trả lời câu hỏi của chúng tôi có phải anh bị Trung Quốc thông qua Nguyễn Xuân Phúc để đầu độc. Anh nói:

– Nói chi rứa, nói thế là khinh cái chế độ này. Trung Quốc thì không ưa chi những người Việt Nam trung kiên, nhưng nó làm sao đầu độc được. Nhưng về cái bịnh, cái chết của tôi có phần do Nguyễn Xuân Phúc.

Các Giáo sư ở Mỹ có nói với tôi có 4-5 nguyên nhân để cái bịnh này nó phát mạnh như hút thuốc, như ăn đồ sống, nhưng cái chính là sốc, là “stress”. Các anh thấy tôi bình tĩnh làm việc nhưng cả năm trời trăn trở, bứt rứt và chính chuyện ni mới làm tôi ngã bệnh. Các anh biết đó, tôi đang làm Bí thư Đà Nẵng, cứ để thế tôi sẽ góp được nhiều cho Đà Nẵng. Trung ương rút tôi ra, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bảo tôi làm Trưởng ban Nội chính và nói như đinh đóng cột là đưa tôi vào Bộ chính trị.

Chuyện đó làm Nguyễn Xuân Phúc khó chịu. Bởi vì lúc đó cả Bộ chính trị mỗi Phúc là Uỷ viên Bộ chính trị là “đại diện” miền Trung. Phúc quyết tâm ra đòn để đánh tôi. Tay này bề ngoài thì “thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao”. Nguyễn Tấn Dũng đưa y lên nhưng y phản cả 3 Dũng, định hè hất 3 Dũng để y lên Thủ tướng. Do vậy khi nghe đưa tôi lên y sợ mất thế độc tôn nên y ra tay, y nói xấu tui, y vận động cả Trương Tấn Sang, cả Nguyễn Phú Trọng. Chính vì thế mà khi bỏ phiếu, nếu ông Tổng bí thư nói cho một câu vì sao giới thiệu Nguyễn Bá Thanh thì mọi người sẽ hiểu, nhưng không, ông im lặng. Rồi Nguyễn Xuân Phúc bày trò thanh tra đất đai Đà Nẵng để vừa gây cho tui hiểu lầm ông 3 Dũng đánh, vừa ảnh hưởng uy tín của tui. Sự thực này có bài viết của Inova trên Dân Luận và có bài của ông Trần Nhân Văn nào đó viết trên Đàn Chim Việt “Sự thật về thanh tra đất đai ở Đà Nẵng”, họ nói đúng đến 70% – sự thật là vậy, vì cái ghế, vì sự tham vọng mà Nguyễn Xuân Phúc không từ một hành động nào để tiêu diệt tui. Cú sốc đó đã làm cho cơn bịnh tiềm ẩn phát ra và tui ngã bịnh… Như vậy rõ ràng là Nguyễn Xuân Phúc đã “đầu độc” ám hại tôi.

Dưới đây là một số câu chuyện chúng tôi trao đổi với hồn thiêng anh Nguyễn Bá Thanh.

Hỏi: Hiện nay ở cõi trên anh nghĩ gì về tình hình đất nước?

NBT: Nguy lắm, cứ cái đà lẩn quẩn với thể chế và cơ chế hiện nay thì đất nước vẫn như rứa thôi. Phải đột phá, phải mạnh dạn tìm cái mới, phải đổi mới thật sự. Phải có tư duy về chọn con người. Ở Việt Nam mình cứ hể có người giỏi lộ ra là bị đánh, là bị tố cáo. Và các vị đứng đầu cho rằng có dư luận phải dừng lại. Cái đó khó, phải đổi mới tư duy về công tác tổ chức nhân sự.

Hỏi: Theo anh, trong tình hình hiện tại có nên trẻ hóa chưa? Có giữ người lớn tuổi ở lại?

NBT: Trung Quốc bành trướng như rứa, Đại Hán như rứa, thế giới đổi thay như rứa, phải có một người từng trãi, có kinh nghiệm, có bản lĩnh, biết vì dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước, dám nghĩ dám làm… Mới lãnh đạo đất nước được.

Hỏi: Anh chọn ai?

NBT: (cười) Cái này anh hỏi thế, khó nói. Phải Ban chấp hành TW chọn. Phải thật sự dân chủ để họ giới thiệu – 200 cái đầu, tôi tin họ sẽ chọn ra. Nhưng nhìn vào thực tế tôi thấy hơi lạ: Vừa qua Bộ chính trị họp, các vị lớn tuổi ghi tên quá tuổi xin nghỉ, nhưng lại có 4 ông xin ở lại, chắc mấy anh chưa biết – đó là ông Trương Tấn Sang, ông Phạm Quang Nghị, ông Lê Hồng Anh, ông Lê Thanh Hải. Người ta cười cho, sao mà tham quyền cố vị thế, quá tuổi thì cứ nghỉ. Xét trường hợp đặc biệt là của Trung ương, phải không?

Hỏi: Anh đánh giá sao về 4 vị này?

NBT: Đánh giá thì dành cho dân, cho tập thể. Tôi chỉ nói theo suy nghĩ của tôi:

– Ông Trương Tấn Sang trình độ không có, tư duy không có và nhiều mưu vặt, sống không thật tâm. Lúc tôi làm Trưởng ban Nội chính, Phó ban phòng chống tham nhũng, mỗi lần làm việc với tôi ông luôn dặn tôi phải tìm, phải chú ý những sai phạm của Chính phủ, không dưới 3 lần ông bảo tôi chú ý ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Còn nhắc vụ này vụ kia dù Bộ chính trị đã kết luận, lại biểu tui chú ý vợ, con, gia đình Nguyễn Tấn Dũng. Tôi cho rằng như vậy là xoàng, Chủ tịch nước dùng công cụ của Đảng để đánh Thủ tướng, đánh Chính phủ là hạ sách, quá hạ sách. Đó là cách làm cho Đảng mất uy tín. Chính phủ không giỏi, Thủ tướng không giỏi thì Đảng có giỏi không? Cả khối hành pháp là đội quân ra trận của Đảng, Đảng, Chủ tịch nước phải hè vô, xốc lên thì mới ngon, phải hông?

Hôm rồi tôi hỏi một vị Thánh về thật hư của Trương Tấn Sang, ông nói:

– Nó được bao che lắm mới yên bề như thế, chứ những vụ bê bối của Sang đều nặng cả:

+ Vụ quan hệ đỡ đầu cho trùm xã hội đen 5 Cam mà chỉ bị kỷ luật cảnh cáo là quá nhẹ. Sau đó dù bị kỷ luật mà lại ra Trung ương làm lớn.

+ Trương Tấn Sang chính là người chỉ đạo, cung cấp thông tin cho “bà Nghị” Đặng Thị Hoàng Yến, tay sai của Mỹ mở mạng “Quan làm báo” đánh ông Nguyễn Tấn Dũng, đánh Chính phủ Việt Nam là chuyện điển hình. Hồi làm Trưởng ban Nội chính tôi đã nghe bên Công an, bên Viện Kiểm sát báo cáo, giờ nghe bậc tiên thánh nói càng rõ hơn. Đặng Thị Hoàng Yến, Đặng Thành Tâm nuôi 4 Sang, bồ bịch Tư Sang và làm theo chỉ đạo 4 Sang.

– Rồi vụ phản động Trần Huỳnh Duy Thức, bọn nó đã uống rượu với 4 Sang, dựng 4 Sang là Minh Chủ.

Chỉ 3 vụ như vậy cũng đủ hạ chức Chủ tịch nước rồi. Các ông thổ thần ở TP. Hồ Chí Minh cho biết 4 Sang rất mị dân, gặp dân bao giờ cũng nói những câu được lòng dân, nhưng thật ra là hắn phá chế độ. Nào là “con sâu”, “hàng đàn sâu”, Chủ tịch nước thấy có sâu trong bộ máy nhà nước, thậm chí thấy kẻ “Cõng rắn cắn gà nhà” mà không xử lại kêu với dân là sao? Rồi nữa, trước việc Trung Quốc lấn chiếm biển Đông, Chủ tịch nước im lặng. Thần hoàng Quận 1 nói Trương Tấn Sang là kẻ bất tài, tay sai Trung Quốc.

Theo tôi các vị nên để ông nghỉ là đẹp.

Trương Tấn Sang thì như thế. Ba vị kia thì cứ coi phiếu tín nhiệm thì rõ. Ông Lê Thanh Hải người ta nói là “siêu chạy chức”, Lê Thanh Hải có sân sau thân thiết là bà Mỹ Lan, người có nhiều dự án lớn nhất ở TP. Hồ Chí Minh, là người “lấp sông Đồng Nai”. Cả 15 năm ở TP. Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải chỉ làm những cái các vị tiền bối giao lại, không có gì mới, không đột phá.

Ông Phạm Quang Nghị thì còn ê chề hơn ông Lê Thanh Hải. Hà Nội ngổn ngang trăm thứ.

Ông Lê Hồng Anh thì nói không nên lời, đọc bài diễn văn còn không xong làm sao lên chức này chức kia.

Hỏi: Vậy ông chọn ai?

NBT: Điều này quan trọng, đất nước cần một người lãnh tụ giương cao cờ, tập họp nhân dân, đột phá đưa đất nước tiến lên, bảo vệ chủ quyền độc lập. Nếu được thì hỏi dân muốn ai. Nếu không thì cứ thực hiện dân chủ, khách quan, không vận động để Ban chấp hành giới thiệu, ắt sẽ có người.

Hỏi: Xin hỏi thêm anh một câu: Có ý đề xuất ông Nguyễn Phú Trọng làm tiếp có tốt không?

NBT: Đức Thánh nói với tôi ông Trọng tốt, trong sạch, hiền lành nhưng lãnh đạo chưa đủ tầm, thiếu kinh nghiệm thực tế, không biết kinh tế. Nên để anh ấy nghỉ. Đừng lập lại nước cờ người giỏi lưu ban, như thời ông Nông Đức Mạnh thì nguy cho đất nước.

Chúng tôi xin tạm dừng ở phần này với mong mỏi đất nước sẽ có người đứng đầu có tâm, có tầm.

VỤ SẬP NHÀ 107 TRẦN HƯNG ĐẠO – HÀ NỘI, BẠN CÓ TIẾC KHÔNG?


Đôi lời: Ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo là nơi đã từng tổ chức đám tang học giả Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8-5-1936. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), là chủ bút tờ báo Đăng Cổ Tùng Báo, tờ tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ. Cụ Vĩnh còn là Chủ bút báo Trung Bắc Tân Văn – tờ Nhật báo đầu tiên trong lịch sử Báo chí Việt Nam.

Bài viết của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, kể về các sự kiện liên quan đến ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo, đã bị sập hôm 22-9 vừa qua. Mặc dù bài viết không nói rõ, nhưng đọc xong, người đọc có thể hiểu rằng sự kiện ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, bị sập không phải do thiên tai, mà là nhân tai. Người ta đã cố tình làm cho nó sập, bởi đằng sau sự kiện này còn có rất nhiều diễn biến mang tính hệ thống liên quan đến ngôi nhà này.

____

Tân Nam Tử

Nguyễn Lân Bình

27-9-2015

SƯ VIÊC THỨ NHẤT

Sinh thời, cố nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc (1926-2013) đã chia sẻ với tôi một chi tiết nhỏ khi nói về Hà Nội xưa như thế này:

“Cậu Bình ạ, thế hệ chúng tôi không ai không biết học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Nhiều lần, vì những lý do khác nhau khi chúng tôi gặp mặt nói về những người tài ngày xưa, chúng tôi đều nhắc đến cụ Vĩnh! Tôi và nhiều người nữa, đều muốn làm điều gì đó để tỏ lòng tri ân với cụ… Có lần, chúng tôi đã đề nghị Thành phố: Nên chăng, mình làm một tấm đá, khắc lên đó nội dung – Ngôi nhà đã sinh ra học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhà báo, nhà văn, nhà dịch thuật xuất sắc của văn hóa Việt Nam – Rồi mình đến gắn trên tường ngôi nhà số 46 phố Hàng Giấy, gần chợ Đồng Xuân ấy. Tôi đã đến đó nhiều lần. Tôi thấy, nếu làm được như vậy, cũng là một việc phải đạo với lịch sử Hà Nội vừa với vong linh cụ Vĩnh! Nhưng “họ” không đồng ý!”

Tôi ngơ ngẩn khi nghe ông Nguyễn Vĩnh Phúc tâm sự, không phải vì tôi không cảm nhận được tấm lòng quý hóa của ông với lịch sử, với Hà Nội…và với chính học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mà tôi ngơ ngẩn hiểu ra điều gì đó xa xa trong tâm thức của những người chịu trách nhiệm trong các cơ quan có chuyên trách. Tôi giữ trong lòng sự thất vọng này.

Ông Nguyễn Hồ, con trai út của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đang kể lại với các con cháu về đám tang của học giả Nguyễn Văn Vĩnh vào ngày 8.5.1936 tại ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo. Ảnh được lấy từ băng ghi hình năm 2006.

SỰ VIỆC THỨ HAI

Năm 2006, trong những cảnh quay dùng cho bộ phim tài liệu lịch sử “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, tôi lần mò theo các tài liệu lưu trữ, lần mò theo sự chỉ giáo của các bậc cha chú từ khi mình còn là kẻ ngu ngơ, chuyện Nguyễn Văn Vĩnh khởi nghiệp từ một cậu bé 8 tuổi, ngồi kéo quạt thuê trong một lớp học dành cho các cậu tú, cậu cử, học để trở thành thông ngôn (phiên dịch), được tổ chức tại một ngôi đình của làng Yên Phụ, gần hồ Trúc Bạch…

Tôi đã tìm đến ngôi đình ấy. Sẽ là khó hiểu với bất kỳ ai khi chứng kiến vị trí của ngôi đình, vì nó nằm lọt thỏm trong khuôn viên của trường phổ thông cơ sở Mạc Đĩnh Chi và không thể không ngạc nhiên, sinh ngờ vực vì ngôi đình ở trạng thái gần như bỏ hoang. Ngôi đình có bố cục kiến trúc khá đặc biệt bởi lẽ nó được xây dựng đúp. Nghĩa là hai ngôi đình cùng kích thước, cùng diện tích, cùng kiến trúc được dựng liền kề nhau. Hình như, người xưa đã cố tình với sự tính toán (theo tôi) để khe thoáng ở giữa hai hạng mục kiến trúc một khoảng cách đủ rộng để đón ánh sáng mặt trời. Giữa khe thoáng có tấm bia đá đặt ở vị trí đầu phía Đông. Sát ngôi đình, trước bậc lên xuống phía Nam có một cây đa lớn, chắc chắn phải được gọi là cổ thụ. Tôi hỏi thăm những người nhiều tuổi biết về ngôi đình này và được các vị cao niên đó khẳng định: nó có từ hồi có ngôi đình này!

Ngôi đình đã được xây tường bao quanh để sử dụng cho công việc của cơ quan địa phương từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ảnh lấy từ bộ phim tài liệu Mạn đàm về Người Man di Hiện đại.

Tôi đã đi sâu hơn trong việc hiểu cho rõ về quá khứ của cái lớp học đặc biệt do người Pháp dạy, nơi mà lúc Nguyễn Văn Vĩnh 8 tuổi đã may mắn đổi được công việc từ đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên (chân cầu Long Biên), sang công việc ngồi kéo quạt thuê cho nhà trường, lúc đó trong các ghi chép lịch sử, gọi là Tràng Hậu bổ (Ngôi trường khi các học sinh học xong sẽ được bổ nhiệm thẳng vào các vị trí cần thiết, không phải tìm xin việc). Sau này tôi biết thêm rằng, nơi đây đã đào tạo ra nhiều gương mặt nổi danh trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như Trần Trọng Kim (1883-1953), Phạm Quỳnh (1892-1945)… Tôi nhận thức chủ quan rằng: nếu “họ” coi trọng lịch sử một cách khách quan, cơ sở này đáng được gọi là di tích!

Năm tháng trôi qua kể từ năm 2006 hồi mà tôi đến để ghi hình phục vụ cho bộ phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, ngôi đình chưa xuống cấp đến mức phải lo lắng. Lần nào có dịp đi qua trường Mạc Đĩnh Chi, tôi cũng để mắt xem bên trong có biến động gì không…?! Xin được báo động với những ai quan tâm đến lĩnh vực lịch sử, đến những di sản cũ của đất Thăng Long – Hà Nội rằng cả hai ngôi đình đều đang trong trạng thái đang xụp dần. Tôi không chắc chắn khi viết những dòng này, ngôi đình cổ đó có còn không?! Hình như, “họ” muốn cho nó xụp và tôi biết họ mong cho nó xụp… Cầu Trời điều này sẽ không sảy ra!

Cây đa đứng đối diện với bậc lên xuống phía Nam của ngôi đình. Ảnh lấy từ bộ phim tài liệu.

SỰ VIỆC THỨ BA
Dẫn đường.

Năm 2014, thông qua những người bạn, tôi được gặp và tiếp xúc với bà Trần Thu Dung, một tri thức Việt kiều từ Pháp về thăm quê. Một người bạn đã đề nghị tôi có mặt tại cuộc gặp với bà Dung trong một buổi chiều mà tôi đã có hẹn với công việc khác. Người bạn của tôi nói to với tôi rằng chị ấy là tiến sỹ…. anh đến đi vì có cả giáo sư X…. Khốn nạn, tôi vốn không phải là mẫu người hay hoảng hồn với các chức danh, nhưng khi người bạn tôi nói thêm rằng: chị ấy chuyên nghiên cứu về Hội Tam Điểm (Franc Macionnier), thì tôi nhanh chóng quyết định phải đến.

Nói đến Hội Tam điểm, cả người xưa và người thời nay đều hiểu rất mơ hồ. Hầu hết đều lờ mờ cho rằng đây là hội kín, mà đã kín thì tức là…phức tạp, là mờ ám. Đáng lý ra, một người có lương tâm, khi thấy ngờ vực điều gì đó, người ta nên dành thời gian tìm hiểu, dành sự quan tâm tối thiểu, nhất là điều ngờ vực đó sảy ra với chính những người có trách nhiệm phát ngôn, vì sự phát ngôn ấy liên quan đến danh dự của nhiều người.

Xin thưa, Hội Tam điểm có nguồn gốc từ những người công nhân lao động ở nước Anh từ thế kỷ XVI. Cũng có người hiểu đây là hội huynh/sư. Danh sách hội viên hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX, nếu các quý vị tìm đến sẽ thấy hầu hết những danh nhân, triết gia, nhà khoa học, nghệ sỹ nổi tiếng trong lịch sử nhân loại đều góp mặt, vì đây là một tổ chức đấu tranh chống lại sự bất công xã hội ở khắp mọi nới trên thế giới, nhất là thời kỳ phồn thịnh của Chủ nghĩa Thực dân. Biểu tượng của Hội là chiếc thước thợ (3 góc – 3 điểm – Tam điểm).

Chúng tôi gặp nhau trân trọng với bầu không khí giản dị, cởi mở. Bà Trần Thu Dung không dấu giếm sự háo hức, vồn vã nói như kêu lên rằng, “Tôi đã hỏi nhiều người lắm rồi… tôi sốt ruột muốn biết tòa nhà trước đây là trụ sở Hội Tam điểm thời thuộc Pháp có còn nguyên vẹn không? Mình muốn vào tham quan có được không?”. Tôi đắc chí cười tự tin trước đề nghị của bà Dung vì đây là địa chỉ mà tôi rất biết nhưng hiểu thì ít thôi vì không phải người chuyên nghiên cứu lĩnh vực sử học, hay kiến trúc hay xã hội chính trị. Đơn thuần tôi biết địa chỉ này qua tư liệu gia đình thôi. Thậm chí để tuyệt đối, tôi đã từng đề nghị người chú ruột sinh năm 1923, đưa tôi đến tận nơi và kể lại vài ba kỷ niệm của ông với địa chỉ này.

Tôi nhận lời với bà Dung và hẹn sẽ đưa bà đến bất cứ địa danh nào mà bà quan tâm ở đất Hà Nội này. Tôi khoe rằng mình đã giúp không ít trường hợp từ các nơi xa về Hà Nội, đi tìm những địa chỉ cũ để hiểu về những thay đổi của nó qua những tác động của hoàn cảnh, chính sách quản lý và có những đặc điểm đặc trưng gì… Tôi cũng hơi tự hài lòng về khả năng này của mình. Việc bà Dung muốn đến ngôi nhà là trụ sở Hội Tam điểm thời Pháp thuộc có gì khó đâu… vì nó chính là ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo.

Toàn cảnh ngôi nhà 107 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh được lấy từ băng ghi hình năm 2006.

Phố Trần Hưng Đạo với tôi là đường phố của tuổi thơ, đường phố của những phi vụ bắt ve sầu, của trò đổ dế, bắt xén tóc, ném xấu, trèo me….và cả việc rình mò trèo tường váo các nhà biệt thự để ăn trộm ổi, doi, táo, hồng bì. Mùa Xuân còn tìm nhà nào có cây đu đủ, bẻ trộm ống đu đủ rồi trèo lấy quả cơm nguội ở phố Lý Thường Kiệt làm đạn thổi trêu bọn con gái…. Cũng như Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng…hầu hết các con phố nằm xung quanh rạp chiếu phim Tháng Tám mà ngày xưa, những thế hệ sinh trước năm 1954 vẫn gọi là cinema Majestic, chúng tôi đều nhẵn guốc (lúc bé chỉ có guốc để đi).
Sự kiện.

Suốt cả quãng đời dài, vì những lý do cay đắng … tôi đâu có biết ông nội mình lúc chết đã có đám tang rất lớn và vô cùng long trọng, kéo dài từ chiều ngày 6 tháng 5 đến trưa ngày 8.5.1936 tại ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo. Theo báo chí đương thời, đám tang ước có đến trên mười hai nghìn người đến tiễn đưa con người được mệnh danh là “Người Công dân vĩ đại” (điếu văn của Hội Nhân quyền Hà Nội). Xe tang chở thi hài người quá cố đến trước cổng bệnh viện Bạch Mai mà đoàn người đưa tiễn vẫn còn ở ga Hàng Cỏ. Vâng! Sự thật 100% là như vậy đấy.

Ảnh các tầng lớp nhân dân Hà Nội trong đoàn người tiễn đưa học giả Nguyễn Văn Vĩnh về nghĩa trang Hợp Thiện đang đi qua trước bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội ngày 8.5.1936.

Ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo là nơi đã mang trong lòng mình, theo cách nói tâm linh của cổ nhân là Thần Thổ công của mảnh đất 107 Trần Hưng Đạo đã chứng giám một sự kiện thiêng liêng hiếm có trong lịch sử Việt Nam, đó là đám tang của “Một người thường” (Lời tự nhận của Nguyễn Văn Vĩnh) nhưng lại diễn ra quy mô nhất, cảm động nhất và tự nguyện nhất, tính trong lịch sử văn hóa Bắc kỳ cho đến thời điểm đó.

Nhìn vào sự thật này, người đời đều sẽ đồng ý rằng: một người được dân chúng thực sự quý trọng thì dù không hàm cao chức trọng, không “lá ngọc cành vàng”, chẳng “trâm anh thế phiệt” vẫn sẽ nhận được sự thương yêu, kính trọng đến vô bờ của cộng đồng xã hội. Quy ngược lại, mọi người cũng sẽ đồng ý rằng lập luận như trên hẳn không thể là suy diễn.

Để cụ thể hơn về sự kiện đặc biệt hy hữu này, về đám tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8.5.1936 tại số nhà 107 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, và ngôi nhà này bị sập ngày 22.9.2015, chúng tôi xin được dẫn chứng ngắn đôi điều liên quan đến đám tang lịch sử này (vì không phải dịp kỷ niệm về Nguyễn Văn Vĩnh), để bạn đọc có thêm sự hiểu biết về quá khứ của địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Một số những tổ chức, cơ quan báo chí, những nhân vật được lịch sử ghi danh đã đến viếng tang, có 6 bài điếu tiễn biệt được đọc tại đám tang và có rất nhiều bài điếu được gửi đến đám tang (do ở xa) Nguyễn Văn Vĩnh gồm:
Phan Bội Châu (1867–1940), Danh sỹ, nhà cách mạng yêu nước Việt Nam.
Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947), Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, nhà cách mạng yêu nước Việt Nam.
Hồ Đắc Hàm (1879-1963) Thượng thư Triều đình Huế.
Hoàng Trọng Phu (1872-1946). Võ hiến điện Đại học sỹ.
Trần Trọng Kim (1883-1953). Đại diện các trường tiểu học ở Hà Nội.
Dương Bá Trạc (1884-1944). Nhà báo.
Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983).
Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Nhà báo, nhà văn, nhà yêu nước.
Phan Trần Chúc (1907-1946). Nhà văn, Đại diện Báo giới Bắc kỳ.
Bùi Kỷ (1888-1960). Đại diện Hội Phật giáo TW. Hà Nội.
Phạm Huy Lục (???). Đại diện Viện Dân biểu Bắc kỳ.
Thông sứ Auguste Eugène Ludovic Tholance (1878-1938).
Đốc lý Hà Nội Henri Virgitti (???).
Henri Tirand (???). Đại diện Báo giới Pháp ở Hà Nội.
Delmas (???). Đại diện Hội Nhân quyền Hà Nội.

————-


Cùng các nhà văn, nhà báo danh tiếng như: Đỗ Thận, Phan Khôi, Nhất Linh, Khái Hưng. Nguyễn Tuân, Phạm Huy Thông….

Để khẳng định thì không, nhưng theo lối nghĩ cổ xưa thì mảnh đất, các bức tường, mái ngói của ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo là những vật vô tri vô giác nhưng đã thấm đẫm cái hồn của kẻ quá cố được người đời trân trọng, yêu quý. Xin được gửi đến các quý độc giả một đoạn điếu văn trong các bài điếu đã vang lên tại đám tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8.5.1936 trong ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo mới đổ sập đầy xót xa này.

Các hội viên Hội Tam điểm thay nhau túc trực bên linh cữu học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong đám tang được cử hành tại ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo – Hà Nội ngày 8.5.1936. Ảnh lưu trữ gia đình.

Trích điếu văn của ông Nguyễn Mạnh Bổng (… – 1952), bút hiệu là Mân Châu. Nhà văn, chuyên gia Đông y. Ông là anh ruột nhà văn, nhà chính trị Nguyễn Tiến Lãng (1909-1976), ông có hai người em rể là học giả Phan Khôi (1887-1959) và thi sỹ, nhà văn Tản Đà (1889-1939).

“ …Than ôi ! Cuộc đời dâu bể, tạo hóa tiểu nhi ! Một cái thân thế trong sạch, một đời tận tụy với việc bồi đắp văn hóa cho Tổ quốc đồng bào, dù kẻ ghét người yêu, kẻ thù người bạn, đều cũng phải công nhận là một bậc vỹ nhân đã giúp nhiều việc có ích cho giang san Tổ quốc, là một bậc hào kiệt gắng sức phấn đấu với muôn nghìn nỗi khó khăn về thời thế, về hoàn cảnh, về nhân tâm đen tối, về xã hội suy đồi, chỉ có một lòng mong muốn cho người nước khôn, vận nước chuyển, thế nước có ngày mạnh, cảnh nước có ngày thuận, con Hồng cháu Lạc có ngày chen vai thích cánh với năm châu.

Thế mà trời xanh không để cho ông trường thọ lấy vài chục năm nữa để đem lịch duyệt lão thành ra dìu dắt đồng bào! Thật quốc dân Nam Việt ta từ gái chí trai, từ già chí trẻ, ai ai cũng phải lấy làm thương tiếc, buồn rầu. Nhưng thôi từ nay ông quy ẩn, ông để lại cho hậu tiến một cái di sản bằng tấm lòng yêu nước, chí khí phấn đấu cho đến trận thở cuối cùng. Hai cái đó cũng là hai cái hương hỏa đáng quý báu cho người nước ta ngày nay và ngày sau. Hễ còn có người biết lo việc nước, biết đoái nhìn giang san Tổ Việt, còn có người biết đem tài trí ra mà phấn đấu với muôn nỗi khó khăn, thì là linh hồn ông bất diệt. Vậy tôi xin cúi đầu kính chào ông trong lúc khu xác của ông tương biệt đồng bào mà tinh thần ông vẫn còn lưu lại ở trong văn chương sách vở và trong lòng trong óc quốc dân.

Xin kính chúc ông yên giấc ngàn năm.

Than ôi! Thương thay !”.

NGUYỄN MẠNH BỔNG.

PHẦN KẾT

Nhà văn người Anh Edward George Earle Lytton Bulwer-Lytton (1803-1873), tác giả của cuốn sách “Cây bút mạnh hơn thanh kiếm”, ông đã viết về sự thật thấm thía như thế này:

“Không phải tính tò mò, không phải sự kiêu căng, không phải việc cân nhắc lợi ích, không phải trách nhiệm hay vì làm theo lương tâm mà chính là cơn khát không chịu chấp nhận thỏa hiệp, đầy khốn khổ và không thể dập tắt, dẫn chúng ta đến sự thật”.

(Not curiosity, not vanity, not the consideration of expediency, not duty and conscientiousness, but an unquenchable, unhappy thirst that brooks no compromise leads us to truth).

Với câu nói này của tiền nhân, tôi viết bài viết nhân sự việc ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo sụp đổ, hoàn toàn do bị ám ảnh bởi sự nuối tiếc, bởi những bất cập của hệ thống quản lý xã hội tạo nên. Tôi hiểu sâu sắc hậu quả của một người thiếu trách nhiệm trong công việc nó nguy hại ra sao, nhưng hậu quả của một bộ máy thiếu tinh thần văn hóa nó tàn nhẫn thế nào?! (Xin mời xem chùm ảnh của ngôi nhà 9 năm trước)

Ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo dưới con mắt của một nhóm những người quản lý và phần không ít trong số họ là sản phẩm của lối sống lương tâm chỉ là một thứ xa sỉ. Họ không phải không biết những mối đe dọa đầy tính hiểm họa mà bất cứ một công trình xây dựng nào cũng có thể sảy ra. Liệu trong những góc khuất… khi một mét vuông đất ở 107 Trần Hưng Đạo sẽ là bao nhiêu nếu có cơ hội dựng lên mặt bằng đó một cao ốc 20 tầng, rồi từ đó những món lợi dành cho những người liên quan sẽ là chừng nào…?! Liệu có phải vì cách tính toán “nhìn xa trông rộng” đó mà họ mong sớm có một ngày như ngày 22.9 vừa qua? Hy vọng là không!

Chúng ta càng chứng kiến những sự việc đổ vỡ như việc sập ngôi nhà 107, càng thấy cái tệ hại của lối sống thực dụng đến mức bắt chấp cả những giá trị của lịch sử. Có phải, họ muốn lịch sử phải là cái gì do họ tạo ra chứ không phải lịch sử là cái nó vốn có.

Câu phương ngôn mà có thể hợp với bối cảnh và nội dung tinh thần của bài tâm sự này sẽ là “Chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Nhưng chúng ta không có quyền tự do né tránh hệ quả của những lựa chọn đó.”

Dù thế nào đi nữa, để lạc quan, chúng ta vẫn có thể tin và hy vọng vào những quyết định phù hợp nhất, trung thực nhất của bộ máy quản lý thành phố này trong việc bảo vệ, giữ gìn những quá khứ tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội. Bởi lẽ, ngày hôm nay sẽ trở thành lịch sử của ngày mai và lịch sử chẳng của riêng người nào. Cuộc đời thiếu niềm tin và hy vọng có được gọi là cuộc sống đâu, vậy nên chúng ta hy vọng vì:

Xét cho đến cùng, ở trên đời này chẳng có gì xấu quá như người ta tưởng…!(A.Dumas con 1824-1895).

Hà Nội, ngày 25.9.2015

NGUYỄN LÂN BÌNH

___

Dưới đây là các bức ảnh ghi lại những họa tiết kiến trúc của ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo được ghi hình năm 2006. Ảnh được lấy từ băng ghi hình năm 2006.



___

Mời xem thêm: VỂ NGÔI NHÀ 107 TRẦN HƯNG ĐẠO – MỘT CÔNG TRÌNH VĂN HÓA THỜI PHÁP THUỘC BỊ SẬP ĐỔ(HNVC).

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Liên Hiệp Quốc

Thưa Ông Chủ Tịch,
Thưa qúi bà và qúi ông,

Tôi xin cám ơn các lời lẽ tốt đẹp của qúi vị. Một lần nữa, theo một truyền thống nhờ thế tôi cảm thấy được vinh hạnh, Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã mời Giáo Hoàng tới nói chuyện với hội đồng các quốc gia đáng kính này. Nhân danh cá nhân tôi, và nhân danh toàn thể cộng đồng Công Giáo, tôi muốn bày tỏ với ngài, thưa ngài Ban Ki-moon, lòng biết ơn tận đáy lòng tôi. Tôi chào kính các vị cầm đầu các quốc gia và các vị cầm đầu các chính phủ hiện diện, cũng như các vị đại sứ, các nhà ngoại giao và các giới chức chính trị và kỹ thuật tháp tùng các vị, các nhân viên của Liên Hiệp Quốc làm việc tại Phiên Họp thứ 70 của Đại Hội Đồng, các nhân viên của nhiều chương trình và cơ quan của gia đình Liên Hiệp Quốc, và tất cả những ai tham dự vào phiên họp này, cách này hay cách khác. Qua qúi vị, tôi cũng xin chào kính các công dân của mọi quốc gia có đại diện tại hội trường này. Tôi xin cám ơn, mỗi và mọi vị, vì các cố gắng của qúi vị trong việc phục vụ nhân loại.

Đây là lần thứ năm, một vị giáo hoàng viếng thăm Liên Hiệp Quốc. Tôi theo chân các vị tiền nhiệm của tôi là Phaolô VI, năm 1965, Gioan Phaolô II năm 1979 và 1995, và vị tiền nhiệm gần đây nhất của tôi, nay là Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, năm 2008. Tất cả các vị giáo hoàng này đã bày tỏ lòng qúy mến lớn lao đối với Tổ Chức, mà các ngài vốn coi là đáp án pháp lý và chính trị thích đáng cho giai đoạn hiện nay của lịch sử, được đánh dấu bằng khả năng kỹ thuật của chúng ta có thể thắng vượt các khoảng cách và biên giới và, xem ra, thắng vượt mọi giới hạn thiên nhiên đối với việc thi hành quyền lực. Nói về quyền lực kỹ thuật học, khi rơi vào tay các ý thức hệ duy quốc gia và duy đại đồng giả hiệu, đáp án chủ yếu này có khả năng phạm những tội ác tàn bạo khủng khiếp. Tôi chỉ có thể lặp lại sự đánh giá cao được các vị tiền nhiệm của tôi phát biểu, để tái khẳng định tầm quan trọng mà Giáo Hội Công Giáo vốn gán cho Định Chế này và niềm hy vọng mà Giáo Hội này đặt vào các hoạt động của nó.

Liên Hiệp Quốc hiện đang cử hành lễ kỷ niệm đệ thất thập kỷ của mình. Lịch sử của cộng đồng có tổ chức của các quốc gia này là một lịch sử của nhiều thành tựu quan trọng chung trong một thời kỳ có những thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Không dám tự coi là thấu suốt, chúng ta có thể nhắc tới việc thiết lập và khai triển luật pháp quốc tế, thiết lập các qui định quốc tế liên quan tới các nhân quyền, các tiến bộ trong luật nhân đạo, giải quyết nhiều cuộc tranh chấp, các công trình duy trì hòa bình và hòa giải, và một số thành tựu khác trong mọi phạm vi của hoạt động và cố gắng quốc tế. Tất cả các thành tựu này đều là ánh sáng giúp đánh tan bóng tối vô trật tự do các tham vọng không biết tự chế và các hình thức tập thể đầy vị kỷ gây nên. Chắc chắn, nhiều vấn đề trầm trọng vẫn còn cần được giải quyết, thế nhưng điều rõ ràng là: nếu không có các can thiệp loại này trên bình diện quốc tế, nhân loại không thể nào có khả năng sống thoát việc sử dụng bừa bãi các khả thể của chính mình. Mọi tiến bộ chính trị, pháp chế và kỹ thuật này đều là đường dẫn tới việc đạt được lý tưởng huynh đệ nhân bản và là phương thế để thể hiện lý tưởng này tốt đẹp hơn.

Vì lý do trên, tôi xin ca ngợi mọi người nam nữ mà lòng trung nghĩa và sự hy sinh bản thân đã sinh ích cho nhân loại như một toàn thể trong suốt 70 năm qua. Một cách đặc biệt, hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ những ai đã hiến mạng sống mình cho hòa bình và hoà giải giữa các dân tộc, từ Dag Hammarskjöld tới rất nhiều giới chức Liên Hiệp Quốc ở mọi cấp bậc từng bị sát hại trong các sứ vụ nhân đạo, và các sứ vụ hòa bình và hoà giải.

Ngoài các thành tựu trên, kinh nghiệm của 70 năm qua đã cho ta thấy rõ: cải tổ và thích ứng đối với thời gian luôn là điều cần thiết trong việc theo đuổi mục tiêu tối hậu là ban cấp cho mọi quốc gia, không trừ quốc gia nào, phần chia sẻ, và phần ảnh hưởng chân thực và công bình vào diễn trình đưa ra quyết định. Nhu cầu phải công bình hơn đặc biệt đúng khi nói tới các cơ phận có khả năng hành pháp hữu hiệu, như Hội Đồng An Ninh, Các Cơ Quan Tài Chánh và các nhóm cũng như các bộ máy được chuyên biệt tạo lập ra để đương đầu với các khủng hoảng kinh tế. Nhu cầu này sẽ giúp giới hạn mọi thứ lạm dụng hay cho vay nặng lãi, nhất là khi nói tới các quốc gia đang phát triển. Các Cơ Quan Tài Chánh Quốc Tế nên lưu tâm tới việc phát triển lâu dài của các quốc gia và phải bảo đảm rằng các quốc gia này không phải chịu các hệ thống cho vay cắt cổ, là các hệ thống, thay vì cổ vũ tiến bộ, đã bắt người ta tùy thuộc các bộ máy chỉ sản sinh ra nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc lớn hơn.

Theo nguyên tắc trong Lời Mở Đầu và các điều đầu tiên của Hiến Chương thành lập, ta có thể thấy việc làm của Liên Hiệp Quốc là phát triển và phát huy pháp trị, đặt căn bản trên việc hiểu ra rằng công lý là điều kiện chủ yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ đại đồng. Trong ngữ cảnh này, sẽ là điều hữu ích khi ta nhớ lại rằng việc giới hạn quyền lực là một ý tưởng đã hiện diện mặc nhiên trong chính quan niệm luật pháp. Theo câu định nghĩa cổ điển của công lý, thì việc trả cho mỗi người phần riêng của họ có nghĩa: không một cá thể hay một nhóm nhân bản nào có thể tự coi mình là tuyệt đối, được phép qua mặt phẩm giá và quyền lợi của các cá thể hay các nhóm xã hội khác. Việc phân phối quyền lực cách hữu hiệu (chính trị, kinh tế, liên quan tới quốc phòng, kỹ thuật…) giữa các chủ thể đa dạng, và việc tạo ra hệ thống pháp lý để điều hòa các yêu sách và quyền lợi, là cách cụ thể để giới hạn quyền lực. Thế nhưng, thế giới ngày nay trình bày với chúng ta nhiều quyền sai lạc và, đồng thời, nhiều khu vực rộng lớn đang rất yếu thế, là nạn nhân của việc sử dụng quyền hành cách xấu xa: thí dụ, môi trường thiên nhiên, và rất nhiều hàng ngũ những người bị loại bỏ. Các khu vực này có liên hệ qua lại mật thiết với nhau và càng ngày càng bị làm cho yếu ớt thêm bởi các mối liên hệ chính trị và kinh tế đang thống trị. Đây là lý do tại sao quyền lợi của họ cần phải được khẳng định một cách mạnh mẽ, bằng cách cố gắng bảo vệ môi trường và chấm dứt việc loại trừ.

Trước nhất, cần phải tuyên bố rằng “quyền môi trường” chân thực là quyền có thực, vì hai lý lẽ sau đây. Thứ nhất, vì con người nhân bản chúng ta vốn là một phần của môi trường. Ta sống hiệp thông với nó, vì chính môi trường bao hàm các giới hạn đạo đức mà hoạt động của con người phải nhìn nhận và tôn trọng. Bất chấp mọi tài năng đáng kể của họ, các tài năng “vốn là các dấu chỉ sự độc đáo vốn vượt lên trên các phạm vi vật lý và sinh học” (Laudato Si’, 81), con người, đồng thời vẫn là một phần của các phạm vi này. Họ sở hữu một thân xác gồm các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học, và chỉ có thể sinh tồn và phát triển nếu có môi trường sinh thái thuận lợi. Do đó, bất cứ hư hại nào làm cho môi trường, là làm cho nhân loại. Thứ hai, vì mọi tạo vật, nhất là sinh vật, đều có một giá trị nội tại, trong chính hiện hữu của nó, trong chính sự sống của nó, trong vẻ đẹp của nó và trong sự liên lập với các tạo vật khác của nó. Kitô hữu chúng tôi, cùng với các tôn giáo độc thần khác, tin rằng vũ trụ là hoa trái của một quyết định đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã cho phép con người một cách kính trọng được sử dụng tạo thế để gây ích cho đồng loại và cho vinh quang của Người; họ không được phép lạm dụng nó, càng không được hủy hoại nó. Trong mọi tôn giáo, môi trường luôn là sự thiện nền tảng (xem đã dẫn).

Việc sử dụng sai và việc phá hủy môi trường cũng được kèm theo bởi diễn trình loại bỏ liên lỉ. Thực vậy, việc thèm khát quyền lực và thịnh vượng vật chất một cách ích kỷ và vô giới hạn dẫn ta tới cả việc sử dụng sai lầm các tài nguyên thiên nhiên hiện có lẫn việc loại trừ những người yếu đuối và yếu thế, hoặc vì họ có khả năng khác với ta (khuyết tật) hay vì họ thiếu thông tin thoả đáng và chuyên môn kỹ thuật, hay họ không thể hành động có tính quyết định về chính trị. Việc loại trừ về kinh tế và xã hội hoàn toàn bác bỏ tình huynh đệ nhân bản và là vi phạm nặng nề đến nhân quyền và môi trường. Những người nghèo nhất là những người chịu các vi phạm này nhiều nhất vì ba lý do nghiêm trọng: họ bị xã hội xua đuổi, bị buộc phải sống nhờ những thứ phế thải và phải chịu thiệt hại bất công vì sự lạm dụng môi trường. Họ là một phần của “nền văn hóa phế thải” đang rất lan rộng và đang âm thầm phát triển.

Thực tại bi thảm của tình huống loại trừ và bất bình đẳng trên với những hậu quả hiển nhiên của nó khiến tôi, cùng với toàn thể dân chúng Kitô Giáo và nhiều người khác, rà xét lại trách nhiệm nặng nề của mình về phương diện này và lên tiếng, cùng với tất cả những ai đang đi tìm các giải pháp hữu hiệu hiện đang cần một cách khẩn thiết. Việc chấp nhận Nghị Trình 2030 Để Phát Triển Lâu Dài tại cuộc Họp Thượng Đỉnh Thế Giới, được khai mạc hôm nay, là dấu hiệu hy vọng quan trọng. Tôi cũng hy vọng rằng Hội Nghị Paris Về Thay Đổi Khí Hậu sẽ bảo đảm có được các thoả hiệp nền tảng và hữu hiệu.

Tuy nhiên, các cam kết long trọng mà thôi chưa đủ, dù chúng là bước cần thiết hướng tới giải pháp. Định nghĩa cổ điển của công lý mà tôi đã nhắc ở trên có chứa đựng một ý muốn liên lỉ và trường cửu, được coi như một trong các yếu tố chủ yếu của nó, đó là Iustitia est constans et perpetua voluntas ius sum cuique tribuendi (công lý là ý muốn liên lỉ và trường cửu ban cấp cho mỗi người điều họ có quyền). Thế giới chúng ta đòi nơi các nhà lãnh đạo chính phủ một ý chí để đưa ra các bước hữu hiệu, thực tiễn, liên lỉ và cụ thể cũng như các biện pháp tức khắc nhằm duy trì và cải thiện môi trường tự nhiên và nhờ thế, chấm dứt càng nhanh càng tốt hiện tượng loại trừ có tính xã hội, với những hậu quả tai hại của nó: nạn buôn người, mua bán các bộ phận và tế bào người, khai thác tình dục trẻ em trai gái, lao động nô dịch, trong đó có nạn đĩ điếm, buôn bán ma túy và vũ khí, nạn khủng bố và tội ác quốc tế có tổ chức. Tầm mức của các tình huống này và các thiệt hại chúng gây ra cho các cuộc đời vô tội lớn lao đến nỗi ta phải tránh cơn cám dỗ sa vào thứ chủ nghĩa duy danh ham tuyên bố chỉ nhằm xoa dịu lương tâm ta. Ta cần bảo đảm điều này: các định chế của ta phải thực sự hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chống mọi tai họa kiểu này.

Con số và sự phức tạp của các vấn đề trên đòi buộc điều này: ta phải có các phương tiện kỹ thuật để kiểm chứng. Nhưng điều này bao hàm hai nguy cơ. Ta liều mình tự bằng lòng với công tác có tính bàn giấy, chỉ vẽ vời các bản liệt kê dài dòng, kể đủ mọi thứ đề xuất, nào là mục đích, nào là mục tiêu nào là chỉ tiêu thống kê, hay còn có thể nghĩ rằng một giải pháp đơn độc có tính lý thuyết và tiên thiên sẽ cung cấp được một đáp án cho mọi thách đố. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng hoạt động chính trị và kinh tế chỉ hữu hiệu khi được hiểu như là một hoạt động khôn ngoan (prudential), được các ý niệm công lý trường cửu hướng dẫn và không ngừng ý thức sự kiện này: trên và bên kia các kế hoạch và chương trình của ta, chúng ta đang xử sự với những con người nam nữ có thật đang sống, chiến đấu và chịu đau khổ, và thường bị buộc phải sống trong cảnh nghèo nàn lớn lao, bị tước đoạt mọi quyền lợi.

Muốn giúp những người đàn ông đàn bà có thực này thoát được cảnh bần cùng, ta phải để họ trở thành các tác nhân xứng đáng của chính số phận họ. Ta không thể áp đặt việc phát triển toàn diện con người và việc thực hành đầy đủ nhân phẩm. Chúng phải được xây dựng và được phép khai triển cho từng cá nhân, cho mọi gia đình, trong tình hiệp thông với người khác, và trong mối liên hệ đúng đắn với mọi lãnh vực trong đó đời sống xã hội của con người phát triển: bạn bè, cộng đồng, thị trấn và thành phố, trường học, ngành kinh doanh và nghiệp đoàn, quận tỉnh, quốc gia v.v… Việc này giả thiết và đòi hỏi quyền được giáo dục, cả cho con gái nữa (vốn bị một số nơi loại trừ), một quyền được bảo đảm trước nhất và hơn hết bằng cách tôn trọng và củng cố quyền hàng đầu của gia đình trong việc giáo dục con cái mình, cũng như quyền của các Giáo Hội và các nhóm xã hội trong việc hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình trong việc giáo dục con cái họ. Được quan niệm như thế, giáo dục là căn bản để thực thi Nghị Trình 2030 và để giành lại môi trường.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo chính phủ phải làm mọi điều có thể làm được để bảo đảm điều này: mọi người có thể có được những phương thế tinh thần và vật chất tối thiểu cần thiết cho việc sống xứng đáng và lập ra cũng như hỗ trợ một gia đình, vốn là tế bào hàng đầu của bất cứ cuộc phát triển xã hội nào. Nói cách thực tế, điều tối thiểu tuyệt đối này có ba cái tên: nhà ở, việc làm và đất đai; và một tên nữa thuộc tinh thần: tự do tinh thần, gồm tự do tôn giáo, tự do giáo dục và các dân quyền khác.

Đối với mọi điều trên, biện pháp đơn giản và tốt nhất và là tiêu chí của việc thực thi Nghị Trình phát triển mới sẽ là việc mọi người được quyền hữu hiệu, thực tiễn và tức khắc sử dụng các thiện ích vật chất và tinh thần có tính chủ yếu sau: nhà ở, việc làm xứng đáng và được trả công thích đáng, thực phẩm và nước uống thỏa đáng; tự do giáo dục và, nói tổng quát hơn, tự do và giáo dục tinh thần. Các trụ cột phát triển con người toàn diện này có một nền tảng chung, đó là quyền sống và, nói tổng quát hơn, điều mà ta có thể gọi là quyền hiện hữu của chính bản tính con người.

Cuộc khủng hoảng sinh thái, và việc tàn phá đại qui mô tính đa dạng sinh học, có thể đe dọa chính sự hiện hữu của chủng người. Các hậu quả tai hại của việc quản trị sai lầm vô trách nhiệm nền kinh tế hoàn cầu, chỉ được hướng dẫn bởi lòng ham giầu có và quyền lực, phải được dùng làm lời kêu gọi cho một suy tư thẳng thắn về con người: “con người không phải là thứ tự do họ tự tạo cho chính họ. Con người không tạo ra chính mình. Họ là tinh thần và ý chí, nhưng cũng là thiên nhiên” (Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Quốc Hội Liên Bang Đức, 22 tháng Chín, 2011, trích trong Laudato Si’, 6). Tạo thế bị xâm hại “nơi nào chính ta có lời nói sau cùng… Việc sử dụng tạo thế cách sai lầm bắt đầu khi ta không còn thừa nhận bất cứ sự xét xử nào ở trên chúng ta nữa, khi ta không thấy gì khác ngoài chúng ta ra” (Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với Hàng Giáo Sĩ của Giáo Phận Bolzano-Bressanone, 6 tháng Tám, 2008, cũng đã trích cùng nơi trong Laudato Si’). Thành thử, việc bảo vệ môi trường và cuộc chiến đấu chống loại trừ đòi hỏi điều này: chúng ta phải nhìn nhận luật luân lý vốn được ghi khắc vào chính bản tính con người, tức luật bao hàm sự khác nhau tự nhiên giữa người đàn ông và người đàn bà (xem Laudato Si’, 155), và việc tuyệt đối tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn và chiều kích của nó (xem ibid., 123, 136).

Không nhìn nhận một số giới hạn đạo đức tự nhiên có tính không thể tranh cãi và không tức khắc thực thi các trụ cột phát triển con người toàn diện nói trên, lý tưởng “cứu vớt các thế hệ tiếp nối khỏi tai họa chiến tranh” (Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Lời Nói Đầu), và việc “cổ vũ tiến bộ xã hội và các tiêu chuẩn sống tốt hơn trong một tự do lớn hơn” (ibid.), có nguy cơ trở thành một ảo tưởng không thể đạt tới hay, tệ hơn, một câu nói huyên thuyên lúc rảnh rỗi dùng để khỏa lấp mọi thứ lạm dụng và thối nát, hay để thi hành chính sách thực dân ý thức hệ bằng cách áp đặt các mô thức và lối sống dị thường hết sức xa lạ đối với bản sắc con người và, cuối cùng, hoàn toàn vô trách nhiệm.

Chiến tranh triệt tiêu hết mọi quyền lợi và là cuộc tấn công bi thảm vào môi sinh. Nếu chúng ta muốn có một phát triển con người toàn diện cho mọi người, chúng ta phải làm việc không mệt mỏi để tránh chiến tranh giữa các quốc gia và giữa các dân tộc.

Để đạt mục đích trên, chúng ta cần phải bảo đảm nền pháp trị không bác bỏ được và việc không mệt mỏi sử dụng thương lượng, trung gian và trọng tài phần xử, như đã được đề xuất trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, là hiến chương thực sự đã tạo lập ra pháp qui nền tảng. Kinh nghiệm của 70 năm qua từ ngày thành lập Liên Hiệp Quốc nói chung, và nói riêng kinh nghiệm của 15 năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, cho thấy cả sự hữu hiệu của việc áp dụng trọn vẹn các pháp qui quốc tế lẫn sự thiếu hữu hiệu khi không chấp pháp chúng. Khi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc được tôn trọng và áp dụng một cách trong sáng và thành thực, và không có những động lực phía sau lưng, làm điểm qui chiếu bắt buộc cho công lý chứ không làm phương tiện để ngụy trang cho các ý định giả mạo, thì ta sẽ có được các hoa trái hòa bình. Đàng khác, khi pháp qui này bị đơn thuần coi như một dụng cụ được dùng bất cứ khi nào thấy thuận lợi và cần phải tránh bất cứ khi nào thấy không thuận lợi, thì chiếc hộp thực sự của nàng Pandora sẽ được mở tung, để các lực lượng không thể nào kiểm soát được tha hồ thoát ra, tác hại trầm trọng đến những con người không người chống đỡ, đến môi trường văn hóa và cả môi trường sinh học.

Lời Nói Đầu và Điều thứ nhất của Hiến Chươg Liên Hiệp Quốc đặt để các nền tảng cho khuôn khổ pháp chế quốc tế: hòa bình, giải quyết cách hòa bình các tranh chấp và phát triển các liên hệ thân hữu giữa các dân tộc. Mạnh mẽ chống lại các tuyên bố này, và trên thực tế bác bỏ chúng, là khuynh hướng liên lỉ muốn lan tràn vũ khí, nhất là các vũ khí tiêu diệt hàng loạt, như vũ khí hạch nhân. Một nền đạo đức và một luật lệ đặt căn bản trên việc đe dọa tiêu diệt lẫn nhau, và có thể tiêu diệt toàn thể nhân loại, là điều tự mâu thuẫn và là một sự lăng nhục đối với toàn bộ khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, một khuôn khổ kết cục trở thành “các quốc gia kết hợp vì sợ hãi và không tin tưởng nhau”. Chúng ta khẩn thiết phải làm việc cho một thế giới không có vũ khí hạch nhân, bằng cách áp dụng trọn vẹn Hiệp Ước cấm lan tràn, cả trong chữ nghĩa lẫn trong tinh thần, với mục đích hoàn toàn ngăn cấm các thứ vũ khí này.

Hiệp ước mới đạt được gần đây về vấn đề hạch nhân tại một vùng nhậy cảm của Á Châu và Trung Đông là bằng chứng của tiềm năng thiện chí chính trị và luật pháp, được thực hiện một cách thành thực, kiên nhẫn và kiên định. Tôi hy vọng rằng hiệp ước này sẽ kéo dài và có hiệu lực, và đem lại các hiệu quả mong muốn với sự hợp tác của mọi bên liên hệ.

Theo chiều hướng trên, chứng cớ rành rành không thiếu cho thấy nhiều hiệu quả tiêu cực của các cuộc can thiệp quân sự và chính trị thiếu sự hợp tác giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế. Vì lý do này, dù ân hận phải làm như thế, tôi vẫn phải nhắc lại các lời khẩn khoản được lặp đi lặp lại của tôi liên quan tới tình thế đau lòng của toàn vùng Trung Đông, Bắc Phi và các quốc gia Phi Châu khác, nơi các Kitô hữu, cùng với các nhóm văn hóa hay sắc tộc khác, và thậm chí cả các thành viên của tôn giáo đa số, những người không muốn liên lụy tới hận thù và ngu xuẩn, vẫn buộc phải mục kích việc hủy hoại các nơi thờ phượng của họ, di sản văn hóa và tôn giáo của họ, nhà cửa và tài sản của họ, và phải lựa chọn hoặc là chạy trốn hoặc là phải trả giá cho việc trung thành với điều thiện và hòa bình bằng chính sự sống của mình, hay làm nô lệ.

Các thực tại trên nên được dùng để khẩn thiết kêu gọi những ai có trách nhiệm lèo lái sự việc quốc tế phải rà xét lương tâm mình. Không những chỉ trong các vụ bách hại tôn giáo hay văn hóa, mà trong mọi tình huống tranh chấp, như ở Ukraine, Syria, Iraq, Libya, Nam Sudan và vùng Đại Hồ, những con người nhân bản có thực phải được coi trọng hơn các quyền lợi phe phái, dù các quyền lợi này chính đáng tới đâu. Trong các cuộc chiến tranh và tranh chấp, luôn có những con người cá thể, các anh chị em của ta, đàn ông đàn bà, người già người trẻ, con trai con gái phải khóc, phải đau, phải chết. Những con người nhân bản dễ dàng bị vứt bỏ khi đáp án duy nhất của ta là vẽ ra một danh sách các vấn đề, các chiến lược và các bất đồng.

Như tôi viết trong lá thư của tôi gửi Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ngày 9 tháng Tám, năm 2014, “cái hiểu nền tảng nhất về phẩm giá con người buộc cộng đồng quốc tế, nhất là qua các qui định và bộ máy luật quốc tế, phải làm tất cả những gì có thể làm được để chấm dứt và ngăn ngừa việc có thêm bạo lực một cách có hệ thống nhắm vào các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo” và để che chở những người vô tội.

Cùng một đường lối như trên, tôi muốn nhắc đến một loại tranh chấp khác không luôn công khai, nhưng âm thầm sát hại hàng triệu người. Một loại chiến tranh khác mà nhiều xã hội chúng ta đang trải nghiệm do hậu quả của nạn buôn bán ma túy. Một cuộc chiến tranh được coi là đương nhiên và được đánh một cách tồi tệ. Buôn bán ma túy, do chính bản chất của nó, đang đi đôi với nạn buôn người, rửa tiền, buôn bán vũ khí, khai thác trẻ em và nhiều hình thức thối nát khác. Một thối nát đã vào sâu các tầng lớp khác nhau của đời sống xã hội, chính trị, quân sự, nghệ thuật và tôn giáo, và, trong nhiều trường hợp, đã phát sinh ra một cơ cấu song hành đang đe dọa tính khả tín của các định chế của ta.

Tôi bắt đầu bài diễn văn này bằng cách nhắc đến các cuộc thăm viếng của các vị tiền nhiệm của tôi. Tôi hy vọng rằng lời lẽ của tôi trước nhất được coi là tiếp diễn các lời lẽ sau cùng trong bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI; mặc dù nói ra đã gần 50 năm nay, chúng vẫn còn rất hợp thời. “Giờ đã đến khi một lúc dừng lại, một lúc hồi tâm, suy nghĩ, ngay cả cầu nguyện nữa, cũng tuyệt đối cần đến để chúng ta có thể nghĩ trở về với nguồn gốc chung của chúng ta, lịch sử của chúng ta, số phận chung của chúng ta. Lời kêu gọi với lương tâm luân lý của con người chưa bao giờ cần thiết như ngày hôm nay… Vì nguy hiểm không xuất phát từ tiến bộ hay khoa học; nếu những thực tại này được sử dụng đúng đắn, chúng có thể giúp ta giải quyết một số lớn vấn đề nghiêm trọng đang bao vây nhân loại (Diễn Văn trước Cơ Quan Liên Hiệp Quốc, 4 tháng Mười, 1965). Trong số các điều khác, thiên tài của con người, khi được áp dụng đúng đắn, chắc chắn sẽ giúp giải quyết các thách đố nghiêm trọng của việc xuy giảm sinh thái và việc loại trừ. Như Đức Phaolô VI từng nói: “mối nguy thực sự phát xuất từ con người; họ hiện có trong tay những khí cụ mạnh hơn, thích hợp cả để tạo ra tàn phá lẫn thực hiện được các chinh phục cao thượng” (ibid.).

Căn nhà chung của mọi người nam nữ phải tiếp tục dựng lên trên các nền tảng hiểu biết đúng đắn về tình huynh đệ đại đồng và tôn trọng tính thánh thiêng của mọi sự sống nhân bản, về mọi người đàn ông đàn bà, về người nghèo, người cao niên, trẻ em, người tàng tật, trẻ chưa sinh, người thất nghiệp, người bị bỏ rơi, tất cả những ai bị coi là có thể vứt bỏ vì bị coi chỉ như những con số thống kê. Căn nhà chung này của mọi người nam nữ cũng phải được xây trên cái hiểu về một sự thánh thiêng nào đó nơi thiên nhiên tạo dựng.

Một cái hiểu và tôn trọng như trên đòi phải có một trình độ khôn ngoan cao hơn, một trình độ biết nhìn nhận siêu việt, biết bác bỏ bất cứ việc tạo ra một lớp ưu tú toàn quyền nào, và biết thừa nhận điều này: ý nghĩa đầy đủ của đời sống cá nhân và tập thể nằm ở việc phục vụ người khác cách quên mình và hệ ở việc sử dụng tạo thế cách khôn ngoan và kính cẩn ví ích chung. Tôi xin nhắc lại lời của Đức Phaolô VI: “tòa nhà văn minh hiện đại phải được xây trên các nguyên tắc thiêng liêng, vì các nguyên tắc này là các nguyên tắc duy nhất có khả năng không những nâng đỡ nó, mà còn rõi sáng cho nó nữa” (ibid.).

El Gaucho Martín Fierro, một tác phẩm văn chương cổ điển của quê hương tôi, nói rằng “Anh em nên đứng bên cạnh nhau, vì đây là luật đầu tiên; hãy luôn duy trì sợi dây chân thực giữa các bạn, mọi thời mọi lúc, vì nếu các bạn đánh nhau, các bạn sẽ bị người ngoài nuốt trửng”.

Thế giới hiện thời, bề ngoài xem ra rất gắn bó, nhưng đang kinh qua sự phân mảnh xã hội mỗi ngày một rộng lớn và đều đặn hơn, một sự phân mảnh đe dọa chính “các nền tảng của đời sống xã hội” và do đó, dẫn tới “những cuộc chiến vì quyền lợi trái ngược nhau” (Laudato Si’, 229).

Thời hiện tại đang mời gọi ta dành ưu tiên cho các hành động có thể sản sinh ra các diễn trình mới mẻ trong xã hội, để đem hoa trái lại cho các biến cố lịch cử có ý nghĩa và tích cực (cf. Evangelii Gaudium, 223). Chúng ta không thể tự cho phép mình trì hoãn “một số nghị trình” dành cho tương lai. Tương lai đòi ta phải có các quyết định chủ yếu và có tính hoàn cầu trước các tranh chấp khắp thế giới, các tranh chấp hiện đang gia tăng con số những người bị loại trừ và những người túng thiếu.

Giống mọi cố gắng khác của con người, khuôn khổ pháp lý quốc tế đáng khen ngợi của Cơ Quan Liên Hiệp Quốc và của mọi hoạt động của nó có thể được cải thiện, tuy vẫn rất cần thiết; đồng thời, nó có thể là một bảo đảm cho tương lai an toàn và hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Và nó sẽ như thế, nếu các vị đại diện các quốc gia có thể gạt các quyền lợi phe phái và ý thức hệ qua một bên, và thành thực cố gắng phục vụ ích chung. Tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng để điều này trở thành sự thật, và tôi bảo đảm với qúy vị tôi sẽ hỗ trợ và cầu nguyện cho qúy vị, mọi tín hữu của Giáo Hội Công Giáo cũng sẽ hỗ trợ và cầu nguyện để Định Chế này, để mọi quốc gia hội viên, và mỗi giới chức của nó, sẽ luôn luôn phục vụ nhân loại cách hữu hiệu, một phục vụ biết tôn trọng tính đa dạng và có khả năng rút ra được điều tốt nhất trong mỗi người và trong mọi cá nhân, ví ích chung.

Tôi khẩn xin sự chúc phúc của Đấng Tối Cao, và mọi hòa bình và thịnh vượng, xuống trên tất cả qúy vị và nhân dân mà qúy vị đại diện. Xin cám ơn qúy vị.

Vũ Van An (dịch)