Kính gửi: Ngài Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng chính phủ
Đồng kính gửi: Ngài Phạm Bình Minh – Phó thủ tướng chính phủ kiêm Bộ trưởng ngoại giao
Ngài Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 2 năm 2014
Sau vụ việc bị ngăn chặn xuất cảnh ở
sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 1/2/2014, cho đến giờ tôi vẫn không dám
thật sự nghi ngờ rằng chính những người trong chính giới cấp cao của
Chính phủ Việt Nam đã tìm cách “dập tắt tiếng nói” của tôi – như cụm từ
mà UN Watch (Tổ chức giám sát nhân quyền thuộc Liên hiệp quốc) lên án
một ngày sau khi xảy ra vụ việc trên.
Dù vậy, một số dư luận trong giới quan
sát độc lập và cả “không tự do” ở Việt Nam lại cho rằng không loại trừ
khả năng đã có sự can thiệp vừa thầm lặng vừa thô lỗ của một thế lực
đang tồn tại ngay trong lòng đảng và nhà nước cầm quyền – nhóm những
người mà có thể bởi những nguyên do đủ tế nhị và không thiếu phức hợp về
chính trị đối nội lẫn nỗi ám ảnh tốt đẹp khôn nguôi từ một chính thể
phương Bắc, đã thường tìm cách dập tắt tiếng nói của nhóm người đang
mong muốn một tinh thần xích lại hơn nữa với phương Tây. Thậm chí trong
nhận thức của “nhóm người phương Bắc”, một thứ định chế như Hiệp định
đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là không cần thiết hoặc phải
bị ngăn cản.
Vụ việc ngăn cản việc xuất cảnh đối với
tôi lại xảy ra ngay trước thềm cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân
quyền Việt Nam (UPR) diễn ra tại Genève vào ngày 5/2/2014. Bên lề UPR,
tôi được tổ chức UN Watch mời với tư cách diễn giả và đóng góp tham luận
– hoạt động được xem như một trong những cơ sở để Hội đồng nhân quyền
Liên hiệp quốc xem xét bản báo cáo “thực hiện đến 80% yêu cầu về nhân
quyền của Liên hiệp quốc” do Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên
bố, cũng như những biện giải “luôn chăm lo và bảo đảm quyền con người”
do Nhà nước Việt Nam tuyên ngôn.
Dưới đây là những nội dung chính của Thư khiếu nại này:
I. Bất chấp những vận động nhiệt
tình và thiện ý của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc, Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đối với Bộ Ngoại giao Việt Nam,
chuyến đi Genève của tôi vào ngày 1/2/2014 từ sân bay Tân Sơn Nhất đã bị
Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an và cơ quan an ninh thuộc
Công an TP. Hồ Chí Minh ngăn chặn, đồng thời lập biên bản thu giữ hộ
chiếu của tôi.
Dù với lý do “kiểm tra nhân thân trên
hộ chiếu”, song các sĩ quan an ninh cửa khẩu sân bay lại ngay lập tức
dùng vũ lực tước máy điện thoại di động của tôi. Sau đó, trong một phòng
cách ly, một sĩ quan an ninh mặc thường phục tự giới thiệu là Đức, cán
bộ của Phòng PA81 thuộc Công an TP.HCM đã thông báo miệng với tôi rằng
tôi không được xuất cảnh vì “hội thảo ở Thụy Sĩ bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm xuyên tạc và nói xấu nhà nước Việt Nam”.
Tôi đã kinh ngạc với bản thông báo
miệng như trên. Tôi thật sự nghi ngờ về việc viên sĩ quan an ninh này
không biết đến sự kiện Nhà nước Việt Nam vừa được chấp thuận tham gia
vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo đến
96% – như một quốc gia được cộng đồng tiến bộ trên thế giới kỳ vọng gần
như tuyệt đối vào điều được coi là “lòng thành chính trị”.
Trước hành động ngăn cản vô lý của cơ
quan an ninh, tôi cũng không thể rũ bỏ được tâm trạng nghi vấn về điều
được coi là “không giả dối” liên quan đến 14 điều cam kết mà Nhà nước
Việt Nam đã nêu ra trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào tháng 8/2013 và
công cuộc UPR đầu tháng 2/2014.
Một trong những yêu cầu chủ chốt của
Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc đối với UPR nhân quyền Việt Nam lại
là sự tham gia của xã hội dân sự, và Liên hiệp quốc hoàn toàn khuyến
khích các nhóm dân sự và các cá nhân Việt Nam như tôi tham dự cuộc kiểm
điểm mang tính thành thực mà không phải là giả dối này.
Nhưng thực tế về quyền xuất cảnh ở Việt
Nam lại quá dị biệt với những lời cam kết của nhà nước này về quyền đi
lại công dân. Vào giữa tháng Giêng năm 2014, một blogger ở TP. Hồ Chí
Minh là Thành Nguyễn đã bị cơ quan an ninh cửa khẩu ngăn chặn chuyến bay
tới Mỹ, dù blogger này đã được tòa lãnh sự Hoa Kỳ cấp visa. Theo
blogger Thành Nguyễn, phía cơ quan an ninh chỉ đưa ra một lý do rất mơ
hồ trong việc ngăn chặn là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn
xã hội’.
Theo thống kê sơ bộ của giới hoạt động
dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, từ đầu năm 2013 đến nay đã có khoảng
10 trường hợp cá nhân bị ngăn chặn xuất cảnh tại các cửa khẩu, tương tự
vụ việc của tôi.
Cũng có thông tin trong giới hoạt động
dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cho biết hiện đang tồn tại một danh
sách lên đến khoảng 2,000 người bị cơ quan an ninh cấm xuất cảnh, trong
đó nhiều trường hợp bị ngăn chặn thuộc về các cựu tù nhân lương tâm và
những người bất đồng chính kiến.
Ngày 3/2/2014, Hội những người bị cấm
xuất cảnh đã được thành lập với tư cách một nhóm phản biện độc lập ở
Việt Nam. Bản danh sách chưa đầy đủ mà hội này cung cấp cho thấy có ít
nhất 40 người mà vì lý do chính trị và bất đồng chính kiến đã bị cơ quan
an ninh Việt Nam không cho xuất cảnh hoặc bị thu giữ hộ chiếu…
II. Ngay trước thềm UPR diễn ra
ngày 5/2/2014 tại Thụy Sĩ, hành động các cơ quan an ninh Việt Nam ngăn
chặn việc xuất cảnh đối với tôi đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi
lại của công dân – được ghi nhận tại điều 12 của Công ước Quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982; vi phạm
nghiêm trọng Điều 23 của Hiến pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2014
mà theo đó “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước,
có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các
quyền này do pháp luật quy định”.
Với tư cách một công dân, tôi không vi
phạm bất cứ quy định nào về pháp luật xuất nhập cảnh ở Việt Nam. Trong
khi biên bản của Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cho rằng “phát hiện ông Phạm Chí Dũng là người chưa được xuất cảnh theo đề nghị của Công an thành phố Hồ Chí Minh”, tôi lại chưa từng được cơ quan an ninh TP.HCM thông báo về cá nhân tôi không được xuất cảnh.
Ngược với Biên bản số 166/BB-A72-TSN
ngày 1/2/2014 của Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất viện ra đề nghị của Công
an thành phố Hồ Chí Minh không cho tôi xuất cảnh dựa vào Nghị định số
136/2007/NĐ-CP ngày 17/7/2007 của Chính phủ, tôi không hề vi phạm bất kỳ
nội dung nào thuộc Điều 21 của Nghị định 136/2007/NĐ-CP, theo đó: “Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết
định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ
khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện
pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ”.
Từ mộc góc nhìn khác, Điểm 3 của Điều 12 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị nêu rõ các quyền này sẽ “không
phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần
thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo
đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với
những quyền khác được Công ước này công nhận”. Còn Điều 12 của Hiến pháp quy định “Nước
cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam … tuân thủ Hiến chương Liên hiệp
quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên…”.
Như thế, những sự hạn chế quyền tự do
đi lại phải do luật định, mà Nghị định 136/2007/NĐ-CP không phải là luật
và không thể viện dẫn nghị định này để cản trở tôi hay bất cứ công dân
khác nào xuất cảnh.
Ngay giả như có thể áp dụng Nghị định
136/2007/NĐ-CP thì hành động ngăn cản tôi xuất cảnh cũng đã vi phạm thủ
tục của chính nghị định đó. Khoản 1 của Điều 22 nghị định trên quy định
thẩm quyền quyết định chưa cho công dân xuất cảnh như sau: chỉ có Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án hay cơ quan thi hành án có thể
quyết định chưa cho xuất cảnh theo các khoản 1, 2 và 3 của Điều 21; Bộ
trưởng và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định chưa cho
xuất cảnh theo khoản 4 Điều 21; Bộ trưởng Bộ Y tế theo khoản 5; Bộ
trưởng Bộ Công an theo khoản 6; và Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập
cảnh – Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu
tại khoản 7 của Điều 21.
“Đề nghị của công an thành phố Hồ Chí Minh”
như được viện dẫn trong biên bản 166/BB-A72-TSN (đã nêu trên) không
phải là quyết định của Công an thành phố Hồ Chí Minh (trong trường hợp
này Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng không có thẩm quyền ấy mà chỉ Bộ
trưởng Bộ công an mới có thẩm quyền). Thế nhưng người ký quyết định
chưa cho xuất cảnh trong biên bản trên lại là Thượng tá Phạm Quốc Hùng,
Phó trưởng đồn công an của khẩu Tân Sơn Nhất. Do vậy, quyết định nêu
trong biên bản 166/BB-A72-TSN là một quyết định hành chính hoàn toàn
trái pháp luật.
III. Hành động ngăn chặn xuất
cảnh đối với những người như tôi đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của
Nhà nước Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế, chứng minh không thể
sinh động và cập nhật hơn về việc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam –
một thành viên vừa được bầu của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc – lại
vừa ngang nhiên vi phạm các cam kết về nhân quyền của Liên hiệp quốc,
vi phạm Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời vi phạm hiến
pháp của chính nhà nước này.
Trong trường hợp này, tôi hoàn toàn có
quyền và có thể kiện Công an thành phố Hồ Chí Minh đã phạm pháp vì không
cho tôi xuất cảnh. Tôi cũng hoàn toàn có quyền và có thể kiện Cộng Hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra trước Hội đồng Nhân quyền (HRC) của Liên
Hiệp Quốc về sự vi phạm này, tương tự như các vụ Peltonen kiện nhà nước Phần Lan (mã số 4922/92) hay vụ Celepli kiện nhà nước Thụy Điển (mã số 456/91)…
Cũng trong trường hợp này, tôi sẽ yêu
cầu HRC xem xét nghiêm minh, yêu cầu Chính phủ Việt Nam nghiêm trị hành
vi phạm pháp, tôn trọng công ước quốc tế, tôn trọng hiến pháp của chính
nhà nước này và có những biện pháp thích đáng để không xảy ra những vụ
phạm pháp tương tự với mọi công dân Việt Nam.
Vụ việc ngăn chặn xuất cảnh đối với tôi
lại lồng trong khung cảnh nhiều chủ đề về quyền con người ở Việt Nam về
dân sinh, dân quyền và chính trị vẫn còn thụt lùi sâu sắc, bất chấp rất
nhiều hứa hẹn “sẽ cải thiện” từ phía một nhà nước Việt Nam đương đại
luôn tuyên xưng “của dân, do dân và vì dân”.
Việt Nam đương đại ấy vừa chợt lóe chút hy vọng bởi bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng chính phủ với 20 lần từ “dân chủ” được viện dẫn, cùng các khái niệm mang chỉ dấu cải cách nhất thời như “đổi mới thể chế”, “xóa độc quyền”, và đặc biệt là cụm từ “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” và “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.
Nếu những gì được xem là “thành tâm
chính trị” cần và phải được thể hiện đúng thời điểm và không còn cơ hội
cho sự chậm trễ, thái độ đó cần phải bứt phá và vượt bỏ những rào cản
bảo thủ và cực đoan, không để bất cứ một thế lực nào tìm cách ngăn trở
con đường dân tộc Việt Nam hội nhập toàn vẹn với thế giới, đặc biệt hòa
nhập và hòa giải về các quyền con người.
Hôm nay 5/2/2014, đúng vào ngày cuộc UPR về nhân quyền Việt Nam diễn ra ở Genève, tôi chính thức viết “Thư khiếu nại về ngăn chặn công dân Phạm Chí Dũng xuất cảnh” gửi đến Ngài Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng chính phủ cùng các cơ quan liên quan là Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam.
Trên căn bản Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị, 14 điều cam kết của Nhà nước Việt Nam trước
Đại hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, tư cách thành viên Hội đồng nhân
quyền Liên hiệp quốc của Nhà nước Việt Nam, Hiến pháp và các văn bản
liên quan của Việt Nam về xuất nhập cảnh, tôi đề nghị cá nhân tôi và
những trường hợp như tôi phải được Nhà nước Việt Nam giải quyết thủ tục
xuất cảnh và nhập cảnh một cách tôn trọng theo các quyền công dân, không
bị sách nhiễu hoặc bị xúc phạm bởi bất cứ một hành vi tùy tiện hoặc
trái pháp luật nào từ bất cứ cơ quan quản lý nào.
Ngày 5 tháng 2 năm 2014
Phạm Chí Dũng
Nhà báo độc lập
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét