Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Nhân 35 năm cuộc chiến biên giới 1979 - Những nghĩa trang lính Trung Quốc ở Việt Nam

Nếu cho rằng những nhóm "thù nghịch" cố tình đưa lên mạng những hình ảnh bị sửa đổi qua photoshop hay dụng cụ phần mềm nào đó, cho thêm phần tang thương ngụy tạo để "xuyên tạc phá hoại" nhà nước với mục đích "kích động" lòng dân có thể làm "mất an ninh cho xã hội" trong "mưu đồ lật đổ chính quyền", vân vân và vân vân… 

… thì xin hãy nhìn lại những hình ảnh của vài nghĩa trang lính Trung Quốc (dù số người ViệtNam biết đến không nhiều) _ để có sự so sánh nào đó dấy lên trong tâm hồn dân tộc - cũng được ghi nhận trên nhiều trang mạng khác, sau đây. 

Xin được trích nguyên văn vài câu viết trên mạng 12bennuoc.blogspot.com với đề tựa: 
"Nghiã trang liệt sĩ người Trung Quốc ở Lạng Sơn" , 2/04/2010, mà người viết dường như quê ở Lạng Sơn : 

"…Sáng sớm đọc cái tin nghĩ là lại tin vịt cho vui, ai ngờ nhìn tấm hình nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc, phải nó bằng chữ Hoa thì mình còn nghĩ ai đó xuyên tạc "diễn Nôm" nhưng rõ ràng là tiếng Việt. 

Người Việt Nam với nhau, chiến sĩ hai bên chết không biết bao nhiêu mà kể, còn mỗi cái nghĩa trang ở Thủ Đức của Việt Nam Cộng Hoà thì bị bỏ phế bao nhiêu thập niên, chỉ có thân nhân họ lén lút chăm sóc. Những nơi khác thì "đào tận gốc, trốc tận mồ" người ta. Trong khi đó thì trang trọng xây nghĩa trang cho kẻ thù

Chưa kể bao nhiêu người lính Quân đội Nhân Dân đã chết để gìn giữ đất nước năm 1979 thì bị chết bờ chết bụi che dấu ở góc xó xỉnh nào đó như bài báo năm nào đã đăng. Không rõ Lạng Sơn có nghĩa trang nào dành riêng cho các chiến sĩ đã chết vì cuộc chiến tranh ấy hay không?"



Trên trang mạng anhbasg với tiêu đề "Mời TQ dự Lễ dâng hương Liệt sĩ Trung cộng ở VN !", ra ngày 31/03/2010", được sao lại từ vietland.net có đoạn như sau : 

"Trung Quốc chủ tâm gây ra cuộc chiến ngày 17/2/1979. Trung Quốc theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, muốn dạy cho Việt Nam một bài học vì đã đưa quân sang xâm lấn Cam-pu-chia. Cuộc chiến gây ra thiệt hại rất nặng cho cả 2 nước. Trung Quốc tổn hại nặng về binh lính (26 ngàn chết, 37 ngàn bị thương và 265 bị bắt làm tù binh), còn Việt Nam bị thiệt hại lớn về sinh mạng, đặc biệt của dân thường (2000 bộ đội và hơn 28 ngàn thường dân chết, 32 ngàn bị thương, 1.638 bị bắt), quân Trung Quốc đã phá tan nhà cửa tại Lào Cai, Đồng Đăng, Lạng Sơn, san bằng bình địa thị xã Cao Bằng trước khi rút và đặc biệt về lãnh thổ thể hiện trong Hiệp ước biên giới Việt Trung ngày 30-12-1999. Thê thảm nhất là ở Bát Xát, Lào Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết chết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Tất cả đều bị kết liễu sinh mạng bằng dao, đa phần bị ném xuống giếng, xác bị chặt ra nhiều khúc. Tuy rút về phía biên giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục pháo kích vào làng xóm Việt Nam và chiếm đóng những cao điểm chiến lược vùng biên giới, dẫn đến nhiều xung đột đẫm máu kéo dài tới năm 1988." 

Tuy nhiên, có những trang mạng khác "phản bác" kịch liệt vì cho rằng những hình ảnh của nghĩa trang ở trên, chỉ là sự biểu hiện tình hữu nghị Việt-Trung trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Nhưng qua hình ảnh với những cây trồng còn non nhỏ, và sự tươm tất, tương đối mới mẻ của bệ liệt sĩ, cổng nghĩa trang, cho thấy rằng lý luận "phản bác" trên dường như không đứng vững. 

Hai vòng hoa "kính biếu" viết rõ là của xã Đề Thám, cho biết đó là một xã thuộc thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, cũng chính là nơi từng bị "san bằng bình địa" trong đoạn trích ở trên, trước khi quân Trung cộng rút về lãnh thổ họ. Chứng minh của chiến tích vẫn còn đó, nhưng tủi nhục vẫn còn ghi lại đậm nét hơn qua "Nghĩa trang liệt sỷ người Trung quốc" ngay trên vùng đất bị quân Trung cộng "phá tan nát nhà cửa"; tuy vậy xã Đề Thám đã thay mặt đảng, nhà nước, và cả nhân dân Việt Nam đến tưởng niệm những liệt sĩ Trung cộng, những kẻ đã từng đối xử với dân Việt bằng cách… "hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết chết một cách dã man" và "… Tất cả đều bị kết liễu sinh mạng bằng dao, đa phần bị ném xuống giếng, xác bị chặt ra nhiều khúc". Dù sao đi nữa, đảng vẫn tồn tại, không ai bị tổn thương hay mất xác và nhất là không bị sức mẽ chút nào trong tình hữu nghị tốt đẹp đó. Vì "Việt Nam bị thiệt hại lớn về sinh mạng, đặc biệt là dân thường" thôi ! 

Trên trang mạng tumasic.blogspot, với bài viết "Lạng Sơn:Mời Trung Quốc sang dâng hương tưởng niệm các "liệt sĩ" Trung Quốc sang xâm lược Việt Nam năm 1979", 2/04/2010, có đoạn như sau : 

"Cùng với dịp Tết Thanh minh 2010, tỉnh Quảng Ninh (tỉnh tiếp giáp với trung Quốc) cũng chỉ đạo Sở Ngoại vụ phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ Trung Quốc tại Cẩm Phả, Quảng Ninh."

Và để bày tỏ thêm lòng thành của nhà nước đối với Trung quốc, qua lễ "Miếu Hội Phục Ba Tướng Quân" tại Đông Hưng (thành phố giáp giới cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam) có sự tham gia của Đoàn nghệ thuật phía Việt Nam (theo trang mạng tumasic.blogspot.com). Qua bài viết "Có nỗi nhục nào bằng nỗi nhục này: Hai Bà Trưng sang Trung Quốc cúng tế, ca ngợi, tạ tội tướng giặc Mã Viện", có đoạn : 

"Thời gian gần đây, quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc được nhiều người chú ý sau khi các tin tức động trời như việc một đoàn nghệ thuật Quảng Ninh sang miếu Phục Ba ( tức tướng giặc Mã Viện từng sang cướp nước ta) tại Quảng Tây, Trung Quốc để "lên đồng" cúng tế linh hồn tướng này cũng như ca ngợi công đức của tướng giặc đó"


(Cùng những nữ tướng thuộc quyền của Hai Bà Trưng : Ngọc Phượng Công Chúa, Khâu Ni Công Chúa, Bà Chúa Bầu, Đệ Bát Vị Đông Cung, Ngọc Lâm Công Chúa, Thiều Hoa v.v... Tất cả được chính phủ Việt Nam gửi sang Quảng Tây thăm Mã Viện. Màn chập chén truyền thống Việt Nam!) (Theo nguyên văn).


(Đến màn quy thuận Hán tộc, Hai Bà Trưng phục trang Kinh tộc thiểu số theo hầu rượu, dâng kiếm cho Mã Viện.)(Theo nguyên văn) 

Ngoài cái nghĩa trang liệt sĩ của Trung cộng ở Lạng Sơn, còn có khá nhiều những nghĩa trang nhỏ khác, được xây dựng rải rác ở những vùng tiếp giáp biên giới, và ngay cả trong Hà Nội. Điều đáng chú ý là một số những nghĩa trang đó, dù được xây dựng trong thời kỳ hai khối cộng sản Việt-Trung hợp nhau phản kháng quân đội Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, nhưng vẫn đẹp đẽ, sạch sẽ hơn gấp nhiều lần so với NtQdBH. Và đây lại thêm một phát hiện "ngạc nhiên" về "Nghĩa trang liệt sĩ người Trung quốc" khác, được đăng tại boxitvn7.blogspot, 3/07/2011, được sao chép lại từ MaiThanhHải blog. Tác giả bài viết cũng không giấu sự "thú vị bất ngờ" khi khám phá ra cái nghĩa trang nầy. Theo tác giả, có thể đó là nghĩa trang của người Trung quốc trong những năm 60-70 qua miền Bắc giúp xây dựng công trình, và vị trí được xác định nằm ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, như sau : 

"Nghĩa trang Liệt sĩ người Trung Quốc, nằm ở bên đường 32 (Ba Khe, Văn Chấn, Yên Bái), phía bên phải hướng Hà Nội (TP.Yên Bái) lên Nghĩa Lệ, Mù Căng Chải (Yên Bái) và sau đó tỏa về Lào Cai hoặc chạy thẳng lên Lai Châu."


Và thêm vài hình ảnh của những nghĩa trang khác, được đăng trên vantholacviet.org, qua bài viết "Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc" , 18/02/2009. Theo tác giả Long Trần : 

"Nghĩa trang liệt sĩ Long Châu (Thủy Khẩu) tiếp giáp với tỉnh Cao Bằng, là nơi đã xảy ra giao tranh ác liệt với Việt Nam trong chiến tranh biên giới 1978-1988."


Trang mạng lienmangvietsan.50webs.com, có phần chú thích chi tiết về Cổng Lão Sơn, như sau : 

"Cổng Lão Sơn, thuộc huyện Ma Lật Pha, tỉnh Vân Nam, giáp giới tỉnh Hà Giang ở phía tây, cách Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây ở phía đông khoảng 200 km. Đặt biệt có lính gác" 

"…Lão Sơn, phía Việt Nam gọi là Núi Đất, nơi giao tranh năm 1984-1991, và đã mất về tay TQ. Là 1 trong 6 cao địa, theo Lê Công Phụng trả lời báo Văn Hóa ngày 23/9/2008, khi ký Hiệp Ước Biên Giới Trên Đất Liền năm 1999, CSVN đã nhượng luôn cho TQ với lý do họ đã xây công sự (nghĩa trang…) trên đó 

"…Sau chiến tranh năm 1984-1991, TQ chiếm đóng Lão Sơn, lập nghĩa trang, không trả lại! Trung Quốc đã chiếm được một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Các cuộc lấn chiếm này đã được hợp pháp hóa qua Hiệp Ước Biên Giới Trên Đất Liền năm 1999." 

Qua bản tin trên, tất cả đã nói đủ, và rỏ ràng… đến nghẹn lời, nên không cần thêm từ gì nữa. Chúng ta đã từng học cách cố nuốt trôi, mà không dám "ngậm"… ngùi nỗi khó. Thì dù có thêm một lần… thắt lại cơn đau, cũng ráng cắn răng chịu đựng. Trừ khi, cơn đau đã quá đầy, cần phải phá vỡ, đó mới chính là sự thử thách giữa sống và chết để lành hẳn những vết thương "khó thể quên" . 

Lại thêm một thông tin về nghĩa trang lạ, tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) qua bài viết "Chuyện ở nghĩa trang quốc tế lạ nhất Việt Nam", 21/07/2011, từ nguồn Nhà Báo & Công Luận như sau:

"… Khu nghĩa trang Triều Tiên rộng 2ha tọa lạc trang trọng trên đồi Rừng Hoàng (thuộc xã Tân Dĩnh) là nơi an nghỉ của 14 chiến sỹ không quân CHDCND Triều Tiên hy sinh trên bầu trời Việt Nam trong những năm chiến tranh ác liệt nhất"

"… Mặc dù hài cốt của họ đã được chuyển về Tổ quốc, nhưng ngày thương binh– liệt sỹ (27/7) năm nào địa phương cùng nhân dân xung quanh nghĩa trang cũng đến thắp hương và viếng họ." (!???) 

Trong thời kỳ phong kiến, khi một triều đại mới lên ngôi sau những cuộc chiến tranh giành quyền lực, kẻ thắng trận thường dành cho những người thua cuộc những cách trả thù tàn bạo, và nhiều cách hạ nhục, thậm chí vô nhân tính, ngay cả đối với đã người chết hay phần mộ tổ tiên của kẻ thù. Những điều nầy không lạ gì với người Việt qua phim ảnh, sử truyện Tàu, và ảnh hưởng không kém trong tư tưởng người cầm quyền dưới vài triều đại thời xưa mà qua đó, lịch sử luôn phán xét phân minh giữa công và tội. Nhưng hôm nay, trong thế kỷ 21 nầy, những điều đó vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam, được che đậy bằng những hư từ mới mẻ khác, nhưng không giấu được sự gượng ép, giả tảo, để dựa vào lý luận theo chiều hướng ngụy biện nhằm đánh lạc hướng sự hiểu biết của dân vốn đã được mở rộng hơn với tư tưởng phóng thoáng, dung hòa, và nhân hậu mà cũng là bản sắc thuần túy người Việt của ông cha để lại. 

Có thể nghĩ rằng, trong thời phong kiến, vì sự tiếp cận giữa hai nước Việt và Trung quá gần gủi, ngoài ra không biết một nền văn hóa tân tiến nào khác, nên khó tránh khỏi sự tiêm nhiễm trong cách hành xử. Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ trong sự giao tiếp được mở rộng, qua những chuyến công du, thăm viếng nước khác bao gồm những nước tự do hay trong khối cộng sản, nhưng nhà cầm quyền hiện nay vẫn chưa tiếp nhận được một tư tưởng cởi mở, bao dung, và hòa hợp đúng nghĩa như những nước khác đã từng thể hiện; tiêu biểu nhất là sau thế chiến lần thứ 2 khi trật tự được ổn định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét