Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Hoa đào năm ấy… & Chùm thơ mặt trận Lạng Sơn 2/1979

Nguyễn Duy
hoa daoLời dẫn Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Nhà thơ Nguyễn Duy năm 1979 là phóng viên báo Văn nghệ, anh có mặt tại Lạng Sơn ngày 18/2/1979, một ngày sau Quân Trung quốc xâm lược gây hấn trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Một đêm dài kể chuyện với bao nhiêu chuyện thú vị và cảm động nhưng vì bận rộn anh không viết được. Nguyễn Duy gửi cho Quê Choa một chùm thơ mặt trận Lạng Sơn 2/1979 và ghi chép anh viết trong những ngày căm hận ấy.

Cuộc chiến tranh đi qua…Thế là xong ! Tôi thở phào nhẹ nhõm khi trút bộ quân phục để chuyển ngành về làm biên tập viên cho tờ Văn nghệ Giải phóng. Lúc đó là đầu năm 1976. Năm 1977 tờ Văn nghệ Giải phóng lại nhập vào tờ Văn Nghệ (toàn quốc), tôi trở thành biên tập viên thường trú tại các tỉnh phía Nam của tờ báo vốn có nhiều kỷ niệm sâu sắc với mình. Cứ ngỡ rằng đã “vĩnh biệt vũ khí”. Nào ngờ, tháng 6 năm 1978, tôi – phóng viên báo Văn nghệ, lại lặn lội trong chiến hào ở Tây Ninh cùng với các bạn lính trẻ của Quân đoàn 4. Chiến dịch biên giới phía Tây-Nam Tổ quốc đang thời kỳ ác liệt nhất. Quân Pôn Pốt tràn sang dọc biên giới Việt Nam-Campuchia, tàn sát rất dã man đồng bào ta, từ Tây Ninh qua Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Quân ta đánh chặn và chuẩn bị tổng công kích… Lại những bài thơ chiến trận gửi về tòa soạn báo Văn Nghệ.
Qua mấy năm im tiếng súng, nhìn lại quãng đường bom đạn và đèo dốc dài dằng dặc phía sau lưng mình mà ngại ngùng. Cứ ngỡ rằng, đã quen hơi phố phường rồi, nếu phải đi trở ại con đường chiến tranh vừa qua, chắc là không đi nổi. Nhưng khi việc đã tới, giặc đã ở trước mặt, thật lạ, có một nguồn sức lực từ đâu đó trong con người mình bỗng khởi phát , xốc mình đi, những bước đi mạnh mẽ nguyên vẹn của người lính năm nào…
Nguồn sức lực ấy lại khởi phát một lần nữa trong tôi vào đầu xuân năm 1979. Sau chiến dịch biên giới phía Tây-Nam tôi tự thưởng cho mình một chuyến nghỉ phép, về ăn Tết ở quê nhà – thị xã Thanh Hóa, ngày 15 tháng 2 năm 1979, tôi ra Hà Nội để chờ máy bay trở lại miền Nam. Sáng 17 tháng 2, chiến tranh bùng nổ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Nhóm phóng viên xung kích của báo Văn nghệ, gồm năm người vốn xuất thân từ lính, được cử lên mặt trận. Lái xe Đào Ngọc Chi cũng vốn là lính chiến. Chiếc xe Rumani tòng tọc của chúng tôi hòa vào đoàn xe chở lính lên phía Bắc. Tới thị trấn Đồng Mỏ chúng tôi bắt đầu làm việc, với trạm phẫu, với thương binh với đồng bào các dân tộc chạy giặc từ mấy huyện biên giới về. Ga Đồng Mỏ đặc kín người. Đường số Một tắc nghẽn. Hầm Núi Đá (do quân Trung Quốc đào, hồi họ sang “giúp” ta chống Mỹ) thì dành cho người bị thương nặng. Đêm ấy, chúng tôi ngủ ở chợ Đồng Mỏ cùng với đồng bào chạy giặc. Tôi và Phạm Tiến Duật nằm chung cái bạt võng, trước vỉa hè nhà bưu điện. Anh Hoài An ngủ trên xe với Đào Ngọc Chi. Anh Hồng Phi cùng với Đỗ Chu leo lên cái bàn bán thịt trong lều chợ không có mái. Tiếng đại pháo từ Lạng Sơn vọng về ùng ình suốt đêm. Những trang viết về mặt trận của nhóm chúng tôi bắt đầu từ đêm đó.
Lạng Sơn, 18-2. Thị xã vắng ngắt. Trời se lạnh. Hoa đào phai thấp thoáng trong sương mù. Đại pháo đội sang từ phía Bằng Tường, tiếng đạn rít veo véo, tiếng nổ lộng óc. Xe chúng tôi băng qua cầu Kỳ Lừa, lao về hướng Đồng Đăng.
Theo giới thiệu của ban chỉ huy sư đoàn Sao vàng, chúng tôi sẽ tới trung đoàn An Lão đang chặn giặc ở nam Đồng Đăng. Có một chiến sĩ liên lạc của trung đoàn An Lão dẫn đường. Ga Tam Lung hiện ra trước mặt. Chiếc xe hồng thập tự của bệnh viện Lạng Sơn vừa bị bắn lật, nữ bác sĩ Thủy tử thương. Tiếp theo, chiếc xe của xưởng phim Quân Đội trúng đạn, chiến sĩ Như Đạt, quay phim, hy sinh tại chỗ. Cối 81 của địch nhằm vào xe chúng tôi. Nhanh như cắt, Đào Ngọc Chi quặt xe vào con đường rẽ. Quân Trung Quốc từ các cao điểm gần đó nã cối theo tới tấp…
Hầm chỉ huy trung đoàn An Lão nằm trên sườn cao điểm 417. Vừa gặp chúng tôi, chính ủy trung đoàn đã đề nghị “các nhà văn trở về Lạng Sơn ngay cho. Chiến sự đang ác liệt, đơn vị không thể bảo đảm an toàn cho các anh được…”.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Cái bề ngoài của mỗi người quả là xa lạ với thực tế trận mạc. Tôi mặc chiếc áo trắng có hoa đen, quần loe, kính cận, máy ảnh toòng teeng trên vai. Anh Hồng Phi, râu tóc bờm xờm, áo len, quần dạ, đôi dép sambô cao đế. Phạm Tiến Duật và Đỗ Chu thì đúng là bạch diện thư sinh, mảnh khà mảnh khảnh.
- Xin các anh cứ yên lòng – Hồng Phi nói với chính ủy trung đoàn, chúng tôi đều con nhà lính, quen thuộc súng đạn cả. Chúng tôi sẽ ở đây theo dõi các trận đánh, và nếu có thể, xin các anh phát vũ khí…
Chính ủy Biền, nói vắn tắt về tình hình chiến sự. Căn hầm thỉnh thoảng lại rung lên, đạn cối của địch vẫn rơi xuống quanh đấy, tiếng nổ nhức tai, và khói, bụi sặc sụa.
Những ngày ở Tam Lung, chúng tôi đã viết các bài in trên báo Văn Nghệ dạo đó. Quân ta chiến đấu rất anh dũng đánh chặn đạo quân xâm lược đông hơn và mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Quân Trung Quốc, tuy bị thương vong nặng nề, vẫn thí mạng hết đơn vị này đến đơn vị khác, lấn chiếm ta từng cao điểm một.
Trước khi xuôi về thị xã Lạng Sơn, từ trên đỉnh đồi 417, tôi dùng ống nhòm quan sát trận đánh bên cao điểm 611. Quân địch bò lên, đen kín cả sườn đồi, có súng cối và pháo tầm gần yểm trợ. Trên chốt, quân ta chỉ có chưa đầy ba chục chiến sĩ, trung đoàn An Lão vừa bàn giao trận địa cho quân địa phương tối hôm trước. Đúng giữa trưa trận đánh kết thúc. Giặc chiếm được ngọn đồi. Chúng dồn hàng đống xác chết lại, rải lên từng lớp chất cháy (sau này tôi mới thấy, đó là xăng đặc, giống như thứ nhựa vá xe đạp, đựng trong bình vải sơn, mỗi bình bốn lít) và đốt. Trời im ắng, cái im ắng ghê rợn sau trận đánh. Không một gợn gió. Ngọn lửa đốt xác đỏ lòm. Từ đỉnh cao 611, cột khói dựng thẳng đứng lên trời, tỏa ra thành hình cái nấm khổng lồ, đen kịt giữa bầu trời trắng bạc.
Nhóm phóng viên chúng tôi xuôi về thị xã Lạng Sơn. Cột khói đốt xác của quân Trung Quốc vẫn đen ngòm, dựng thẳng đứng phía sau lưng. Tôi đã bị ám ảnh mãi về cột khói đó, về những linh hồn vần vụ trong cột khói đó…
Phố xá hoang vu. Thị xã Lạng Sơn vẫn tươi thắm màu hoa đào. Tôi chưa bao giờ thấy vườn hoa đào nào rộ đều và đẹp như vườn đào Nhà khách tỉnh ủy Lạng Sơn. Đào bạch, đào phai, đào đỏ nở dọc theo các lối đi lát gạch. Hoa đào vô tư nào có biết rằng chúng sắp bị tàn sát. (Sau khi quân Trung Quốc rút đi, tôi đã trở lại thị xã Lạng Sơn, ngơ ngẩn trước cảnh đổ nát. Cả vườn đào cũng bị đánh bằng thuốc nổ, không còn một nhánh, những cục nhựa đào đông lại nơi gốc đào cụt trông như những cục máu bầm chưa khô hẳn. Các khu nhà sang trọng chỉ còn là các đống gạch vụn. Vô vàn mảnh thủy tinh ruột phích nước rải lấp lánh dưới mặt đất. Vòm hang đá núi Phai Vệ sập hẳn, có lẽ quân giặc đã phải dùng nhiều tấn thuốc nổ. Động Tam Thanh nổi tiếng bao đời nay cũng đen ngòm khói thuốc bộc phá, một cái hố rộng hoác, khét lẹt choán hết cả lòng động… Phố, nhà, vườn tược, cỏ hoa cho đến cả hang động đều chung một số phận thảm sát). Còn lúc này, chúng tôi đang ở giữa vườn đào thị xã, hoa đào cứ nở vô tư. Nhóm phóng viên báo Văn Nghệ tụ lại đây, nghỉ đêm trong nhà khách tỉnh ủy đã bỏ trống, cùng với tổ tự vệ của giáo viên trường Đông Kinh Phố. Trang thơ về mặt trận của tôi được hoàn chỉnh trong đêm này. Chúng tôi chụm đầu đọc thơ cho nhau nghe, rồi hát trắng đêm. Đêm chia tay, đêm vĩnh biệt những cây đào nở muộn. Tiếng súng bộ binh đã nổ rát ngoài rìa thị xã.
Mờ sáng hôm sau, tổ công an vũ trang bảo vệ khu nhà khách tới giục chúng tôi dời đi, họ nhận được lệnh phải rút ngay ra khỏi thị xã. Chúng tôi thong thả chụp vài tấm ảnh cuối cùng với vườn đào rồi chặt những cánh đẹp nhất cắm đầy chung quanh xe. Chiếc xe Rumani của tuần báo Văn nghệ lần đầu tiên được ngụy trang hoàn toàn bằng hoa đào. Lái xe Đào Ngọc Chi phải yêu cầu bỏ bớt hai cành cắm phía trước để còn trông thấy đường.
Trên chiếc xe hoa đào ấy, chúng tôi ngoái nhìn thị xã. Chào Lạng Sơn. Chào chợ Kỳ Lừa và dòng sông Kỳ Cùng. Chào thành Tiên Xây và núi Vọng Phu… Thị xã đẹp mê hồn trong sương mù. Không một bóng người. Chỉ có cây với nhà, và hoa đào. Mấy con chó tìm chủ chạy lững thững dọc những phố nhỏ lặng ngắt. Pháo từ phía Bằng Tường bất chợt gầm lên, súng bộ binh đồng loạt nổ rền bên kia cầu Kỳ Lừa…
Chúng tôi đã mang về tòa soạn những trang viết chưa ráo mực cùng những cánh đào còn ướt nhựa nơi vết cắt. Cành đào phai lớn nhất được cắm trong cái bình đất nung đặt ở phòng khách tòa báo. Những cành nhỏ hơn, chúng tôi chia ra, phân phát cho bạn bè. Bài viết của chúng tôi dồn dập in trên báo Văn Nghệ, những nụ đào muộn mằn dồn dập nở. Cho tới ngày Trung Quốc bị đánh bật ra khỏi biên giới nước ta, những cành đào Lạng Sơn vẫn còn tươi thắm giữa lòng Hà Nội. Và, mãi mãi thắm trong tôi cái màu hồng kỳ diệu của hoa đào năm ấy…
                                                                             (Đã in báo Văn Nghệ, tháng 3.1983)
            CHÙM THƠ MẶT TRẬN LẠNG SƠN 2/ 1979

LÊN MẶT TRẬN, NGÀY ĐẦU…

Lên xứ Lạng
chưa thấy thành Tiên Xây
đâu chùa Tam Thanh
đâu nàng Tô Thị…
Quân giặc tràn qua đèo Hữu Nghị
Đồng Đăng thất thủ rồi
pháo Bằng Tường dội sang xối xả
dằng dặc dòng người sơ tán đổ về xuôi
Lẫn lộn người Kinh, người Tày, người Dao
nào gánh, nào xe, nào gùi, nào vác
hiển hiện những ngày xưa loạn lạc
biên ải xưa giặc giã mới tràn vào
những gương mặt nghìn năm đanh sắt lại
máu lửa ngỡ cũ rồi mà vẫn mới
vẫn mới cả nón mê cả áo vá chân trần…
Miếng cơm ăn lẫn cát bụi bên đường
giấc ngủ ngồi che hờ tàu lá chuối
ngôi nhà không bỏ trống sau lưng
đàn trâu lang thang lũ gà con xao xác
lũ trẻ con mắt tròn ngơ ngác
chân trẻ con lũn cũn chạy như đùa
Trẻ con trên ôtô, trên xe trâu, xe thồ
trẻ con trên lưng trẻ con trên tay
trẻ con lon ton níu váy níu áo
đòn gánh nữa kìa kẽo kẹt nghiến trên vai
một đầu gánh là trẻ con còn đầu kia là nồi là gạo
mắt trẻ con cứ tròn thao láo
như hòn sỏi ném theo đoàn quân đi…
Bao lứa trẻ từng lớn lên như thế
gặp lũ trẻ con nay bắt gặp tuổi thơ mình
tuổi thơ của em
tuổi thơ của anh
gặp lại cả mấy thời chạy loạn
thời là tản cư thời là sơ tán
gian nan xưa cứ tưởng đã cũ rồi !
Quân đi, quân đi
ngược lên biên giới
có cái nhìn như sỏi ném sau tôi…
(Lạng Sơn,18. 2.1979 )

ĐÊM Ở CHỐT 417

Thâm lũng, Tam lung… chìm nghỉm trong đen
bất chợt lại xanh lè đạn nổ
lửa đốt lòng ta những đêm không ngủ
là ánh đèn đã tắt dưới làng dân
(Lạng Sơn, 22 .2 .1979)

DẠ HƯƠNG

Sẽ rất nhớ dáng người vừa thoáng gặp
chiều Lạng Sơn súng nổ rụng hoa đào
những giọt máu của vườn cây vung vãi
trường sơ tán rồi, cô giáo còn chốt lại
khẩu súng thép chéo lưng con gái
ôi tấm lưng kia ngỡ sinh ra để mà mềm mại
dáng điệu ấy chốt lại lòng ta mãi
như dạ hương thoáng gặp một đêm nào
(Lạng Sơn, 22 .2 .1979)

ẢI CHI LĂNG

Ải Chi Lăng! Ải Chi lăng !
lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
gập ghềnh lũng thấp đồi cao
vũng lầy thành ruộng đã bao nhiêu mùa
Chập chờn trận mạc xa xưa
quân reo ngựa hí gươm khua dậy trời
thịt xương xưa hóa đất rồi
nợ xưa còn để nặng đời sau ư ?
Gió trên vách đá ù ù
nghe
tù và dội xuống từ cao xanh…
(Mặt trận Lạng Sơn, 23. 2 .1979)

NGUYỄN DUY.

Theo Quê Choa

1 nhận xét:

  1. Những câu thơ giản dị, chân thật đã vẽ lên hình ảnh miền biên giới thật đẹp vào mùa xuân (đào nở), nhưng đồng thời cũng in lên nhưng cảnh đau thương mất mát của người dân vùng biên giới trong thời gian quân giặc tàn phá.

    Trả lờiXóa