Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Huỳnh Quốc Huy: TẾT ĐOAN NGỌ - MÙNG 5 THÁNG 5 (ÂM LỊCH):



NÉT VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NỀN VĂN MINH LÚA NƯỚC - CƯ DÂN MIỀN NHIỆT ĐỚI !!!

Hổm rày nhiều anh chị em thắc mắc, thậm chí tranh cãi về việc Tết Đoan Ngọ (Mùng 05 tháng 05 Âm lịch hàng năm) là sinh hoạt truyền thống có nguồn gốc từ người Hoa hay người Việt (?). Một số báo còn cho biết ở Hàn Quốc cũng có "Tết Đoan Ngọ", nhưng với những nét sinh hoạt truyền thống hoàn toàn khác lạ (?).
Vậy, đâu mới là "quê hương" của Tết Đoan Ngọ?

Tên gọi Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, xuất hiện rộng rãi ở cộng đồng người Hoa và người Việt. Cộng đồng người Hàn Quốc gọi là Tết Duna. Tại Việt Nam, chủ yếu là nhóm người Kinh & người Mường, thực chất là hậu duệ của Nam Việt & Âu-Lạc Việt, mới có các hoạt động ăn Tết mùng 05 tháng 05 (dù có vài khác biệt). Các dân tộc anh em khác của Việt Nam không ăn Tết này.
Có một điểm thú vị cũng nên nhắc đến là, rất nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống giữa cộng đồng 03 dân tộc (03 quốc gia) nói trên đều có ít nhiều liên quan, gắn kết và trùng hợp nhau. Trong đó đáng chú ý nhất là tập quán dùng Âm lịch (lịch tính theo chu kỳ của mặt trăng), ăn Tết Nguyên đán hay Tết chịu tuổi - sinh hoạt văn hóa quan trọng nhất trong năm... Cho nên, việc xác định nguồn gốc một sinh hoạt văn hóa nào đó diễn ra ở cả 03 cộng đồng, để xác lập sự "sở hữu", là điều rất khó khăn.

Tuy nhiên, có thể xem xét, so sánh vài khía cạnh sau đây, sẽ thấy sự khác biệt gợi lên những “ý niệm thú vị”:

1. Về vũ trụ quan:
Theo quan niệm truyền thống của người Á Đông, các mùa trong năm - thời tiết khí hậu - mùa màng cây trái - sức khỏe con người... đều chịu ảnh hưởng bởi quy luật tuần hoàn Âm - Dương của vũ trụ. Mùa Hè theo quan niệm này, là mùa của khởi đầu khí Dương, mặt trời cực nóng, Dương khí cực thịnh...
Theo Hán tự (phồn thể): Đoan có nghĩa là “mở đầu”. Ngọ là một chi trong 12 Chi (12 con giáp) - cũng thuộc Dương. Giờ Ngọ là chỉ thời điểm “giữa trưa”, cũng là lúc khí Dương đang cực thịnh. Tên gọi Tết Đoan Ngọ, hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, là thể hiện vũ trụ quan ấy.
Thuyết Âm - Dương - Ngũ hành và Kinh dịch... đã có sử liệu nghiên cứu, chứng minh khởi nguồn từ nước Nam Việt cổ (Tổ tiên người Việt ngày nay); không phải từ nhà Tần hoặc nhà Hán (tổ tiên người Hán ở Hoa lục ngày nay). Sau khi thâu tóm và thực hiện chính sách đồng hóa về Văn hóa, chủ thuyết này được người Hán tiếp thu - phát triển và truyền bá mạnh mẽ ở khắp đại lục rồi lan rộng sang các nước láng giềng Á Châu.
Về tâm thức “thờ Mặt trời”, dựa trên nghiên cứu về Văn hóa Hòa Bình và Trống đồng Đông Sơn, các nhà khảo cổ - sử gia cũng đã cho rằng: các bộ tộc Việt thuộc “Bách Viêt” đã hình thành tín ngưỡng “Nhật Tâm” sớm nhất. Có nghĩa là, người Việt vốn xem Mặt trời là trung tâm vũ trụ và mọi thực hành văn hóa, tâm linh, hoạt động sản xuất... đều xoay quanh và dựa vào các quy luật - chu kỳ năng lượng của Mặt trời. Trong khi đó, cộng đồng người Hán cổ và ngươi Hàn cổ lại sinh sống ở vùng ôn đới, sinh hoạt tâm linh dựa trên thuyết “Địa tâm” - lấy trái đất làm trung tâm.
Do đó, một cộng đồng dân cư ý niệm chọn ngày “chí dương - chí nhiệt”, ngày Mặt trời thể hiện sự mạnh mẽ và uy lực nhất, để tổ chức một cái Tết quan trọng nhất nhì trong năm.... hẳn cộng đồng ấy phải có lý do rất đặc biệt, rất gắn kết với đời sống sinh hoạt thường nhật của họ.

2. Về địa văn hóa:
Về quan niệm địa lý (phương - hướng) cổ xưa, thì “Dương” hay “Ngọ” cũng được cho là “tại vị” ở phương Nam. Ngọ thuộc cực Dương. Tháng 5 cũng là tháng Ngọ. Do vậy, ngày mùng 05 tháng 05 Âm lịch hàng năm được cho ngày mà Dương khí cực thịnh, tràn ngập nhất trong tất cả các ngày trong năm ở đất phương Nam ấm áp. Nói cách khác, ngày này, tháng này là Phương Nam đón nguồn năng lượng cực thịnh, cực dương.
Chưa thể chắc chắn xác tín, nhưng yếu tố “địa văn hóa” này cho môt gợi ý: trong 03 cộng đồng cùng đang thực hành và bảo tồn nét văn hóa này, rõ ràng Tổ tiên của cộng đồng Việt là luôn sinh sống và phát triển ở phương Nam. Họ luôn có xu hướng Nam tiến - khai phá mở cõi về phương Nam trong vòng nhiều thế kỷ liên tục đây. Người Hàn thì ổn định định cư phía Đông Bắc, hướng về biển, so với hai cộng đồng Việt - Hoa. Trong khi đó, tư duy trị quốc của tổ tiên người Hoa (trải từ nhà Tần - Hán - Tùy - Đường - Tống - Nguyên - Minh) gần như rất xem thường đồng bằng châu thổ & vùng duyên hải; không hề có ý niệm “chiếm hữu” sông ngòi - biển đảo (như hiện nay)... Tổ tiên họ chọn núi, cao nguyên, bình nguyên làm điểm định cư; thiên về phía Bắc. Họ quan niệm: “Quân tử ở trên núi - Tiểu nhân ở dưới biển”; hoặc Dân ở trên núi - thượng nguồn các con sông thì gọi là “thượng lưu”, dân ở dưới đồng bằng - châu thổ hạ nguồn các con sông thì gọi là “hạ lưu”...
Thực ra, chuyện “giao thoa” khiến các cộng đồng người phương Bắc cùng thực hành một hoạt động văn hóa với người phương Nam, người vùng này thực hành chung một tín ngưỡng với vùng khác... trên thế giới diễn ra rất nhiều và hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu đi đến kết luận: một sinh hoạt văn hóa truyền thống cộng đồng quan trọng như “Tết”, với đầy đủ các yếu tố đặc trưng phương Nam - nhiệt đới - hướng “Nhật tâm”; nghĩa rằng hoặc cố gắng gán ghép nó có gốc tích từ phương Bắc - cận ôn đới - hướng “Địa tâm”... có điều gì đó không ổn (?!).

3. Về mùa vụ nông nghiệp:
Tết mùng 05 tháng 05 còn được đông đảo giới bình dân của cộng đồng người Việt gọi là “Tết nửa năm” - chỉ quan trọng xếp sau Tết Nguyên đán. Điều này tôi chưa nghe, chưa thấy tài liệu nào xác nhận sự “trùng lặp” ở các cộng đồng người Hoa hay người Hàn. Thậm chí với cộng đồng người Hoa, Tết Trung thu (rằm tháng 8 Âm lịch) mới được coi là ngày Tết quan trọng sau Tết Nguyên đán.
Có thể lý giải sự khác biệt này dựa trên tập quán sinh hoạt gắn với nền nông nghiệp lúa nước của cư dân phương Nam - miền nhiệt đới gió mùa. Cụ thể, dân Việt sớm định cư sinh sống dựa vào các con sông, đồng bằng, cửa biển... Mùa màng cây trái của họ đều phụ thuộc vào sự tuần hoàn của hai mùa trong năm: mùa mưa & mùa khô. Cư dân Việt gọi mùa vụ canh tác lúa của mình là “lúa mùa” là vì vậy.

Vụ mùa thường tính từ khi bắt đầu gieo sạ - trồng trọt vào đầu mùa mưa, khoảng tháng Sáu Âm lịch. Vụ mùa này kéo dài suốt từ 7 đến 8 tháng (tùy vùng châu thổ, lưu lượng nước sông, giống lúa...) mới thu hoạch. Cho nên, khi bước vào tháng Giêng cũng chính là lúc kết thúc mùa vụ, thu hoạch gặt hái xong xuôi. (Phong tục “ra Giêng anh cưới em” của ông bà mình, tức là đợi ra mùa gặt, có lúa có tiền, có của tích góp... mới lấy vợ gả chồng. Cư dân phương Nam mình ngày xưa đã rất là tiến bộ đó nhe!). Do đó, bắt đầu từ tháng Giêng, là chuỗi những ngày cư dân nông nghiệp phương Nam bất đầu nghỉ ngơi, vui chơi, thơ phú, hát hò, tiệc tùng cưới gả, hội hè sắm sửa... Thành ngữ “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là như thế. Đến giữa Mùa hè - từ tháng 05 Âm lịch - cũng chính là thời điểm kết thúc mùa hội hè, chuẩn bị bước vào mùa vụ mới. Đối với cư dân phương Bắc, gốc tích từ vùng bình nguyên, thảo nguyên... việc chăn thả và phát triển các đàn gia súc (dê, cừu, bò...) là nhiệm vụ quan trọng nhất của cộng đồng. Thì đối với cư dân Việt phương Nam, mùa vụ - cụ thể là “lúa mùa” mới là việc quan trọng nhất.
Nên không quá khó hiểu khi thời điểm Mùng 05 tháng 05 được cư dân phương Nam cũng chọn là “Tết giữa năm” - như một sinh hoạt văn hóa đặc biệt (chỉ đứng sau Tết Nguyên đán), nhằm đánh dấu thời điểm bước vào mùa vụ mới.

4. Về tâm thức và sự khác biệt trong thực hành văn hóa:
So với cộng đồng người Hoa và người Hàn, các hình thái sinh hoạt văn hóa truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của cộng đồng người Việt có nhiều điểm dị biệt và có phần phong phú, vượt trội về ý nghĩa tâm thức lẫn hình thức.

- Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, không khó để nghe cư dân truyền tai nhau:
“Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường - Văn Lang” - Ca dao.
Hai câu ca dao này chứng tỏ, hậu duệ của cộng đồng người Âu-Lạc Việt cổ đã sớm thực hành các nghi thức văn hóa trong Tết Đoan Dương (Đoan Ngọ) như một lễ Giỗ Tổ - cụ thể là Quốc mẫu Âu Cơ của bộ tộc Văn Lang. (Chú thích: Bộ tộc này được cho là thủy tổ của Âu-Lạc Việt, sau đó đã được sát nhập vào nước Nam Việt trong quá trình Triệu Đà của Nam Việt quốc nam tiến, dùng kinh tế để thâu tóm, mở mang bờ cõi đến đồng bằng sông Hồng...).
Có lẽ vì lý do này, nên ngày Mùng 05 tháng 05 xa xưa, nhà nhà đều gói bánh ích tro (có nơi gọi là bánh ú), với đặc trưng là nếp được ngâm trong nước tro, khi bánh nấu chín cho màu trong cánh gián rất bắt mắt. Theo tín ngưỡng truyền thống của ngươ Việt, bánh ích (phương Nam, đồng âm với “ÍT”) được coi là một vật phẩm chính trong mâm cúng giỗ Tổ tiên ông bà, đến ngày nay vẫn vậy.
(“Bánh gì đám giỗ, chẳng dám đòi nhiều?” - câu đố dân gian).

- Vùng Đông Nam Bộ, Tết mùng 05 tháng 05 được cư dân gọi là “Ngày Vía Bà", một Đại lễ thờ “Linh Sơn Thánh Mẫu” (hay còn gọi là hiện thân của “Quán Thế Âm Bồ tát”). Hoạt động tâm linh này diễn ra hàng năm trên núi Bà Đen (thuộc tỉnh Tây Ninh) - ngọn núi cao nhất, cổ nhất & có ý nghĩa tâm linh rất linh thiêng của cư dân cả vùng. Ngày này, cư dân quanh vùng xa xưa có tập tục đi Lễ đền Thánh Mẫu, cũng với mâm bánh ích tro, trái cây, hương đèn... rất trang trọng.
Có thể, đây là tập tục đến từ bộ phận cư dân từ “đàng ngoài”, vào nửa sau thế kỷ 16 đã di cư theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, khẩn hoang mở cõi. Họ đem theo cả tín ngưỡng “Giỗ Quốc Mẫu” từ miền Bắc vào Nam. Rồi qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, các thế hệ sau đã cải biến - hợp nhất với tín ngưỡng Phật giáo... thành Lễ cúng Thánh Mẫu cũng nên.

- Vùng Nam Bộ cũng tương tự, hầu hết các nóc gia xưa đều gói bánh ích tro, chuẩn bị mâm trái cây, hoa tươi, trà bánh... để cúng bái tưởng nhớ Tổ tiên. Điều thú vị khi nghiên cứu về Tết mùng 05 tháng 05 vốn được đồn thổi, nghi ngờ và/hoặc thiên về ý kiến cho rằng ngày lễ xuất phát từ người Hoa phương Bắc; nhưng thực chất việc thực hành tín ngưỡng tâm linh “GIỖ” thi chỉ có ở cộng đồng người Việt phương Nam, duy trì ở cả 03 vùng miền khác biệt. Ngày này đang được duy trì gần như một hình thái “ngày Giỗ Tổ” chung của cả cộng đồng người Việt. Thậm chí chủ trương - xu hướng lấy ngày Mùng 10 tháng 03 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc giỗ - Giỗ Tổ Hùng Vương... thực chất cũng không được đông đảo cộng đồng dân cư trên cả nước đón nhận bằng Mùng 05 tháng 05. Có thể lý giải điều này ở góc độ ý thức Mẫu hệ còn tồn tại trong tâm thức văn hóa người Việt một cách sâu đậm. Nguồn gốc của dân Nam Viêt & Âu-Lạc Việt đều từ các bộ tộc Mẫu hệ. Nên có lẽ từ xa xưa, việc thờ Quốc Mẫu Âu Cơ (Mẹ) dễ dàng được đón nhận, duy trì thực hành rộng rãi hơn. So với Giỗ Hùng Vương (Cha) - mới được một nhóm các sử gia - trí thức miền Bắc xác lập từ 1917; cơ quan quản lý nhà nước cũng “quảng bá” tích cực trong vài năm gần đây... nhưng vẫn là một sự khập khiễng, khiêng cưỡng...

- Đặc biệt, Tết Đoan Ngọ ở miền Nam, đặc biệt là vùng Nam kỳ lục tỉnh, được biết đến nhiều hơn cả dưới tên gọi “Tết giết (diệt) sâu bọ”. Cư dân miền Tây - hậu duệ của các thế hệ can trường - cùng 09 đời Chúa Nguyễn vào Nam khẩn hoang mở đất. Họ vẫn cúng bái Tổ tiên, tạ ơn tiền nhân, cũng làm bánh ích tro, càng “thừa mứa” trái cây, hoa tươi, bánh mứt... Nhưng có lẽ càng xuôi về Nam (gần đường xích đạo), việc canh tác mùa màng vùng nhiệt đới càng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch hại... Nên vào đúng Ngọ (12 giờ trưa) ngày Tết Đoan Ngọ, mỗi gia đình nông dân xa xưa ở miền Tây luôn mang bếp củi, ra trước sân nhà bắt lửa đung nóng những cái nồi hoặc chảo lớn (mà chẳng có chứa gì bên trong). Vừa đun, họ vừa dùng đũa khuấy đảo liên tục trên đáy nồi - chảo trống và nóng hừng hực... Miệng họ khấn vái lầm thầm để cầu Mặt trời chính Ngọ, với một năng lực “siêu nhiên” nào đó từ vũ trụ xa xăm... giúp họ tiêu diệt bớt sâu bọ phá hại mùa màng, hạn chế dịch bệnh tấn công con người.

Điểm đáng chú ý chung ở đây là vào mùa Hè, tháng 5 âm lịch hàng năm, cũng chính là lúc thời tiết vùng nhiệt đới thay đổi, trở ên oi ả và nóng bức nhất. Các loại dịch bệnh, nấm mốc, sâu hại cũng xuất hiện nhiều hơn, tấn công cả hoa màu cây trái lẫn sức khỏe con người. Cho nên ngoài nghi thức “bắt chảo diệt sâu” phá hại mùa màng, cộng đồng dân Việt còn thực hành một nghi thức văn hóa mang tính biểu trưng: “tiêu diệt mầm dịch bệnh” trong cơ thể con người. Vào ngày này, người ta hay chọn ăn các món ăn có vị chua, chát... đặc biệt là trái cây. Theo quan niệm của ông bà xưa, các vị cây trái này có thể diệt “sâu” trong bụng, gây dịch bệnh hại con người.

(Thật thú vị là, Y học dinh dưỡng ngày nay cũng đã chứng minh rằng, các loại cây trái có vị chua - chát thường chứa nhiều Vitamine C và chất chống Oxy hóa, giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống lại bệnh tật... nhất là các dịch bệnh phát triển theo chu kỳ ở xứ nhiệt đới. Hơn nữa, tục ăn trái cây chua - chát, uống trà vào sáng sớm, rồi nhịn đói đến bữa cơm trưa... cũng là cách diệt giun sán trong đường tiêu hóa khá hiệu quả. Ông bà ta xưa rất là “văn minh” phải hong nè?).

THAY LỜI KẾT:

Để phân biệt rạch ròi, tìm ra chứng cứ xác tín một sinh hoạt văn hóa truyền thống - sinh hoạt tâm linh hàng ngàn năm nào đó khởi nguồn từ đâu, vốn không dễ dàng. Các nhà sử học, khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học... phải tốn rất nhiều công sức, thời gian mà chưa hẳn tìm ra được tất cả các câu hỏi “bí ẩn” ấy.
Trong trường hợp này, nguồn gốc Tết Đoan Ngọ - Tết Đoan Dương - Tết diệt sâu bọ... vốn vẫn là đề tài gây tranh cãi. Những cứ liệu mà tôi trình bày ở trên, chủ yếu đưa ra để các anh chị và các bạn có thêm cái nhìn tổng quát, đối chiếu, so sánh, gợi lên các ý niệm tôi cho là thú vị. Tôi cũng tin mỗi người sẽ tự rút ra một két luận cho riêng mình mà tôi chẳng cần phải áp đặt hay ép uổng ai nhận nlaasy ý kiến chủ quan của tôi.

Xét cho cùng, ngoài Tết Nguyên đán - chịu tuổi ra, dù muốn dù không, hàng ngàn năm qua các cộng đồng dân Việt từ Nam chí Bắc vẫn duy trì và thực hành Tết Mùng 05 tháng 05 một cách đều đặn, nghiêm túc, sinh động và thiêng liêng. Tương tự, cộng đồng người Hoa, cộng đồng người Hàn cũng duy trì sinh hoạt văn hóa này một cách rộng rãi với những hình thái đặc sắc và riêng biệt. Ngoài Hàn Quốc từng có chủ trương đề nghị Unesco công nhận Tết Duna của họ là một “di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”, vấp phải sự phản đối rất quyết liệt của cộng đồng người Hoa... thực tế chưa có ghi nhận nào vè “xung đột - tranh chấp văn hóa” giữa 03 cộng đồng này với nhau - liên quan đến Têt mùng 05 tháng 05.
Việc phải bới móc - trưng ra cho kỳ được nguồn gốc chính xách của một sinh hoạt văn hóa vốn được tiếp thu, truyền bá, thực hành và chấp nhận rộng rãi trong hòa bình giữa 03 cộng đồng hàng trăm triệu người như thế... có còn quá cần thiết hay không?

Cá nhân tôi, tôi cảm thấy có khi phải “tự hào” về điều này. Dạng như người La Mã khi đồng hóa và đánh chiếm Hy Lạp, họ mang một niềm kiêu hãnh rất là “quang vinh - vĩ đại”. Nhưng sau đó, đến tận bây giờ, những giá trị nhân bản rực rỡ của nền văn minh Hy Lạp lại “phủ ánh sáng” khắp La Mã và lan rộng trên cả Châu Âu. :)

Chúc các anh chị và các bạn ngày Tết giữa năm - Tết diệt sâu bọ thật no ấm, vui tươi và ấm áp!


(Nguồn: TUI; hinh ảnh: sưu tầm Internet)

===

P/s: Hơi chuyên môn xíu nên Stt này hỏng "Welcome" các bé HVB-DLV, cuồng đảng, cuồng lãnh tụ... và các cái cùng loài.
Thông cảm nghen!

P/s of p/s: Các bé kiên trì bấm report nhiều dzô. Cuối tuần này anh quỡn.... xóa nữa là anh đăng lại nữa á...!!!
há..há..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét