Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

'Mỹ thực tâm giúp nước nào là nước đó sẽ phú cường, nhưng...'



Thực tế chứng minh, Mỹ đã giúp nước nào thì nước đó đều trở nên phú cường hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Tây Âu...và bản thân TQcũng cần Mỹ.



Sau hai ngày nhóm họp tại Đức, hôm 8/6 nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung. Trong đó, G7 nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như việc sử dụng hợp pháp, tự do và không cản trở đối với các đại dương trên thế giới. Kiên quyết phản đối sử dụng dọa nạt, cưỡng ép hoặc vũ lực, đơn phương áp đặt biện pháp nhằm tìm cách đảo ngược nguyên trạng cũng như tôn tạo đất đai trên quy mô lớn.

Các nước G7 khẳng định duy trì một hệ thống đặt nền tảng trên các quy định trong lĩnh vực hàng hải phải dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc vềLuật Biển năm 1982.

Mặc dù không chỉ đích danh nước nào nhưng ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản bác và cho rằng, đề nghị của các nước G7 là xa rời thực tế và luật pháp quốc tế.

Trong khi Mỹ, các nước G7 và ASEAN bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam – PV), thì vấn đề này tiếp tục trở thành tâm điểm trên các tờ báo lớn trên thế giới.

Để có thông tin đa chiều, phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ Quốc, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc.



Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc

Ông có thể nhận xét khái quát tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc nói chung trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, đặc biệt là từ khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông (từ 1/5-15/7/2014) và nay là hoạt động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam? Theo ông, trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh có thay đổi, biến động nào đáng chú ý?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Với hơn 50 năm làm việc và nghiên cứu về Trung Quốc, tôi xin điểm qua về mối quan hệ giữa Việt – Trung luôn gắn theo những thăng trầm lịch sử.

Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc ta, Trung Quốc là một nước anh em đã giúp đỡ ta. Tuy nhiên, đến năm 1974, thì chính Trung Quốc lại có hành động cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tiếp đó là các cuộc chiến tranh Biên giới 1979 cho tới Hải chiến Trường Sa năm 1988.

Hay gần đây nhất, khi Việt Nam đang mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các quốc gia thì chính Trung Quốc lại có những hành động phi lý khi khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông bằng yêu sách “đường 9 đoạn” mà họ tự vẽ ra.

Sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014, mối quan hệ của ta với Trung Quốc đã có những chuyển biến khác. Chính vì vậy mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh cũng có nhiều biến động.

Điều đặc biệt là, chính nhiều nước lớn trên thế giới cũng bất ngờ khi Việt Nam đã khôn khéo khi cương quyết trong việc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình cũng như có những đối sách phù hợp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sự căng thẳng hiện nay.Theo dõi các thông tin chính thống thường được phát đi từ Bộ ngoại giao Trung Quốc hay trong các bài phát biểu, tuyên bố của các quan chức nước này, có thể nhận thấy là mỗi khi Bắc Kinh bị một nước, một nhóm nước hay một tổ chức quốc tế nào lên án vì những hành vi xâm phạm chủ quyền, ráo tiết xây đảo, hình thành cơ sở, căn cứ quân sự bất hợp pháp trên Biển Đông là y như rằng Trung Quốc sẽ đưa ra lý luận ngang ngược là “đó là chủ quyền của Trung Quốc” (tất nhiên Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp), thậm chí, có những lần Trung Quốc còn ngang nhiên tố cáo cho rằng việc xây dựng của mình ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN) cũng giống như một số nước khác trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc lý luận rằng Việt Nam, Philippines cũng tiến hành xây dựng ở Trường Sa sao nước khác không lên án. Ông có thể nói rõ hơn để dư luận thấy rõ bản chất của Trung Quốc? Theo ông, hoạt động xây dựng của Việt Nam ở Trường Sa ở mức độ nào, có ảnh hưởng gì đến hoà bình, trật tự khu vực hay có đe doạ an ninh cho nước nào đó như Trung Quốc đã làm hay không?


Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Không phải bây giờ mà từ năm 2005, tôi đã có ý kiến về việc Trung Quốc chính là một anh bạn cần phải đề phòng. Chính vì vậy, Việt Nam cần hợp tác sâu sắc hơn với Mỹ, Nhật thì mới có thể có cơ hội đưa kinh tế đất nước đi lên được, tránh được sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Để đánh giá đa diện, chúng ta phải nhìn vào bản chất sâu xa của Trung Quốc chứ đừng chạy theo các sự kiện mà họ tạo ra. Bởi, bản chất họ đã là cố hữu rồi thì những hành động gây hấn ngang ngược có tính chất nguy hiểm, leo thang trên Biển Đông dường như sẽ không có điểm dừng.

Việc Trung Quốc từ hơn một năm nay đã có những hành động cải tạo các đảo đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với diện tích lớn hơn gấp nhiều lần hiện đã và đang bị dư luận khu vực và quốc tế lên án mạnh mẽ.

Họ đang muốn biến tham vọng bá chủ Biển Đông bằng yêu sách “đường 9 đoạn” vô lý để thống trị toàn bộ gần 90% diện tích vùng biển này. Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đi ngược lại hoàn toàn những quy định của Luật pháp Quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.

Trung Quốc đã và đang mong muốn thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và từ đó, có thể mở rộng, gây ảnh hưởng tới nhiều khu vực khác trên thế giới. Đồng thời, Trung Quốc đã đẩy mâu thuẫn và tranh chấp trên Biển Đông lên một giai đoạn mới, phức tạp và khó lường hơn.

Không những thế, việc Trung Quốc biến các đảo này thành các căn cứ quân sự, bằng chứng là hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy, họ đã xây dựng đường băng dài đến hàng trăm mét để các máy bay quân sự có thể cất, hạ cánh dễ dàng.

Xây dựng các cảng neo đậu của tàu chiến, hải cảnh, hải giám, ngư dân vào tiếp dầu... ngoài gây nguy hiểm cho Việt Nam, nó còn đe dọa trực tiếp đến an toàn, an ninh hàng hải, hàng không của thế giới.


Hình ảnh được cho là bản quy hoạch trái phép của Trung Quốc thực hiện ở bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hoạt động xây dựng của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thời gian vừa qua là hoàn toàn trong phạm vi cho phép của UNCLOS 1982 quy định, không gây ảnh hưởng gì tới tự do và an ninh hàng hải.

Sau khi kết thúc Đối thoại Shangri-la 2015 tại Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tới thăm và làm việc tại Việt Nam trong 2 ngày. Trong chuyến thăm này, ông Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã cùng ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ. Cá nhân ông có đánh giá gì về chuyến thăm Hà Nội của người đứng đầu Lầu Năm Góc?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Trải qua các giai đoạn cải cách và đổi mới, bình thường hóa quan hệ với Mỹ rồi gia nhập ASEAN năm 1995 cũng như việc tích cực gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam và Mỹ đang có những hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Quốc phòng - An ninh đang có những bước phát triển mới, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Mỹ đã có những hành động cứng rắn nhằm ngăn chặn việc làm ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Điển hình là việc hôm 20/5, Mỹ điều máy bay do thám tới quanh khu vực 12 hải lý quanh đảo mà Trung Quốc đang cải tạo ở Biển Đông. Điều này cho thấy, Mỹ đang có những bước đi quyết đoán hơn trong việc chế ngự sự ngạo mạn của Trung Quốc tại khu vực này.

Thực tế chứng minh, Mỹ đã giúp nước nào thì nước đó đều trở nên phú cường hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Tây Âu… Bản thân Trung Quốc cũng xác định Mỹ là một quốc gia không hề “dễ chơi” một chút nào nhưng ngay cả Trung Quốc cũng cần Mỹ.

Do vậy tôi đánh giá, việc người đứng đầu Lầu Năm Góc thăm Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng cho mối quan hệ hợp tác của hai nước trong bối cảnh hiện nay.

Việt Nam của chúng ta là một nước nhỏ so với các siêu cường, nhưng, dù nhỏ chúng ta cũng phải quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, có chính kiến của riêng mình miễn là điều đó phù hợp với quyền lợi chính đáng của ta, phù hợp với luật pháp quốc tế và được dư luận ủng hộ. Trung tuần tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã từng nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó". Có phân tích cho rằng trong quan hệ với các nước lớn, chúng ta cần chủ động hơn nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các siêu cường. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nhiều học giả cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác với Mỹ để đối phó với Trung Quốc, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận ở những khía cạnh khác.

Việt Nam có cả biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc nên công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đương nhiên sẽ có những đặc thù riêng biệt so với Nhật Bản, Philippines và một số nước khác.

Việt Nam cần tiếp tục tận dụng và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trên các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, Liên Hiệp Quốc, G7… để cùng lên án những hành động sai trái của Trung Quốc và giảm thiểu những căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Hòa bình hữu nghị sẽ là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế nhưng cũng cần nhấn mạnh tới yếu tố độc lập về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Với mục tiêu đối ngoại nhằm duy trì môi trường hòa bình, độc lập để phát triển, Việt Nam sẽ có những chính sách phù hợp và khôn khéo trong quan hệ với cả hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Một bài học mà tôi thấy chúng ta cần phải chú trọng là bài học về thông tin. Chúng ta cần phải mạnh dạn đưa ra những thông tin, bằng chứng về hành động ngang ngược, sai trái của Trung Quốc để nhân dân, cộng động quốc tế thấy rõ và ủng hộ Việt Nam.

Điều quan trọng hơn cả mà cá nhân tôi thấy là Việt Nam cần phải tiếp tục đấu tranh khôn khéo để Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta.

Xin cảm ơn ý kiến chia sẻ của ông!

Cao Tuân – Đình Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét