04.06.2016
40,1 triệu USD và ‘tình báo hàng hải’
Cuối tháng 5/2016, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Obama rời Việt Nam với món quà gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, một tờ báo nhà nước là VietTimes dẫn lại bài của hai tác giả - giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Hải chiến Mỹ và Nguyen Nhat Anh thuộc khoa Kinh tế chính trị Đại học Texas, cho biết chính quyền Mỹ đã cam kết cấp cho Việt Nam 40,1 triệu USD trong niên khóa 2015-2016 trong khuôn khổ Sáng kiến an ninh hàng hải nhằm hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải, giám sát và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Nguồn ngân sách này cũng sẽ giúp mua các thiết bị phòng thủ hàng hải và hỗ trợ huấn luyện cũng như tập luyện chung để nâng cao năng lực phối hợp tác chiến.
Gần đây, VietTimes thuộc một nhóm báo nhà nước rất sốt sắng với những tín hiệu mới Việt - Mỹ. Tựa đề mới nhất của báo này là “Cam Ranh ‘vừa’ tàu sân bay Mỹ, sĩ quan Việt Nam cưỡi ‘sát thủ’ P-3 ở Hawaii”.
Những tin tức về “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” cần được đặc biệt lưu ý - xét trên phương diện chiều sâu của mối quan hệ Việt - Mỹ và “làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện” - một cách nói như trả bài của giới lãnh đạo Việt Nam.
Nếu thông tin “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” và con số 40,1 triệu USD như VietTimes dẫn lại là đúng, có thể ghi nhận đây là lần đầu tiên từ sau cuộc gặp Obama - Trương Tấn Sang tại Washington vào năm 2013 với bản tuyên bố 9 điểm về đối tác toàn diện, và sau Hội nghị đối thoại về an ninh quốc phòng Shangri-La tổ chức tại Singapore cũng vào năm 2013, Mỹ bắt đầu ra mặt tài trợ cho hoạt động tình báo quân đội của Việt Nam.
T1 có nhiệm vụ gì?
Có một sự kiện có vẻ liên quan đến thông tin “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” trên: vào ngày 21/5/2016, chỉ 24 tiếng trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập một đơn vị tình báo mới mang bí số T1. Sự kiện này đã được công bố trên báo chí nhà nước, tuy không hề đề cập đến chức năng nhiệm vụ, đối tượng tình báo và phạm vi hoạt động của cơ quan tình báo T1.
Gần đây nhất, giới lãnh đạo chính trị Việt Nam thường nêu ra một yêu cầu đối với Tổng cục 2: “Tình báo Quốc phòng phải phục vụ đắc lực, hiệu quả hơn nữa cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội kịp thời phát hiện, đánh giá đúng tình hình để xác định chủ trương, sách lược và biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là bị động, bất ngờ về chiến lược”.
Đặc biệt, “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là bị động, bất ngờ về chiến lược” là một cụm từ xuất hiện khá thường xuyên trong chỉ đạo chính trị sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào Biển Đông như vào chốn không người trong năm 2014. Có dư luận là sau đó, vai trò của Tổng cục 2 được “nâng cấp” hơn. Nhưng phải sau khi vai trò của “tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh thật sự chấm dứt trong thời gian Hội nghị trung ương 14 vào tháng Giêng năm 2016 và tại kết quả công bố của Đại hội XII của đảng cầm quyền trong cùng tháng đó, Tổng cục 2 mới có những biểu lộ “giãn Trung” hơn.
Một chi tiết khác cần được phân tích là việc công bố trên báo chí về thành lập đơn vị tình báo mới của Bộ Quốc phòng, kể cả bí số T1 của đơn vị này, có thể được xem là bất thường, nếu đối chiếu với truyền thống bảo mật tuyệt đối chứ không phải phô trương về thông tin của những cơ quan đặc biệt, nhất là cơ quan tình báo thuộc tầm “chiến lược”.
Hẳn nhiên, có thể xem việc công bố về cơ quan tình báo T1 là hành động có dụng ý của Bộ Quốc phòng - cơ quan chủ quản của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trong thời gian khoảng hai năm qua, không biết vô tình hay hữu ý, báo chí nhà nước thỉnh thoảng lại “lộ hàng” một số vũ khí, khí tài quân sự cùng khả năng tác chiến của một số đơn vị được coi là “thiện chiến” của Việt Nam, trong đó có đặc công nước.
Còn nhiệm vụ và đối tượng tình báo của T1 là gì?
Trước đây nhiều năm, thông thường sự xuất hiện của một cơ quan tình báo là nhằm đối phó với hoặc “kẻ thù truyền kiếp” là Trung Quốc, hoặc “kẻ thù số một” là Mỹ.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, cùng với chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của người Mỹ, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch tập kích Việt Nam, không phải trong tương lai xa mà có thể ngay trong vài năm tới, thậm chí ngay trong một số tháng tới. Vào cuối năm 2015, việc Trung Quốc mang pháo phòng không và tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa mà “không thèm hỏi ý kiến Hà Nội” hẳn đã khiến giới lãnh đạo Việt Nam hoảng sợ đến mất ngủ.
Nếu nỗi sợ của Hà Nội là đủ lớn và khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ là đủ gần, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, không loại trừ khả năng cơ quan tình báo T1 mang trên mình nhiệm vụ tình báo hàng hải, với đối tượng nghiệp vụ và phạm vi tình báo là hoạt động của những đơn vị hậu cần kỹ thuật và tác chiến của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Và nếu thông tin về việc người Mỹ đang ra mặt tài trợ cho tình báo hàng hải của Việt Nam trong mối liên hệ trực tiếp với lực lượng Cảnh sát biển của Bộ Quốc phòng, có thể cho rằng T1 cũng nằm trong hoạt động hợp tác hỗ trợ này. Thậm chí T1 còn có thể đóng vai trò là “hạt nhân” của hoạt động hợp tác.
Việt - Mỹ ‘sâu’ đến đâu?
Từ ngữ “hạt nhân” đã từng được vài quan chức và báo chí Việt Nam sử dụng khi nói về mối quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng trong dịp tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng công an - đến Washington vào tháng 3/2015 để chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng hiện tượng mà giới quan sát quốc tế còn quan tâm hơn là bên cạnh những nội dung “chuẩn bị”, tướng Quang đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với giới chức an ninh Mỹ, từ Cục Điều tra liên bang (FBI) đến Cục Tình báo trung ương (CIA), thậm chí với cả quan chức quốc phòng Mỹ. Có bình luận cho rằng với nhiều cuộc gặp đa dạng, dường như chuyên sâu và hơi lạ lùng ấy, vai trò của tướng Quang không còn đơn thuần là một bộ trưởng.
Cũng vào thời gian cuối quý 1 năm 2015, ở Việt Nam đã bắt đầu đồn đoán về sự thay đổi vị trí của ông Trần Đại Quang. Bắt đầu xuất hiện thông tin về việc ông Quang có thể được “cơ cấu” cao hơn, thậm chí vào một trong các vị trí thuộc “tứ trụ”.
Sau Đại hội XII, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng hơn: ông Trần Đại Quang trở thành chủ nhân của Văn phòng chủ tịch nước với vai trò “thống lĩnh các lực lượng vụ trang nhân dân”.
Một khả năng có thể xảy ra là cơ chế “làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác tình báo giữa hai nước” đã được ông Quang bàn với phía Mỹ tại chuyến đi Washington của ông vào tháng 3/2015, để tiếp dẫn đến kết quả “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” ngày hôm nay.
Thực ra trên phương diện ngoại giao, “hợp tác toàn diện” rất thường là một thuật ngữ trừu tượng theo kiểu “ngoại giao nhân dân”, và đáng thất vọng là từ năm 2013 đến trước chuyến đi của Obama đến Việt Nam tháng Năm 2016 vẫn chưa có gì được cụ thể hóa cho 9 điểm mà Obama - Sang đã ký. Nhưng sau khi Obama ăn bún chả và uống trà đá ở Hà Nội, tình hình dường như đã xoay chuyển đáng kể: bằng chứng đã nhìn thấy về hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, bằng chứng khó nhìn hơn về “thỏa thuận Cam Ranh”, nhưng bằng chứng sâu đậm và ngoạn mục nhất cho quan hệ Việt - Mỹ trong thời kỳ mới chắc chắn phải là cơ chế hợp tác cấp “tình báo chiến thuật” đạt đến phân kỳ giải ngân.
Có lẽ tình báo Hoa Nam và cả Tập Cận Bình sẽ lồng lộn lên về câu chuyện “sâu đậm” trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét