Phải đến 2 tháng sau khi nổ ra vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ mới tổ chức họp để “công bố việc chưa công bố nguyên nhân cá chết”.
Họp báo của chính quyền CSVN về “công bố việc chưa công bố nguyên nhân cá chết”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là nhân vật phát ngôn như thế vào ngày 2/6/2016. Ông Dũng giải thích thêm lý do chưa công bố nguyên nhân cá chết vì Thủ tướng yêu cầu có phản biện độc lập để đảm bảo tính khách quan. Còn Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn thì hứa hẹn “sẽ cố gắng công bố trong tháng 6”.
Mặc dù phía chính quyền CSVN báo cáo có hơn 30 cơ quan bộ ngành và địa phương đã vào cuộc, thu thập chứng cứ, xác minh và tìm ra nguyên nhân cá chết, đặc biệt mời hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng tham gia để thu thập dữ liệu, chứng cứ và điều tra nguyên nhân…, nhưng một dấu hỏi lớn đang được đặt ra là vào thời điểm mời các nhà khoa học, giới quan chức chính quyền CSVN cũng nói là mời để phản biện, vậy chẳng lẽ sau khi có phản biện khoa học lại cần thêm phản biện? Vậy sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian để “phản biện”?
Trong khi đó, chất độc trong lòng biển đã có quá đủ thời gian để phi tang. Sau một tháng kể từ lúc cá chết, Kỹ sư Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội đúc - luyện kim đã bức bối: "Tôi nghĩ rằng để một thời gian dài như thế mà chỉ phân tích nước, thì một người bình thường cũng có thể nghĩ rằng là nó không thể chính xác được đâu… Cả thời gian dài gần một tháng như thế thì nó hòa tan ra, nồng độ nó khác đi rồi”.
Còn một số chuyên gia khẳng định rằng không cần phải một tháng mà chỉ cần 10 ngày là chất độc sẽ tan trong lòng biển. Để sau một tháng, e rằng có thực hiện một cuộc lấy mẫu thí nghiệm độc tố cũng không có hy vọng gì. Chất độc đã có đủ thời gian tự nhiên để biến mất.
Nhưng vào thời điểm sau 1 tháng ấy, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong khi nhẩn nha mời chuyên gia tư vấn nước ngoài kiểm tra độc tố, đã đưa ra một kết luận sơ bộ khác là “nước biển miền Trung an toàn”.
Nhưng “an toàn” như thế nào thì thực tế đã chứng minh ngay sau đó. Từ sau kết luận trên của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bãi biển miền Trung hầu như vắng bóng khách du lịch, các nhà hàng quán nhậu dọc bờ biển trở thành chùa Bà Đanh, cá biển quá khó để tiêu thụ. Gần đây đã xảy ra hiện tượng người dân bị ngộ độc suýt chết khi ăn cá biển nhưng báo chí nhà nước không dám đăng tin…
Bất chấp phong trào biểu tình môi trường đã bị chính quyền cộng sản đàn áp dữ dội, người dân Việt Nam không còn giữ nổi một chút tin cậy nào đối với chính quyền về “sẽ tìm ra nguyên nhân cá chết”. Ngay cả những hứa hẹn “xả áp suất” của giới lãnh đạo chính quyền sẽ cứu trợ 15kg gạo cho mỗi đầu dân và yêu cầu các ngân hàng thương mại cho dân vay tiền cũng được nhiều người phản ánh là “nhăng cuội”.
Nếu nhìn lại thái độ “vào cuộc” quá chậm chạp của các bộ ngành chuyên môn sau khi vụ “cá chết Formosa” xảy ra, lối công bố nguyên nhân đổ vấy cho “thủy triều đỏ” chẳng có cơ sở nào của Thứ trưởng tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân,chuyến đi đầy bất thường của Tổng bí thư Trọng “kiểm tra tiến độ công trình Formosa” ngay vào thời điểm cá chết trắng biển miền Trung đã hàm chứa ý đồ “câu giờ”…, hy vọng để chính quyền công bố nguyên nhân xác đáng về vụ cá chết hàng loạt sẽ gần như chìm xuồng.
Thay vào đó, rất có thể phía chính quyền CSVN sẽ cố gắng lôi ra vài cái tên quan chức bậc trung nào đấy để bắt trở thành “Lê Lai cứu chúa”. Rồi sau đó mọi thứ sẽ chìm vào quên lãng, còn người dân miền Trung vẫn nguyên nỗi cơ cực bế tắc…
Lê Dung / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét