Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Lồng nhốt sóc

André Menras Hồ Cương Quyết

Công dân Việt Nam

Người dịch: Phạm Toàn

Đôi lời của người dịch – A. M. Hồ Cương Quyết là một công dân mang hai quốc tịch Việt Pháp, song anh Việt Nam hơn ối người Việt Nam bây giờ.
Qua các việc làm của Hồ Cương Quyết, đặc biệt việc đưa hình ảnh bi thiết của ngư dân Việt Nam ra công luận, ta thấy anh đau đáu một niềm lo toan cho tổ quốc Việt Nam, một tổ quốc đang bị xâu xé bởi bon người xấu (rất đông, tạo thành «một bộ phận không nhỏ» của một băng đảng gần ba triệu đảng viên, đang trâng tráo tự khen là kẻ «tổ chức mọi thắng lợi» … cho riêng bọn họ).
Tên bài viết của Hồ Cương Quyết nói về con sóc trong lồng. Con sóc vốn sống tự do trong thiên nhiên. Người ta đem nhốt nó vào cái lồng có bánh xe quay (như cái lồng nuôi chuột bạch ấy) cốt cho vui mắt, định để «làm duyên» cho cuộc đời (sic).
Chẳng biết những nghệ sĩ bất đắc dĩ đang làm xoay bánh xe trong lồng có nhìn thấy “vai trò tiên phong lãnh đạo” của mình thực chất là gi không? Chỉ e rằng, giống như “đồng chí” Oedipe lên làm vua sau biết bao lầm lẫn, kíp tới khi nhìn thấy toàn bộ sự thật trước mắt mình, khi đó hối không kịp, đành chọc mù mắt mình đi cho đỡ thẹn.
Liệu trong ba triệu tên lính tiên phong kia, kể cả những tên lính đỗ cử nhận hoặc tiến sĩ ngạch xây dựng cái thể chế cho Oedipe lên làm vua có mấy ông đủ sức hiểu thâm ý chuyện Oedipe chọc mù mắt mình là chuyện quỷ quái gì…
Dẫu sao, đang lúc bận tối mắt tối mũi, nhận được bài viết của Hồ Cương Quyết, như nhận được một hơi gió thoảng qua cái bầu trời vô cảm… Ôi, tôi lại lan man rồi!

P. T.

Rách toạc

Từ bỏ Đảng sau hàng chục năm trời với biết bao đấu tranh, biết bao nỗ lực, cùng vô vàn mưu tính sao cho thực tại cuộc sống phù hợp với những ước mơ đã tạo nên nền tảng cho những cuộc đấu tranh thời trẻ của mình, sau biết bao năm tháng mình lại nhủ mình rằng cơn ác mộng rồi sẽ qua đi, mình lại thuyết phục mình rằng những gì ta đang thấy quanh ta chỉ là ngẫu nhiên, tạm thời, rằng mọi điều ta đã làm cho đất nước, cho đồng bào, cho những tư tưởng nhân bản của mình, tất cả đều không thể bị thâu tóm, bị phản bội, bị chà đạp công khai như thế bởi những kẻ có trách nhiệm nhất trong đám những người còn cả gan gọi nhau bằng «đồng chí»; khi mắt ta mở to nhưng bất lực nhìn thấy đang rầm rập quay trở lại cảnh luật rừng, sự tham nhũng, và đàn áp, bóc lột, là những điều ta từng mong muốn xóa bỏ mãi mãi không cho đè nặng lên vai nhân dân ta; khi chế độ thuộc địa kiểu mới của Bắc Kinh đang thế chân sâu hơn và nguy hại hơn các chế độ thuộc địa trước đây, và đang được các «đồng chí» của chúng mở cửa cho tràn vào; khi ta cảm thấy bất lực, thấy mình bị cầm tù cho một công cụ duy nhất được coi là «hợp pháp» là Đảng, cái đảng trói chân buộc tay chúng ta; khi cái công cụ đó được xây dựng để làm công việc giải phóng thì lại đã trở thành công cụ làm giàu cá nhân đồng thời là công cụ chèn ép và đàn áp; khi ta bị đe dọa, bị theo dõi, bị nghe lén, bị săn đuổi bởi bọn cảnh sát của «các đồng chí» và của bọn lưu manh dưới sự dắt dẫn của những «đồng chí» thường khi ẩn kín không ló mặt ra…

Thật đau lòng! Điều khủng khiếp hơn cả – và đây là một cách đe dọa tinh vi do cả bộ máy tác động lên bạn – ấy là một khi ta từ bỏ cái «công ty» ấy, thì nếu chỉ nhìn bề ngoài, ta bị rơi vào tình trạng tự đặt mỉnh vào vị thế kẻ phản bội. Ta bị tiến đánh bởi những kẻ nắm độc quyền bộ máy đang bị đe dọa vì việc ta từ bỏ nó. Bọn chúng sau khi cố thuyết phục ta một cách «tử tế» liền vội vã bôi bác ta trước bè bạn của ta.

Cùng lúc, ta lại bị nghi ngờ vì những người đối lập cực đoan chống lại cái bộ máy ấy. Những phần tử muốn báo thù, những kẻ thích giễu cợt, những kẻ có giọng điệu ngọt ngào, những người này liền hoan hỉ xoa tay mà chẳng có chút gì là thành thực sất … Hai khuynh hướng đó gặp gỡ nhau trên các trang Facebook hoặc ở đâu đó nữa. Đến độ là ta khó mà có thể phân biệt nổi sau các ngôn từ đâu là màu sắc của bọn «dư luận viên» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND). Xin bạn chớ để mình bị nhầm: bất kể chúng màu mè kiểu gì, đỏ tươi hoặc vàng tươi, thì chúng cũng cùng một giuộc là bè lũ độc tài. Hai phe cùng phản động ngang nhau theo nghĩa đen của từ đó: cả hai bọn này đều sợ cái mới và đều khai thác quá khứ để ngăn chặn tương lai. Nhưng mọi thứ đó chỉ là những đồ cải trang, vì chẳng có ai trong cả hai phe này lại tôn trọng những giá trị được họ tuyên dương. Thường khi tôi hay có cảm giác rằng có những người trong đám ấy đang cực kỳ lên án phe độc tài bên kia, thì những người này một khi nắm được quyền lực, cũng đều có đủ khả năng tạo dựng một nền độc tài còn độc ác hơn nữa. Bên này đổ tội bên kia là kẻ phản bội là đồ phản động, bên kia đổ tội cho bên này là cộng sản nằm vùng: chất dưỡng khí mà anh Lê Hiếu Đằng cùng các bạn anh muốn mang lại đã bị đe dọa như thế đó vì sự ô nhiễm bởi hằn thù và bạo lực thừa hưởng từ quá khứ và được khéo léo biến hóa thành công cụ dùng cho thời hiện tại.

Ra khỏi lồng

Rất nhiều người bạn chân tình, những công dân yêu nước, hiện vẫn còn là đảng viên, những người đang bất bình, đang cảm thấy bị phản bội, bị làm ô danh, hình như vẫn chưa dám vượt qua cái bước nhảy giải thoát như anh Lê Hiếu Đằng đã làm và như trước anh Đằng vài ba công dân khác đã làm. Một bước nhảy quyết định, vừa giản đơn song lại vô cùng phức tạp. Tìm đâu ra sức mạnh xây dựng cái mới trong một bầu không khí cảnh sát căng thẳng cấm đoán mọi giao tiếp tự do, đang đè nặng lên công ăn việc làm của mình, đang kiểm soát mọi đường đi lối lại của mình, mọi cuộc thăm viếng, mọi cú điện thoại, đang gây sức ép lên tất cả bạn bè thân thuộc và mọi thành viên gia đình mình? Và khi đó, với vô số đảng viên cộng sản và những phần tử cảm tình đảng, những phần tử bất bình đang chân thành muốn rung cây cho quả rụng, thì dường như vẫn chưa có chút khả năng nào từ bên ngoài hòng làm thay đổi được cái Đảng có quyền lực ở khắp nơi và hiện diện ở khắp nơi. Vậy là với những người này thì chỉ còn một cách là đấu tranh từ bên trong mà thôi. Và thế là họ luôn luôn bị kiệt sức trong đắng cay bên trong cái lồng sóc. Họ không ngừng bước như con sóc không ngừng bước để được vài ba hột lạc, như chú sóc nằm trong lồng mang hình dáng chiếc bánh xe, đôi mắt dán vào những dóng nơi đặt chân vào mà không nhìn thấy chút gì ở cái thế giới bên ngoài chiếc lồng. Chúng càng bước đi, cái bánh xe càng quay, vậy mà chúng không hề tiến lên phía trước được một bước nào.

Ấy thế mà giải pháp thật đơn giản quá đi: chỉ cần dừng bước và gặm những dóng bánh xe để thoát ra khỏi lồng. Rồi thì sẽ đi giữa đường phố, giữa trời rộng đất dài, trên ruộng đồng, cùng với mọi người. Với đại bộ phận những con sóc-người ấy, họ có gì để mất nhỉ? Mất mấy hột lạc ư? Cuộc sống bên ngoài đầy lạc và họ có thể kiếm phần được hưởng chính đáng của mình một cách hoàn toàn lương thiện và hoàn toàn tự lập. Duy có một số ít trong bọn họ, những người háu đói những rất kém hoạt động, sẽ phải kiêng khem để tránh cái bụng phệ như một khuyết tật của cơ thể. Ngừng bước đi trong lồng là điều cần thiết để lấy lại được sự sáng suốt và phục hồi sức lực. Nhấm gãy cái lồng đòi hỏi quyết tâm cao và một lòng dũng cảm.

Khước từ chịu đựng những ép buộc tiêu cực để kéo dài bước tiến của đất nước: hành động chính đáng bình thường của công dân.

Nhưng trên những dóng lồng cũ nát, con đường đã chẳng rộng mở rồi sao? Khước từ một ưu đãi vô lý, không kham nổi, và đi kiếm tìm những không gian mới và những kết liên mới nhằm làm chuyển biến mọi thứ bất cần đến áp lực của thuốc gây tê. Còn có gì tự nhiên hơn thế? Thoát ra khỏi một cơ cấu chính trị không đếm xỉa đến bất kỳ khát vọng nào của nhân dân, cái cơ cấu đã chiếm đoạt quân đội và cảnh sát để áp đặt luật lệ của vài ba người, hoàn toàn trái ngược với quyền lợi của đất nước. Không có gì hợp lý hơn và chính đáng hơn!

Đó hoàn toàn không có nghĩa là «lật đổ» cái đảng tự cho mình là cộng sản, cũng chẳng đe dọa đảng ấy phải tiêu ma: đây hoàn toàn đơn giản là việc lấy lại quyền tự do của mình đối với cái đảng ấy. Vấn đề là lựa chọn đứng về phe quốc gia dân tộc hay là đứng về phe cái Đảng duy nhất độc tôn đang dùng toàn bộ sức mạnh điều 4 và các nghị định 174 … và dùng cái quốc hội điếc đặc không nghe được tiếng nói của cử tri mà chỉ biết nghe lệnh của các quan lớn để ngăn chặn và làm nghẹt thở quốc gia dân tộc, của những viên giám đốc đại học ngăn cấm việc học hành của những bạn trẻ đang ngẩng cao đầu… Sống lại hay là chịu chết trong hiện trạng: đó là vấn đề đặt ra cho cái đảng ấy, chứ không đặt ra cho cả quốc gia dân tộc đang muốn tiến lên.

Từ bỏ cái đảng như nó đang ở trong trạng thái hiện thời hòan toàn không có nghĩa là chối bỏ quá khứ của một đảng đã từng cho toàn thế giới thấy rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc kiêu hùng, yêu chuộng độc lập, mà không ách nô lệ nào có thể khoác nổi lên cổ nó. Với tôi, từ bỏ cái đảng này hôm nay để hoạt động tự do xây dựng một nước Việt Nam thực sự dân chủ là một hành động dũng cảm, lương thiện và trách nhiệm phù hợp với mọi truyền thống tốt đẹp nhất.

Cám ơn anh Lê Hiếu Đằng và cám ơn tất cả những ai sẽ tiếp nối hành động của anh! Cho phép tôi nói lời kết luận bằng một ý tưởng tôn kính và đầy tình yêu thương tới người chiến sĩ đồ sộ, tới người khổng lồ của lòng dũng cảm, của sự sáng suốt và nhất là của sự khoan hòa, vị tổng thống vô cùng thương tiếc - Nelson Mandela. Mong sao cho nước Việt Nam trong giai đoạn hiện thời hãy nhận được những bài học mà Nelson Mandela đã gửi chúng ta đặng vượt qua những chia rẽ và dựng xây một nền dân chủ cần thiết cho mình!

Ngày 6 tháng 12 năm 2013


A.M.H.C.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét