Có ba thứ “bất vị”, mà luật pháp phải tuân thủ. Đó là Luật
pháp bất vị thân. Luật pháp bất vị tiền. Và luật pháp bất vị quyền.
Nhưng liệu tư pháp nước Việt có được 03 thứ “bất vị” đó không?
Những ngày này, cả xã hội chăm chú theo dõi vụ xét xử tham ô tài sản
và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế tại Tổng Công ty
hàng hải Việt Nam (Vinalines), do Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT cầm
đầu, cùng gần chục kẻ đồng phạm.
Vì sao “nhờn” với tội lỗi?
Đây là một trong 10 đại án tham nhũng đặc biệt, tiếp sau vụ Vina khủng 2012, được đem ra xét xử và hẳn làm đau đầu không ít kẻ.
Đặc biệt, vì tính chất táo tợn của những quan chức, những cán bộ kinh
tế đã ngang nhiên phạm tội, xoay quanh việc cố ý làm trái các quy định
của pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỷ đồng, trong đó, Dương
Chí Dũng với vai trò chủ mưu. Ngoài ra, Dương Chí Dũng và một số kẻ
trong đó đã cùng nhau tham ô hơn 28 tỷ đồng (theo VietNamNet, ngày
13/12).
“Nhân vật trung tâm”, mà từ đó, kéo theo sự tha hóa của gần chục vị
quan chức, cán bộ Nhà nước- là ụ nổi 83 M- một hạng mục quan trọng thuộc
Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam, do Nhật
Bản sản xuất năm 1965 có tuổi đời già cỗi 43 năm, bị hư hỏng nhiều không
thể hoạt động, giá gốc chỉ có 2,3 triệu USD, (tương đương 37 tỷ đồng
VN- tỷ giá năm 2008). Biết rõ chiếc ụ nổi hư hỏng, nhưng Dương Chí Dũng
và các đồng phạm vẫn tìm cách móc nối, mua chiếc ụ nổi này từ Nga về VN,
qua một công ty môi giới có tên AP (Singapore), với giá 09 triệu USD
(tương đương gần 190 tỷ đồng).
Từ 37 tỷ đồng đến 190 tỷ đồng là một khoảng cách của sự trượt dài
trong tội lỗi, sự tha hóa nhân cách và phẩm cách những con người mới đây
còn là công dân. Cái khoảng cách trượt dài mà hóa ra quá mong manh.
Giữa cái mong manh đó là lòng tham vô độ, sự bất nhẫn và ích kỷ chỉ biết
lợi ích riêng mình.
Người viết bài không bàn đến thái độ và những câu trả lời có chủ đạo
“không”- không biết, không tìm hiểu, không nghĩ mình sai, không nắm
được… của Dương Chí Dũng khi trả lời thẩm vấn trước tòa. Vì những chữ
không hay chữ có, rồi đây sẽ là những tình tiết cho tòa án, xã hội thấy
thái độ trung thực hay không trước sinh tử của chính Dương Chí Dũng, dù
đại diện VKSND t/p Hà Nội đã kiến nghị án tử hình.
Không bàn nỗi đau đớn của gia đình lớn của ông ta, một gia đình được
coi là “danh gia vọng tộc” ở đất Hải Phòng, phút chốc bao “tai họa” đổ
ập xuống, bởi lòng tham của ông ta đã đành, mà còn bởi ông ta đã kéo
theo cả ruột thịt vào tù tội, do lòng thương mù quáng, lụy tình đến tội
nghiệp của họ.
Cũng không bàn đến lá thư kêu “oan” cho chồng do người vợ chính danh
của Dương Chí Dũng đứng tên, khi nhận rằng, số tiền 10 tỷ đồng Dương Chí
Dũng mua nhà cho bồ nhí là tiền của mình đưa. Khi công khai giấy trắng
mực đen, chấp nhận và đồng ý cho Dương Chí Dũng có đứa con trai riêng
với cô bồ, chỉ vì mình mới có 03 đứa con gái…
Hẳn khi làm một việc mang tính đạo nghĩa “vợ cứu chồng”, nỗi đau đớn
của người đàn bà ấy gấp bội- nỗi đau bị chồng phản bội mà vẫn phải ngậm
bồ hòn làm ngọt, vì tình chàng nghĩa thiếp, nó cay cực, xa xót làm sao.
Người viết chỉ muốn bàn đến thái độ, đến lương tâm “nhờn” với tội lỗi của Dương Chí Dũng cùng đồng phạm.
Vì sao làm thiệt hại đến hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước- thực chất là
tiền thuế của người dân, bỏ túi hàng chục tỷ đồng mà Dương Chí Dũng và
các đồng phạm không hề lo sợ, không hề ân hận, thậm chí cãi lấy được
trước tòa? Đến thời điểm này, theo tính toán của VKSND t/p HN, chiếc ụ
nổi đó làm tiêu tốn tới hơn 500 tỷ đồng. Hiện đang phải làm thủ tục bán
thanh lý để cắt lỗ, bởi mỗi năm riêng tiền thuê neo đậu ụ nổi 83M. đã
“ngốn” 01 tỷ đồng/ tháng, mỗi năm nó “ngốn” 12 tỷ đồng phí thuê điểm neo
đậu.
Bởi cái cung cách mua ụ nổi hư hỏng qua môi giới, tăng giá tiền, rút
chênh lệch “hoa hồng” chia nhau, chỉ là một trong nhiều chiêu trò đã
mang tính “hệ thống” về cách bòn rút tiền rất phổ biến của nhiều kẻ tham
nhũng lộ mặt và chưa bị phát hiện trong các tập đoàn kinh tế, DNNN. Nếu
không làm sao giải thích được, các quan chức, cán bộ DNNN lương vài
triệu mà của nổi, của chìm, mà ô tô, nhà lầu, chung cư cao cấp, mà vợ
bé, bồ nhí, con riêng…? Nhất là khi quản lý Nhà nước rất lỏng lẻo.
Thế nên Vinalines thực chất chỉ là đồng chí bị lộ giữa các đồng chí
chưa bị lộ mà thôi. Cho dù sắp tới, có thêm 09 đại án tham nhũng tiêu
biểu- 09 đồng chí bị lộ nữa được đem ra xét xử, như lời một quan chức
cao cấp hứa hẹn với cử tri, thì đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng
chìm trên mặt nước.
Kẻ tham nhũng giờ đây “nhờn” với tội lỗi. Nếu không làm sao tham nhũng thành “quốc nạn” và VN đứng thứ hạng cao trong… môn này?
Còn tâm lý người dân từ lâu “nhờn” với chính tham nhũng. Cái chữ “nhờn” này đau xót lắm, vì nó chính là … cam chịu!
Ai là “kẻ đứng sau”?
Tại tòa án, trả lời của Dương Chí Dũng với Hội đồng xét xử khiến cho
xã hội hiện rất hồi hộp theo dõi, kịch tính cao độ. Đó là, việc Dương
Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi
tố, là do có một cuộc điện thoại báo cho biết, từ một “người quen”.
Cho đến thời điểm này, “người quen” đó vẫn chưa được công khai danh tính.
Dù vậy, từ lâu, nhiều câu hỏi nghi vấn đã đặt ra: Ai là “sân sau” của Dương Chí Dũng?
Vụ án Vinalines với Dương Chí Dũng và đồng phạm ngày hôm nay, sẽ tỏ tường, ai bước lên giàn “tế thần”, ai bóc lịch.
Điều lớn nhất, có thể nhìn thấy ở vụ án này những bài học và sự trả
giá cay đắng, bởi do những “sân sau”, sân trước” luôn dọn bãi cho một
người như Dương Chí Dũng- nói không ngoa- thuận lợi trở thành …kẻ tội
phạm. Và vì thế, trong cái án tử mà VKSND t/p HN kiến nghị mới đây, liệu
Dương Chí Dũng có phải duy nhất phải chịu trách nhiệm?
Hay ông ta chỉ là kẻ “ký thỏa ước” với những “cái sân”?
Trước hết, nếu đọc một số trích ngang lý lịch của Dương Chí Dũng, có
thể thấy con đường của một thanh niên trượt ĐH, đi xuất khẩu lao động ở
CHDC Đức, trở về khởi đầu làm việc tại văn phòng Công đoàn Cảng Hải
Phòng, rất nhanh chóng thăng tiến. Sự thăng tiến nổi bật nhất là khi có
bằng tiến sĩ kinh tế, rồi lần lượt và cái ghế tạo ‘dấu ấn” nhất là Tổng
Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco). Dấu ấn đó là gì?
Khi lèo lái Vinawaco, Dương Chí Dũng đã đẩy công ty này liên tiếp rơi
vào tình trạng thua lỗ nặng. Hiện Vinawaco vẫn phải gánh hơn 130 tỷ
đồng tiền lãi mỗi năm trong khi lợi nhuận cao nhất 04 năm gần đây chỉ
đạt gần 30 tỷ đồng/năm.
Trong 06 năm lèo lái Vinalines, Dương Chí Dũng dính nhiều lùm xùm
liên quan tới tham ô, hối lộ. Công việc kinh doanh của Vinalines bị thua
lỗ nặng, số tiền nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Vậy nhưng ngay cả khi vụ việc Vinalines đổ bể, Bộ chủ quản GTVT vẫn
khẳng định làm đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, trình tự về công tác
cán bộ. Cái trình tự…chết dân!
Còn mới đây, khi được triệu tập đến phiên tòa để làm rõ về trách
nhiệm trong việc quản lý cán bộ, quản lý doanh nghiệp để Vinalines “vung
tiền” mua ụ nổi, đại diện Bộ GTVT đã chối bỏ trách nhiệm quản lý Nhà
nước, và “đá bóng trách nhiệm” sang Chính phủ và Thanh tra CP. Khi bị
Hội đồng xét xử vặn tại sao Bộ GTVT vẫn có văn bản đồng ý để Vinalines
mua ụ nổi? Trả lời: Vianlines hỏi thì chúng tôi trả lời họ thôi, việc
phúc đáp này cũng là bình thường.
Sao lại là bình thường, nếu đó là một câu trả lời rất vô trách nhiệm?
Thứ hai, nếu Vinalines là tập đoàn kinh tế, hoặc DN tư nhân liệu có
xảy ra như vậy không? Đây chính là “gót chân Asin” của các tập đoàn,
DNNN, sinh ra … thế mạnh- tham nhũng. Sự ưu đãi, yêu chiều các tập đoàn
kinh tế, DNNN vô tội vạ, thông qua chủ trương, chính sách cụ thể và để
từ đó, các tập đoàn kinh tế, DNNN được rót tiền đầu tư bằng các dự án
kiểu như dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, chỉ là một trong nhiều dẫn
chứng sinh động.
“Sân sau” không phải chỉ là một con người cụ thể (nếu có) có đủ quyền
lực mạnh chi phối, mà còn chính là những chính sách ưu tiên bất hợp lý,
bất công so với các thành phần kinh tế khác. Chính vì thế, mà việc
chống tham nhũng trong xã hội từa tựa như chàng Don Quixote chống lại
Cối xay gió trong tác phẩm kinh điển hài hước và nổi tiếng của nhà văn
Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra. Rút cục, ra sao, ai cũng rõ.
Mới đây, khi tiếp xúc với cử tri, người đứng đầu tổ chức Đảng đã có
một lời nói đầy niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng khi nhắn nhủ: Bà
con hãy chờ xem?
Người dân hy vọng, nhưng người dân cũng có quyền hoài nghi. Bởi cái
cách tòa án xét xử nương nhẹ các vụ tham nhũng còn nhãn tiền: 09 vụ tham
nhũng, thì 08 vụ được xử án treo. Trong khi như ở tỉnh Lâm Đồng, vì hai
con vịt ăn cắp, 03 người nông dân bị xử tới 13 năm tù. Còn mới đây, vụ
“chiếm đoạt hơn 43 tỉ đồng của Cty cho thuê tài chính 2”, thì rút cục án
xử cao nhất là tù chung thân và bồi thường hơn 84 tỉ đồng! Người dân sẽ
không thể hiểu nổi cán cân công lý tại sao hay “thiên vị” những vụ…
tiền bạc?
Dương Chí Dũng và đồng phạm rồi đây sẽ phải chịu tội trước pháp luật.
Nhưng liệu cái cung cách tuyển dụng, đề bạt cán bộ, cung cách quản lý
Nhà nước kiểu đá bóng trách nhiệm của Bộ chủ quản, cái “sân sau” yêu
chiều vô lối các tập đoàn kinh tế, các DNNN trong đó có Vinalines, liệu
có “vô can”, trước tội lỗi của các bị cáo?
Gs. TSKH Đặng Hùng Võ, trong bài viết mới đây ngày 13/12 trên báo
Thanh niên đã bình luận: “Luật pháp bất vị thân” phải được coi như một
trong những nguyên lý cơ bản xây dựng nhà nước pháp quyền..
Nhưng người viết bài này thấy, có 03 thứ “bất vị”, mà luật pháp của
một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa phải tuân thủ. Đó là Luật pháp bất vị
thân. Luật pháp bất vị tiền. Và luật pháp bất vị quyền.
Bất vị thân, để mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt sang hèn
Bất vị tiền, để Thần Công lý không bị bịt mắt, để cán cân công lý luôn cân bằng, không thiên lệch giàu nghèo
Bất vị quyền, để như một Bao công thời hiện đại, không vì sự chỉ đạo,
định vị của bất cứ ai, dù có chức quyền, mà làm thiên lệch bản án.
Nhưng liệu tư pháp nước Việt có được 03 thứ “bất vị” đó không?
THEO VIETNAMNET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét