Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Giáo điều, bảo thủ như Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguyễn Trung Chính
Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị. Hội đồng này có 7 chủ tịch, phó chủ tịch và 32 thành viên, tất cả có bằng Tiến sĩ. Phần lớn các bằng tiến sĩ này có lẽ do Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (trước kia gọi là trường đảng Nguyễn Ái Quốc) cấp, bằng tiến sĩ của TBT Nguyễn Phú Trọng là một thí dụ. Ngoài ra Hội đồng này còn có 16 viện, tiêu tốn một tài sản lớn của nhân dân hàng năm.

Điều mà tôi không biết là trường này có thuộc hệ thống Bộ Giáo dục và Đào tạo, là nơi có thẩm quyền cấp phát văn bằng hay không. Hay vì Đảng lãnh đạo nên Đảng có quyền phân phát cái gì tùy ý, chẳng hạn như chức Giáo sư, Phó Giáo sư….
Vừa qua GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,  có hai bài viết được một số người phản biện do vị trí hàng đầu của ông trong Hội đồng này. Bài “Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng” (*)  được Thông tấn xã VN và Tạp chí Cộng sản điện tử phổ biến ngày 12.12.2013,  DĐXHDS đăng lại và bài tham luận “Tám đặc trưng Chủ nghĩa Xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng” tại phiên họp sáng 14/1/2011 Đại hội XI của Đảng, mà  Thông tấn xã VN/Vietnam+ đăng lại ngày 16/12/2013.
Do thuộc về quan điểm lý luận nên tôi không đề cập đến cá nhân tác giả mà chỉ dựa trên hai bài viết nói trên để nhận định tình hình của đảng tiến hay lùi và những gì gọi là “Tám đặc trưng…” có phải là đặc trưng, đặc sản thật hay là cóc ngồi đáy giếng.
Từ cán bộ, đảng viên tâm huyết đến… các thế lực thù địch, cơ hội chính trị
Bài “Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng” phân biệt hai loại người: (những dòng in nghiêng dưới đây là bút tích của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa).
1- Loại người có “trình độ nhận thức hạn chế…“.
Họ là  ”những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối của Đảng có thể do trình độ nhận thức hạn chế, do phương pháp tư duy giản đơn, không biện chứng, do ngộ nhận hoặc chịu ảnh hưởng nhất định của những quan điểm sai trái chứ không phải là thế lực thù địch.
Do địa vị xã hội, lợi ích cụ thể khác nhau, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị khác nhau, kinh nghiệm thực tiễn khác nhau hoặc do thiếu thông tin, phương pháp tư duy giản đơn, siêu hình, nên không tránh khỏi có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng”.

- Họ phải “Là cán bộ, đảng viên, nếu có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng có thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến, hoặc trình bày, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ chứ không được tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng; đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.”
2- Loại người thứ hai là những người  thuộc thế lực thù địch, cơ hội chính trị đả kích vào Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đả kích vào chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, lái đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa”
Trong loại này có mặt những người “trước kia là cán bộ, đảng viên song bây giờ họ đã chuyển sang “trận tuyến bên kia,” họ đã sám hối, trở cờ, trở thành thế lực thù địch.”
Dựa trên những định nghĩa của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, chúng ta thử điểm lại một số nhân vật có tiếng xem họ thuộc vào thành phần nào.
1- Nguyễn Văn An, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội.
Tháng 05/2011 và  tháng 02/2013 Ông Nguyễn Văn An đã “tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng” (Báo Tuần Việt Nam) những bài “Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng”, “Ba vấn đề cốt lõi khi sửa Hiến pháp“, “Bàn chuyện sửa Hiến pháp” trong đó ông phản bác:
 ”Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN”. “Dân làm chủ thì dân phải quyết, quyết trực tiếp và quyết gián tiếp thông qua cơ quan đại diện. Song về bản chất là dân quyết chứ không phải vua quyết, cũng không phải đảng quyết.”. “Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Ông Nguyễn Văn An đã “đả kích vào Đảng, đả kích vào chế độ xã hội chủ nghĩa”  và đăng trên “phương tiện thông tin đại chúng;” không “chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Trung ương về những điều đảng viên không được làm.”. Nếu vậy theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thì ông Nguyễn Văn An thuộc loại “thế lực thù địch”, “cơ hội chính trị”. Có gia giảm lắm thì ông An cũng thuộc vào loại có “trình độ nhận thức hạn chế…“.

2 – Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh với hơn 30 bài viết trong đó phần lớn phản bác đường lối Đảng trong việc giữ gìn biển đảo, về vấn đề ruộng đất…
Những phản bác của Thiếu tướng không được báo “lề đảng” nào đăng, Thiếu tướng phải gửi cho trang mạng Bauxite VN, nhờ đó mà mọi người đều biết và hâm mộ Thiếu tướng.  Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương liệt Thiếu tướng vào loại nào? “lực lượng thù địch“, “Cơ hội chính trị” hay “trình độ nhận thức hạn chế…?
Còn nhiều người nữa nhưng tôi muốn tạm ngừng ở đây để chỉ muốn nói rằng: ở vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, người ta chờ đợi ông Tiến sĩ lý luận về đường lối, về triết lý trên chủ nghĩa mà ông theo đuổi, khác với việc lập đi lập lại những tín điều mà ông tin, nhưng người khác đã hết tin.
Thay vì viết một bài có trình độ lý luận thì ông lại đi viết một “cẩm nang” để dạy cho ngành công an, và các dư luận viên được trả tiền để thực hiện lý tưởng cộng sản.
Từ đặc trưng, đặc sản đến Cóc ngồi đáy giếng
Tại phiên họp sáng 14/1/2011 Đại hội XI của Đảng, TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Những đặc trưng thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng”.
Sau đây là 8 đặc trưng đã được xem là lý luận có tính đột phá mà Thông tấn xã VN /Vietnam+ đã đăng lại ngày 16/12/2013.
- Đặc trưng 1: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh – Đặc trưng 2: do nhân dân làm chủ – Đặc trưng 3: có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. – Đặc trưng 4: có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – Đặc trưng 5: con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. – Đặc trưng 6: các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. – Đặc trưng 7: có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. – Đặc trưng 8: có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản khoa học xã hội định nghĩa từ “đặc trưng” là “dấu hiệu đặc biệt (thí dụ Đặc trưng của văn học vô sản)”, đã gọi là đặc biệt có nghĩa là chỉ nơi này mới có.
Thế nhưng, ở các nước tiền tiến trong đó con người sống tự do hạnh phúc đều có các “đặc trưng” 1/2/3/4/5/6/8. Mà họ có thật, không cần dao to búa lớn, khẩu hiệu ồn ào. Chỉ cần nhìn vào việc xuất khẩu lao động của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến Nhật, Hàn Quốc… cũng đủ chứng minh là các nước này có thật những điều 1/2/3/4/5/6/8 nên lao động Việt Nam mới chen chúc để được đi làm osin nước ngoài.
Riêng Đặc trưng 3: “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.” thì có một số nước, tùy tình hình và thời điểm, cũng có chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Thí dụ như nước Pháp, ngành đường sắt là ngành công ích xã hội nên hiện vẫn do nhà nước sở hữu. Trước kia ở Pháp cũng có một số ngành khác trong diện quốc hữu hóa nhưng bây giờ đã giải tư (chứ không phải “xã hội hóa” là một từ loạn ngôn của nhà nước Việt Nam để bắt dân chi trả).
Còn Đặc trưng 7: “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”  cũng chẳng đặc trưng một chút nào cả vì Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba đều có như thế.
Tại sao các nước khác, từ chối Đặc trưng 7, đã đạt được “nước giàu dân mạnh xã hội công bằng và văn minh” trong khi Việt Nam thì ở thành phố HCM (Thành phố mang tên Bác) mỗi khi mưa to, hoặc có triều cường thì người dân phải lội nước? Ở các nước khác họa hoằn mới có một vụ án tham nhũng còn ở Việt Nam hơn 10 vụ đại án tham nhũng sao mà khó xử đến thế? Khiếu kiện đất đai, dân oan ở các nước khác rất ít trong khi ở Việt Nam đầy rẫy? Ở các nước khác không có “lực lượng thù địch“, không có “chống tự diễn biến“, “tự chuyển hóa” còn ở Việt Nam từ hơn 30 năm nay bao giờ các đại hội đảng CS cũng đề cập trong văn kiện?
Người bình thường cũng có thể diễn suy ra rằng trăm sự chậm tiến ở đất nước ta là do cái  Đặc trưng 7: “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Hai năm rõ mười như thế mà Hội đồng lý luận Trung ương vẫn u mê bảo vệ cái đặc trưng số 7 này để thất bại tiếp nối thất bại, đất nước ngày càng tụt hậu, dân tình nghèo đói hỗn loạn. 
Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói sự thật như đùa rằng phải 100 năm nữa mới đạt được Xã hội chủ nghĩa, thế mà Hội đồng lý luận Trung ương vẫn dùng ngôn ngữ con vẹt: “Đối với dân tộc Việt Nam, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thật sự.“.! 
Không ai cho phép Đảng cứ đem nhân dân làm vật thí nghiệm mãi được.
Kết luận
Dù nói ngoa đến mức thành tinh, nhưng khi Đảng mất hết chính nghĩa thì Đảng chỉ có lùi, và khi lùi thì phải cố thủ (cố thủ bằng việc cưỡng bức Hiến pháp vừa qua) để duy trì cái ghế làm vua của mình. Đó là tình trạng của Đảng hiện nay.
Nói Đảng lùi, chúng tôi có chứng cớ:
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ.
Đại hội VIII của đảng vẫn xác định chống “diễn biến hòa bình”.
Đại hội IX của đảng vẫn xác định chống “diễn biến hòa bình”. Đại hội X của đảng đã yêu cầu làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.” Đại hội XI của đảng tiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” Như thế là từ đại hội VII đến đại hội XI từ chống “diễn biến hòa bình” đảng lại phải đối phó với “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta;”.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đã ghi: “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc, đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội”.
Trước kia chỉ có “các thế lực thù địch” ngoài nước, bây giờ thì  ”các thế lực thù địch trong và ngoài nước cấu kết với nhau”.
Như thế rõ ràng Đảng đang lùi !
Tôi có cảm tưởng ông Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trả bài thuộc lòng mà không hiểu gì khi nói rằng: “Những ý tưởng mới, sáng kiến mới thường vượt khỏi giới hạn của nhận thức cũ, vượt khỏi những chủ trương, quan điểm hiện hành khi đó, có khi về sau này mới được thực tiễn chấp nhận. Sự hình thành đường lối đổi mới đã cho chúng ta thấy như vậy. Nếu không có “khoán chui” thì không có “khoán 100,” “khoán 10” và rộng ra là đường lối đổi mới sản xuất nông nghiệp, đổi mới đất nước.”
Đã đã nhắc tới công lao của  bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc (tên thật là  Kim Văn Nguộc) thì cũng nên nói rõ hơn. Ông Kim Ngọc, không chịu được sự nghèo đói cơ cực của dân, nên khởi xướng việc “khoán hộ” trong nông nghiệp  vào những năm 60. Thời kỳ đó được xem là bác bỏ Chủ nghĩa xã hội, các nhân vật cấp cao giáo điều trong đảng Cộng Sản  ra sức kìm hãm và hạn chế. Kim Ngọc phải làm kiểm điểm và tự nhận “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ” sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Trường Chinh, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Hội Đồng Nhà nước. Từ đó tuy không bị mất chức nhưng ông thất sủng, phải đến 30 năm sau ngày mất ông mới được truy điệu.
“Đường lối đổi mới sản xuất nông nghiệp, đổi mới đất nước của Đảng chỉ là sự theo đuôi  cái gọi là “sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ” trước kia của ông Kim Ngọc.
Nhắc lại như thế để nói với ông Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương rằng con đường mà các ông gọi là của “các lực lượng thù địch” thực tế là con đường dẫn đến một đất nước giàu mạnh, trong đó con người được tôn trọng đến tột cùng mà thế giới đã chứng minh là hiệu quả. Con đường này không có gì mới đối với thế giới văn minh,  nhưng lại rất mới đối với những người cứ khăng khăng “Đối với dân tộc Việt Nam, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thật sự. Ông Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã biết nói “sáng kiến mới thường vượt khỏi giới hạn của nhận thức cũ, vượt khỏi những chủ trương, quan điểm hiện hành” thì tại sao không đối thoại tìm hiểu mà lúc nào các ông cũng kêu chống, chống, chống…? . Tại sao nói và làm của các ông cứ ngược nhau mãi thế?
Chúng tôi không chống đảng nào, chỉ chống những tập đoàn làm mục nát đất nước, chúng tôi phân biệt rất rõ: đất nước và nhân dân còn đảng chỉ là một công cụ điều hành không hơn không kém. Công cụ không còn phù hợp thì phải biết vứt bỏ. Đùng xem công cụ như một tôn giáo.
Để kết luận chúng tôi xin phép trích một đoạn trong bài Phép thử giữa nhiệm kỳ  của tác giả Đinh Duy Hòa đăng trên VietNamNet 16/12/2013 để chứng tỏ sự cố thủ của đảng sộng sản hiện nay. Tôi tin rằng tác giả này sẽ bị ông Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương liệt vào loại  “trình độ nhận thức hạn chế…?
“Biết là 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng thể chế đất đai về cơ bản không thay đổi, kể từ Hiến pháp. Biết là doanh nghiệp nhà nước quá nhiều, là làm ăn thua lỗ, nhưng thể chế về doanh nghiệp nhà nước không có thay đổi lớn.
Biết là tham nhũng trong bộ máy là lớn, tác hại khôn lường, đe dọa sự tồn vong của chế độ, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng mang lại kết quả rất hạn chế. Thế thì lãnh đạo xã hội ra sao. Nói ngắn gọn, để lãnh đạo phải có năng lực, uy tín và tạo dựng được niềm tin trong xã hội. Hơn lúc nào hết, Đảng đang rất cần và phải bằng mọi cách có được những cái đó. Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật. Đây là thời kỳ giống như trước Đại hội VI. Cuộc sống không phải tươi sáng, thanh bình như trong các báo cáo, tường trình chính thức.”
Nguyễn Trung Chính
19/12/2013

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Hồi đi học chúng ta đều được học môn Chinh trị Kinh tê học trong đó nêu lên "Những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản". Còn về chủ nghĩa xã hội thì chỉ thấy nói đến những tính ưu việt của CNXH thôi. Bây giơ xin nói cụ thể về " Những mâu thuẫn cơ bản của Chủ nghĩa xã hôi: " Trong chủ nghĩa xã hội người ta có việc nhưng không chịu làm, không chịu làm nhưng vẫn hoàn thành kế hoạch, kế hoạch hoàn thành nhưng không có sản phẩm, không có sản phẩm nhưng vẫn có lương, có lương nhưng lương không đủ sống, lương không đủ sống nhưng không ai chết.

      Xóa