1. Thực hiện chính sách, biện pháp và tăng cường nguồn lực để bảo đảm tốt hơn cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hoá , dân sự và quyền chính trị của con người phù hợp với những tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.
2. Đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
3. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, củng cố các tổ chức quốc gia bảo vệ nhân quyền, trong đó có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia.
4. Thực hiện chính sách, biện pháp và tăng cường nguồn lực để bảo đảm tốt hơn về an sinh xã hội, phúc lợi và công lý, đặc biệt là quyền của các nhóm dễ bị xâm phạm như phụ nữ ,trẻ em, người già, người khuyết tật và dân tộc thiểu số.
5. Tăng cường giáo dục và đào tạo về nhân quyền, nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan thi hành pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền và tự do cơ bản của người dân.
6. Tiếp tục thực hiện các khuyến cáo mà Việt Nam nhận được trong chu kỳ UPR (Universal Periodic Review=Thẩm định định kỳ phổ quát) đầu tiên trong năm 2009, tham gia một cách có trách nhiệm và xây dựng trong chu kỳ UPR thứ hai.
7. Tăng cường nền tảng dân chủ và sự tham gia của nhân dân vào sự lập kế hoạch và thực hiện các chính sách, cải thiện việc Việt Nam tham gia trong các tổ chức chính trị, xã hội trong lĩnh vực nhân quyền.
8. Tham gia một cách tích cực, xây dựng và có trách nhiệm trong các công tác của Hội đồng (NQ) để góp phần làm gia tăng hiệu năng và hiệu quả của Hội đồng, tính minh bạch, khách quan và cân bằng, trong tinh thần đối thoại và hợp tác.
9. Tăng cường hợp tác và đối thoại với cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, đặc biệt là các cơ quan điều ước quốc tế và Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền về các thủ tục đặc biệt, bao gồm cả lời mời thêm các nước thăm viếng Việt Nam.
10. Hỗ trợ và tích cực tham gia tham vấn liên chính phủ về nâng cao năng lực và hiệu quả của cơ quan điều ước quốc tế về quyền con người.
11. Tham gia và đóng góp vào việc thúc đẩy sự hợp tác nhân quyền ASEAN, đặc biệt là trong khuôn khổ AICHR và trong việc thực hiện các tuyên bố nhân quyền ASEAN.
12. Duy trì đối thoại nhân quyền song phương và các cơ chế hợp tác với các nước đối tác, với mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
13. Hoàn thành thủ tục sớm gia nhập Công ước chống tra tấn.
14. Làm thủ tục cho việc phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật.
Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về các quyền văn hoá: Các kết luận và khuyến nghị sơ bộ về Việt Nam
Bà Farida Shaheed |
Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2013.
Thưa báo giới, thưa các quý bà quý ông,Tôi rất vui mừng được chia sẻ với quý vị kết quả quan sát sơ bộ của tôi khi kết thúc chuyến thăm chính thức trong 12 ngày với tư cách là Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền văn hoá.
Tôi xin được bắt đầu bằng lời cảm ơn trân trọng gửi tới Chính phủ Việt Nam đã mời tôi tới thăm và làm việc chính thức, và cũng cảm ơn Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ sắp xếp chương trình làm việc cũng như bố trí các cuộc họp toàn diện và lý thú.
Tôi xin được nhấn mạnh tầm quan trọng của lời mời này. Việc đảm bảo quyền thụ hưởng văn hoá của tất cả mọi người là một vấn đề phức tạp và để hoàn thành nhiệm vụ này là việc không hề dễ dàng. Điều này đã được minh chứng qua các chủ đề cụ thể tôi đã đề cập đến trong suốt chuyến thăm của mình, đó là: quyền được thụ hưởng nghệ thuật, tự do sáng tạo và biểuđạt nghệ thuật, quyền của người dân trong việc thể hiện bản dạng văn hoá của họ, và quyền tiếp cận và thụ hưởng di sản văn hoá của chính họ cũng như của người khác, vấn đề về dạy lịch sử trong nhà trường, và tác động của du lịch đối với việc thụ hưởng các quyền văn hoá.
Trong suốt chuyến thăm và làm việc của tôi tại Việt Nam, tôi đã đi thăm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Sa Pa, cũng như một số làng bản ở Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Lào Cai. Tôi đã có cơ hội gặp mặt và làm việc với nhiều quan chức Chính phủ ở cấp quốc gia và địa phương, phụ trách các lĩnh vực văn hoá, du lịch, giáo dục, thông tin truyền thông, công tác dân tộc thiểu số, cũng như rất nhiều quan chức khác của Uỷ ban nhân dân các cấp, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Uỷ ban Trung ương Đảng, đại biểu quốc hội và đại diện các hội và hiệp hội. Tôi cũng đã gặp gỡ với các nghệ sĩ, giới học giả, giám đốc và cán bộ công tác tại các viên nghiên cứu hoặc các thiết chế văn hoá, đại diện của xã hội dân sự, thành viên của các cộng đồng dân tộc, những người tham gia trực tiếp vào lĩnh vực du lịch, và các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả các cá nhân và tổ chức đã dành thời gian gặp mặt, tiếp đón nồng nhiệt, và trên hết là đã nhiệt tình chia sẻ với tôi rất nhiều thông tin.
Tôi xin được làm rõ rằng tôi là chuyên gia độc lập thực hiện báo cáo cho Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc và Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam vừa trúng cử thành viên của Hội đồng ngay trong tháng này. Mặc dù được Hội Đồng Nhân Quyền bổ nhiệm, nhưng tôi không phải nhân viên chính thức của Liên Hợp Quốc và vị trí hiện tại của tôi là vị trí danh dự. Tư cách độc lập của tôi có vai trò rất quan trọng và nó cho phép tôi thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình một cách trung lập.
Ngày hôm nay, tôi sẽ chỉ đưa ra một số ý kiến ban đầu của mình. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục phát triển các ý kiến đánh giá của mình trong báo cáo chính thức, khi đó tôi mới đưa ra các khuyến nghị cụ thể. Tôi sẽ trình bày báo cáo này tại kỳ họp lần thứ 25 của Hội Đồng Nhân Quyền vào tháng 3 năm 2014 tại Geneva.
Thưa quý vị,
Việt Nam hiện đang ở một thời khắc quan trọng, tại đó các bạn đạt được những tiến bộ to lớn về phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, và đã có nhiều nỗ lực hướng tới việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Những tiến bộ này là vô cùng ấn tượng. Tôi có thể lấy dẫn chứng là ở các bản làng nông thôn mà tôi đã đến thăm, đường xá đã được xây dựng nhiều, trường học được thành lập và nhiều nhà cửa đã được hỗ trợ hoặc tu sửa.
Tôi tin rằng các chương trình như vậy sẽ trở nên hiệu quả hơn nữa nếu sự tham gia của các cộng đồng địa phương và việc sử dụng tri thức của họ, trong đó có cả tri thức truyền thống, được đảm bảo. Sự cứng nhắc trong quá trình thiết kế và thực hiện các chương trình, cùng với hướng tiếp cận từ trên xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các chương trình này. Ví dụ, ở các làng, bản thường xuyên bị lũ lụt thì các mô hình nhà truyền thống của người dân thích hợp với đối phó lũ hơn rất nhiều so với mô hình nhà mà các chương trình hỗ trợ của chính phủ đang khuyến khích.Tôi đánh giá cao việc phát huy kiến trúc truyền thống trong việc xây các nhà văn hoá ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, tôi khuyến khích Chính phủ nên cho người dân được thực sự lựa chọn mô hình kiến trúc mà họ muốn, dù là truyền thống hay hiện đại, đối với ngôi nhà riêng của họ, khi Chính phủ mở rộng các chương trình hỗ trợ về nhà ở. Nói tổng quát hơn, tôi khuyến khích Chính phủ cần đảm bảo có nhiều sự linh hoạt hơn trong chính sách và tham vấn thực sự với các cộng đồng có liên quan khi phát triển các chương trình. Cần xây dựng một mô hình thực hành mới trong đó người dân có được không gian để đóng góp vào việc thiết kế các chương trình có ảnh hưởng to lớn tới lối sống của họ.
Tôi tin rằng Chính phủ cũng như nhiều bên liên quan khác trong xã hội Việt Nam đã để ý thấy các chương trình phát triển có thể có tác động tiêu cực đối với các quyền văn hoá của con người, đặc biệt là các quyền của các dân tộc thiểu số. Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc xác định và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực này để cho đất nước được hưởng lợi đầy đủ từ chính sức mạnh của các nền văn hoá đa dạng của các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Điều này có liên quan mật thiết đối với lĩnh vực du lịch. Với việc sử dụng văn hoá như một nguồn lực để phát triển, Việt Nam đang hấp dẫn một số lượng ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Rất nhiều chương trình đã được phát triển nhằm giúp người dân của các cộng đồng dân tộc bán được sản phẩm nghề thủ công của họ và tiếp cận được với thị trường, cũng như biểu diễn minh hoạ văn hoá truyền thống của họ thông qua nhiều lễ hội và chương trình biểu diễn khác nhau. Điều này đã cho phép các cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế ở khu vực họ sinh sống, và cũng giúp Chính phủ thúc đẩy hình ảnh về một đất nước đa văn hoá.
Tuy vậy, nhiều thách thức vẫn còn đó. Như quý vị đã biết, tôi đã đi thăm Sa Pa và các làng bản xung quanh. Ở đó, tôi có thể thấy rằng, mặc dù du lịch đã mang lại nguồn sinh kế phụ trợ cho người dân địa phương, nhưng họ lại không phải là đối tượng hưởng lợi chủ yếu từ nguồn doanh thu này. Cần có các biện pháp đảm bảo rằng những người dân mà di sản của họ được đem ra sử dụng để thúc đẩy du lịch, phải được trao quyền để quản lý các hoạt động này theo hướng có lợi nhất cho họ.
Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt quan ngại đối với những tình huống trong đó con người ta được yêu cầu trình diễn chứ không phải thực sống đời sống văn hoá riêng của họ, hoặc là để lưu giữ một cách mô phỏng một số khía cạnh cụ thể trong văn hoá của họ để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch, hoặc, ngược lại, thay đổi một số khía cạnh cụ thể trong văn hoá của họ nhằm thoả mãn các nhu cầu đó ví dụ như thay đổi truyền thống ăn ở, hay rút ngắn việc thực hiện một số tập quán, hoặc bán vé cho những người muốn tham gia. Tôi muốn nói đến ví dụ lễ hội đua bò Bảy Núi truyền thống của người Khmer ở một số tỉnh miền nam Việt Nam.
Một ví dụ khác là về Cồng chiêng. Nhiều cộng đồng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn đang chơi Cồng chiêng và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Cồng chiêng được coi là một nhạc cụ linh thiêng và quý giá, chỉ được đem ra chơi vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên ngày nay Cồng chiêng còn được đem ra biểu diễn theo yêu cầu của khách du lịch ở một số nơi, và rõ ràng điều này đã làm mất đi tầm quan trọng văn hoá ban đầu của sinh hoạt này. Tôi thực sự thấy rằng trong những trường hợp như vậy, các cộng đồng có liên quan phải được tham vấn là có nên trình diễn hay không, như thế nào, bao giờ và ở đâu, và được chia sẻ các khía cạnh có liên quan đến di sản văn hoá của họ.
Tất nhiên, khó có thể ngăn cản hoặc thậm chí dù chỉ mong muốn ngăn cản sự tiến hóa của những thực hành văn hóa đang diễn ra hàng ngày sống động khi các nhóm có sự giao lưu tương tác với nhau. Điều này có thể là rất tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo rằng du lịch không dẫn đến chỉ còn sân khấu hóa những thực hành văn hóa, còn chủ nhân của văn hóa chỉ đóng vai văn hóa của mình, hay vắn tắt hóa con người xuống thành một số hình thức thể hiện văn hóa của họ mà không thừa nhận tính nhân văn trong đó.
Vì thế, rất cần phải để cho các cộng đồng tự do phát triển văn hóa của họ, ở cả bên ngoài các khu vực phát triển du lịch. Chính phủ nên hỗ trợ không chỉ các hoạt động biểu diễn văn hóa hay sản phẩm truyền thống dành cho du khách mà cũng cần cùng với cộng đồng có liên quan, trên cơ sở nguyện vọng của họ, xây dựng những chương trình để tiếp tục thực hành văn hóa của họ nếu đó là nguyện vọng của họ.
Tôi cũng quan ngại trước những trường hợp đời sống và văn hóa của cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng thiểu số đã bị các chương trình phát triển phá vỡ hoàn toàn. Ví dụ, tôi được biết rằng người dân ở giáo phận Cồn Dầu ở Đà Nẵng đã và vẫn đang tiếp tục bị cưỡng chế khỏi mảnh đất họ đã sống lâu đời để dọn đường cho một dự án nhà ở tư nhân lớn. Tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ kịp thời can thiệp để giải quyết trường hợp cụ thể này. Nhìn chung hơn, tôi khuyến nghị Chính phủ đảm bảo việc công nhận sở hữu tập thể đối với đất đai cho những cộng đồng có ước muốn giữ và phát triển nếp sống truyền thống của họ, thường là dựa vào nông nghiệp, vào rừng, chăn nuôi hay đánh cá.
Tôi cũng đã thảo luận một vấn đề nữa liên quan đến định nghĩa thế nào là hủ tục hay tập quán không tốt cũng như “mê tín dị đoan”. Theo tôi hiểu, những khái niệm này cần được làm rõ như là những thực hành mâu thuẫn với các quyền con người hay hạ thấp nhân phẩm. Tôi cũng khuyến khích chính quyền xác định những thực hành này thông qua các cuộc thảo luận với những cộng đồng liên quan.
Tôi hoan nghênh những sáng kiến tích cực đã được Chính phủ thực hiện. Những sáng kiến này bao gồm công việc của Viện Ngôn ngữ học trong việc tài liệu hóa và bảo tồn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và xây dựng các bộ chữ viết, cũng như dự án nghiên cứu thí điểm tiến hành cùng UNICEF để thúc đẩy giáo dục song ngữ cho người H’mong, J’rai và Khmer, ba trong số những nhóm thiểu số lớn, ở cấp mầm non và tiểu học. Nghiên cứu đã chứng minh, học sinh được thụ hưởng những chương trình này có kết quả học tập tốt, và tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ tiếp tục hỗ trợ dự án giáo dục song ngữ, mở rộng phạm vi đến các nhóm khác, các khu vực khác và các cấp học khác. Đồng thời, một số người đã thông tin cho tôi, qua đó bày tỏ quan ngại đối với bộ chữ đang được áp dụng cho một số nhóm. Ở đây, một lần nữa, cách thức tích cực để giải quyết những quan ngại đó là mời các nhà nghiên cứu và giới học thuật của chính những cộng đồng dân cư liên quan tham gia vào quá trình ra quyết định.
Thưa quý bà, quý ông,
Một trong những vấn đề then chốt với Việt Nam ngày nay là có một không gian cho các cuộc tranh luận và biểu đạt những quan điểm đa nguyên. Một ví dụ rõ ràng liên quan đến vấn đề này, mà tôi rất quan tâm, là việc dạy môn lịch sử với chỉ một bộ sách giáo khoa trong các nhà trường. Như đã đề cập trong báo cáo chuyên đề của tôi về viết sách sử và dạy sử trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc năm nay (A/68/296), việc dạy sử nên khuyến khích tư duy phê phán, học tập từ phân tích và tranh luận, và tạo cách tiếp cận so sánh và đa chiều hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều. Cách tiếp cận này đặc biệt cần sử dụng rộng rãi nhiều loại học liệu, bao gồm nhiều loại sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản. Tôi khuyến khích nhiều bên liên quan ở Việt Nam tham khảo báo cáo này của tôi.
Tôi có ấn tượng tích cực rằng Chính phủ và xã hội dân sự hiện nay đang nỗ lực định nghĩa lại biên độ không gian cho những tiếng nói đa dạng có thể cất lên. Tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ mở rộng hơn không gian ấy, trên cơ sở Hiến pháp của các bạn cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ chế chính trị và cấu trúc của chính quyền hiện nay ở Việt Nam, cùng với rất nhiều các hội đoàn đang hoạt động chủ yếu như các phương tiện truyền đạt những quyết định của chính phủ, để lại không gian rất nhỏ bé cho xã hội dân sự tự biểu đạt mình, đặc biệt với những người làm công tác nghiên cứu hay các nghệ sỹ và những người khác có thể có tư duy phê phán đối với những chính sách của Chính phủ.
Đã đến lúc Việt Nam đảm bảo tự do nhiều hơn cho các biểu đạt nghệ thuật cũng như cho các tự do học thuật, và cho phép những tiếng nói đa dạng tìm được chỗ đứng của mình. Sự thiếu vắng các nhà xuất bản tư nhân đã làm giảm đáng kể phạm vi cất lên của những tiếng nói độc lập có thể được nghe thấy. Hiến pháp quy định những quyền cơ bản, nhưng thường rất khó có thể thụ hưởng những quyền này do rất nhiều các quy định và sự thiếu rõ ràng cụ thể trong quy định việc nào là chấp nhận được, việc nào là không.
Không may là các quy trình tư pháp vẫn chưa giúp làm rõ những thước đo rõ ràng của các luật cụ thể.
Thưa các quý bà và quý ông,
Các nghệ sỹ có thể giải trí cho người dân, nhưng họ cũng có thể đóng góp vào những tranh luận xã hội, đôi khi đưa ra những diễn ngôn đối lập. Trong lúc tôi rất vui vì một số người cung cấp thông tin cho tôi nói rằng họ đã thấy một không gian mở hơn để tự biểu đạt, tôi cũng quan ngại sâu sắc trước tình trạng một số nghệ sỹ đã bị tầm soát, sách nhiễu, hoặc bị giam giữ. Trong các cuộc thảo luận của tôi với chính quyền, ví dụ, tôi đã nêu ra những trường hợp bị kết tội theo điều 88 Bộ luật Hình sự do “tiến hành tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những biểu đạt nghệ thuật là một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa và là trái tim của những nền văn hóa sinh động cũng như trong hoạt động của một xã hội dân chủ. Vì thế, tôi chân thành hy vọng rằng Chính phủ sẽ xem xét lại chính sách của mình để đảm bảo tự do hơn cho các biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo, tuân theo những tiêu chuẩn quốc tế.
Tôi vô cùng biết ơn Chính phủ Việt Nam đã mời tôi tiến hành chuyến thăm này, cho phép tôi được hiểu sâu thêm những vấn đề hết sức nhạy cảm mà quan trọng. Lời mời của Chính phủ đã khẳng định việc Chính phủ thực sự coi trọng những vấn đề liên quan đến thụ hưởng các quyền văn hóa. Tôi hiểu rằng điều này thật sự rất khó khăn, đặc biệt thách thức với Chính phủ để đảm bảo “sự đồng thuận” mà Chính phủ khuyến khích dựa trên những quan điểm, biểu đạt và văn hóa đa dạng của người dân.
© Farida Shaheed
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét