Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Nguyễn Hữu Đang – Bi thương và cay đắng; Kỳ 2: Bước đi định mệnh



Già Đang ngồi trước ngọn nến nhỏ để hồi tưởng lại số phận của mình. Ánh sáng chỉ đủ soi trang sách đọc. Bên cạnh cuốn “Hiện tượng chủ nghĩa duy vật biện chứng” của Giáo sư Trần Đức Thảo là một mảnh giấy ghi “14/2 (Âm lịch)” – ngày giỗ mẹ Nguyễn Hữu Đang. Ông gấp cuốn sách dừng lại trang 113. “Trần Đức Thảo là một Giáo sư triết học trường Cao đẳng sư phạm Paris. Trường này là cái nôi nổi tiếng đào tạo những nhà tư tưởng và chính khách cho nước Pháp. Với học vị ấy con đường danh vọng đã mở rộng cho ông Thảo trong nước Pháp và cả Âu, Mỹ. Thế mà ông đã từ bỏ tất cả để về Việt Nam tham gia kháng chiến”. Điều đó làm Nguyễn Hữu Đang quý mến ông.



Giáo sư Trần Đức Thảo

Ông nhớ gương mặt ông Thảo, hơi bầu bĩnh, cái nhìn hồn nhiên sau cặp kính cận với cuộc đời như ngơ ngác.

Ông Đang nắp ngọn bút Satađô cài vào bìa trang sách để ngay ngắn trên những trang bản thảo đang viết dở. Ông đứng dậy lại ngồi xuống mở bút ghi vào trang giấy nho nhỏ mua mấy thứ cần thiết về giỗ mẹ:

Một con cá chép, một miếng thịt gáy và con gà thiến, một nắm hoa huệ, một hộp nến nhỏ, nải chuối…

Ông Đang ngắm lại nơi mình ở, chỉ có mấy bộ quần áo treo vắt lung tung, một cái tủ con, một cái hòm gỗ, giữa nhà kê một cái bàn to. Cái bàn đó đã có lần cụ Nguyễn Kim Đoán lên chơi gặp anh Văn (Võ Nguyên Giáp) và ông Đang dắt ông Đoán đi ăn trưa rồi về nằm ngủ trên đó. Hai ông cứ quay sang nhau mà nói chuyện về những ngày làm ở Hội Truyền bá quốc ngữ, ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 mà hai vị gắn bó.

Trong nhà không có bếp núc, không có sự sắp đặt của bàn tay người phụ nữ. Suốt bao năm ròng, ông Đang thường ăn cơm đầu ghế nhà ông Tài Sỉu lái xe cho bưu điện Hà Nội. Nhà Tài Sỉu giã giò chả bán, thức ăn là đậu phụ kho với thịt ba chỉ, rau luộc chấm với nước thịt kho rất ngon. Quán cơm nhà Tài Sỉu bán chủ yếu cho dân nghèo, những người buôn thúng bán mẹt…Ông Đang là thực khách quen nhà Tài Sỉu trong suốt những năm ở Hà Nội. Mỗi lần đãi khách, dù sang dù hèn hoặc người nhà Thái Bình lên, được ông đãi cơm đều ra quán đó. Ông thích nhất là món cá trê kho với thịt gáy của nhà Tài Sỉu. Món đó trở thành món ăn thường xuyên của ông và cũng được coi là món ngon nhất để đãi khách “đầu ghế”. Có lần ông Mười Hương đi công tác về ngủ lại với ông Đang, cũng ra đó ngồi trên cái ghế băng gỗ lim đen thín nhà bà Tài Sỉu, nhấm nháp món cá trê kho với thịt gáy sém cạnh.

Hồ Gươm, Hà Nội, sau ngày lập lại hoà bình, 1954

Vì cảnh nhà như thế nên không thể tổ chức làm giỗ cho mẹ được, ông Đang mới nảy ra ý định làm giỗ bên nhà chú Dương. Trước ngày giỗ mưa quá, mưa rả rích rả rích. Ông Đang đạp xe xuống Nam Đồng, nơi ở của anh ruột Nguyễn Hữu Thoan. Ông đứng lại trước cái ngõ lội, mấy con vịt cỏ đang mò ở cái ao đen sì bẩn tưởi kêu lép nhép. Cảnh tình thật hoang vu buồn tẻ. Ông nghe rõ tiếng chị dâu than thở về cảnh nhà khó khăn. Anh em mỗi người một nơi. Bác cả Nguyễn Hữu Ruông ở ngoài Hải Phòng. Hai bác đều là viên chức. Bác trai những ngày này đang lặn lội ở Bạch Long Vĩ thu mua hải sản, còn chú út Nguyễn Hữu Đang nghe đâu có chuyện gì lôi thôi chính trị, mắc mớ với Chính phủ, chắc gì đã nhớ ngày mẹ nằm xuống.

Ông Đang đứng chôn chân đầu ngõ nghe chị dâu nói và nhìn qua ô cửa sổ từ phía chái nhà, thấy anh trai đứng bật dậy khỏi cái ghế băng và muốn nói một câu gì đấy với vợ. Chị dâu biết ý lùi lại phía giường nằm, tiếng thở nặng chình chịch vang lên giữa bầu không khí lặng ngắt mưa bụi tháng Hai. Ông nhìn mãi bóng bà chị dâu đưa tay áo chùi nước mắt.

Ông Thoan lại lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế băng. Khi ông Đang cũng vừa kịp nhận ra ngôi nhà của anh tồi tàn như sắp sụp xuống. Quanh đấy chuồng lợn, chuồng gà và cái giếng nông toen hoẻn nước đỏ ngầu, mấy cây chuối thân già những tàu lá rũ xuống trước sân đẫm mưa xuân. Ông bỗng cảm thấy lòng nặng trĩu, buồn rầu xấu hổ trước cuộc sống của ba anh em.

Ông mạnh dạn bước vào đầu sân, cái xe đạp kéo theo vệt đất bùn đỏ như son trên lớp gạch màu thâm thẫm. Con chó cụt đuôi sủa lên trời mấy tiếng vu vơ. Nhận ra ông Đang, ông Thoan nói: “Chú vào nhà”. Ông Đang vội tháo dép vứt ở đầu sân giếng múc gầu nước cọ rửa, tiện cái chổi lúa vứt ở đầu hè chùi qua loa bước vào ngồi xuống chiếc ghế băng. Trước mặt ông là cái bàn nước gỗ xấu xí nứt toác.

Ông Thoan rót chén nước vối đỏ quạch ra cái chén sứt sẹo, nói với em:

– Chú uống nước đi!

Chị dâu là người tính tình mau mắn vui vẻ đã chạy ra ngồi xuống đầu ghế tiếp chuyện chú em, ông Thoan cất lời trước:

– Trông người chú xấu quá, chắc không ngủ được, nghe đâu người ta đặt điều cho chú phải không?

Ông Đang chép miệng:

– Thời buổi thay đổi nhanh chóng quá, không biết đâu mà lường được, nó kéo theo cả lòng con người cũng đổi thay.

Ông Đang vừa nói vừa chăm chú nhìn vào lọn tóc bạc thòi ra ngoài chỏm mũ len như đuôi con gà trống mà anh trai đang trùm khít lên đầu.

Ông Thoan nói câu trầm ấm:

– Giá ngày ấy chú cứ theo cụ Tố, theo cái nghề dạy học có hay không? Hội Truyền bá quốc ngữ mãi mãi còn sống trong lòng dân chúng. Đằng này chú lại theo cái nghề làm văn làm báo chính trị. Vào được chỗ ở của Cụ Hồ rồi làm Trưởng ban ngày lễ Độc Lập mà giờ nghe ra khó sống. Con người chú vừa là của hành động nhưng lại muốn làm “chủ thuyết” nữa nên mới khổ. Sống đến cái tuổi như chú và tôi, mới nghiệm ra một điều, cái chí thành bại của con người không mấy khi thành đạt theo lý tưởng ban đầu. Nào là thời thế, may rủi, số phận đã dẫn đến sinh mạng của con người còn hay mất. Giả thử như hồi đó Pháp nó bắt được chú, đày ra Côn Lôn, với tội danh cộng sản thì giờ gia đình ta vinh dự biết bao nhiêu?

Ông Đang trả lời lập lờ anh và hình như cũng đã định nói với chính mình:

– Cũng có thể… Tôi vừa lớn, thời tuổi trẻ nông nổi quá, cái nết còn dở dở dang dang, khi trở thành người lớn, lao ngay vào cuộc sống thật hỗn độn, lúc Tây, lúc Nhật, lúc Tàu, lúc Tưởng…Tôi đã lựa chọn con đường đi với Đảng có xu hướng chính trị là yêu nước. Rồi được làm cán bộ Việt Minh, ở Hội nghị quốc dân Tân Trào được cử làm Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền. Tôi ghét các phe cánh đảng phái Việt quốc, Việt cách, có thằng tin vào cái thuyết da vàng, có thằng tin vào thằng Nhật, nhưng thực ra Nhật tệ hơn cả Pháp. Tôi chỉ tin vào Chính phủ Cụ Hồ nên khi làm Trưởng ban ngày lễ Độc Lập 2/9/1945, tôi đã đứng trên lễ đài dâng ấn kiếm cho Cụ Hồ. Khi nhận được ấn kiếm, bất thần cụ giơ kiếm lên cao, nói đanh thép: “Lưỡi kiếm này là để trừng trị những tên hại dân, phản quốc”.

Ông Đang lấy lại bình tĩnh ngồi duỗi chân rút điếu thuốc hút nhả khói lên trần nhà nói bâng quơ:

– Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, lúc đánh giáp lá cà người ta dùng gươm và lưỡi lê để đâm chém những kẻ bỏ chạy. Cụ Hồ đã cảnh cáo những kẻ định bỏ chạy theo giặc chống lại Chính phủ. Tôi không phải là người như thế, anh chị cứ yên tâm.

Hít một hơi thuốc với dáng vẻ trầm tĩnh, ông Đang nói tiếp:

– Lòng người đổi thay theo thời thế. Chỉ cần nhanh mắt một tý cũng nhận ra ai là người như thế nào? Họ thay đổi đến nỗi vợ con anh em cũng phải giật mình thon thót. Nhìn họ như lạ lại như quen. Có thằng hai mặt, nửa nạc, nửa mỡ, đầu đội mũ lưỡi trai Tàu nhưng đeo gươm Nhật. Còn em trước sau chỉ có áo trấn thủ, mũ ca lô, dép lốp Cụ Hồ. Em của anh chị không như họ nói đâu, khi em cắp quần áo ra khỏi nhà, mẹ dặn điều gì, thày dạy dỗ ra sao em nhớ lắm. Hồi mẹ ốm, tất cả nhờ vào anh chị đây và gia đình bác Ruông hầu mẹ, hầu bố, rồi hầu bà cô, bà dì rồi lo nuôi các cháu, bây giờ thằng Hà đã bằng này rồi. Biết đâu những ngày tới, chị dâu lại phải theo nuôi ông em trong tù. Cái đời em, cái lý tưởng độc lập, tự do em theo đuổi cho dân cho nước… Nếu em có sự sa xảy gì, anh chị nên tìm nơi nào ẩn thân làm ăn, xa đất Hà Nội, quên đứa em bất hiếu với thày mẹ, bất nghĩa với anh em, không lo gì được cho các cháu…

Tay ông Đang lúc ấy bỗng quờ ra kéo cháu Hà ôm vào lòng. Bà Thục, vợ ông Thoan, tự nhiên nấc lên mếu máo:

– Chú có tội tình gì cơ chứ? Tội tình gì mà phải vào tù. Chị nghĩ chả nhẽ các “đồng chí” của chú lại xử tệ với chú được sao? Cụ Hồ lại để họ làm bậy bạ được sao?

Ông Đang cúi đầu im lặng, nước mắt lã chã:

– Ấy là em nghĩ vơ vẩn thế chị ạ, tình hình chưa xấu đến nỗi…

Bà Thục nói luôn:

– Tôi rắp tâm từ mấy hôm nay, nếu Chính phủ không cho chú làm việc, chú cứ về đây ở với anh chị, vì ở quê cũng chẳng còn ai mà cậy nhờ. Chú đừng nay đây mai đó bơ vơ nơi xứ lạ.

Ông Đang đưa tay lên miệng cắn móng, tranh lời chị:

– Thôi, mọi việc cứ xếp lại đã, hôm nay em xuống thưa với anh chị cho em được đứng ra lo giỗ cho mẹ năm nay.

– Chú nói thế sao được? Việc giỗ Tết thờ cúng tổ tiên là việc của mọi người trong gia đình, ai cũng phải có lòng thành…

Ông Đang chen ngang:

– Em biết là vậy nhưng năm nay nó khác. Có thể đây là lần giỗ cuối cùng em được cúng mẹ.

Ông Thoan nói luôn:

– Tôi hiểu, tôi hiểu! Chú định thế nào?

– Em định làm ở nhà chú Dương trên phố Đinh Lễ, nhà chú rộng rãi, bạn bè con cháu đến đấy cũng tiện. Nghe tin chú Dương nhà mình mới được bổ nhiệm Trưởng ban tài chính Trung ương Cục miền Nam. Mấy năm rồi, mỗi lần ra Bắc, chú thồ ra cho em cả đống sách để đọc.

Ông Thoan nói luôn:

– Chú nói thế cũng phải, mẹ thằng Hà cứ để cho chú ấy lo. Có thế mới vơi đi được nỗi buồn của chú.

Ông Thoan quay sang em trai, nói thêm:

– Chú lên ngay Đinh Lễ nói với thím Dương xem sắp xếp ra sao. Ngày mai vợ chồng tôi sẽ lên trên ấy sớm.

Ông Đang như nhẹ lòng hơn khi thấy anh trai hiểu mình, nhưng nhớ tới mẹ già đã khuất, ông lại than thầm: “Đúng đời là bể khổ, người trẻ lo giành danh lợi, người già lo ngày sống, lo lúc chết, lo cả miệng đời, tiếng để… Lo cả mồ mả, gia tiên… Như thân mình đây, để bố mẹ nằm lạnh vắng trên một khu đất, hàng năm hương nhạt khói tàn, chả hiểu cái vui cái buồn của các cụ dưới ấy ra sao, lại luôn luôn nghĩ rằng trên đời này chỉ có mình mới nắm được chân lý, hiểu được chân lý… Các cụ xưa thường dạy: “Con đi đâu thì đi, giỗ Tết phải về nhà thắp cho các bậc sinh thành một nén nhang”. Giờ giỗ mẹ đi cúng nhờ nhà người khác, nghĩ mà tủi cho mẹ, không biết cụ có biết đường về nhà chú Dương không? Bày ra thì con cháu mình ăn, các cụ được miếng nào? Ngày còn bé, cứ có tiếng động bát đũa của mẹ dưới bếp, chơi đâu xa mấy cũng chạy về. Bây giờ trả nghĩa mẹ thế nào đây?”.

Cháu Hà nãy giờ ngồi nghe rất lễ phép, rất chăm chú, có vẻ hiểu lòng chú. Chú ấy còn trẻ mà khổ thế này. Bố mẹ mình chắc còn khổ hơn nhiều.

Chị Thục chạy vào buồng lục lọi một lúc sau đưa ra một chiếc áo mưa màu xanh vá hai miếng chéo ở góc:

– Chú cầm lấy. Mưa lâu thấm ướt áo, dễ cảm lạnh lắm. Ngày kia lại gặp nhau trên nhà chú Dương rồi…

Ông Đang đi ra ngõ. Ông Thoan chép miệng:

– Tội nghiệp cho chú, chẳng chết ở nơi mũi tên hòn đạn lúc khởi nghĩa nhưng không khéo lại mòn mỏi chết nơi tù ngục…

Ngày giỗ trời lạnh, ánh nắng đầu mùa xua đi sương lạnh, mọi nhà trên các phố xá phơi phóng áo chăn sau bao ngày mưa dầm mưa dề ủ một chỗ, giờ tung ra bắt nắng. Giữa sân nhỏ nhà chú Dương, thím Thảo ngồi rửa bát đũa chén, dội nước sôi rồi xếp gọn phơi trên chiếc chõng nhỏ. Chỗ vòi nước cuối sân, mấy bà ngồi vặt lông gà, mổ cá, ai cũng khen con cá chép chú Đang mua to và đẹp. Chú ấy giỏi cả mọi đường.

Thím Thảo bắt lời, bình luận cứ như một người làu thạo chính trị:

– Chú là một trí thức, một nhà văn nhà báo, lại có tài tổ chức thực hiện những nhiệm vụ lớn như ngày lễ Độc Lập, trong thời gian ngắn nhất, đây cũng coi như trận đánh cuối cùng vào chế độ đế quốc thực dân, cái tài huy động sức người, sức của và tài chỉ huy của chú khác gì một nhà quân sự. Ngày lễ Độc lập là một trận đánh Cụ Hồ lãnh đạo coi như trận đánh hay, phối hợp tất thảy các mặt.

Ông Đang đứng trong nhà lau bàn thờ, nghe chị em bàn luận, gương mặt héo, nụ cười nhợt nhạt, ý nghĩ như tự nói một mình: “Giá hàng ngày ngồi viết lấy một câu văn hay để lại cho hậu thế có hơn không? Đằng này lại thích đi làm những việc động trời động bể nên mới chết…”.

Chợ Đồng Xuân những năm 1958 – 1960

Lúc đó, ông Thoan từ bệnh viện Phủ Doãn đạp xe về đến đầu nhà, nghe mọi người bàn luận mà héo cả ruột, ông muốn mọi người đừng nhắc gì đến sự tài giỏi của chú Đang, chỉ thêm cho người ta ghét. Lúc nãy, ở ngoài bệnh viện ông đã nghe thấy mấy ông bác sĩ to nhỏ với nhau: “Bọn Nhân văn – Giai phẩm là bọn chống Đảng” mà chú Đang cầm đầu. Bây giờ ông Thoan mới thấy thèm cảnh sống yên ấm, dù thiếu thốn nhưng sống trong vui vẻ, trong lao động ví như chị quét rác bệnh viện. Cứ sáng sớm nghe thấy tiếng chổi tre là nghe thấy chị nói cười ồn ã, cuộc đời chẳng có gì phải lo nghĩ, nó như cái vòi nước cứ mở là chảy xối xả vào thùng. Ông Thoan thấy trong cái thời buổi khó khăn này, vợ ông phải chịu biết bao lo lắng khốn khổ dội vào cái căn nhà nhỏ bé. Thế mà mỗi bữa đong gạo thổi cơm, cô ấy phải xúc lại nửa bơ đổ vào hũ tiết kiệm giành lúc có khách ở quê lên. Ông như thấy vợ mình đã già dần đi và có những biến đổi trong con người… Nhiều lúc ông tự trách mình bất lực không lo nổi miếng ăn cho vợ con, giờ lại thêm chuyện chú Đang nữa. Ông bước vào, thấy chú Đang gục đầu vào bàn thờ, hai mắt đỏ hoe. Cả bữa hai anh em chỉ ngồi nhấm nháp và véo một tý xôi ở góc đĩa. Cuộc họp mặt cả nhà rầu rĩ buồn tẻ. Chỉ có cu Hà cứ lăng xăng, nó không cho ai động đũa vào con cá chép chưng với cà chua nằm chật cái đĩa lớn. Nó bảo:

– Cá chép chú Đang mua đẹp lắm, vây đuôi cá cứ như đang bơi đấy, nhất là lớp vảy cá vẫn ánh lên đủ sắc màu….

Ông Thoan nói với con bằng cái giọng ngùi ngùi:

– Chú muốn tiên tổ giúp chú như “cá chép vượt vũ môn”. Nếu vượt qua được cửa vũ môn là hóa rồng, vì ở đấy ghềnh thác nước ngược ghê gớm, cá phải dùng vây dùng đuôi, quẫy đạp ngược nước mà lên. Khi đã “Vũ môn tiên đạt” sớm đỗ đạt vinh hoa rồi thì thay đổi được hoàn cảnh của mình, của gia đình mình, quê hương mình, dân tộc mình. Nhưng tiếc thay…

Lời nói xa xôi đượm tính triết lý chỉ có ông Thoan, ông Đang và thím Thảo, chị Thục hiểu được, còn cu Hà và bao người khác chẳng hiểu nó ra làm sao mà góp chuyện. Sau lúc ồn ã bên mâm cơm, bây giờ ông Đang mới có điều kiện ngắm lại chân dung từng con người trong gia đình. Biết đâu cuộc gặp mặt lần này, từ ánh mắt đến nụ cười, tiếng nói của họ sẽ in sâu vào ông…

Và đúng thế, sau ba mươi năm tù tội sau này, ông mới được gặp lại họ, và có người mãi mãi không còn gặp nữa vì đã trở thành người thiên cổ. Chiều ấy ông Đang lại lững thững đạp xe về nơi ở. Mở cửa vào nhà mắt ông dừng lại tên Trần Đức Thảo in trên bìa cuốn sách rồi chép miệng: “Vụ Nhân văn này làm lôi thôi biết bao người văn nghệ sĩ, làm họ buồn chán, có người bị dọa dẫm như sắp bị bóp cổ, rút gân thì sống sao đây, đừng nói gì đến việc sáng tạo cho nhân loại học thuyết này học thuyết nọ. Họ lo sắp bị truy tố, bị săn đuổi, không biết kêu ai. Rồi ngoài đời bao chuyện… Chuyện nào cũng kinh thiên động địa như chuyện chiến trường”.

Ông mân mê ngọn bút Satođô còn mới, thoáng trong đầu nghĩ: “Cái này dành cho thằng Hà, ngòi bút này đã viết ra những dòng chữ “vì Độc lập, vì tự do của dân tộc” giờ thành một tai họa cho chính người dùng nó. Nhưng với lớp trẻ như thằng Hà, biết đâu được dùng nó là việc có ý nghĩa hay?”…

Mấy hôm sau ông ghé chợ trời mua quần áo cũ, hình như ông đã chuẩn bị cho chuyến đi khổ hạnh.

Ông ướm thử cái quần vải dầy xổ gấu. “Còn tốt lắm” – Ông lẩm bẩm rồi lom khom cúi rạp người xuống đống quần áo cũ hỗn độn bốc mùi ẩm mốc định chọn thêm vài chiếc áo. Bỗng có tiếng nói: “Xin mời anh về cơ quan”. Rồi hai bên là hai thanh niên khoác tay ông như bạn hữu dắt nhau đi chơi đẩy ông lên chiếc xe bịt kín chạy vù đi. Lên xe, ông phản đối việc bắt người vô cớ. Ông hỏi:

– Các anh bắt tôi theo lệnh ai? Giấy đâu? Hay đây là vụ bắt cóc?

– Lệnh à! – Người thanh niên há to miệng, chỉ vào mồm mình – Lệnh ở đây mà ra, tất cả ở đây!

Ông nhìn vào cái miệng với hàm răng trắng của anh ta. Từ đấy không cất lời nữa…

Chỉ đến khi đứng xem người ta lúc lọi nhà cửa, nhìn thấy cái bút Satođô người thanh niên mân mê, ông liền bảo:

– Các anh phải để đó, liệt kê vào danh sách cá nhân tài sản của tôi bị thu giữ. Sau này tôi vẫn khai cái bút đó với nhà chức trách. Vì đấy là kỷ vật tôi đã dùng viết vài lời trên báo chí vận động dân Hà Nội đóng góp tài trí, vật lực xây dựng Kỳ đài Độc Lập 2/9/1945.

Lúc sau họ leo lên tầng hai tiếp tục khám xét nhà ông Thiếu Bảo…

Chiều ấy họ đưa ông vào Hỏa Lò…

Người ta đã hỏi rất nhiều chuyện liên quan đến việc ông mua quần áo ở chợ Trời làm gì? Mặc dù ông đã nhiều lần giải thích việc mua quần áo đó là để dùng cho bản thân mình, vì ông không có nhiều tiền mua quần áo tốt.

Tất cả lời khai của ông, người ta đã đập lại cho đó là lừa dối nhà chức trách và buộc tội ông có ý định thay đổi hình dạng để chạy trốn…Cũng như việc đào xới tài liệu, đào xới tư tưởng, ông đã cùng với Thụy An làm gián điệp cho Pháp, họ cứ đóng vào khung tội “chống Đảng” và làm gián điệp bắt thừa nhận. Nhưng ông quyết không cầm bút ký cho đến khi họ đưa ông từ Hỏa Lò lên trại giam Tân Lập, Phú Thọ, vẫn với tội danh tên tù “NH” (nguy hiểm). Khi ông đi rồi, bà Thục chị dâu thương chú em tù tội ngày nào cũng mò vào Hỏa Lò nghe tin tức, khi có nắm cơm to tướng, lúc thì lọ muối vừng rang vội hơi cháy. Bà Thục chan chứa nước mắt, ruột cứ xóc lên vì mọi thứ mang vào đều được các chú bảo vệ khám xét hạch sách. Cơm thì người ta bẻ ra từng miếng nhỏ, họ sợ trong đó có tài liệu. Đến nỗi niêu cá trê kho khô với thịt gáy, lúc ở ngoài chú Đang thích ăn nhất, cũng bị bẻ vụn ra gói lại chuyển vào phòng giam. Mà những thứ ấy có được đến tay chú Đang không, không rõ nữa?

Ông Đang bị bắt rồi, bác cả Ruông đang làm ở Ty Hải sản Hải Phòng cũng bị đẩy ra Bạch Long Vĩ, còn Nguyễn Hữu Thoan bị đẩy xuống làm anh lao công quét vôi bệnh viện Phủ Doãn. Vợ con ông Thoan quấn túm chạy lên rừng khai hoang sinh sống ở làng Cổi thuộc Châu Lạng Sơn. Ở đấy toàn người Mường. Lúc đầu mẹ con đi làm thuê, sau vào HTXnông nghiệp. Anh Hà chữ nghĩa khơ khớ, xoay ra dạy trẻ con học, kiếm thêm tiền sinh sống.

Ở Hòa Lò, ông Đang ngày nào cũng bị thẩm vấn, lúc vào nửa đêm, có khi khoảng ba giờ sáng, có hôm vừa bảnh mắt đã bị lôi ra hạch sách. Vẫn là cái anh ấy, giọng đều đều như nước chảy, con mắt lim dim nhìn vào được đến ruột gan người tù. Thi thoảng anh đưa ra những câu hỏi chẳng đâu vào đâu. Trả lời hở một tí trúng cái bẫy cài mình là chết.

Ông Đang kể lại, có một cuộc thẩm vấn như thế này:

– Ông và bà Thụy An có quan hệ với nhau như thế nào? Thường xuyên liên lạc với tổ chức gián điệp nước ngoài ra sao? Tại địa điểm nào?

– Thưa ông, tôi quen biết bà Thụy An qua số anh em văn nghệ sĩ, người ta khen cà phê bà An ngon lắm. Thường thì chúng tôi đến đó uống cà phê, nói “bốc” với nhau chứ có để liên lạc móc nối với ai đâu mà các ông gán cho tôi tội gián điệp, chống Đảng. Là con người tôi cũng phải biết nghĩ chứ? Tôi có làm được cái gì cho ra tấm ra miếng đâu mà còn nói đến chống ai? Gần với ông Cụ lúc làm việc thấy Cụ như một Thánh nhân, học được Cụ đôi ba điều, tệ lắm tôi cũng không trở thành thằng bán nước, hoặc nhẫn tâm đi câu kết với bọn xấu…

Một trăm lần vẫn những câu hỏi như thế. Nguyễn Hữu Đang trở thành người có “án mờ”. Đã là “án mờ” càng phải thít chặt. Anh cán bộ ngồi trên chiếc ghế, chân nọ gác chân kia đưa mắt nhìn gườm gườm ông Đang, cái nhìn như đe dọa. Cửa phòng giam đóng sập lại… Tiếng bước chân đi của cán bộ thật nặng nề…

Mùa thu đến. Lúc nào trời cũng trắng nước như tóc của người tù trắng xốp phơi trong kiên Hỏa Lò.

Ông Đang được chuyển lên trại Tân Lập vào ngày mưa sét chớp sáng lòa, sấm gầm ầm ĩ. Mưa không dứt, ông nhìn về những dãy núi Chinh trước mặt là con đường đi bộ vào vùng đất Soi Đẽn nhạt nhòa nước trắng. Ngòi Lao, nước chảy từ phía trên trôi xuống như xé những bụi cây, như lật hòn đá to nằm chềnh ềnh giữa suối. Núi non chìm trong mưa. Đoàn tù đi bộ phải dừng lại ngồi xuống sườn quả đồi có nhiều cây to. Mỗi người có một chiếc mũ to che đủ chỏm tóc, còn tất cả phải hứng nước. Họ xây lưng chụm đầu ngồi quây lại cho đỡ rét. Cái rét của nước mưa thấm sâu vào gan ruột người tù làm mọi người co rúm.

Trên cái nền nhà giam, đoàn tù vừa từ Hỏa Lò lên nhập trại Tân Lập, khi về đến các buồng, còn để lại những vệt đen sũng nước… Cả đám tù trông loi ngoi như một đàn chuột nhắt bị rơi xuống suối…

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét