Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Hoa Kỳ và di sản của cuộc chiến


by Phan Ba
Tháng Tám 1, 2016


Việt Nam thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình. Hoa Kỳ ngược lại đã thua trong chiến tranh và thắng trong hòa bình. Chiến bại quân sự đầu tiên trong lịch sử Hoa kỳ đã có những hậu quả ngắn và dài hạn ở bình diện quốc gia và quốc tế mà tác động của chúng đã cùng quyết định sự phát triển ở Mỹ và cũng sẽ đóng một vai trò trong tương lai.

Trên trường quốc tế, cuộc chiến – lần chiến bại thì ít hơn – đã khiến cho Hoa Kỳ mất uy tín ở khắp nơi trên thế giới. Hỗ trợ mà không có phương án nhất định cho các nền độc tài phe hữu và việc bỏ mặc châu Mỹ La-tinh trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng là một sản phẩm của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến đã trì hoãn lần cảm nhận được các căng thẳng trầm trọng giữa Trung Quốc và Xô viết cả một thập niên và cản trở lần tiếp cận Mỹ-Trung trong những năm sáu mươi. Cuộc chiến đã tăng tốc cho lần sụp đổ của hệ thống tiền tệ thế giới được kiến lập năm 1944/45 và làm tăng tầm quan trọng trên toàn cầu của đồng Yen và D-Mark. Cuộc Chiến tranh Việt Nam cũng đã góp phần khiến cho nước Mỹ phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm bảy mươi, cái đã khiến cho nước Mỹ mất tầm quan trọng một cách tương đối trong nền kinh tế thế giới.Tổng thống Reagan đặt vòng hoa tại quan tài của người chiến sĩ vô danh.



Liên bang Xô viết đạt tới sự ngang bằng về chiến lược với Hoa Kỳ, và trong bóng tối của cuộc Chiến tranh Việt Nam đã xây dựng một lực lượng hải quân mà với nó, Moscow đã củng cố vai trò là nhà hoạt động trên toàn cầu của họ. Khi Liên bang Xô viết và Cuba tiến hành những cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ethiopia và Angola trong những năm bảy mươi, dường như là chủ nghĩa cộng sản đang tiến lên ở khắp thế giới. Sự yếu ớt của chính sách ngoại giao Mỹ đạt đến điểm thấp của nó năm 1979, khi lần giải phóng các con tin Mỹ bị giam giữ trong tòa đại sứ ở Teheran đã thảm bại ngay từ đầu.

Thế nhưng về lâu dài thì cuộc Chiến tranh Việt Nam hầu như không gây tổn hại nào đến vị thế của Mỹ trên thế giới. Trong khi Liên bang Xô viết tiến quân vào Afghanistan và qua đó đã tăng tốc cho lần sụp đổ của chính mình, Hoa Kỳ phô diễn sức mạnh trong những năm tám mươi. Khi các quốc gia Đông Âu có thể tách rời ra khỏi sự bá quyền Xô Viết và Bức Tường sụp đổ, đa số người Mỹ có cảm giác như đã chiến thắng cuộc Chiến tranh Lạnh. Vào lúc thế kỷ 21 bắt đầu, nước Mỹ nhìn thấy một trận đánh đã thua ở Việt Nam, nhưng mà là một trận đánh đã không thể ngăn chận được chiến thắng của hệ thống xã hội họ.

Trong những lần can thiệp vào các cuộc khủng hoảng, Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Reagan, Bush và Clinton đã chứng tỏ rằng họ đã học được từ lần thảm bại ở Việt Nam. Tuy chính phủ Reagan tài trợ cho hai cuộc nội chiến đẫm máu ở El Salvador và Nicaragua và gửi quân sang Grenada. Thế nhưng so với thời gian từ 1898 đến 1965 thì cường độ và tần suất can thiệp trong vùng Caribe và Trung Mỹ đã giảm xuống. Khi nhiều người lính Mỹ là nạn nhân của một vụ đánh bom ở Libanon 1982, chính quyền Reagan quyết định chấm dứt tham chiến ngay lập tức. Không có xung đột chính trị nào mà có thể cho thấy rõ rằng chính phủ Bush đã học từ những kinh nghiệm của Chiến tranh Việt Nam như cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990/91: Tuy họ không yêu cầu từ Quốc Hội một lời tuyên chiến, nhưng yêu cầu sự đồng ý của Quốc Hội; họ xem trọng việc Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm cho họ; họ lập một liên minh vững chắc và rộng lớn với các đồng minh; họ gửi đến đó một quân đội có sức chiến đấu cao, chiếm ưu thế và giao cho nó một nhiệm vụ được định nghĩa rõ ràng; và cuối cùng họ kiểm duyệt báo chí. Lần chấm dứt hoạt động nhân đạo ở Somalia và cách tiến hành cẩn thận ở Bosnia cũng cho thấy rõ rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ cố tránh một Việt Nam thứ hai.

Các hậu quả đối nội của cuộc Chiến tranh Việt Nam rất sâu đậm và đau đớn. “Munich” như là khẩu hiệu của một thế hệ đã được thay thế bởi “Hội chứng Việt Nam”. Ẩn ở phía sau đó là một sự hoài nghi đã phổ biến rộng khắp về yêu cầu can thiệp của chính phủ và một sự miễn cưỡng đáng kể trong việc gửi quân đội Mỹ ra nước ngoài. Tinh thần chung mang tính biệt lập chủ nghĩa chỉ lại biến mất sau lần thất bại nhục nhã trong cố gắng giải phóng con tin ở Iran. Mặc dù vậy, sự đồng thuận trong đối ngoại, cái đã thống trị trong những năm từ 1945 cho tới 1965, đã không còn sống dậy nữa.Một cựu chiến binh tại tượng đài kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam

Cuộc chiến đã làm tăng tốc sự trỗi dậy và sụp đổ của “nền tổng thống đế chế”. Nó đã góp phần cơ bản vào trong việc tập trung quyền lực tại hành pháp. Dưới các tổng thống Kennedy, Johnson và Nixon, Tòa Nhà Trắng là trung tâm thống trị trong cấu trúc chính trị của Mỹ. Thế nhưng Việt Nam đã chuẩn bị trước cho Watergate, cuộc khủng hoảng nhà nước lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Chính sự đối đầu với cuộc chiến đã khuyến khích giới báo chí điều tra và giúp cho truyền thông đạt tới một tầm quan trọng mà các nhà quan sát gọi đó là “quyền lực thứ tư”, bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Ở dài hạn, nó đã củng cố cho vai trò của Quốc Hội; đồng thời, nó cũng làm hư hại lâu dài uy tín của giới tinh hoa thống trị. Quan điểm mà cho tới 1965 vẫn còn phổ biến rộng rãi, chính phủ có thể giải quyết tất cả các vấn đề, đã biến mất. Sự nghi ngờ công khai về quyền lực quá nhiều của người tổng thống và về hệ thống chính phủ nói chung đã tiếp tục tồn tại một thời gian dài, và một tính cay độc nhất định đối với “Washington” đã lan rộng ra trong người dân.

Các tổng thống sau Nixon đã cố gắng tô điểm cho chiến bại hay làm cho quên nó đi, với một ít thành công. Ví dụ như Carter cho rằng nước Mỹ không có món nợ gì với Việt Nam và không mang trách nhiệm nào, vì “sự tàn phá là qua lại”. Reagan thì lại gọi việc tham chiến ở Việt Nam là một “sự việc cao quý” (noble case).[1] Cả hai người tổng thống qua đó đã đáp ứng lại niềm mong muốn của công chúng, chữa lành những vết thương xã hội đã bị xé toạc ra trong thời của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Thể hiện của sự tan vỡ ảo tưởng chung, của sự chán ngán, của những câu hỏi không có trả lời là xung đột quanh một tượng đài kỷ niệm Việt Nam (Vietnam Memorial). Sau những tranh cãi công khai sôi nổi, một đài kỷ niệm quốc gia tuy đã có chỗ của nó trên quảng trường quốc gia ở Washington bên cạnh các tượng đài kỷ niệm cuộc Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến trong năm 1983. Thế nhưng nó không do nhà nước chi trả mà được dựng lên bằng tiền quyên góp, chủ yếu là từ các cựu chiến binh. Năm 1993, một đài tưởng niệm nối tiếp theo sau đó cho hàng chục ngàn phụ nữ Mỹ đã phục vụ ở Việt Nam như là y tá, thơ ký và thông dịch. Ngày nay, “Vietnam Memorial” được kiến tạo đơn sơ mà tên của tất cả những người lính Mỹ đã hy sinh được khắc lên đó, là điểm tham quan được nhiều người tới viếng thăm nhất ở Washington.

Trước sau thì Việt Nam vẫn hiện diện trong nhận thức của công chúng Mỹ. Thế nhưng trong khi “thế hệ 68” và con cái của họ nhiều lần sẵn sàng đối diện với cuộc chiến một cách phê phán thì nhiều tầng lớp rộng lớn trong người dân Mỹ có khuynh hướng muốn quên đi cuộc chiến. Lần tranh cử 1992 giữa Tổng thống Bush và người thách thức Clinton đã cho thấy rõ một cách điển hình ý muốn quên đi Việt Nam. Bush hoài công cố gắng thổi dậy những cảm xúc, bằng cách lên án Clinton là đã tránh né phục vụ ở Việt Nam. Giới công chúng đứng thờ ơ trước cố gắng muốn làm sống dậy các chiến tuyến của 1968/71 giữa “diều hâu” và “bồ câu”, giữa phong trào phản chiến và những người bảo vệ hoạt động tham chiến đó.Cựu chiến binh Việt Nam

Có rất nhiều phim truyện nói về cuộc chiến và đã đưa ra cho hàng triệu khán giả nhiều diễn giải đa dạng: từ những tác phẩm tối tăm như Deer Hunter hay Apocalypse Now qua những cuốn phim phê ohán như Platoon và Full Metal Jacket cho tới Rambo, là một cuốn phim tôn vinh hoạt động của những người lính Mỹ và lên án các đối thủ Việt Nam như là những tên đồ tể thích thú những trò tra tấn tàn ác. Cũng có một số lớn tác phẩm văn học, thường là do cựu chiến binh sáng tác, đã chiếm được chỗ đứng vững chắc trong làng văn học Mỹ. Mặc cho phong trào phản đối đã bắt đầu trong thời của chính phủ Reagan, nhiều đại diện của các tầng lớp “tạo dư luận” đã công khai bày tỏ sự cố gắng để vượt qua quá khứ. Họ xếp cuộc Cách mạng Văn hóa của những năm sáu mươi và phong trào phản chiến vào trong di sản quốc gia. Họ nhận ra rằng, sự chống đối của giới trẻ hàn lâm chống lại “chế độ” là hợp pháp và “phong trào của các phong trào” đã nghiêm chỉnh nhận lấy nhiệm vụ của những người cha lập quốc, hãy làm việc hướng tới một xã hội mang tính kiểu mẫu cho bên ngoài và mở ra những cơ hội bình đẳng ở bên trong. So sánh với nước Đức của những năm năm mươi và sáu mươi và với nước Nhật thời hậu chiến, ở Mỹ có nhiều người sẵn sàng xem xét lại hệ giá trị của mình hơn, muốn thay đổi nhận thức của chính họ và đối diện với một chương sử khó khăn trong lịch sử của họ.

Ngoại trừ những tiếng nói trước sau vẫn ủng hộ hoạt động của Mỹ ở Đông Nam Á, ít nhất là trong giới hàn lâm và trí thức đã hình thành một vài đánh giá cơ bản về Việt Nam: (1) Mang chính sách ngăn chận sang Việt Nam là một sai lầm. Các chính phủ Truman và Eisenhower đã sai lầm khi cho rằng nguyên nhân của cuộc chiến là những yếu tố từ bên ngoài. Cuối cùng thì đó là một xung đột địa phương, mà trong đó vấn đề là về quyền tự quyết định và chủ quyền quốc gia. (2) Dưới thời Eisenhower và Kennedy, Hoa Kỳ liên kết với một nước vệ tinh yếu ớt không có khả năng sống sót nếu như không có sự hỗ trợ của Mỹ. Quyết định của Kennedy năm 1961, không quan tâm đến các nghị quyết của Hội nghị Genève và gửi cố vấn quân sự sang Nam Việt Nam, đã tăng cường sự phụ thuộc vào nhau của đôi bên. Quốc Hội Mỹ đã lưu tâm đến ngày tháng đó: Các đại biểu thông qua một đạo luật trong tháng Bảy 1996, cái không những bảo đảm tiền hưu đặc biệt cho thương binh đã phục vụ ở Việt Nam kể từ “Nghị quyết Vịnh Bắc bộ” (tháng Tám 1964). Hơn thế, bây giờ thì những thành viên của quân đội bị thương tật vĩnh viễn ngay từ 1961 cũng có quyền nhận tiền bồi thường. (3) Quyết định của Johnson, gửi quân đội mặt đất sang Việt Nam đã Mỹ hóa cuộc chiến hoàn toàn và lôi Hoa Kỳ vào trong một xung đột quân sự mà không thể thắng được với những phương tiện đã được lựa chọn. (4) Nixon tuy cuối cùng đã chấm dứt được cuộc Chiến tranh Việt Nam. Sự chọn lựa những phương cách và cái giá – đặc biệt là cho người Việt – trước sau vẫn còn bị tranh cãi.

Vẫn còn phải chờ xem liệu Hoa Ký có thể vượt qua được một vấn đề cơ bản của Chiến tranh Việt Nam một cách mang tính xây dựng hay không: câu hỏi của sự chuyển giao văn hóa. Cuộc thí nghiệm “xây dựng quốc gia” ở Nam Việt Nam ít nhất trong thời gian đầu cũng là một cố gắng để cải thiện những điều kiện sống của con người. Rằng sự chuyển giao văn hóa mang ý định tốt đẹp này, mà có những người này cho rằng nó ngây thơ và có những người khác cho rằng nó mang tính đế quốc, hiếm khi thực tế và thành công ở ngoài thế giới Bắc Đại Tây Dương, đã ngày càng có thể thấy rõ hơn sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Ngay cả giới tinh hoa của các quốc gia tư bản chủ nghĩa ở Đông và Đông Nam Á ngày nay cũng từ chối tiếp nhận con đường đi tới những xã hội dân chủ đa nguyên do Phương Tây vạch ra sẵn một cách vô điều kiện. Cả quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc cũng mang nhiều ảnh hưởng mang tính quyết định của sự tôn trọng lẫn nhau trước những truyền thống và nền văn hóa khác. Khi các kinh nghiệm của cuộc Chiến tranh Việt Nam được đưa vào để cùng tạo dựng các quan hệ này, thì những bài học của nó có thể góp phần để tránh được một “cuộc chiến tranh của các nền văn hóa”.[2]

Marc Frey

Phan Ba dịch

Đọc những bài khác ở trang Lịch sử Chiến tranh Việt Nam

[1] Họp báo của Carter vào ngày 24/03/1977, trong New York Time 25/03/1977; James William Gibbons, The Perfect War, Boston 1986, trang 5.

[2] Samuel Huntington, Kampf der Kulturen. Die Neugestaltung der Weltpolitik im 21. Jahrhundert, münchen 1996.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét