Ngoại trưởng mới của Lào, ông Saleumxay Kommasith và Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh tại Hà Nội, 6/2016
Đáng chú ý là việc Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, người dẫn dắt dự án đường sắt với Trung Quốc trị giá 7 tỷ USD, nay đã nghỉ hưu còn dự án này cũng bị tạm ngưng do Lào không hài lòng với một số điểm trong thỏa thuận.
Hơn nữa, "nhiều quan chức trong chính quyền mới của thủ tướng Thongloun Sisoulith từng theo học ở Việt Nam, đồng loạt tới thăm Hà Nội trong thời gian gần đây, là những chuyến công du nước ngoài đầu tiên" của chính quyền mới.
Lào trong vai trò chủ tịch ASEAN đang chuẩn bị tiếp đón các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh Asean và hội nghị với các đối tác ở Vientiane, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama.
Theo kế hoạch, ông Obama có mặt từ 6-8 tháng Chín, là lúc ông sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean bên cạnh các cuộc họp khác.
Chuyến đi Lào của ông Obama được đánh giá là nỗ lực cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống nhằm "tái cân bằng" chính sách ngoại giao của Washington ở châu Á, "một chiến thuật được coi là nhằm đáp trả việc Trung Quốc phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự ở khu vực," Reuters viết.
Các nhà ngoại giao cho rằng ông Obama có thể mở rộng hơn cánh cửa tại Lào nhờ những thay đổi diễn ra tại quốc gia này hồi tháng Tư vừa rồi.
"Tân chính phủ Lào chịu ảnh hưởng từ Việt Nam nhiều hơn là từ Trung Quốc," một nhà ngoại giao phương Tây tại Đông Nam Á nói. "Chuyện một tổng thống Mỹ tới thăm không bao giờ là điều quá muộn."
Bài báo cũng dẫn lời chuyên gia Phương Nguyễn, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế từ Washington, nói: “Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Lào là nhìn thấy đất nước này có thể thực thi được quyền tự trị nhất định nào đó vì người ta không muốn... [xảy ra] điều tương tự như quan hệ Trung Quốc và Campuchia.”
Ở hai trong số các cuộc gặp của ASEAN do Lào chủ trì, Vientiane đã bày tỏ thái độ khó chịu đối với láng giềng Campuchia, quốc gia ngày càng bị coi là vệ tinh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là quốc gia có khoản đầu tư khổng lồ vào Lào, so với Hoa Kỳ hay Việt Nam.
Trong năm 2014, Bắc Kinh đầu tư 1 tỷ USD vào Lào, và nâng lên mức kỷ lục vào năm 2015 với số tiền 4,5 tỷ USD, bài viết dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc và báo chí địa phương.
“Ở Lào, chúng tôi có khoảng 7-8 công ty so với 30–40 công ty của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc lại là một cuộc chơi khác hẳn,” người đứng đầu hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-Asean, ông Anthony Nelson được Reuters trích lời.
“Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi các quốc gia phát triển ở mức thấp nhất như Lào và Campuchia lại là những người muốn lên tiếng bênh vực cho quan điểm của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận quốc tế.”
Tuy nhiên, về văn hóa thì Lào gần gũi với Việt Nam hơn Trung Quốc. Các cửa hiệu kinh doanh dùng tiếng Lào và các gia đình Lào –Việt cũng hòa nhập với phong tục địa phương, trong khi các gia đình Trung Quốc thường tách biệt hơn.
Lào có vai trò quan trọng chiến lược với cả Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam có đường biên giới dài trên đất liền với Lào, có thể giúp tới được thị trường Thái Lan và xa hơn. Với Trung Quốc, Lào là cánh cửa quan trọng để với tới Đông Nam Á trong chiến lược thương mại “con đường tơ lụa mới” của nước này, theo bài báo.
Lào đang phát triển hàng loạt thủy điện ở dòng sông dài nhất thế giới, sông Mekong, với mục tiêu trở thành quốc gia cung cấp điện năng cho châu Á.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và môi trường Việt Nam bày tỏ lo ngại trước dự án Don Sahong trên dòng chính sông Mekong tại Lào, sau đập Xayaburi.
Dự án thủy điện của Lào "có khả năng cản đường cá đi", gây tác động xấu tới nguồn cá và hệ sinh thái dòng chảy sông Mekong, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về nghiên cứu biến đổi khí hậu nói với BBC Tiếng Việt hôm 21/08.
Đập thủy điện này đã được bắt đầu thi công vào tháng 10/2015 được cho là sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét