Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

LÊ NAM TRÀ ĐANG PHÙ PHÉP VỤ AVG NHƯ THẾ NÀO?

Nguyễn Văn Tung

19-7-2016

Mời xem lại: Kỳ 1: Lê Nam Trà – Tay trong con gái Thủ tướng phá hoại 20 năm phát triển bền vững của MobifoneKỳ 2: Lê Nam Trà và đại án tham nhũng ở MobifoneKỳ 3: Sau AVG, Lê Nam Trà và Nguyễn Thanh Phượng đang âm mưu những gì ở Mobifone?Kỳ 4: Mobifone ngang nhiên thách thức các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Chính phủKỳ 5: Việc thanh tra toàn diện vụ tham nhũng AVG ở Mobifone liệu đã bắt đầu?Kỳ 6: Cuộc điều tra tham nhũng AVG tại Mobifone đã thực sự bắt đầu



Nguyễn Thanh Phượng và Lê Nam Trà

Tóm tắt các kỳ trước:

“Việc Tổng công ty MobiFone (một Tổng công ty Nhà nước) mua Đài truyền hình tư nhân AVG (của Phạm Nhật Vũ) là một vụ tham nhũng rất nghiêm trọng trong ngành viễn thông Việt Nam và gây nhức nhối, bức xúc trong toàn xã hội suốt thời gian qua.

Cuối 2015, Lê Nam Trà đã chỉ đạo và ký hợp đồng mua Đài truyền hình AVG với mức giá 8.900 tỷ đồng, đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng (tài sản của AVG – sau khi trừ khấu hao và lỗ lũy kế – chỉ ở mức khoảng 1.000 tỷ đồng, tài sản vô hình có giá trị lớn là 2 băng tần 700 Mhz của AVG sẽ phải trả lại Bộ Thông tin Truyền thông vào cuối năm 2017 để cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông theo quy trình công khai, minh bạch). Quy trình MobiFone mua AVG đã vi phạm nghiêm trọng quy định đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước (không lập dự án nhóm A để trình thẩm định, việc mua bán dựa vào các văn bản đồng ý chủ trương chung chung)”.

Số tiền thất thoát hơn 7.000 tỷ đồng của MobiFone trong vụ tham nhũng AVG chính là mồ hôi nước mắt tích cóp của bao thế hệ cán bộ, nhân viên VMS/MobiFone trong suốt hơn 20 năm qua và cũng là những đồng tiền thuế của người dân Việt Nam. Tiếc thay, số tiền mồ hôi nước mắt nói trên đã rơi vào túi Lê Nam Trà, Phạm Nhật Vũ và một vài quan chức của Bộ Thông tin Truyền thông (Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng…).

Số tiền 8.900 tỷ đồng MobiFone đã bỏ ra mua đài truyền hình AVG tương đương với gần 2/3 vốn điều lệ của Tổng công ty MobiFone. Để đánh giá được sự căng thẳng về luồng tiền và khả năng thanh khoản của MobiFone sau vụ mua bán AVG, chúng ta chỉ cần nhìn vào báo cáo tài chính của MobiFone cuối các quý (từ quý 3/2015 đến tháng 6/2016) là đủ hiểu.

Với số tiền 8.900 tỷ đồng nói trên, MobiFone đủ để mua 1 công ty truyền hình cáp có mạng lưới toàn quốc (cỡ như VTV Cab, SCTV) để MobiFone có thể nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng mạng truyền dẫn toàn quốc của mình. Hoặc phương án tệ nhất, Mobifone bỏ số tiền 8.900 tỷ đồng vào ngân hàng thì tiền lãi ngân hàng ở mức khoảng 450 tỷ đồng/1 năm.

Ngày 12/6, Lê Nam Trà đăng đàn tuyên bố trên báo Bưu điện Việt Nam về “tin vui” AVG đã có lãi 6.4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đối với những người am hiểu và theo dõi vụ việc thì con số này thật là nực cười! Rất nhiều cán bộ, nhân viên Tổng Công ty MobiFone biết rằng Lê Nam Trà đang tập trung phù phép “con nghiện” AVG để biến mức lỗ hơn 400 tỷ đồng (vào năm 2015) để thành có lợi nhuận và “rất hiệu quả” (trong năm 2016) bằng các biện pháp: tiết kiệm chi phí hoạt động (sa thải gần hết đội ngũ nhân viên bán hàng của AVG, bắt các công ty kinh doanh khu vực của Mobifone phải è cổ gánh doanh số bán đầu thu DHT, DTT của AVG), “treo” chi phí (đặc biệt là chi phí khấu hao và giá vốn hàng bán) qua các nghiệp vụ kế toán, đẩy doanh thu quảng cáo của MobiFone đi qua AVG (mặc dù thuê bao thực của AVG chỉ khoảng cỡ 500 nghìn và chủ yếu ở vùng nông thôn, tức là phạm vi quảng bá là rất hẹp), tập trung toàn lực đẩy rất nhiều dịch vụ giá trị gia tăng chạy qua cửa AVG (với mức chia doanh thu cho AVG cao hơn thông lệ từ 10% đến 15%).

Như vậy, cái gọi là “lãi” của AVG trong 6 tháng đầu năm (và cả năm 2016) thực ra chỉ là lãi rởm, bản chất là lãi của Mobifone chuyển sang bằng nhiều hình thức. Các thuê bao truyền hình AVG – còn gọi là MobiTV – đang được MobiFone khuyến mại không phải trả tiền 30 tháng thuê bao nên sẽ rất lâu nữa thì Mobifone mới có doanh thu thực từ thuê bao truyền hình AVG. Nếu muốn biết bức tranh thực về nguồn lợi nhuận của AVG, chỉ cần các cơ quan hữu quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… vào kiểm tra vài bước là sẽ rõ vấn đề ngay.

Hiện nay, tình hình tài chính của AVG đang ở tình trạng hiểm nghèo (mặc dù đã được MobiFone bảo lãnh cho vay gần 400 tỷ đồng để thanh toán khoản nợ đến hạn hơn 700 tỷ đồng vào giữa năm nay) và đang rất cần được tăng vốn điều lệ. Tuy vậy, với một công ty AVG quặt quẹo (và là vai chính của một vụ tham nhũng lớn) thì liệu Bộ Thông tin Truyền thông có nên báo cáo Chính phủ để “giải cứu” hay không?

Trong suốt gần 6 tháng qua, Lê Nam Trà đã vận dụng mọi mối quan hệ cấp cao và đổ hàng núi tiền để chạy cửa các bộ, ngành để mong thoát tội nhưng có vẻ như các cánh cửa đang dần dần khép lại. Dư luận xã hội hiện đang rất bức xúc, có nhiều ý kiến đề nghị khởi tố, điều tra đối với Lê Nam Trà và yêu cầu Phạm Nhật Vũ phải hoàn trả số tiền 8.900 tỷ đồng ngay cho Ngân sách Nhà nước.

Vụ tham nhũng AVG được đánh giá còn nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ Trịnh Xuân Thanh (làm lỗ 3.000 tỷ đồng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và sắp đến giai đoạn điều tra). Vụ AVG đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ (kể các các vị lãnh đạo lão thành đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thăng Long); đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ tập trung làm rõ. Sau kỳ họp Quốc hội khóa 1 vào cuối tháng 7 này, vụ tham nhũng AVG sẽ được chính thức lôi ra ánh sáng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét