Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

KHỦNG HOẢNG YÊN BÁI, KHỦNG HOẢNG CÔNG LÝ

Huy Đức

Khởi tố là cần thiết vì nếu có thể tìm ra nguyên nhân vụ án mạng ở Yên Bái thì cho dù không còn bị can, bị cáo nào, chính quyền vẫn có thể rút ra nhiều bài để học. Tuy nhiên, không cần chờ khi công cuộc điều tra khép lại, cơ quan lãnh đạo cao nhất của ĐCS VN mới cần ngồi xuống để nhận ra đâu là căn nguyên của cuộc khủng hoảng này.


Khủng hoảng không phải bắt đầu từ Yên Bái.

Tại thời điểm xảy ra vụ Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng (5-1-2012), tôi viết bài "Quả Bom Đoàn Văn Vươn" và cảnh báo, đừng để "những quả bom lại nổ". Hai mươi tháng sau, chiều 11-9-2013, ở Thái Bình, nông dân Đặng Ngọc Viết đã cầm súng xông vào trụ sở Ủy ban, nổ súng vào 5 cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, rồi tự sát...

Cho dù giờ đây, ông Đoàn Văn Vươn đã trở về đoàn tụ gia đình và công việc cày cấy trên mảnh đất nhuốm máu của ông có vẻ như đang tiến triển; cho dù ông Đặng Ngọc Viết đã chuẩn bị cho mình một cái chết bi tráng, cái giá mà hai ông và gia đình phải trả là quá khắc nghiệt. Tại sao hai thường dân lương thiện này đã phải dùng súng, dùng bom.

Đấy là hành động của những con người không còn tin chính quyền này có thể mang đến cho mình công lý.

Nhiều người hôm qua cũng đặt câu hỏi, dẫu có mất chức chi cục trưởng, ông Đỗ Cường Minh vẫn còn khá nhiều cơ hội, tại sao ông nỡ chọn một kết cục bi thảm như vậy.

Cũng như ông Viết, ông Vươn, phải đối diện với một tình huống bất công một quan chức của chế độ mới phải dùng đến khẩu súng do chế độ trang bị cho để bắn vào những người cùng ngồi trong lòng chế độ.

Không chỉ có những thường dân, hành động của ông Minh cho thấy, ngay cả những cán bộ ở cấp rất cao giờ đây cũng không còn tin rằng trong cái tổ chức mà họ đang có chân, dẫu vẫn mang lại cho họ rất nhiều bổng lộc, khi đụng chuyện cũng không thể mang đến cho họ công lý.

Rõ ràng, vụ Yên Bái cho thấy tính mạng các nhà lãnh đạo của "Đảng Ta" đã không còn an toàn ngay cả khi họ ngồi trong những căn phòng cách âm quá tốt (Súng K59 nổ trong phòng Bí thư mà không ai nghe thấy). Nhưng, đừng phản ứng mau lẹ bằng cách tăng cường lực lượng cảnh vệ hoặc đặt máy dò kim khí ngay trước cổng các cơ quan.

Không phải cứ thêm súng ống là có thể giữ được tính mạng cho quý vị.

Chỉ khi không còn chút hy vọng nào vào công lý người dân và các đồng chí của quý vị mới tìm đến bạo lực. Đừng sợ hãi bạo lực đến mức tăng cường bạo lực cho dù có nấp dưới mỹ từ kỷ cương. Đừng củng cố những thiết chế chỉ để bảo vệ chính quyền bởi cách làm đó cũng không khác chi tự cài bom dưới ghế.

Hãy nghĩ đến một lộ trình cải cách chính trị để không chỉ quý vị tránh được những viên đạn của đồng chí mình mà còn để cho dân tránh được bể dâu lần nữa.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét