Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Càng phá thì được... vào Bộ Chính Trị

Huy Đức: Chỉ cần tính trong lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam thôi, chưa bao giờ có chuyện người đứng đầu hai ngành làm ăn bi bét nhất, thay vì bị giáng chức, lại chui lọt vô Bộ Chính trị như Đinh La Thăng và thống đốc Nguyễn Văn Bình. Có lẽ bí quyết chính trị của nó nằm ở chỗ "xây" dẫu có thành công thì cũng chỉ kiếm tiền lẻ, phải "phá" tới nơi thì mới có đủ tiền.


Năm 1989, trước sự đổ bể của hàng loạt hợp tác xã tín dụng, ông Lữ Minh Châu, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước đã bị mất chức (dù lỗi dẫn đến sự đổ vỡ không phải do ông). Năm 2004, ông Lê Huy Ngọ cũng đã từ chức Bộ trưởng bộ NN & PTNT chỉ vì vụ Lã Thị Kim Oanh mà nếu so với vụ ngân hàng Xây Dựng, Huyền Như hay PVC thì chỉ là cái kim, sợi chỉ.



Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vào Bộ CT do thành tích...phá

Thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng tại PVC: Sau ông Trịnh Xuân Thanh, còn ai phải chịu trách nhiệm?


“Khi tôi tiếp nhận cơ ngơi của PVC, nguồn tiền khả dụng chỉ còn vẻn vẹn 2,7 tỷ đồng. Một doanh nghiệp lớn với vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, mà kiệt quệ chỉ sau vài năm. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) là ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Vũ Đức Thuận, khi đó là Tổng giám đốc. Ông Trần Minh Ngọc - nguyên Tổng giám đốc PVC sau thời ông Vũ Đức Thuận cho biết.


Càng làm càng ra… lỗ to


Theo ông Trần Minh Ngọc thì vào thời điểm năm 2012, nhận thấy những dấu hiệu bất bình thường do thua lỗ dẫn đến nguy cơ mất vốn nhà nước tại Tổng công ty PVC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cử 2 đoàn thanh - kiểm tra tại Tổng công ty này. Kết luận của các đoàn kiểm tra cho thấy con số thua lỗ khi đó khoảng 1.000 tỷ đồng, chủ yếu do việc đầu tư ồ ạt vào 11 dự án bất động sản và trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ xấu.


Sau khi tập đoàn có quyết định điều chuyển cả 2 lãnh đạo PVC là ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận - Tổng giám đốc, thôi không điều hành hoạt động tại PVC, cử ông Trần Minh Ngọc, khi đó là Trưởng ban Quản lý dự án đóng mới giàn khoan dầu khí thay thế chức vụ làm Tổng giám đốc thay ông Vũ Đức Thuận thì số tiền thua lỗ của PVC càng lúc, càng lớn.


Ông Ngọc nói, trên sổ sách thì khoảng 1.000 tỷ, nhưng khi soát xét, đối chiếu số nợ phải thu, phải trả thì ngay năm đầu tiên tiếp quản PVC, số tiền thua lỗ được xác định lên tới 1.800 tỷ đồng. Và chưa dừng lại bởi khi đó, nhiều dự án bất động sản được PVC quản lý tiếp tục “lao dốc” theo sự lao dốc của thị trường. Số lỗ đóng băng lên tới 3.200 tỷ đồng được xác định một phần là do khả năng quản lý, điều hành yếu kém của các lãnh đạo PVC, một phần là do thị trường bất động sản đóng băng.


“Sau khi xác định số lỗ lên tới 3.200 tỷ đồng, tôi có báo cáo lãnh đạo tập đoàn để xin ý kiến chỉ đạo. Một mặt tìm cách xử lý các khoản công nợ, tiếp tục thi công các dự án dang dở như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, Thái Bình 1… Có thời điểm số vốn khả dụng của PVC chỉ còn vẻn vẹn có 2,7 tỷ đồng” - ông Trần Minh Ngọc khẳng định.


Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì trong thời gian từ 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.


Những vi phạm, thua lỗ này là nghiêm trọng. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm này. Bên cạnh đó, người trực tiếp điều hành hoạt động đầu tư, kinh doanh của PVC là ông Vũ Đức Thuận với cương vị Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc PVC, ông Vũ Đức Thuận không thể đứng ngoài vô can về khoản thua lỗ nêu trên.


Lỗi do đầu tư ngoài ngành gây hậu quả nghiêm trọng


Báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên PVC năm 2013 cũng cho thấy, khoản thua lỗ của PVC chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng. Các công trình có hiệu quả kinh tế thấp, gây lỗ do chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ đề xuất, đánh giá toàn diện khối lượng và dự toán các gói thầu nên dẫn đến nhiều khối lượng phát sinh. Công tác quản lý và sử dụng vốn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đạt hiệu quả chưa cao…


Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 vừa tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch PVC - ông Bùi Ngọc Thắng - cho biết, khoản 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty này vẫn “đóng băng” tại các khoản đầu tư tài chính, không tạo ra lợi nhuận, chưa kể còn nhiều khoản phải trích lập dự phòng do giá cổ phiếu giảm, thu hồi công nợ không thu được. Doanh thu của PVX (mã chứng khoán của PVC) bao gồm Công ty mẹ và 9 đơn vị thành viên đạt 11.966 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,69 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm và bằng 22% so với năm 2014.


Nhưng trong 9 Công ty con mà PVX đang chi phối, chỉ có 3 đơn vị có lãi sau thuế là PVC-MS (lợi nhuận sau thuế đạt 109,72 tỷ đồng), PVC-IC (lợi nhuận sau thuế đạt 35,57 tỷ đồng), PVC-PT (lợi nhuận sau thuế đạt 33,68 tỷ đồng). Các đơn vị còn lại tiếp tục thua lỗ, trong đó tập trung tại các đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, kinh doanh bất động sản như PVC Land lỗ 28,22 tỷ đồng, PVC-Thái Bình lỗ 19,68 tỷ đồng, PVC-Đông Đô lỗ 18,23 tỷ đồng…


Ông Bùi Ngọc Thắng thừa nhận khối lượng công việc liên quan đến tái cơ cấu, thoái vốn, thu hồi công nợ của PVX còn nhiều khó khăn. Nếu làm được, hiệu quả sản xuất PVX sẽ rất tốt, còn không thì hoạt động kinh doanh chính sẽ không gánh được. Hiện tại, PVX đang quyết toán các dự án của PVN như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, PVTex, Ethanol Phú Thọ... Đây là những dự án tại thời điểm năm 2013 PVC được giao làm tổng thầu EPC nhưng gây thua lỗ, đội vốn, do đó, công trình gần như không thể quyết toán được.


Hồng Quân


(Lao động)

Putin nghĩ gì, làm gì và liệu Nga sẽ sụp đổ?

Lời người dịch: Dù Putin lo bảo vệ quyền lực cá nhân cho đến cuối đời trong lo sợ, nhưng lại hô hào dân chủ giả hiệu và tinh thần dân tộc cực đoan để tìm sự ủng hộ của dân chúng. Vì Putin ủng hộ cho chế độ phi nhân tại Syria và xâm chiếm Bán Đảo Crimea để phô trương sức mạnh quân sự cho thế giới và dân chúng, nên gây nhiều hậu quả bất lợi cho nước Nga. Do ảnh hưởng của giá dầu xuống thấp và các biện pháp phong toả mà tình hình kinh tế suy vi, Nga không thể tiếp tục tài trợ cho các phiêu lưu quân sự và gia tăng phúc lợi cho dân chúng. Bất ổn xã hội tăng cao và động loạn triền miên nên Nga không thể phát huy tinh thần dân chủ và đoàn kết chính trị. Sụp đổ của Nga như Liên Bang Xô Viết và các nước Đông Âu sẽ là một hồi kết để hạ màn cho chế độ của Putin, nhưng đó là một triển vọng khó lường đoán. Dù có tình huống nào khác tốt hơn có thể xảy ra thì người dân Nga cũng sẽ phải còn tiếp tục sống trong đau khổ.
Các lý giải tổng hợp này của Anders Åslund cũng đúng cho Việt Nam, nhưng tình hình của Việt Nam còn trầm trọng hơn nước Nga nhiều.




Kommersant Photo/Getty Images


Khi cơn sốt chiến tranh trở lại Ukraina, thì lý do tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ một con người mơ ước tạo ra hiện đại hóa lại thành một kẻ chuyên quyền hung hăng, là một vấn đề được làm sống lại. Cho dù với lý do nào đi nửa – nổi lo sợ cho sự an toàn của riêng mình hoặc ý nghĩa về sự bất bình thuộc lịch sử, hoặc là cả hai – khi Putin không có khả năng để cải cách cho nền kinh tế của Nga, thì dường như chắc chắn là ông sẽ sụp đổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ở vào thời điểm gây được nhiều chú ý trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ cũng giống như Hillary Clinton và Donald Trump. Như theo các chuyên gia an ninh khả tín cho biết rằng Putin có tay chân thâm nhập được các vào máy vi tính của Đảng Dân chủ và lọt qua các kết quả cuả WikiLeaks, nên Putin dường như đang cố làm thiên lệch cuộc bầu cử theo cách của Trump. Bên cạnh việc kêu gọi Nga thâm nhập vào các điện thư của Clinton, Trump dường như đã trả ơn cho Putin bằng cách chấp nhận các lý do của Putin trong việc sáp nhập Crimea và phủ nhận sự hiện diện của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine. Nhìn trong con người của Putin, nhiều nhà quan sát thấy có cả lý tưởng lãnh đạo của Trump: độc đoán, không kềm chế và có phong cách riêng.

Trở lại về vấn đề của Nga, Putin đã thậm chí vượt trội hơn Trump trong việc chế ngự các tin tức. Tất nhiên, ông có bộ máy tuyên truyền hùng hậu của Điện Kremlin trong tầm tay, một trong số bộ máy này là không ngừng phóng chiếu hình ảnh của ông như là một Nga Hoàng toàn năng và toàn trí qua hình thức sùng bái cá nhân trong phong cách mới của truyền hình. Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện của một Sa Hoàng khôn ngoan này, nền kinh tế Nga đã gần như nổ tung, dường như đang đi theo một tiến trình trì trệ như thời Leonid Brezhnev, nếu không nói là tệ hơn.

Với thành tích về chủ trương phiêu lưu quốc tế và vụng về trong kinh tế, chuyện không có gì là ngạc nhiên khi Putin đã cuốn hút và gây quan tâm cho các nhà bình luận của Project Syndicate về 16 năm cầm quyền của ông. Ivan Krastev của Center for Liberal Strategies ở Sofia có thể nắm bắt được quan điểm của các nhà bình luận này một cách hay nhất: “chúng ta bị mê hoặc bởi Tổng thống Nga không phải vì Putin là hợp lý, hoặc thậm chí vì ông là mạnh hơn, nhưng vì ông chủ động sáng kiến”, trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây dường như quá nhút nhát và/hoặc bị tê liệt trong hành động.

Thuần lý trong ngang bướng

Vladimir Putin là ai và điều gì thúc đẩy ông ta? Khi Putin nắm quyền vào năm 2000, ít ai biết về ông mà mọi người có xu hướng nhìn thấy những gì họ muốn biết. Sau khi nhìn vào đôi mắt của Putin, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush nói rằng ông có thể “nhận được một ý nghiã trong tâm hồn của Putin”, ông nhìn thấy Putin là “một người dấn thân cao độ vì lợi ích tốt nhất của đất nước”. Chris Patten, Ủy viên Ngoại vụ của Liên Âu và có quan hệ với Putin, qua các cuộc gặp gỡ này, ông có một ấn tượng tối tăm hơn nhiều: “Putin nhìn chúng tôi trong ánh mắt và nói dối, gần như chắc chắn ông nhận thức rằng chúng tôi biết ông đang nói dối”.

Ngày nay, việc đánh giá tốt đẹp về Putin mà Bush thêu dệt đã đột nhiên biến mất trong số các nhà lãnh đạo của thế giới, một vài người trong giới này như Thủ tướng Đức Angela Merkel chẳng hạn, họ đã có những kinh nghiệm tương tự như Patten. Nhưng đánh giá càng đáng ngờ nhiều hơn này đã chỉ đem lại những vấn đề khác. Có phải Putin là một bậc thầy về chiến lược luôn dẫm chân lên các đối thủ, gần đây nhất là ông tìm cách gần gủi hơn với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan trong khi đồng thời tăng thêm căng thẳng mới với Ukraine không? Hoặc có phải Putin là một kẻ vụng về liên tục, người không nhận ra các chiến thắng về mặt chiến thuật ở Ukraina và Crimea, hoặc trong việc ký kết thỏa thuận về năng lượng với giá hạ cho Trung Quốc, tất cả là những thất bại về mặt chiến lược mà nó đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các lợi ích lâu dài của Nga không?

Adam Michnik, nhà lãnh đạo của phe đối lập chống Cộng sản của Ba Lan trước năm 1989, ông thấy tính cách hung hãn quốc tế của Putin như là nổi lên từ “quan điểm bất thường mà cả thế giới đã phân biệt đối xử chống lại Nga trong ba thế kỷ qua.” Tuy nhiên, Michnik nhấn mạnh rằng theo quan điểm bất động của phương Tây, quan điểm lệch lạc này về lịch sử đã khiến Putin nắm lấy các chính sách có thể được cấu trúc theo một cách thuần lý. Trong xâm lược và thôn tính Crimea, “việc thu tóm bằng bạo lực đã xãy ra – và Putin biết điều đó.”

Một trong những người chỉ trích Putin gay gắt nhất trong nước (mà gần đây bị phải chạy khỏi nước Nga), đó là nhà phân tích chính trị Andrei Piontkovsky, ông đi xa hơn trong khi nhấn mạnh đến tính cách thuần lý của Putin. Ông lập luận là “Putin được hướng dẫn bởi một mục tiêu duy nhất.” Và mục tiêu đó không phải là “tham vọng đế quốc.” Thay vì thế, “mọi chính sách lệ thuộc với mục tiêu cầm quyền Nga của Putin là cho đến khi nào mà ông còn sống”. Các hành động của ông ta không được thúc đẩy bởi một ham muốn đầy bệnh hoạn cho quyền lực, nhưng đang “dựa trên các mối quan tâm hoàn toàn thực tế về sự an toàn cá nhân của mình,” Piontkovsky khẳng định như vậy. Nói một cách đơn giản, Putin “hiểu các quy luật của hệ thống độc tài mà ông đã giúp xây dựng lại nước Nga.”

Nina Khrushcheva của Trường phái mới đồng ý khi lập luận là lo sợ của Putin cho sự an toàn cá nhân là biện minh có cơ sở. Bởi vì “Putin đã thể hiện là ít kiềm chế khi săn đuổi các đối thủ,” dù ông hiểu rằng có “các thỏa thuận bất thành văn giữa các giới lãnh đạo là không bao giờ có thể từ bỏ quyền lực một cách tự nguyện mà không lo sợ cho sự an toàn trong tương lai”. Vì vậy, số phận của người hùng là một loại hoang tưởng thường trực mà nó đòi hỏi Putin duy trì quyền lực cho đến ngày cuối đời của mình.

Để đạt được mục tiêu này, Putin đã làm vô dụng một nền dân chủ còn non trẻ của Nga và thậm chí bịa ra một ý thức hệ giả tạo – “một nền dân chủ với chủ quyền tối thượng” mà trong đó, như cựu Tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen nói: “tổng thống loại bỏ tất cả đối lập, hạn chế tự do của truyền thông vàrồi thì ông nói với người dân rằng họ có thể lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ.”

Mối quan tâm của Putin cho an toàn cá nhân cũng đi theo một con đường dài hướng tới việc giải thích lý do tại sao ông đã kích động sự nhiệt tình tinh thần dân tộc ở trong nước. Vladislav Inozemtsev của Moscow’s Higher School of Economics thấy trong con người của Putin và cách cai trị của ông là một dấu hiệu lờ mờ của chủ nghĩa phát xít, mà theo định nghĩa của nhà sử học Robert O. Paxton là: “Mối bận tâm đầy ám ảnh về sự suy sụp của cộng đồng, ô nhục, hoặc mang tâm trạng là nạn nhân, tinh thần sùng bái cho đoàn kết, tinh thần nhiệt huyết và thuần khiết.”

Viễn kiến này hỗ trợ cho sự khẳng định của Harold James thuộc Đại học Princeton. Đó là một lỗi lầm nghiêm trọng để biến “chính sách của Điện Kremlin thành một bi kịch tâm lý mà chỉ có thể hiểu được thông qua một cuộc thăm dò sâu xa về tinh thần của nước Nga.” Kết quả của một tìm kiếm như thế chỉ là “các quan niệm sai lầm tràn lan về những gì đã thúc đẩy làm cho Putin thay đổi từ một lập trường có vẻ như đang hiện đại hóa, hòa giải, và thậm chí thân phương Tây” trong đầu nhiệm kỳ tổng thống chuyển sang một “chủ nghĩa xét lại hung hăng” ngày nay.

Đáp ứng trước sự đe doạ của một quyền lực đang suy vong

Joseph S. Nye của Đại học Harvard, người có tiếng nói hàng đầu trong học giới về chính sách đối ngoại của Mỹ, ông nhìn thấy “một tình trạng suy vong trường kỳ” của nước Nga, nhưng trong đó “Nga vẫn còn đặt ra một mối đe dọa rất thực tế với trật tự quốc tế ở châu Âu và các nơi khác.” Vấn đề vượt qua khỏi Putin là: “Các quốc gia đang suy vong – thí dụ như Đế quốc Áo-Hung vào năm 1914 – có xu hướng trở nên ít sợ rủi ro và do đó mà họ tạo ra nguy hiểm hơn nhiều.” Thực ra, đối với Nye, mối đe dọa của Nga đặt ra “vượt xa khỏi Ukraine,” nơi mà Putin thôn tính Crimea và sự xâm nhập vào khu vực phía đông Donbas đã đặt ra một thách thức nghiêm trọng nhất đối với trật tự thế giới từ năm 1989. Như vậy, phương Tây phải đứng lên để đáp ứng lại thách thức của Putin, nhưng không phải là làm “cô lập Nga hoàn toàn.”

Shlomo Ben-Ami, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israel, theo cách lý luận này trong một bước sâu xa hơn. “Đối với một số quốc gia, thất bại về mặt chính trị hay quân sự là chuyện không thể nào chịu đựng được, quá nhục nhã đến độ mà các nước này sẽ làm bất cứ điều gì để lật đổ những gì họ xem như là một trật tự quốc tế bất công. Ben-Ami lập luận rằng:” Mặc dù Putin có thể bị thúc đẩy nhằm để tự bảo tồn, Putin thực sự cảm thấy bị phẩn uất.“ “Chiến lược mới để báo thù ” của Nga có vẻ như là một phản ứng tự nhiên với sự nhục mạ trong thất bại của họ trong Chiến tranh Lạnh và sự bần cùng đi kèm với sự sụp đổ kinh tế của đất nước trong những năm 1990.

Có thể làm gì để kiểm soát đất nước và lãnh đạo bị thúc đẩy bởi các cảm giác nhục nhã? Ben-Ami tiếp tục lập luận là: “Một quyền lực theo chủ trương xét lại có thể bị phản đối với sự nhiệt tình tương ứng” hoặc người ta có thể chờ đợi cho phản ứng này “đạt đến giới hạn của sức mạnh quân sự và kinh tế” và nổ tung giống như Liên Xô. Những giấc mơ của Putin về nước Nga “duy trì thiên hướng và các đặc điểm của một cường quốc: một nền văn hóa và lịch sử phong phú, tầm vóc quy mô, khả năng kinh khủng về hạt nhân, ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp vùng Âu Á, và năng lực để có một nơi điều chỉnh trong một vài cuộc xung đột.” Nhưng Putin dường như mù quáng trước các giới hạn về các nguồn lực của nước Nga.

Đối với Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, thì việc quyết định của Putin gửi quân sang bán đảo Crimea và sau đó là phía Đông Ukraine đã dẫn đến việc không chỉ làm phật ý phương Tây, nhưng là một phần của nỗ lực không ngừng để tăng cường “nắm quyền lực của mình trong nước.” Haass không ủng hộ việc kết hợp Ukraine vào khối NATO, nhưng ông đề xuất một sách lược đa phương. “Chính sách của phương Tây là nên tìm cách làm đe doạ chiến lược của Putin, bằng cách tăng cường cho Ukraine về phương diện chính trị và kinh tế, hỗ trợ an ninh và đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.

Ulkraine và Syria là các ván cờ đầu của Điện Kremlin

KHi Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt là một trong những kiến trúc sư về Quan hệ Đối tác của Liên Âu với các quốc gia Đông Âu trong năm 2009 (cùng có sự hợp tác của Ngoại trưởng Ba Lan lúc bấy giờ là Radosław Sikorski). Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các Chương trình Đối tác với các quốc gia Đông Âu đã bị chỉ trích là một sáng kiến ngây thơ. Bildt cũng không biện hộ. “Trong khi viễn kiến của Liên Âu cho một ‘châu Âu rộng hơn’ dựa vào quyền lực mềm, hội nhập kinh tế và xây dựng thể chế dài hạn, thì chính sách Nga nới rộng của Putin phụ thuộc vào sự đe dọa và bạo lực”. Chuyện không may là một tình trạng bất đối xứng còn dai dẳng. “Đối với Nga, gây thêm biến động trong ngắn hạn còn dể hơn là đối với châu Âu trong việc giúp xây dựng sự ổn định lâu dài.”

Yuliya Tymoshenko, người đã hai lần làm Thủ tướng Ukraine, bà nói rằng một tình trạng ổn định như vậy không thể phụ thuộc vào cách đặt niềm tin vào thiện chí của Điện Kremlin. Đối với bà Tymoshenko, Putin đã hành động theo một niềm tin đơn giản: “những gì ông có thể chia là để dể trị”. Đó là lý do tại sao số phận của đất nước của bà là rất quan trọng. Bà tin rằng “Những gì xảy ra ở Ukraine sẽ là một thử thách tối hậu để xem liệu việc thống nhất châu Âu và Xuyên Đại Tây Dương có chịu đựng được không” khi đối mặt với những cái bẩy mà Putin đặt ra cho họ.

Nhưng Jeffrey Sachs của Viện Địa Cầu thuộc Đại học Columbia tin rằng niềm tin của Putin là bước thoát ra khỏi các thực tế của thế kỷ XXI. “Putin dường như tin rằng Nga có thể làm đảo lộn bất kỳ tình trạng tồi tệ nào của quan hệ kinh tế với phương Tây bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc”, Sachs ghi nhận rằng: “Nhưng những công nghệ và kinh doanh được kết hợp nhau trong toàn cầu là để phân chia thế giới thành các khối kinh tế.” Trong khi đó, “Trung Quốc biết rằng sự thịnh vượng kinh tế dài hạn phụ thuộc vào quan hệ tốt đẹp với Mỹ và châu Âu”, điểm này dường như Putin không nhận ra, có vẻ như Putin không hiểu vấn đề “là nền kinh tế Liên Xô sụp đổ mà kết quả là do tình trạng bị cô lập từ các nền kinh tế công nghệ tiên tiến.”

Việc xâm nhập gần đây của Nga tại Trung Đông thể hiện cả hai vấn đề là sự táo bạo và các giới hạn của chủ thuyết Putin. Anne-Marie Slaughter, cựu Giám đốc Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ và Chủ tịch đương nhiệm của New America, bà cho rằng: “Putin đã hành động vì lý do quốc nội – để đánh lạc hướng sự chú ý của người Nga ‘từ thất bại của nền kinh tế trong nước và để xoa dịu sĩ nhục khi xem những kẻ biểu tình ủng hộ châu Âu lật đổ chính phủ Ukraina mà ông hỗ trợ”.

Và từ khởi thuỷ, ông tin tưởng rằng Nga sẽ phải chịu ít chi phí. Đối với một nhà lãnh đạo tự đo lường cho mình theo điều kiện của một kẻ bạo dâm thô kệch”, thực tế thì “Hoa Kỳ là một cường quốc quân sự lớn nhất và linh hoạt nhất trên thế giới, đã được lựa chọn để đàm phán khi bàn tay bị trói sau lưng,” là một lời mời gọi công khai đưa tới việc gây bất hoà.

Ben-Ami nghĩ là Putin đã đạt được mục tiêu ở Syria, ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad rút cục sẽ sụp đổ. “Sau nhiều năm đứng chung hàng ngũ, Nga hỗ trợ trong tâm điểm của trò chơi thuộc về địa chiến lược ở Trung Đông” và “đã củng cố vị trí như là một quyền lực phải được quan tâm đến”. Bằng cách tự khẳng định trong cuộc xung đột, Nga đã buộc Mỹ phải làm theo Nga. Do đó: “Các nhà lãnh đạo Trung Đông hiện nay hướng đến Moscow, không phải nhìn về Washington để gia tăng các lợi ích”.

Trận chiến Potemkin của nước Nga

Vấn đề chính của Putin ở Syria đã không phải là các phản đối của phương Tây, nhưng thực tế là nền kinh tế của Nga là quá yếu để hỗ trợ các hoạch định lớn lao của Putin trong thời gian dài. Trong vòng sáu tháng của sự can thiệp, chi phí tốn kém của việc phối trí quân đội Nga đã gây cho Putin phải triệt thoái nhiều lực lượng.

Yuriko Koike là Đô trưởng vừa mới được bầu tại Tokyo chỉ ra một cách trung thực là sự can thiệp của Putin tại Ukraine thể hiện sự yếu đuối mà không có hành động kinh nghiệm trước đó. Bà lập luận là “chổ yếu trong tham vọng quyền lực của Putin là một nền kinh tế còn bấp bênh và chưa đủ đa dạng của Nga, và nhiều mong đợi của người Nga bình thường về các tiêu chuẩn sống được cải thiện.“

Thật vậy, vào tháng Ba năm 2014, ngay sau khi Nga chiếm đóng Bán Đảo Crimea, Sergei Guriev, cựu Viện Trưởng New Economic School ở Moscow, hiệnnay đang lưu vong, ông liệt kê những thiệt hại kinh tế lớn mà Nga gây ra như là kết quả trong một chuyến phiêu lưu sai lầm của Putin tại Ukraine. Điều này không chỉ bao gồm các “chi phí trực tiếp của hoạt động quân sự và hỗ trợ chế độ Crimean và nền kinh tế không hiệu quả”, nhưng cũng có những chi phí nhiều thương đau hơn do các biện pháp phong toả về thương mại. Kết quả của cả hai đã “làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư Nga và nước ngoài và gia tăng việc thất thoát vốn tư bản”.

Putin là một nhà chiến thuật, ông đã sử dụng phản ứng của phương Tây để làm lợi cho mình. Cựu Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer và Henrik Enderlein, Giáo sư tại Trường Quản trị Hertie tại Berlin, dự đoán việc này. “Nếu phản ứng của phương Tây trước việc xâm lược của Nga tại Ukraine giới hạn có hiệu quả trong các biện pháp trừng phạt kinh tế”, họ viết: “Putin sẽ dễ dàng hơn để có thể đổ lỗi cho phương Tây và Nga cáo buộc sự thù địch làm cho đời sống của người dân Nga bình thường suy sụp, do đó nó làm cho Putin tăng gấp đôi về chủ thuyết dân tộc hiếu chiến”.

Nhưng ý tưởng cho rằng các biện pháp trừng phạt là nguyên nhân của tình trạng khốn cùng kinh tế của Nga chỉ là một phần khác trong tuyên truyền của chế độ. Các biện pháp phong toả chỉ kết hợp các yếu kém dài hạn của nền kinh tế Nga, phản ánh trào lượng tư bản khổng lồ bị thất thoát mỗi năm. Nguyên nhân của việc này, nói như Guriev và Aleh Tsyvinski của Đại học Yale, rõ ràng đây là: “Mặc dù các cơ hội đầu tư ở Nga rất nhiều, các cơ hội này đang bị đè nặng hơn bởi những rủi ro của sự truất hưũ tài sản.” Do đó mà “cổ đông tư nhân muốn bán cho nhà nước nhiều hơn, và lý do tại sao các công ty nước ngoài ưu tiên làm kinh doanh với các doanh nghiệp nhà nước.”

Một phần vì lý do này mà Giáo sư Simon Commander của IE Business School và tôi tin rằng nỗ lực để đa dạng hóa nền kinh tế thoát ra khỏi khu vực dầu mỏ và khí đốt đã thất bại. Hơn nữa, dưới thời Putin, khu vực công đã mở rộng nhanh chóng đến 70% của nền kinh tế, về cơ bản đảo ngược các cải cách tư nhân hóa và thị trường tự do của những năm 1990. Các người trung thành với Putin quản lý doanh nghiệp nhà nước kém cỏi và ít có sự minh bạch tối thiểu, nó làm cho vấn đề còn tệ hại hơn. Chúng tôi đã lập luận là: “Nước Nga của Putin làm ngày càng gợi nhớ đến Tổng thống Suharto của Indonesia – một hệ thống phức tạp của tư bản thân tộc và không ai có quyền sở hữu thực sự.”

Nhưng Charles Wyplosz của Trường Graduate Institute of International Studies tại Geneve đã cảnh báo chống lại các vấn đề phóng đại về khó khăn kinh tế của Nga. “Nga không phải là trường hợp của một cái rổ chờ để chứa các vấn đề kinh tế”, ông lập luận. “Tình hình hiện nay rất khác so với năm 1998”, khi thâm hụt ngân sách lớn lao của Nga và nợ công buộc chính phủ phải vỡ nợ.

Wyplosz nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây chính phủ của Putin đã theo đuổi một chính sách kinh tế vĩ mô bảo thủ với mức khiếm hụt ngân sách nhỏ và một khoản nợ công có giới hạn, trong khi tỷ giá hối đoái của đồng rúp mất giá so với giá dầu, làm cho Nga có thể duy tình trạng thặng dư trong tài khoản thanh toán vãng lai. Vì không có tình trạng tổn thương về mặt tài chính nên đã cho phép Nga khắc phục được các biện pháp phong toà kinh tế lâu dài hơn. Và trong khi “quyết định của Putin không thực hiện các cải cách không được phổ cập mà nó có thể tạo ra một khu vực mạnh không thuộc dầu khí và có thể tác hại lâu dài cho tình trạng lành mạnh của nền kinh tế”. Ông tiếp tục lập luận là: “Tình hình này đã cho phép Putin duy trì sự hỗ trợ của đông đảo quần chúng.”

Vladimir Brezhnev?

Tuy nhiên, lựa chọn đó chỉ làm trì hoãn các việc không thể tránh khỏi. Putin là một kẻ cơ hội khéo léo, nhanh chóng chuyển biến lợi thế trong ngắn hạn khi ông cảm nhận sự yếu kém hoặc thiếu quan tâm của giới đối kháng. Nhưng ngoài mối quan tâm của ông về sự ổn định về nền kinh tế vĩ mô, Putin dường như không có cách làm cho cải cách tạo ra cạnh tranh cho nền kinh tế của Nga.

Thật vậy, mặc dù Putin thường đem nhiều lời hứa hẹn lớn lao và hoạch định cho một tương lai rạng rỡ của Nga, thậm chí đoan chắc rằng đến năm 2003 GDP sẽ tăng gấp đôi trong một thập kỷ, ông “đã không báo hiệu bất kỳ các kế hoạch cụ thể nào để giải quyết những yếu kém của nền kinh tế Nga”, nhà kinh tế học Ba Lan Jan Winniecki nói. “Nga phải đối mặt với một thách thức tương tự như trong các năm 1970 và 1980 – và, như Putin ngày nay, các nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc làm những gì xem ra là cần thiết.”

Do đó, George Soros lập luận là “chế độ Putin phải đối mặt với sự phá sản vào năm 2017, khi một phần lớn các khoản nợ nước ngoài tăng lên, và bất ổn chính trị có thể bùng dậy sớm hơn. “Với dự báo này, vấn đề cơ bản của Putin hôm nay là: nhờ sự cứng rắn, quá chú trọng vào đầu tư quân sự, và lơ là của phương Tây mà chế độ của ông sẽ kết thúc trong cùng một số phận sụp đổ như Liên Xô?

Nếu Nga sụp đổ, các dự đoán Michnik sẽ được xác minh là đúng. “ông trùm của băng đảng Mafia thường gặp một số phận bất hạnh”. Ông nhắc nhở chúng ta là: “tôi không nghĩ rằng Putin sẽ tiến triển nhiều trong khi hạ màn kết thúc. Tuy nhiên, trong khi đó, nhiều người – trong nước Nga và ở các nơi khác nữa – có thể phải còn chịu khổ.“

Anders Åslund

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

* Anders Åslund là Thành viên Cao cấp của Atlantic Council in Washington, DC. Tác phẩm gần đây nhất của ông là Ukraine: Went Wrong và How to Fix It.

Nguyên tác: The Putin Question. Tựa đề bản dịch là của người dịch.

Lào chuyển hướng, thân thiện hơn với VN?

Với chính quyền mới của Thủ tướng Thongloun Sisoulith, các nhà ngoại giao có vẻ như đang thấy một số dấu hiệu về sự thay đổi trong thái độ của Lào đối với Bắc Kinh và Việt Nam, theo Reuters.


Ngoại trưởng mới của Lào, ông Saleumxay Kommasith và Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh tại Hà Nội, 6/2016

Đáng chú ý là việc Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, người dẫn dắt dự án đường sắt với Trung Quốc trị giá 7 tỷ USD, nay đã nghỉ hưu còn dự án này cũng bị tạm ngưng do Lào không hài lòng với một số điểm trong thỏa thuận.

Hơn nữa, "nhiều quan chức trong chính quyền mới của thủ tướng Thongloun Sisoulith từng theo học ở Việt Nam, đồng loạt tới thăm Hà Nội trong thời gian gần đây, là những chuyến công du nước ngoài đầu tiên" của chính quyền mới.

Lào trong vai trò chủ tịch ASEAN đang chuẩn bị tiếp đón các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh Asean và hội nghị với các đối tác ở Vientiane, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama.

Theo kế hoạch, ông Obama có mặt từ 6-8 tháng Chín, là lúc ông sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean bên cạnh các cuộc họp khác.

Chuyến đi Lào của ông Obama được đánh giá là nỗ lực cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống nhằm "tái cân bằng" chính sách ngoại giao của Washington ở châu Á, "một chiến thuật được coi là nhằm đáp trả việc Trung Quốc phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự ở khu vực," Reuters viết.

Các nhà ngoại giao cho rằng ông Obama có thể mở rộng hơn cánh cửa tại Lào nhờ những thay đổi diễn ra tại quốc gia này hồi tháng Tư vừa rồi.

"Tân chính phủ Lào chịu ảnh hưởng từ Việt Nam nhiều hơn là từ Trung Quốc," một nhà ngoại giao phương Tây tại Đông Nam Á nói. "Chuyện một tổng thống Mỹ tới thăm không bao giờ là điều quá muộn."

Bài báo cũng dẫn lời chuyên gia Phương Nguyễn, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế từ Washington, nói: “Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Lào là nhìn thấy đất nước này có thể thực thi được quyền tự trị nhất định nào đó vì người ta không muốn... [xảy ra] điều tương tự như quan hệ Trung Quốc và Campuchia.”

Ở hai trong số các cuộc gặp của ASEAN do Lào chủ trì, Vientiane đã bày tỏ thái độ khó chịu đối với láng giềng Campuchia, quốc gia ngày càng bị coi là vệ tinh của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là quốc gia có khoản đầu tư khổng lồ vào Lào, so với Hoa Kỳ hay Việt Nam.

Trong năm 2014, Bắc Kinh đầu tư 1 tỷ USD vào Lào, và nâng lên mức kỷ lục vào năm 2015 với số tiền 4,5 tỷ USD, bài viết dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc và báo chí địa phương.

“Ở Lào, chúng tôi có khoảng 7-8 công ty so với 30–40 công ty của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc lại là một cuộc chơi khác hẳn,” người đứng đầu hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-Asean, ông Anthony Nelson được Reuters trích lời.

“Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi các quốc gia phát triển ở mức thấp nhất như Lào và Campuchia lại là những người muốn lên tiếng bênh vực cho quan điểm của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận quốc tế.”

Tuy nhiên, về văn hóa thì Lào gần gũi với Việt Nam hơn Trung Quốc. Các cửa hiệu kinh doanh dùng tiếng Lào và các gia đình Lào –Việt cũng hòa nhập với phong tục địa phương, trong khi các gia đình Trung Quốc thường tách biệt hơn.

Lào có vai trò quan trọng chiến lược với cả Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam có đường biên giới dài trên đất liền với Lào, có thể giúp tới được thị trường Thái Lan và xa hơn. Với Trung Quốc, Lào là cánh cửa quan trọng để với tới Đông Nam Á trong chiến lược thương mại “con đường tơ lụa mới” của nước này, theo bài báo.

Lào đang phát triển hàng loạt thủy điện ở dòng sông dài nhất thế giới, sông Mekong, với mục tiêu trở thành quốc gia cung cấp điện năng cho châu Á.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và môi trường Việt Nam bày tỏ lo ngại trước dự án Don Sahong trên dòng chính sông Mekong tại Lào, sau đập Xayaburi.

Dự án thủy điện của Lào "có khả năng cản đường cá đi", gây tác động xấu tới nguồn cá và hệ sinh thái dòng chảy sông Mekong, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về nghiên cứu biến đổi khí hậu nói với BBC Tiếng Việt hôm 21/08.

Đập thủy điện này đã được bắt đầu thi công vào tháng 10/2015 được cho là sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Bắt Trịnh Xuân Thanh, TBT Trọng đã nói là làm

Nếu quả đúng Trịnh Xuân Thanh bị bắt, những tin tức đồn đoán cách đây khoảng nửa tháng về số phận đã “an bài” của ông Thanh là không sai. Khi đó, thông tin cho biết ông Thanh đã không có mặt nhiều ngày ở trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, phòng của ông Thanh cũng đóng kín, và “không ai biết ông Thanh đang ở đâu”.



Ngày 26/8/2016, một số tin tức trên mạng xã hội bất chợt xoáy vào chuyện nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang – ông Trịnh Xuân Thanh – có thể đã bị bắt. Hành động có thể chứng minh được là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C.46), Bộ Công An tiến hành khám xét nhà ông Trịnh Xuân Thanh tại khu Biệt thự Ciputra, Tây Hồ – Hà Nội.


Nếu quả đúng Trịnh Xuân Thanh bị bắt, những tin tức đồn đoán cách đây khoảng nửa tháng về số phận đã “an bài” của ông Thanh là không sai. Khi đó, thông tin cho biết ông Thanh đã không có mặt nhiều ngày ở trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, phòng của ông Thanh cũng đóng kín, và “không ai biết ông Thanh đang ở đâu”.


Cũng vào thời điểm trên, lại có một thông tin nhỏ trên một tờ báo nhà nước cho biết ông Trịnh Xuân Thanh “đang phục vụ công tác điều tra”. Có khả năng thời gian này, ông Thanh đã bị “câu lưu’’ – một cách gọi của hình thức tạm giữ để điều tra.


Thật ra tiến trình sự vụ đối với ông Trịnh Xuân Thanh là có thể đoán được, kể từ đầu tháng 6/2016 khi Tổng bí thư Trọng lần đầu tiên ra lệnh về “việc cần làm ngay” kiểm tra làm rõ đối với chiếc xe Lexus giá trị đến 5.7 tỷ đồng mà ông Trịnh Xuân Thanh “mượn của một người quen để sử dụng”. Sau đó và với đà kiểm tra thần tốc của Ủy ban Kiểm tra đảng trung ương, ai cũng hiểu rằng xe Lexus chỉ là một cái cớ để công cuộc “đả hổ diệt ruồi” của Tổng bí thư Trọng chính thức khởi sự, và ngày càng “nâng lên một tầm cao mới”.


Chỉ cách đây ít ngày, báo Công an nhân dân – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an – dựa vào một nguồn tin có lẽ là độc quền của tờ báo này, đã quả quyết: “Đến nay, qua tài liệu thu thập được, cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu hành vi cố ý làm trái trong vụ Trịnh Xuân Thanh với vai trò “đầu tàu”, để công ty thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng… Hiện, cơ quan tố tụng đã vào cuộc điều tra”.


Với thông tin trên từ một tờ báo “đặc thù” như Công an nhân dân, có thể cho rằng thân phận của ông Trịnh Xuân Thanh coi như “xong”. Một khi vụ việc đã đươc đẩy vào vòng tố tụng và bắt đầu xuất hiện vai trò của cơ quan kiểm sát, đường dẫn đến “bắt khẩn cấp” và sau đó là tòa án chẳng còn xa.


Vào những ngày này, giới dư luận viên và những chuyên gia phục vụ cho phe đảng lại được nước tung hứng “Thấy chưa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói chơi đâu, mà nói là làm!”.


Còn có ý kiến từ “một đồng chí cách mạng lão thành” đề nghị với Tổng bí thư Trọng là “đánh rắn phải đánh dập đầu”. Tuy không nói rõ là “rắn” nào, nhưng dư luận đang suy đoán rằng cấp trên trực tiếp của Trịnh Xuân Thanh là Vũ Huy Hoàng – cựu bộ trưởng công thương; còn cấp trên trực tiếp của Vũ Huy Hoàng lại là Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật được xem là “bố già” trong rất nhiều chuyện.


Sân khấu chính trị cũng đỡ tẻ nhạt với những pha bắt bớ nội bộ. Sau đại án Phạm Công Danh ở Ngân hàng VNCB sẽ là những đại án khác, gắn bó với giới quan chức. Chưa biết số phận hai phi vụ Núi Pháo và MobiFone sẽ ra sao và có “kết” với Ngân hàng Bản Việt của cô Nguyễn Thanh Phượng hay không?


Lê Dung


(SBTN)

Công bố những bí mật xung quanh cuộc gặp gỡ Thành Đô tháng 9-1990

Tác giả: Lý Gia Trung


Tháng 11 năm 1991, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức thăm Trung Quốc, lãnh đạo hai nước ra Thông cáo chung, tuyên bố thực hiện bình thường hóa mối quan hệ Trung –Việt, từ đó kết thúc trạng thái đối lập trong mối quan hệ giữa hai nước kéo dài tới 13 năm. Cần nói rằng để đạt được mục tiêu ấy, cả hai bên đều đã có những cố gắng lớn, trong đó cuộc gặp Thành Đô tháng 9-1990 giữa người lãnh đạo hai nước có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Nó đánh dấu điểm ngoặt trong mối quan hệ Trung-Việt, không những san bằng con đường bình thường hóa mối quan hệ này mà còn có ảnh hưởng sâu sắc lâu dài tới sự tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước.






Thay đổi chính quyền, quan hệ Trung -Việt xuất hiện tia sáng ban mai


Năm 1975 sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam kết thúc, những người lãnh đạo Việt Nam hồi đó đã không kịp thời hàn gắn các vết thương do chiến tranh mang lại, mà triệt để xa rời đường lối Hồ Chí Minh, đối nội cưỡng chế thi hành cải tạo XHCN quá “tả”, đối ngoại dựa vào sự ủng hộ của Liên Xô, ra sức đẩy mạnh chủ nghĩa bá quyền khu vực, điên cuồng chắp nối lắp ghép “Liên bang Đông Dương”. Dưới sự dẫn dắt của đường lối sai lầm đó, Việt Nam một mặt công khai chống Trung Quốc, một mặt ra sức khống chế Lào, thậm chí phát động xâm lược vũ trang Campuchia. Những việc làm của họ đã đưa nền kinh tế Việt Nam tiến gần tới miệng hố sụp đổ, hoàn cảnh quốc tế bị cô lập chưa từng thấy.


Tháng 7-1986, Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn ốm chết. Tháng 12 cùng năm, tại Đại hội VI ĐCSVN, Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ những năm 60, Nguyễn Văn Linh là thành viên ban lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam ĐCSVN, từng nhiều lần bí mật thăm Trung Quốc, có thái độ thành khẩn hữu hảo đối với Trung Quốc, rất được Mao Chủ tịch và Thủ tướng Chu Ân Lai đánh giá cao, cho rằng ông là người lãnh đạo kế tục rất có hy vọng của Việt Nam. Nhưng sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Nguyễn Văn Linh không tán thành chính sách đối nội đối ngoại sai lầm của người lãnh đạo đương thời, vì thế ông từng mấy lần bị gạt bỏ. Sau khi lên làm Tổng Bí thư ĐCSVN, Nguyễn Văn Linh khẩn trương uốn nắn toàn bộ cách làm sai lầm của người tiền nhiệm, đề xuất khẩu hiệu Việt Nam cần phải “làm bạn với tất cả các nước”. Ông cho rằng lúc đó Việt Nam có hai nhiệm vụ khẩn thiết nhất là rút quân khỏi Campuchia và cải thiện quan hệ với Trung Quốc.


Thế nhưng Bộ Ngoại giao do Nguyễn Cơ Thạch, – một thân tín của Tổng Bí thư tiền nhiệm, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nắm giữ – vẫn tiếp tục hành sự theo tư duy của Lê Duẩn, tìm đủ mọi cách can nhiễu và ngăn cản sự bố trí chiến lược của Nguyễn Văn Linh. Là người lãnh đạo mới lên nắm quyền, Nguyễn Văn Linh chưa có cơ sở vững chắc trong tầng lớp quyết sách ở trung ương; một số ý tưởng của ông cũng chưa được nhiều người lãnh đạo hiểu biết và ủng hộ. Trong tình hình đó, làm thế nào mới có thể thực hiện được mục tiêu nói trên là một vấn đề hóc búa và đau đầu nhưng lại tất phải giải quyết.


Cay-xỏn Phôm-vi-hản thăm Trung Quốc ba lần xin gặp Đặng Tiểu Bình thổ lộ điều bí mật


Tháng 10-1989, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản thăm Trung Quốc. Hồi ấy tôi là Trưởng phòng Đông Dương, Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao có tham gia công tác tiếp đón. Theo kế hoạch đón tiếp được Trung ương duyệt thì Thủ tướng Lý Bằng sẽ chủ trị hội đàm, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân hội kiến và mở tiệc chiêu đãi loại thường (nguyên văn tiện yến). Nhưng phía Lào tha thiết mong muốn đồng chí Đặng Tiểu Bình có thể hội kiến Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Phía Trung Quốc tỏ ý Đặng Tiểu Bình tuổi đã cao, không thể gặp bất cứ khách nước ngoài nào, xin thông cảm. Dù vậy, Cay-xỏn Phôm-vi-hản vẫn kiên trì yêu cầu gặp Đặng Tiểu Bình, tôi nhớ là họ trước sau ba lần đề ra vấn đề này. Trong tình hình đó, qua nhiều lần nghiên cứu, bàn bạc, cuối cùng thỏa thuận mời Đặng Tiểu Bình gặp ngắn gọn có tính nghi lễ. Vì vậy Bộ Ngoại giao cũng không chuẩn bị đề cương chi tiết các điểm chính để tham khảo khi trò chuyện.


Không ngờ hai vị lãnh đạo nói chuyện lâu tới 40 phút, hơn nữa đều nói về những vấn đề có tính thực chất rất quan trọng. Cay-xỏn Phôm-vi-hản thành khẩn thừa nhận trong 10 năm qua mối quan hệ Lào với Trung Quốc ở vào trạng thái không bình thường là do chịu “ảnh hưởng từ bên ngoài”, chuyến thăm Trung Quốc lần này sẽ đánh dấu việc hoàn toàn bình thường hóa quan hệ hai nước. Đồng thời Cay-xỏn Phôm-vi-hản còn chuyển lời hỏi thăm thân thiết của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh tới Đặng Tiểu Bình, nói Việt Nam đã có nhận thức mới đối với tình hình Trung Quốc, thái độ đối với Trung Quốc cũng có thay đổi, còn nói Nguyễn Văn Linh hy vọng Trung Quốc có thể mời ông thăm Trung Quốc.


Đặng Tiểu Bình cũng mời Cay-xỏn Phôm-vi-hản chuyển hộ lời hỏi thăm Nguyễn Văn Linh và nói:


Tôi quen đồng chí Nguyễn Văn Linh từ lâu, tôi biết đồng chí ấy tư duy linh hoạt, rất có lý trí, công tác rất đắc lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đồng chí ấy. Tôi mong muốn đồng chí Nguyễn Văn Linh quả quyết giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia. Hiện nay tôi đã già, sắp nghỉ hưu, tôi hy vọng trước khi nghỉ hưu hoặc không lâu sau khi tôi nghỉ hưu, vấn đề Campuchia sẽ có thể được giải quyết, mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam khôi phục bình thường, như vậy một nỗi băn khoăn (nguyên văn tâm sự) của tôi sẽ được dẹp bỏ.


Đặng Tiểu Bình đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam phải rút sạch sành sanh quân đội ra khỏi Campuchia. Ông nhờ Cay-xỏn Phôm-vi-hản chuyển những ý kiến đó tới Nguyễn Văn Linh. Ngoài ra Đặng Tiểu Bình còn nói một câu ý vị sâu sắc : “Nguyễn Cơ Thạch, cái người này thích hoạt động lén lút.” Lúc ấy tôi làm công tác ghi chép tại chỗ, cảm thấy câu này dường như buột miệng nói ra, nhưng trọng lượng rất nặng. Theo tôi hiểu, câu nói ấy muốn bảo Nguyễn Văn Linh rằng Trung Quốc đã mất niềm tin với Nguyễn Cơ Thạch, cho dù là giải quyết vấn đề Campuchia hay thực hiện bình thường hóa mối quan hệ Trung – Việt đều không thể hy vọng và dựa vào Nguyễn Cơ Thạch.


Nguyễn Văn Linh tiếp Đại sứ Trung Quốc để tỏ ý hữu hảo


Cay-xỏn Phôm-vi-hản trên đường về nước có dừng lại ngắn ngày ở Việt Nam, ông đã kịp thời và toàn diện chuyển tới Nguyễn Văn Linh lời nhắn của Đặng Tiểu Bình. Nghe xong, Nguyễn Văn Linh rất coi trọng, càng có hiểu biết thiết thân về “hoạt động lén lút” của Nguyễn Cơ Thạch. Ông hiểu rằng muốn cải thiện quan hệ Việt –Trung trước hết phải giải quyết vấn đề Campuchia, mà giải quyết vấn đề Campuchia như thế nào thì phải bàn với Trung Quốc. Ông còn ý thức được rằng Đặng Tiểu Bình tuy đã gửi lời nhắn nhưng lại không đưa ra lời mời mình thăm Trung Quốc. Trong tình hình đó làm cách nào để thực hiện thăm Trung Quốc là vấn đề ông cần gấp rút giải quyết.


Ngày 5-6-1990, qua sự nỗ lực của nhiều bên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã hội kiến Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam Trương Đức Duy tại Nhà khách Trung ương ĐCSVN. Trước tiên Nguyễn Văn Linh nhờ Đại sứ Trương chuyển lời hỏi thăm của ông tới các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý Bằng. Nguyễn Văn Linh nói, trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, ông từng nhiều lần đi Trung Quốc, đã gặp Mao Chủ tịch, Thủ tướng Chu Ân Lai, các đồng chí Đặng Tiểu Bình v.v… Mao Chủ tịch, Thủ tướng Chu Ân Lai, đồng chí Đặng Tiểu Bình là người cùng thế hệ với Hồ Chủ tịch; Nguyễn Văn Linh là học trò của họ. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến cũng như trong nhà tù của kẻ địch, ông luôn luôn học tập và nghiên cứu các trước tác của Mao Chủ tịch bàn về cách mạng dân tộc dân chủ, được lợi không ít. Trong thời kỳ Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ, Trung Quốc đã viện trợ to lớn cho Việt Nam về mọi mặt, cả đến gạo, bánh quy nén, dưa chua, đều do Trung Quốc giúp. Hơn nữa Trung Quốc cũng giúp Việt Nam rất nhiều về chiến lược và tư tưởng chỉ đạo, thí dụ Việt Nam làm chiến tranh nhân dân là học tư tưởng chiến tranh nhân dân của Mao Chủ tịch rồi vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Có thể nói nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc thì Việt Nam không thể đánh bại đế quốc Mỹ.


Nguyễn Văn Linh nói, sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, toàn quốc thống nhất, Việt Nam lẽ ra nên tập trung lực lượng xây dựng kinh tế, nhưng đã xuất hiện tình hình khó khăn và phức tạp không ngờ tới, mười mấy năm nay Việt Nam càng gian khổ hơn thời kỳ chống Mỹ, đời sống ngày càng khó khăn, đặc biệt là mối quan hệ Việt –Trung xuất hiện khó khăn. Ông nói rằng Việt Nam đã làm một số việc không tốt với Trung Quốc. Ông luôn chủ trương làm sai thì phải sửa. Mong các đồng chí Trung Quốc thông cảm và bỏ qua những chuyện về mặt này, chuyện đã qua rồi thì để nó qua đi thôi. Việc quan trọng hơn trước mắt là làm tốt mối quan hệ giữa hai nước hiện nay và sau này.


Nguyễn Văn Linh nói tình hình quốc tế đang thay đổi mạnh, tình thế ở Đông Âu diễn biến rất phức tạp, tình thế Liên Xô cũng rất nghiêm trọng. Bọn đế quốc dốc sức can thiệp, ra sức làm diễn biến hòa bình, mơ tưởng một lần tiêu diệt chủ nghĩa xã hội. Trước kia mọi người nói Liên Xô là thành trì của hòa bình thế giới, nhưng hiện nay thành trì này đang lung lay. Trung Quốc là một nước lớn, Đảng Trung Quốc là một đảng lớn, lại kiên định đi con đường XHCN. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc có địa vị và tác dụng đặc biệt quan trọng. Chúng tôi cần Trung Quốc giơ ngọn cờ XHCN. Hai nước Việt Nam – Trung Quốc là láng giềng XHCN. Việt Nam là nước nhỏ, Đảng Việt Nam là đảng nhỏ, rất cần có sự ủng hộ và giúp đỡ của một nước lớn, đảng lớn như Trung Quốc. Nguyễn Văn Linh nói đây là lời thực lòng của ông.


Nguyễn Văn Linh nói, vấn đề Campuchia dù thế nào cũng phải giải quyết một cách hòa bình, Campuchia trong tương lai không nên thân phương Tây, cũng không được để phương Tây và Liên Hợp Quốc can thiệp quá sâu. Bởi vậy hai phía Việt Nam – Trung Quốc có thể hợp tác với nhau, từ bên trong thúc đẩy Pol Pot, Ieng Sary hòa giải với Heng Samrin, Hun Sen, đối ngoại vẫn có thể theo con đường thương lượng giữa các bên hiện nay. Ý tưởng gạt bỏ Khmer Đỏ là không thực tế.


Nguyễn Văn Linh tỏ ý ông rất muốn gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc cao nhất để trao đổi ý kiến một cách thấu triệt, như anh em với nhau, có thể không câu nệ nghi lễ ngoại giao. Ông nói, kinh nghiệm lịch sử cho thấy người lãnh đạo cao nhất hai nước trực tiếp nói chuyện với nhau thì dễ hiểu biết thông cảm lẫn nhau và đạt được nhất trí, cũng có thể giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng. Nguyễn Văn Linh còn nói, ông đã nhiều tuổi, muốn trước khi nghỉ hưu có thể bàn bạc cùng với người lãnh đạo Trung Quốc giải quyết xong dứt điểm vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ Việt –Trung.


Khi hội kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng có mặt, nhưng nội dung nói chuyện hoàn toàn khác với luận điệu cũ rích chống Trung Quốc của Nguyễn Cơ Thạch. [Tôi] đoán rằng việc bố trí Nguyễn Cơ Thạch dự hội kiến rất có thể có dụng ý là để ông ta mặt đối mặt nghe xem rốt cuộc Tổng Bí thư nói gì, cũng có thể lúc ấy [Tổng Bí thư] còn có chút hy vọng với ông ta, dành cho ông ta cơ hội thay đổi cách làm việc. Dĩ nhiên cũng chính là do Nguyễn Cơ Thạch có mặt nên Nguyễn Văn Linh chưa nói sâu sắc, thấu triệt hơn.


Sau khi kết thúc cuộc hội kiến, Đại sứ Trương lập tức báo cáo cho bên nhà biết chi tiết nội dung cuộc nói chuyện của Nguyễn Văn Linh và thỉnh thị trong nước có chỉ thị gì. Bên nhà nghiên cứu kỹ rồi nhanh chóng trả lời rằng hãy cứ yêu cầu Việt Nam rút nhanh quân đội ra khỏi Campuchia và giải quyết ổn thỏa vấn đề liên hợp hai bên đối lập ở Campuchia sau khi rút quân, tức chính quyền Phnom Penh với ba phái lực lượng chống đối, sau đó sẽ từng bước thu xếp suôn sẻ cuộc gặp cấp cao giữa nhà lãnh đạo hai nước. Trong tình hình đó, làm cách nào để phá vỡ thế bí, thực hiện cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc là vấn đề đòi hỏi Nguyễn Văn Linh suy nghĩ rất lung.


Một nhân vật bí ẩn xuất hiện ở Sứ quán cho xem mật thư


Sáng ngày 16-8-1990, một cán bộ họ Hoàng của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đến trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc. Ông nói với nhân viên tiếp đón của Sứ quán là có việc cần gặp Đại sứ Trương. Đại sứ đã tiếp ông này tại phòng khách Sứ quán. Vì Đại sứ Trương thạo tiếng Việt nên hai người nói chuyện không cần phiên dịch. Hoàng nói nhà ông ở gần nhà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tối ngày 13/8 Tổng Bí thư cho xe đón ông đến nhà nói chuyện một giờ đồng hồ. Tổng Bí thư nói ông vốn dĩ muốn một lần nữa hẹn gặp Đại sứ Trương nhưng Bộ Ngoại giao ngăn cản, nói là không cần thiết. Vì vậy Tổng Bí thư nhờ Hoàng nhắn miệng tới Đại sứ Trương.


Nói đoạn, Hoàng lấy từ túi áo ra một mảnh giấy viết thư gập lại rất nhỏ và giải thích đây là những điều ông ghi lại lời của Tổng Bí thư, đã được Tổng Bí thư soát lại không có gì sai. Trong đó có đoạn nói :


“Tháng 10 năm ngoái, đồng chí Cay-xỏn chuyển tới tôi lời hỏi thăm của đồng chí Đặng Tiểu Bình và lời nhắn miệng nói đồng chí hy vọng trong những năm còn sống được thấy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam bình thường hóa, tôi rất hoan nghênh những điều đó. Cũng vậy, tôi tha thiết mong muốn trong nhiệm kỳ tôi chủ trì Trung ương ĐCSVN khóa VI có thể khôi phục quan hệ Việt Nam – Trung Quốc để từ Đại hội VII sắp họp sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước. Làm được việc này tôi mới xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân Việt Nam và đảng viên ĐCSVN dành cho tôi.”


“Sở dĩ vấn đề Campuchia – trở ngại ấy cãi nhau mãi chưa thể giải quyết là do Nguyễn Cơ Thạch luôn luôn làm chệch hướng việc này. Tôi cho rằng hiện nay người lãnh đạo hai nước cần phải bàn bạc trực tiếp và đi sâu, nhằm thanh toán hết mọi hiểu lầm và loại bỏ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tôi tin rằng những người cộng sản chân chính của hai nước đều xuất phát từ hy vọng tha thiết bảo vệ CNXH và khôi phục tình hữu nghị trong sáng chân thành giữa hai nước để tiến hành gặp gỡ, vấn đề Campuchia nhất định có thể nhanh chóng được giải quyết. Nếu các đồng chí Trung Quốc cũng có quan điểm như vậy thì đề nghị gửi lời mời nội bộ, tôi sẽ lập tức bí mật đi Trung Quốc.”


“Để việc thảo luận tiến hành được chắc chắn tin cậy, để sau khi về nước tôi có thể thuyết phục có hiệu quả tập thể Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị ĐCSVN, tốt nhất nên có hai đồng chí Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng cùng tôi đi Trung Quốc.”


“Điểm xuất phát tôi yêu cầu đi thăm Trung Quốc nội bộ là để đích thân thâm nhập nghe ý kiến của các đồng chí Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, cũng là để các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đích thân thâm nhập hiểu rõ cá nhân tôi. Hai bên cùng nhau thành khẩn tìm ra phương án giải quyết tốt nhất một loạt vấn đề, trước hết là vấn đề Campuchia. Trước mắt tôi có khó khăn nhất định nhưng tôi có niềm tin.”


“Nếu được các đồng chí Trung Quốc ủng hộ và giúp đỡ, tôi sẽ đi theo đường lối của Hồ Chủ tịch, thuận lợi tiến chắc tới mục tiêu trên phương diện xây dựng tình hữu nghị Việt-Trung tốt đẹp, bảo vệ CNXH và lợi ích cách mạng chung.”


Đỗ Mười mà Nguyễn Văn Linh nhắc tới là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Việt Nam, Phạm Văn Đồng là cựu Thủ tướng Việt Nam, bấy giờ làm Cố vấn Trung ương Đảng.


Hoàng giải thích, ông hiểu ý của Tổng Bí thư là: do Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngấm ngầm gây bế tắc, tiến trình Việt Nam – Trung Quốc giải quyết vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ hai nước bị cản trở, bởi thế Tổng Bí thư muốn đi vòng qua Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại giao do ông ấy nắm, lãnh đạo cao nhất hai nước trực tiếp gặp nhau, sau khi bàn bạc quyết định vấn đề rồi có thể ra lệnh cho Bộ Ngoại giao quán triệt chấp hành.


Tiễn đưa Hoàng xong, việc đầu tiên Đại sứ Trương vội làm là lập tức báo cáo trong nước biết các ý kiến Nguyễn Văn Linh nhờ Hoàng chuyển giúp. Nhưng đồng thời [Đại sứ] cần xem xét một vấn đề là Đại Sứ quán có nên đề xuất với trong nước quan điểm và kiến nghị của mình hay không. Chỗ khó là bên nhà vừa mới trả lời rõ ràng yêu cầu đi thăm nội bộ Trung Quốc do Nguyễn Văn Linh đề ra hôm mồng 5 tháng 6, tức đòi phía Việt Nam trước tiên phải giải quyết vấn đề rút quân khỏi Campuchia và xúc tiến việc thành lập sự liên hợp hai bên đối lập ở Campuchia, rồi mới thu xếp cuộc gặp người lãnh đạo hai nước. Trong tình hình này, nếu lặp lại ý kiến của bên nhà thì coi như không nêu ra kiến nghị nữa; nhưng nếu đưa ra kiến nghị khác với ý kiến bên nhà thì liệu có bị hiểu nhầm là chủ trương ngược lại với trong nước chăng?


Vì việc đó, chiều hôm ấy khi vừa bắt đầu giờ làm việc, Đại sứ Trương gọi tôi và hai Bí thư thứ nhất cùng bàn bạc. Qua thảo luận, Đại sứ Trương và chúng tôi nhất trí cho rằng chức trách của Đại Sứ quán là đứng gác cho trong nước, làm tốt nhiệm vụ tham mưu. Phúc đáp lần trước của trong nước rõ ràng là đúng, nhưng hiện giờ xuất hiện tình hình mới, Nguyễn Văn Linh quyết kế đi vòng qua Nguyễn Cơ Thạch để tiến hành bàn bạc chân thành có tính thực chất với người lãnh đạo nước ta; vì vậy Đại Sứ quán nên căn cứ tình hình mới, mạnh dạn nêu ra kiến nghị mới. Thế là Sứ quán trịnh trọng kiến nghị bên nhà tích cực xem xét việc Nguyễn Văn Linh một lần nữa nêu yêu cầu thăm Trung Quốc nội bộ.


Đại sứ Trương thi hành diệu kế đến thăm Bộ Quốc phòng


Đêm 19 tháng 8, Sứ quán nhận được trả lời của trong nước. Bên nhà chỉ thị Đại sứ Trương tìm cách tránh Bộ Ngoại giao Việt Nam, gặp người tin cậy ở bên cạnh Nguyễn Văn Linh đề xuất Đại sứ muốn sớm gặp riêng Tổng Bí thư để trực diện tìm hiểu ý đồ thật sự của Tổng Bí thư; có kết quả gì lập tức báo cáo trong nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với Đại sứ, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và vượt trên tất cả mọi nhiệm vụ khác, nhưng chẳng nói cũng rõ mức độ khó khăn của công việc này.


8 giờ sáng ngày 20, Đại sứ Trương triệu tập cuộc họp mở rộng Đảng ủy Sứ quán nghiên cứu cách thực hiện chỉ thị của trong nước, nhưng chẳng ai đề ra được kế sách hay nào. Mọi người đều rõ, trong suốt những năm 80, Việt Nam luôn luôn coi Trung Quốc là “kẻ địch trực tiếp nhất, nguy hiểm nhất”, các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh truyền hình đều phát đi những nội dung chống Trung Quốc; trong các buổi chiêu đãi và mọi nghi thức ngoại giao, bất cứ quan chức Việt Nam nào cũng không dám nói chuyện với quan chức ngoại giao Trung Quốc. Trong tình hình như vậy, chưa nói việc chẳng có cách nào tìm gặp được người tin cậy ở bên Nguyễn Văn Linh mà ngay cả chuyện ai là người tin cậy ở bên Tổng Bí thư, cũng không ai biết.


Trong tình hình tìm không ra manh mối nào, mọi người không hẹn mà cùng nhớ tới một chuyện. Đó là ngày 6 tháng 6, tức sau hôm Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ Trương, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam có gặp riêng và mời cơm Đại sứ Trương. Ngoài việc giải thích thêm tinh thần câu chuyện Nguyễn Văn Linh nói hôm mồng 5 ra, Lê Đức Anh còn nói không ít những lời hữu nghị với Trung Quốc. Thế là Đại sứ Trương quyết định thử dùng kênh thông qua Bộ Quốc phòng và Lê Đức Anh xem sao; ông chỉ thị Tùy viên quân sự Sứ quán là Thượng tá Triệu Nhuệ lập tức hành động.


Quả nhiên Đại tướng Lê Đức Anh rất vui lòng gặp Đại sứ Trương. Tám giờ sáng ngày 21, Đại sứ Trương đi một chiếc xe con không cắm quốc kỳ đến Bộ Quốc phòng Việt Nam. Lê Đức Anh thân mật bắt tay, ôm vai Đại sứ Trương và nói Đại sứ muốn gặp ông lúc nào ông đều hoan nghênh cả. Đại sứ Trương đi thẳng ngay vào vấn đề, tóm tắt kể lại một lượt việc hôm trước Hoàng Nhật Tân chuyển tới Đại sứ những lời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ngỏ ý bản thân Đại sứ rất muốn trực diện nghe ý kiến của Tổng Bí thư, hy vọng Lê Đức Anh liên hệ giúp. Lê tỏ ý sẽ lập tức làm ngay việc này.


Chiều hôm ấy Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh khẩn cấp hẹn gặp Tùy viên quân sự Sứ quán Trung Quốc Triệu Nhuệ và báo cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ hội kiến Đại sứ Trương vào 7 giờ 30 tối ngày 22 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, hai bên đều không mang theo phiên dịch viên, kiến nghị Đại sứ Trương đi xe khác, không cắm quốc kỳ. Vũ còn nói việc này chỉ có ông và Trưởng phòng Vũ Tần của Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam biết, những người khác đều không biết. Sau khi về Sứ quán, Tùy viên Triệu lập tức báo cáo Đại sứ Trương.


Có những sự việc không hẹn mà gặp nhau. Vợ chồng Đại sứ Trương vốn dĩ đã ấn định 6 giờ 30 tối ngày 22 mời cơm vợ chồng Đại sứ Malaysia, trước đó đã gửi thiếp mời. Để không thất lễ mà lại có thể bảo đảm đúng giờ đi gặp Nguyễn Văn Linh, Đại sứ quyết định giả vờ ốm, để tôi và phu nhân Đại sứ tiếp khách dùng cơm. Tối hôm ấy vợ chồng Đại sứ Malaysia đúng giờ đến Đại Sứ quán. Sau khi vào phòng khách, họ thấy Đại sứ Trương vẻ thiểu não đang ngồi trên ghế được người phiên dịch và nhân viên tiếp tân dìu đứng dậy, mệt nhọc nói : “Xin chào Đại sứ và phu nhân. Rất xin lỗi các ngài là cái bệnh Meniere[2] của tôi lại tái phát, làm cho tôi bị nhức đầu buồn nôn, vì thế tôi chỉ có thể tiếp các ngài được một lúc thôi ạ. Ông Lý, Tham tán Chính trị của Đại Sứ quán và phu nhân của tôi sẽ tiếp ngài Đại sứ và phu nhân dùng cơm.” Nghe nói vậy, Đại sứ Malaysia rất cảm động, ông nói : “Ngài Đại sứ đang đau ốm mà vẫn ra đón khách, chúng tôi thật không phải với ngài. Xin mời Đại sứ về nghỉ ngơi, chúc ngài sớm bình phục.” Nói đoạn, ông thân chinh dìu Đại sứ Trương đứng dậy, hai người bắt tay tạm biệt. Vừa ra khỏi phòng khách, Đại sứ Trương rảo bước đi tới chiếc xe đang chờ sẵn trong sân. Chiếc Toyota màu đen phóng ngay tới Bộ Quốc phòng Việt Nam.


Nguyễn Văn Linh bí mật gặp Đại sứ Trương


Khi gặp Đại sứ Trương, trước tiên Nguyễn Văn Linh khẳng định ông đã nhờ Hoàng Nhật Tân là con trai Hoàng Văn Hoan chuyển lời nhắn tới Đại sứ Trương, nội dung cũng chính xác không có gì sai cả. Nguyễn Văn Linh nói bản thân ông trước nay đều cho rằng Việt Nam nên giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Năm 1976, tại Đại hội IV ĐCSVN, vì không đồng ý với một số biện pháp làm xấu mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc của chính quyền hồi ấy mà ông bị lên án là “hữu khuynh”. Năm 1982 tại Đại hội V ĐCSVN lại vì ông chủ trương trong giai đoạn hiện nay Việt Nam nên cho phép đồng thời tồn tại nhiều thành phần kinh tế và không đồng ý với chính sách chống Trung Quốc mà bị chèn ép ra khỏi Bộ Chính trị. Hồi ấy ông rất khó hiểu tại sao lại áp dụng thái độ như vậy với Trung Quốc. Nếu Bác Hồ còn thì nhất định sẽ không xuất hiện những chuyện kỳ quặc như thế. Nguyễn Văn Linh còn nói, chính sách của Việt Nam đối với Hoa kiều và người Hoa cũng sai lầm. Hoa kiều và người Hoa có đóng góp quý giá cho cách mạng Việt Nam, sau khi chiến thắng, Việt Nam lại kỳ thị họ, xua đuổi họ, thật là không có tình có lý.


Nguyễn Văn Linh nói, năm 1986, sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư ĐCSVN ông quyết tâm vượt qua mọi sức cản, từng bước uốn nắn các sai lầm trước đây, khôi phục mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Trước hết là thuyết phục Trung ương ĐCSVN kiến nghị Quốc hội xóa bỏ các nội dung có liên quan chống Trung Quốc viết trong Hiến pháp. Tiếp đó lại làm các công việc trên nhiều mặt, cuối cùng ra được quyết định rút quân khỏi Campuchia. Nguyễn Văn Linh nói, trong tình hình quốc tế hiện nay, đối với Việt Nam, việc xây dựng, phát triển tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với Trung Quốc, trung tâm XHCN kiên cường này, rõ ràng là một nhiệm vụ càng quan trọng và bức thiết. Bởi vậy, ông có một nguyện vọng lớn nhất là thực hiện được việc bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc vào trước Đại hội VII ĐCSVN năm 1991. Đây sẽ là một việc lớn làm phấn chấn lòng người đối với toàn đảng và toàn dân Việt Nam.


Về vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn Linh nói ông hiểu rõ tính chất quan trọng và bức thiết của việc giải quyết vấn đề này. Lẽ ra hai bên Việt Nam và Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao để bàn bạc giải quyết vấn đề này là tốt nhất và suôn sẻ nhất. Nhưng do Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại giao do ông ta nắm có ý đồ gây rối, hiện nay con đường này rất khó đi. Vì vậy ông nghĩ bản thân ông phải đi Bắc Kinh trực tiếp hội đàm với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng, cùng bàn bạc phương án giải quyết tốt nhất. Nguyễn Văn Linh nói, trên vấn đề Campuchia, Nguyễn Cơ Thạch có quan điểm không nhất trí với phần lớn các Ủy viên Bộ Chính trị, ông ta luôn luôn làm sai lệch công việc. Nguyễn Văn Linh còn nói, những cuộc gặp cá nhân như cuộc gặp Đại sứ Trương hôm nay không nên quá nhiều. Nếu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng mời ông và Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi Trung Quốc thì đề nghị Đại sứ Trương trực tiếp đề xuất với Bộ Ngoại giao Việt Nam ý định đồng thời gặp Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, và Chủ tịch Nhà nước Võ Chí Công, trực diện chuyển ý kiến của người lãnh đạo Trung Quốc, làm như vậy sẽ ổn thỏa hơn.


Đại sứ Trương cảm ơn Nguyễn Văn Linh đã tiếp và tỏ ý sẽ lập tức báo cáo trong nước biết nội dung cuộc nói chuyện của ông.


Gặp gỡ bí mật Thành Đô


Chiều 28 tháng 8 năm 1990, Sứ quán nhận được chỉ thị của trong nước, đề nghị Đại sứ Trương chuyển lời tới Nguyễn Văn Linh: Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười tiến hành thăm nội bộ Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9, cũng hoan nghênh Cố vấn Trung ương ĐCSVN Phạm Văn Đồng đồng thời cùng đi. Hiện nay thời cơ giải quyết chính trị vấn đề Campuchia đã chín muồi, hai phía Trung Quốc – Việt Nam cần cùng nhau cố gắng xúc tiến giải quyết thật nhanh vấn đề này và sớm thực hiện bình thường hóa quan hệ Trung – Việt. Do Á Vận Hội sắp sửa tiến hành tại Bắc Kinh, vì để tiện giữ bí mật, địa điểm hội đàm sẽ thu xếp tại Thành Đô, Tứ Xuyên.


Lãnh đạo hai nước tại Thành Đô


Đại sứ Trương Đức Duy lập tức họp hội nghị mở rộng Đảng ủy Sứ quán nghiên cứu tìm cách nhanh chóng nhất chuyển thông tin quan trọng của trong nước tới Nguyễn Văn Linh. Nhờ đã có kinh nghiệm lần trước nên lần này mọi người ít nhiều đã có chút vững tâm, quyết định vẫn cứ để Tùy viên quân sự Triệu Nhuệ liên hệ với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Thế là 8 giờ sáng ngày 29, một lần nữa Đại sứ Trương gặp Lê Đức Anh, đề nghị ông giúp đỡ thu xếp để Đại sứ Trương trực tiếp báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh biết thông tin quan trọng đến từ Bắc Kinh.


Một tiếng đồng hồ sau, Trưởng phòng Vũ Tần thuộc Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam hẹn gặp Tùy viên quân sự Triệu Nhuệ, chuyển đạt lời nhắn miệng của Lê Đức Anh nói Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ấn định 4 giờ chiều hôm ấy sẽ cùng Chủ tịch Đỗ Mười tiếp Đại sứ Trương. Để thể hiện cuộc hội kiến này được liên hệ qua kênh chính thức, Tổng Bí thư kiến nghị Đại sứ quán Trung Quốc chính thức nêu yêu cầu với Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN, nói rằng Đại sứ Trương có việc khẩn cấp hy vọng được hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam khác trong cùng ngày. Căn cứ theo sự gợi ý của Nguyễn Văn Linh, 1 giờ chiều hôm đó Đại sứ Trương đến gặp Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN Trịnh Ngọc Thái nêu ra yêu cầu nói trên.


Qua sự bố trí của Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN, 4 giờ chiều Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười hội kiến Đại sứ Trương tại Phòng khách Trung ương ĐCSVN. Đại sứ Trương chuyển tới Nguyễn và Đỗ ý kiến của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời hai đồng chí thăm Trung Quốc nội bộ. Nguyễn và Đỗ đều rất vui mừng nhận lời mời, đồng ý với thời gian và địa điểm cuộc gặp do phía Trung Quốc đề xuất và nói sẽ lập tức báo cáo Bộ Chính trị Trung ương ĐCSVN, nhanh chóng xác định danh sách nhân viên đi theo và bắt tay làm công tác chuẩn bị. Nguyễn Văn Linh còn nói, nếu tình hình sức khỏe cho phép thì đồng chí Phạm Văn Đồng cũng sẽ nhất định nhận lời mời cùng đi. Sau khi về Sứ quán, Đại sứ Trương lập tức báo cáo trong nước biết tình hình cuộc gặp chiều nay.


Ngày 30, trong nước thông báo cho Sứ quán biết thu xếp lịch trình đại thể của lần gặp gỡ này, đó là: sáng ngày 3 tháng 9, chuyên cơ Việt Nam rời Hà Nội, 1 giờ trưa đến Thành Đô, buổi chiều lãnh đạo hai bên hội đàm, buổi tối phía Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi. Sáng ngày 4 tháng 9 tiếp tục hội đàm, buổi chiều chuyên cơ Việt Nam rời Thành Đô về nước. Sau khi thỉnh thị và được trong nước đồng ý, Đại sứ Trương sẽ cùng đáp chuyến chuyên cơ Việt Nam đi Thành Đô và tham gia hội đàm.


Sáng ngày 3, tôi đi xe của Đại sứ Trương đến sân bay quốc tế Nội Bài Hà Nội, vừa để tiễn Đại sứ Trương vừa cũng là để tiễn đoàn Nguyễn Văn Linh. Phía Việt Nam tất cả có 15 người đi chuyến này, ngoài Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng ra, các nhân viên chủ yếu cùng đi còn có Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSVN Hồng Hà (Ủy viên Trung ương Đảng), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN Hoàng Bích Sơn (Uỷ viên Trung ương Đảng), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm (Uỷ viên Trung ương Đảng), còn lại là các nhân viên công tác. Khi xe của Đại sứ Trương tới gần sân bay thì thấy một xe con kiểu bình thường màu đen chạy sau xe chúng tôi, ngoảnh lại nhìn, vì xe không treo màn cửa nên có thể thấy rõ người ngồi bên trong là Nguyễn Văn Linh, bên cạnh người lái xe có một cán bộ bảo vệ. Có thể thấy Nguyễn Văn Linh vẫn giữ tác phong giản dị như thế của Hồ Chí Minh. Xe chúng tôi lập tức chạy chậm lại nhường đường cho xe Nguyễn Văn Linh. Tại sân bay không làm bất kỳ nghi lễ tiễn đưa nào, đoàn Nguyễn Văn Linh và Đại sứ Trương lên máy bay xong, chuyên cơ liền cất cánh.


Sau khi từ Thành Đô trở về, Đại sứ Trương cho chúng tôi biết cuộc gặp lãnh đạo hai nước chủ yếu thảo luận cách giải quyết chính trị vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ bình thường Trung Quốc – Việt Nam. Về vấn đề Campuchia, hai bên chú trọng bàn về thành viên Ủy ban Tối cao cơ quan quyền lực lâm thời Campuchia [SNC], tức phương án phân phối quyền lực sau khi Việt Nam rút quân. Phía Trung Quốc đề xuất Ủy ban này gồm 13 thành viên, ngoài Sihanouk làm Chủ tịch ra, chính quyền Phnompenh cử 6 đại biểu, phía lực lượng chống đối gồm ba phái Campuchia Dân chủ (tức Khmer Đỏ), Ranaridh và Son Sann mỗi phái 2 đại biểu, tổng cộng 6 đại biểu. Nguyễn Văn Linh tỏ ý có thể tiếp thu phương án này của phía Trung Quốc; Đỗ Mười cho rằng bản thân Sihanouk cũng thuộc lực lượng chống đối, như vậy tỷ lệ hai bên là 6 so với 7, phía lực lượng chống đối nhiều hơn 1 ghế, dự đoán phía chính quyền Phnom Penh khó tiếp thu phương án này; Phạm Văn Đồng thì nói phương án của phía Trung Quốc đã không công bằng lại cũng không hợp lý. Cuối cùng phía Việt Nam đồng ý dựa vào phương án của phía Trung Quốc để làm công tác thuyết phục phía Phnom Penh.


Về mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, hai bên đều có thái độ nhìn về phía trước, không rà lại các món nợ cũ. Lãnh đạo hai nước đều đồng ý dựa theo tinh thần “Kết thúc quá khứ, mở ra tương lai” viết một chương mới trong mối quan hệ Trung – Việt. Khi kết thúc cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã ký kết “Biên bản Hội đàm”. Tổng Bí thư Giang Trạch Dân còn ý vị sâu xa trích dẫn hai câu thơ của Giang Vĩnh, nhà thơ đời Thanh: “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương kiến nhất tiếu mẫn ân cừu [tạm dịch : Qua kiếp nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù]”. Tối hôm ấy Nguyễn Văn Linh xúc động viết bốn câu thơ: “Huynh đệ chi giao số đại truyền, oán hận khoảnh khắc hóa vân yên, tái tương phùng thời tiếu nhan khai, thiên tải tình nghị hựu trùng kiến.”[3]


Để bảo đảm cuộc gặp thành công, Tỉnh ủy Tứ Xuyên và Văn phòng Đối ngoại đã làm rất nhiều công việc tổ chức và chuẩn bị. Nghe nói họ đã phải đưa đi nơi khác tất cả các khách trọ ở nhà khách Kim Ngưu, để dành nơi này đón các vị khách Việt Nam ở trong hai ngày hội đàm. Đồng thời hai bên Trung Quốc – Việt Nam thương lượng giữ bí mật về cuộc hội đàm này, không phát bất cứ tin tức nào ra bên ngoài.


16 chữ vàng của mối quan hệ Trung Quốc –Việt Nam


Một năm sau cuộc gặp Thành Đô, tháng 11 năm 1991, tân Tổng Bí thư ĐCSVN Đỗ Mười và tân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc. Lãnh đạo hai nước ra Thông cáo chung, tuyên bố thực hiện bình thường hóa quan hệ Trung Quốc – Việt Nam.


Tháng 2-1999 lãnh đạo Trung Quốc – Việt Nam ra “Tuyên bố chung” xác định bộ khung phát triển mối quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, nói tóm tắt là 16 chữ “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Các quan chức và học giả Việt Nam nói đây là “16 chữ vàng”.


Tháng 7 và tháng 11 năm 2005, lãnh đạo cấp cao hai nước Trung Quốc – Việt Nam đi thăm lẫn nhau, làm phong phú hơn nữa nội hàm của “16 chữ”, không ngừng nâng cao mối quan hệ láng giềng hữu hảo và hợp tác toàn diện lên mức độ mới, khiến cho hai quốc gia và nhân dân hai nước mãi mãi làm láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đánh dấu mối quan hệ ngoại giao hữu hảo Trung Quốc – Việt Nam được đẩy lên một chặng đường mới.



Tác giả: Lý Gia Trung [1]

Biên dịch: Nguyên Hải


Nguồn: Tạp chí Trung Quốc 《党史纵横》(Đảng sử tung hoành)[4] bản điện tử ngày 26-8-2014. Một bản của bài viết có đăng trên mạng China.com.



—————


[1] Tác giả bài viết này có lẽ là Lý Gia Trung, từng 4 lần làm việc ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lần cuối cùng làm Đại sứ. Lý học tiếng Pháp tại Trung Quốc, tiếng Việt tại ĐH Tổng hợp Hà Nội, là tác giả sách Hồ Chí Minh, một cuộc đời huyền thoại xuất bản năm 2011 ở Trung Quốc (ND).


[2] Bệnh Meniere là một rối loạn ở tai trong, gây ra chóng mặt và ù tai (ND).


[3] Chúng tôi đoán ông Nguyễn Văn Linh viết 4 câu này bằng tiếng Việt, đây chỉ là lời dịch của phía Trung Quốc “兄弟之交数代传,怨恨顷刻化云烟,再相逢时笑颜开,千载情谊又重建”. Dịch ngược lại tất nhiên không đúng với nguyên văn tiếng Việt. Tạm dịch ý: Tình anh em truyền bao đời, trong khoảnh khắc mọi oán hận tan thành mây khói, khi gặp nhau nở nụ cười, xây đắp lại tình hữu nghị muôn đời (ND).


[4] Tạp chí “Đảng sử tung hoành” ra đời năm 1988, do Phòng Nghiên cứu lịch sử đảng của Tỉnh ủy Liêu Ninh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Liêu Ninh, Cục Lão cán bộ Tỉnh ủy Liêu Ninh phụ trách; tạp chí ra hàng tháng, có tính chất tổng hợp và thông tục, được phát hành công khai cho bạn đọc trong và ngoài Trung Quốc. (ND)

Bộ trưởng quốc phòng VN đí Trung Quốc làm gì?





****** BẮC KỲ bắn chết BA KE giờ phải sang TÀU Ô xin phép chọn ai làm TƯ LỆNH QUÂN KHU HAI, được TÀU Ô GẬT Cộng sản Bắc kỳ mới dám đưa lên Nhưng không được chống TÀU Ô VÀ LÀM TÀU Ô phật ý .....*******
Đại tướng Ngô Xuân Lịch bất ngờ đi Trung Quốc giữa lúc nội bộ quân khu 2 rối loạn
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng dàn tướng lĩnh cấp cao quân đội đã bất ngờ đi Trung Quốc vào hôm 28/8/2016 giữa lúc nội bộ quân đội CSVN, đặc biệt là tại quân khu 2 đang có nhiều rối loạn.


Chuyến đi Bắc Kinh đầu tiên của ông Lịch trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ kéo dài trong 4 ngày, được nói là theo lời mời của người đồng cấp phía Trung Cộng - thượng tướng Thường Vạn Toàn.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, mục đích chuyến đi là để “tiếp tục triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có việc tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, ổn định và thực chất”.

Sau khi hội đàm với Thường Vạn Toàn, phái đoàn quân sự cấp cao CSVN do tướng Lịch dẫn đầu sẽ đến thăm và chào hỏi quan chức Trung Cộng. Tuy nhiên, nội dung các buổi gặp gỡ, trao đổi này vẫn chưa được tiết lộ cho dư luận biết rõ.

Quân đội CSVN đang rối loạn?

Như vậy, tính từ sau đại hội đảng lần thứ 12 đến nay, tướng Lịch là quan chức cao cấp nhất trong nội các của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Trung Cộng mời sang.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội CSVN đang trở nên rối loạn do các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, đặc biệt là tại quân khu 2 - khu vực có đường biên giới giáp với Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 8, thiếu tướng Lê Xuân Duy đã chết một cách bất thường ở tuổi 54 sau khi nhậm chức tư lệnh quân khu 2 được chưa đầy 3 tháng.

Trước đó, một cựu tư lệnh quân khu 2 khác là đại tướng Đỗ Bá Tỵ cũng đã bị loại khỏi chiếc ghế Tổng Tham mưu trưởng quân đội VN để sang làm Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cả tướng Tỵ lẫn tướng Duy đều là những chỉ huy nổi tiếng, từng có nhiều thành tích lẫn kinh nghiệm trận mạc trong các cuộc chiến tranh chống Trung Cộng xâm lược từ thập niên 80.

Việc loại bỏ các tướng lĩnh có quá khứ chống Tàu là do chủ trương tránh làm phật lòng quan thầy Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuối năm 2015, cả hai ông Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ cùng được phong hàm đại tướng.

"Con rối" của Nguyễn Phú Trọng

Nhiều ý kiến cho rằng, dù mang danh là một đại tướng đầy quyền uy, nhưng trên thực tế, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng chỉ là một "con rối" trong tay Nguyễn Phú Trọng - nhân vật đang kiêm nhiệm chức Bí thư Quân ủy Trung ương.

Đây cũng là lý do khiến đại tướng Ngô Xuân Lịch - với kinh nghiệm đi lên từ một chính trị viên tiểu đoàn, có thể dễ dàng ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thêm vào đó, quá khứ tham chiến tại biên giới Tây Nam của ông Lịch cũng không phải là điều đáng bận tâm trong trường hợp bị quan thầy Bắc Kinh “xét lý lịch 3 đời” - điều mà các chế độ cộng sản vẫn thường hay làm.

Do đó, chuyến đi sứ của Ngô Xuân Lịch cũng là dịp để ông Nguyễn Phú Trọng nhận “sắc phong” từ thiên triều, tiếp tục củng cố quyền lực phe nhóm sau khi đánh bại Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội đảng 12.

Nhiều khả năng, chiến dịch đả hổ diệt ruồi núp dưới chiêu bài "chống tham nhũng" do ông Trọng phát động sẽ có bàn tay Trung Cộng tham dự trong thời gian sắp tới.

29.08.2016

Hoàng Trần
danlambaovn.blogspot.com
Hình 1 : Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng dàn tướng lĩnh cấp cao quân đội đã bất ngờ đi Trung Quốc vào hôm 28/8/2016
Hình 2 : Cuối năm 2015, cả hai ông Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ cùng được phong hàm đại tướng.

Những sự thật cần phải biết (phần 20) - Nông Đức Mạnh - Tội ác của một đứa con rơi

Đặng Chí Hùng (Danlambao)


I. Mang họ Nông nhưng là tông họ Hồ:


Nông Đức Mạnh được xem là một trong những Tổng bí thư dốt nát nhất trong số các lãnh đạo dốt nát cộng sản. Theo cộng sản thì Mạnh xuất phát từ một gia đình dân tộc Bắc Kạn. Với trình độ y tờ của mình liệu một kẻ chỉ biết bô bô ở mọi hội nghị một câu quen thuộc “Một người tốt làm cho một nhà tốt, một nhà tốt làm cho một phường tốt v.v... và v.v…” thì liệu có thể leo lên chức vị to nhất của đảng độc tài tại Việt Nam hay không? Câu hỏi này cũng không khó trả lời vì thực chất mẹ của Mạnh là người dân tộc ít học còn Cha của Mạnh mới là kẻ quyết định con đường công danh của Mạnh.




Nông Đức Mạnh và bàn tay “chém gió”


Theo thông tin chính thức từ nhà nước cộng sản thì lý lịch của Nông Đức Mạnh hết sức bất minh, không ghi rõ Mạnh có bố tên gì, mẹ tên gì mà chỉ ghi chung chung “sinh trong một gia đình nông dân, dân tộc Tày”. Xin xem toàn văn tiểu sử tóm tắt của Mạnh trên website của đại sứ quán Việt Nam tại Mông cổ lấy thông tin từ cổng thông tin chính phủ CHXHCNVN để thấy điều này:
“TIỂU SỬ TÓM TẮT Đồng chí NÔNG ĐỨC MẠNH


Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam


Sinh ngày 11/9/1940 tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn, xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Tày.


Tóm tắt quá trình công tác


1958 -1961: Học viên Trường trung cấp nông lâm Trung ương, Hà Nội.


1962 - 1963: Công nhân lâm nghiệp, Kỹ thuật viên điều tra rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Cạn.


Vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1963.


1963-1965: Đội phó đội khai thác gỗ Bạch Thông.


1966-1971: Sinh viên Học viện Lâm nghiệp Lê-nin-grát, Liên Xô.


1972-1973: Phó Ban Thanh tra, Ty Lâm nghiệp tỉnh Bác Thái.


1973-1974: Giám đốc Lâm trường Phú Lương, Bắc Thái.


1974-1976: Học viên Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.


1976-1980: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bắc Thái, Phó Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái kiêm Chủ nhiệm Công ty Xây dựng Lâm nghiệp rồi Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái.


1980-1983: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bấc Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Thái.


1984-10/1986: Phó bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bắc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Thái.


11/1986-2/1989: Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bắc Thái.


12/1986: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nan khóa VI.


3/1989: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.


8/1989: Trưởng ban Dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.


1l/1989: Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội


6/1991: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.


9/1992: Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX.


6/1996: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII. 9/1997: Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X.


1/1998: Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII.


4/2001: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.


4/2006: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tái bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.”


Nguồn: Website Đảng Cộng sản Việt Nam (1)


Qua tiểu sử của Nông Đức Mạnh, chúng ta thấy điều gì? Đó là tại sao một kẻ có gốc gác là một người mới tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp mà có thể “tiến nhanh, tiến mạnh” lên đến chức Chủ tịch quốc hội rồi Tổng bí thư nhanh đến thế? Và đây là sự thật về lý lịch của Nông Đức Mạnh - điều đã khiến Mạnh trở nên quyền thế nhanh chóng trong chế độ cộng sản.


Theo như Nông Đức Mạnh khẳng định, cha mẹ ông ta là ông Nông Văn Lại và bàHoàng Thị Nhị. Nông Đức Mạnh còn nói thêm hàng năm tháng ba âm lịch vào dịp tết thanh minh luôn về quê để tảo mộ cha mẹ (hai người đều mất sớm), và ông còn có em trai, em gái ở quê (tuy nhiên không ai xác nhận điều này mà chỉ là do Nông Đức Mạnh nói). Nông Đức Mạnh luôn bác bỏ tin đồn rằng ông là con của Hồ Chí Minh, và đã trả lời"Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ" khi được báo chí hỏi về điều đó. Tạp chí Thế Giới Mới có ghi trong một chú thích rằng mẹ đẻ của Nông Đức Mạnh là Nông Thị Trưng. Điều đó có đúng không? Xin trả lời là rất ĐÚNG vì Nông Đức Mạnh là một con rơi trong vô vàn con rơi của Hồ Chí Minh.


Khi Hồ Chí Minh cướp chính quyền thành công, trở thành người lãnh tụ chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam, người nữ cán bộ gương mẫu mà Hồ yêu quý, tức Nông Thị Ngác, lại được cất chức làm Chánh Án Tòa Án Nhân Dân tỉnh Cao Bằng... Hồ Chí Minh yêu quý Ngác đến độ đặt cho người nữ cán bộ này một tên nữa là Nông Thị Trưng, ý giống như Trưng Trắc, Trưng Nhị vậy. Tin Nông Thị Ngác là ai cũng đã được người dân trong nước bàn tán. ‘Chú Thu’ và ‘Cháu Trưng’ cũng đã được nhắc tới trong các sách tuyên truyền của cộng sản, nhất là các tác giả Trần Khuê, Thép Mới...


Thép Mới kể lại trong “Năng Động Hồ Chí Minh” (trang 48) rằng sau 20 năm ngày rời Pác Bó, ông Hồ trở lại, 1961, lúc này coi như sự nghiệp khá thành công, ông có thời giờ về thăm lại người cũ, cảnh xưa. Khi vào nhà thăm gia đình bà Ngác, ông Hồ tiếp xúc với ông Dương Đại Lâm, người mà trước đây ông Hồ đã gởi gắm Ngác vào gia đình (không nhắc Ngác đang ở đâu), các cháu vây quanh HCM thân mật... Tác giả còn nhấn mạnh một trong các cháu đã trở thành ‘thanh niên tuấn tú’ góp phần xây dựng đất nước.


Cùng sách trên, Thép Mới ghi (trang 43): “Bác trực tiếp hỏi chuyện, nghe kể về hoàn cảnh gia đình và bản làng đau khổ, rất thương, nhận làm cháu nuôi, đặt cho bí danh là Trưng, Nông Thị Trưng. Trưng ở với vợ chồng Đại Lâm, tên tục là Sù, hàng ngày được đến lán Bác một giờ để Bác chỉ bảo...” Như vậy rất rõ, Nông Thị Ngác có bí danh là Nông Thị Trưng.


Để chứng minh cho mối quan hệ của bà Ngác với Hồ Chí Minh mà kết quả của nó là Nông Đức Mạnh tôi xin được trình bày những tài liệu sau đây.


Thứ nhất, trong “Ho Chi Minh”, tác giả William Duiker - một người thiên tả (thích cộng sản), trang 575, viết: “In April 2001, the ralatively unknown government official Nong Duc Manh, widely rumored to be the illegitimate son of Ho Chi Minh, was elected general secretary of the VCP” (Vietnamese Communist Party- 14).


Số 14 để người đọc lật ra sau cuốn sách đọc tiếp footnote 14: “Nong Duc Manh has denied these rumors, but he concedes that his mother, a member of the Tay ethnic minority, served as Ho's servant after the latter's return to Vietnam during the early 1940s...”


Tạm Dịch: “Vào tháng 4, 2001, người vô danh tên Nông Đức Mạnh chính thức nhậm chức trong cơ quan chính quyền, dư luận xôn xao bàn tán rộng rãi cho rằng Mạnh là con trai rơi của Hồ Chí Minh, và ông ta đã được chọn làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nông Đức Mạnh phủ nhận những tin đồn này, nhưng ông ta lại công nhận rằng mẹ ông, một thành viên của dân tộc thiểu số Tầy, bà là người phục vụ ông Hồsau khi ông Hồ trở về Việt Nam vào đầu thập niên 1940.”


Chúng ta cũng biết Nông Đức Mạnh sinh vào đầu thập niên 40. Báo Time phỏng vấn Mạnh vào 2002 và ghi ông ta được 61 tuổi. Như vậy thì ông Mạnh phải ra đời vào cuối 1941 hoặc 1942. Sau ngày sách của Duiker xuất bản, 2000, và cuộc phỏng vấn của báo Time, website của “Đảng CSVN” đã xóa hoàn toàn tiểu sử của ông Nông Đức Mạnh trước đó ghi rõ Nông Đức Mạnh con của “nhà cách mạng Nông Văn Lai và bà Hoàng Thị Nhị”.


Vấn đề đặt ra là tại sao khi có cuốn sách của Duiker và Time phỏng vấn Nông Đức Mạnh thì tiểu sử phải bị xóa bỏ trong khi Mạnh là người đứng đầu đảng, việc minh bạch cha mẹ mình trên website của chính phủ có gì sai? Đó chính là việc minh chứng cho Mạnh chính là con của bà Ngác và Hồ Chí Minh bị cố tình giấu giếm đi.



Hồ Chí Minh và Nông Thị Trưng (Ngác) – mẹ Nông Đức Mạnh


Thứ hai, cũng liên quan đến sự việc Hồ có con với bà Ngác và có con trai, tác giả người Nga, Mikhail Vasaep trong cuốn sách được in năm 1986 tại Liên Xô có tên“Mảnh trời riêng của lãnh tụ” - một học giả, nhà nghiên cứu thuộc phân viện lịch sử đảng cộng sản Liên Xô cũ trong trang 372 “Cũng có những nguồn tin đáng tin cậy từ KGB cho biết có một người con trai của Hồ Chí Minh với người phụ nữ tên Nông Thị Trưng được nuôi nấng bởi một gia đình người dân tộc thiểu số tại Cao Bằng...”


Như vậy có thể khẳng định thêm thông tin Hồ Chí Minh có con với bà Nông Thi Trưng (Ngác) là hoàn toàn có thật. Và người con đó chính là Nông Đức Mạnh với những thông tin được nêu ra từ W. Duiker.


Thứ ba, khi đề cập đến vấn đề quan hệ với bà Nông Thị Trưng thì tác giảConstatin Kostadinov đã giới thiệu ở trên trong cuốn “Những người con của lãnh tụ” xuất bản năm 1984 tại Ba Lan có viết tại trang 92 “Thật ra trong một nghiên cứu cho thấy chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có một mà có những hai con trai nhưng đến nay chưa biết số phận chính trị có giống như người con mang tên Nguyễn Tất Trung hay không...”


Chúng ta nên nhớ vào thời điểm cuốn sách của ông Kostadinov ấn hành thì Nông Đức Mạnh chưa có những dấu ấn trên chính trường (năm 1984) nên nhận xét của ông Kostadinov rõ ràng là hợp lý. Nhưng cũng cho thấy về đứa con của Hồ Chí Minh không chỉ một mà là 2 con trai. Một là Nguyễn Tất Trung còn một chính là Nông Đức Mạnh.



Hồ Chí Minh trong một bữa ăn tại Pắc bó – Cao Bằng


Thứ tư, chính tác giả Hà Cẩn trong một cuốn sách được in năm 1997 và tái bản năm 2000 với tiêu đề tạm dịch sang tiếng Việt: “Mao chủ tịch của tôi” bởi nhà Xuất bản Trung ương Trung quốc. Cuốn sách dày 438 trang tại trang 135 “Bi kịch tình ái của Hồ Chủ Tịch không chỉ dừng lại ở những bà vợ không được thừa nhận mà còn kể cả 2 người con trai của Chủ Tịch....”


Đến đây ta có thể khẳng định tác giả Hà Cẩn đã ám chỉ về Nguyễn Tất Trung vàNông Đức Mạnh là con của ông Hồ Chí Minh. Nhưng dù cho có là ai đi nữa thì tác giả cũng khẳng định Hồ Chí Minh có nhiều con và có nhiều vợ không được thừa nhận. Và trong đó có Nông Đức Mạnh.


Thứ năm, hãy đọc bài viết của tác giả Lê Văn Tâm như sau:


“Nông Thị Trưng (6 tháng 12 năm 1920 - 26 tháng 1 năm 2003) là một phụ nữ hoạt động cách mạng, theo Việt Minh trong phong trào chống Pháp ở Việt Nam giữa thế kỷ 20. Bà từng giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân Tỉnh Cao Bằng.


Bà có tên thật là Nông Thị Bày, có tài liệu ghi Nông Thị Ngát, quê ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Theo hồi ký của thiếu tướng Lê Quảng Ba, Nông Thị Trưng là đội viên du kích trẻ tuổi nhất trong đội du kích đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, do Lê Thiết Hùng chỉ huy.Trong vòng tám tháng vào năm 1941-1942, bà đã làm giao liên cho "Già Thu", bí danh của Hồ Chí Minh lúc đó. Tên Trưng của bà do "Già Thu" đặt, có ý muốn bà noi gương Trưng Trắc, Trưng Nhị. Cùng với các đảng viên và nhân dân Hà Quảng có điều kiện ở gần Hồ Chí Minh, bà đã được ông trực tiếp dạy văn hóa.Bà được Hồ Chí Minh kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 25 tháng 12 năm 1941. Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên của Cao Bằng sớm tham gia cách mạng, và trở thành một trong những cán bộ, đảng viên cốt cán của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tờ báo Xuân Phụ Nữ năm Đinh Sửu 1997 xuất bản trong nước một bài viết có tựa đề "Cô Học Trò Nhỏ của Bác Hồ" được tác giả Thiên Lý viết theo lời kể của chính Nông Thị Trưng có đoạn: "Tháng 7 năm 1941, được tin (chính quyền) châu Hà Quảng đưa lính cơ tới bắt, ngay đêm ấy tôi trốn ra rừng, rồi được Châu ủy đem qua Bình Mãng (Trung Quốc) lánh nạn tại nhà một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một hôm đồng chí Lê Quảng Ba và Vũ Anh đến đón tôi từ Trung Quốc về Pắc Bó gặp Bác.


Về Pắc Bó đã nửa đêm, anh Đại Lâm người giữ trạm đầu nguồn đưa ngay chúng tôi đi gặp "ông Ké". Lội ngược suối càng đi nước càng sâu, khi đến thác thứ ba, anh Đại Lâm thổi sáo, từ trên thác có thang tre thả xuống. Trèo thang lên, thấy một cái lán dựng ngay trên bờ suối. Trong lán có ông cụ ngồi đọc sách. Tôi chắp tay "Cháu chào cụ ạ". Ông cụ nhìn lên hai mắt rất sáng, ân cần bảo: "Cháu đến rồi à, cháu ngồi xuống đây nói chuyện. " Tôi nhìn xuống sàn, thấy toàn cây to bằng bắp chân. Cụ bảo hai lần tôi mới dám ngồi. Cụ tỉ mỉ hỏi gia cảnh, rồi khuyên tôi: "Từ nay cháu đã có một gia đình lớn là gia đình cách mạng, đừng luyến tiếc gia đình nhỏ nữa. Cháu cặm cụi làm ăn cũng không đủ để nộp sưu thuế đâu. Mình lấy lại được nước rồi từng gia đình sẽ được đàng hoàng. Từ nay ai hỏi thì cháu nói mình là cháu chú Thu, tên Trưng". Bác đặt tên ấy là muốn tôi noi theo gương bà Trưng."


Nông Thị Trưng đã học tập lý luận cách mạng cùng "Già Thu" trong khoảng 8 tháng.


"Từ đấy tôi ở lại lán anh Đại Lâm, mỗi ngày vào lán của Bác một giờ để học tập. Bác dạy cho tôi từ chuyện thế giới, chuyện cộng sản chủ nghĩa đến cả những cách ứng xử thường ngày như "Đừng làm một việc gì có thể khiến dân mất lòng tin. Mượn một cái kim, một con dao, một buổi là phải đem trả. Trong ba lô nếu có màn, phải để ở ngoài cửa, hỏi xem chủ nhà có bằng lòng mới đem vào. Cháu là nữ, trước bàn thờ có cái giường để các cụ ngồi ăn cỗ, cháu không được ngồi...". Tám tháng được Bác chỉ dạy tôi học được hơn cả mấy chục năm học lý luận tập trung sau này".


Đoạn hồi ký trên còn được đăng tại Tạp chí Công nghiệp


Khi biết Nông Thị Trưng là người ham học, hàng ngày lấy than và que để viết chữ và vẽ hình, Hồ Chí Minh đã gửi cho bà một số vở, bút viết, với bài thơ mà sau này được đưa vào sách giáo khoa Việt Nam:


Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà


Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nguyên thì bài thơ được viết năm 1944 và có tên "Tặng cháu Nông Thị Trưng".


Hồ Chí Minh cũng tặng Nông Thị Trưng quyển Binh pháp Tôn Tử.


Gia đình


Theo tạp chí Thế Giới Mới, Nông Thị Trưng là mẹ đẻ của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2001.Sau khi bà qua đời, báo Nhân Dân có đăng tin buồn, lấy từ TTXVN. Thông báo này cũng từng công bố trên website của báo, ở địa chỉ, nhưng hiện nay liên kết đến địa chỉ này đã không còn tồn tại”. (2)



Ảnh chụp bài báo về Nông Thị Trưng – “Cô học trò nhỏ của Bác Hồ”


Tài liệu nói trên chính là thêm một minh chứng Nông Đức Mạnh là con của Hồ Chí Minh.


Thứ sáu, khi Nông Đức Mạnh được chọn làm Tổng Bí Thư cộng sản thì Đại Sứ Australia là bà Sue Boyd - người nổi tiếng là bộc trực, đã hỏi thẳng Mạnh có phải là con của Hồ Chí Minh không? Nông Đức Manh đã trả lời "Ở Việt Nam ai cũng đều là con của Bác". Câu trả lời vô thưởng vô phạt này có chủ đích lập lờ để không phải xác nhận sự thật mà cũng không bị mang tiếng là chối bỏ một sự thật.


Sau đó cũng gần một năm trên tạp chí Time, ấn bản Châu Á phát hành ngày 23/01/2002 tại Hồng Kông- qua cuộc phỏng vấn của ký giả Kay Johnson - thì Nông Đức Manh lại một lần nữa lên tiếng về thân thế mình, bác bỏ tin đồn trước đây cho rằng ông ta là con rơi của Hồ và một phụ nữ dân tộc là Nông Thị Xuân. Nông Đức Mạnh nói: "Tôi phải lập lại và xác nhận rằng điều đó không đúng sự thật. Tôi có thể nói tên của cha mẹ tôi nhưng họ đã chết... Nếu có ai nói tôi giống HCM, tôi nghĩ có nhiều người trông giống người". Người phỏng vấn hình như vẫn chưa hài lòng với câu trả lời nên lại hỏi: "Nên ông không liên hệ gì với HCM?". Nông Đức Manh lặp lại: "Tất cả mọi người VN là con của Bác Hồ. Tôi nghĩ toàn thể dân Việt xem HCM là cha tinh thần của họ và tôi cũng thế".


Tuy nhiên, chính William Duiker đã tường thuật lại, trong cuốn sách viết về Hồ Chí Minh (tái bản lần thứ hai) chuyện Nông Đức Mạnh đã tiết lộ với tác giả rằng "Mẹ tôi, thành viên của dân tộc thiểu số, đã phục dịch cho ông Hồ vào những năm đầu tiên của thập niên 1940..."


Và đó chính là minh chứng kết hợp với các tài liệu bên trên cho thấy Nông Đức Mạnh chính là con của Hồ Chí Minh. Đó cũng là lý do vì sao một người dân tộc ít học và cũng bất tài như Nông Đức Mạnh leo lên những chức vụ cao cấp nhất của cộng sản Việt Nam một các nhanh chóng.


II. Cha nào con nấy


Hồ Chí Minh được coi là một kẻ độc tài có nhiều tội ác với dân tộc Việt Nam và bản chất đạo đức đồi bại như giết vợ, bỏ con... (Xin xem “Những sự thật không thể chối bỏ - Phần 15”). Và đứa con Nông Đức Manh của Hồ Chí Minh có đạo đức cũng khá giống cha mình.


Nông Đức Mạnh khi vợ còn sống vẫn tằng tịu với một phụ nữ đang có chồng là Đỗ Thị Huyền Tâm và khi mà ông ta chưa mãn tang vợ đã cưới ngay người phụ nữ chưa ly dị chồng này: “Cuối năm 2010, ngay khi Mẹ tôi lâm bệnh nặng, bà Tâm tìm cách tiếp cận bố tôi, dùng các thủ đoạn lấy lòng những người xung quanh Bố tôi và đặc biệt là lái xe riêng của Bố tôi là ông Vũ Văn Sáng (công tác tại Phòng xe, Văn phòng TW Đảng), thông qua lái xe để nắm các thông tin về gia đình tôi. Từ đó, bà Tâm tạo được vỏ bọc cảm thông chia sẻ với Bố tôi, giả tạo tình cảm để lừa gạt và lợi dụng uy tín của Bố tôi.Tại thời điểm đầu năm 2011, bà Tâm đã có chồng nhưng đã đặt vấn đề tìm hiểu Bố tôi để tiến đến hôn nhân. Chồng bà Tâm là ông Phạm Tuấn Linh – Đại tá, Phó Phòng Kế hoạch, Cục Quân nhu – Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, cho đến ngày 30/6/2011 bà Tâm mới ly dị chồng.” - Trích thư tố cáo của Nông Bích Liên – con gái của Nông Đức Mạnh gửi báo Người Cao Tuổi (3)


Chuyện con gái ông Mạnh tố cáo và đổ tội cho bà Tâm “quyến rũ” ông Mạnh cũng là lẽ thường vì con gái một ông tổng bí không thể làm quá mất mặt cha. Nếu nói tội bà Tâm quyến rũ ông Mạnh thì cũng không hẳn đúng. Mà cái quan trọng đó là ông Mạnh với cương vị tổng bí thư đảng “quang vinh, đạo đức” tại sao đang còn vợ mà đi tằng tịu với phụ nữ đã có chồng con, rồi khi chưa mãn tang vợ đã vồ lấy ngay người đàn bà này. Đừng đổ hết lỗi cho bà Tâm vì nếu ông Mạnh không đồng ý và “thích” thì có đến 3 đời bà Tâm cũng chẳng dám và chẳng làm gì được ông Mạnh. Điều quan trọng hơn là bà Đỗ Thị Huyền Tâm lại là “bồ” của chính con trai ông Mạnh - Nông Quốc Tuấn. Như vậy là bố cướp bồ của con trai hay nói cách cụ thể hơn là một dạng đảo điên trong luân thường đạo đức.



Cha con Nông Đức Mạnh - Nông Quốc Tuấn


Thông tin từ Vietinfor cho biết: “Người vợ mới của Nông Đức Mạnh là nữ Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm sinh 17/10/1966, quê tại Ninh Xá, Bắc Ninh là đại biểu Quốc hội khóa 12 và khóa 13 kém 3 tuổi so với ông Nông Quốc Tuấn con trai cả của Nông Đức Mạnh và kém Tổng Nông hơn 26 tuổi. Ngoài ra bà Tâm còn được biết là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tâm tiền thân là Công ty TNHH Minh Tâm được thành lập từ năm 2002.


Cách đây khoảng hơn 11 năm, khoảng tháng 2 năm 2000, Nông Quốc Tuấn mới xuất hiện trên chính trường với chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Đó là thời gian sau 12 năm ngồi chơi xơi nước ở Hội Thanh niên Việt nam kể từ sau khi kết thúc cuộc đời là “công nhân xuất khẩu lao động”, do bị cha đẻ là ông Nông Đức Manh, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái bắt buộc phải đi để cai nghiện ma túy tại Singwitz, thuộc CHDC Đức cũ từ năm 1981 – 1987. Thời gian này (từ năm 2000 – 2003) Nông Quốc Tuấn có quan hệ tình cảm với Đỗ Thị Huyền Tâm – vợ mới của cha kiểu già nhân ngãi, non vợ chồng. Mặc dù lúc đó cô Đỗ Thị Huyền Tâm đã từng có gia đình sau nhiều lần kết hôn và li hôn và tin còn cho biết số vốn điều lệ 5 tỷ đồng ban đầu thành lập công ty TNHH Minh Tâm từ năm 2002 tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tâm là do Nông Quốc Tuấn cho bà Tâm vay trên danh nghĩa cho mượn bao giờ có thì trả.


Bạn bè của Nông Quốc Tuấn cho biết, cô Đỗ Thị Huyền Tâm thường xuyên qua lại với gia đình cụ Tổng Nông ở biệt thự 66B Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà nội vốn dành riêng cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp với tư cách là cô em kết nghĩa của Nông Quốc Tuấn. Lâu dần trở thành con gái nuôi của Nông Đức Mạnh. Và khi mà bà Lý Thị Bang – phu nhân Tổng bí thư Nông Đức Mạnh – do tuổi cao, sức yếu đã dược cụ Tổng Nông cho về ở quê và qua đời ngày 25.10.2010 tại xã Lương Hạ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Rồi chính Nông Đức Mạnh đã cưới cô con gái nuôi thành vợ mới sau này.” (4)



Ngôi nhà Nông Đức Mạnh cướp đất của dân nay được vợ mới đem thế chấp ngân hàng


Qua đây chúng ta thấy điều gì? Đó là cha con Hồ Chí Minh - Nông Đức Mạnh khá giống nhau ở khoản tình duyên và sắc dục bậy bạ. Đây cũng là một gợi ý để có thể thêm khẳng định Nông Đức Mạnh thừa hưởng gien của Hồ Chí Minh trong chuyện đời. Nhưng còn chuyện chính trị và quốc gia thì sao? Xin trả lời là cũng “cha nào con nấy” mà thôi.

Xin bạn đọc xuống dưới để theo dõi luận điểm này.


III. Bất tài, độc tài và bán nước


Để chứng minh những cái bất tài, độc tài và bán nước của Nông Đức Mạnh chúng ta nhìn nhận những dẫn chứng dưới dây để thấy rõ điều đó.


Thứ nhất, Trung tướng Nguyễn Hòa (sinh năm 1927) là một tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông là tư lệnh quân đoàn 1 trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu Khí đầu tiên (năm 1980). Nguyên ủy viên trung ương đảng khóa V, VI, VII (5).



Ảnh: Hội CCB Tập đoàn Dầu Khí và Ban liên lạc Sư đoàn 5
chụp ảnh lưu niệm cùng Trung tướng Nguyễn Hòa và vợ (6)


Chính ông tướng cộng sản này đã tố cáo Nông Đức Mạnh trong bức thư của ông như sau:


“... Nhiệm kỳ qua, đồng chí Nông Đức Mạnh cũng đã có một số cố gắng. Nhưng xem xét nghiêm túc về một người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta thì đồng chí Mạnh có nhiều lỗi, có nhiều sai phạm và sai phạm nghiêm trọng.


Một số ví dụ:


- Là Tổng Bí thư, khi đồng chí Đào Duy Quát bàn về vụ Năm Cam, Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh thì đồng chí Mạnh trả lời rằng hãy khoan, hãy chờ đã. Nhưng khi đồng chí Quát và đồng chí Hồng Vinh phổ biến lại cho các báo chí, báo chí phản ứng thì đồng chí Mạnh chối và nói rằng Tổng bí thư không bằng lòng, để cho đồng chí Hồng Vinh chịu trận.


- Khi báo chí đưa ra vụ Năm Cam v.v... thì đồng chí Mạnh (đứng đầu Ban Bí thư) triệu tập cuộc họp với Tổng biên tập các báo uốn nắn răn đe (Điều này cả nước và báo chí đều biết). Đến lúc xử xong Năm Cam chịu tội tử hình, Bùi Quốc Huy và Trần Mai Hạnh ở tù thì các cơ quan nội chính lại phải biểu dương báo chí.


- Là người nắm chức vụ cao nhất trong Đảng nhưng đồng chí Mạnh đưa con của đồng chí Mạnh không đủ tâm, tài làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, và có ý định đưa làm Bí thư thứ nhất Đoàn để cơ cấu vào Trung ương, vừa mưu cầu danh vọng, vừa có dụng ý gây dựng lực lượng của mình lâu dài trong Đảng.


- Đối với Nguyễn Chí Vịnh, mặc dù một số đông tướng lĩnh và lão thành cách mạng đòi kiểm tra các tội phạm của Vịnh xung quanh các vụ Sáu Sứ, T4, trước thềm Đại hội 9, đồng chí Mạnh vẫn bao che, chỉ giao cho Đảng ủy quân sự Trung ương kiểm tra, không giao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng kiểm tra. Vì Đảng ủy quân sự Trung ương điều tra thì đã có ông Phạm Văn Trà bao che rồi. Khi có thư từ yêu cầu kiểm tra Nguyễn Chí Vịnh gửi đại hội toàn quân và Ban chấp hành Trung ương thì đồng chí Mạnh cho qua. Đặc biệt Đảng ủy quân sự Trung ương (đồng chí Mạnh là Bí thư) vẫn đề nghị lên Bộ Chính trị đề bạt Nguyễn Chí Vịnh làm Thứ tưởng Bộ Quốc phòng, nhờ sự phản ứng của lão thành cách mạng, tướng lĩnh quân đội và cán bộ, Đảng ủy quân sự Trung ương mới rút lại đề nghị. Một điều đặc biệt nữa là: đồng chí Mạnh là Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội 10 đã đưa ra thảo luận tại Bộ Chính trị việc giới thiệu vào Trung ương Nguyễn Chí Vinh, một kẻ ăn cắp có hệ thống từ khi đi học ở Học viện Kỹ thuật quân sự, một kẻ chưa được kiểm tra nhiều vấn đề mà nhiễu tướng lĩnh, lão thành cách mạng yêu cầu. Trong cuộc họp Bộ Chính trị đó, nghe nói 10 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đồng ý (trong đó có đồng chí Mạnh), 4 đồng chí không đồng ý. Như vậy, đồng chí Mạnh đã giới thiệu, đã bỏ phiếu cho Nguyễn Chí Vịnh một kẻ ăn cắp trước đây, một kẻ tòng phạm phá Đảng thì thử hỏi đồng chí Mạnh là người như thế nào? May thay, Ban chấp hành Trung ương đã sáng suốt, số đông đã gạt Nguyễn Chí Vịnh. Nếu Nguyễn Chí Vịnh, do sự bao che của đồng chí Mạnh được vào Trung ương, cứ thế mà leo mãi, làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi làm Tổng bí thư như ông Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười đề xướng thì Đảng ta sẽ bị phá hoại nát, cán bộ trung kiên sẽ bị vu không và sát hại.


Là Tổng bí thư, đồng chí Mạnh đã bao che cho ông Đào Đình Bình, trong khi dư luận bất bình với những hành động mua chức, mua quyền, mua uy tín của ông Bình thì nhân dịp giới thiệu ông Bình làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đồng chí Mạnh vẫn kiên trì giới thiệu ông Bình làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mà ngày nay, cả Quốc hội và người dân đều đã thấy hậu quả, đã thấy ông Bình và những kẻ thân cận như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến như thế nào?


Là Tổng bí thư, Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội 10, đồng chí Mạnh đã giới thiệu những kẻ như Bùi Tiến Dũng, Tổng giám đốc PMU 18 thuộc Bộ Giao thông vận tải và Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông vận tải vào Trung ương. Như vậy con người đồng chí Mạnh là thế nào? Có thể làm một người đứng đầu Đảng và Nhà nước không?


- Là trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội 10, đồng chí Mạnh còn giới thiệu một số người như ông Bắc Sơn, một người tay sai của ông Lê Đức Anh, hoạt động vô nguyên tắc, được đồng chí Mạnh định đưa làm Phó Ban Tổ chức Trung ương nhưng bị phản đối, sau đó đưa về làm Phó bí thư trực Tỉnh ủy Thái Nguyên và được Bộ Chính trị và Tiểu ban nhân sự (Nông Đức Mạnh đứng đầu) giới thiệu vào tỉnh ủy và giới thiệu vào Trung ương Đảng.


Đồng chí Mạnh giới thiệu Phan Trung Kiên, một người đã bị Quân khu 7 phát hiện về nhiều tội, trong đó có tội tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã báo cáo với Bộ Chính trị nhưng đồng chí Mạnh, và đôi đồng chí khác trong Bộ Chính trị gạt đi, cho qua, bao che cho Phan Trung Kiên. Trên thực tế, đồng chí Mạnh đã không chế Ủy ban Kiểm tra Trung ương, buộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải theo quan điểm sai trái của đồng chí Mạnh. Có thể còn một số ví dụ khác.


- Đối với vụ Sáu Sứ, T4. Cơ quan chức năng đã báo cáo và cung cấp nhiều tài liệu cho đồng chí Mạnh. Nhưng khi thảo luận vụ này từ năm 2002, đồng chí Mạnh đã gạt vụ Sáu Sứ ra ngoài, đồng chí Mạnh đã không làm triệt để vụ T4, mà vụ T4 là do cả Cục 12, Cục 11, Viện 70 làm dưới sự chỉ đạo của Vũ Chính. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Đỗ Quang Thắng và một số đồng chí lão thành cách mạng đã có ý kiến không phải một lần.


Trong thư tố cáo của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã nói rõ từ năm 1996 Vũ Chính đã vu cáo chính trị đồng chí Võ Nguyên Giáp được sự chỉ đạo của CIA, năm 1996 phái cấp tiến theo Mỹ đã vào Viện 108 đã nắm đồng chí Phạm Song nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có ý đầu độc đồng chí Lê Đức Anh v.v... Nhưng đồng chí Mạnh phớt lờ, lại chỉ thị cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm điểm đồng chí Nam Khánh. Vụ đặc tình giả T4 do Tổng cục 2 dựng lên xuất hiện từ giữa năm 1997 đến giữa năm 1999. Vậy các tin vu khống ấy xuất hiện từ năm 1996, là do Vũ Chính chỉ đạo được bộ máy giúp việc của Tổng cục 2 (Cục 12, Cục 11, Viện 70...) thực hiện, sao đồng chí Mạnh lại bao che? Thư đồng chí Nguyễn Nam Khánh tố cáo các điều sai trái trong bản báo cáo Bộ Quốc phòng trước Hội nghị Đảng ủy quân sự Trung ương mở rộng, thì đồng chí Mạnh bao che cho rằng đó chỉ là một cuộc giao ban.


Ai cũng biết trong Quân đội, giao ban là Ban trực trước bàn giao lại tình hình cho Ban trực sau (hoặc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng...) được tiến hành trong một thời gian ngắn. Làm gì có sự giao ban trong toàn quân, họp hết các đầu mối của toàn quân lại để giao ban, trong cả một ngày. Thực chất cuộc Hội nghị toàn quân đó rồi các cuộc hội nghị Quân khu Quân đoàn kế tiếp có mời cả Chủ tịch Hội Cựu chiến binh là lợi dụng "Ngọn cờ chống Mỹ" để đánh vào đồng chí Nguyễn Nam Khánh, để đưa ra một dư luận đồng chí Nguyễn Nam Khánh có liên hệ với phái cấp tiến để răn đe lão thành (Đề nghị xem kỹ văn bản Báo cáo của Bộ Quốc phòng do Tổng cục 2 chuẩn bị vào báo cáo).


Đồng chí Mạnh, chủ trị Bộ Chính trị và Ban Bí thư lại kết luận rằng: Vũ Chính chỉ có khuyết điểm là quản lý cán bộ không chặt chẽ. Thực chất Vũ Chính là người chỉ đạo vụ T4, dùng đặc tình giả để vu khống chính trị gần 30 đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chia rẽ phá hoại Đảng, huy động bộ máy Tổng cục 2 (gồm Cục 11, Cục 12, Viện 70...) làm việc đó. Nguyễn Chí Vịnh đã là cán bộ Cục 12 trước đây, tháng 2/1995 phụ trách Cục phó Cục 2, tháng 5/1995 được bổ nhiệm Cục phó Cục 12, rồi làm Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục phó, Tổng cục trưởng Tổng cục 2...


Tóm lại, qua thực tế việc làm, đồng chí Mạnh đã không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn là Ủy viên Trung ương, càng không đủ tiêu chuẩn và uy tín là người đứng đầu Đảng và Nhà nước.


- Đồng chí Mạnh đã "ăn theo" công lao của các đồng chí khác và vơ vào mình. Công phát triển kinh tế là công của đồng chí Khải. Công làm luật ở Quốc hội và bước đầu thực hiện quyền giám sát của Quốc hội là công của đồng chí An, công về nội chính, tư pháp của Công an, các cơ quan nội chính, của đồng chí Trương Vĩnh Trọng và đồng chí Trần Đức Lương... Còn ngoại giao thì đồng chí Mạnh đi Pháp, đi Nga, đi Nhật đều đạt kết quả thấp, nhạt.


Cán bộ, có cả Ủy viên Trung ương nói: đồng chí Mạnh chỉ ăn theo, vô tích sự.


Trong khi đó, việc chính của đồng chí Mạnh là xây dựng Đảng, thì trải qua một nhiệm kỳ, xây dựng chỉnh đốn Đảng đạt được kết quả thấp, chưa đạt yêu cầu cơ bản.


- Lãnh đạo chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, nhưng không lãnh đạo thực hiện được chống tham nhũng có hiệu quả. Tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng. Ai chịu trách nhiệm? Đồng chí Mạnh phải chịu trách nhiệm chính. Đồng chí Mạnh cứ nói mãi: từng chi bộ, từng cơ sở phải xem xét. Tất nhiên rồi, nhưng trước hết phải hiểu cơ sở là ai? Phải xem từ Bộ Chính trị, các Ban Cán sự Đảng ở cấp Trung ương, các ban Thường vụ cấp tỉnh và tương đương.


Chống quan liêu cũng vậy? Ai quan liêu? Đồng chí Mạnh và một số đồng chí trong Bộ Chính trị là những quan to và quan liêu của nước ta. Đi thăm các địa phương thì huy động đón rước, tốn tiền của, tốn thì giờ, chụp ảnh để "đánh bóng"; chỉ nghe báo cáo, chỉ nói mấy điều ai cũng biết, ai cũng nói được, những vấn đề phức tạp và xấu không phát hiện được. Đến khi đã xảy ra rồi mới bắt đầu yêu cầu báo cáo...


- Đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp.


- Các vấn đề tồn đọng trong Đảng thì tránh né, bao che, không giải quyết được.


- Trong Bộ Chính trị thì nể nang, xoa dịu, lấy lòng nhau để rồi phô trương là đoàn kết, là dân chủ.


- Thực tế là không lắng nghe tiếng nói của nhân dân, của đảng viên, kể cả của một số đồng chí lão thành cách mạng có tâm huyết. Ngược lại tìm cách trù dập, răn đe người phát hiện tội phạm với cái cớ cho là "làm lộ bí mật".


- Là Tổng bí thư nhưng không gương mẫu chấp hành điều lệ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Đảng, như nguyên tắc về quyền của đảng viên.


- Đầu óc xơ cứng, chỉ đọc những bài viết sẵn, nói những lời nói công thức, không sáng tạo, không năng động, không giải quyết những vụ việc nổi cộm, không thể đổi mới đúng hướng và toàn diện...”


(Đọc nguyên văn bức thư tại: (7)


Đọc qua bức thư của tướng Nguyễn Hòa chúng ta thấy điều gì? Đó là Nông Đức Mạnh rất bất tài và vô dụng. Đặc biệt đó là việc đã dung túng cho Nguyễn Chí Vịnh thành lập tổng cục 2 mà thực chất là cánh tay nối dài của Trung Nam Hải góp phần bán nước cho Trung cộng nhanh chóng hơn. Bạn đọc có thể đọc thêm bức thư của tướng cộng sản Nguyễn Nam Khánh để thấy rõ hơn điều này (8)


Thứ hai, hãy cùng đọc bức thư sau đây của một gia đình là nạn nhân cộng sản đang sống tại Việt Nam để chúng ta thấy sau năm 1975 đảng cộng sản đã cướp những gì của nhân dân:


“Kính Gửi: Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh Đảng CSVN


Bộ Chính Trị Trung Ương (TW) đảng CSVN


Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội do đảng CSVN cầm quyền.


Chúng tôi có tên dưới đây:


Huỳnh Ngọc Cảnh, đại diện một số anh chị em công nhân khu công nghiệp AMATA Đồng Nai.


Nguyễn Tấn Hoành, đại diện một số anh chị em Khu Công nghiệp Điện Bàn Quảng Nam.


Nguyễn Tấn Dung, đại diện một số anh chị em công nhân khu công nghiệp Biên Hòa II.


Dương Thái Phong, Huỳnh Tiến, Trương Long, Vũ Hà, Trần Tá,Võ Hải, Nguyễn thị Tuyết, thuộc khu công nghiệp Tân Bình và khu chế xuất Vĩnh Lộc.


Hoàng Anh Tuấn, Công Ty Giày da Gia Định, quốc lộ 13 Thủ Đức, Tp. Saigon.


Thưa quý Ngài lãnh đạo Bộ Chính Trị TW đảng CSVN


Ngày trước miền Nam 1975, gia đình chúng tôi chưa được cách mạng giải phóng. Cha mẹ chúng tôi có nhà, có đất làm ăn khấm khá chưa biết làm thuê làm mướn là gì. Trong thời đó những nhà thương gia Ấn Độ, kỹ sư người Nhật, Hàn Quốc vào miền Nam làm thuê và mua bán. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào người dân Việt Nam. Sau năm 1975, miền Nam được cách mạng giải phóng khỏi ách nô lệ, đảng hô hào nâng đỡ và đấu tranh cho hai giai cấp công nhân và nông dân. Chính lá cờ đảng CSVN thể hiện biểu tượng búa, liềm. Sự thật có phải như vậy không? Thưa, sự thật rất phũ phàng! Sau khi chiếm được miền Nam là cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản thì gia đình chúng tôi bị mất nhà, mất đất. Trong khi chúng tôi có tiền dư thóc để, thì chúng tôi bị lấy nhà và bị đuổi đi vùng sâu nước độc để khai phá đất hoang làm ăn. Do những cơn sốt rét vàng da, có những gia đình chết phân nửa, có những gia đình phải chết hết. Khi trở về thành phố thì nhà cao cửa rộng, ruộng vườn của mình thì bị cán bộ đảng viên thu. Điều này chúng tôi có nói sai đâu. Những villa nhà lầu hiện nay là nhà của đảng viên, thì thử hỏi cha ông của mấy ông này mua nhà đất từ thời nào để lại cho mấy ông đảng viên này, nếu không phải cướp của chúng tôi thì từ đâu mà có. Cuộc đời chúng tôi còn sống thì vẫn còn bị cướp. Đời Cha tôi bị cướp, đời tôi cũng bị cướp. Những gia đình chúng tôi lên vùng kinh tế mới khai hoang được vài ba mẫu đất làm ăn, cuộc sống chưa ổn định thì trò cướp bóc lại theo đuổi theo người dân nghèo chúng tôi, kế đến là chiêu thức kêu gọi đầu tư rước ngoại bang vào, lại tiếp tục lấy đất của chúng tôi. Bằng nhiều chiêu thức gạt gẫm lừa bịp gian manh quỷ quyệt, trù dập vu khống chụp mũ.” (9)


Chúng ta thấy gì trong bức thư trên? Đó là bức thư tố cáo những kẻ cướp là cộng sản Việt Nam. Không những đời cha ông mà cho đến đời nay vẫn bị cướp. Bản thân bức thư này gửi cho Nông Đức Mạnh - lúc đó làm tổng bí thư và Mạnh đã làm ngơ nó. Chứng tỏ Mạnh cũng bất tài và độc tài cùng với khả năng cướp bóc như tất cả lãnh đạo cộng sản mà thôi.



Thứ ba, từ một anh Trung cấp Lâm Nghiệp, Mạnh leo lên chức Tỉnh ủy viên, Phó Ty Lâm nghiệp, phó chủ tịch, phó tỉnh ủy kiêm chủ tịch rồi bí thư tỉnh ủy Bắc Thái. Năm 1989, Mạnh về Hà Nội làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương đảng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Năm 1991, Mạnh vào Bộ Chính trị và năm 1992 thành Chủ tịch Quốc hội.


Chín năm sau, năm 2001, giữa lúc các phe phái kèn cựa nhau, không ai chịu ai, chúng hướng đến giải pháp thứ ba là đưa tên “đội phá sơn lâm” không có thực quyền vào vị trí cao nhất đảng, trở thành “đảng trưởng phá sơn hà”! Từ một tên “công nhân lâm nghiệp” trình độ trung cấp đến một vị trí cao nhất nước, cuộc đời Mạnh cứ ngỡ như chuyện thần tiên. Đó là do Nông Đức Manh Mạnh là giọt máu của Hồ Chí Minh. Trở thành người mang danh vị cao nhất của đảng cộng sản, từ nghề phá sơn lâm Mạnh chuyển sang chuyển sang nghề phá sơn hà. Chỉ đơn giản nhắc lại hành trình bán nước của Mạnh trong việc cho Tàu vào phá nát vùng chiến lược Tây Nguyên theo tin tức của “báo đảng”: “Từ ngày 30/5- 2/6/2008, đồng chí Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.


Xin bạn đọc chú ý đến thông tin ngắn gọn mà báo đảng trích dẫn về cuộc họp này:“Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc bao gồm 9 điểm, hai bên bày tỏ hài lòng trước những thành quả to lớn đã đạt được trong quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước trong những năm qua; khẳng định tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung là tài sản quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần hết sức gìn giữ và không ngừng phát huy mạnh mẽ.


Hai bên bày tỏ sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực, tăng cường tin cậy toàn diện lẫn nhau, đi sâu hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy cùng nhau phát triển, thúc đẩy thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Hai bên tăng cường phối hợp trong các công việc quốc tế và khu vực, cùng nhau thúc đẩy xây dựng hòa bình lâu dài, cùng phồn vinh ở châu Á và trên thế giới.


Hai bên nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp tiếp xúc mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tuyên bố thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc... Hai bên đồng ý phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tích cực giải quyết các vấn đề còn lại và đẩy nhanh tiến độ công tác, đảm bảo thực hiện đúng thời hạn mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền trong năm 2008 và sớm ký văn bản mới về quy chế quản lý biên giới nhằm xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác...”.


Nội dung trên trích từ bài báo của Đại sứ quán cộng sản tại Brazil (10).



Nông Đức Mạnh chỉ đạo ký văn kiện bán nước năm 2008 cùng Hồ Cẩm Đào


Nửa năm sau, mãi đến ngày 9.2.2009, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam mới công bố Tuyên bố chung giữa Mạnh và Hồ Cẩm Đào trong chuyến đi năm 2008.


Lý do của sự chậm trễ này là một điều khoản nhỏ mà người dân có thể xem như một hành động bán nước: cho Trung cộng khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Nghĩa là biết chuyện mình làm là sai nhưng Mạnh vẫn lén lút ký. Lén lút ký nhưng Mạnh biết là không thể giấu mãi vì sớm muộn gì Tàu cũng vào Tây nguyên, nên phải công bố. Và để công bố, Mạnh đã phải bỏ ra nửa năm chuẩn bị cho việc bịt miệng và răn đe báo chí, đưa Nguyễn Tấn Dũng ra dọa: khai thác bauxite là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước”.


Lần đầu tiên danh từ bôxít xuất hiện là ngày 3.12.2001 trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh”cụ thể là trong điểm thứ 6:


“6- Hai bên xác định trong thế kỷ mới cần tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật và các lĩnh vực khác giữa hai nước theo phương châm bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả, bổ sung ưu thế cho nhau, hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển; tích cực khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp hai bên khai thác thêm thị trường hàng hóa của hai nước, tăng cường đầu tư và hợp tác, mở rộng quy mô hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thực hiện các dự án hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội thiết thực.


Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông.


Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới. Trung Quốc tích cực ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.” - Xem toàn văn tại website của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ: (11).


Tháng 11.2006, Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam chuyến nữa. Lần này thông báo viết: “Từng bước cải thiện cơ cấu mậu dịch, cố gắng thực hiện phát triển cân bằng và tăng trưởng bền vững thương mại hai chiều. Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xít Đắc Nông...” (12).


Qua đây chúng ta thấy điều gì? Đó là Nông Đức Mạnh đã bán nước cho Trung cộng thông qua dự án Bô Xít Tây Nguyên. Đó là bằng chứng không thể chối cãi của kẻ đứng đầu đảng độc tài cộng sản.


Thứ tư, theo một tài liệu được tiết lộ bởi Wikileaks thì Vụ Bauxit Tây Nguyên, Nông Đức Mạnh nhận 300 triệu USD - Nguyễn Tấn Dũng 150 triệu USD là có thật: “Những chuyển ngân cho gia đình Thủ Tướng Nguyền Tấn Dũng chỉ bắt đầu vào cuối năm 2006 và đến tháng 6 năm 2009 thì tổng số cũng đã lên khoảng gần 150 triệu đô la. Kể từ cuối năm 2001 đã có những giao dịch chuyển ngân hàng chục triệu đô la từ Trung Quốc sang các tài khoản của gia đình Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh ở Thụy Sĩ và ở Cayman Islands. Vào thời điểm của điện văn này là tháng 6 năm 2009 thì tổng số đã chuyển ngân lên tới gần 300 triệu đô la...


Theo tin từ một thân hữu báo chí ở Norway (Na Uy), một điện văn trong số 250,000 mà WikiLeaks lấy được từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đã giao cho tờ báo buổi chiều lớn nhất Na Uy là tờ Aftenposten thì có một điện văn liên quan về Việt Nam nói đến dự án khai thác bô-xít nhôm ở Tây Nguyên.


Nội dung điện văn chính yếu là yêu cầu Bộ Tài Chính Hoa Kỳ giúp điều tra và xác minh một số giao dịch ngân hàng quốc tế. Cụ thể, theo điện văn này thì một nguồn tin trong giới ngân hàng Việt Nam cho biết kể từ cuối năm 2001 đã có những giao dịch chuyển ngân hàng chục triệu đô la từ Trung Quốc sang các tài khoản của gia đình Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh ở Thụy Sĩ và ở Cayman Islands. Vào thời điểm của điện văn này là tháng 6 năm 2009 thì tổng số đã chuyển ngân lên tới gần 300 triệu đô la.


Cũng trong điện văn này, nguồn tin từ ngân hàng Việt Nam cho biết những chuyển ngân cho gia đình Thủ Tướng Nguyền Tấn Dũng chỉ bắt đầu vào cuối năm 2006 và đến tháng 6 năm 2009 thì tổng số cũng đã lên khoảng gần 150 triệu đô la. Các chuyển ngân trong phần của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thì không đề cập đến ngân hàng nước nào”.(13).


Mặc dù chưa kiểm chứng được bằng văn bản công khai của Wikileaks nhưng việc đàn áp biểu tình chống Trung cộng(Trong đó có chống khai thác Boxit Tây Nguyên), lặng im xem các ý kiến phản đối của nhiều quan chức như Đặng Hùng Võ, nhóm 72 và nhiều tổ chức, cá nhân khác của cộng sản Việt Nam có thể xem là bằng chứng về việc cộng sản nhận tiền và cho giặc Tầu vào làm boxit tại Việt Nam. Một minh chứng đặc biệt cho việc này là TS Cù Huy Hà Vũ đã vào tù vì việc chống lại chủ trương cho Trung cộng khai thác Boxit Tây Nguyên. Người ta nếu không nhận tiền bán nước thì không thể bỏ tù một tiến sỹ Luật, con của một đại công thần cộng sản vì một lý do lãng nhách nào khác.


Thứ năm, sự bất tài và phá đảng, bán nước của Nông Đức Mạnh còn được RFA tổng hợp trên một bài báo có phỏng vấn nhiều người trong đó có quan chức cộng sản và nhà báo Bùi Tín - một cựu cộng sản như sau: “Ông Bùi Tín kể: Lá thư của ông Giáp được rất nhiều vị tướng, từ ông Chu Huy Mân đến một số vị thiếu tướng, đặc biệt ông Nguyễn Nam Khánh hết sức ủng hộ. Do đó trước Đại hội 10, năm 2005, Ông Nông Đức Mạnh bị buộc phải tổ chức ra một ban, gọi là Ban Kiểm tra liên ngành đặc biệt, gồm đại diện của: Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Tư pháp, Ban Bảo vệ Trung ương, Cục Bảo vệ Quân đội, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính,... lên đến hơn 20 người. Ban Kiểm tra liên ngành đã làm việc và đã có một báo cáo- mà tôi được biết là dày đến 70 trang - hoàn thành trước Đại hội 10. Trước khi Đại hội 10 họp thì ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cùng với Bộ Chính trị lúc đó có một sáng kiến là ỉm báo cáo này đi. Họ cho là báo cáo này nguy hiểm quá. Nếu trong Đảng và nhân dân được biết thì có thể tạo ra sự đảo lộn rất lớn về chính trị. Ông ấy viện cớ là nếu phổ biến, trung ương mà biết, đại hội mà biết thì gia đình, bạn bè họ đều biết thì khó có thể giữ được bí mật. Cho nên ông Nông Đức Mạnh mới thuyết phục Bộ Chính trị, thuyết phục Ban Chấp hành Trung ương trước Đại hội 10 là không phổ biến báo cáo tuyệt mật đó. Ông ấy yêu cầu là do sự ổn định của chế độ, ổn định của Đảng, coi như Bộ Chính trị khóa trước đã xem và coi như đã giải quyết xong xuôi. Hủy báo cáo này đi, coi như báo cáo này không có.”(14).



Cha con độc tài


Thứ sáu, trong thời kỳ của mình Nông Đức Mạnh cũng là một kẻ độc tài phá dân chủ. Hàng loạt tên tuổi lớn đấu tranh cho tự do dân chủ bị Nông Đức Mạnh cùng Võ Văn Kiệt và sau này là Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng đàn áp hoặc cho vào tù như: Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày, đàn áp Khối 8406 đấu tranh ôn hòa cho dân chủ tại Việt Nam... Như vậy Mạnh chính là một kẻ thù của dân chủ và tự do tại Việt Nam. Mạnh cũng giống như các lãnh đạo cộng sản khác rất bất tài nhưng độc ác và độc tài.


Chính Nông Đức Mạnh đã chỉ đạo ra "Nghị quyết 36/CP" ngày 26/3/2004 của Bộ chính trị cộng sản để gọi kẻ cựu thù là khúc ruột ngàn dặm, một bộ phận không thể tách rời. Đến nay ai cũng biết đó là nghị quyết vừa để rút ruột những người Việt tị nạn cộng sản. Vừa để cho phép đánh phá phong trào tự do thông qua chiêu bài “hòa hợp, hòa giải”. (15)


IV. Kết Luận


Một đứa con rơi của Hồ Chí Minh nên đã nhanh chóng từ một kẻ thất học leo dễ dàng lên ngai vua để tham nhũng và vơ vét tài sản của nhân dân. Chính Nông Đức Mạnh cũng là kẻ kéo thêm dân tộc Việt vào vòng xoáy nô lệ cho Trung cộng mà cha ông ta là Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho các tầng lớp lãnh đạo cộng sản sau này. Chế độ cộng sản luôn sản sinh ra những ký sinh trùng đục khoét, bán nước và hại dân như Nông Đức Mạnh. Cần nhìn thẳng vào sự thật lịch sử để thấy cộng sản là không thể sửa chữa mà chỉ có thể gạt bỏ. Đó chính là một Việt Nam tươi sáng tương lại khi không còn ách thống trị của băng đảng cộng sản bạo quyền.


10/09/2013



Đặng Chí Hùng
danlambaovn.blogspot.com

____________________________________

Chú thích:



(1) http://www.vietnamembassy-mongolia.org/vi/nr070521170056/news_object_view?newsPath=/vnemb.vn/tt_vietnam/ns070703091447
(2) http://www.voer.edu.vn/module/nong-thi-trung
(3) http://danlambaovn.blogspot.com/2012/05/on-to-cao-cua-con-gai-ong-nong-uc-manh.html#.Uim2R9JkMR8
(4) http://vietinfo.eu/chuyen-phiem/cuu-tbt-nong-duc-manh-tu-con-trai-nong-quoc-tuấn.html
(5) http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hòa
(6) http://petrotimes.vn/news/vn/petrovietnam/hoi-ccb-pvn-va-ban-lien-lac-su-doan-5-den-tham-trung-tuong-nguyen-hoa.html
(7) http://danchutudo.blogspot.com/2006/04/bc-th-t-co-ca-trung-tng-nguyn-ha-v-tbt.html
(8) http://danchutudo.blogspot.com/2006/04/th-ngy-15112004-ca-thng-tng-nguyn-nam.html
(9) http://saohomsaomai.wordpress.com/2011/05/08/dang-t%C6%B0-b%E1%BA%A3n-lam-gi%E1%BA%A7u-cho-dan-ngheo/
(10) http://www.vietnamembassy-brazil.org/vnemb.vn/tin_hddn/ns080602094333
(11) http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20011203000335
(12) http://www.sggp.org.vn/apec/2006/11/71847/
(13) http://nghiathuc.wordpress.com/2011/03/27/tiết-lộ-wikileaks-vụ-bauxit-tay-nguyen-nong-dức-mạnh-nhận-300-triệu-usd-–-nguyễn-tấn-dung-150-triệu-usd-la-c/
(14) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-military-intelligence-bureau-and-the-signs-of-one-crushing-calamity-part-2-08132009165929.html

(15) http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=381&mode=detail&document_id=13036