Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015
"Đột nhập" nơi tập kết gỗ bị chặt tại Hà Nội
23/03/2015 14:59
(NLĐO)- "Đột nhập" vào bên trong nơi tập kết được quây kín tôn cao 2 m ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) là hàng ngàn khúc gốc, thân cây còn tươi nằm la liệt, có khúc ứa nhựa, có khúc "khủng" tới 2 người ôm....
Những ngày qua, đề án chặt hạ, thay thế hơn 6.700 cây xanh tại Hà Nội gây bất bình dư luận. Hàng trăm cây cổ thụ trên nhiều tuyến phố đã bị chặt hạ trong khi câu hỏi số gỗ đang về đâu chưa được cơ quan chức năng trả lời rõ ràng.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc tìm hiểu nhằm "đột nhập" vào kho tập kết được cho là nơi chứa số gỗ bị đốn hạ này. Sau nhiều ngày tìm hiểu, theo dõi, lần theo những dấu vết và thông tin từ phía người dân, chúng tôi đã xác định được 1 bãi tập kết gốc, thân cây vừa chặt hạ rất lớn tại khu vực Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Theo ghi nhận, bãi tập kết “khủng” này có diện tích rất lớn, nằm trên đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Được quây kín tôn màu xanh cao khoảng 2 m, cổng có bảo vệ túc trực nghiêm ngặt. Sau thời gian thăm dò, chúng tôi đã tìm được con đường nhỏ đi vào phía trong bãi tập kết gỗ này.
Bước vào trong khu tập kết, ấn tượng đầu tiên của phóng viên là hàng ngàn khúc gốc, thân cây mới bị đốn hạ, có những gốc vẫn còn đang chảy nhựa, có những cây gỗ “khủng” tới 2 người ôm. Khi chúng tôi vừa tiến hành ghi hình thì bảo vệ nơi đây phát hiện, liên tục xua đuổi không cho chụp ảnh, ghi hình.
Một số hình ảnh ghi tại nơi nghi là tập kết cây xanh bị chặt tại Hà Nội:
Lối cổng nhỏ đi vào khu tập kết gỗ "khủng"
Con đường dẫn vào bãi tập kết gỗ
Bãi gỗ dài khoảng 500 m với những súc gỗ lớn nhỏ xếp cao quá đầu người
Những khúc gỗ còn rất tươi được chuyển tới đây tập kết
Bãi tập kết bao gồm cả thân và gốc nằm la liệt
Có những khúc gỗ “khủng” 2 người ôm
Khúc gỗ có đường kính bằng cả sải tay người
Bảo vệ liên tục xua đuổi khi phát hiện phóng viên
Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ chặt cây xanh Hà Nội
(NLĐO)- Theo GS-TS Nguyễn Lân Dũng việc thanh tra vụ chặt cây xanh Hà Nội không phải là việc riêng của Hà Nội mà là của cả nước, vì vậy phải do Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Chiều 23-3, Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng tổ chức tọa đàm Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội.
Thời gian qua, Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015, theo đó Hà Nội sẽ thực hiện chặt hạ, trồng thay thế 6.708 cây xanh trên 190 tuyến phố (tạm gọi là “Đề án 6700”) vấp phải phản ứng dữ dội của người dân. Ngày 20-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức chỉ đạo dừng việc chặt cây xanh tại Hà Nội.
Hội trường không còn chỗ trống
Hội trường buổi toạ đàm không còn một chỗ trống. Ngay trước giờ bắt đầu hội thảo, phòng họp đột ngột mất điện. Mọi người phải kéo rèm để lấy ánh sáng và hội thảo vẫn diễn ra bình thường. Đại diện Ban tổ chức cho biết có mời đại diện UBND TP Hà Nội nhưng không thấy ai đến.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, GS-TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, nhấn mạnh: Chặt 6.700 cây chiếm 1/7 cây xanh Hà Nội. “Tôi nghĩ cái đầu tôi giờ mất 1/7 tóc thì như hói” - GS Dũng ví von và nhấn mạnh: "Những việc vừa qua phải truy cứu trách nhiệm những người ký quyết định và thực thi chủ trương này. Và tôi kiến nghị, việc thanh tra không phải là việc của Hà Nội. Vì đây không phải chỉ là việc riêng của Hà Nội mà là của cả nước. Vì vậy, việc thanh tra này phải do Thủ tướng quyết định”.
Cũng theo ông Dũng: “Hà Nội bảo chặt cây không phải là một chiến dịch nhưng trên mạng, người ta nói chặt cây còn nhanh hơn cả lâm tặc. Việc Hà Nội “đổ tội” cho các cây xà cừ hay bị đổ là oan uổng cho xà cừ. Hà Nội nói mới chặt 500 cây nhưng tôi nghe là chặt 2.000 cây rồi. Vậy tôi nghĩ Thanh tra Chính phủ vào cuộc sẽ rõ".
“Con đường đẹp nhất Việt Nam Nguyễn Chí Thanh” biến thành “công trường” sau khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: Nguyễn Hưởng
Cùng quan điểm với GS Dũng, GS-TSKH. Phạm Ngọc Đăng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp - nhấn mạnh đề án này phản khoa học. Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội lệnh tạm dừng chặt là chưa đủ mà phải mạnh dạn xin lỗi dân. Ông Đăng cho rằng lỗi này không phải là do Sở Xây dựng hay các nhà tài trợ mà là những người lãnh đạo. “Với cách làm này, người Hà Nội còn phải chịu sống ô nhiễm dài dài” – GS Đăng nói.
TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, gay gắt: “Thảm sát cây như vậy, những cây là nhân chứng lịch sử, chẳng khác gì một vụ Mỹ Lai về cây cối”.
Tin - ảnh: Văn Duẩn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét